YOMEDIA
NONE

Cảm nhận về đoạn Cúng mẹ...bưng khác của Những đứa con trong gia đình

Cảm nhận của anh chị về đoạn trích sau " Cúng mẹ...bưng khác" của những đứa con trong gia đình. Từ đó anh chị có suy nghĩ gì về vai trò của tình cảm gia đình đối với con người trong cuộc sống hôm nay

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • Để hiểu và cảm nhận được nét đặc sắc của đoạn trích, cần phải nắm được vị trí của nó trong tác phẩm và phải biết dựng lại bối cảnh của câu chuyện. Phần đầu của đoạn trích, tiếng hò của chú Năm là chi tiết cần đặc biệt lưu ý. Phần sau đoạn trích, không nên bỏ qua nghệ thuật chuyển từ miêu tả các hiện tượng bên ngoài vào miêu tả tâm lí nhân vật một cách hết sức tự nhiên. Cũng cần nói được cái hay của chi tiết về mùi hoa cam...

    Khi làm bài, không nên gán cho các hình ảnh, chi tiết những “ý nghĩa” quá rõ ràng, thuần lí. Sự thực, các hình ảnh, chi tiết trong đoạn trích đã hoàn toàn vượt lên tính chất minh hoạ đơn giản để đạt tới sức ám ảnh đích thực của nghệ thuật.

    Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

    - Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một truyện ngắn đậm chất tiểu thuyết. Hiện thực được miêu tả trong tác phẩm bề bộn, phức tạp và sống động. Các nhân vật đã sống tận cùng bản chất riêng tư của chính mình. Tính cách của họ không bị bào gọt đi cho phù hợp với ý đồ chủ quan của nhà văn, mà phát triển một cách tự nhiên và hợp logic, nói được với ta nhiều điều có ý nghĩa về cuộc đời. Trong truyện có nhiều chi tiết rất đắt vừa diễn tả được cái “góc cạnh’’ của hiện thực chiến đấu khốc liệt, vừa chứa đựng những tầng nghĩa thâm trầm khiến độc giả tiếp xúc một lần cũng không thể nào quên. Một trong những chi tiết thuộc loại đó là chi tiết hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má đi gửi trước ngày lên đường nhập ngũ. Nó được kể lại trong đoạn văn rất giản di, cô đọng, từ “Trong lúc chị Chiến...” tới "... lội hết đồng này sang bưng khác”.

    - Đọc cả truyện ngắn, chúng ta đã biết Chiến và Việt là hai chị em trong một gia đình có mối thù sâu sắc với quân giặc. Cả ba và má họ đều đã bị chúng giết chết. Hai chị em sống nương tựa vào nhau và được chú Năm đùm bọc, dạy dỗ. Họ đã xin nhập ngũ cùng một ngày. Trước khi lên đường, họ gửi đứa em nhỏ và bàn thờ má sang nhà chú.

    - Là một nhà văn có trực giác nghệ thuật hết sức nhạy bén, tác giả đã không quên tạo một điểm nhấn với chi tiết “khiêng bàn thờ”, khiến tác phẩm đạt tới chiều sâu đáng kể. Người đọc có thể ngạc nhiên: làm sao nhà văn lại có thể chớp bắt được chi tiết hiếm, quý đó trong hiện thực để rồi biến nó thành một tín hiệu nghệ thuật sáng giá? Có thể giải thích bằng lí do tài năng và vốn sống. Chính những yếu tố ấy cho phép tác giả nhìn ra những mối liên hệ sâu xa giữa các sự vật ẩn dưới một số hiện tượng có vẻ ngẫu nhiên, rồi từ đó “bắt” người đọc nhận thức lại những “câu chuyện vặt vãnh’’ thường bị họ bỏ qua một cách phí hoài.

    - Trước khi trực tiếp tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ, nhà văn đã nhắc tới một cách có dụng ý tiếng hò của chú Năm. Đây không phải là một âm thanh vô tình. Một cách hết sức tự nhiên, nó “dự báo” ý nghĩa của hành động sẽ được kể đến ở sau. Chắc chắn tiếng hò phải bao hàm một “thông tin” gì thật đặc biệt mà chú Năm (hay đúng hơn là tác giả) muốn ta lưu ý. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng hò lại được miêu tả kĩ như thế, từ cao độ, trường độ đến tiết tấu, âm sắc và hình như cả nội dung hàm chứa. Đây không phải là “giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông” chỉ có tác dụng gợi lên một nét riêng của phong cảnh. Đây là "lời thề dữ dội”, lời “nhắn nhủ, tha thiết” khiến người nghe không thể yên được. “Ánh nắng chói chang” giữa ban ngày đã tước bỏ đi sự mượt mà không cần thiết để tất cả phơi lộ ra mật bản chất nhất của chúng, theo một kiểu đầy kích thích: “nổi lên”, “cất lên như một hiệu lệnh”, “kéo dài”, “vỡ ra”, “ngắt lại”... Chỉ tả tiếng hò mà nhà văn đã làm dấy lên trong lòng người đọc bao dự cảm về hiện thực. Câu văn càng cố viết bằng giọng khô, đanh, lại càng có sức đập mạnh vào tri giác, cảm giác của người đọc.

    - Với một tâm thế tiếp nhận đã được chuẩn bị trước ít nhiều (nhờ tiếng hò rất lạ của chú Năm), độc giả bỗng “vỡ ra” được nhiều ý nghĩa từ cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ đi gửi. Bàn thờ là vật thiêng liêng trong mỗi gia đình. Việc thay đổi vị trí của nó cũng như việc bày biện không thể tiến hành một cách tuỳ tiện như đối với các đồ vật khác. Chúng bao giờ cũng phải xuất phát từ những lí do đặc biệt. Việc chị em Chiến, Việt đem gửi bàn thờ sang nhà chú nói lên rất rõ quyết tâm của hai chị em: lên đường đánh giặc để trả thù cho ba má. Thông thường, bỏ mặc bàn thờ là có tội. Nhưng hành động của Chiến, Việt chắc sẽ được vong linh người chết đồng tình, bởi họ ra đi là vì người đã nằm xuống, và trước khi đi, họ đã không quên gửi gắm, khấn nguyện một cách chân thành. với chiếc bàn thờ trên vai, hình như cả Chiến lẫn Việt đều thấy mình gần với má hơn bao giờ hết. Nỗi lòng, tâm sự, lí do lên đường của họ được dịp bộc lộ một cách tự nhiên: “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”. Nguyễn Thi khéo chuyển mạch văn từ miêu tả những hiện tượng bên ngoài đến miêu tả thế giới bên trong của nhân vật. Mọi chi tiết đưa ra đều súc tích, cùng một lúc nói được nhiều điều. Khi tả “bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng” và tư thế khiêng bàn thờ gọn ghẽ của chị Chiến, tác giả đâu phải chỉ dừng lại ở việc kể câu chuyện đã xảy ra lúc đó. Ông muốn ta hãy lưu ý tới tính xốc vác như một biểu hiện rất cơ bản của tính cách nhân vật. Rồi khi nói tới tiếng chân “bịch bịch” của chị Chiến là khi nhà văn tạo cho độc giả cơ hội nhìn sâu hơn vào nội tâm của Việt, và men theo dòng chảy nội tâm ấy mà hiểu ra tất cả ý nghĩa của sự việc đang diễn tiến: “Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Triết lí trong lời nói thầm của nhân vật đã đến một cách tự nhiên, bất ngờ, hình như nằm ngoài chủ định. Đây chính là chỗ bộc lộ cái sâu sắc trong văn Nguyễn Thi: tính triết lí tự bật lên từ những tương quan mang tính bản chất nhất, cốt lõi nhất. Từ đây, người đọc càng ngẫm ra ý nghĩa khái quát, điển hình của chi tiết khiêng bàn thờ đi gửi: đó chính là cuộc chiến đấu của chúng ta - một cuộc chiến đấu có căm thù nhưng cũng có yêu thương; có sự quyết tâm nhưng cũng có sự thanh thản, nhẹ nhõm; có yếu tố hành động nhưng cũng có yếu tố tâm linh... Trong văn học chống Mĩ, tìm được một chi tiết thật “tiểu thuyết’’, thật cô đọng, nén chặt nhiều ý nghĩa như thế không phải dễ. Điều đó càng chứng tỏ tài năng xuất sắc của cây bút hiện thực nghiêm ngặt Nguyễn Thi.

    - Ở cuối đoạn văn có một làn hương lạ xuất hiện: “Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác”. Làn hương ấy nói lên chất trữ tình kín đáo mà sâu xa của văn Nguyễn Thi. Nó được nhắc đến cứ như không mà đầy dụng ý, và ngược lại, có dụng ý mà vẫn hồn nhiên như chính cuộc đời. Nếu ai đó cứ cố tình “khám phá” và gán ghép ý nghĩa này, ý nghĩa nọ rất mực cụ thể cho chi tiết đó, chắc chắn làn hương kia sẽ mất. Có lẽ chỉ nên hiểu rằng trong sáng tác của mình, Nguyễn Thi không bao giờ “trữ tình” một cách dễ dãi. Nếu có thì đó không phải là “trữ tình” của nhà văn mà là của chính cuộc sống dữ dằn, thô tháp nhưng không thiếu chất thơ này. Chính nó đã đưa lại cho người đọc những thoáng rung động cần thiết để sống và trụ vững giữa thời khốc liệt lúc bấy giờ.

    - Đọc Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, ta có dịp hiểu sâu thêm thế nào là một hình tượng nghệ thuật, một chi tiết nghệ thuật đích thực. Chúng đi vào lòng người thật dễ dàng nhưng đã để lại biết bao ám ảnh, suy nghĩ và bâng khuâng.

      bởi Phương Thân 05/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • “Không bao giờ xương máu phải bơ vơ

    Ôi sông núi nghi ngàn dặm đất

    Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt

    Nguyện làm người xung kích của quê hương”

    (“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm)

    Cái đổ máu và đổ lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng cho biết bao người con Việt Nam lấy máu xương của mình viết thành tên đất mẹ. Ở chiến trường Sài Gòn, Nguyễn Thi – một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kỳ này đã kịp ghi lại cái “xung kích của quê hương” trong một “Người mẹ cầm súng” – chị Út Tịch, trong một “Ước mơ của đất” – chị Nguyễn Thị Hạnh,… Và đặc biệt hơn cả là trong thế hệ tuổi trẻ anh hùng miền Nam với truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” mà điển hình là Việt và Chiến. Với ngòi bút dung dị nhưng đầy sắc sảo trong tâm lý nhân vật, truyện ngắn này lay động lòng người bởi tất cả sự đau thương, mất mát và những tình cảm gia đình sâu nặng… Mà có lẽ, đoạn văn dù rất ngắn nhưng đong đầy cảm xúc hơn cả là đoạn hai chị em bưng bàn thờ ba má qua gửi nhà chú Năm trước lúc lên đường nhập ngũ: “Cúng mẹ và cơm nước xong… sang bưng khác.”

    Nếu sự nghiệp chiến đấu và sáng tác của Nguyễn Trung Thành gắn liền với âm vang cồng chiêng của mảnh đất Tây Nguyên; với Tô Hoài là đất Tây Bắc “xa vút mờ” thì Nguyễn Thi – một người con đất Nam Định lại gắn bó như máu thịt với miền đất Nam Bộ đầy ắp nghĩa tình và trở thành “nhà văn của người nông dân Nam Bộ”. Chiến trường ác liệt miền Nam đã tôi luyện một “tay súng” trong “tay bút” của Nguyễn Thi mà theo lời chia sẻ của ông thì: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp gay go, tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được…”. Chính cuộc đời nhiều bất hạnh, hoàn cảnh riêng đầy éo le đã tạo nên ở Nguyễn Thi một tâm hồn đầy suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc và giàu ân nghĩa thủy chung để “trút hết những tình cảm với đất Nam Bộ vào trang viết của mình”. Ngòi bút Nguyễn Thi vừa giàu chất hiện thực lại đằm thắm trữ tình đã khắc họa nên những nhân vật có tính cách mạnh mẽ, trung hậu, căm thù giặc sâu sắc mà cũng rất đỗi hồn nhiên… Dồn tụ bút lực của mình trong những ngày kháng Mĩ ác liệt năm 1966, Nguyễn Thi đã cho ra đời “Những đứa con trong gia đình” – một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông và của cả nền văn xuôi Việt Nam thời kỳ này. Với biệt tài phân tích tâm lý con người, Nguyễn Thi đã thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật để tạo nên trang viết đầy cảm xúc như đoạn bưng bàn thờ của hai chị em ở gần cuối tác phẩm. Sau khi được chú Năm ủng hộ xin anh cán bộ tuyển quân ghi tên cho đi tòng quân cùng một đợt, chị em Chiến, Việt cắt đặt chu đáo mọi công việc trong nhà.

    Buổi sáng trước ngày lên đường, hai chị em làm cơm cúng má – chị Chiến xuống bếp nấu cơm, Việt đi câu ít cá. Cúng má và cơm nước xong, mấy chú cháu thu xếp đồ đạc rời nhà. Hai chị em mỗi người một đầu khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm, băng tắt qua dãy đất cày trước của, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam mà hồi trước má vẫn đi…

    Chưa đầy nửa trang giấy nhưng đoạn văn đã lay động sâu xa tâm hồn người đọc. Trước hết, người đọc xúc động bởi cái nỗi đau, nỗi mất mát lớn lao mà chiến tranh đã đem lại: hai chị em mất đi ba, má – là những người thân yêu nhất trong gia đình. Người miền Nam có câu ca dao “Con không cha như nhà không nóc/ Con không mẹ như nòng nọc đứt đuôi” – làm sao không cảm thương, không tội nghiệp cho được những kiếp người mang chữ “mồ côi”? Hai chị em lúc này chỉ có thể tựa vào nhau, hay có chăng thêm nữa được một điểm tựa chính là chú Năm mà thôi! Nhìn trong nhiều hướng như thế, ta lại thấy thương Chiến – từ ngày mẹ mất có lẽ chị đã đóng vai trò vừa là chị, lại vừa là mẹ để còn bao bọc cho tâm hồn non nớt của thằng Út nữa? Căn nhà vốn đơn chiếc, giờ lại càng thêm trống vắng: hai chị em đi tòng quân, thằng Út gửi nhà chú Năm – người đọc như bị sa chân vào một khoảng không trống rỗng, im lặng đáng sợ… Người đọc lúc này đây sẽ ước không có chiến tranh để gia đình kia, những con người nhỏ bé kia chẳng phải bị âm dương chia cắt đôi đường. Trách lỗi tại ai ư? Chỉ có thể là chiến tranh quá tàn nhẫn đã đẩy ba má ra khỏi cuộc đời của mấy chị em!

    Đọc tiếp những dòng văn bên dưới, độc giả như cảm thấy khóe mắt mình cay cay, nước mắt như chực ứa ra bởi sự hiếu thảo của hai chị em. Nguyễn Thi đã đưa ngòi bút của mình lặn sâu vào thế giới tâm linh của người Việt để viết nên chi tiết cực đắt – chiếc bàn thờ. Người Việt tin vào sự tồn tại của cõi âm – nơi mà khi con người ta nhắm mắt xuôi tay, trở về với đất, con người ta sẽ tồn tại ở đó dưới dạng thức linh hồn. Tất cả sự thiêng liêng quy tụ vào chiếc bàn thờ – nơi mà khói hương sẽ làm sợi chỉ kết nối thế giới hữu hình và thế giới vô hình, kết nối giữa những người đang sống và những người đã khuất. Đó cũng chính là lý do mà hai chị em mượn hoặc đem cho các đồ đạc trong nhà nhưng riêng chiếc bàn thờ thì lại mang sang gửi nhà chú Năm. Trong tâm tưởng của hai chị em lúc này, dường như má vẫn còn sống. Hai chị em như cảm nhận được má đang về với các con, má đang quanh quẩn đâu đó ở góc nhà, sân sau, trái bếp hay chính mâm cơm cùng với mấy chú cháu. Không rơi nước mắt làm sao được với lời độc thoại của Việt “Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho má, đến chừng nước nhà độc lập chúng con lại về”. Việt lúc này như thủ thỉ bao tâm tình, nhẹ nhàng mà lay động bởi sự tinh tế của Nguyễn Thi – “đưa má sang ở tạm bên nhà chú” – má vẫn còn hiện hữu đâu đây sao? Đọc đến đây, ta mới thấy ngòi bút của Nguyễn Thi thật sắc sảo, ông có thể nghe được cả tiếng lòng của nhân vật để rồi cho ta cảm giác như người cầm bút ấy đang đứng đâu đó trong câu chuyện, rất gần, rất gần, quan sát từng cảm xúc sâu bên trong Việt. Có lẽ, lúc này đây, ba má đã yên lòng lắm, đã mãn nguyện lắm rồi bởi các con đi chiến đấu là để “trả thù cho ba má”. Vong linh của ba má làm sao trách được lỗi của tụi con bỏ hương khói khi mà các con dù đi đâu cũng vẫn giữ được tấm lòng với quê hương, với đất nước, với cha mẹ đó thôi!

    Có một niềm vui như thoáng hiện trong lòng chúng ta khi nhận ra sự trưởng thành của Việt. Ngày trước, Việt vẫn thường tranh với chị Chiến từ những điều nhỏ bé, tranh công bắt ếch đến cả những điều lớn lao, tranh đi nhập ngũ… Việt cũng không đủ kiên nhẫn để đọc quyển sổ ghi chép của gia đình như chị Chiến vẫn thường bỏ ăn từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều vậy. Việt còn vô tư đến mức có thể ngủ gật lúc nào không hay khi chị đang bàn bạc về việc thu xếp nhà cửa đêm trước khi đi tòng quân… Thế nhưng, trong thời khắc thiêng liêng này, Việt như trưởng thành, như cứng rắn hơn bao giờ hết, đôi vai và đôi chân Việt cũng vững vàng hơn bao giờ hết “Việt khiêng trước, chị Chiến bịch bịch khiêng phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế”. Tiếng bước chân chị Chiến như nặng hơn bao giờ hết với sự chùng nhịp hai thanh nặng đi liền trong “bịch bịch”. Tiếng bước chân mà như tiếng bom, tiếng đạn đang rơi bên ta vậy – đáng sợ lắm, ngã quỵ lắm. Chính nhờ bước chân ấy mà cậu em vô tư như Việt mới nhận ra là lần đầu “thấy rõ lòng mình như thế” trong cái cảm xúc mơ hồ “thương chị lạ”. Tại sao Việt “thương chị lạ” ư? Người đọc thử lý giải thì chắc có lẽ, Việt hiểu đây có thể là lần sau cùng hai chị em bên nhau, cái ác liệt của mưa bom bão đạn ngoài kia biết đâu sẽ… làm chị em cách xa mãi mãi. Phải chăng lúc này, Việt đang nén nước mắt? Vì Việt là con trai phải mạnh mẽ hay Việt phải trưởng thành, kiên cường để tự dằn lòng mình lại mà lên đường đi chiến đấu trả thù cho ba má. Ta thấy, tiếng bước chân kia thật kỳ diệu, nó như đánh thức và tôi luyện ý chí cho một tâm hồn. Chắc có lẽ phải dành nhiều tình cảm cho nhân vật của mình lắm thì Nguyễn Thi mới không để cho nhân vật của mình phải khóc mà ngược lại còn làm tăng thêm sự chín chắn trong nhận thức với một “mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Mối thù tưởng như vô hình giờ bỗng trở nên có hình khối để “rờ thấy được”, để cảm nhận được “đang đè nặng trên vai”. Lúc này đây, chiếc bàn thờ của má như nhắc nhở Việt và Chiến mối thù sâu nặng của cả gia đình. Mối thù ấy như trở thành động lực cộng hưởng thêm tình cảm gia đình và nguồn sức mạnh tâm linh để bồi đắp thành tình yêu đất nước, thành sức mạnh để đánh thắng kẻ thù. Cái hay của Nguyễn Thi là đã gửi cả một triết lý lớn vào một câu chuyện, một hành động nhỏ: hai chị em bưng bàn thờ với mối thù đè nặng trên vai cũng chính là lúc bắt đầu cuộc chiến – một cuộc chiến có căm thù nhưng cũng tràn đầy yêu thương; có quyết tâm nhưng cũng thanh thản, nhẹ nhõm; có yếu tố hành động cũng có cả yếu tố tâm linh…

    Dõi theo bước đi của hai chi em Chiến và Việt, ta như bước theo nhân vật vào cuộc hành trình tiếp nối truyền thống qua các thế hệ. Lời văn thật giản dị biết bao “Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác”. Là chị Chiến khiêng má mà ta cứ tưởng như má đang đi thật. Bởi ở chị Chiến cũng là “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng”, “cả thân người to và chắc nịch”. Dáng hình của má – dáng hình của người phụ nữ Việt Nam rõ ràng đã được tiếp nối bởi các thế hệ sau. Và đằng sau dáng hình ấy, tác giả đang âm thầm trân trọng, ngợi ca những người phụ nữ Việt không chỉ thùy mị, nết na mà còn mang cả sự mạnh mẽ, rắn rỏi để chống trọi với đạn bom, với cái ác liệt của chiến trường và cuộc đời như những lời thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng viết:

    “Khi có giặc người con trai ra trận

    Người con gái trở về nuôi cái cùng con

    Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh”

    (“Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm)

    Hai chị em đi men theo con đường mang mùi hương lạ – nói lạ mà lại rất đỗi quen thuộc với những con người chân quê miền Bến Tre – “hoa cam”. Làn hương ấy chẳng tỏa ngát như hoa cau, cũng không nồng nàn như hoa bưởi trắng. Tất cả chỉ là “thoảng”, thoảng qua mà thôi! Nhưng sao lại chất chứa biết bao nỗi niềm trữ tình kín đáo? Mùi hương ấy được nhắc đến cứ như không mà đầy dụng ý; và ngược lại, có dụng ý mà vẫn hồn nhiên như chính cuộc đời. Nếu có ai đó cố tình gán ghép ý nghĩa này, ý nghĩa nọ cho chi tiết đó, chắc chắn làn hương kia sẽ mất. Hay bởi trong sáng tác của mình, Nguyễn Thi không bao giờ “trữ tình” một cách “dễ dãi”? Hay đó không phải cái “trữ tình” của nhà văn mà của chính cuộc sống thời chiến dữ dằn, thô ráp nhưng không thiếu chất thơ này? Chính nó đã đưa lại cho người đọc những “thoảng” rung động cần thiết để sống và trụ vững giữa thời khốc liệt lúc bấy giờ.

    Ngòi bút Nguyễn Thi quả là ngòi bút bậc thầy khi chứng tỏ bằng một kết đoạn lạ – kết mà không kết với hình ảnh “con đường”. Trước hết, hai chị em khiêng má qua con đường quê hương mà ngày xưa má vẫn thường đi – con đường gắn với bao hồi ức về má, bao kỷ niệm tuổi thơ vì thế càng làm hai chị em gần với má, với linh hồn của má hơn bao giờ hết. Con đường trữ tình, bình dị ấy nay là con đường tiến vào cuộc chiến tranh ác liệt lại càng khơi dậy ở hai chị em Chiến, Việt những trách nhiệm, tình yêu với gia đình, quê hương và cả đất nước. “Con đường” ấy như được nâng lên thành con đường cách mạng để các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng, dân tộc nối nhau tiếp bước. “Con đường” đã mở ra trong hồn người đọc một không gian mới mà chẳng ai chắc chắn phía cuối con đường kia là điều gì đang đợi. Chỉ biết với sức mạnh của đôi bờ vai tay nhỏ bé nhưng đã đủ sức nâng bàn thờ – nâng mối thù cùng với niềm lạc quan “nước nhà độc lập” làm chuyến ra đi bỗng dưng hóa trở về – ngày đi mà cũng tựa ngày về. Tác giả không nói trực tiếp nhưng người đọc có thể tin tưởng rằng ở phía cuối con đường kia chính là một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như từ trong chính tên của nhân vật bước trên con đường ấy: chiến đấu vì Việt Nam – chiến thắng cho Việt Nam!

    Độc giả bị lôi cuốn vào những dòng văn thắm đượm cảm xúc của Nguyễn Thi, hồn ta như hòa vào chính nội tâm của nhân vật bởi sự tài tình và tinh tế của ngòi bút hiện thực đậm chất lãng mạn mà chính người viết đã dành nhiều tâm lực. Người đọc được sống trong thế giới của Chiến và Việt cũng là nhờ biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sinh động đến từng tiếng bước chân, từng sức nặng của chiếc bàn thờ để rồi bao cảm xúc thăng hoa như chính những xúc cảm thực tế mà tác giả đã từng có vậy. Bên cạnh đó là những hình ảnh đậm chất Nam Bộ: chị Chiến “kéo chiếc khăn xuống cổ”, hai chị em “băng qua dãy đất cày, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam…” Cái hay của tác giả là đã đưa sự an nhiên, bình dị vào chính trong lời khắc đau thương và khốc liệt để khắc tạo hình ảnh người chiến sĩ kiên cường cũng đồng thời là người con chân quê, nghĩa tình của đất và công nước. Chắc có lẽ phải yêu lắm, thương lắm mảnh đất miền Nam thì Nguyễn Thi mới có thể đưa vào trong trang viết của mình ngôn ngữ thuần Nam Bộ từ cách xưng hô “mấy chị em”, “chú cháu” đến cách nói, cách tả về “bắp tay tròn vo, chắc nịch” và cả “chân vườn”, “hoa cam”… Giọng văn chậm rãi mà trầm lắng đã giúp Nguyễn Thi thể hiện xuất sắc dòng hồi tưởng của Việt một cách đầy chân thực. Trang viết này, đoạn văn này còn khẳng định ở Nguyễn Thi tài hoa của một ngòi bút bậc thầy khi biết tiếp nối cái ngắn của hình thức bằng cái dài của nội dung tư tưởng, tình cảm. Truyện ngắn đòi hỏi người viết phải biết dừng đúng lúc, biết nén, biết đào sâu, biết khơi gợi… Một chi tiết nhỏ như “con dường” hay “mùi hoa cam” cũng đủ để làm nên một tác phẩm lớn với những chiều sâu chưa nói hết. Chính cái chưa nói hết ấy đã dẫn người đọc vào cuộc hành trình của chính nhân vật bằng sức hấp dẫn kỳ diệu nhất!

    Qua câu chuyện của hai chị em Chiến và Việt, ta thấy được gia đình chính là cội nguồn sức mạnh sâu thẳm nhất của con người. Đến tận ngày hôm nay, giá trị và ý nghĩa của tình cảm thiêng liêng ấy vẫn còn nguyên vẹn. Trước hết là đối với mỗi người, gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất, là nơi trang bị cho ta những hành trang bước vào đời và cũng là nơi con người ta trở về sau bao thất bại. Con người ta có thể đi nhiều hơn, như chỉ có một nơi để trở về, đó chính là nhà. Điều đó cũng như nhân vật Nhĩ trong “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu rong ruổi cả đời cuối cùng sau chuyến phiêu lưu dài ấy lại trở về, đem hồn neo đậu trong cái an nhiên của bến quê, cái ấm áp của tình cảm gia đình mà Liên đã dành cho anh. Gia đình chính là bến bờ yêu thương của mỗi người, nó giúp con người biết trân trọng hơn tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng xuất phát từ trái tim. Vì chữ “người thân” có bao đời ai lại toan tính với nhau? Lúc vui, con người ta có thể bỏ gia đình mà đi. Nhưng lúc buồn, trở về, gia đình vẫn bao dung dang rộng vòng tay ôm lấy ta. Tình cảm gia đình thật kỳ diệu và cũng là điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ưu ái cho con người! Có những gia đình dù đói nghèo về vật chất, nhưng thắm đượm tình cảm thì vẫn hạnh phúc xiết bao như gia đình Tràng – thị – cụ Tứ yêu thương nhau giữa cái đói nghèo quay quắt vậy. Tình cảm của gia đình còn là động lực cho mỗi người vươn lên trong cuộc sống của chính bản thân mình. Nếu có xem chương trình “Điều ước thứ bảy”, chắc hẳn ai cũng chân quý hơn chính gia đình của mình sau khi xem câu chuyện “Bánh đúc có xương” của bà Lê Thị Thoa – người mẹ kế cùng với cậu con chồng bị ung thư xương. Suốt hơn mười năm chăm sóc con chồng như con ruột, đôi mắt bà xưng híp, che đi cả ánh sáng và như che cả niềm hi vọng nhưng bà chưa bao giờ bỏ cuộc bởi có nguồn sáng là cậu con, và cậu con ấy cũng vì tình cảm thiêng liêng của người mẹ kế mà chống chọi với bệnh tật mỗi ngày. Thế mới thấy, dù không chung huyết thống nhưng những trái tim cùng nhịp đập vẫn tạo nên thứ tình cảm cao khiết giúp người ta có thêm niềm tin vào đời, vào người, vào những gì tươi đẹp của cuộc sống đang đợi chờ ở phía trước. Đó là những gì nhân văn nhất mà các làng trẻ mồ côi đã làm để giúp những phận đời kém may mắn có thể đủ đầy về tình thương. Những câu chuyện ấy sẽ mãi còn làm cuộc đời đẹp hơn, tin yêu hơn như câu chuyện của chàng thanh niên trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 – Nguyễn Hữu Ân với phần lớn chiếc bánh thời gian, tình yêu và hạnh phúc dành cho người mẹ ruột và cả người mẹ nuôi của mình… Không những thế, tình cảm gia đình còn bồi dưỡng một tình cảm cao quý hơn – tình yêu đất nước. Có yêu thương ngôi nhà và những người trong gia đình ta sẽ có thể mở rộng trái tim yêu quê hương, đất nước như lời của nhà thi hào E- ren- bua “Mọi dòng suối đều chảy ra sông. Con sông Vôn- ga đổ ra bể. Tình yêu nhà, yêu quê hương, xóm làng trở thành tình yêu đất nước”. Gia đình không chỉ là cái nôi mà còn là đích đến cuối cùng của mỗi người, nhưng buồn thay lại có những người chẳng hiểu điều đó. Đó là những con người thờ ơ với tình cảm gia đình, con bất hiếu, vợ chồng bất thủy chung… gây ra nhiều vấn nạn như bạo lực gia đình, vô cảm… cần phải ngay lập tức lên án và bài trừ. Hiểu được điều đó, chúng ta biết yêu thương, trân trọng chính tổ ấm của mình hơn. Là một học sinh lớp 12 – ở tuổi 18 không quá nhỏ cũng không quá lớn, tôi chỉ có thể yêu thêm gia đình mình và luôn tự nhắc nhở sẽ luôn cố gắng vì hạnh phúc của gia đình hôm nay, để xứng đáng với cha mẹ và sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc ngày mai.

    Thời gian có trôi đi, bụi thời gian dù dày lên thêm thì cũng là một thứ chất xúc tác giúp gạn đục khơi trong, để những giá trị tư tưởng và tình cảm lớn lao như trong “Những đứa con trong gia đình” ngày càng tỏa sáng lấp lánh. Sau bao tháng năm, đoạn văn vẫn làm xúc động hàng triều trái tim độc giả bởi cái tài và cái tâm mà Nguyễn Thi đã gửi gắm. Không chỉ hay về nội dung, tài về nghệ thuật mà đoạn văn còn đầy ắp tình cảm. Nó khơi gợi trong chúng ta tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc thiêng liêng. Đây cũng là điều lớn lao mà Nguyễn Thi đã làm được: tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” đã đi qua cuộc chiến tranh và vẫn đang viết tiếp khúc quân hành lặng lẽ giữa đời thường, giữa hòa bình để làm phép cộng hưởng cho ngọn lửa truyền thống của dân tộc cháy sáng mãi mãi vào tương lai!

      bởi Love Linkin'Park 05/07/2019
    Like (1) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF