YOMEDIA
NONE

Bàn về vai trò của chất liệu dân gian trong cuộc sống hôm nay

trên cơ sở hiểu thấu về ý nghĩa của việc sử dụng chất liệu dân gian và thành công của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn đầu bài Đất nước, hãy viết một bài luận khoảng 600 từ bàn về vai trò của chất liệu dân gian trong cuộc sống hôm nay

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (2)

  • 1. GIỚI THIỆU CHUNG:

    - Giới thiệu về: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm “Mặt đường khát vọng” và đoạn thơ Đất Nước:

    + Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút tiêu biểu trong nền thơ ca kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.

    + Trường ca "Mặt đường khát vọng" được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

    + Đoạn thơ trên thuộc chương V - chương "Đất nước" của bàn trường ca; thể hiện những nhận thức sâu sắc về đất nước, trong đó nổi bật là hình ảnh đất nước hiện lên trong quan hệ gắn bó với mỗi con người.

    - Dẫn dắt nhận định: Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ Đất Nước được sử dụng vừa quen thuộc vừa mới lạ.

    2. CỤ THỂ:

    Nhà thơ đã vận dụng thành công chất liệu văn hóa dân gian. Những chất liệu ấy vừa quen thuộc (gần gũi với cuộc sống của mỗi con người Việt Nam) vừa mới lạ (với những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn)

    - Chất liệu dân gian được sử dụng rất đa dạng, phong phú, tất cả đều gần gũi, quen thuộc với mỗi con người Việt Nam

    + Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc (miếng trầu, tóc bới sau đầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng, hòn than, con cúi,...).

    + Có ca dao, dân ca, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích.

    - Cách vận dụng độc đáo, sáng tạo:

    + Vận dụng ca dao, tục ngữ nhưng dẫn dắt khéo léo, khi lấy nguyên vẹn toàn bài khi chỉ mượn ý mượn tứ để khẳng định, tôn vinh những nét đẹp trong sinh hoạt và tâm hồn con người Việt Nam. Đó là sự chăm chỉ chịu thương, chịu khó; là tấm lòng thủy chung son sắt trong tình yêu; là sự duyên dáng, ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói...

    Ví dụ:

    ~ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" lấy ý từ bài ca dao "Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau" hay "Muối ba năm muối hãy còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"

    ~ "Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng"

    + "Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm" lấy ý từ bài ca dao "Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất..."

    ...

    + Liệt kê hàng loạt những câu chuyện từ xa xưa trong truyền thuyết, cổ tích dân tộc để làm nổi bật vẻ đẹp trù phú của đất nước, những truyền thống quý báu của nhân dân ta đồng thời khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong việc "làm ra Đất Nước"

    Ví dụ: Truyến thống đoàn kết, tinh thần cảnh giác cao độ trước kẻ thù "dân mình biết trồng tre mà đánh giặc", tinh thần uống nước nhớ nguồn "Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ". Hoặc tô đậm sự trù phú tươi đẹp của quê hương:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    ...

    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm"

    Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Hơn nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật ở đoạn trích này.

    Bằng việc sử dụng đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian, bên cạnh việc lí giải, định nghĩa Đất Nước ở nhiều bình diện [không gian, thời gian lịch sử, truyền thống văn hóa] nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm còn làm nổi bật một tư tưởng mới mẻ: "Đất Nước của nhân dân/ Đất Nước của ca dao thần thoại"

    3. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

    - Nhận định được nêu ra trong bài là một cơ sở quan trọng để khám phá, tìm hiểu tác phẩm nói chung và đoạn thơ nói riêng. Qua đoan trích, ta thấy được tư tưởng sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ kết tinh tư tưởng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhà thơ, cũng là đóng góp lớn của ông đối với thơ ca dân tộc. Đoạn thơ khẳng định tài năng sáng tạo, sự am hiểu tường tận về văn hóa dân gian của tác giả.

    - Thành công đòi hỏi ở nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm một vốn sống, vốn văn hóa phong phú. Một sự nhận thức sâu sắc, mới mẻ về Đất nước, về Nhân Dân. Đồng thời đời hỏi ở nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một tài năng, một bản lĩnh của người cầm bút.

    - Qua đoạn thơ, để lại bài học sâu sắc về cuộc sống: biết trân trọng những giá trị văn hóa dân gian; bài học về sáng tạo nghệ thuật: đem đến những sáng tạo, mới mẻ từ những giá trị gần gũi, quen thuộc.

      bởi Nguyễn Sỹ 05/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Trong một cuộc chuyện phiếm, tôi nghe một ông trí thức nói: “Nông dân làm gì có triết học”. Tôi lấy làm lạ bèn về giở từ điển ra xem thì thấy định nghĩa: “Triết học là một hình thái ý thức xã hội, là khoa học hợp nhất toàn thể trí thức con người về thế giới khách quan và về bản thân con người. Triết học với tính cách khoa học nảy sinh do sự cần thiết phải xây dựng một quan điểm chung về thế giới, phải nghiên cứu các nguyên lý chung và các quy luật của thế giới. Trong quá trình phát triển của triết học, đã có sự tách ra trong bản thân nó những mặt khác nhau, đó là bản thể luận, nhận thức luận, logic học, đạo đức học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học và lịch sử triết học”.

    Có lẽ ông trí thức kia hiểu triết học theo cách chính thống trên, tức là một khoa học nghiên cứu những nguyên lý chung và các quy luật chung của thế giới bao gồm những hệ thống luận điểm, luận cứ; nếu hiểu thế thì nông dân không có triết học thật vì họ không viết sách, không hình thành một hệ thống chủ thuyết. Nhưng nếu hiểu triết học là những nhận thức khái quát về thế giới khách quan, về con người với những quan hệ có tính bản chất, tính quy luật, thì nông dân có triết học, triết học sâu sắc nữa là khác, triết học đó thể hiện trong văn hoá, văn hoá đời sống, văn hoá dân gian mà hạt nhân là văn học dân gian, văn học truyền miệng với nhiều thể loại: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, câu đố, ca dao, tục ngữ, v.v…

    Nội dung của các tư tưởng, triết lý đó cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực, như nhận thức luận: “Trăm hay không bằng tay quen”; mỹ học: “Cái nết đánh chết cái đẹp; Tốt gỗ hơn tốt nước sơn; Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”; biện chứng pháp: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”; đạo đức học: “Thương người như thể thương thân”, “Dẫu xây chín đợt phù đồ/ Sao bằng làm phúc cứu cho một người”; xã hội học: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”;logic học: “Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”, “Đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa”; tâm lý học: “Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi chẳng tiếc, tiếc công cầm vàng”; khẳng định vai trò quyết định của lao động (lời trăng trối của người cha bảo các con thửa ruộng nhà có vàng), tầm quan trọng của công cụ sản xuất (truyện “thần sắt”)...

    Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin bàn về triết lý bản thể thể hiện trong văn học dân gian, tức triết lý về sự tồn tại của con người, và nhân bản, như con người là sản phẩm của tự nhiên hay xã hội, mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác... Từ những tác phẩm văn học dân gian, ta có thể tìm thấy những câu trả lời cho những vấn đề triết học ấy và qua đó, thấy được giá trị chân lý, giá trị nhân văn của tư tưởng triết lý dân gian. Có một câu tục ngữ đẹp được coi là tiêu biểu cho tư tưởng nhân văn về con người, đề cao hết mức giá trị và vị thế của con người trong trời đất. Đó là “người là hoa của đất”. Như vậy, con người là sản phẩm của tự nhiên, nhưng là sản phẩm cao nhất, hoàn mỹ nhất của tự nhiên. Nó vừa có vẻ đẹp về thể xác, vừa có vẻ đẹp về tâm hồn, trí tuệ. Đó không chỉ là thiên nhiên tự nó, mà còn là thiên nhiên cho nó. Con người chẳng những có khả năng nhận thức thiên nhiên, mà còn có khả năng cải tạo thiên nhiên. Nó là chúa tể của muôn loài vì nó có trí khôn(“Trí khôn của ta đây”); nó là con nhưng cũng là người. Ngoài những nhu cầu bản năng, con người còn có ý thức, có khả năng thăng hoa những nhu cầu ấy thành người. Chẳng hạn, con người thăng hoa nhu cầu ăn uống thành văn hoá ẩm thực, thăng hoa nhu cầu tình dục thành tình yêu.

    Con người ham sống nhưng không sống bằng mọi giá. Họ hiểu sống phải có vật chất nhưng còn hiểu sống cần có cả những cái cao hơn vật chất, đó là tinh thần, là tình thương và danh dự (“Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. “Sống vì mồ mả, ai sống bằng cả bát cơm”...).

    Trong xã hội, con người phải được bình đẳng vì đều là sản phẩm của tự nhiên: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra mình trần, ai cũng như ai”. Vì đều là sản phẩm của tự nhiên, con người phải hành động hợp với tự nhiên, loại bỏ những gì là trái tự nhiên. Chử Đồng Tử và Tiên Dung yêu nhau là hợp với tự nhiên. Vua cha ngăn cản tình yêu ấy là trái tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà bãi cát nơi Tiên Dung và Chủ Đồng Tử gặp nhau có tên là Bãi Tự Nhiên. Con người bất kể ai cũng có phần bản năng (phần con). Người bình dân chống lại thói đạo đức giả, phủ nhận và che giấu cái phần con đó. Khi cần, họ lột trần cái con đó để tố cáo thói đạo đức giả - tức vô đạo đức thật - của tầng lớp thống trị. Ví dụ: “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma”.

    Nhiều truyện tiếu lâm có yếu tố dâm tục, trong đó có cả những truyện không có nghĩa tư tưởng gì, chỉ để giải trí, vui cười. Nhưng đừng vì thế mà nghĩ rằng người bình dân tầm thường hoá, dung tục hoá quan hệ nam - nữ. Chính những người hay nói vui về chuyện đực - cái ấy lại là tác giả của những câu dân ca, ca dao đẹp nhất về tình yêu trong sáng thủy chung (Sông dài cá lội biệt tăm/ Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ), những truyện tình yêu nhau đến chết vẫn yêu (“Phạm Tải - Ngọc Hoa”), đến khi đầu bạc răng long, goá bụa vẫn yêu (“Xống chụ xôn xao - Tiễn dặn người yêu” - truyện thơ của dân tộc Thái).

    Người bình dân coi trọng vật chất, nhưng còn coi trọng tinh thần hơn. “Họ nói sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó”, “Đừng mà chết mất thì thôi/ Sống thì có lúc no xôi, chán chè”,nhưng lại nói “Thà ăn bắp họp đông vui/ Còn hơn giàu có mồ côi một mình” hoặc hoặc “Đói cho sạch, rách cho thơm”.Họ ca ngợi cảnh “Cơm trắng ăn và chả chim/ Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà lo”, nhưng cũng chia sẻ niềm vui với cảnh “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Họ coi linh hồn cao hơn thể xác. Vợ Trương Ba nhận anh hàng thịt là chồng, vì xác anh hàng thịt mang linh hồn Trương Ba. Nói thế không phải là người bình dân xưa hiểu quá đơn giản về bản thể con người. Trong bản thể con người, trước cả Preude, người bình dân xưa hiểu vai trò, vị thế của vô thức, của ẩn ức sinh lý trong tâm thức con người. Có một chuyện: Người anh mới cưới vợ, có việc phải đi xa ít lâu, dặn em trai ở nhà phải trông coi chị dâu cho mình. Người em ở buồng bên cạnh, sợ chị dâu đêm đi (theo trai) liền đục vách ra một lỗ rồi thò tay qua đặt lên bụng chị (để nếu chị bỏ đó thì biết). Nào ngờ bụng chị ngày một to ra, khi người anh trở về cho là em đã phạm tội loạn luân, liền đánh chửi, người em thanh minh không được, tự tử chết. Sau chị dâu đến kì mãn nguyệt khai hoa, sinh ra một cái bàn tay. Như vậy, người bình dân xưa thừa nhận bản năng vô thức có vị trí của nó trong tâm thức con người, ngay cả khi nó đã bị (được) ý thức chế ngự.

    Hơn ai hết, người bình dân hiểu con người muốn có hạnh phúc, trước hết phải được ấm no. Anh nông dân trong truyện Thần sắt, (cổ tích dân tộc Thái), sở dĩ người xấu xí, con gái trông thấy phải chạy, bà già thì ôm mặt khóc vì anh đói ăn, mùa màng thất bát do chỉ biết lấy que chọc lỗ gieo hạt. Đến khi có sắt, biết rèn cuốc cày, làm đất kĩ, mùa màng bội thu, ăn no, mặc ấm, anh trở nên dẹp đẽ, bà già trông thấy cười, con gái trông thấy chạy theo. Như vậy, từ ngàn xưa người bình dân đã nhìn thấy cái gốc của đã sông là sản xuất và cái quan trọng nhất, tiên tiến nhất trong sản xuất là công cụ lao động. Lao động chẳng những nuôi sống con người, mà còn làm ra thế giới. Thế giới này là vật chất và tạo hoá làm ra thế giới này cũng bằng tác động vật chất. Thần Trụ Trời gánh đất đá xây cái trụ chống Trời lên cho Trời khỏi dính với Đất. Trong quan niệm của người bình dân, nhiều nhân vật chính diện mà họ xây dựng trong thần thoại, truyền thuyết là những người anh hùng trong lao động: Sơn Tinh là anh hùng trị thủy, Chử Đồng Tử là anh hùng khai phá đầm lầy... Con người là sản phẩm của tự nhiên, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của xã hội; họ sinh ra có nòi giống, tổ tiên, có gia đình, làng xóm. Có thể nói, ít có dân tộc nào trên thế giới có ý thức sâu sắc về nòi giống như dân tộc Việt Nam. Câu chuyện thần thoại Lạc Long - Âu Cơ là niềm tự hào của người Việt Nam hàng ngàn năm nay. Thành ngữ “con Rồng cháu tiên” đã trở thành câu cửa miệng của dân ta và hai tiếng đồng bào từng rung động trong ta bao cảm xúc. Ý thức về nòi giống khơi nguồn cho ý thức về quốc gia, Tổ quốc. Ý thức ấy không chỉ là ý chí, mà còn là tình cảm thiết tha, cụ thể, thiêng liêng và sâu nặng: “Dù ai đi ngược về xuân/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Đài Nghiên tháp Bút chưa mòn/ Hỏi ai gây dựng nên non nước này”... Chính tình cảm đồng bào, nòi giống đã mở rộng tấm lòng đùm bọc lẫn nhau của người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước: “rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai! Nước sông sao lại chảy hoàì/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây/ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về”. Tình cảm của người Việt Nam còn được nâng lên thành tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống những chung một giàn”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”.

    Con người sinh ra có cha mẹ, có họ hàng. Chữ hiếu không chỉ là đạo lý, mà còn là lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của con cái đối với cha mẹ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đặc biệt, tình cảm đối với người mẹ vô cùng thiêng liêng. Tình cảm thiêng liêng ấy còn gắn chặt với tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc, nên nó lại càng thiết tha, sâu nặng: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, “Chiều chiều ra đứng ngõ sâu/ Ngó lên mả mẹ, ruột dầu như dưa”.

    Người Việt Nam có tình cảm gắn bó với họ hàng: “Chim có đàn, có tổ, có tông”; “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” có mặt tiêu cực, nhưng ở một khía cạnh nhất định cũng nói lên rằng người Việt Nam sống duy cảm và trong những tình cảm đó có tình cảm họ hàng.

    Người Việt Nam yêu làng, gắn bó với làng và tự hào về làng mình: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư giang khúc như hình con long…”, “Cây đa cũ, bến đò xưa/ Bộ hành có nghĩa, nắng mưa vẫn chờ”.

    Tuy nhiên, trong quan hệ giữa người với người, người Việt Nam trọng nhất là tình nghĩa chứ không phải là huyết thống: “Người dưng có ngãi/ Ta đãi người dưng/ Chị em không ngãi ta đừng chị em” . Tình nghĩa, nhân nghĩa - những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp vẫn luôn là mẫu số chung của mọi mối quan hệ của người Việt Nam.

    Người Việt Nam luôn tin ở hiền gặp lành, vì họ giàu thiện tâm và tin vào luật nhân quả. Tư tưởng này không chỉ là lời răn của triết lý nhà Phật, mà còn là lời tâm niệm chân thành của người Việt được họ chiêm nghiệm và lý giải trong văn học dân gian. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - đó phải chăng là phép biện chứng của đời? “Sinh con rồi mới sinh của, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”phải chăng là niềm tin sự bất tử của linh hồn và sức ám ảnh của tâm linh? Thành quả hôm nay là kết quả của hôm qua, nỗ lực hôm nay là nguyên nhân thắng lợi của ngày mai: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Người em trong Cây khế, trở nên giàu có vì được chim trả ơn, nhưng cũng vì anh ta chỉ mang túi ba gang. Người anh tranh hết tài sản cha mẹ để lại, sau rơi xuống biển chết vì mang túi sáu gang. Người con cho cha già ăn bát gỗ thì thằng bé con anh ta đẽo gỗ để làm cái bát dành cho anh ta sau này... Như vậy, trong luật nhân quả, cái quyết định vẫn là con người, tư duy của người bình dân xưa vẫn căn bản là tư duy duy vật và biện chứng (dù là tự phát).

    Tóm lại, triết lý về con người trong văn học dân gian Việt Nam là hiện hữu, nó có giá trị nhân văn cao thể hiện ở niềm tin và tình thương yêu mãnh liệt của con người. Tư tưởng triết lý ấy đã chi phối sự ứng xử của con người Việt Nam trong mọi mối quan hệ, mọi lĩnh vực của đời sống. Nó nói lên một điều đáng quý rằng, từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã là một dân tộc theo chủ nghĩa nhân cách. Chủ nghĩa nhân cách ấy không giáo điều, không cuồng tín; trái lại, nó rất thực tế, rất người và chính điều đó đã làm nên sức mạnh giúp dân tộc vượt lên mọi khó khăn, thử thách trong trường kỳ lịch sử để tồn tại và phát triển. Tư tưởng triết lý đó cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy mãi mãi, hôm nay và ngày mai, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống cao đẹp và hạnh phúc cho cả dân tộc cũng như cho mỗi con người.

      bởi Love Linkin'Park 05/07/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF