HOC247 mời các em tham khảo Đề kiểm tra năng lực năm 2020 môn Ngữ Văn 12, đề thi làm trong thời gian 120 phút, gồm các câu hỏi tương ứng với hai phần Đọc- hiểu và Tập làm văn, có đáp án chi tiết và thang điểm kèm theo của trường THPT Phan Đình Phùng. Hy vọng đây nguồn thông tin hữu ích để phục vụ công việc học tập của các em được tốt hơn. Chúc các em ôn tập hiệu quả.
SỞ GD &ĐT PHÚ YÊN ĐỀ KIỂM TRA NĂNG LỰC HỌC SINH
TRƯỜNG THPT PHAN ĐÌNH PHÙNG NĂM HỌC: 2019 - 2020 MÔN: Ngữ Văn 12
( Đề gồm 01 trang )
I.Đọc hiểu. 3 điểm
Đọc đoạn trích văn bản sau và thực hiện các yêu cầu.
Sự trong sáng của tiếng nói không chỉ thể hiện ở các quy tắc bền vững và các chuẩn mực xác định của ngôn ngữ dân tộc mà còn được thể hiện sinh động qua thực tiễn sử dụng, đó là “tiếng nói của quần chúng nhân dân, đầy tình cảm, hình ảnh, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa, đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học, văn nghệ mà những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,…những nhà văn, nhà thơ hiện nay (…) đã nâng lên đến trình độ cao về nghệ thuật, khiến cho nó trở nên trong sáng, đẹp đẽ lạ thường ” (Phạm Văn Đồng). Thật vậy, là một thứ tiếng đơn tiết tính, giàu thanh điệu, vần điệu, nhiều âm thanh có sức gợi tả, vốn từ vựng phong phú, nhiều cách nói đa dạng, tiếng Việt có khả năng biểu đạt rất linh hoạt và đẹp đẽ.
Như thế phẩm chất trong sáng của tiếng Việt không tách rời với tính chất giàu đẹp của nó (…). Sự trong sáng không mâu thuẫn với việc tiếp thu một số từ vựng, cách nói của tiếng nước ngoài, không mâu thuẫn với việc các nhà văn và nhân dân không ngừng tạo ra cách nói mới để làm giàu cho tiếng nói dân tộc.
Nhưng sự trong sáng không chấp nhận sự pha tạp, lai căng như việc lạm dụng từ ngữ tiếng nước ngoài. Những từ tiếng Việt có mà không dùng, lại vay mượn tùy tiện tiếng nước ngoài thì đó là lạm dụng. Sự trong sáng của tiếng Việt cũng không chấp nhận những cách nói thiếu văn hóa, thiếu lịch sự trong giao tiếp.
(…) Trong thời kì hiện nay, tiếng Việt đang phát triển rất mạnh mẽ, với vị thế ngày càng được nâng cao, chức năng xã hội ngày càng rộng lớn. Mỗi thành viên của cộng đồng dùng tiếng Việt càng phải có ý thức đầy đủ đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, và quan trọng hơn, ý thức đó phải trở thành hành động cụ thể.
(Trích Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, dẫn theo Ngữ Văn 12 Nâng cao, tập 1,Sđd)
Câu 1. Theo đoạn trích, sự trong sáng của tiếng Việt thể hiện ở những yếu tố, phương diện nào?
Câu 2. Theo đoạn trích, vì sao sự trong sáng của tiếng Việt không mâu thuẫn với việc các nhà văn và nhân dân không ngừng tạo ra cách nói mới.?
Câu 3. Hãy viết một câu văn nêu ví dụ về việc sử dụng từ ngữ lai căng, lạm dụng tiếng nước ngoài làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Chỉ ra những từ ngữ lai căng, lạm dụng tiếng nước ngoài trong câu văn vừa ghi.
Câu 4. Hãy chỉ ra khả năng biểu đạt rất linh hoạt và đẹp đẽ của tiếng Việt được thể hiện trong đoạn thơ sau:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.
(Trích Tràng giang – Huy Cận, dẫn theo Ngữ Văn 11 tập một, Sđd)
II. Làm văn ( 7 điểm)
Câu 1. 2 điểm. Từ nội dung của đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ với chủ đề: Hành động thiết thực để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Câu 2. 5 điểm. Cảm nhận của anh (chị) về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” được thể hiện qua đoạn thơ sau: Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng,
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân.
(Trích Đất Nước– Nguyễn Khoa Điềm, dẫn theo Ngữ Văn 12 tập một, Sđd)
...........HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Yêu cầu chung: Phần này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu văn bản để làm bài. Đồng thời, học sinh biết vận dụng vào thực tế cuộc sống và học tập để nêu ví dụ minh họa và phân tích ví dụ.
Yêu cầu cụ thể:
Câu 1. Theo bài viết ở đoạn trích, sự trong sáng của tiếng Việt thể hiện ở 04 yếu tố, phương diện:
- Sự trong sáng của tiếng nói thể hiện ở các quy tắc bền vững và các chuẩn mực xác định của ngôn ngữ dân tộc
- Việc tiếp thu một số từ vựng, cách nói của tiếng nước ngoài, và việc các nhà văn và nhân dân không ngừng tạo ra cách nói mới để làm giàu cho tiếng nói dân tộc.
- Sự trong sáng không chấp nhận sự pha tạp, lai căng như việc lạm dụng từ ngữ tiếng nước ngoài.
- Sự trong sáng của tiếng Việt cũng không chấp nhận những cách nói thiếu văn hóa, thiếu lịch sự trong giao tiếp.
Học sinh trả lời được 3/4 ý trên thì đạt điểm tối đa: 0.5đ
Câu 2. Theo bài viết ở đoạn trích, sự trong sáng của tiếng Việt không mâu thuẫn với việc các nhà văn và nhân dân không ngừng tạo ra cách nói mới vì cách nói mới sẽ góp phần làm giàu cho tiếng nói dân tộc. 0.5đ
Câu 3. Học sinh viết được câu văn có sử dụng lạm dụng tiếng nước ngoài: 0.75đ
Học sinh chỉ ra từ ngữ lạm dụng: 0.25đ
Câu 4 Học sinh có thể chỉ ra khả năng biểu đạt phong phú, tinh tế của tiếng Việt qua một số yếu tố ngôn ngữ sau:
- Sức gợi của những từ láy: lơ thơ, đìu hiu, chót vót
- Các từ ngữ, hình ảnh tương phản: nắng xuống – trời lên, sông dài – trời rộng
- Từ ngữ sáng tạo độc đáo: sâu chót vót...(học sinh có thể nêu những yếu tố độc đáo khác nữa)
- Với cách sáng tạo ngôn từ độc đáo, nhà thơ đã tái hiện khung cảnh buồn vắng, tiêu điều, hiu hắt của những cồn đất nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông sông nước, và bến vắng lẻ loi giữa vũ trụ vô cùng. Từ đó, diễn tả nỗi sầu nhân thế của nhà thơ.
Phần II: Làm văn. 7 điểm
Câu 1 (2.0 điểm)
Yêu cầu chung:
Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội của học sinh đòi hỏi thí sinh phải huy động hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng khi làm bài.Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Dưới đây chỉ là hướng dẫn, giám khảo không bắt buộc phải theo, khuyến khích bài viết sáng tạo.
Yêu cầu cụ thể
1. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hành động thiết thực để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 0.25đ
2. Học sinh có thể dựa vào nội dung đoạn văn ở phần đọc hiểu để nêu lại những yêu cầu về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (0.25đ)
3. HS nêu một vài tấm gương sáng về ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Dùng dẫn chứng để phê phán hiện tượng sử dụng tiếng Việt chưa đúng đắn, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. 1.0đ
4. Bài học: Học sinh tự rút ra bài học hành động để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài học cần cụ thể, thiết thực, tránh nói chung chung, lặp lại các ý đã nói trên. 0,5đ
Câu 2 (5.0 điểm)
Yêu cầu chung: Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một cách để tham khảo.
Yêu cầu cụ thể:
1. Giới thiệu vài nét về tác giả tác phẩm và đoạn trích (0.5đ)
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. 0.5đ
3. Cảm nhận về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” thể hiện trong đoạn thơ: 2.5đ
– Quan niệm nhân dân, người anh hùng vô danh: không ai nhớ mặt đặt tên, đã làm ra Đất Nước.
- Ca ngợi vai trò của nhân dân đối với Đất Nước:
- Vai trò sáng tạo và giữ gìn mọi giá trị vật chất, tinh thần cho đất nước: lưu truyền phương thức sản xuất Nông nghiệp, giữ gìn nền văn minh loài người (giữ lửa), giữ gìn tiếng nói dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa làng xã.
-Vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước: Họ đắp đập be bờ tạo nên ruộng đồng, bờ bãi phì nhiêu cho đời sau cấy trồng, thu hái. Họ đánh đuổi cả ngoại xâm lẫn nội thù để giữ gìn hòa bình, tự do, độc lập cho quê hương, xứ sở.
Nghệ thuật: Sử dụng những hình ảnh cụ thể, giàu sức gợi.
Phép liệt kê, phép điệp.
Hình ảnh thơ gợi liên tưởng độc đáo về phong tục, truyền thống của người Việt.
*Đánh giá chung:
Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” bao trùm xuyên suốt đoạn trích, chi phối mọi chiều cảm nhận của nhà thơ về các phương diện không gian địa lí, thời gian lịch sử và bản sắc văn hóa. Trong đoạn thơ này, tư tưởng ấy được thể hiện bằng lời khẳng định, ngợi ca công lao vĩ đại của nhân dân trên hành trình dựng nước và giữ nước, được thể hiện một cách độc đáo, phong phú qua ngòi bút giàu chất trữ tình – chính luận của Nguyễn Khoa Điềm. Từ đó khơi gợi trong tâm trí người đọc lòng biết ơn, tình yêu và ý thức trách nhiệm với nhân dân, đất nước. 0.5đ
- Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận: 0.5đ
- Bài viết đảm bảo chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt và có tính sáng tao: 0.5đ
Trên đây là trích dẫn một phần đề kiểm tra năng lực học sinh năm 2020 môn Ngữ Văn 12 - Trường THPT Phan Đình Phùng. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC247. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho các em. Đồng thời, tài liệu này giúp giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để đạt được kết quả cao trong kì thi THPT QG sắp tới. Chúc quý thầy cô và các em có buổi luyện đề sôi động, hấp dẫn và hiệu quả.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
đề thi thử THPTQG năm 2020 môn Ngữ Văn trường THPT Phan Châu Trinh
đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn trường THPT Quảng Xương
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---