Xin giới thiệu đến các bạn học sinh Đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Đề số 37 do HOC247 cập nhật. Đề thi gồm hai phần đọc hiểu và làm văn theo chuẩn kiến thức kĩ năng, có đáp án và thang điểm chi tiết để tham khảo. Hy vọng tài liệu hữu ích này sẽ giúp các em ôn tập tốt hơn.
ĐỀ THI THỬ THPT QG NĂM 2020 MÔN NGỮ VĂN – ĐỀ SỐ 37
I. ĐỌC HIỂU( 3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau:
"2/10/1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (…). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình… Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!.. Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy... Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy."
(Trích Mãi mãi tuổi hai mươi - Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, 2005)
Thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới:
Câu 1. Hãy chỉ ra "những điều không ngờ" được tác giả nói đến trong đoạn trích?
Câu 2. Người viết đã thể hiện cảm xúc gì qua câu văn: Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!..
Câu 3. Nêu tác dụng của phép điệp được sử dụng trong câu văn: Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp..
Câu 4. Anh / chị có đồng ý với quan điểm "viết nhật kí không còn cần thiết trong cuộc sống hôm nay" không ? Vì sao?
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ bàn về tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu qua hai khổ thơ sau:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Và:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 - Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.155-156)
Từ đó, bình luận về những sáng tạo tài hoa của nhà thơ Xuân Quỳnh qua việc thể hiện khát vọng tâm hồn của người phụ nữ.
..............HẾT...............
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU( 3,0 điểm)
Câu 1:
Chỉ ra "những điều không ngờ" được nó đến trong đoạn trích:
- không ngờ mình đã đến đây.
- không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá …
Câu 2:
Người viết thể hiện cảm xúc qua câu văn:
- Sự xúc động và niềm tự hào về Tổ Quốc
Câu 3:
Người viết thể hiện cảm xúc qua câu văn:
- Sự xúc động và niềm tự hào về Tổ Quốc
Câu 4:
Lí giải rõ ràng, thuyết phục về quan điểm đưa ra:
- Không đồng ý, vì: viết nhật ký là một cách để lưu lại những ký ức, kỷ niệm đẹp mà bất cứ ai, dù sống trong thời đại nào cũng cần; một cách lưu giữ ký ức giản dị, chân thật và giàu cảm xúc;…
- Đồng ý, vì: thời đại 4.0 có nhiều cách để lưu giữ ký ức, kỷ niệm sống động hơn, thuận tiện hơn…
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách: diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích…
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
Giải thích: "tinh thần yêu nước” là tình yêu đối với quê hương, đất nước; được hình thành từ lòng yêu nước và sự tự nguyện hi sinh vì quê hương, đất nước vô điều kiện; là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
Bàn luận:
- Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam thời chiến: Sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Cảm thấy tự hào vì mình là người bộ đội cụ Hồ.
- Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay: luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch; biết đấu tranh vì một cuộc sống hòa bình cho dân tộc; đặc biệt, đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo về đất nước….
- Phê phán hiện tượng ngược lại: những kẻ bán nước, phản bội Tổ Quốc.
Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức đúng đắn về tinh thần yêu nước;
Hành động: Có những đóng góp cho đất nước bằng những hành động cụ thể như: cố gắng học tập vì ngày mai lập nghiệp, Tham gia nghĩa vụ quân sự…
d. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
Câu 2 :
a. Ðảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận.
Có đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm; Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện cảm nhận về nhân vật với hai đặc điểm; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu qua hai khổ thơ và bình luận về những sáng tạo tài hoa của nhà thơ Xuân Quỳnh qua việc thể hiện khát vọng tâm hồn của người phụ nữ
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Giới thiệu: tác giả Xuân Quỳnh…, tác phẩm Sóng…, vấn đề nghị luận…
Phân tích các khổ thơ để làm rõ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu:
- Khổ 1: Mượn hình tượng sóng với những trạng thái vận động đối cực (Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ), với thủy trình từ sông ra biển (tìm ra tận bể) để ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu: luôn trải nghiệm những cung bậc cảm xúc đối lập, phức tạp nhưng phong phú, sâu sắc, luôn có những khát khao giàu nhận thức, khát vọng vươn đến tình yêu lớn lao, đẹp đẽ…
- Khổ 2: Mượn hình tượng sóng với những trạng thái vận động hóa thân để trường tồn (tan ra… trăm con sóng nhỏ… Giữa biển lớn… ngàn năm còn vỗ) gợi vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu: khát khao được hòa nhập, hy sinh cho tình yêu, khao khát tình yêu luôn vĩnh cửu… khát vọng tình yêu luôn bất tử trong cuộc đời…
Tương đồng và khác biệt: Hai khổ thơ thể hiện ấn tượng, sâu sắc những biểu hiện đẹp đẽ, quý giá về cảm xúc và khát vọng của tâm hồn người phụ nữ khi sống trong tình yêu qua tiếng lòng của Xuân Quỳnh, một tâm hồn giàu trắc ẩn và khát vọng yêu thương; Cách dùng hình tượng sóng theo nghĩa ẩn dụ sâu sắc kết hợp cách dùng từ ngữ tương phản hiệu quả, phép nhân hóa sống động, hai khổ thơ gợi rõ những chiều sâu cảm xúc của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu…
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Đề số 37. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC247. Chúc các em đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---