YOMEDIA
NONE

Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ văn 9

Qua bài học các em cảm nhận được tình yêu thương con và ước vọng của người mẹ dân tộc Tà ôi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ngọt ngào, tha thiết của Nguyễn Khoa Điềm.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

  • Bài thơ là khúc hát ru, cũng là lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà – ôi đối với đứa con yêu đang từng ngày lớn lên trên lưng mẹ. Bài thơ bộc lộ tình yêu thương đằm thắm của người mẹ đối với con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu nơi núi rừng chiến khu, dù còn gian nan vất vả; đồng thời gửi gắm ước vọng con mau lớn khôn, khỏe mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do.

1.2. Nghệ thuật

  • Bài thơ như những điệp khúc của lời ru vừa ngọt ngào, trìu mến vừa tha thiết, mãnh liệt, với mỗi khúc ru lại mở ra một trường cảm xúc mới.
  • Bài thơ có nhiều hình ảnh đẹp, giàu sức biểu đạt và biểu cảm như: “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”; “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi – Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”…

2. Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Câu 1: Trong bài thơ có cách ngắt nhịp, cách lặp đi lặp lại như thế có tác dụng tạo nhịp điệu như thế nào cho lời ru, có liên quan gì đến nội dung tình cảm của bài thơ?

  • Cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế tạo nên một giọng điệu trữ tình đặc sắc.
  • Đó là âm điệu dìu dặt, nhẹ nhàng êm ái của lời ru, thể hiện tình cảm yêu thương, trìu mến, thiết tha của người mẹ.

Câu 2. Phân tích hình ảnh người mẹ Tà ôi trong bài thơ?

  • Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh và công việc cụ thể qua từng khúc hát:

"Người mẹ giã gạo nuôi bộ đội 

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gây nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

  • Me vất vả nên em vất vả theo. Mồi hôi mẹ ướt đẫm áo em nhưng bù lại em được say giấc nồng trên lưng mẹ và trong lời ru của mẹ. Trong lời ru của mẹ ta thấy chứa chan tình yêu con, tình yêu bộ đội, yêu cách mạng và kháng chiến. Qua khúc hát ta thấy ước mơ của mẹ thật giản dị và cảm động biết bao
  • Người mẹ tỉa bắp trên núi, nuôi làng, nuôi bộ đội

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

  • Hình ảnh đối lập gợi sự nhỏ bé của mẹ giữa rừng núi mênh mông heo hút, diễn tả sự chịu đựng gian khổ của người mẹ Tà Ôi. Ở khúc hát này, trong lời ru của mẹ ta thấy tình yêu con, tình yêu làng tha thiết và mẹ ước mơ con của mẹ lớn.

Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng

  • Mẹ cùng em ra chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu cùng “Anh trai”, “Chị gái”. Giờ đây mẹ ước mơ được thấy Bác Hồ, ước mơ: “Mai sau con lớn làm người tự do”.
  • Hình ảnh người mẹ hiện lên trong mỗi khúc hát vừa có sự lặp lại, vừa có sự phát triển. Không gian làm việc của mẹ càng ngày càng rộng mở, từ giã gạo ở nhà đến phát rẫy trên nương và cuối cùng mẹ ra chiến trường. Trong mỗi khúc hát ta thấy lúc đầu mẹ là mẹ chiến sĩ, về sau chính mẹ là chiến sĩ. Hình ảnh mẹ trong bài thơ không chỉ mang ý nghĩa cụ thể về một người mẹ Tà Ôi mà còn mang ý nghĩa khái quát. Trong cuộc kháng chiến thần thánh ấy có biết bao người mẹ. Những người mẹ Việt Nam yêu con, yêu nước, sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập tự do của dân tộc.

Câu 3. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi, Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng" Phân tích tình cảm của người mẹ đối với con ở câu thơ thứ hai.

  • Trong câu thơ, có 2 “mặt trời”, mặt trời ở câu 1 là mặt trời của tự nhiên, mang đến ánh sáng ấm áo, cho sự phát triển, sự sinh trưởng của muôn loài.
  • Còn ở câu thơ thứ hai, “mặt trời của mẹ”, đó là một ẩn dụ độc đáo, có ý nghĩa sâu sắc. Con là mặt trời của mẹ. Con là nguồn hạnh phúc ấm áp vừa gần gũi vừa thiêng liêng của đời mẹ. Chính con đã góp phần sưởi ấm lòng mẹ, đã nuôi giữ lòng tin yêu và ý chí của mẹ trong cuộc sống. Mẹ lao động sản xuất, mẹ cầm súng chiến đấu, cũng là vì tương lai, vì hạnh phúc của con.

Câu 4. Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào? Nhận xét về mối liên hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh công việc mà mẹ đang làm ở từng đoạn thơ, về sự phát triển của tình cảm và ước vọng của người mẹ qua ba khúc ru?

  • Qua khúc hát ru ta thấy tình cảm của mẹ đối với con là tình yêu đằm thắm lớn lao. Mẹ yêu con, mong con khôn lớn trưởng thành, mong con được sống trong hòa bình. Tình yêu con tha thiết biến thành lời ru với những ước mơ dịu ngọt. Trong ba khổ thơ là sự đan xen hòa quyện hai lời ru: Lời ru gián tiếp và lời ru của mẹ. Lời ru của mẹ có quan hệ rất tự nhiên, chặt chẽ với công việc mẹ đang làm, với tình cảm và ước mơ của mẹ. 
    • Mẹ giã gạo nên mẹ mơ con lớn “Vung chầy lún sân” giã những hạt gạo trắng ngần.
    • Mẹ tịa bắp nên mơ con lớn “Phát mười Ka Lư” tỉa nhiều bắp nuôi làng. 
    • Mẹ địu con ra trận nên mẹ mơ thấy Bác Hồ, nghĩa là mơ thấy đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp và “Mai sau con lớn làm người tự do”.
  • Không gian làm việc của mẹ rộng dần ra. Tình yêu của mẹ cũng rộng mở và phát triển: 
    • Yêu con – yêu bộ đội 
    • Yêu con – yêu làng 
    • Yêu con - yêu nước
  • Ước mơ của mẹ lớn dần. Nhà thơ không để mẹ nói trực tiếp giấc mơ mà để vào giấc mơ con. Mẹ mong con ngủ ngoan và có những giấc mơ đẹp “Con mơ cho mẹ”, cụm từ này cứ lặp đi lặp lại tạo nên giai điệu tha thiết, tin yêu

Câu 5. Qua những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ, em có nhận xét gì về cái nhìn và cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên đất nước và con người lao động.

  • Trong bài thơ, có thể thấy được tình yêu thương cho con của người mẹ gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Vì yêu con, mẹ càng yêu quê hương, mong muốn đất nước được tự do, độc lập, để con có thể lớn lên, được làm công dân của một nước tự do, tự quyết định số phận của mình.
  • Chính động lực đó, đã thúc đẩy, gìn giữ, cổ vũ cho ý chí chiến đấu của người mẹ nói riêng, của toàn bộ nhân dân nói chung trong cuộc kháng chiến trường kì giành độc lập cho dân tộc.

Để chuẩn bị cho bài học tiếp theo được tốt hơn các em tham khảo thêm bài giảng Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

3. Một số bài văn mẫu về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác vào năm 1971, năm mà cuộc kháng chiến chống Mĩ đang hồi cam go, khốc liệt nhất, mỗi người dân Việt Nam đang dốc toàn sức toàn lực của mình để góp phần cho chiến đấu. Bài thơ là tiếng hát ru của người mẹ dân tộc Tà-ôi dành cho những đứa con rất mực thân yêu của mình. Để nắm vững nội dung cũng như viết hoàn chỉnh những bài văn về tác phẩm này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

4. Hỏi đáp về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF