Nhằm mục đích giúp các em học sinh lớp 7 nắm vững kiến thức cơ bản trước kì thi HK1 sắp đến, HOC247 xin giới thiệu Đề cương ôn tập HK1 môn Khoa học tự nhiên 7 Cánh Diều năm 2022-2023. Đề cương bao gồm các kiến thức trọng tâm cùng với những câu hỏi trắc nghiệm có đáp án chi tiết giúp các em củng cố kiến thức và có thể tự đánh giá năng lực bản thân, từ đó điều chỉnh kế hoạch ôn tập hợp lí. Mời các em cùng tham khảo.
1. TÓM TẮT LÝ THUYẾT
1.1. NGUYÊN TỬ - BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
A. NGUYÊN TỬ
- Nguyên tử là những hạt cực kì nhỏ bé, không mang điện, cấu tạo nên chất.
- Cấu tạo nguyên tử
+ Vỏ nguyên tử (gồm các hạt electron mang điện tích âm sắp xếp thành từng lớp.)
+ Hạt nhân nguyên tử (gồm các hạt proton mang điện tích dương và neutron không mang điện)
- Sự chuyển động của electron trong nguyên tử: electron phân bố trên các lớp electron và chuyển động quanh hạt nhân nguyên tử trên những quỹ đạo xác định.
- Khối lượng nguyên tử: bằng tổng khối lượng của proton và neutron có trong nguyên tử, được tính bằng đơn vị amu.
B. NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
- Nguyên tố hoá học: là tập hợp những nguyên tử có cùng số proton trong hạt nhân.
Tên nguyên tố hóa học: Mỗi nguyên tố hoá học đều có tên gọi riêng.
- Kí hiệu hóa học: được biểu diễn bằng một hoặc hai chữ cái trong tên nguyên tố.
C. BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
- Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn
+ Các nguyên tố hoá học được xếp theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân.
+ Các nguyên tố trong cùng một hàng có cùng số lớp electron trong nguyên tử.
+ Các nguyên tố trong cùng cột có tính chất gần giống nhau.
- Cấu trúc bảng tuần hoàn: gồm các ô nguyên tố, chu kì và nhóm.
- Vị trí của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn
+ Các nguyên tố ở nhóm IA, IIA, IIIA là kim loại (trừ hydrogen và boron).
+ Hầu hết các nguyên tố ở nhóm VA, VIA, VIIA là phi kim.
+ Các nguyên tố ở nhóm VIIIA là khí hiếm.
- Ý nghĩa của bảng tuần hoàn:
+ Sử dụng bảng tuần hoàn để biết các thông tin của một nguyên tố hoá học
+ Sử dụng bảng tuần hoàn để biết vị trí của nguyên tố hoá học (ô, chu kì, nhóm)
1.2. PHÂN TỬ
A. ĐƠN CHẤT, HỢP CHẤT, PHÂN TỬ
- Phân tử
+ Phân tử: là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử gắn kết với nhau bằng liên kết hoá học và thể hiện đầy đủ tính chất hoá học của chất.
+ Khối lượng phân tử bằng tổng khối lượng của các nguyên tử có trong phân tử.
- Đơn chất là những chất được tạo thành từ một nguyên tố hoá học.
- Hợp chất là những chất do hai hoặc nhiều nguyên tố hoá học tạo thành.
B. LIÊN KẾT HÓA HỌC
- Đặc điểm cấu tạo vỏ nguyên tử khí hiếm:
+ Là lớp vỏ bền vững.
+ Lớp vỏ ngoài cùng của nguyên tử khí hiếm có 8 electron (riêng helium có 2 electron).
- Liên kết ion là liên kết được tạo thành bởi lực hút giữa ion dương và ion âm.
Ví dụ: Sự tạo thành liên kết trong phân tử sodium chloride, magnesium oxide
- Liên kết cộng hóa trị là liên kết được tạo thành bởi một hoặc nhiều đôi electron dùng chung giữa hai nguyên tử.
Ví dụ: Sự tạo thành liên kết trong phân tử hydrogen, nước, carbon dioxide
- Chất ion và chất cộng hóa trị
+ Các chất ion:
- Là chất rắn ở điều kiện thường
- Có nhiệt độ sôi và nhiệt độ nóng chảy cao
- Khi tan trong nước tạo ra dung dịch dẫn điện.
+ Các chất cộng hoá trị:
- Có ở cả ba thể (rắn, lỏng, khí)
- Thường có nhiệt độ sôi và nhiệt độ nóng chảy thấp
- Nhiều chất cộng hoá trị không dẫn điện.
C. HÓA TRỊ, CÔNG THỨC HÓA HỌC
- Hóa trị
+ Hóa trị là con số biểu thị khả năng liên kết của nguyên tử trong hợp chất.
+ Quy tắc hóa trị: Khi các nguyên tử của hai nguyên tố A, B liên kết với nhau, tích giữa hoá trị và số nguyên tử của A bằng tích giữa hoá trị và số nguyên tử của B.
- Công thức hóa học
+ Công thức hóa học dùng để biểu diễn chất. Công thức hoá học gồm hai phần chữ và số.
- Ý nghĩa của công thức hóa học:
+ Công thức hoá học cho biết một số thông tin: nguyên tố tạo ra chất, số nguyên tử của mỗi nguyên tố, khối lượng phân tử của chất.
+ Biết công thức hóa học tính được phần trăm khối lượng các nguyên tố trong hợp chất
(Khối lượng nguyên tố : Khối lượng phân tử hợp chất) × 100%
+ Biết công thức hóa học và hóa trị của một nguyên tố, xác định được hóa trị của nguyên tố còn lại trong hợp chất
- Xác định công thức hóa học của hợp chất:
+ Khi biết hóa trị của các nguyên tố
- Đặt công thức hóa học của hợp chất AxBy.
- Xác định tỉ lệ \(\frac{{\rm{x}}}{{\rm{y}}}{\rm{ = }}\frac{{\rm{b}}}{{\rm{a}}}\)
- Xác định x, y
+ Khi biết phần trăm khối lượng của các nguyên tố và khối lượng phân tử của hợp chất
- Đặt công thức hóa học của hợp chất AxBy
- Tính khối lượng của A, B trong một phân tử chất.
- Tìm x, y.
1.3. TỐC ĐỘ
A. TỐC ĐỘ
- Tốc độ cho biết một vật chuyển động nhanh hay chậm.
+ Đơn vị đo tốc độ: m/s và km/h.
+ Công thức tính tốc độ: v = s/t
- Đo tốc độ
+ Bằng đồng hồ bấm giây
+ Bằng đồng hồ đo thời gian hiện số và cổng quang điện
+ Thiết bị "bắng tốc độ": thường được dùng để xác định tốc độ của các phương tiện giao thông đường bộ.
- Tốc độ và an toàn giao thông
+ Điều khiển tốc độ của xe không vượt quá tốc độ tối đa cho phép
+ Giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe.
B. ĐỒ THỊ QUÃNG ĐƯỜNG THỜI GIAN
- Đồ thị quãng đường - thời gian mô tả liên hệ giữa quãng đường đi được của vật và thời gian đi hết quãng đường đó
- Tìm quãng đường từ đồ thị quãng đường - thời gian: từ đồ thị quãng đường - thời gian cho trước tìm được:
+ Quãng đường vật đi
+ Tốc độ
+ Thời gian chuyển động của vật
1.4. ÂM THANH
A. SÓNG ÂM
- Sóng âm
+ Các chuyển động qua lại quanh một vị trí cần bằng như trên được gọi là dao động.
+ Sóng là sự lan truyền dao động trong môi trường.
+ Sóng âm là sự lan truyền dao động của nguồn âm trong môi trường.
- Các môi trường truyền âm: chất rắn, chất lỏng, chất khí.
Lưu ý: Sóng âm không truyền được trong chân không
B. BIÊN ĐỘ, TẦN SỐ, ĐỘ TO VÀ ĐỘ CAO CỦA ÂM
- Biên độ và độ to của âm:
+ Biên độ là độ lệch lớn nhất của vật dao động so với vị trí cân bằng của nó.
+ Biên độ dao động của vật phát ra âm càng lớn, âm càng to.
- Tần số và độ cao của âm:
+ Tần số là số dao động trong một giây.
+ Tần số của dao động càng lớn, âm càng cao (càng bổng).
+ Tần số của dao động càng nhỏ, âm càng thấp (càng trầm).
C. PHẢN XẠ ÂM - CHỐNG Ô NHIỄM TIẾNG ỒN
- Âm phản xạ là âm được dội lại khi gặp một mặt chắn.
- Những vật liệu cứng, có bề mặt nhẵn thì phản xạ âm tốt. Những vật liệu mềm, xốp, có bề mặt sản sùi thì phản xạ âm kém.
- Tiếng ồn
+ Tiếng ồn là những âm thanh to và kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của con người.
+ Một số biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn: hạn chế nguồn gây ra tiếng ồn; phân tán tiếng ồn; ngăn cản bớt sự lan truyền của tiếng ồn đến tai.
1.5. ÁNH SÁNG
A. ÁNH SÁNG, TIA SÁNG
- Năng lượng sánh sáng: Ánh sáng là một dạng của năng lượng.
- Tia sáng: biểu diễn tia sáng bằng một đường thẳng có mũi tên chỉ hướng.
- Bóng tối, bóng nữa tối:
+ Vùng tối là vùng nằm ở phía sau vật cản sáng, hoàn toàn không nhận được ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.
+ Vùng nửa tối là vùng nằm ở phía sau vật cản sáng, nhận được một phần ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.
B. SỰ PHẢN XẠ ÁNH SÁNG
- Sự phản xạ ánh sáng trên bề mặt các vật:
+ Các vật có bề mặt nhẵn bóng: gọi là sự phản xạ.
+ Các vật có bề mặt không nhẵn bóng: gọi là phản xạ khuếch tán.
- Định luật phản xạ ánh sáng: Tia phản xạ nằm trong mặt phẳng chứa tia tới và pháp tuyến của gương ở điểm tới; góc phản xạ bằng góc tới.
- Ảnh của vật qua gương phẳng:
+ Là ảnh ảo, không hứng được trên màn chắn, lớn bằng vật.
+ Khoảng cách từ một điểm của vật đến gương phẳng bằng khoảng cách từ ảnh của điểm đó đến gương.
2. BÀI TẬP
Câu 1. Trong các hạt cấu tạo nên nguyên tử, hạt mang điện tích âm là
A. hạt proton.
B. hạt neutron.
C. hạt electron.
D. hạt nhân.
Câu 2. Nguyên tử oxygen có 8 electron. Số electron lớp ngoài cùng của nguyên tử oxygen là
A. 2.
B. 6.
C. 8.
D. 3.
Câu 3. Kí hiệu hóa học của nguyên tố helium là
A. H.
B. He.
C. HF.
D. Hg.
Câu 4. Phát biểu nào sau đây là đúng?
A. Trong một phân tử, các nguyên tử luôn khác nhau.
B. Trong một phân tử, các nguyên tử luôn giống nhau.
C. Trong một phân tử, các nguyên tử có thể giống nhau hoặc khác nhau.
D. Phân tử nước trong nước đá, nước lỏng là khác nhau.
Câu 5. Trong các chất sau, chất nào là đơn chất?
A. Muối ăn.
B. Đường ăn.
C. Vitamin C.
D. Khí hydrogen.
Câu 6. Lớp vỏ ngoài cùng của nguyên tử khí hiếm có số electron là
A. 8.
B. 6.
C. 4.
D. 2.
Câu 7. Hóa trị của phosphorus trong hợp chất P2O5 là
A. I.
B. II.
C. III.
D. V.
Câu 8. Khối lượng phân tử của hợp chất hydrogen sulfide là (biết trong phân tử có 2 H và 1 S)
A. 30 amu.
B. 34 amu.
C. 32 amu.
D. 33 amu.
Câu 9. Điền đáp án thích hợp vào chỗ trống: 15 m/s = …. km/h.
A. 54 km/h.
B. 4,167 km/h.
C. 540 km/h.
D. 360 km/h.
Câu 10. Tốc độ của xe càng lớn thì
A. thời gian để xe dừng càng ngắn..
B. quãng đường đi được trước khi dừng lại càng dài.
C. khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe càng nhỏ.
D. Cả A, B, C.
Câu 11. Khi bật quạt ta thường nghe thấy âm thanh vù vù phát ra. Âm thanh đó phát ra từ bộ phận nào của quạt?
A. Hộp số.
B. Không khí.
C. Tụ điện.
D. Cánh quạt.
Câu 12. Sự trầm hay bổng của âm do nhạc cụ phát ra phụ thuộc vào yếu tố nào?
A. Hình dạng nhạc cụ.
B. Vẻ đẹp nhạc cụ.
C. Kich thước của nhạc cụ.
D. Tần số của âm phát ra.
Câu 13. Vật cứng, phẳng, nhẵn có tác dụng gì?
A. Trang trí nhà cửa được đẹp hơn.
B. Bền hơn.
C. Hấp thụ âm tốt hơn.
D. Phản xạ âm tốt.
Câu 14. Đặc điểm của nguồn sáng là
A. phát ra ánh sáng và tỏa nhiệt.
B. chỉ phát ra ánh sáng.
C. chỉ tỏa nhiệt.
D. vật không tự phát ra ánh sáng.
Câu 15. Hiện tượng tán xạ xảy ra trên bề mặt vật có đặc điểm như nào?
A. Bề mặt cứng.
B. Bề mặt nhẵn bóng.
C. Bề mặt không nhẵn bóng.
D. Cả A và B.
ĐÁP ÁN
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
C |
B |
B |
C |
D |
A |
D |
B |
A |
B |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
D |
D |
D |
A |
C |
A |
C |
B |
B |
A |
21 |
22 |
23 |
24 |
25 |
26 |
27 |
28 |
29 |
30 |
C |
A |
D |
C |
A |
B |
D |
B |
B |
D |
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Đề cương ôn tập HK1 môn Khoa học tự nhiên 7 Cánh Diều năm 2022-2023. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập HK1 môn Tiếng Anh 7 Cánh diều năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập HK1 môn Tin học 7 Cánh diều năm 2022-2023
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.