YOMEDIA
NONE

Hoàn cảnh ra đời và vai trò của các Mặt trận dân tộc thống nhất đối với cách mạng Việt Nam trong các thời kì cách mạng từ 1930 đến 1975.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • -Một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của cách mạng Việt Nam là không ngừng củng cố và tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

    -Đoàn kết là truyền thống lịch sử quí báu của dân tộc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, được Đảng ta kế thừa và phát huy lên đỉnh cao mới và là bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta.

    -Trên cơ sở khối linh minh công – nông, Đảng mở rộng đội ngũ cách mạng đến các giai cấp và tầng lớp khác có xu hướng dân tộc và dân chủ, thực hiện chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất – chính sách đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong cách mạng nước ta suốt từ năm 1930 – 1975.

    1.Thời kì 1930 – 1931.

    -Trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nổi lên hai mâu thuẫn cơ  bản: mâu thuẫn giữa phong kiến với nông dân và mâu thuẫn giữa nhân dân với đế quốc Pháp.

    -Cuối năm 1930, khi phong trào cách mạng 1930 – 1931 trở nên quyết liệt, Đảng ra chỉ thị về vấn đề lập “Hội phản đế đồng minh” trong đó nêu lên tư tưởng chiến lược đúng đắn: đoàn kết toàn dân lại thành một tổ chức có lực lượng tham gia thật rộng rãi, lấy công nông làm 2 động lực chính, là một điều kiện quyết định thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc.

    -Hội đã bước đầu phát huy được vai trò tổ chức, tập hợp quần chúng dưới các hình thức như Hội tương tế, Nông hội đỏ, Công hội đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng, Đoàn Thanh niên phản đế, Hội học sinih, Hội cứu tế đỏ… góp phần tích cực vào thành quả của phong trào chống đế quốc, chống phong kiến.

    2.Thời kì 1936 – 1939.

    a.Quốc tế.

    -Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân ở các nước để chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.

    -Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền ở Pháp, ban hành nhiều chính sách có lợi cho thuộc địa.

    b.Trong nước

    -Khủng hoảng kinh tế 1929 -1933 đã tác động tới mọi tầng lớp nhân dân.

    -Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường bóc lột, vơ vét, khủng bố.

    -Do chính sách của Mặt trận nhân dân Pháp, một số tù chính trị ở Việt Nam được thả và đã nhanh chóng tìm cách hoạt động trở lại.

    -Đảng thành lập “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương” rộng rãi bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

    -Năm 1937, cả nước có tới 400 cuộc bãi công của công nhân, 150 cuộc đấu tranh của nông dân. Nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hà Nội, Sài Gòn.

    -Tháng 3/1938, Đảng đổi tên “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương” thành “Mặt trận dân chủ Đông Dương” với các hình thức tổ chức và đấu tranh linh hoạt nhằm động viên hàng triệu quần chúng vào trận tuyến đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chuẩn bị đưa quần chúng tiến lên những trận chiến đấu cao hơn.

    -Sự hình thành, mở rộng và những hoạt động tích cực của Mặt trận dân chủ Đông Dương là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng, phong phú trong những năm 1936 – 1939 và xây dựng được một “đội quân chính trị quần chúng” đông hàng triệu người.

    -Mặt trận dân chủ Đông Dương đã góp phần tuyên truyền, phổ biến tư tưởng Marx Lenin, nâng cao uy tín và ảnh hương của Đảng, nâng cao trình độ chính trị và khả năng tổ chức của cán bộ, Đảng viên.

    3.Thời kì 1939 -1945.

    -Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Thực dân Pháp điên cuồng bắt bớ, đàn áp cách mạng.

    -Hội nghị Trung ương tháng 11/1959, chủ trương thành lập “Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương” thay cho “Mặt trận dân chủ Đông Dương” vì nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách của cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc.

    -Do đó, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đát của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc.

    -Khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay bằng khẩu hiệu lập chính quyền dân chủ cộng hòa.

    -Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương VIII nhận định : vì quyền lợi sinh tồn của cả dân tộc, Đảng phải nêu cao ngọn cờ dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, tập trung mọi lực lượng dân tộc thể hiện cho được nhiệm vụ cốt yếu và giải phóng dân tộc, cứu Tổ quốc.

    -“Mặt trận Viêt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh) ra đời.

    -Mặt trận Việt Minh đã hoàn thiện chương trình hành động, hình thức tổ chức và nội dung hoạt động.

    -Các giới quần chúng được tổ chức và tập hợp trong các Hội cứu quốc : công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc …

    -Đảng và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh để sau đó lập ra Đông Dương độc lập Đồng Minh.

    -Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh tuyên bố ra đời, sau đó công bố 10 chính sách vừa ích nước vừa lợi dân.

    -Việt Minh đã thiết lập các tổ chức khắp nông thôn, thành thị, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở.

    -Một số tổ chức chính trị yêu nước ra đời và tham gia làm thành viên Mặt trận Việt Minh như Đảng Dân chủ Việt Nam (tháng 6/1944).

    -Lực lượng chính trị quần chúng ngày càng đông đảo và được rèn luyện trong đấu tranh chống Pháp – Nhật theo khẩu hiệu của Việt Minh.

    -Mặt trận Việt Minh trở thành trung tâm đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước và tiến bộ.

    -Việt Minh đã có đóng góp to lớn vào quá trình xâydựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, tập hợp và hướng dẫn quần chúng tiến vào cao trào chống Nhật cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

    4.Thời kì 1945 – 1954.

    -Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh của cả dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược đã bùng nổ.

    -Ngày 29/5/1946, theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, nhằm đoàn kết rộng rãi thêm các tổ chức, các đảng phái, tôn giáo và cá nhân chưa tham gia Mặt trận Việt Minh.

    -Các tổ chức quần chúng được củng cố và mở rộng thêm : Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lần lượt ra đời. Với sự giúp đỡ của Đảng ta, Đảng Xã Hội Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết những người trí thức yêu nước Việt Nam.

    -Trên cơ sở đó, Đảng và Chính phủ đã tập trung củng cố thêm một bước bộ máy Nhà nước, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

    -Ngày 3/3/1951, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt  Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã quyết định thành lập một mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Liên Việt.

    -Khối đoàn kết thống nhất của toàn dân được củng cố và tăng cường thêm một bước, làm chỗ dựa cho chính quyền dân chủ nhân dân, cung cấp sức mạnh để tổ chức và động viên toàn dân tham gia kháng chiến.

    -Mặt trận Liên Việt được hình thành và phát triển không chỉ ở vùng tự do mà cả ở vùng sau lưng địch.

    -Do đó, chúng ta đã phá tan được âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương giáo, chia rẽ Nam – Bắc, làm phá sản kế hoạch “dùng người Việt đánh người Việt” của chúng.

    -Mặt trận cũng có những đóng góp thiết thực trong việc tổ chức, động viên lực lượng quần chúng, đẩy mạnh đấu tranh trên mọi lĩnh vực và ở khắp mọi miền, đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi.

    5.Thời kì 1954 – 1975.

    -Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, mỗi miền có nhiệm vụ cách mạng cụ thể riêng.

    -Đảng chủ trương thành lập các hình thức mặt trận thống nhất phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ cách mạng ở mọi miền.

    -5/9/1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc đã quyết định thành lập “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và cương lĩnh của Mặt trận thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân để hoàn thành sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.

    -Năm 1960, “Đồng khởi” thắng lợi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam, chuyển cách mạng từ thế gìn giữ lực lượng sang thế tiến công.

    -Phong trào chống Mỹ – Diệm tăng lên nhanh chóng.

    -Trong khí thế đó, ngày 20/1/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới thống nhất đất nước.

    -Năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam được thành lập.

    -Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với sự nghiệp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình Việt Nam.

    6.Thời kì từ 1975 đến 2000.

    -Sau khi  đất nước được thống nhất, ngày 31/1/1977, Đại hội đại biểu các mặt trận dân tộc ở cả hai miền Nam – Bắc đã họp tại thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

    -Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn kết rộng rãi dân tộc trong cả nước, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong vấn đề đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc vì sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

    7.Kết luận.

    -Thực tiễn lịch sử từ khi Đảng ra đời cho đến nay đã cho thấy rõ sự cần thiết phải thành lập, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, thấy rõ chính sách mặt trận đúng đắn của Đảng ta.

    -Đảng đã có một đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã xây dựng khối đoàn kết dân tộc thống nhất rộng lớn với các hình thức Mặt trận và các tổ chức quần chúng thích hợp tạo thành một lực lượng chính trị quần chúng vĩ đại trong chiến đấu và xây dựng.

    -Mặt trận luôn luôn lấy khối liên minh công – nông -  trí làm nền tảng.

    -Trong từng thời kì cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất đều có sự thay đổsi để phù hợp tình hình cách mạng thực tiễn.

    -Vì thế Mặt trận luôn luôn góp phần tạo được sức mạnh quyết định cho sự tồn tại và lớn mạnh của toàn dân tộc.

    -Chúng ta phải không ngừng củng cố và đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

      bởi Vương Anh Tú 21/01/2021
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON