YOMEDIA

Đề cương ôn tập HK1 môn GDKT & PL 10 Cánh diều năm 2022-2023

Tải về
 
NONE

HOC247 xin giới thiệu đến các em học sinh Đề cương ôn tập HK1 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 Cánh diều năm 2022-2023 bao gồm các kiến thức trọng tâm và câu hỏi ôn tập có đáp án hướng dẫn chi tiết sẽ giúp các em rèn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi Học kì 1 sắp tới. Ngoài ra các em có thể tham khảo trọn Bộ đề cương ôn tập HK1 năm 2022-2023 tất cả các môn học. Chúc các em đạt được kết quả học tập tốt!

ADSENSE

1. Nội dung ôn tập

1.1: Các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội

Hoạt động sản xuất và vai trò của hoạt động sản xuất

Hoạt động sản xuất là hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần đáp ứng các nhu cầu của con người. Sản xuất là một hoạt động kinh tế cơ bản, quyết định sự tồn tại phát triển của cá nhân và xã hội. Sự phát triển của hoạt động sản xuất là cơ sở thúc đẩy việc mở rộng các hoạt động khác của con người, làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Với vai trò quan trọng như vậy, mỗi người cần tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện và lứa tuổi của mình.

Hoạt động phân phối, trao đổi và vai trò của hoạt động phân phối, trao đổi

- Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra sản phẩm và phân chia sản phẩm cho các cá nhân tiêu dùng theo tỉ lệ đóng góp của họ vào việc tạo ra sản phẩm. Quan hệ phân phối phù hợp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng.

- Trao đổi là hoạt động đưa sản phẩm sau khi sản xuất đến với người tiêu dùng. Hoạt động trao đổi có vai trò kết nối sản xuất với tiêu dùng, giúp người sản xuất bán được sản phẩm của mình, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của bản thân. Khi tham gia vào hoạt động trao đổi, mỗi người cần thực hiện mua và bán phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, phù hợp quy định của pháp luật.

Hoạt động tiêu dùng và vai trò của hoạt động tiêu dùng

Hoạt động tiêu dùng là việc sử dụng các sản phẩm được sản xuất ra để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Hoạt động tiêu dùng bao gồm tiêu dùng cho sinh hoạt và tiêu dùng cho sản xuất. Tiêu dùng là mục đích, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, mỗi người cần tiêu dùng hợp lí, có kế hoạch để trở thành người tiêu dùng thông minh.

1.2: Các chủ thể của nền kinh tế

Chủ thể sản xuất

- Chủ thể sản xuất là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp,.. trực tiếp tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Chủ thể sản xuất sử dụng các yếu tố đầu vào như vốn, sức lao động, tài nguyên thiên nhiên… để sản xuất, kinh doanh và thu lợi nhuận. Chủ thể sản xuất luôn quan tâm đến việc lựa chọn loại hàng hóa sản xuất, xác định số lượng sản phẩm làm ra và kĩ thuật sản xuất phù hợp để có lợi nhất cho bản thân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, chủ thể sản xuất cần tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, với xã hội và môi trường, góp phần phát triển bền vững.

Chủ thể trung gian

- Chủ đề trung gian là các cá nhân, tổ chức đóng vai trò cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng trong nền kinh tế. Do sự phát triển của sản xuất và trao đổi, dưới tác động của phân công lao động xã hội, những chủ thể trung gian xuất hiện trên thị trường thực hiện kết nối các quan hệ mua và bán.

- Nhờ có các chủ thể trung gian mà nền kinh tế trở nên sống động, linh hoạt hơn. Chủ thể trung gian góp phần làm cho sản xuất và tiêu dùng trở nên tương thích với nhau, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển.

Chủ thể tiêu dùng

- Chủ thể tiêu dùng là người mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Người tiêu dùng ra quyết định chỉ tiêu dựa trên số tiền mình có, lựa chọn sản phẩm và phương thức mua hàng phù hợp với nhu cầu của cá nhân.

- Sự phát triển đa dạng về nhu cầu của người tiêu dùng là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, ngoài việc thỏa mãn nhu cầu của mình, người tiêu dùng cần có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

Chủ thể nhà nước

Nhà nước là một chủ thể của nền kinh tế, có vai trò điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh tế khác hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

1.3: Thị trường

Khái niệm

Thị trường là nơi các chủ thể kinh tế gặp nhau để xác định số lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ khi mua và bán, đáp ứng nhu cầu của mỗi bên. Các yếu tố cơ bản của thị trường là hàng hóa, tiền tệ, giá cả, người mua, người bán. Các quan hệ cơ bản của thị trường là quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ mua - bán, quan hệ cung - cầu.

Các loại thị trường

Thị trường được phân loại theo nhiều cách khác nhau.

- Theo đối tượng hàng hóa và dịch vụ được mua và bán, có thị trường của từng loại sản phẩm như: thị trường gạo, thị trường cà phê, thị trường thép, thị trường nhà ở, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thị trường công nghệ…

- Theo vai trò của sản phẩm đem ra trao đổi đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, có thể chia thành thị trường yếu tố sản xuất (nơi mua và bán các yếu tố phục vụ quá trình sản xuất như máy móc, nguyên vật liệu, sức lao động,...) và thị trường hàng tiêu dùng (nơi mua và bán các sản phẩm phục vụ trực tiếp nhu cầu sinh hoạt như thực phẩm, quần áo, đồ dùng,..)

- Theo phạm vi không gian, có thể chia thành thị trường trong nước, nơi các hoạt động mua bán diễn ra trong phạm vi quốc gia và thị trường thế giới, nơi gắn kết các chủ thể kinh tế các quốc gia với nhau.

- Theo cách thức gặp nhau của chủ thể, có thị trường truyền thống (giao dịch trực tiếp), thị trường trực tuyến (giao dịch qua nền tảng công nghệ số).

- Theo tính chất và cơ chế vận hành có thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.

Chức năng của thị trường

Với tư cách là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thị trường là môi trường quan trọng thúc đẩy sản xuất và trao đổi hàng hóa. Thị trường có ba chức năng cơ bản sau đây:

- Một là, thừa nhận sự phù hợp của hàng hóa với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Một hàng hóa bán được trên thị trường nghĩa là chủng loại, hình thức, chất lượng hàng hóa đó đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trên cơ sở tác động qua lại lẫn nhau giữa người bán với người mua, giá cả hàng hóa được hình thành.

- Hai là, cung cấp thông tin cho các chủ thể kinh tế. Thị trường cung cấp nhiều loại thông tin như giá cả, số lượng, chất lượng hàng hóa, cơ cấu sản phẩm, mẫu mã , điều kiện mua và bán.

- Ba là, kích thích và điều tiết hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Trên cơ sở các thông tin của thị trường, người sản xuất điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tăng thu lợi nhuận, người tiêu dùng điều chỉnh việc mua hàng hóa sao cho thu được nhiều lợi ích nhất.

1.4: Cơ chế thị trường

Khái niệm

Cơ chế thị trường là cách thức vận hành của nền kinh tế, trong đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại với nhau để phân bổ các nguồn lực, hình thành giá cả, xác định khối lượng và cơ cấu sản xuất, tiêu dùng tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế.

Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường

- Ưu điểm của cơ chế thị trường

+ Cơ chế thị trường có những ưu điểm nổi bật. Đó là điều tiết sản xuất, lưu thông và tiêu dùng một cách tối ưu, tạo động lực sáng tạo cho các chủ thể kinh tế, thúc đẩy cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất để hạ thấp chi phí; phát huy tốt nhất tiềm năng của mọi chủ thể, vùng miền, thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

+ Tuy nhiên, những ưu điểm của cơ chế thị trường cần có các điều kiện để biểu hiện ra, đó là các yếu tố sản xuất được di chuyển dễ dàng, giá cả thị trường có tính linh hoạt, thông tin thị trường nhanh nhạy, các chủ thể tham gia thị trường phải nắm được đầy đủ thông tin liên quan.

- Nhược điểm của cơ chế thị trường

+ Cơ chế thị trường có những nhược điểm vốn có, đó là: tiềm ẩn rủi ro khủng hoảng kinh tế khi có sự mất cân đối giữa sản xuất với tiêu dùng; có thể dẫn đến lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, gây suy thoái môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; dẫn đến phân hóa xã hội về thu nhập, không công bằng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực kinh tế,..

+ Do cơ chế thị trường tồn tại những nhược điểm nêu trên nên trong thực tế, Nhà nước thường tham gia điều tiết nền kinh tế ở mức độ nhất định để khắc phục những nhược điểm của cơ chế thị trường.

Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường

a) Giá cả thị trường

Giá cả thị trường là giá hàng hóa và dịch vụ hình thành do tác động qua lại giữa các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động mua bán trên thị trường tại một thời điểm, địa điểm nhất đinh.

b) Chức năng của giá cả thị trường

Giá cả là yếu tố trung tâm của thị trường, là mối quan tâm của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường. Thông qua sự biến động của giá cả, các chủ thể kinh tế nhận biết được sự khan hiếm hoặc dư thừa tương đối của hàng hóa, từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Giá cả còn giúp thị trường điều tiết và phân bổ lại các nguồn lực giữa các ngành sản xuất theo hướng có lợi nhất cho các chủ thể kinh tế.

1.5: Ngân sách nhà nước

Khái niệm

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

- Ngân sách trung ương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương.

- Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.

Đặc điểm

Ngân sách nhà nước có các đặc điểm chủ yếu:

- Bao gồm toàn bộ các khoản thu chi được dự toán và thực hiện trong một thời gian nhất định.

- Được quyết định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hoạt động thu chi của ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp.

- Được xây dựng và thực hiện nhằm mục tiêu bảo đảm về mặt tài chính cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước vì lợi ích chung của quốc gia.

Vai trò của ngân sách nhà nước

- Ngân sách nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại của quốc gia.

- Ngân sách nhà nước giữ vai trò là công cụ củng cố bộ máy quản lí của Nhà nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng và giữ vững an ninh quốc gia; phân bổ các nguồn lực tài chính, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, ổn định, bền vững; tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, góp phần ổn định tiền tệ, giá cả và kiềm chế lạm phát; điều tiết thu nhập của các chủ thể trong nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề về đời sống và xã hội; tạo lập quỹ dự trữ quốc gia để phòng chống thiên tai, dịch bệnh,...; mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy nhanh quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.

Quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện pháp luật ngân sách

- Công dân có nghĩa vụ nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản nộp khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và công khai ngân sách.

- Công dân có quyền được cung cấp thông tin, tham gia giám sát cộng đồng về tài chính - ngân sách theo quy định của pháp luật.

1.6: Thuế

Khái niệm

- Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của luật thuế.

- Căn cứ vào tính chất điều tiết của thuế, hệ thống thuế được phân chia thành thuế trực thu và thuế gián thu.

+ Thuế trực thu là loại thuế mà người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế (loại thuế này trực tiếp điều tiết vào thu nhập của người nộp thuế).

+ Thuế gián thu là loại thuế mà người nộp thuế và người chịu thuế không đồng thời là một (loại thuế này điều tiết gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thông qua cơ chế giá hàng hóa, dịch vụ)

Vai trò của thuế

Thuế có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội

- Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Đây là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài cho ngân sách nhà nước.

- Thuế là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng công cụ thuế để điều tiết sản xuất và thị trường nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, xác lập một cơ cấu kinh tế hợp lí.

- Thuế là công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện công bằng xã hội. Thông qua việc quy định về đối tượng chịu thuế, thuế suất từng ngành hàng, Nhà nước điều tiết thu nhập, điều chỉnh những quan hệ xã hội, thực hiện công bằng xã hội.

Một số loại thuế phổ biến

Hiện nay, ở nước ta có một số loại thuế cơ bản sau:

- Thuế trực thu: thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

- Thuế gián thu: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế bảo vệ môi trường.

Một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện pháp luật thuế

Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy mỗi công dân cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về thuế; tuyên truyền, vận động gia đình, xã hội thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thuế

1.7: Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh

Sản xuất kinh doanh và vai trò của sản xuất kinh doanh

- Sản xuất kinh doanh là quá trình sử dụng lao động, vốn, kĩ thuật, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác để tạo ra hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho thị trường và thu được lợi nhuận.

- Sản xuất kinh doanh một mặt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đồng thời tạo ra thu nhập cho chủ thể sản xuất kinh doanh, góp phần quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường của địa phương và đất nước.

Các mô hình sản xuất kinh doanh và đặc điểm của mỗi mô hình

a) Mô hình kinh tế hộ gia đình

- Mô hình kinh tế hộ gia đình là một hình thức sản xuất kinh doanh thuộc sở hữu của hộ gia đình, trong đó các thành viên có tài sản chung, cũng đóng góp công sức để sản xuất kinh doanh.

- Đặc điểm của mô hình kinh tế hộ gia đình:

+ Về lĩnh vực hoạt động: nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; buôn bán nhỏ;...

+ Quy mô sản xuất kinh doanh thường nhỏ, vốn đầu tư thấp, chủ yếu sử dụng kinh nghiệm, công nghệ và sức lao động truyền thống.

b) Mô hình kinh tế hợp tác xã

- Mô hình hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, được thành lập trên tinh thần tự nguyện vì lợi ích chung của các thành viên.

- Đặc điểm của mô hình kinh tế hợp tác xã: là hình thức tổ chức kinh tế thể hiện sự hợp tác, tương trợ với nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, vừa thể hiện tính kinh tế, vừa mang tính xã hội.

c) Mô hình doanh nghiệp

- Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế được các chủ thể sản xuất kinh doanh thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chủ yếu là thực hiện các hoạt động kinh doanh để thu được lợi nhuận.

- Đặc điểm của mô hình doanh nghiệp:

+ Về pháp lí: mỗi doanh nghiệp đều có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật.

+ Về loại hình: mỗi doanh nghiệp đều tồn tại với loại hình cụ thể như doanh nghiệp nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên); công ty cổ phần; doanh nghiệp tư nhân,...

+ Về nguồn gốc hình thành vốn của doanh nghiệp: có thể do một cá nhân, tổ chức hoặc do nhiều cá nhân, tổ chức đóng góp vốn.

+ Về quy mô của doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp quy mô vừa, doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

1.8: Tín dụng

- Tín dụng là quan hệ vay mượn giữa người cho vay vốn và người vay vốn dựa trên nguyên tắc hoàn trả có kì hạn cả vốn và lãi suất.

- Đặc điểm của tín dụng

+ Người cho vay chỉ nhường quyền sử dụng vốn cho người vay trong một khoảng thời gian nhất định.

+ Có sự thỏa thuận giữa người vay và người cho vay về thời gian cho vay là lãi suất phải trả.

- Vai trò của tín dụng

Tín dụng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.

- Là công cụ điều tiết kinh tế - xã hội quan trọng của Nhà nước.

- Huy động vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

- Góp phần cải thiện cuộc sống của dân cư.

Sự chênh lệch giữa chi phí sử dụng tiền mặt và chi phí sử dụng dịch vụ tín dụng chính là số tiền lãi mà người sử dụng dịch vụ tín dụng phải trả cho người cung cấp dịch vụ tín dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

1.9: Dịch vụ tín dụng

Tín dụng ngân hàng

- Tín dụng ngân hàng là quan hệ tín dụng bằng tiền tệ giữa một bên là ngân hàng và một bên là các chủ thể kinh tế với nguyên tắc thỏa thuận và có hoàn trả cả gốc và lãi.

- Một số hình thức dịch vụ tín dụng ngân hàng là:

+ Vay thế chấp: là hình thức vay tín dụng cần có tài sản đảm bảo và tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của người vay , được thẩm định giá trị bởi ngân hàng.

+ Vay tín chấp là hình thức vay tín dụng không cần tài sản đảm bảo mà dựa trên sự uy tín và năng lực trả nợ của người vay.

Hai hình thức vay thế chấp hoặc vay tín chấp có thể được tiến hành theo hình thức truyền thống hoặc theo hình thức trả góp (là hình thức vay tài chính mà số tiền gốc và lãi sẽ được chia thành các phần nhỏ và trả dần trong thời gian vay).

- Thẻ tín dụng là thẻ do ngân hàng cấp cho người vay tín dụng (chủ thể), cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch chi tiêu qua thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với ngân hàng phát hành thẻ và phải thanh toán lại cho ngân hàng sau một khoảng thời gian nhất định. Sau thời gian đó, nếu không trả hết số tiền đã vay, khách hàng sẽ phải chịu lãi.

Tín dụng thương mại

- Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh thông qua các hình thức như mua bán chịu hàng hóa, trả góp hoặc trả chậm.

- Tín dụng thương mại có đặc điểm:

+ Đối tượng huy động, cho vay của tín dụng thương mại là hàng hóa.

+ Người bán chịu là người cho vay, còn người mua chịu là người vay. Công cụ của tín dụng thương mại là giấy chứng nhận mua bán chịu (thương phiếu)

+ Khối lượng áp dụng của tín dụng thương mại thường nhỏ.

+ Thời gian áp dụng của tín dụng thương mại ngắn.

Hiện nay, tín dụng tiêu dùng xuất hiện bên cạnh tín dụng thương mại nhằm kích thích việc tiêu thụ sản phẩm. Loại tín dụng tiêu dùng phổ biến hiện nay là việc bán hàng trả góp của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể đi vay các tổ chức trung gian tài chính (ngân hàng thương mại, công ty tài chính) để thanh toán tiền mua hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp.

Tín dụng nhà nước

- Tín dụng nhà nước là quan hệ tín dụng giữa Nhà nước với các chủ thể kinh tế, giữa Nhà nước với các nhà nước khác thông qua việc phát hành công trái, trái phiếu.

- Tín dụng nhà nước có đặc điểm:

+ Được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán;

+ Hoạt động tín dụng nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận;

+ Đối tượng cho vay vốn của tín dụng nhà nước được quy định, chỉ định theo từng thời kì.

+ Lãi suất cho vay tín dụng nhà nước là ưu đãi do Nhà nước quy định.

1.10: Lập kế hoạch tài chính cá nhân

Khái niệm

- Tài chính cá nhân là việc quản lí dòng tiền của mỗi người bao gồm nhiều yếu tố liên quan như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ,...

- Kế hoạch tài chính cá nhân là bản kế hoạch về thu chi tài chính cá nhân, tiết kiệm, bảo vệ, đầu tư và phát triển tài chính cá nhân.

Các loại kế hoạch tài chính cá nhân

- Các loại kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm:

+ Kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn (dưới 3 tháng)

+ Kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn (từ 3 - 6 tháng)

+ Kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn (từ 6 tháng trở lên)

- Mỗi cá nhân có thể thực hiện đồng thời nhiều kế hoạch tài chính, trong đó kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn là cơ sở để thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn và dài hạn.

Tầm quan trọng của lập kế hoạch tài chính cá nhân

Lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp mỗi người có thể cân đối các khoản chi cần thiết cho đời sống, học tập, hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân để chủ động điều chỉnh cho phù hợp; đảm bảo chi tiêu đúng kế hoạch, không lãng phí, dự phòng cho các tình huống phát sinh và đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra.

Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân

Tùy vào từng loại kế hoạch tài chính cá nhân, một bản kế hoạch tài chính phù hợp sẽ có nhiều bước nhưng về cơ bản bao gồm:

- Bước 1: Xác định mục tiêu và thời hạn của kế hoạch tài chính cá nhân. Mục tiêu của kế hoạch tài chính cá nhân đặt ra phải cụ thể, phù hợp với khả năng , có dự kiến thời gian để hoàn thành.

- Bước 2: Xác định tình hình tài chính hiện tại, thu và chi thường xuyên của cá nhân.

- Bước 3: Thiết lập quy tắc thu chi cá nhân cụ thể, tránh chi tiêu không kế hoạch, cân nhắc sự cần thiết của hàng hóa trước khi mua, lựa chọn tiêu dùng thông minh.,..

- Bước 4: Tuân thủ kế hoạch tài chính cá nhân, quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra. Khi tình hình tài chính cá nhân thay đổi thì cần cập nhật thường xuyên, điều chỉnh để bản kế hoạch thực tế hơn.

2. Bài tập ôn tập

Câu 1: Lợi ích của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

A. Cân đối các khoản chi cần thiết cho đời sống, học tập

B. Hiểu rõ tình hình tài chính của bản thân để chủ động điều chỉnh cho phù hợp.

C. Dự phòng cho các tình huống phát sinh và đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 2: Đặc điểm của lập kế hoạch tài chính cá nhân thể hiện ở nội dung nào sau đây?

A. Lập kế hoạch tài chính cá nhân bao gồm nhiều yếu tố liên quan như thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm,...

B. Lập kế hoạch tài chính cá nhân là bản kế hoạch về phát triển tài chính cá nhân.

C. Lập kế hoạch tài chính cá nhân là bản kế hoạch về thu chi tài chính cá nhân, tiết kiệm, bảo vệ, đầu tư và phát triển tài chính cá nhân.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 3: Các biện pháp để có thể thực hiện lối sống “tiết kiệm nhưng vẫn có cuộc sống thoải mái, tiện lợi”.

A. Mua sắm thả ga.

·B. Lập danh sách các hạng mục cần chi tiêu trong tháng rồi sắp xếp thứ tự cần và không cần. 

C. Sử dụng điện nước phung phí. 

D. Lãng phí đồ ăn.

Câu 4: Trong các loại kế hoạch tài chính cá nhân, loại kế hoạch nào là cơ sở để thực hiện các kế hoạch tài chính cá nhân còn lại?

·A. kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn.

B. kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn.

C. kế hoạch tài chính cá nhân dài hạn.

D. kế hoạch tài chính cá nhân trung hạn và dài hạn.

Câu 5: Đâu là thói quen đúng về cách sử dụng tiền hợp lí?

A. Chi tiêu có kế hoạch: chỉ mua những thứ thực sự cần và phù hợp với khả năng chi trả của bản thân.

B. Đặt mục tiêu tiết kiệm tiền.

C. Không lãng phí thức ăn, điện, nước.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 6: Nhận định không đúng là

A. Cần xây dựng ngân sách cho mọi kế hoạch tài chính cá nhân.

B. Cần bám sát kế hoạch tài chính cá nhân và không chi tiêu vượt mức.

C. Khi xác định mục tiêu tài chính cá nhân, cần căn cứ vào khả năng tài chính hiện tại của bản thân.

·D. Nên ưu tiên cho các mục tiêu tài chính trước mắt, các mục tiêu tài chính lâu dài chưa cần tính đến. 

Câu 7: Có mấy loại kế hoạch tài chính cá nhân?

A. 2.

·B. 3.

C. 4.

D. 5.

Câu 8: Thời gian thực hiện của kế hoạch tài chính ngắn hạn là

A. từ 3 - 6 tháng.

·B. dưới 3 tháng.

C. từ 6 tháng trở lên.

D. vô thời hạn.

Câu 9: Để theo dõi và kiểm soát thu chi, mỗi cá nhân không nên thực hiện việc làm nào dưới đây?

A. Tính toán thu chi hợp lí sao cho các khoản chi tiêu không vượt quá thu nhập.

·B. Tìm cách để cắt giảm các khoản chi tiêu cần thiết và tăng chi tiêu các khoản không thiết yếu.

C. Thực hiện tiêu dùng thông minh để cắt giảm chi phí cho các khoản chi tiêu.

D. Ghi chép thu chi hàng tháng để có thể kiểm soát tình hình tài chính cá nhân. 

Câu 10: Có bao nhiêu bước lập kế hoạch tài chính cá nhân?

A. 2.

B. 3.

·C. 4.

D. 5.

Câu 11: Đối tượng giao dịch của tín dụng thương mại là gì?

A. Tiền mặt.

B. Cổ phần.

·C. Hàng hóa.

D. Nhà sản xuất.

Câu 12: Khẳng định nào dưới đây không đúng khi nói về tín dụng nhà nước?

A. Tín dụng nhà nước là quan hệ tín dụng giữa Nhà nước với các chủ thể kinh tế thông qua việc phát hành công trái, trái phiếu.

·B. Hoạt động tín dụng nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu. 

C. Lãi suất cho vay tín dụng nhà nước là ưu đãi do Nhà nước quy định.

D. Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán các khoản cho vay. 

Câu 13: Tín dụng thương mại có đặc điểm gì sau đây?

A. Đối tượng huy động, cho vay của tín dụng thương mại là hàng hoá.

B. Người bán chịu là người cho vay, còn người mua chịu là người vay

C. Khối lượng áp dụng của tín dụng thương mại thường nhỏ, thời gian ngắn.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 14: Khẳng định đúng là

·A. Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh thông qua các hình thức như mua bán chịu hàng hóa, trả góp hoặc trả chậm.

B. Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và chủ thể tiêu dùng.

C. Đối tượng huy động, cho vay của tín dụng thương mại là tiền tệ. 

D. Tín dụng tiêu dùng xuất hiện bên cạnh tín dụng thương mại nhằm kích thích việc tiêu thụ sản phẩm.

Câu 15: Tín dụng nhà nước phản ánh quan hệ giữa những chủ thể nào?

A. Nhà nước với các chủ thể kinh tế.

B. Nhà nước với các nhà nước khác.

C. Nhà nước với các tổ chức nước ngoài.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 16: Phương án nào sau đây không thuộc một trong những nội dung của tín dụng?

·A. Có tính hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

B. Dựa trên hợp đồng.

C. Có tính pháp lí cao.

D. Có tính ổn định cao.

Câu 17: Ý nào dưới đây không phải là đặc điểm của tín dụng?

A. Nhượng quyền sử dụng một lượng tiền nhàn rỗi cho người khác sử dụng trong một thời hạn nhất định.

·B. Khi đến hạn người vay trả đủ tiền lãi sẽ được kéo dài thêm thời hạn cho vay.

C. Dựa trên sự tin tưởng.

D. Mức lãi suất cho vay được thỏa thuận giữa người cho vay và người vay.

Câu 18: Tín dụng là khái niệm thể hiện quan hệ giữa các chủ thể nào dưới đây?

A. Người cho vay và người sở hữu.

·B. Người cho vay và người vay.

C. Người cho vay và người quản lí.

D. Người sử dụng và người vay.

Câu 19: Tín dụng có vai trò gì sau đây?

A. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.

B. Là công cụ điều tiết kinh tế - xã hội quan trọng của Nhà nước.

C. Huy động vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 20: Cầu nối đáp ứng những nhu cầu vay và cho vay của các chủ thể trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy mọi mặt đời sống xã hội phát triển là

·A. tín dụng.

B. ngân hàng.

C. vay nặng lãi.

D. doanh nghiệp.

Câu 21: Khẳng định nào dưới đây không đúng khi nói về vai trò của tín dụng?

A. Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng lượng tiền mặt trong lưu thông.

B. Là công cụ điều tiết kinh tế - xã hội quan trọng của Nhà nước.

·C. Là công cụ huy động vốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

D. Góp phần cải thiện cuộc sống của dân cư.

Câu 22: Mục đích tham gia hợp tác xã của các thành viên là gì?

A. Tìm kiếm việc làm.

B. Vì lợi ích nhu cầu chung.

C. Phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 23: Quá trình sử dụng lao động, vốn, kĩ thuật,... để tạo ra hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho thị trường và thu được lợi nhuận được gọi là gì?

A. Sản xuất tiêu dùng.

·B. Sản xuất kinh doanh.

C. Sản xuất công nghiệp.

D. Sản xuất thủ công.

Câu 24: Nhận định nào dưới đây không đúng khi nói về vai trò của sản xuất kinh doanh?

A. Sản xuất kinh doanh một mặt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đồng thời tạo ra thu nhập cho chủ thể sản xuất kinh doanh.

·B. Sản xuất kinh doanh chỉ mang lại lợi nhuận cho các chủ thể sản xuất kinh doanh.

C. Sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

D. Sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết vấn đề môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Câu 25: Mô hình kinh tế hợp tác xã có đặc điểm gì?

A. Thể hiện sự hợp tác, tương trợ với nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh

B. Thể hiện tính kinh tế.

C. Mang tính xã hội.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 26: Loại hình doanh nghiệp có từ 2 đến 50 thành viên là loại hình doanh nghiệp nào dưới đây?

A. Công ty cổ phần.

B. Doanh nghiệp tư nhân.

·C. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

D. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Câu 27: Nhận định không đúng là

·A. Không nên đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình vì mô hình này có nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, chủ yếu sử dụng kinh nghiệm, công nghệ và sức lao động truyền thống.

B. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, không có tư cách pháp nhân.

C. Doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ không có lợi thế trong cạnh tranh.

D. Trong công ty cổ phần, các cổ đông được hưởng mức lợi tức như nhau.

Câu 28: Căn cứ vào quy mô có thể phân chia doanh nghiệp thành mấy loại chính?

A. 2.

B. 3.

·C. 4.

D. 5.

Câu 29: Vì sao Nhà nước phải thu thuế?

A. Thuế là công cụ rất quan trọng để chính quyền can thiệp vào sự hoạt động của nền kinh tế.

B. Chính quyền cung ứng các hàng hóa công cộng cho công dân, nên công dân phải có nghĩa vụ ủng hộ tài chính cho chính quyền.

C. Chính quyền cần khoản chi tiêu cho các khoản phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 30: Thuế gián thu là gì?

A. Thuế thu được từ người có thu nhập cao.

·B. Thuế điều tiết gián tiếp thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ.

C. Thuế đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

D. Thuế thu được từ khoản tiền mà người mua phải trả cho người bán.

Câu 31: Chủ thể nào dưới đây thực hiện không đúng về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế? 

A. Anh A hỗ trợ, hướng dẫn chị B nộp thiế theo quy định.

B. Chị C được anh A cung cấp thông tin về nghĩa vụ nộp thuế

·C. Ông K hoàn thuế theo yêu cầu của ông D

D. Bà M được cơ quan thuế xác nhận mức tiền phạt do chậm nộp thuế.

Câu 32: Vai trò của thuế thu nhập cá nhân đối với kinh tế - xã hội

A. Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

B. Góp phần thực hiện công bằng xã hội

C. Điều tiết vĩ mô nền kinh tế

·D. A, B, C đều đúng.

Câu 33: Vai trò của thuế thu nhập cá nhân đối với hệ thống thuế

A. Khắc phục hạn chế của các loại thuế khác.

B. Phát hiện thu nhập bất hợp pháp.

C. Hạn chế thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

·D. A và C đều đúng.

Câu 34: Loại thuế nào sau đây không thuộc thuế trực thu

A. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

B. Thuế thu nhập doanh nghiệp.

·C. Thuế bảo vệ môi trường.

D. Thuế thu nhập cá nhân.

Câu 35: Mục đích chính của việc thu, chi ngân sách nhà nước là gì?

·A. nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước

B. nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của tổ chức.

C. nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp.

D. nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của cá nhân.

Câu 36: Ngân sách nhà nước do cơ quan nào quyết định để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước?

·A. cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

B. cơ quan địa phương.

C. Chính phủ.

D. Chủ tịch nước

Câu 37: Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước?

A. Chính phủ.

B. Chủ tịch nước.

·C. Quốc hội.

D. Tòa án nhân dân.

Câu 38: Nhà nước có quyền gì đối với các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước?

A. quyền sử dụng.

B. quyền quyết định.

·C. quyền sở hữu và quyết định.

D. quyền sở hữu.

Câu 39: Ngân sách nhà nước bao gồm những khoản nào?

A. Tổng thu ngân sách nhà nước.

B. Tổng chi ngân sách nhà nước.

C. Bội chi ngân sách nhà nước.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

Câu 40: Công dân có nghĩa vụ gì trong việc thực hiện Luật Ngân sách nhà nước?

A. Nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp.

B. Phải quản lí, sử dụng các khoản vốn và kinh phí đó đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

C. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và công khai ngân sách.

·D. Cả A, B, C đều đúng.

---(Để xem tiếp nội dung của đề cương các em vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)--

Trên đây là một phần nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK1 môn GDKT & PL 10 Cánh diều năm học 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF