YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Khai Nguyên

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Khai Nguyên dưới đây. Tài liệu này nhằm giúp các em ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới đạt điểm thật cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT

KHAI NGUYÊN

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

     Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Vì thế, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng đánh đồng những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành. Hãy hiểu rằng, như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần và hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.

     Chính vì vậy, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải viên mãn thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mỹ cả. […]

      Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người. Bởi vậy, trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.

(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai Tian Dayton, Ph. D, biên dịch: Thu Trang – Minh Tươi, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr.68 - 69)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao "đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự"?

Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: "như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần"?

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: "trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có"? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

     Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.

Câu 2: (5,0 điểm)

      Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

Theo tác giả, "đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự" vì:

- Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm.

- Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mỹ cả.

- Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.

Câu 3:

    "Như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần" có thể được hiểu như sau: sau mỗi thành công đạt được, con người luôn phải có những phút chiêm nghiệm, tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Sau mỗi “bước tiến xa” để đi về phía trước, luôn tồn tại và cần thiết phải có những bước lùi lại, nhìn nhận những gì mình đã làm để rút ra bài học, trên cơ sở đó mới mong đạt được những bước tiến xa hơn nữa, thành công hơn nữa.

Câu 4:

- Đồng ý với quan điểm trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.

- Vì:

+ Con người là tổng thể của các mối quan hệ xã hội, phải biết chấp nhận mình cùng người khác thì mới cùng chung sống được.

+ Chấp nhận mình và người khác như bản thân vốn có để có những đánh giá đúng về bản thân mình và những người xung quanh.

+ Biết được khả năng của bản thân mình và người khác sẽ có phương hướng phát huy những ưu điểm, hạn chế những khuyết điểm của mình. Đồng thời, biết học tập những điểm mạnh của người khác cũng như không trở nên quá hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.

+ Chấp nhận mình và chấp nhận người khác như bản thân vốn có không phải là thỏa mãn với những gì mình có mà là một cách để trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn.

+ Chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân vì không ai hoàn hảo hết. Chấp nhận nhau có nghĩa là bỏ qua sai lầm của nhau, học tập những điều tốt đẹp của nhau và cũng có nghĩa là cho cả mình và người khác cơ hội để trở nên tốt đẹp hơn.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Nghị luận xã hội

Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống

1. Giải thích

- Sự trải nghiệm: quá trình tham gia, tìm hiểu, dấn thân thực hành các công việc khác nhau trong những vấn đề thuộc bất kì lĩnh vực nào của cuộc sống.

- Ý nghĩa của sự trải nghiệm là mang đến cho chúng ta những bài học kinh nghiệm cần thiết cho những hoạt động, việc làm, những bước tiến tiếp theo.

2. Bàn luận, chứng minh

a. Vì sao cần phải có sự trải nghiệm

- Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm, không ai có thể thành công ngay từ lần đầu tiên, chính trải nghiệm giúp ta tự nhận ra ưu và khuyết điểm của mình.

- Trên đời, không có gì là hoàn hảo, hoàn mỹ nên sau mỗi lần trải nghiệm, chúng ta sẽ tự hoàn thiện bản thân để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.

- Ai cũng cần những trải nghiệm thì mới nên người, khi nhận thức được điều đó, việc đánh giá mình và người khác cũng trở nên bớt hà khắc, tránh gây những tổn thương không đáng có cho mọi người xung quanh

b. Ý nghĩa của trải nghiệm

- Mang đến cho chúng ta những bài học mới, nhận ra những nhược điểm, ưu điểm của bản thân cũng như những người bên cạnh, từ đó có hướng khắc phục đúng đắn để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Sự trải nghiệm giúp con người trưởng thành theo thời gian.

Dẫn chứng:

+ Những kì giao lưu, cọ sát, thi thử giúp học sinh củng cố tinh thần, biết bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt

+ Qua bao nhiêu trải nghiệm, thất bại rồi thành công, đội tuyển U23 Việt Nam mới vững vàng như ngày hôm nay để ghi tên mình trên bản đồ bóng đá châu lục.

- Trải nghiệm giúp chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn với bản thân mình và những người xung quanh, từ đó không khiến cho chính mình và mọi người áp lực. Khi học tập và làm việc với tinh thần thoải mái, tỉ lệ thành công càng cao hơn.

Dẫn chứng:

+ Những danh nhân nổi tiếng, những doanh nhân, những người truyền cảm hứng không ít lần thất bại và sau trải nghiệm đó họ lại có thêm động lực để nghiên cứu, tìm tòi và dẫn tới thành công: Bill Gates, Steve Jobs,….

c. Phản đề

- Sự trải nghiệm luôn luôn là điều cần thiết để con người tự tích lũy, tự học tập nhưng có những thứ không cần trải nghiệm, ví dụ như sử dụng những chất cấm, làm những điều trái pháp luật…

- Phải cần có trải nghiệm mới nên người, do đó nên có cái nhìn bao dung với những lỗi lầm nhưng cũng cần ghi nhớ, có những lỗi lầm không thể tha thứ được, có những may mắn chẳng bao giờ đến lần thứ hai, nên cũng phải biết nắm bắt cơ hội để bứt phá.

3. Liên hệ bản thân

- Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em đã có những trải nghiệm có ích nào?

- Qua những trải nghiệm đó em rút ra được bài học gì cho bản thân và sẽ làm những điều gì tiếp theo.

II. LÀM VĂN

1. Mở bài

Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của ông là ở chỗ luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và thẩm mỹ, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mỹ.

- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân. Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Người lái đò sông Đà cho ta diện mạo của một Nguyễn Tuân khao khát được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời này.

- Hình tượng người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác là hình tượng trung tâm của tác phẩm…

2. Thân bài

a. Phân tích nhân vật người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác

2.1. Giới thiệu chân dung, lai lịch

- Tên gọi, lai lịch: được gọi là người lái đò Lai Châu.

- Chân dung: “tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”, “cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun”.

2.2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác

a) Vẻ đẹp trí dũng:

* Khắc họa trong tương quan với hình ảnh sông Đà hung bạo, hùng vĩ:

Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức:

+ Một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm.

+ Một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo.

* Cuộc giao tranh với ba trùng vi thạch trận

- Cuộc vượt thác lần một

+ Sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt

+ Trước sự hung hãn của bầy thạch tinh và sóng nước, ông lái đò kiên cường bám trụ “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.

+ Trước đoàn quân liều mạng sóng nước xông vào (…), ông đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi” nhưng vẫn kiên cường vượt qua cuộc hỗn chiến, vẫn cầm lái chỉ huy "ngắn gọn mà tỉnh táo" để phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.

- Cuộc vượt thác lần hai:

+ Dưới cây bút tài hoa, phóng túng, con sông Đà tiếp tục được dựng dậy như “kẻ thù số một” của con người với tâm địa còn độc ác và xảo quyệt hơn.

+ Ông lái đò “không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”.

> Trước dòng thác hùm beo hồng hộc tế mạnh trên sông đá, ông lái đò cùng chiếc thuyền cưỡi trên dòng thác như cưỡi trên lưng hổ.

> Khi bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước xô ra, ông đò không hề nao núng mà tỉnh táo, linh hoạt thay đổi chiến thuật, ứng phó kịp thời “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến” để rồi “những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền”.

- Cuộc vượt thác lần ba:

+ Bị thua ông đò ở hai lần giao tranh trước, trong trùng vi thứ ba, dòng thác càng trở nên điên cuồng, dữ dội.

+ Chính giữa ranh giới của sự sống và cái chết, người đọc càng thấy tài nghệ chèo đò vượt thác của ông lái thật tuyệt vời. Ông cứ “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá”, “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”… để rồi chiến thắng vinh quang. Câu văn “thế là hết thác” như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.

* Nguyên nhân chiến thắng:

- Thứ nhất, đó là chiến thắng của sự ngoan cường, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống.

- Thứ hai, đây là chiến thắng của tài trí con người, của sự am hiểu đến tường tận tính nết của sông Đà.

b) Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ:

- Tài hoa: Với nhà văn, tài hoa là khi con người đạt tới trình độ điêu luyện, thuần thục trong công việc của mình, đến độ có thể sáng tạo được, có thể vươn tới tự do và hơn thế nữa ở bất kì lĩnh vực nào chỉ cần đạt tới trình độ trác tuyệt trong nghề nghiệp của mình ấy là con người tài hoa. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực ca ngợi hình ảnh ông lái băng băng trên dòng thác sông Đà một cách ung dung, bình tĩnh, tự tại trong cuộc chiến đầy cam go nhưng cũng thật hào hùng.

- Nghệ sĩ:

+ Tay lái ra hoa thể hiện tập trung trong cảnh vượt qua trùng vi thạch trận thứ ba “Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, chiếc thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, điêu luyện, mỗi động tác của người lái đò giống như một đường cọ trên bức tranh sông nước mênh mông…

+ Phong thái nghệ sĩ của ông lái đò thể hiện trong cách ông nhìn nhận về công việc của mình, bình thản đến độ lạ lùng. Khi dòng sông vặn mình hết thác cũng là khoảnh khắc “sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Những nhà đò dừng chèo, đốt lửa nướng ống cơm lam, bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, “về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đầy ruộng”.

+ Qua thác ghềnh, ông lái lạnh lùng gan góc là thế, nhưng lúc bình thường thì lại nhớ tiếng gà gáy nên buộc một cái bu gà vào đuôi thuyền, bởi “có tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ ruộng nương bản mường mình”. Chi tiết ấy đã làm rõ hơn chất nghệ sĩ ở người lái đò sông Đà.

c. Đánh giá về nhân vật:

* Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:

- Nguyễn Tuân chú ý tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò.

- Nguyễn Tuân có ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình.

- Nguyễn Tuân đã sử dụng một ngôn ngữ miêu tả đầy cá tính, giàu chất tạo hình, hoàn toàn phù hợp với đối tượng.

* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:

     Người lái đò trí dũng và tài hoa thật nổi bật trên dòng sông hung bạo, có khả năng chinh phục thiên nhiên, bắt nó phải phục vụ con người, xây dựng đất nước. Đó chính là chất vàng mười của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong thời kì mới - thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày.

b. Liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù để thấy sự thống nhất và khác biệt trong quan niệm về vẻ đẹp con người của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945

* Giới thiệu về Huấn Cao

- Huấn Cao là một người tài hoa, nghệ sĩ.

- Huấn Cao là con người có vẻ đẹp thiên lương trong sáng.

- Huấn Cao là con người khí phách.

Trong cảnh cho chữ chưa từng có nhân vật Huấn Cao bộc lộ hết những vẻ đẹp của mình - vẻ đẹp về thiên lương trong sáng, vẻ đẹp của con người khí phách, vẻ đẹp của một người tài hoa, nghệ sĩ.

* Nhận xét quan niệm nhà văn về vẻ đẹp con người:

Nguyễn Tuân luôn nhìn con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Trước và sau cách mạng tháng 8 Nguyễn Tuân có những thống nhất và thay đổi trong quan niệm về vẻ đẹp của con người.

- Thống nhất:

+ Nguyễn Tuân luôn luôn tiếp cận và khám phá con người ở phương diện tài hoa – nghệ sĩ. Ở cả hai giai đoạn sáng tác, nhà văn luôn trân trọng những “đấng tài hoa”, và say mê miêu tả, chiêm ngưỡng họ. Mỗi nhân vật thường sành hơn người ở một thú chơi hoặc một món nghề nào đó, đầy tính nghệ thuật.

+ Vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau trong miêu tả và biểu hiện.

+ Ông tiếp tục sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo. Khả năng tổ chức câu văn đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng. Các phép tu từ được nhà văn phối hợp vô cùng điêu luyện.

- Khác biệt:

+ Trước Cách mạng tháng Tám, con người Nguyễn Tuân hướng tới và ca ngợi là những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”. Sau Cách mạng tháng Tám, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ được Nguyễn Tuân miêu tả có thể tìm thấy ngay trong chiến đấu, lao động hằng ngày của nhân dân.

=> Sở dĩ có những chuyển biến này do trước Cách mạng, Nguyễn Tuân chơi ngông một cách cực đoan. Mọi sở thích, quan niệm riêng đều được đẩy lên thành các thứ chủ nghĩa: chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa ẩm thực,… Chủ nghĩa độc đáo trong những sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng không chỉ đơn thuần là phản ứng tâm lý của một cá nhân trước tấn bi kịch xã hội mà nó còn bao hàm khí khái, cốt cách của người trí thức yêu nước không cam tâm chấp nhận chế độ thực dân, tự đặt những nghịch thuyết để tách mình ra và vượt lên trên cái xã hội của những kẻ thỏa hiệp với xã hội đương thời.

=> Sau Cách mạng, cũng giống như một loạt tác giả đương thời, Nguyễn Tuân đã tìm được hướng đi, lý tưởng cho mình nên cái ngông tự mất đi phần cực đoan, chỉ giữ lại cái cốt cách tạo nên vẻ độc đáo cho trang viết.

=> Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là một người tài tử, thích chơi ngông, thích chiêm ngưỡng, chắt chiu cái đẹp thì sau Cách mạng, nhà văn nhạy cảm với con người mới, cuộc sống mới từ góc độ thẩm mỹ của nó. Nhưng không còn là Nguyễn Tuân “nghệ thuật vị nghệ thuật” nữa. Ông đã nhìn cái đẹp của con người là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở, sinh sôi đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

ĐỀ THI SỐ 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

     Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.

     “Có chắc không?” là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. “Chắc hẳn mà” là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và… mơ về những thứ mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn lại không dám ra ngoài và dám biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực?

(Trích Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức, NXB Thế giới; 2016; trang 147 – 148)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, vì sao "có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình"?

Câu 3: Anh/chị có đồng tình với quan niệm: "nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang"? Vì sao? 

Câu 4: Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là "vùng an toàn"? Với những người đang ở trong vùng an toàn, theo anh/chị cách nào có thể giúp họ bước ra khỏi "vùng an toàn" đó? Nêu ít nhất 02 cách.

II.LÀM VĂN

Câu 1.

     Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) thuyết phục các bạn trẻ rằng: "có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra".

Câu 2.

      Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam). Từ âm thanh tiếng sáo và hình ảnh bát cháo hành (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, NXB Giáo dục Việt Nam) hãy nhận xét về vai trò của các tác nhân đối với tâm hồn con người.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.           

Câu 2:

- Theo tác giả, có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình vì: họ sợ thất bại

Câu 3:

- Đồng tình với quan điểm.

- Vì:

+ Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những khó khăn thách thức, cuộc đời mỗi người là hành trình vượt qua những thử thách đó.

+ Những rủi ro, thách thức chính là những khó khăn mà chúng ta phải trải qua để tích lũy tri thức, kinh nghiệm sẵn sàng khi cơ hội đến.

+ Không đương đầu với khó khăn thử thách, luôn cố thủ trong vùng an toàn chúng ta mãi không thể thấy cơ hội và nắm bắt được cơ hội để vươn đến thành công.

Câu 4:

- “Vùng an toàn” là: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.

- Những cách thức giúp mọi người bước ra khỏi “vùng an toàn”:

+ Can đảm đối mặt với sự sợ hãi để tìm cách vượt qua và chiến thắng những nỗi lo lắng, sợ hãi đó.

+ Tự đặt cho mình những thử thách để cố gắng vượt qua.

+ Bắt tay vào làm những dự án nhỏ, để trải nghiệm và tích lũy tri thức cho bản thân.

II. LÀM VĂN

Câu 1:           

Giới thiệu vấn đề.

Giải thích vấn đề.

- Vùng an toàn: môi trường thân thuộc với mỗi con người, nơi chúng ta luôn cảm thấy tự do, thoải mái, tự tin nhất để thể hiện bản thân.

Bàn luận vấn đề:

- Tại sao phải bước ra khỏi vùng an toàn?

+ Thế giới liên tục biến đổi, khiến cho những điều ta đã biết trở nên lỗi thời, bởi vậy nếu không bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm, nâng cao hiểu biết của bản thân ta sẽ tụt lại phía sau.

+ Vùng an toàn khiến bạn nhàm chán, cũ kĩ bước chân ra khỏi nó là cách thức làm mới bản thân, phát hiện những khả năng ẩn kín và đem đến thành công.

- Cần làm gì để bước ra khỏi vùng an toàn?

+ Bước ra khỏi vùng an toàn bạn cần sự dũng cảm, để đối mặt với những khó khăn, thách thức ở phía trước, đối mặt với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Bởi vậy dũng cảm trải nghiệm là điều kiện quan trọng nhất để bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của mình.

+ Vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, tự tin với chính mình, không bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách.

- Bạn sẽ được gì khi bước khỏi vùng an toàn:

+ Ra khỏi vùng an toàn sẽ đem lại cho bạn kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, sáng tạo.

+ Mở rộng mối quan hệ xã hội, tăng cường kĩ năng giao tiếp.

+ Ra khỏi vùng an toàn đem đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ, khám phá, phát hiện ra những năng lực mới của bản thân.

+ Cơ hội để bạn đạt đến thành công.

- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn.

Tổng kết vấn đề: thay đổi môi trường sống, bước ra khỏi vùng an toàn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, tạo cơ hội thành công cho mỗi con người.

Câu 2:

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhân vật Mị

- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong những sáng tác của mình, ông luôn thể hiện vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.

Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.

- Đến với tác phẩm, người đọc thật sự ấn tượng với nhân vật Mị - nhân vật chính được khắc họa đậm nét trong khung cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài.

2. Thân bài

* Giới thiệu về nhân vật Mị

- Chân dung, lai lịch:

+ Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” -> nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.

+ Tài năng: thổi sáo, thổi lá hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

+ Phẩm chất tốt đẹp: hiếu thảo, tự tin vào khả năng lao động của mình và khát khao tự do.

- Số phận bi kịch: trở thành con dâu gạt nợ

+ Nguyên nhân: Do món nợ truyền kiếp của gia đình nên bị A Sử lừa bắt về làm vợ theo hủ tục của cướp vợ của người dân tộc thiểu số.

+ Khi mới về làm dâu, Mị mang trong mình ý thức phản kháng nhưng sau đó quen dần và chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

* Hình tượng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Mùa xuân đã làm sống dậy sức sống tiềm tàng trong Mị

* Liên hệ với chi tiết “bát cháo hành” trong truyện Chí Phèo của Nam Cao

* Vai trò của tác nhân đối với tâm hồn con người:

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

     Bóng tối của những độc ác, tức tối và hằn học vẫn phủ ngập trong không ít đôi mắt con người. Tại sao những khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng ta từng có và đang có lại không thể kéo dài mãi mãi và phủ ngập trên đời sống thế gian này như những tia nắng mặt trời? Tại sao chúng ta lại biến ngôi nhà thế gian của chúng ta thành một nơi máu chảy, của thù hận, của đối kháng và của những giá lạnh?[…]

     Thế giới ngày nay nhiều của cải, vật chất hơn bao giờ hết. Nhưng số lượng của cải, vật chất mà con người làm ra đã không tỷ lệ thuận với hạnh phúc của đời sống mà nhân loại đang sống và đang mơ tới. Thế gian không phải là một cánh từng nguyên thủy và con người không phải là những hoang thú sống trong đó. Nhân loại không phải là những hoang thú với mục đích duy nhất là biến những kẻ yếu hơn hay những quốc gia yếu hơn thành thức ăn cho mình. Nếu chỉ như vậy, thì tiên tri về một ngày tận thế đã bắt đầu hiển lộ những hiện thực đầu tiên của nó. […]

      Với lý do đó, Báo VietNamNet cùng nhiều trí thức Việt Nam và trên thế giới, cùng với con người ở mọi tầng lớp xã hội – những con người đang mơ ước và lao động cho một đời sống thanh bình và yêu thương ở nhiều nước trên thế giới chọn ngày 9 tháng 9 hàng năm là “Ngày của thế gian, ngày hòa giải và yêu thương” […]

      Chúng ta hãy cùng nhau sống một ngày như vậy. Sống như vậy không phải sống cho người khác mà sống cho chính cá nhân chúng ta. Bởi khi chúng ta thù hận một ai đó thì bóng tối nặng nề lại trùm phủ chính cõi lòng chúng ta chứ không phải là kẻ mà chúng ta thù hận. Đây là một sự thật mà hầu hết mỗi chúng ta đã trải qua.

(Trích Ngày hòa giải và yêu thương, Nguyễn Quang Thiều, dẫn theo http://nhavantphcm.com.vn ngày 9/9/2012)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2: Phân tích tác dụng của phép điệp trong đoạn văn sau: "Tại sao những khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng ta từng có và đang có lại không thể kéo dài mãi mãi và phủ ngập trên đời sống thế gian này như những tia nắng mặt trời? Tại sao chúng ta lại biến ngôi nhà thế gian của chúng ta thành một nơi máu chảy, của thù hận, của đối kháng và của những giá lạnh"?

Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng: "khi chúng ta thù hận một ai đó thì bóng tối nặng nề lại trùm phủ chính cõi lòng chúng ta chứ không phải là kẻ mà chúng ta thù hận".

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm: "số lượng của cải, vật chất mà con người làm ra đã không tỷ lệ thuận với hạnh phúc của đời sống mà nhân loại đang sống và đang mơ tới"? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của hòa giải và yêu thương.

Câu 2: Trình bày cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ Văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr.89)

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ Văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr.39)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

- Điệp ngữ: "Tại sao"

- Tác dụng:

+ Tăng sức biểu cảm cho diễn đạt.

+ Điệp ngữ kết hợp với câu hỏi tu từ đã nhấn mạnh tô đậm nỗi đau đớn của tác giả trước thực trạng thế giới đầy những đau thương mất mất.

Câu 3:

- Tác giả cho rằng: “khi chúng ta thù hận một ai đó thì bóng tối nặng nề lại trùm phủ chính cõi lòng chúng ta chứ không phải là kẻ mà chúng ta thù hận” vì:

+ Lòng thù ghét với người khác xuất phát từ bản thân mỗi người khi đối tượng không đáp ứng được yêu cầu của mình, ngăn cản hay chống đối để ta không đạt được những điều ta mong muốn. Lòng thù ghét tồn tại ở ta mà đối phương không hề biết đến, nếu luôn giữ trạng thái này tinh thần sẽ trở nên u uất, khó chịu.

+ Thù ghét còn có thể dẫn đến nhiều bệnh tật khác: đau đầu do căng thẳng, rối loạn nhịp tim.

Câu 4:

- Đồng tình với quan điểm “Số lượng của cải, vật chất mà con người làm ra đã không tỷ lệ thuận với hạnh phúc của đời sống mà nhân loại đang sống và đang mơ tới” vì: Con người quay cuồng với nhịp sống bận rộn, không có thời gian dành cho gia đình, không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Hạnh phúc đôi khi xuất phát từ những điều bình dị mà con người luôn sống vội vã, gấp gáp theo nhịp sống công nghiệp và không cảm nhận được.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề.

Giải thích vấn đề.

- Hòa giải: là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba (không phải là bên tranh chấp). Hòa giải cũng được coi là sự tiếp nối của quá trình thương lượng, trong đó các bên cố gắng làm điều hoà những ý kiến bất đồng.

- Yêu thương: là tình cảm nồng nhiệt làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật.

=> Con người đang sống trong một thế giới đầy hỗn loạn, tranh chấp và chiến tranh xảy ra liên miên thì sự hòa giải bằng tình yêu thương là điều cần thiết để đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.

Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa sự hòa giải:

+ Hòa giải có ý nghĩa lớn, nó làm cho những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn, xích mích được dập tắt họăc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được xung đột.

+ Hòa giải giúp tạo ra cuộc sống thanh bình, yên ổn để hai bên cùng gây dựng, phát triển.

+ Hòa giải giúp đôi bên được sống trong yên bình, vui vẻ và khi các đối cực được hòa giải cũng là lúc ta vươn đến gần hơn sự hạnh phúc.

+ Hòa giải, tha thứ giúp giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh của cái bất công xảy ra với mình, và sống một cuộc sống độc lập, không bị bóng đen của kẻ gây hại phủ lên.

+ Hòa giải giúp mỗi người có được tâm lý thoải mái, hạnh phúc.

- Phương tiện để hòa giải:

+ Để hòa giải không gì tốt hơn chính là tình yêu thương, lòng vị tha và sự bao dung của mỗi người đối với nhau.

+ Với tình yêu thương, lòng vị tha con người có thể thấu hiểu, cảm thông cho nhau, nhường nhịn, nhượng bộ nhau.

+ Tình yêu thương giúp xoa dịu những nỗi đau, những tổn thương.

⟹ Tình yêu thương, bao dung và lòng vị tha là thứ thần dược tốt nhất để cá nhân hòa giải với cá nhân, quốc gia với quốc gia hòa giải với nhau từ đó tạo nên cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có sự phân tích ngắn gọn.

Mở rộng vấn đề, liên hệ bản thân

- Bên cạnh những người luôn sống bằng tình yêu thương, luôn nhường nhịn, hòa giải thì vẫn có những người sống trong hận thù, ích kỉ.

- Thù hận sẽ chỉ làm ta thêm mệt mỏi phiền não, gây ức chế ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc.

- Liên hệ bản thân: sống bằng sự hòa giải và tình yêu thương đã mang lại cho em những điều tốt đẹp gì?

Tổng kết vấn đề: Hòa giải và tình yêu thương là hai lẽ sống đẹp đẽ trong cuộc sống hiện đại. Khi sống trong sự bao dung, chia sẻ, vị tha của chúng ta sẽ thấy yêu đời và hạnh phúc hơn, từ những việc làm nhỏ đó của mỗi người mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 2:

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến và đoạn trích.

- Giới thiệu về tác giả Hàn Mặc Tử, tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ và đoạn trích.

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

2.1 Khổ thơ trích trong bài "Tây Tiến" – Quang Dũng

* Bốn câu thơ là bức tranh sông nước miền Tây trong chiều sương.

Khung cảnh thiên nhiên:

Hình ảnh con người:

=> Hình ảnh người đẹp thấp thoáng trong các khổ thơ đã điểm cho kí ức Tây Tiến chút lãng mạn, mơ mộng, khiến cho câu chữ trở nên mềm mại hơn và lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…

+ Những từ "có thấy", "có nhớ" là những lời tự hỏi lòng mình đầy bâng khuâng, lưu luyến cách xa với Tây Tiến cả về không gian và thời gian.

2.2 Khổ thơ trong bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" - Hàn Mặc Tử

* Khổ thơ là bức tranh cảnh sông nước, mây trời xứ Huế trong đêm trăng huyền ảo.

- Hai câu thơ đầu: Tả thực cảnh sông nước, mây trời xứ Huế.

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

- Câu 1:

- Câu 2:

- 2 câu thơ cuối:

2.3 Điểm tương đồng và khác biệt trong hai khổ thơ trên

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Khai Nguyên. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON