YOMEDIA
NONE

Phân tích hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ "Đò Lèn"- Nguyễn Duy

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trong phong trào của các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Duy đã xác lập cho mình một lối đi riêng: không ngang tàng bụi bặm như Phạm tiến Duật, không gân guốc như Nguyễn Đức Mậu hay nghiêm trang như Nguyễn Khoa Điềm; ở Nguyễn Duy là những cảm xúc đầm ấm, hồn hậu đã lắng kết ngàn đời, trở thành tâm thức văn hóa, thành những hồi ức không thể nào quên. Những điều ấy được thể hiện qua dòng suy tư của nhân vật trữ tình trong bài thơ “Đò Lèn”.

    “Đò Lèn” được sáng tác khi đất nước đã lặng im tiếng súng (1983), cuộc sống yên bình đã trở lại nhưng vẫn còn đó, nguyên vẹn một Nguyễn Duy đằm sâu triết lí mà thanh thoát, nhẹ nhàng trong hơi thở dân dã tự nhiên, một cái tôi có khả năng kết nối từ hồi ức riêng tư đến lịch sử dân tộc. Bài thơ “Đò Lèn” là lời của người cháu đã trưởng thành nhìn lại tuổi thơ, nhìn lại những năm tháng sống bên bà mà suy nghĩ, thức tỉnh. Cái nhìn có vẻ đơn sơ, hồn nhiên mà cũng thấm thía, sâu sắc trong sự song hành quá khứ - hiện tại, trong những suy tưởng triết lí ẩn hiện phía sau. Bài thơ kết cấu theo dòng chảy của hoài niệm tuổi thơ, ngỡ ngọt ngào mà hóa ra xa xót, ngậm ngùi.

    Bài thơ mở ra với những hồi ức tuổi thơ tươi đẹp:
     

    “Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

    níu váy bà đi chợ Bình Lâm

    bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

    và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

     

    Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

    chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

    mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

    điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”



    Cái “tôi” hồi ức, kể lể, dãi bày về câu chuyện ấu thơ: “Thuở nhỏ tôi…” Đó là cái “tôi” hồn nhiên của một thời vô lo, vô nghĩ với những trò chơi dân gian thân thuộc đã làm nên tuổi thơ: câu cá, theo bà đi chợ, bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, ăn trộm nhãn chùa Trần.” Đó là một cậu bé hiếu động và nghịch ngợm. Nguyễn Duy thật tài tình khi chỉ vài nét bút đã làm hiện lên cậu bé hoạt bát “chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng” và còn có thể làm mờ hóa không gian bằng và trong hai câu thơ sau đẹp như ảo ảnh. Hai câu thơ không một từ nào khó hiểu nhưng đặt cạnh nhau lại tạo nên một ám ảnh da diết lạ thường. Câu trên là một màu sắc, hương thơm ảo; câu dưới là một âm thanh ảo, bóng hình ảo.

    Cái hồn nhiên, vô lo nghĩ một thời “níu váy bà đi chợ Bình Lâm” trong cái nhìn hiện tại lại có gì day dứt khôn nguôi:
     

    “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

    bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

    bà đi gánh chè xanh Ba Trại

    Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn


    Một chữ “thập thững” mang theo bao bước chân già nua trong đói rét, như có cả hơi thở hổn hển. Không phải bước chân hốt hoảng của Hoàng Cầm: “Bước cao thấp bên bờ tre hun hút” (“Bên kia sông Đuống”) mà là bước đi thường ngày của người già: bước lên – bước xuống theo nhịp quang gánh trĩu nặng, yếu ớt. Những địa danh riêng “Quán cháo, đồng Quan, Đồng Giao,…” mà vẫn đem lại cảm xúc chung về quê hương nguồn cội; bà của “tôi” mà như của mọi người. “Tôi đâu biết” là cái giật mình đầy xa xót như cái giật mình đầy xa xót của biết bao người con khi nghĩ về bà, về mẹ - những người phụ nữ Việt Nam. Đại từ “tôi” bé nhỏ, âm thầm, không phải cái thế kiêu bạc của người lính chiến “ung dung buồng lái ta ngồi” (Phạm Tiến Duật) mà trĩu nặng những ân tình, bộc bạch, sẻ chia. Những nhận thức, ăn năn về đạo đức chứ nhẹ nhàng đến mà thấm thía như thế.

    Từ đó mà mạch thơ dẫn về tâm linh qua những cảm nhận nguyên sơ của con trẻ:
     

    Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực

    giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần

    cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

    cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm”


    “Trong suốt” – một cảm nghiệm tâm linh hay một ảo giác, một tín ngưỡng trong tâm hồn thơ dại? “Tiên, Phật, thánh thần” là hư mà cũng từng là thực trong niềm tin tuổi nhỏ. Bà là thực mà cũng là hư trong bao điều mà “tôi đâu biết”. Những tương phản tạo nên sức ám ảnh của câu thơ: hư – thực, hiện thực (“củ dong riềng luộc sượng”) và tâm linh huyền ảo (“mùi huệ trắng hương trầm”) hay niềm tin vượt lên hiện thực? Cái đói là hiện thực nhưng nó cũng không giết được cái đẹp mà giữ người ta trong trạng thái “trong suốt” – nhìn xuyên thấu, hòa nhập vào tâm linh. Trong mắt cháu, bà hiện lên là một ám ảnh, một niềm vui, một nỗi xót xa và cả sự tâm linh lạ kì.

    Sự kiện “Bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất” khiến nhân vật bừng tỉnh. Bầu trời cổ tích vỡ tan và hiện thực nghiệt ngã về cuộc đời hiện ra: “Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Sự bừng tỉnh đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nhân vạt trữ tình. Cậu bé hồn nhiên sống trong tình yêu thương vô điều kiện đã bước khỏi tuổi thơ để nhìn thấy bà trong đời thực. Khiến thánh thần bay mất: “thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” như đang giải huyền thoại cho một niềm tin ngây thơ. Những ngôn ngữ đậm chất dân dã, hài hước càng rõ nét cho sự giải thiêng để khẳng định sức sống của con người bình thường.

    Và rồi kết thúc câu chuyện là một nỗi buồn sâu, buồn lâu và một suy ngẫm phổ quát rất “Nguyễn Duy”, đậm tính suy tưởng Nguyễn Duy

    Cách kể “Tôi đi lính lâu không về quê ngoại” ngỡ như một lời tự sự bình thường mà dồn nén thời gian cả một cuộc chiến, chất chứa trong đó cả một cuộc đời. Đứa trẻ năm nào nhìn dòng sông trong sự toàn vẹn của nó: “bên lở bên bồi”. Thì ra, cuộc đời này vẫn luôn là thế: là sự được – mất, thành – không luôn song hành. Con người ta đôi khi để có được điều gì đó lại phải đánh đổi những điều rất quý giá của mình. Đôi khi, đến cuối con đường, lại nhận ra sự trả giá ấy là quá đắt: “biết thương bà thì đã muộn”. Cái “nấm cỏ” kia có thể là “cỏ khâu xanh rì” hay “sè sè nắm đất bên đường”, chẳng hề vô tri mà là cuộc đời của cả một con người, là dòng thác cuộn chảy của cả một thời kì lịch sử.

    Bài thơ tưởng như rất cá nhân (từ nhan đề “Đò Lèn” – một địa danh cụ thể đến danh xưng “tôi”) lại mang đậm màu sắc nhân sinh là một cách thức nhận lại mình, lại lịch sử một cách công bằng và trung thực hơn. Triết lí mà không cao siêu, nhẹ nhàng mà thấm thía trong cách cảm vè sự đời và con nười, giản dị trong tiếng nói mà gây thành ấn tượng, ám ảnh. Mỗi đoạn thơ chỉ có chữ đầu tiên đoạn viết hoa, tưởng như là mỗi câu văn của một câu chuyện được thủ thỉ, tâm tình, giãi bày rất thân thương, gần gũi. Ngôn từ không một chút khó hiểu nhưng khi ứng hiện với nhau tạo lên một hình thức lấp lánh, đầy sức gợi mở. Bài thơ đã thực hiện sứ mệnh của văn học: làm cho người ta không còn thấy câu thơ mà chỉ còn thấy tình người, quên rằng đó là tiếng nói của ai nà chỉ thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình vậy. Và như thế, văn học không rao giảng đạo đức mà là sự “ăn năn về đạo đức” để tự nhận thức, tự đổi thay.

    Như Thanh Thảo chiêm nghiệm: “Muôn đời thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà thôi”. Bằng những tiếng lòng sâu thẳm nhất, đó chính là điều đã giữ bài thơ đến tận ngày hôm nay và kéo tên tuổi Nguyễn Duy ra khỏi quy luật băng hoại nghiệt ngã của thời gian.
     

      bởi Hoang Viet 25/03/2022
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON