Đối với các em học sinh lớp 9, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 là cột mốc quan trọng chuyển cấp từ THCS lên THPT. Để giúp các em chuẩn bị thật tốt kiến thức và kĩ năng làm đề thi, mời các em cùng tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Nam Đàn dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
TRƯỜNG THCS NAM ĐÀN |
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2022-2023 MÔN NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
Câu 1. (2,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Bài học đầu tiên
Mỗi người trong số 7 anh em chúng tôi đều đã từng làm việc trong cửa hàng nhỏ của cha trên vùng thảo nguyên phía bắc tiểu bang Dakota. [...]
Một buổi chiều ngay trước lễ Giáng sinh năm tôi học lớp 8, một cậu bé khoảng 5 hay 6 tuổi bước và cửa hàng trong bộ áo khoác tả tơi, tay áo rách nát dơ bẩn, đầu tóc rối bù, đôi giày mòn vẹt kéo lê. Tôi trông nó rất nghèo, nghèo đến nỗi không mua nổi bất cứ thứ gì trong cửa hàng này. Nó rụt rè nhìn quanh gian đồ chơi, cầm lên ngắm nghía chúng rồi đặt vào chỗ cũ.
Đúng lúc đó cha tôi xuất hiện. Ông tiến đến gần thằng bé. Đôi mắt xanh ánh màu thép mỉm cười và hỏi thằng bé xem nó cần gì? Thì ra, nó muốn mua một món quà Giáng sinh cho anh trai. Cha tôi bảo:
Cháu cứ xem cho thỏa thích. Cần gì thì cứ nói, bác sẽ lấy cho. (Tôi rất ngạc nhiên khi ông trân trọng nó như một người lớn).
- Món này giá bao nhiêu ạ? Thằng bé hỏi sau khi chọn chiếc máy bay.
- Thế cháu có bao nhiêu nào?
Thằng bé chìa ra một nắm tiền nhăn nhúm…. 27 cents.
- Bấy nhiều đó đủ đấy, cha tôi mỉm cười nói. Cháu có thể mang món quà về.
Tôi lặng ngắm thằng bé trong lúc đang gói món hàng lại. Đối với tôi, giờ đây, nó không còn là tháng bé rách rưới, tóc tai bù xù với đôi giày mòn vẹt kéo lê. Đó là một cậu bé hết sức rạng rỡ ôm món quà mà cậu nâng niu như báu vật. Tôi nghĩ về cha tôi và niềm vui sướng tột độ của cậu bé. Tôi hiểu ra một điều gì đó. Chiếc máy bay thực sự đáng giá 38 đôla.
(Nhiều tác giả, Những câu chuyện về lòng yêu thương, NXB Trẻ, 2002)
a) Lời dẫn: “Cháu cứ xem cho thỏa thích. Cần gì thì cứ nói, bác sẽ lấy cho.” là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp? (0,5 điểm)
b) Xác định khởi ngữ trong câu: “Đối với tôi, giờ đây, nó không còn là thằng bé rách rưới, tóc tai bù xù với đôi giày mòn vẹt kéo lê...” (0,5 điểm)
c) Theo em, vì sao cậu bé “vui sướng tột độ” khi mua được món quà Giáng sinh cho anh trai? (0,5 điểm)
d) Qua câu chuyện, em có nhận xét gì về nhân vật người cha? (0,5 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
Câu 3. (5,0 điểm)
Phân tích một trong ba đoạn thơ sau để thấy được vẻ đẹp của con người Việt Nam:
Đoạn 1:
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)
Đoạn 2:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính)
Đoạn 3:
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
(Y Phương, Nói với con)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
Câu 1:
Cách giải:
a. Lời dẫn: “Cháu cứ xem cho thỏa thích. Cần gì thì cứ nói bác sẽ lấy cho” là lời dẫn trực tiếp.
b. Khởi ngữ trong câu là “Đối với tôi”
c. Theo em, lý do cậu bé vui sướng tột độ khi mua được món quà tặng anh trai là vì:
- Cậu bé nghèo không nghĩ mình có khả năng mua một món quà tặng cho anh trai
- Hơn hết cả là vì tình yêu thương mà cậu bé dành cho anh.
- Cũng có thể cậu bé cảm nhận được sự giúp đỡ của chủ cửa hàng và nâng niu, trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ ấy.
d. Nhân vật người cha trong đoạn trích là:
- Một người giàu lòng yêu thương, biết quan tâm giúp đỡ người khác.
- Tinh tế trong cách giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Câu 2:
Cách giải:
I. Mở bài:
- Giới thiệu về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
II. Thân bài:
a. Giải thích:
- Tế nhị là tránh nói thẳng vào những điều khó nói, nhạy cảm, dung tục hay điều có thể gây đau buồn hoặc kinh sợ ở người khác.
- Giúp đỡ:
+ Là sự đồng cảm, luôn thấu hiểu và quan tâm đến người khác
+ Là san sẻ những gì mình có với người khác
+ Cùng vui cùng buồn với người khác, khi họ gặp khó khăn, gian khổ
=> Khẳng định ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là đức tính tốt, cần phát huy.
b. Bàn luận
- Biểu hiện của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
+ Luôn sẵn sàng mở lòng giúp đỡ những người xung quanh. Cho đi mà không yêu cầu đền đáp.
+ Sống trung thực, không gian dối, vụ lợi.
+ Sống đúng lương tâm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.....
- Dẫn chứng: HS lấy dẫn chứng phù hợp
- Ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.
+ Luôn được mọi người kính trọng, nể phục.
+ Bản thân có được sự thanh thản trong tâm hồn.
- Tại sao cần phải tế nhị khi giúp đỡ người khác?
+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác chính là biểu hiện của niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp.
+ Khi bạn biết đối xử giúp đỡ với mọi người cũng là lúc bạn nhận được sự giúp đỡ từ xã hội. Như vậy tử tế sẽ khiến cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là biểu hiện của sự thiện tâm, đức độ. Khi con người biết làm đẹp tâm của mình, khi đó họ mới trở thành người thực sự có giá trị.
+ Giảm bớt tệ nạn xã hội, cải thiện bộ mặt xã hội
+ Mang lại mái ấm, hạnh phúc và cơ hội mới cho các em
c. Phản đề:
- Phê phán những con người sống ích kỉ, giả dối.
- Những người sống vô cảm, không biết yêu thương con người, đối xử tệ bạc với nhau.
d. Liên hệ, rút ra bài học:
- Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là rất quan trọng trong cuộc sống.
- Em đã thể hiện lối sống của mình trong cuộc sống như thế nào?
3. Kết bài
Mở rộng, kết luận lại vấn đề: Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc, cần giữ gìn và phát huy.
Câu 3:
Cách giải:
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Y Phương (những nét cơ bản về con người, cuộc đời, đặc điểm sáng tác,…)
– Giới thiệu khái quát về bài thơ “Nói với con” (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,…)
– Giới thiệu khái quát về đoạn thơ và “người đồng mình” nói riêng, vẻ đẹp của con người Việt Nam nói chung.
2. Thân bài
a. Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước:
- Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:
+ Với cách nói “Người đồng mình thương lắm con ơi!” người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.
+ Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người.
+ Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ.
=> Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc.
=> Liên hệ với hình ảnh con người Việt Nam
b. Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
+ Phép liệt kê với những hình ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” → gợi cuộc sống đói nghèo, khó khăn, cực nhọc.
+ Vận dụng thành ngữ dân gian “Lên thác xuống ghềnh”, ý thơ gợi bao nỗi vất vả, lam lũ.
=> Những câu thơ dài ngắn, cùng những thanh trắc tạo ấn tượng về cuộc sống trắc trở, gian nan, đói nghèo của quê hương.4
+ Điệp ngữ “sống”, “không chê” và điệp cấu trúc câu cùng hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh: Người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm. Người đồng mình chấp nhận và thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê hương có đói nghèo, vất vả. Và phải chăng, chính cuộc sống nhọc nhằn, đầy vất vả khổ đau ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả.
+ Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sông trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.
=> Liên hệ với hình ảnh con người Việt Nam
c. Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc:
- Phẩm chất của người của con người quê hương còn được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”
+ Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình.
+ Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói cụ thể về những con người mộc mạc, giản dị.
+ Cụm từ “chẳng nhỏ bé” khẳng định sự lớn lao của ý chí, của nghị lực, cốt cách và niềm tin.
→ Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí.
- Cùng với ý thức tự lực, tự cường, người đồng mình còn ngời sáng tinh thần tự tôn dân tộc và khát vọng xây dựng quê hương:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
+ Lối nói đậm ngôn ngữ dân tộc – độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa.
+ Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực (chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi), vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Người đồng mình đã tự tay xây dựng nên truyền thống quê hương đẹp giàu, sánh tầm với các miền quê khác trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.
+ Câu thơ ngầm chứa niềm tự hào kiêu hãnh bởi họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
=> Liên hệ với hình ảnh con người Việt Nam5
* Đánh giá, nhận xét:
=> Với thể thơ tự do, giọng điệu khỏe khoắn vừa tâm tình tha thiết vừa chứa chan hi vọng cùng những hình ảnh, từ ngữ mộc mạc, cụ thể -> nhà thơ nói với con về những vẻ đẹp của người đồng mình để rồi từ đó truyền cho con lòng tự hào về quê hương, dân tộc, nhắn nhủ con biết sống đẹp, biết vượt qua gian khó bằng niềm tin, ý chí như người đồng mình.
=> Người đồng mình là hình ảnh mang tính biểu tượng đại diện cho vẻ đẹp của con người Việt Nam từ muôn đời nay.
3. Kết bài
Khái quát về những vẻ đẹp cơ bản của “người đồng mình”, các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân về vẻ đẹp của con người Việt Nam.
ĐỀ THI SỐ 2
Phần 1 - Tiếng Việt (2,0 điểm)
Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.
Câu 1. Từ nào sau đây không phải là từ láy?
A. Long lanh.
B. Mong muốn.
C. Bát ngát.
D. Lao xao.
Câu 2. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu “Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.” (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà) thuộc kiểu câu
A. rút gọn.
B. đặc biệt.
C. ghép.
D. đơn.
Câu 3. Về hình thức, các câu “Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom." (Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi) liên kết với nhau bằng phép
A. lập.
B. nối.
C. thế.
D. đồng nghĩa.
Câu 4. Tổ hợp từ nào sau đây không phải là thành ngữ?
A. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
B. Mình đồng da sắt.
C. Lên thác xuống ghềnh.
D. Cá chậu chim lồng.
Câu 5. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai câu thơ sau?
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá).
A. So sánh và nhân hóa.
B. Nhân hóa và ẩn dụ.
C. Ẩn dụ và hoán dụ.
D. So sánh và điệp ngữ.
Câu 6. Phần in đậm trong câu “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.” (Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương) là thành phần
A. tình thái.
B. cảm thán.
C. phụ chú.
D. khởi ngữ.
Câu 7. Quan hệ ý nghĩa giữa các vế trong câu ghép “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” (Kim Lân, Làng) là quan hệ.
A, bổ sung.
B, tăng tiến.
C. tiếp nối.
D, tương phản.
Câu 8. Câu “Nói có sách, mách có chứng” liên quan đến phương châm hội thoại nào?
A. Phương châm về lượng.
B. Phương châm về chất.
C. Phương châm quan hệ.
D. Phương châm lịch sự.
Phần II - Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Kim Woo Chung, người sáng lập nên tập đoàn Deawoo từng viết trong quyển sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm rằng: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ.” Dù là thay đổi bản thân mình hay là thay đổi thế giới, thì người ta cũng bắt đầu bằng ước mơ.
Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng. Đôi khi ta phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. Nhiều khi ta phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Dù làm gì, dù thế nào đi nữa, thì đừng bỏ cuộc. Hãy luyện tập mài giũa hằng ngày. Trái ngọt có được sau những chặng đường dài thực sự rất xứng đáng. Hãy tin tưởng.”
(Rosie Nguyễn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?, NXB Hội nhà văn 2017 tr 115 116)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. (0,75 điểm) Việc tác giả trích dẫn câu nói của Kim Woo Chung có tác dụng gì?
Câu 3. (0,75 điểm) Theo em, tại sao “Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. "?
Phần III. Tập làm văn (6,0 điểm)
Câu 1. (1,5 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu văn bản, hãy viết một đoạn văn (từ 10 đến 15 câu) bày tỏ suy nghĩ của em về vai trò của ước mơ.
Câu 2. (4,5 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kinh, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vận chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
(Phạm Tiến Duật, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, Tập một)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. TIẾNG VIỆT
Câu 1: B
Cách giải: Mong muốn là từ ghép vì hai thành tố tách ra đều có nghĩa
Câu 2: D
Cách giải: Câu văn “Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà” là câu đơn:
Chủ ngữ: Mặt anh
Vị ngữ: hớn hở như một đứa trẻ được quà
Câu 3: C
Cách giải:
Xét về hình thức các câu trên được liên kết với nhau bằng phép thế. (Hắn ta thế cho Thần chết)
Câu 4: A
Cách giải: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là câu tục ngữ
Câu 5: A
Cách giải: Hai biện pháp tu từ được sử dụng là so sánh (Mặt trời với hòn lửa) và nhân hóa (Sóng cài then)
Câu 6: C
Cách gải:
Phần in đậm trong câu trên là thành phần phụ chú nhằm giải thích thêm về Vũ Thị Thiết
Câu 7: D
Cách giải:
Quan hệ ý nghĩ giữa các vế câu ghép là quan hệ tương phản
Câu 8: B
Câu nói: Nói có sách mách có chứng nghĩa là: Nói đúng sự thật, có chứng cứ rõ ràng và có thể kiểm chứng được. Tôn trọng phương châm về chất.
II. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận
Câu 2:
Cách giải:
– Việc trích dẫn ý kiến của Kim Woo Chung: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ” – có tác dụng:
+ Làm văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục.
+ Nhấn mạnh, hãy sống có ước mơ và hoài bão. Vì khi có ước mơ, con người sẽ có động lực để làm thay đổi bản thân và thế giới.
Câu 3:
Cách giải:
“Đôi khi ta phải đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình” vì con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là dễ dàng, nó cũng không an toàn và nhẹ nhàng mà đầy chông gai thử thách, định kiến xã hội không phải lúc nào cũng đúng, cũng phù hợp với đạo đức, lẽ phải. Chúng ta cần có niềm tin vào lý tưởng, ước mơ của mình, đó là điều kiện tiên quyết để theo đuổi ước mơ và cũng là động lực để ta cố gắng mỗi lần gặp phải khó khăn trên hành trình.
III. LÀM VĂN
Câu 1:
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của ước mơ.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Ước mơ: là những dự định, khát khao mà mỗi chúng ta mong muốn đạt được trong thời gian ngắn hoặc dài. Ước mơ chính là động lực để mỗi chúng ta vạch ra phương hướng đường đi để dẫn tới thành công.
b. Phân tích
- Là kim chỉ nam cho mọi dự định, kế hoạch
- Thôi thúc con người hành động, củng cố thêm niềm tin và sự kiên định.
- Giúp con người huy động tối đa những năng lực, sở trường cũng như sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được mục tiêu đặt ra.
- Làm cho cuộc sống của con người trở nên có ý nghĩa hơn. Khi biết ước mơ nghĩa là con người biết được mình muốn gì, cần phải làm gì và làm như nào.
c. Chứng minh
d. Phản biện
3. Kết bài
- Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Câu 2:
Cách giải:
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật và tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"
Tác giả:
+ Là nhà thơ khoác áo lính và là một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.
+ Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.
+ Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.
- Giới thiệu về đoạn trích: ba khổ thơ cuối bài đã thể hiện tình đồng đội keo sơn, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.
2. Thân bài
a. Tinh thần bất khuất và tình cảm keo sơn của những người lính
- Từ trong mưa bom, bão đạn những chiếc xe nối đuôi nhau ra chiến trường, vượt qua núi cao vực sâu của Trường Sơn để về đây “họp thành tiểu đội”, những con người tự bốn phương chẳng quen biết nay đã trở thành bạn bè qua những cái bắt tay vội vã:
+ Hình ảnh cái nắm tay của người lính hiện lên chân thực, cảm động qua “cửa kính vỡ rồi”. Dường như ô cửa kính vỡ chẳng làm người lính bận lòng, trái lại nó lại càng làm cho họ có cơ hội gần gũi nhau hơn, xóa đi mọi khoảng cách. Cửa kính bỗng trở thành nhân chứng về sự gắn bó, đoàn kết của những người lính dọc tuyến đường Trường Sơn. Qua cái bắt tay nồng ấm họ trao cho nhau tình cảm thương mến, niềm tin, hi vọng vào một tương lai chiến thắng.
- Trong những giây phút dừng chân ngắn ngủi, họ cùng nhau: “Bếp hoàng cầm…gia đình đấy”
+ Tình đồng đội keo sơn gắn bó được thể hiện qua bữa cơm giữa rừng. Trong giây phút ấy họ chia sẻ bát cơm, chiếc đũa,… với nhau. Chính điều đó giúp họ xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau như những người ruột thịt trong gia đình.
- Tình cảm keo sơn đã tiếp sức cho các anh, nâng bước giúp các anh tiếp tục lên đường: “Võng mắc…trời xanh thêm”
+ Từ láy “chông chênh” gợi sự không chắc chắn, không vững vàng. Phải chăng đó chính là hình ảnh của con đường Trường Sơn gồ ghề bị tàn phá bởi bom đạn cùng với những chiếc võng lắc lư theo nhịp xe. Câu thơ đã cho thấy những trở ngại, khó khăn, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt. Nhưng khí phách, ý chí chiến đấu của họ vẫn kiên định, vượt lên tất cả để họ “lại đi lại đi trời xanh thêm”.
+ Điệp từ “lại đi” lặp lại hai lần cho thấy sự chảy trôi, tiếp nối, gợi ra nhịp hành quân khẩn trương. Từ đó khẳng định tinh thần chiến đấu kiên cường, vững vàng của người lính.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” lại cho ta thấy tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui phơi phới cũng là niềm hi vọng vào tương lai của ngày mai chiến thắng.
b. Ý chí chiến đấu vì miền Nam
c. Đặc sắc nghệ thuật
3. Kết bài
- Khẳng định lại tinh thần và ý chí chiến đấu, tình cảm gắn bó của những người lính và tài năng nghệ thuật của Phạm Tiến Duật.
- Liên hệ với bản thân và rút ra bài học về sự cống hiến cho đất nước.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU(4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
(Trích Nhớ con sông quê hương, Tế Hanh, Lòng miền Nam, NXB Văn nghệ, 1956)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra hai từ láy có trong đoạn trích.
Câu 3 (0,5 điểm): Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu.
Câu 4 (0,5 điểm): Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ” và biết nó thuộc kiểu câu gì?
Câu 5 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng sau:
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Câu 6 (1,0 điểm): Qua đoạn trích trên, anh/chị cảm nhận gì về tình cảm của nhà thơ đối với quê hương?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn diễn dịch (từ 8 đến 10 câu, trong đó có một câu sử dụng thành phần biệt cảm thán, gạch chân thành phần cảm thán) với câu chủ đề:
Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.
Câu 2 (4,0 điểm): Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Từ đó, nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2 (0,5 điểm): Hai từ láy có trong đoạn trích: lấp loáng, mới mẻ.
Câu 3 (0,5 điểm): Từ ngữ, hình ảnh nói về vẻ đẹp của con sông trong bốn dòng đầu: sông xanh biếc, nước gương trong, những hàng tre, lòng sông lấp loáng
Câu 4 (0,5 điểm):
Cấu tạo ngữ pháp của câu: “Tôi(CN)/giữ mãi mối tình mới mẻ(VN).”
Thuộc kiểu câu trần thuật đơn.
Câu 5 (1,0 điểm):
- Biện pháp tu từ so sánh: Cái nắng của buổi trưa hè là nắng gắt, như tâm hồn tràn đầy nhựa sống và tình yêu thiết tha với quê hương của tác giả vậy. Nó mở ra một khung cảnh trữ tình đầy duyên dáng.
- Nắng không "chiếu", không "soi", mà là "tỏa” – diễn tả được hết cái tấm lòng bao la muốn tỏa sáng trọn vẹn dòng sông quê. Sức nóng của mùa hè- sức sống của tác giả, điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, vun đắp những khát vọng đẹp và biết bao nhiêu vần thơ hay về quê hương.
Câu 6 (1,0 điểm):
Tác giả đã nhắc nhở bao người về vẻ đẹp bình dị mà đáng trân trọng của quê hương mình, qua đó kín đáo gợi mở tình yêu nước sâu nặng, bền chặt. Qua đó ta thấy nhà thơ luôn yêu và gắn bó với quê hương đất nước, tự hào về những nét đẹp bình dị và trong sáng của nó, nơi mà mỗi khi đi xa luôn canh cánh nhớ về, khắc khoải khôn nguôi.
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. Đoạn văn chỉ từ 8 - 10 câu nên các em đặc biệt lưu ý những ý sau:
- Giới thiệu được vấn đề: Tình yêu quê hương, đất nước là điều không thể thiếu trong mỗi con người.
- Giải thích được vấn đề: Tình yêu quê hương đất nước: là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên.
- Biểu hiện: tình cảm với người thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, sự gắn bó với làng quê nơi mình sinh ra, trong cả việc bảo vệ, gìn giữ các nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc....
- Vai trò của tình yêu quê hương đất nước: giúp mỗi con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, không quên nguồn cội; nâng cao tinh thần trách nghiệm và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi con người.
- Mở rộng: Tình yêu quê hương đất nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi con người dù ở bất kỳ đất nước nào. Mỗi cá nhân nên xây dựng, bồi dưỡng cho mình tình yêu quê hương đất nước và có những hành động cụ thể để góp phần bảo vệ, xây dựng, làm đẹp cho quê hương.
- Phản đề: Phê phán một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, sống vô tâm với mọi người, không biết đóng góp xây dựng quê hương đất nước ngược lại còn có những hành vi gây hại đến lợi ích chung của cộng đồng,...
- Kết thúc vấn đề: Khẳng định lại nhận định của em về tình yêu quê hương đất nước (quan trọng, cần thiết,...). Đưa ra lời khuyên cho mọi người.
Câu 2
Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:
+ Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.
+ "Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.
- Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.
Thân bài
* Khái quát về truyện Chuyện người con gái Nam Xương
- Hoàn cảnh ra đời: Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền) của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỉ XVI. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”.
- Cốt truyện: Truyện kể về người con gái tên Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.
* Phân tích nhân vật Vũ Nương
- Hoàn cảnh sống:
+ Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ
+ Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.
- Vũ Nương, người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp
* Đánh giá đặc sắc nghệ thuật
*Tình cảm của tác giả dành cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Kết bài: Khái quát và khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Nam Đàn. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.