YOMEDIA
NONE

Phân tích tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Sau một thời gian dài dồn sức cho hai cuộc kháng chiến vệ quốc đi đến thắng lợi, nhân dân ta trở lại quỹ đạo đời sống thời bình với muôn vàn khó khăn bỡ ngỡ. Những quy luật bất thường đã làm nên đặc trưng văn hoá thời chiến giờ không còn phát huy ảnh hưởng nữa. Con người phải đối diện với nhu cầu cơm áo. Đời sống dần lộ ra những phức tạp, bất ổn: nhiều chuẩn mực trở nên lỗi thời, mối quan hệ cá nhân - cộng đồng không đơn giản một chiều như trước, đòi hỏi phải được nhận thức lại. Những biến động dữ dội từ các nước Đông Âu, sự manh nha của nền kinh tế thị trường đầu thập kỷ tám mươi,... làm nảy sinh biết bao câu hỏi nhức nhối về niềm tin, về cách sống. Tất cả đều đang báo trước nhu cầu đổi mới toàn diện đất nước sẽ được Đảng chính thức phát động năm 1986. Có thể gọi đây là buổi giao thời của hai giai đoạn lịch sử với sự cọ xát, va chạm của các quan niệm, các hệ giá trị cũ - mới. Nhạy cảm với thời cuộc, một số nhà văn đã kịp thời đưa được hơi thở nóng hổi của hiện thực vào tác phẩm. Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng là trường hợp tiêu biểu. Cùng với Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và vài ba nhà văn khác, Ma Văn Kháng đã chuyển mối quan tâm từ bình diện các sự kiện lịch sử - chính trị sang bình diện sinh hoạt thế sự, đưa những trăn trở về văn hoá, đạo đức vào trung tâm soi ngắm, khám phá.

    Mùa lá rụng trong vườn như nhiều người đánh giá, là hành trình đi tìm câu trả lời cho vấn đề bức thiết: Mỗi con người, mỗi gia đình sẽ phải sống như thế nào trong hoàn cảnh bộn bề hiện tại ? Đoạn trích nằm ở phần đầu tác phẩm, có thể coi là một áng văn đẹp, chuyển tải thành công những suy tư, trăn trở đầy trách nhiệm của tác giả trước một đô thị đang từng giờ từng phút quẫy cựa, tung phá ra khỏi cái trật tự đã trở nên bức bối trì trệ. Đây thật sự là những trang tươi sáng, cảm động nhất của cuốn truyện mang đậm sắc thái bi kịch nhân văn này. Từ khi nào, cái gia đình nhiều thế hệ vốn yên ấm, thuận hoà của ông giáo Bằng bắt đầu xuất hiện những vết rạn, rồi lung lay, chao đảo ? Vì lẽ gì mà một người vợ đảm đang, rất yêu và hãnh diện về chồng như Lý sinh ra bất mãn với gia đình, lao vào những cám dỗ tầm thường ? Sự "nổi loạn" của Cừ - người con trai thứ tư của ông Bằng - đưa anh ta từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác rồi kết thúc bằng cái chết tuyệt vọng, có căn nguyên sâu xa từ đâu ?,... Giữa những bức xúc về đói nghèo, về công bằng, tiến bộ, gây nên "cơn sốt vỡ da" của xã hội thời hậu chiến đang làm lung lay nhiều mái ấm gia đình, có biết bao vấn đề cần được xem xét lại một cách tỉnh táo, trong đó có nhu cầu khẳng định giá trị cá nhân và giữ gìn các chuẩn mực văn hoá. Câu chuyện khép lại khi những người con ông Bằng, sau đám tang cha, đang cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn lại những rạn vỡ trong các mối quan hệ vợ - chồng, anh - em, chú - cháu,... khá phức tạp. Bức thư tuyệt mệnh đầy ăn năn của Cừ, sự trả giá đau đớn của Lí, lòng vị tha của Hoài, tình yêu trong sáng của Cần và bản lĩnh văn hoá của những trí thức như Cần, Luận, Phượng liệu có hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn ?

    Đặt khung cảnh ngày Tết sum họp ở phần đầu tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn, sau sự kiện gia đình vừa nhận tin Cừ bỏ trốn ra nước ngoài, và mấy anh em Đông, Luận bàn cách giấu cha vì sợ ông Bằng không chịu nổi cú sốc này, Ma Văn Kháng vừa giúp bạn đọc sớm tiếp cận chủ đề tác phẩm vừa tạo được hiệu quả thẩm mỹ đáng kể khi khơi dậy ở người đọc nỗi lo âu và cảm giác nuối tiếc vô ngần trước sự phôi pha, băng hoại của những giá trị cổ truyền, để rồi từ bữa Tết sum họp này đã không còn toả hơi ấm trong gia đình ông Bằng nữa. Ngày Tết ấy sẽ trở thành biểu tượng cho tình người, cho cái đẹp tâm linh mà con người thời hiện đại phải khắc khoải tìm về để tự cân bằng nhịp sống căng thẳng và quá nhiều lý tính.

    Khẳng định những giá trị cổ truyền, tác giả muốn đề xuất một định hướng văn hoá làm chuẩn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu giải phóng cá nhân, đồng thời lý giải vai trò to lớn của gia đình đối với quá trình hình thành nhân cách con người, gián tiếp đối thoại với quan niệm đạo đức một thời quá nhấn mạnh vào ý thức cộng đồng: "hình như có thời kỳ người ta có ảo tưởng là có thể coi nhẹ các quan hệ gia đình. Các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em,... hình như không có gì phải bàn bạc nữa" (lời Luận). Khuynh hướng củng cố gia đình, gia tộc, theo Ma Văn Kháng, là "dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại tất cả cái xấu đang làm phá cuộc sống".

    Chủ đề tư tưởng toát lên từ khung cảnh sinh hoạt thân thuộc mà rất đỗi thiêng liêng. Thiên nhiên cũng chuẩn bị sẵn cho con người tâm thế giao hoà. Bữa cúng tất niên là thời điểm đặc biệt với mỗi người Việt Nam. Nó là sự kết thúc để khởi đầu cho một năm mơ ước và phấn đấu. Người người hân hoan hướng về nguồn cội bày tỏ tri ân và mong được tiên tổ phù hộ độ trì. Không gian Tết mang đậm màu sắc văn hoá tâm linh ấm cúng mà trang trọng. Cách chọn thời điểm như vậy tập trung được nhiều nhân vật, bộc lộ được nhiều tính cách, tâm sự mà vẫn thống nhất ở định hướng: làm gì để nuôi dưỡng căn cốt văn hoá của con người.

    Mô tả một ngày Tết sum họp, ngòi bút Ma Văn Kháng như thăng hoa trong nhiệt hứng tạo dựng không khí điển hình của một cái Tết cổ truyền. Từng chi tiết được chọn lựa kỹ lưỡng, từng động tác, từng lời của nhân vật đều có khả năng hé mở tâm tính và tâm trạng. Tết mang đậm màu sắc văn hoá tâm linh với không khí đặc trưng bởi sự ấm cúng, sum họp. Bữa cúng tất niên trong gia đình ông Bằng rõ ràng là còn phản chiếu nhiều nét đẹp chung của truyền thống dân tộc. Nét đẹp đó hiện ra trên cả bình diện vật chất lẫn tinh thần. Lễ cúng bài bản, trang trọng theo đúng nghi thức với khói trầm ngát thơm, bánh chưng xanh buộc lạt điều, mâm ngũ quả, những chén rượu xinh xắn rải ngang trước bàn thờ, ngọn đèn dầu lim dim,... Có sự thành kính nghiêm cẩn, thiêng liêng một dòng chảy mơ hồ mà xao động đến rưng rưng cảm động. Đó là thời khắc giao hoà giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại, thực và ảo, sống và chết, cõi dương và cõi âm, cõi người và cõi hồn, thể xác và tâm linh,... Bức ảnh những thành viên đã khuất trong gia đình (hình ảnh bà Bằng, anh cả Tường) như khơi lại quá khứ, mở ra cuộc giao cảm kỳ lạ: "Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ. Thoáng cái, ông Bằng như quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái cảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoè, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao". Giây phút này con người như được thanh tẩy để trở nên tinh khiết, đau đáu niềm hướng thiện. Lời khấn của ông Bằng là tình cảm thiết tha hướng về cội nguồn bằng tất cả lòng biết ơn trân trọng và tâm nguyện đắp bồi, củng cố mái ấm gia đình giữa bao sóng gió. Trong lời khấn ấy có một sợi dây bí ẩn nối kết mọi người, cả kẻ sống người chết, kẻ có mặt và người vắng mặt: dòng chảy của đạo lý, của tình yêu thương chung thuỷ, của ý thức làm người. Quá khứ không tách rời với hiện tại. Tổ tiên luôn đi cùng con cháu. Tất cả liên kết thành sức mạnh, thành niềm tự hào và trách nhiệm. Nhà văn đã nhìn ra cái gốc gác, các nền tảng sâu xa gắn bó mỗi cá thể là truyền thống gia đình. Lời khấn của ông Bằng không chỉ hướng đến tri ân người đã khuất, tri ân tổ tiên mà còn tri ân những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Những từ ngữ cổ kính, mang phong cách tôn giáo hoá ("Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu...") in đậm dấu ấn nhà nho mẫu mực. Nhà nho ấy quay trở về cõi thực, dù trong bầu không khí đoàn tụ, ấm cúng cũng không sao giấu được nỗi đau làm tổn hại danh dự tổ tiên. Ông Bằng mắt "cay xè", lòng "bổn ngộn" khi nghĩ đến người con út tha hoá, tự cô lập mình bằng lối sống bất cần, trở thành kẻ chối từ gốc gác, dối cha lừa vợ. Ông lặng lẽ mà quyết liệt khi gạt tên Cừ (người con lạc loài ấy) ra khỏi lời khấn xin tổ tiên phù hộ. Có lẽ trong ông, nỗi đau vì truyền thống gia đình bị vấy bẩn còn lớn hơn nỗi đau của người cha mất con. Chi tiết này khiến ngày Tết sum họp năm nay của gia đình ông như là "khúc vĩ thanh" của sự đầm ấm, bình yên, báo trước những bi kịch không lường hết của cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường. (Có người nói Ma Văn Kháng đã bày "mặt trận" giữa một gia đình bé nhỏ chỉ có thứ vũ khí thuần tuý là đạo đức và văn hoá với những tác động tiêu cực của cả một xã hội đang trong cơn "trở dạ").

    Có một xúc cảm thật đẹp được gợi lên từ mâm cỗ tất niên: lòng kính trọng tổ tiên, niềm âu yếm dành cho anh em, con cháu, bạn bè, tình yêu cuộc sống, nét tài hoa,... đều được con người gửi vào mâm cỗ ấy (Lý và mọi người đã tính toán công phu, đã nỗ lực hết mình để có thể chu toàn). Nó phải thoả mãn đủ các tiêu chí: đầy đặn gợi sự no ấm, đẹp đẽ gợi sự lịch lãm, sang trọng gợi niềm thành kính;... Dường như văn hoá ẩm thực của người Việt, mà nổi tiếng là của người Hà Nội đã tập trung trọn vẹn trong mâm cỗ tất niên nhà ông Bằng: gà luộc, giò, nem, chả, măng hầm chân giò, miến nấu lòng, vịt quay ướp húng lìu, gà tần hạt sen,... Người ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn ngắm bằng mắt, không chỉ cốt cho no mà còn thưởng thức cái tinh tế, cái tài hoa, cái đảm đang của người làm cỗ, cái kì diệu của hương vị sản vật quê hương xứ sở.

      bởi Thùy Trang 09/05/2022
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON