YOMEDIA
NONE

Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Nhân dân ta từ ngàn xưa đã có câu:

    "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"

    Câu nói ấy thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo mà nhân dân ta đã lưu giữ từ đời này qua đời khác. Mỗi lớp thế hệ lại có những cách riêng để gìn giữ đạo lý tốt đẹp này. Và cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn vẹn nguyên những giá trị tốt đẹp, làm ngời sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của những người dân đất Việt.

    "Tôn sư" có nghĩa là tôn trọng, kính trọng thầy, cô, những người đã có công lao truyền dạy cho mình những kiến thức, những đạo lý tốt đẹp trong cuộc sống. "Trọng đạo" có nghĩa là coi trọng những đạo lý, những điều tốt đẹp được lưu giữ, truyền bá trong cuộc sống. Nói cách khác, "tôn sư trọng đạo" là đạo lý thể hiện sự tôn kính, tôn trọng những người thầy, những người đào tạo, nuôi dưỡng tri thức của nhân loại. Đồng thời, nó cũng đề cao vai trò, vẻ đẹp phẩm chất và công lao của những người thầy.

    "Tôn sư trọng đạo", kính trọng thầy cô không chỉ là một đạo lý, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà nó còn là một thước đo đánh giá phẩm chất của mỗi con người. Bởi người thầy, hay nghề giáo trong bất cứ một thời đại, một quốc gia cũng đều đóng những vai trò vô cùng quan trọng. Người thầy là những người truyền thụ cho chúng ta những kiến thức, những đạo lý để ta dần hoàn thiện mình hơn cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Mỗi con người lớn lên, bên cạnh sự dạy bảo của gia đình thì công lao của những người thầy cũng vô cùng lớn lao. Họ cũng theo sát chúng ta trong suốt những giai đoạn đầu tiên và quan trọng của cuộc đời. Họ giúp ta hoàn thiện những phần còn thiếu, giúp ta khai thác những năng lực chưa được bộc lộ và nhiều hơn thế nữa. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã có câu dạy rằng:

    "Không thầy đố mày làm nên."

    Đặc biệt là trong nhịp sống thay đổi hiện nay, khi mà hệ thống kiến thức tại các cấp học từ mẫu giáo đến đại học đang ngày một đổi mới, ngày một phong phú hơn thì bản thân những người thầy cũng phải không ngừng đổi mới cách thức giảng dạy, đổi mới kiến thức để bắt kịp với tiến độ đó. Những thứ họ làm âm thầm thôi nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các thế hệ học sinh. Bởi từ chính những tâm huyết của các thầy, các cô, thì học sinh mới có được 1 nền tảng kiến thức vững chắc, để bắt kịp với những sự thay đổi của xã hội. Người ta vẫn thường nói nghề giáo như những người lái đò tần tảo, cần mẫn đưa hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác cập bến tri thức.

    Nếu đánh mất đi đạo lý quý báu ấy, chẳng khác nào chúng ta phủ nhận đi công lao của thầy cô, tự biến mình thành những kẻ vô ơn, những kẻ qua cầu rút ván...

    Tại Việt Nam, đạo lý tôn sư trọng đạo được gìn giữ và phát huy như một truyền thống quý báu. Hằng năm có ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để tôn vinh những người có công "trồng người". Lịch sử Việt Nam đã có không ít những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu hay Người thầy lớn của dân tộc Hồ Chí Minh... Họ đã đào tạo ra biết bao thế hệ người tài cho đất nước. Lòng tôn sư trọng đạo không phải là những món quà vật chất, đôi khi nó chỉ là những lời chúc thật tâm, những cử chỉ lễ phép hay những lời hỏi thăm thân mật. Những điều đơn giản đó cũng đủ để mối quan hệ thầy trò thêm thân mật, gắn kết.

    Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều những trường hợp tiêu cực, nông nổi đánh mất đi đạo lý tốt đẹp ấy. Có nhiều trường hợp học sinh vô lễ với thầy cô, có những lời nói và hành động xúc phạm tới sức khỏe và danh dự của thầy cô. Đi xa hơn nữa, chắc hẳn chúng ta đã được báo chí đưa tin về những trường hợp học trò bạo hành, thậm chí là giết thầy giáo chỉ vì những phút nông nổi. Những trường hợp ấy cần được quan tâm nhiều hơn để giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về cách sống.

    Bản thân tôi cũng có những người thầy trong cuộc đời của mình. Tôi luôn trân trọng và kính phục họ với tài năng và tâm huyết. Với tôi họ là những tấm gương mà tôi cần noi theo. Và điều mà tôi luôn làm là cố gắng hết mình vươn tới thành công, vì sự thành công của tôi là lời cảm ơn chân thành nhất đối với họ.

    "Tôn sư trọng đạo" sẽ luôn là đạo lý, là truyền thống quý báu mà mỗi chúng ta đều phải có ý thức để gìn giữ và phát huy nó.

      bởi Dương Minh Tuấn 14/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON