YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Võ Văn Kiệt

Tải về
 
NONE

Với mục tiêu giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện kĩ năng làm thử đề thi theo cấu trúc của đề THPT Quốc gia để chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt, HOC247 đã biện soạn chọn lọc tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Võ Văn Kiệt dưới đây. Những đề thi này bao gồm các câu hỏi Đọc hiểu và Làm văn bám sát theo chương trình học của các em. Chúc các em sẽ có một kì thi thật tốt nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT

VÕ VĂN KIỆT

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

MỘT LY SỮA

     Có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Hôm đó, cậu lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi mà bụng đang rất đói. Cậu quyết định xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Cậu hốt hoảng khi thấy một cô bé dễ thương ra mở cửa. Thay vì xin ăn, cậu ta đành xin một ly nước nóng.

     Cô bé nghĩ rằng cậu trông đang đói nên đem ra một ly sữa lớn.

     Cậu uống từ từ, rồi hỏi: “Tôi nợ bạn bao nhiêu?”

    Cô bé đáp: “Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt.”

     Cậu ta nói: “Vậy thì tôi cảm ơn bạn nhiều lắm!”

     Khi Howard Kelly rời căn nhà đó, cậu ta không những cảm thấy trong người khỏe khoắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống rất mạnh mẽ.

    Sau bao năm, cô gái đó bị ốm nghiêm trọng. Các bác sĩ trong vùng đều bất lực và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời làm chuyên gia. Khi nghe tên nơi ở của bệnh nhân, một tia sáng lạ lóe lên trong mắt anh. Anh đứng bật dậy và đi đến phòng cô gái. Anh nhận ra cô gái ngay lập tức. Anh quay trở lại phòng chuyên gia và quyết tâm phải gắng hết sức để cứu được cô gái. Anh đã quan tâm đặc biệt. Sau thời gian đấu tranh lâu dài, căn bệnh của cô gái đã qua khỏi. Anh cầm tờ hóa đơn thanh toán viện phí, viết gì đó bên lề và cho chuyển lên phòng cô gái.

     Cô gái lo sợ không dám mở tờ hóa đơn viện phí ra, bởi vì cô chắc chắn rằng đến suốt đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này. Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hóa đơn: “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa.” Ký tên: Tiến sĩ Howard Kelly.

     Mắt đẫm lệ, cô gái xúc động thốt lên: “Lạy Chúa, tình yêu thương bao la của Người đã lan rộng trong trái tim và bàn tay con người".

(1) Tiến sĩ Howard Kelly: nhà vật lý lỗi lạc, đã sáng lập khoa Ung thư, trường Đại học John Hopkins năm 1895.

Câu 1. (0.5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. (0.5 điểm) Theo tác giả, vì sao cậu bé Howard Kelly khi rời khỏi căn nhà không những cảm thấy trong người khỏe khoắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống rất mạnh mẽ?

Câu 3. (1 điểm) Anh/Chị hiểu thế nào về lời nói của cô bé: “…Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt”?

Câu 4. (1 điểm) Nêu bài học mà anh/chị nhận được từ ý nghĩa của câu chuyện trên.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. (2 điểm) Từ câu chuyện Một ly sữa ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ củ mình về câu nói của Brian Tracy: "Hãy luôn cho mà không ghi nhớ và luôn nhận mà không lãng quên".

Câu 2. (5 điểm)

     Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…

     Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay…”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khụy xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

     Mị đứng lặng trong bóng tối.

    Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc. Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

(Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.13-14)

     Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ tới đoạn kết truyện Chí Phèo (Nam Cao), nhận xét về kết thúc cuộc đời nhân vật Mị và Chí Phèo.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2

- Cậu bé khi rời khỏi căn nhà “không những cảm thấy trong người khỏe khắn, mà còn thấy niềm tin vào con người, vào cuộc sống mạnh mẽ” vì: cậu bé đã nhận được tình yêu thương, sự quan tâm rất đỗi chân thành, tự nhiên từ một cô gái nhỏ mà cậu gặp khi định xin đồ ăn.

Câu 3:

- Câu nói có nghĩa là: Giúp đỡ, tốt bụng với một ai đó không phải vì để được trả ơn mà phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành.

Câu 4:

- Bài học: khi cho đi bằng tình yêu thương chân thành, ta sẽ nhận lại được sự chân thành, tình yêu thương gấp bội

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

“Hãy luôn cho mà không ghi nhớ và luôn nhận mà không lãng quên”

- "Cho đi mà không ghi nhớ": khi giúp đỡ mọi người phải luôn xuất phát từ tình yêu thương, từ trái tim chân thành, không toan tính thiệt hơn.

- "Nhận lại mà không lãng quên": khi nhận được sự giúp đỡ của người khác phải ghi nhớ công ơn và báo đáp khi có cơ hội.

⟹ Câu nói đã khẳng định ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống.

* Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa:

+ Biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn mà không đòi hỏi sự trả ơn là hành động nhân văn, đúng đắn.

+ Khi biết cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại yêu thương từ những người xung quanh.

+ Cuộc sống, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, mối quan hệ giữa con người với con người trở nên gần gũi hơn khi ta biết cho đi, nhận lại, giúp đỡ và yêu thương nhau chân thành.

- Dẫn chứng

* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Phê phán sự vô cảm.

- Cho đi và nhận lại không đồng nghĩ với thương hại và đòi hỏi được đền ơn.

- Liên hệ bản thân:

+ Thấy được tầm quan trọng của yêu thương, giúp đỡ mọi người.

+ Có những hành động thiết thực giúp đỡ cha mẹ, bạn bè,…

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Tô Hoài

- Giới thiệu truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

2.1. Cảm nhận về đoạn kết truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ"

a) Tóm tắt truyện theo nhân vật Mị - số phận khổ đau

- Mị là một cô gái có nhan sắc, hiếu thảo và ý thức được vẻ đẹp của mình.

- Do món nợ truyền kiếp của gia đình mà cô trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.

b) Tình huống hành động - giải thích nguyên nhân dẫn đến hành động

- "Hai dòng nước mắt bò xuống hõm má" đã xám đen lại của A Phủ đánh thức tâm hồn Mị:

+ Trong cõi quên, Mị dần trở về với cõi nhớ, kí ức đau khổ sống lại, “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”

=> Mị thấy xót xa cho mình, rồi từ thương mình mà thương cho người trong sự đồng cảnh…

+ Trong cõi vô thức, Mị dần dần sống lại ý thức. Mị nhớ đến người đàn bà ngày trước ở nhà này cũng bị bắt trói đến chết. Rồi Mị phán đoán “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Mị so sánh, mình là thân đàn bà, đã bị bắt về trình ma nên phải chờ đến ngày rũ xương ở đây là đương nhiên, nhưng A Phủ thì “việc gì mà phải chết thế”…

+ Mị đã tự trải nghiệm qua một tình huống tưởng tượng. A Phủ trốn thoát, bố con Pá Tra sẽ buộc tội Mị, bảo là Mị cởi trói, rồi Mị sẽ chịu trói và chịu chết thay trên cái cọc kia. Nhưng nghĩ đến kết cục ấy, Mị cũng không thấy sợ…

c) Hành động bước ngoặt - vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật

- Lòng thương người đã lấn át cả nỗi thương thân, dẫn Mị đến một quyết định táo bạo. Trong bóng tối, Mị rón rén bước lại, rút con dao cắt lúa để cắt nút dây mây…

- Nhưng khi “gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng”.

- Mị vụt chạy ra, băng đi trong bóng tối, “nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt”: “A Phủ cho tôi đi”, chỉ giải thích ngắn gọn “Ở đây thì chết mất”. “Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi” để đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng tự do…

d) Vẻ đẹp tâm hồn nhân vật A Phủ - sự can trường, mạnh mẽ, tự tin

- Sau mấy đêm bị trói đứng, không được ăn uống, khi những vòng dây mây trói chặt trên người được gỡ hết “A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy”. Anh “đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc”, để vùng thoát khỏi chốn địa ngục trần gian, để đi tìm sự sống.

- Câu nói gọn chắc của A Phủ “Đi với tôi” khi Mị xin đi theo.

- Sau đây, khi đến Phiềng Sa, A Phủ đã trở thành tiểu đội trưởng du kích, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc để giải phóng hoàn toàn cuộc đời mình và giải phóng bản làng quê hương

2.2. Liên hệ với đoạn kết truyện ngắn Chí Phèo

a) Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo

b) Tóm tắt truyện theo nhân vật Chí Phèo - số phận khổ đau

c) Tình huống hành động - giải thích nguyên nhân dẫn đến hành động

- Nguyên nhân sâu xa: sự thức tỉnh

- Nguyên nhân trực tiếp: do bị Thị Nở từ chối khát vọng hạnh phúc và hoàn lương, Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng, nỗi đau đớn biến thành phẫn uất, định uống thật say để đến đâm chết cô cháu Thị Nở nhưng do say quá mà quên đi ý định ban đầu, quen chân đến nhà Bá Kiến, đặc biệt là do đã nhận thức được kẻ thù đích thực của mình

d) Hành động bước ngoặt - Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật

* Nhận diện, kết tội và trừng trị kẻ thù

* Tự kết liễu mạng sống của chính mình

2.3 Nhận xét về điểm gặp gỡ và khác biệt của hai tác phẩm

* Nét riêng (tính khác biệt):

+ Kết thúc Vợ chồng A Phủ là sự giải thoát của Mị và A Phủ, đón chào một tương lai tươi sáng, hạnh phúc

+ Kết thúc Chí Phèo là cái chết không lối thoát

=> Lý giải: Kết thúc truyện Chí Phèo phản ánh hiện thực luẩn quẩn, bế tắc của người nông dân lao động, được thể hiện qua kết cấu đầu cuối tương ứng hàm ý tương lai sẽ chỉ là sự lặp lại của hiện tại; kết thúc truyện Vợ chồng A Phủ phản ánh xu hướng vận động tất yếu của số phận con người, ánh sáng của Đảng dẫn đường sẽ đem đến tương lai tươi sáng hơn cho số phận con người.

* Nét chung (tính thống nhất):

Các nhân vật Chí Phèo và Mị đều ở tình thế tận cùng của khổ đau, trong những tình huống đặc biệt đã thúc đẩy hành động bước ngoặt mang tính tự phát, dữ dội đầy kịch tính. Nhưng đằng sau hành động bước ngoặt bất ngờ ấy lại là sự tất yếu, là sự vỡ bờ khi tức nước, khi người nông dân bị dồn đẩy đến đường cùng không lối thoát.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

ngày chúng tôi đi

các toa tàu mở toang cửa

không có gì phải che giấu nữa

những thằng lính trẻ măng

tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ

những thằng lính trẻ măng

quân phục xùng xình

chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

và dài muốn đứt hơi

hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

thế hệ chúng tôi

hiệu còi ấy là một lời tuyên bố

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai

một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

xoay trần đào công sự

xoay trần trong ý nghĩ

đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

    (Một người lính nói về thế hệ mình – Thanh Thảo, 123, NXB Hội Nhà văn, 2007, tr. 63 – 64)

Câu 1: Trong văn bản trên, tác giả đã sử dụng thể thơ gì? Anh/chị dựa vào đâu để xác định như vậy?

Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và nêu tên các biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản.

Câu 3: Đại từ “chúng tôi” trong đoạn thơ chỉ đối tượng nào? Ngoài đại từ này, đối tượng đó còn được gọi tên bằng một số cụm từ khác. Hãy chép ra các cụm từ ấy.

Câu 4: “Thế hệ chúng tôi” được khắc họa trong văn bản có những đặc điểm gì nổi bật? Tác giả đã dựng chân dung của thế hệ mình với thái độ như thế nào?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Theo những điều được gợi lên từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày nhận thức của anh/ chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước, dân tộc.

Câu 2: Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu - Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017), hai nhân vật Phùng và Đẩu từng có lúc thốt lên: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!”.

     Qua phân tích tình huống dẫn đến cảm giác ngạc nhiên, bối rối chứa đựng trong lời nói ấy của các nhân vật, anh/ chị hãy làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Thể thơ tự do.

- Căn cứ để xác định: số chữ trong các câu không đều nhau; cách ngắt dòng phóng túng; vần gieo không theo mô hình cố định, thậm chí có chỗ bỏ qua vần…

Câu 2:

- Phương thức biểu đạt chính của văn bản: biểu cảm (hoặc trữ tình) và tự sự.

- Các biện pháp tu từ nổi bật: ẩn dụ, so sánh.

Câu 3:

- Đối tượng được chỉ định bằng đại từ “chúng tôi”: những người lính trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

- Một số cụm từ khác cùng chỉ về đối tượng: “những thằng lính trẻ măng”, “thế hệ chúng tôi”, “một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận”, “một thế hệ thức nhiều hơn ngủ”.

Lưu ý: Vế thứ nhất của câu hỏi giúp xác định mức độ hiểu biết của thí sinh về tác giả và bối cảnh được miêu tả trong văn bản. Vế thứ hai của câu hỏi kiểm tra một kỹ năng đọc thơ mang tính đặc thù: nhận ra sự lặp lại với một số biến hóa của những từ/ hình ảnh then chốt, từ đó, xác định được hình tượng trung tâm và thông điệp chính của văn bản.

Câu 4:

“Thế hệ chúng tôi” được khắc họa với những đặc điểm nổi bậtcởi mở, tinh nghịch, trẻ trung ("không có gì phải che giấu nữa, tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ, chen bám ở bậc toa như chồi như nụ"); dám gánh vác trách nhiệm trước đất nước ("hiệu còi ấy là một lời tuyên bố"); dày dạn, kiên trì trước những thử thách khốc liệt ("mỗi ngày đều đụng trận, vác cối nặng, thức nhiều hơn ngủ, xoay trần đào công sự…"); đầy tinh thần sáng tạo trong hành trình cuộc sống ("xoay trần trong ý nghĩ, đi… bằng rất nhiều lối mới…").

- Thái độ của tác giả khi dựng chân dung thế hệ mình: tự tin, yêu quý, tự hào, không hề có một chút mặc cảm.

Lưu ý: Thí sinh không nhất thiết phải dùng đúng các từ định danh đặc điểm đối tượng miêu tả/ khắc họa và các từ khái quát về thái độ của nhà thơ giống như trong đáp án. Điều quan trọng là nhận ra được nội dung biểu đạt và sắc thái ý nghĩa riêng của những cụm từ/ hình ảnh nổi bật có trong văn bản được chọn in nghiêng ở trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1:               

1. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

3. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn mực.

Câu 2:

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ mở bài, thân bài, kết luận; nội dung phần nào phải phù hợp với tính chất quy ước chung của phần ấy.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

- Tình huống dẫn tới lời thốt lên của hai nhân vật: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!”.

- Nội dung và ý nghĩa thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

3. Nêu được những thông tin khái quát về tác giả, tác phẩm:

- Tác giả: Nguyễn Minh Châu – nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng, người góp phần đổi mới văn học sau 1975.

- Tác phẩm: viết năm 1983, báo hiệu sự chuyển mình của văn học Việt Nam sang thời kỳ mới.

4. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

- Một tình huống đầy nghịch lý, có nền là hoàn cảnh, sự việc nhiều éo le:

+ Cảnh bạo lực giữa khung cảnh thơ mộng.

+ Phản ứng lạ lùng của những người liên đới.

+ Cách giải quyết sự việc và kết cục bất ngờ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó có là tiếng thở dài não ruột của một người đang ở nơi xa, hay ngay cả “tiếng vô thanh” của dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn hối hả vội vàng, nên dễ khiến ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để ta tự suy ngẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim… Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác. Vậy từ bây giờ ta hãy tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để tập nghe rõ lại từng bước chân và hơi thở của mình.  Đó là những âm thanh rất gần gũi và quan trọng mà ta đã quên lãng từ lâu. Ngoài ra, ta hãy cố gắng tập im lặng lắng nghe từng dòng cảm xúc nhớ nhung hay khát khao, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lắng để ta nhận ra từng thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta có cơ hội hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn… Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình. Làm chủ được chính mình cũng chính là làm chủ được cuộc đời mình. Khi làm chủ được cuộc đời mình, ta mới đủ bản lĩnh mời người khác cùng tham dự mà không gây khổ lụy cho nhau, đủ sức dắt nhau đi qua những quãng đời gian khó.

(Trích Hiểu về trái tim, Minh Niệm, NXB Trẻ 2013)

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào? (0.5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, khi nào người ta sẽ nghe được cả “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống? (0.5 điểm)

Câu 3: Anh/chị hiểu thế nào là “lắng nghe chính mình”? (1 điểm)

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: "phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới nghe và thấu hiểu được những kẻ khác" không? Vì sao? (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1: Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của sự im lặng.(2 điểm)

Câu 2: Suy nghĩ của anh/chị về quá trình thay đổi nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 1). Liên hệ với nhận thức của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11, tập 1); từ đó trình bày nhận thức của anh/chị về mối liên hệ giữa nghệ thuật và đời sống.(5 điểm)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1:

- Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích gồm: nghị luận, biểu cảm.

Câu 2:

- Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối ta sẽ nghe được “tiếng động” và “tiếng vô thanh” của đời sống

Câu 3:

“Lắng nghe chính mình” có thể hiểu là:

- Lắng nghe để biết, để biết bản thân mong gì, muốn gì.

- Lắng nghe chính mình để sống thành thực với những cảm xúc của bản thân.

- Lắng nghe chính minh cũng là cách bạn hiểu được giá trị của bản thân với thế giới.

Câu 4:

- Đồng tình với quan điểm của tác giả

- Lý giải: Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề

- Im lặng là gì? Im lặng là trạng thái não và các dây thần kinh vẫn hoạt động bình thường nhưng con người không có bất cứ hành động, lời nói nào. Đó là khoảng không gian tĩnh mịch hoàn toàn.

⟹ Im lặng để lắng nghe, để thấu hiểu chính mình và những người xung quanh

Bàn luận vấn đề

- Biểu hiện của sự im lặng:

+ Im lặng là không tham gia tranh luận, không can thiệp vào sự việc nào đó.

+ Im lặng còn có thể được hiểu là thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng với những gì đang xảy ra xung quanh.

- Giá trị của sự im lặng

+ Im lặng là khoảng thời gian giúp chúng ta tĩnh tâm, suy nghĩ lại những hành động của bản thân và rút ra cho mình những bài học cuộc sống.

+ Im lặng cũng là lắng nghe những người xung quanh để hiểu họ hơn, đó là một cách quan tâm đặc biệt, giúp bạn có cách ứng xử phù hợp với các cá thể khác trong xã hội.

- Nhưng im lặng không có nghĩa là thơ ờ, vô trách nhiệm trước cái xấu, cái ác.

- Trước những hiện tượng tiêu cực chúng ta vẫn cần lên tiếng để bảo vệ công lý và lẽ phải.

Liên hệ bản thân: Sự yên lặng đem đến cho em những lợi ích gì?

Câu 2:          

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Chặng đường sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh.

- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – năm 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lý của Nguyễn Minh Châu.

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

2.1. Giới thiệu nhân vật Phùng

2.2. Quá trình nhận thức của nhân vật

2.3. Liên hệ với nhận thức của nhân vật Vũ Như Tô

2.4. Điểm tương đồng và khác biệt trong nhận thức giữa hai nhân vật

3. Kết luận

Khái quát lại vấn đề

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Võ Văn Kiệt. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF