YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hiệp Bình

Tải về
 
NONE

Tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hiệp Bình dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện kĩ năng làm thử đề thi theo cấu trúc của đề THPT Quốc gia để chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt. Những đề thi này bao gồm các câu hỏi Đọc hiểu và Làm văn bám sát theo chương trình học của các em. Chúc các em sẽ có một kì thi thật tốt nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT

HIỆP BÌNH

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

 Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu

Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.

Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao.

Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.

Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.

Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp.

Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ.

Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình.

Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.

Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui.

Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành.

Nó có thể mua được cảnh hẩu, nhưng không mua được tình bạn.

Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng.

Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ.

Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu.

Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.

(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng và nêu tác dụng.

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.”

Câu 4. Thông qua việc đọc hiểu văn bản, anh/chị rút ra được điều gì trong cách ứng xử với tiền bạc?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu hoạ trong đoạn thơ dưới đây:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha luông mưa xa khơi

(Tây Tiến - Quang Dũng)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: 

Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Học sinh chủ động lựa chọn hai biện pháp nghệ thuật, nên chọn các biện pháp đặc trưng và được sử dụng nhiều lần trong văn bản: liệt kê, điệp ngữ, lặp cú pháp, đối,...

Gợi ý:

Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên là:

+ Điệp ngữ: lặp lại nhiều lần các cụm từ và cấu trúc: Nó có thể mua được..., nhưng không mua được...

+ Liệt kê: nêu ra những thứ mà theo tác giả, đồng tiền có thể mua được: chiếu giường, châu ngọc, giấy bút, nhà cửa, thức ăn, trò chơi, xu nịnh, cánh hẩu, sự phục tùng, quyền thế, thể xác, vũ khí; và những thứ tiền không mua được như: giấc ngủ, sắc đẹp,ý thơ, gia đình, sự ngon miệng, niềm vui, lòng trung thành, tình bạn, lòng kính trọng, trí tuệ, tình yêu, hòa bình.

+ Tác dụng:

Biện pháp liệt kê và điệp ngữ được sử dụng đan xen và kết hợp vừa tạo ra nhịp điệu, âm hưởng cho bài thơ, vừa thể hiện nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm: tiền mua được rất nhiều thứ “có sức mạnh lớn lao”, nhưng nó “không phải vạn năng”, cũng bất lực trước rất nhiều giá trị đáng quý trong xã hội này. Qua đó, tác giả đã rất thành công trong việc phản bác ý kiến đưa ra ban đầu: “Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.”

Câu 3.

- Lý giải lý do tác giả cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”:

* Muốn nhấn mạnh bản chất và sức mạnh của đồng tiền:

+ Tiền bạc có sức mạnh lớn lao vì nó mua được nhiều thứ giá trị trong cuộc sống.

+ Nhưng nó “không phải vạn năng” bởi không phải cái gì nó cũng có thể mua được. Đặc biệt là những giá trị quý giá trong cuộc sống như: tình cảm, sức khỏe, tri thức.

* Thể hiện quan điểm cá nhân về đồng tiền: cần có cái nhìn đúng đắn về giá trị đồng tiền.

Gợi ý:

Bằng quan điểm của một nhà thơ, một con người trải nghiệm trong xã hội, Thác-cơ-rê cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”. Một nhận định với hai vế. Tiền bạc có sức mạnh lớn lao là điều không ai bàn cãi, nhất là trong xã hội mà giá trị vật chất được đề cao như hiện tại. Tiền mua được quyền lực, vui thú,... Thậm chí, có người vì đồng tiền mà đánh đổi tự do, tình thân và thậm chí là mạng sống. Nhưng nhà thơ cũng nhận ra tiền bạc không phải chiếc chìa khóa vạn năng. Bởi lẽ, nó vẫn chỉ đứng ngoài rìa những giá trị chân thực và trân quý trong xã hội này. Đó là trí tuệ, sức khỏe, tình cảm,... Và qua đó, tác giả nhấn mạnh, cần có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền, không coi thường nó, không cực đoan hóa nó.

Câu 4.

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điếm đó.

Bài học: biết quý đồng tiền nhưng không tôn thờ nó; đừng quá coi trọng đồng tiền (cũng chính là chạy theo giá trị vật chất),...

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Đồng tiền quả thực có sức hấp dẫn rất lớn. Trong xã hội hiện đại, nó cấu thành nên cảm giác hạnh phúc của con người. Nhưng ứng xử với đồng tiền là cả một nghệ thuật. Nếu phớt lờ nó, bạn dễ đi vào con đường thủ cựu, không hòa nhập với những giá trị hiện đại của cuộc sống. Nhưng tôn sùng nó, bạn sẽ bị nó mê hoặc và sa đà vào con đường thực dụng. Vậy nên, phải tỉnh táo để vừa đủ coi trọng, vừa đủ giới hạn cho sức mạnh của đồng tiền. Để đồng tiền không chi phối ta, mà nó phải phục vụ cho cuộc sống của ta.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Ÿ Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết.

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Bài làm tham khảo:

Bạn có biết câu chuyện về chàng thanh niên vài ba năm truớc, để có tiền mua điện thoại Iphone đã bán một quả thận để có tiền? Điên rồ ư? Nhưng đó có thể là quyết định của không chỉ một người trong xã hội này. Bởi, từ lâu, tiền đã có sức mạnh chi phối con người. Trước tiên, cần hiểu rằng, tiền là vật ngang giá, được dùng để trao đổi hàng hóa trong xã hội. Bản thân đồng tiền giấy không có giá trị sử dụng. Nhưng nó lại là một tờ giấy rất mạnh. Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp. Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người. Vì sao ư? Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho vị thế con người. Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền. Những người này sẵn sàng đánh đổi nhân cách, liêm sỉ để có tiền, như ta thấy tràn lan những kẻ câu viu (view) bằng tin giả, ảnh nóng để có tiền. Bàn luận ra, đúng là tiền có thể mua được nhiều thứ, rất đáng quý, đặc biệt khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống. Nhưng tiền không phải vạn năng, ta không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc. Tiền không mua được sức khỏe, không đổi được thời gian, không mang lại tri thức. Bởi vậy, ta cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một phần giá trị của cuộc sống hiện đại, nhưng không để nó dẫn dắt suy nghĩ và cuộc sống cá nhân.

Câu 2.

 Yêu cầu chung:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Bài làm mẫu:

Một nhà phê bình đã từng quả quyết rằng nếu xét muời tác giả tiêu biểu thời kháng chiến chống Pháp, sẽ không có Quang Dũng, nhưng nếu xét mười thi phẩm xuất sắc nhất của thời bom lửa ấy thì không thể không có Tây Tiến. Quả là như vậy, Tây Tiến như bức tượng đài sừng sững thách thức cả khốc liệt của chiến tranh, sự tàn phá của thời gian để ngày càng toả sáng trong kho tàng văn chương đất Việt. Đặc biệt không thể không nhắc đến bút pháp thi trung hữu hoạ - sức tạo hình, điêu khắc ngôn từ của người nghệ sĩ Quang Dũng, đặc biệt trong những vần thơ dưới đây:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thảm thắm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”

Quang Dũng nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, nhà thơ của những vần thơ lãng mạn, bay bổng, đậm nét hào hoa. Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua để lại những dấu ấn không thế phai mờ trong tâm hồn dân tộc. Đó là điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước, môi trường thử thách tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến còn làm nảy sinh biết bao hình ảnh đẹp mà đẹp nhất là hình ảnh người lính. Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng một thời như Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng là một thi phẩm đặc sắc. Đoàn quân Tây Tiến quy tụ một lực lượng đông đảo đủ mọi tầng lóp thanh niên từ khắp phố phường Hà Nội. Có nhiều thanh niên học sinh thuộc tầng lóp trí thức tiểu tư sản vừa rời trang sách nhà trường để tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc. Tất cả những con người ấy ra đi với lí tưởng chung của dân tộc là chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ ra đi không hẹn ngày trở về chiến đấu với mục đích “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.” Tư tưởng ấy là hào khí của cả một thế hệ, đã từng được phản ánh trong một bài hát thời đó:

“Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi,

Nào có xá chi đâu ngày trở về.”

Trong đoàn người nô nức lên đường đi chiến đấu, trong hàng ngũ những thanh niên trí thức ngày hôm qua có khi là những tự vệ chiến đấu trên phố phường, chiến lũy Hà Nội, mà hôm nay đã có mặt trong đoàn quân Tây Tiến, thấp thoáng xuất hiện một khuôn mặt: Quang Dũng, tác giả của bài thơ. Như bao thanh niên trí thức của Hà Nội ngày ấy, Quang Dũng cũng háo hức gia nhập đoàn quân Tây Tiến với một niềm say mê của tuổi trẻ và một chút lãng mạn của những người thanh niên “nho sĩ quý tộc” ảnh hưởng trong Chinh phụ ngâm:

“Dã nhà đeo bức chiến bào”

hay

“Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.”

Cũng chính vì thế mà những thanh niên như Quang Dũng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hi sinh để chiến đấu đến ngày thắng lợi cuối cùng. Vào Tây Tiến, Quang Dũng cùng sống và chiến đấu một thời gian với đơn vị này và sau đó chuyển sang đơn vị khác. Một ngày ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về những người đồng đội, nhớ về những tháng ngày chiến đấu gian nan nhưng hào hùng, nhớ đơn vị cũ, nhớ những con đường hành quân mà ông cùng đơn vị từng đi qua.

Quang Dũng không chỉ là nhà thơ, ông còn là hoạ sĩ, là nhạc sĩ, cho nên những vần thơ của ông đậm tính nhạc, tính hoạ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Thi trung hữu họa: trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh), tức là nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh, giàu tính chất tạo hình, đọc thơ mà tưởng thấy cả khung cảnh hiện ra ở trước mắt.

Tính hoạ được tạo nên trong nỗi nhớ chơi vơi, nỗi nhớ chông chênh giữa hai bờ thực ảo:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi ”

Mở đầu bài thơ là lời gọi tha thiết, ngọt ngào. Tác giả gọi tên đơn vị Tây Tiến, gọi tên con sông vùng Tây Bắc: sông Mã mà thân thiết, dạt dào cảm tình như gọi tên những người thân thương trong cuộc đời mình. Phải chăng trung đoàn Tây Tiến, núi rừng Tây Bắc gần gũi, thân thương với tác giả và khi xa thì Tây Bắc, Tây Tiến trở thành một “mảnh tâm hồn” của tác giả. “Nhớ chơi vơi gợi lên dài rộng về không gian, gợi nên cái xa cách về thời gian. Nhớ chơi vơi! Hai tiếng "chơi vơi" dùng ở đây thật là đắc địa, diễn tả một nỗi nhớ không có hình, không có lượng nhưng hình như rất nặng và mênh mang đầy ắp. Cái tâm trạng nhớ ấy ta đã bắt gặp không chỉ một lần trong ca dao:

“Ra về nhớ bạn chơi vơi”

hoặc:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than. ”

Quang Dũng lấy nỗi nhớ trong ca dao để tượng trưng thêm cho nỗi nhớ chơi vơi của mình, thật là chi tiết đắt giá! Nhưng tất cả đã lùi về quá khứ. Quang Dũng cất lên tiếng gọi như sự níu kéo mọi ký ức quay trở lại.

Tính hoạ được gợi lên qua những địa danh và thời tiết khắt nghiệt xứ sở miền Tây:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

“Sài Khao, Mường Lát” là hai địa danh được nhắc đến. Những cái tên như có sức tạo hình, nó gợi những nơi chốn hoang sơ, thưa vắng, heo hút. Những cái tên như những địa chỉ in hằn dấu chân người lính. Và cũng chính nơi hoang vu đó, ký ức đập về màn sương lạnh trắng phủ kín lối đi, che lấp cả đoàn quân mỏi mệt. Sương bồng bềnh, giá buốt làm trơn ướt những con đường, làm tê lạnh da người. Mỗi địa danh đều gợi lên trong người đọc về hình ảnh của một xứ lạ, phương xa; nếu ta chỉ thử thay Sài Khao bằng một tên gọi khác là lớp sương huyền ảo ấy tan biến ngay.

Một hình ảnh rất gợi là: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đêm hơi là đêm đẫm hơi sương, là đêm lạnh. Tiếp tục gợi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ “hoa về”, lại đem đến nhiều cách hiểu. Có thể hiểu hoa theo nghĩa thực, những bông hoa rừng nở, mùi hương quyện trong đêm hơi. Nhưng cũng có thể hiểu, khi chiến sĩ hành quân đêm, những bó đuốc họ mang, giống như những bông hoa lửa, phá đi giá lạnh và đêm tối.

Tính hoạ được thể hiện đặc sắc qua hình ảnh những con dốc Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ "dốc" vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt. Hơn thế nữa những từ láy đi kèm còn gợi cả cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người. Nhưng đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng, hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó là một sự gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoai thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi, sa chân bước hụt có thể rơi ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm. Con đường hành quân điệp trùng với bao cái khắc nghiệt, dữ dội của mỗi vùng rừng biên ải. Đọc đoạn thơ, chưa cần suy ngẫm nội dung bên trong, chúng ta đã có thể hình dung ra con đường mà Quang Dũng miêu tả. Kết cấu đoạn thơ cứ thanh bằng thanh trắc đan chéo nhau, trải dài ra miên man, vô tận như con đường xa thẳm khấp khểnh.

Nếu câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” tới 5 thanh trắc trong 1 câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại lập lại cân bình, câu thơ được dệt bởi những thanh bằng liên tiếp gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng như phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Trong màn mưa rừng, tất cả nhạt nhòa, bao mệt nhọc cũng tan biến, chỉ còn lại cảnh bồng bềnh, thi vị.

Quang Dũng không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ, ông là một nghệ sĩ đa tài, có thể vẽ tranh và sáng tác nhạc. Cho nên, chính tài năng nhiều mặt đó đã bổ trợ tương hỗ nhau, để Quang Dũng dựng tạc nên những nét vẽ thật ấn tượng về thiên nhiên miền Tây. Có nhà phê bình đã từng cho rằng, những vần thơ viết về dốc Tây Tiến là những vần thơ tuyệt bút, có lẽ bởi tính hoạ đậm nét đã làm nên điểm sáng cho cả bài thơ, làm nên ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.

                                                                                                                                                              Tây Tiến là bài thơ đặc sắc nhất góp phần đưa tên tuổi Quang Dũng lên một tầm cao mới của nghệ thuật. Với ngòi bút tài hoa, lãng mạn của mình Quang Dũng đã xây dựng thành công hình tượng người lính vừa bi tráng vừa tài hoa, hình tượng thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ dữ dội mà nên thơ nên hoạ. Những kết hợp tương khắc đó làm nên một Tây Tiến lạ và lệch, có sức sống lâu bền trong trái tim bạn đọc dù bao thế hệ đi nữa.

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

- Chiếc xe này của bạn đấy à? . Cậu bé hỏi.

Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào và mãn nguyện.

- Ồ, ước gì tôi... Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! . Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”có ý nghĩa gì ? (1,0 điểm)

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến: ” Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

Câu 2. (5,0 điểm)

Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ vừa vẹn nguyên biểu hiện muôn đời của tình yêu truyền thống vừa mang tính hiện đại của tình yêu hôm nay.

Bằng cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ trong bài thơ Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU  

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên?(0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt : Tự sự, biểu cảm

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? ( 0,5 điểm)

Cậu bé ước trở thành người anh thế nào? HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

  • Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.
  • Cậu bé ước trở thành người anh có tình thương em, mang lại niềm hạnh phúc cho em.
  • Cậu bé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.
  • Các câu trả lời tương tự...

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”có ý nghĩa gì ? ( 1,0 điểm)

HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

  • Câu văn cho ta biết rõ hơn về sự trăn trở và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của cậu bé: trở thành người anh đáng tự hào.
  • Câu văn cho thấy lòng quyết tâm cao độ của cậu bé muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.
  • Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.
  • Các câu trả lời tương tự...

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? ( 1,0 điểm)

Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể rút ra một bài học nào đó miễn là hợp lí, có sức thuyết phục. Chẳng hạn như:Sống phải biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ , giúp đỡ lẫn nhau, nhất là với những người bất hạnh, tật nguyền để họ có được sự bình đẳng như mọi người...

  1. Phần làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)

Yêu cầu về hình thức:

Yêu cầu về nội dung:

1. Giải thích: (0,5 điểm)

2. Bàn luận (1,0 điểm)

3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

Câu 2. (5,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng (1 điểm):

* Giới thiệu: khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm Sóng và cách thể hiện tình yêu trong bài thơ Sóng. (0,5 điểm)

* Giải thích ý kiến: (1,0 điểm)

* Phân tích, chứng minh ( 2 điểm)

- Tình yêu hiện đại hôm nay

- Nghệ thuật:

* Bình luận, đánh giá ý kiến (0,5 điểm)

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

“… Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”.

(Trích Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng nhẽ bó tay? – Th.s Trương Khắc Hà)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy cho biết thái độ của tác giả khi bàn về thực phẩm bẩn? (1,0 điểm)

Câu 4. Nêu nội dung khái quát đoạn trích? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị có suy nghĩ gì trước vấn nạn: “…thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc” ? Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình.

Câu 2 (5,0 điểm) Phân tích bức tượng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ sau

“…Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá,dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu: 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều; mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống sẽ không đạt kết quả.

Câu 3. Thái độ của tác giả: lo lắng, trăn trở về vấn nạn thực phẩm bẩn; kêu gọi cả xã hội cùng hành động bằng những biện pháp kịp thời.

Câu 4. Nêu lên hiện trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường nước ta, những tác hại của thực phẩm bẩn và lời kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

*Yêu cầu về hình thức: (0,25đ)

- Viết bài văn, khoảng 200 từ

- Bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

*Yêu cầu về nội dung: (1,75đ)

a. Giải thích (0,25 điểm)

b. Thực trạng (0,25 điểm)

c. Nguyên nhân (0,5 điểm)

d. Hậu quả (0,25 điểm)

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

II. Thân bài:

a. Giới thiệu khái quát tác phẩm

b. Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng.

- Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn:

- Sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

==> Câu thơ diễn tả tinh tế chân thật tâm lý của những người lính ra đi từ thủ đô.Hình ảnh Hà Nội và dáng kiều thơm hiện về trong đêm mơ không làm cho họ nản lòng,thối chí mà ngược lại là nguồn động viên,cổ vũ đối với các chiến sĩ. Một thoáng kỉ niệm êm đềm trong sáng ấy đã tiếp sức cho họ trong cuộc chiến đấu gian nan.Đó là động lực tinh thần giúp người lính băng qua những tháng ngày chiến tranh gian lao của đời mình..

- Vẻ đẹp bi tráng:

Những người lính trẻ trung, hào hoa đó gửi thân mình nơi biên cương xa xôi, sẵn sàng tự nguyện hiến dâng “Đời xanh” cho Tổ Quốc mà không hề tiếc nuối.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

III. Kết bài:

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hiệp Bình. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF