Để giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập, rèn luyện kĩ năng làm đề, kết hợp củng cố kiến thức chuẩn bị bước vào kì thi giữa HK1 sắp tới. HOC247 xin giới thiệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 7 CD năm 2022-2023. Chúc các em có kết quả học tập thật tốt!
1. Lý thuyết
Phần 1: Tri thức ngữ văn
a. Nhận biết:
– Nhận biết được từ ngữ, vần, nhịp, các biện pháp tu từ trong bài thơ.
– Nhận biết được bố cục, những hình ảnh tiểu biểu, các yếu tố tự sự, miêu tả được sử dụng trong bài thơ.
– Nhận biết được đặc điểm và chức năng của phó từ.
– Nhận biết đặc điểm và công dụng của dấu chấm lửng.
b. Thông hiểu:
– Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.
– Rút ra được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.
– Phân tích được giá trị biểu đạt của từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ.
– Giải thích được ý nghĩa, tác dụng của thành ngữ, tục ngữ; nghĩa của từ trong ngữ cảnh; công dụng của dấu chấm lửng.
c. Vận dụng:
– Trình bày được những cảm nhận sâu sắc và rút ra được những bài học ứng xử cho bản thân.
– Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn riêng về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.
Phần 2: Làm văn
* Chủ đề:
– Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
– Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ.
* Yêu cầu:
a. Viết được bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; bài viết có sử dụng các yếu tố miêu tả:
- Sự việc có thật là sự việc đã xảy ra trong đời thực, không hư cấu, tưởng tượng, được nhiều người biết hoặc chứng kiến, có sử sách ghi lại, ...
- Nhân vật hoặc sự kiện không chỉ có trong lịch sử đấu tranh giữ nước mà còn là những con người hoặc sự kiện trong các lĩnh vực lao động, văn hoá, khoa học như các nhà bác học, các nhà phát minh sáng chế, những nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, các vận động viên nổi tiếng, ...
- Các câu chuyện liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử thường được kể lại bởi người chứng kiến hoặc được sưu tầm, nghiên cứu và thể hiện lại qua sách, báo, phim ảnh, ...
- Vì thế, muốn viết bài văn theo yêu cầu trên, các em cần đọc sách, báo,..., sưu tầm một số câu chuyện lịch sử
- Những lưu ý khi viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử:
+ Xác định sự việc sẽ kể là sự việc gì? Sự việc ấy có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử nào? Sự việc do em nghe kể lại hay đọc được từ sách, báo,...?
+ Xác định ngồi kề, nhân vật và sự việc chính,...
+ Lập dàn ý cho bài viết
+ Sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả trong khi kể
b. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ
* Chuẩn bị
- Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ
- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ
* Tìm ý và lập dàn ý
- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ?
+ Đặc sắc về nội dung
+ Đặc sắc về nghệ thuật
- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Em thích nhất câu, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ?
→ Em thích cả bài thơ.
+ Em thích chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đặc sắc nào trong bài thơ? Vì sao?
+ Câu, khổ, đoạn thơ hoặc chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đó đã mang lại cho em những cảm xúc gì?
- Lập dàn ý cho đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:
+ Mở bài: Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ: dẫn ra yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc khiến em yêu thích.
+ Thân bài: Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn.
+ Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.
* Viết: Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng được các từ ngữ ghi lại một cách sinh động và chính xác cảm xúc của em.
* Kiểm tra và chỉnh sửa
- Kiểm tra chính tả
- Kiểm tra nội dung
- Điều chỉnh lại nếu cần thiết
2. Đề thi minh họa
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
…Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Trích “Hạt gạo làng ta” – Trần Đăng Khoa)
* Lựa chọn một đáp án đúng nhất:
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ bốn chữ |
C. Thơ lục bát |
B. Thơ năm chữ |
D. Thơ tự do |
Câu 2. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ” là:
A. So sánh |
C. Ẩn dụ |
B. Nhân hóa |
D. Hoán dụ |
Câu 3. Cách gieo vần của đoạn thơ dưới đây là:
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
A. Vần lưng |
C. Vần lưng, vần liền |
B. Vần chân |
D. Vần chân, vần cách |
Câu 4. Cặp câu thơ nào có sử dụng hình ảnh tương phản:
A. Có bão tháng bảy |
C. Nước như ai nấu |
B. Giọt mồ hôi sa |
D. Cua ngoi lên bờ |
Câu 5. Từ sa trong câu thơ “ Giọt mồ hôi sa” có nghĩa là:
A. Ngã xuống |
C. Đi xuống |
B. Rơi xuống, lao xuống |
D. Đi đến một nơi nào đó |
Câu 6. Tác giả đã tả mẹ đi cấy trong điều kiện thời tiết như thế nào?
A. Mưa tầm tã |
C. Nắng chói chang |
B. Rét căm căm |
D. Gió lồng lộng |
Câu 7. Những giá trị của “hạt gạo làng ta” mà tác giả muốn khẳng định qua đoạn thơ là:
A. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người lẫn tinh hoa của trời đất.
B. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người lẫn tinh hoa của trời đất, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
C. Hạt gạo là sự kết tinh của tinh hoa của trời đất, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
D. Hạt gạo là sự kết tinh của công sức lao động vất vả của con người, mang cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.
* Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ đem lại hiệu quả nghệ thuật gì về mặt nội dung?
………………………………………………………………………………..……………...
………………………………………………………………………………..……………...
Câu 9. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ, tình cảm gì với những người làm ra hạt gạo?
………………………………………………………………………………..……………...
………………………………………………………………………………..………….…..
Câu 10. Bài học mà em rút ra được qua đoạn trích trên là gì?
II. LÀM VĂN (4,0 điểm)
Kể lại sự việc liên quan đến một nhân vậtt hoặc sự kiện lịch sử mà em yêu thích.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Câu 1. A
Câu 2. A
Câu 3. D
Câu 4. D
Câu 5. B
Câu 6. C
Câu 7. B
Câu 8. Gợi được sức nóng của nước , mức độ khắc nghiệt của thời tiết; làm nổi bật nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân.
Câu 9. HS bày tỏ suy nghĩ, tình cảm với những người làm ra hạt gạo (yêu mến, ngưỡng mộ, biết ơn, kính trọng,…)
Câu 10.
- Nhận thấy và thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân;
- Nâng niu, trân trọng những sản phẩm lao động của họ;
- Sử dụng tiết kiệm các sản phẩm lao động của họ;
- Lao động chăm chỉ để tạo ra những sản phẩm có giá trị...
II. LÀM VĂN (4,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn Tự sự: Trình bày cấu trúc theo Tổng- Phân- Hợp
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Sự việc được kể lại là có thật và liên quan đến nhân vật lịch sử.
c. Triển khai các ý cho bài văn Tự sự
HS có thể kể lại sự việc theo nhiều cách, nhưng cần sử dụng chi tiết, thông tin chọn lọc tin cậy về sự việc, nhân vật/sự kiện; Có sử dụng yếu tố miêu tả trong bài viết, đảm bảo cấu trúc sau:
Mở bài: Giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử
Thân bài:
- Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc, chỉ ra mối liên quan giữa nhân vật với sự việc/ sự kiện lịch sử.
- Kết hợp kể chuyện với miêu tả.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Bố cục mạch lạc, lời kể sinh động, sáng tạo.
Bài làm tham khảo
Kể về buổi lễ truyền thống nhà trường Nguyễn Tri Phương.
Vào năm học trước, khi mới là học sinh lớp 6, em đã được thạm dự ngày lễ truyền thống nhà trường được tổ chức rất trang trọng. Ngày 20 tháng 12 âm lịch hằng năm, trường em lấy đó là ngày Truyền thống nhà trường, cũng là để tưởng niệm ngày mất của vị danh tướng Nguyễn Tri Phương, một đại thần mà ngôi trường em vinh dự được mang tên.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, toàn thể thầy cô và học sinh toàn trường hướng về sân khấu chính có tượng đài ông và bàn thờ cúng được chuẩn bị đầy đủ lễ vật với long thành kính, biết ơn. Em thấy thật tự hào và xúc động vô cùng khi nghe thầy hiệu trưởng đọc điếu văn tưởng nhớ, gợi lại những chiến công vẻ vang của vị danh tướng.
Bài diễn văn vang lên, em như được sống lại trong những giây phút lịch sử hào hùng và hình ảnh về vị anh hung lẫy lừng của của dân tộc. Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, tại làng Ðường Long, tổng Chánh Lộc, huyện Phong Ðiền, phủ Thừa Thiên. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã tỏ rõ là một cậu bé thông minh, ham học và có năng khiếu cả văn lẫn võ. Nhờ có học vấn và tư chất đạo đức tốt mà năm 1823, ông được vua Minh Mạng nhiều lần bổ nhiệm chức quan to và bắt đầu bộc lộ tài năng quân sự
Ngày 20-11-1873, sau nhiều lần gửi tối hậu thư không kết quả, quân Pháp chia làm hai mũi bất ngờ nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương đã bình tĩnh chỉ huy quân và dân Hà Nội kiên cường chống trả. Ông cùng người con trai là phò mã Nguyễn Lâm đích thân lên mặt thành chỉ huy cuộc chiến đấu. Trong khi đang chỉ huy, ông bị một mảnh đạn đại bác găm vào bụng và bị thương nặng. Cửa thành bị đạn đại bác công phá, quân Pháp tràn vào trong thành và bắt được ông. Chúng băng bó vết thương và chạy chữa để lợi dụng ông về sau này, song Nguyễn Tri Phương đã kiên quyết cự tuyệt. Sau nhiều ngày tuyệt thực, Nguyễn Tri Phương đã trút hơi thở cuối cùng ngay trong dinh Tổng đốc thành Hà Nội, bình thản về với tổ tiên vào ngày 20-12-1873 .Con trai ông là Nguyễn Lâm cũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội. Như vậy, với hơn 50 năm phụng sự việc nước, phò tá 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trải qua nhiều cương vị, Nguyễn Tri Phương đã dốc toàn bộ tâm trí và tinh lực lo cho nước, cho dân.
Phần điếu văn kết thúc trong sự xúc động và thán phục của không chỉ em mà là tâm trang chung của mọi người tham sự lễ. Sau đó là phần dâng hương của thầy cô và các bạn học sinh trong khúc nhạc Hành khúc Nguyễn Tri Phương thật hung tráng.
Người anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương, ông không chỉ là một danh tướng có tài cầm quân và biết thu phục nhân tâm để đương đầu với một đạo quân xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội, mà còn là một vị quan thanh liêm biết lo cho dân, đau với từng nỗi đau của dân. Đây quả đúng là một danh tướng đáng quý, ông đã sống và hi sinh thật khẳng khái và oanh liệt lắm thay! Em thấy vinh dự khi được tham gia buổi lễ và càng tự hào khi được học tập dưới ngôi trường mang tên ông.
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
Mạc Đĩnh Chi sinh ra ở xã Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày. Bà mẹ đã chịu hy sinh tất cả để cố nuôi con, cho con đi học. Trong những năm tháng nhọc nhằn, tủi nhục, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ ao ước con mình sẽ có ngày đỗ đạt để giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo, niềm tin ấy đã giúp mẹ vượt qua mọi gian khổ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập.
Vốn là cậu bé có tư chất thông minh lại phải sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ, bị người đời khinh rẻ, nên Mạc Đĩnh Chi sớm nhận ra rằng chỉ có học tập, học thành tài mới là con đường đưa cậu bé thoát khỏi cảnh nghèo khổ và cũng là để thể hiện phẩm chất thanh cao của con người từ sự đỗ đạt mà đi lên. Vì vậy, không mấy lúc Mạc Đĩnh Chi ngơi đọc sách, nghiền ngẫm nghĩa sách, kể cả lúc vai gánh củi đi bán. Không có sách học thì mượn thầy mượn bạn. Mạc Đĩnh Chi cố học nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách, Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học, thật là vô cùng gian khổ nhưng chú bé không hề nản chí. Do có nghị lực phi thường, cộng với tính thông minh trác việt, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng thần đồng nho học xứ Hải Đông. Vì văn hay chữ tốt nên được Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nhận làm môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học. Từ đó, Mạc ĐĨnh Chi càng có điều kiện nghiền ngẫm kinh sử.
Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông được chấm đỗ Trạng Nguyên, nhưng khi vào ra mắt nhà vua, vua Trần Nhân Tông thấy ông tướng mạo xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu. Biết ý, ông đã làm bài “Ngọc tỉnh liên phú”. Đó là bài phú bằng chữ Hán để gửi gắm chí khí của mình. Bài phú đề cao được phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt. Song không muốn ganh đua với người tầm thường để mong cho đời biết đến ông dùng hình tượng một bông sen sinh ra trong giếng ngọc ở núi Hoa Sơn do một vị đạo sĩ kỳ dị hái mang xuống cõi trần. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài mới cho đậu Trạng nguyên, ban cờ hiển vinh quy bái tổ.
Sau khi trở về kinh đô, nhà vua cho vời Trạng vào bệ kiến, hỏi việc chính trị, Trạng nói đâu ra đấy, vua rất hài lòng, ban cho Trạng chức Hàn lâm học sĩ, sau thăng dần đến chức Thượng thư, rồi Đại Liêu ban Tả Bộc Xạ (tương đương chức Tể tướng).
Năm Đại Khánh triều vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), vua nhà Nguyên sai sứ sang phong vương cho nhà vua, Mạc Đĩnh Chi được cử làm Chánh sứ sang nhà Nguyên đáp lễ. Trong quá trình đi sứ của ông đã biểu hiện rất xuất sắc tài năng ngoại giao và tầm trí tuệ vĩ đaị của ông khiến cho vua tôi nhà Nguyên vô cùng kính phục.
Mạc Đĩnh Chi làm quan trải 3 triều vua nhà trần, được phong đến chức Đại Liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng). Khi làm quan thì ông nổi tiếng là trung thực và thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước, đến lúc già về hưu chỉ có nếp từ đường (thờ tổ tiên) nhỏ bé mà thôi, thường ngày ông vẫn ra ngồi nơi quán lá uống bát nước vối, chuyện trò thân mật với dân làng. Ông sống thanh bạch, giản dị như những người dân quê.
Tinh thần tự học và tài năng, đức độ của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mãi mãi là tấm gương sáng ngời để chúng em học tập và noi theo.
Kể về một lần viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 5 năm ngoái, em có dịp ghé thăm lăng Bác tại thủ đô Hà Nội cùng gia đình nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19/05. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp nơi đến thăm và viếng lăng Bác để tưởng nhớ đến Bác, một vị lãnh tụ vĩ đại. là người cha của dân tộc Việt Nam.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Khi đứng trước lăng Bác, trong lòng tôi dâng trào một nỗi xúc động, tự hào. Lăng Bác được hoàn thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Quần thể lăng Bác bao gồm cả quảng trường Ba Đình, phủ chủ tịch, nhà sàn Bác Hồ. Trước mặt chính lăng có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Lăng Bác mở cửa vào các buổi sáng trong tuần, trừ thứ 2 và thứ 6. Nếu các ngày lễ như mồng Một Tết, lễ Quốc Khánh, sinh nhật Bác,… trùng vào thứ 2 hoặc thứ 6 thì lăng Bác vẫn mở cửa bình thường. Không những là các ngày lễ lớn mà ngay cả những ngày thường, lăng Bác lúc nào cũng ồ ạt dòng người ghé thăm. Đến đây, tất cả mọi người đều phải xếp hàng ngay ngắn và nghiêm trang, lần lượt đi vào bên trong lăng Bác. Bước chân vào lăng mà lòng nghẹn ngào rưng rưng trước thi hài của Bác, sống mũi cay, nước mắt em tuôn rơi trên má.
Trong không khí trang nghiệm khi đứng trước lăng Bác, hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gợi lên thật oai hùng và vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911 Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ khi qua biên giới, Người vô cùng xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đứng đầu trong các hội nghị quan trọng và thành lập các tổ chức để phục vụ cho cách mạng, cho giải phóng dân tộc.
Tháng 8 năm 1945, Người lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đứng đầu trong các hội nghị quan trọng và thành lập các tổ chức để phục vụ cho cách mạng, cho giải phóng dân tộc.
Cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh vì nước, vì dân, Người đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó chính là sự kết tinh của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tấm gương sáng ngời để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Thế hệ học sinh chúng em sẽ gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước của Người. Chúng em sẽ phấn đấu học tập thật tốt, lao động tốt để xứng đáng trở thành cháu ngoan Bác Hồ.
Trên đây là một phần nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 7 CD năm học 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn GDCD 7 CTST năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Lịch sử và Địa lí 7 Cánh diều năm 2022-2023
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi sắp tới.