Nhằm giúp các em tham khảo, ôn tập và thi thử chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới, HOC247 xin giới thiệu tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Phụ Dực dưới đây. Chúc các em đạt điểm số thật cao!
TRƯỜNG THPT PHỤ DỰC |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2021-2022 Thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
Con tàu Titanic chìm vào đáy đại dương để lại sau lưng nó cả một di sản to lớn và những bài học đáng quý.
Đó là bài học về sự tự mãn khi con người bồng bột nghĩ rằng có thể chiến thắng tự nhiên và tuyên bố Titanic “không bao giờ chìm”. Trên thực tế con tàu đã bị chìm một cách không ngờ nhất từ trước tới nay, là con tàu duy nhất đâm vào núi bang trôi và đắm chìm dưới biển.
Khi phát hiện con tàu đang bị đắm, người ta đã vội vã thả phao cứu sinh xuống biển. Tromg tình cảnh hỗn loạn chỉ một câu nói “Để phụ nữ và trẻ em lên trước” cũng đã thể hiện một cách ứng xử vượt lên trên những bài học về tiền bạc và sự tự mãn, vượt lên trên tất cả những nỗi đau.
Khi hiệu lệnh đã vang lên, nhiều người đã rời xa thuyền cứu hộ, đứng lặng lẽ, chậm rãi dựa lên tay vịn. Họ bắt đầu châm điếu thuốc và hút. Nhiều hành khách đã lặng đi, không muốn chứng kiến sự chia ly của các gia đình. Dù là người nổi tiếng hay kẻ vô danh, những hành khách dung cảm đã để lại cho nhân loại một di sản to lớn.
John Jacob Astor IV, là một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng, một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Ông đã đưa người vợ mang thai năm tháng của mình lên thuyền cứu hộ, rồi lịch sự nhường chỗ của mình bằng cách dịu dàng nói với hai người phụ nữ đứng cạnh: “Các quý cô, mời lên thuyền”. Doanh nhân nổi tiếng Isidor Straus cùng vợ mình đã ở lại trên tàu. Ông nói: “Tôi sẽ không lên thuyền khi những người đàn ông khác còn ở lại. Còn vợ ông, quý bà Ida thì khẳng định: “Tôi sẽ không rời khỏi chồng mình. Chúng tôi đã chết như chúng tôi đã sống cùng nhau”. Họ đã nắm tay nhau cho đến phút cuối cùng.
Một nhân chứng người Thụy Sĩ kể lại việc cô bồng hai đứa con lê thuyền cứu hộ, nhưng không còn đủ chỗ cho bản thân. Một người phụ nữ đã đứng lên nhường chỗ cho cô và nói: “Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!”. Cô hối tiếc vì đã không hỏi tên ân nhân khi phần đuôi con tàu bắt đầu chìm xuống nước. Vào thời khắc con tàu bắt đầu chìm, người ta đã không thấy tiếng gào thét nữa, thay vào đó là những lời yêu thương, những lời chúc phúc và nghĩa cử cao đẹp của con người với con người.
“Để phụ nữ và trẻ em lên trước!” – đó là lệnh của thuyền trưởng. Nhưng tại sao mọi người lại phải tuân theo? Không có bất cứ điều lệ nào bắt buộc người ta phải làm thế. Không ai có quyền yêu cầu người khác phải từ bỏ sinh mạng của mình. Thế nhưng nhiều người đã làm như thế, đã hy sinh mạng sống của mình cho những người không quen biết, đó là vì lòng hào hiệp và cả lương tri…
(Trích Những di sản đồ sộ sau vụ chìm tàu Titanic)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Tìm câu văn lặp lại góp phần tạo ra mối liên kết thống nhất cho toàn bộ văn bản.
Câu 3. Hiệu lệnh của thuyền trưởng “Để phụ nữ và trẻ em xuống trước” đồng nghĩa với việc yêu cầu một bộ phận hành khách phải từ bỏ sinh mạng của mình. Anh/chị có đồng tình với hiệu lệnh đó của thuyền trưởng không? Vì sao?
Câu 4. Những bài học nào mà anh/chị có thể nhận được từ vụ chìm tàu Titanic.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Những cách ứng xử của mọi người được kể lại trong đoạn trích phần Đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc cần thiết phải chế ngự bản năng của con người trong cuộc sống? Hãy trình bày ý kiến của mình bằng một đoạn văn (khoảng 200 chữ).
Câu 2. Bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) đã thể hiện vẻ đẹp của một tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa mang màu sắc truyền thống.
Anh/chị hãy làm rõ điều đó qua đoạn thơ sau:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận, tự sự.
Câu 2:
- Câu văn liên kết nội dung bài: “Để phụ nữ và trẻ em lên trước”.
Câu 3:
- Đồng ý với ý kiến của thuyền trưởng.
- Vì:
+ Hiệu lệnh này là hoàn toàn chính xác khi dành sự sống cho những đối tượng yếu đuối, luôn cần được bảo vệ theo quan niệm thông thường trong một cộng đồng người văn minh.
+ Hiệu lệnh này còn giúp tránh cho hành khách một cuộc chen lấn giành giật cơ hội được sống luôn là quý giá với bất kỳì ai trên đời.
+ Hiệu lệnh tuy đúng, nhưng việc thực hiện nó lại tùy thuộc vào ý thức và lương tri của mỗi con người. Do vậy, hiệu lệnh sẽ không chỉ thể hiện cách ứng xử nhân ái, văn minh mà còn như một phép thử nhân cách, góp phần tạo sự bền vững chắc chắn cho nền tảng văn hóa của cộng đồng xã hội.
Câu 4:
Bài học được rút ra:
- Bài học về sự tự mãn khi con người bồng bột nghĩ rằng có thể chiến thắng tự nhiên và tuyên bố Titanic “không bao giờ chìm”.
- Bài học về tình yêu, tình yêu có thể gắn kết con người với nhau.
- Bài học về cách cư xử có văn hóa, lịch thiệp, nhân ái luôn ưu tiên trẻ em và phụ nữ.
- Bài học về tấm lòng yêu thương con người.
- Bài học về lòng hào hiệp và tấm lòng lương tri trong mỗi con người.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề.
* Giải thích vấn đề.
- Bản năng là những phản ứng tự nhiên, bẩm sinh, không có ý thức đối với thế giới khách quan. Những bản năng của con người bao gồm: bản năng tính dục, bản năng sinh tồn, bản năng tự tôn,…
- Chế ngự là ngăn chặn, hạn chế những tác hại hoặc buộc đối tượng phải phục tùng theo.
=> Chế ngự phần con, phần bản năng trong mỗi chúng ta là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
* Bàn luận vấn đề
- Khái quát nội dung chính, cách ứng xử của những con người trong vụ chìm tàu Titanic.
- Những hành động trên đã có ta những bài học sâu sắc về cách ứng xử trong xã hội hiện đại, khi mà con người vội vã chạy theo những lợi ích vật chất mà quên mất cần phải trau dồi cả phần tinh thần cho mình.
- Vì sao phải chế ngự bản năng:
+ Con người là tổng hòa của hai yếu tố “con” và “người”, con là phần của bản năng, phần tự nhiên, bẩm sinh vốn có của mỗi người khi sinh ra; phần người là phần văn hóa, phần được bồi đắp bằng truyền thống, bằng những điều tốt.
+ Con người ngày càng hướng tới một cuộc sống có văn hóa, bởi vậy phần con, phần bản năng càng cần thiết phải chế ngự hơn.
+ Chế ngự bản năng sẽ giúp con người cư xử có văn hóa, biết quan tâm tới mọi người, sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân khi cần thiết.
+ Chế ngự bản năng còn giúp chúng ta sống thư thái, thanh thản với chính mình.
+ Chế ngự bản năng chính là cách giúp con người hướng thiện, hướng đến vẻ đẹp chân – thiện – mĩ.
- Cần làm gì để chế ngự bản năng:
+ Bản thân có bản lĩnh trước mọi vấn đề của cuộc sống.
+ Cử xử đúng mực, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc, cộng đồng.
- Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp với yêu cầu của đề có phân tích ngắn gọn.
- Bên cạnh đó vẫn còn những người chưa chế ngự được bản năng của mình, gây những hành vi, lời nói thiếu tế nhị, sai trái gây tổn thương tới những người xung quanh.
* Liên hệ bản thân: Em đã làm gì để không sống một cách bản năng?
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận xét:
- Xuân Quỳnh là gương mặt nổi bật của nền thơ Việt Nam hiện đại, thuộc nhà thơ lớp đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ cứu nước.
- Thơ Xuân Quỳnh là tấm lòng của một phụ nữ có nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tính yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp của một tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa mang màu sắc truyền thống. Đoạn thơ trên là tiêu biểu cho nhận định trên.
2. Phân tích
2.1 Giải thích ý kiến:
- Quan niệm mới mẻ, hiện đại là quan niệm ngày nay, quan niệm của những người có đời sống văn hóa, tinh thần không bị ràng buộc bởi ý thức hệ tư tưởng phong kiến. Về tình yêu, sự mới mẻ, hiện đại thể hiện ở: sự chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ, táo bạo về những rung động rạo rực cảm xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.
- Quan niệm truyền thống là quan niệm có từ xa xưa, được bảo tồn trong đời sống hiện đại. Trong tình yêu, nó được thể hiện ở những nét đẹp truyền thống: đằm thắm, dịu dàng, thủy chung,…
2.2 Chứng minh ý kiến qua đoạn thơ trên:
* Vẻ đẹp của tình yêu mới mẻ, hiện đại:
- Đó là một tình yêu với nhiều cung bậc phong phú, đa dạng: dữ dội, ồn ào, dịu êm, lặng lẽ - các trạng thái đối cực.
- Đó là sự chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và rung động rạo rực trong lòng mình “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”. Người phụ nữ không còn sự thụ động, chờ đợi tình yêu mà chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt.
- Người con gái dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.
- Tình yêu như những con sóng, đập những nhịp đập trên lồng ngực của tuổi trẻ. Tình yêu cũng trường tồn vĩnh cửu và bất diệt “Ôi con sóng ngày xưa/ Và ngày sau vẫn thế…”
- Bản chất của tình yêu là sự bí ẩn không thể lí giải được. Chúng ta có thể lí giải được cội nguồn của sóng, của gió nhưng không thể nào cắt nghĩa, lí giải được nguồn cội của tình yêu. Nó lạ lùng bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên. Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó.
* Tình yêu mang màu sắc truyền thống:
- Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ:
+ Nỗi nhớ trong tình yêu là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng và cồn cào. Nỗi nhớ ấy bao trùm cả không gian chiều sâu, chiều rộng, choán ngợp cả vũ trụ bao la: “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam”.
+ Nỗi nhớ mãnh liệt, khắc khoải, triền miên, giày vò thao thức theo thời gian từ ngày sang đêm, mọi lúc mọi nơi như những con sóng triền miên, dào dạt, không bao giờ ngưng lặng, nỗi nhớ tồn tại trong ý thức và cả tiềm thức: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”.
+ Cảm xúc vô cùng phong phú: có khi được bộc lộ trực tiếp, có khi bộc lộ gián tiếp để diễn tả nỗi nhớ vô biên tuyệt đích củ một tình yêu chân thành, mãnh liệt.
- Tình yêu còn gắn với sự thủy chung:
+ Dẫu có vất vả, nhọc nhằn, dẫu phải xuôi ngược mọi không gian; dù xa xôi cách trở nhưng “Em” chỉ hướng về phương trời có anh.
+ Khát vọng về một tình yêu sắt son, không thay lòng đổi dạ dù bất cứ điều gì xảy ra. Đó là nét đẹp tình yêu giàu tính nhân bản.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Trong cộng đồng này, chúng ta thường không làm những điều lớn lao vì ta quá sợ mắc sai lầm, và việc ta không chịu làm gì khiến ta chối bỏ mọi vấn đề đang tồn tại. Thực tế là dù ta có làm gì thì tương lai vẫn sẽ nảy sinh rắc rối. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta bắt tay vào làm gì đó.
Thế nên ta còn chờ gì nữa? Đã đến lúc thế hệ chúng ta phải tạo ra những công việc mới cho cộng đồng. Bạn nghĩ thế nào về việc chúng ta ngăn chặn biến đổi khí hậu trước khi hành tinh này bị phá hủy bằng cách kêu gọi hàng triệu người tham gia sản xuất và lắp đặt các tấm nhiên liệu mặt trời? Hay bạn nghĩ thế nào về việc ngăn ngừa mọi căn bệnh và nhờ các tình nguyện viên theo dõi dữ liệu sức khỏe và chia sẻ về mã gen của họ? Ngày nay số tiền đầu tư vào việc điều trị cho những người mắc bệnh đang cao gấp 50 lần so với số tiền cho việc tìm kiếm cách phòng ngừa để mọi người không mắc bệnh ngay từ đầu. Điều đó thật vô lí. Chúng ta có thể thay đổi điều này. Hay là bạn nghĩ thế nào về việc hiện đại hóa nền dân chủ để mọi người có thể bầu cử qua mạng, và cá nhân hóa việc giáo dục để bất kì ai cũng có thể được học thứ phù hợp với mình?
Những thành tựu này nằm trong tầm với của chúng ta. Hãy làm nó theo cách có thể giúp mọi người trong xã hội được đóng một vai trò gì đó.
(Trích Bài phát biểu tại Lễ tốt nghiệp Đại học Harvard của Mark Zuckerberg)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Theo đoạn trích, tác giả đã nhận ra điều gì vô lí và khẳng định chúng ta có thể thay đổi điều này?
Câu 3: Hãy xác định và nêu hiệu quả của phép điệp được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm:“Trong cộng đồng này, chúng ta thường không làm những điều lớn lao vì ta quá sợ mắc sai lầm” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc dám làm những điều lớn lao.
Câu 2 (5.0 điểm)
“Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về hướng đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cánh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam của thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chú được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Hương qua đoạn trích trên.Từ đó hãy nhận xét về chất trữ tình trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1.
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2.
Điều vô lí mà tác giả nhận ra và khẳng định chúng ta có thể thay đổi điều này, đó là: Ngày nay số tiền đầu tư vào việc điều trị cho những người mắc bệnh đang cao gấp 50 lần so với số tiền cho việc tìm kiếm cách phòng ngừa để mọi người không mắc bệnh ngay từ đầu.
Câu 3.
- Chỉ ra phép điệp: Bạn nghĩ thế nào về việc…?( lặp lại 3 lần)
- Tác dụng của phép điệp:
+ Tạo âm hưởng, nhịp điệu cho câu văn.
+ Nhấn mạnh những việc lớn, có ý nghĩa mà chúng ta có thể làm được. Từ đó thôi thúc mỗi người, nhất là thế hệ trẻ cần tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những công việc mới mẻ, có ý nghĩa cho cộng đồng.
Câu 4. HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần đưa ra những lí lẽ thuyết phục trên tinh thần nghiêm túc, thiện chí thì mới cho điểm tối đa. Gợi ý:
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
* Giải thích: “Dám làm những điều lớn lao” là mạnh dạn trong suy nghĩ và hành động để làm những điều có ý nghĩa cho cuộc sống.
* Bàn luận:
- Dám làm những điều lớn lao:
- Mở rộng: Làm điều lớn lao nhưng phải phù hợp với khả năng, cũng không được liều lĩnh mù quáng.
* Bài học: Hiểu được sự cần thiết của việc dám làm những điều lớn lao. Cần mạnh dạn, dũng cảm và sáng tạo trong suy nghĩ và hành động.
Câu 2.
2.1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận.
2.2. Xác định đúng vấn đề nghị luận
2.3. Triển khai vấn đề thành các luận điểm.
a. Giới thiệu khái quát tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” và đoạn trích.
b. Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương khi ở ngoại vi thành phố Huế.
* Nội dung:
* Nghệ thuật:
+ Hình ảnh chân thực mà gợi cảm, câu văn kéo dài mà khúc chiết, thanh điệu hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng.
+ Lối so sánh gần gũi và xác thực, sử dụng nhuần nhuyễn các địa danh và cách nói của người Huế.
--(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Có rất nhiều âm thanh và chuyển động cần đến sự tĩnh lặng để có thể nghe thấy. Khi tất cả rơi vào trạng thái tĩnh lặng, bạn mới có thể nghe thấy tiếng nói của trái tim, tiếng nhựa chảy trong thân cây, tiếng nước reo vui trong lòng đất, tiếng tí tách của hạt mưa rơi trên mái nhà, tiếng nhảy nhót của nắng vàng trên lá biếc. Tâm của bạn rất cần sự yên tĩnh, khi bạn tĩnh lặng, bạn hiểu bản thân mình và thế giới xung quanh, bạn chẳng sợ mưa gió, bạn chẳng ngại khó khăn, bạn cũng chẳng lo lắng điều gì sẽ đến. Bên trong bạn luôn có một khu vườn bí mật, nó nằm ngoài những toan tính chấp nhặt, nó là nơi chốn bình yên bạn có thể tìm về khi cần nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Con người rất yếu đuối, chỉ cần một lần vấp ngã, một sự việc không như mong muốn, một thử thách khó khăn đã có thể khiến cho chúng ta nản lòng và từ bỏ. Những lúc như thế, chúng ta cần đến khoảng lặng, hay nói cho đúng hơn, chúng ta cần tìm về và nằm nghỉ ngơi trong khu vườn tĩnh lặng của chính mình.
(Trích Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống, Phạm Sỹ Thanh, NXB Thế giới, 2019, tr. 141)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Theo đoạn trích, khi tất cả rơi vào trạng thái tĩnh lặng, bạn có thể nghe thấy những âm thanh gì?
Câu 2. Chỉ ra những tác dụng của việc khi bạn tĩnh tâm được nêu trong đoạn trích?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Bên trong bạn luôn có một khu vườn bí mật”?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến “Con người rất yếu đuối, chỉ cần một lần vấp ngã, một sự việc không như mong muốn, một thử thách khó khăn đã có thể khiến cho chúng ta nản lòng và từ bỏ”? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung của phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của việc biết lắng nghe.
Câu 2. (5.0 điểm)
Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một nguời bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn trên. Từ đó, nhận xét tình cảm đối với quê hương đất nước của tác giả Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn văn.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Khi tất cả rơi vào trạng thái tĩnh lặng, bạn có thể nghe thấy những âm thanh: tiếng nói của trái tim, tiếng nhựa chảy trong thân cây, tiếng nước reo vui trong lòng đất, tiếng tí tách của hạt mưa rơi trên mái nhà, tiếng nhảy nhót của nắng vàng trên lá biếc.
Câu 2. Tác dụng của việc khi bạn tĩnh tâm: hiểu bản thân mình và thế giới xung quanh, chẳng sợ mưa gió, chẳng ngại khó khăn, chẳng lo lắng điều gì sẽ đến.
Câu 3.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ: khu vườn bí mật - Tác dụng:
+ Nhấn mạnh sự phong phú trong đời sống tâm hồn của con người và khả năng tự cân bằng bản thân trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
+ Tạo tính hình tượng và sức biểu cảm cho lời văn.
Câu 4.
- Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Giá trị của việc biết lắng nghe.
c. Triển khai vấn để nghị luận
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về vai trò giá trị của việc biết lắng nghe. Có thể theo hướng sau:
Biết lắng nghe giúp chúng ta thấu hiểu, đồng cảm và biết tôn trọng người đối diện; cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh; thấu hiểu bản thân mình, biết nâng niu, trân trọng cuộc sống và sống có ý nghĩa; góp phần tạo nên một xã hội giàu tình yêu thương.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận về đoạn văn miêu tả sông Đà; nhận xét về tình cảm với quê hương đất nước của tác giả Nguyễn Tuân. Hướng dẫn chấm:
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
- Cảm nhận nội dung của đoạn trích: .
- Nghệ thuật miêu tả độc đáo, hấp dẫn:
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Thay đổi là chuyện đương nhiên, vì thế hãy ngừng than vãn để nhìn nhận mọi chuyện theo hướng tích cực. Phần lớn chúng ta đều được nuôi dưỡng để lớn lên là những người biết suy tính cẩn thận.Trước khi nói phải nhớ “uốn lưỡi 7 lần”.Làm việc gì cũng phải “nhìn trước ngó sau”, phải “nghĩ cho chín”.Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu. Như vậy, khi hoàn cảnh biến chuyển và khó khăn hiện hữu, ta sẽ chỉ thêm sợ hãi và lo lắng bởi chỉ biết suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, đặc điểm chung của những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn không ngừng làm mới mình. Tờ báo lừng danh Washington Post có lẽ đã sớm lụi bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của truyền thông hiện đại nếu ông chủ Jeff Bezos không nhanh chóng cải tổ lại bộ máy “già nua”. Ông cho xây hẳn một tòa soạn mới theo mô hình tân tiến nhất, lắp đặt các thiết bị hiện đại để hỗ trợ phân tích số liệu, nhu cầu đọc của độc giả… và đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm báo chí mới mẻ bắt kịp xu hướng. Hay gần gũi hơn với chúng ta là sự thay đổi không ngừng của Facebook. Mặc dù đã có hơn một tỷ người dùng toàn cầu, Mark Zuckerberg và các cộng sự vẫn liên tục cập nhật các tính năng mới để tối đa thời gian chúng ta “lang thang” trên mạng xã hội này.Cuộc sống không ngừng biến chuyển, và chúng ta cần phải biết thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Hãy nhớ rằng, bất cứ ai trên đời cũng phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu. Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình. Nếu phá vỡ được mọi xiềng xích đang kìm hãm tiềm năng bản thân, bạn nhất định sẽ có thể chinh phục chặng đường chông gai phía trước.
(Chàng tí hon, miếng pho mát và bài học về sự thay đổi)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, đặc điểm chung của những người thành công là gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình?
Câu 4. Anh, chị có đồng tình với quan niệm: Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Từ nội dung văn bản Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thau đổi bản thân.
Câu 2: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ). Câu nói trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ – SGK Ngữ văn 12 – NXB GD)? Từ đó liên hệ với nhân vật viên quản ngục (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 11, NXB GD) để thấy được quan điểm của mỗi tác giả khi khắc họa nhân vật không được sống là chính mình.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Đặc điểm chung của những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng.
Câu 3:
- “Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình”
Câu 4:
- Nếu đồng ý, có thể lí giải:
- Nếu phản đối, có thể lí giải:
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Sự thay đổi: là những biến chuyển về suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,… trong mỗi cá nhân khác so với giai đoạn trước.
=> Thay đổi là điều quan trọng và cần thiết để ta thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.
* Bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của sự thay đổi
+ Thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh sống mới.
+ Thay đổi để không ngừng làm mới bản thân, phát hiện ra những tiềm năng vốn có bị ẩn kín do bản tính rụt rè, sợ hãi.
+ Thay đổi, táo bạo, dám thử sức là cợ hội để vươn đến thành công.
* Liên hệ bản thân: Em đã có sự thay đổi như thế nào?
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
- Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những nhà viết kịch tài năng nhất của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu lúc đó đang có nguy cơ tụt hậu. Kịch của Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch từng gây tiếng vang rất đặc biệt trên sân khấu nước nhà những năm đầu của công cuộc đổi mới.
- Lưu Quang Vũ viết vở kịch này từ năm 1981, đến năm 1984 vở kịch mới được công diễn và công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và ngoài nước.
2. Phân tích
2.1 Giải thích
- Câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”
- Câu nói xuất hiện trong cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích.
- Câu nói cho thấy bi kịch không được sống là chính mình của nhân vật Trương Ba. Bi kịch của nhân vật chính là bi kịch không được sống là chính mình.
2.2 Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba
2.3 Liên hệ với bi kịch nhân vật người quản ngục trong “Chữ người tử tù”
2.4 Nhận xét về điểm gặp gỡ về những thông điệp sâu sắc mà các tác giả muốn gửi gắm
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Bất kỳ một quan điểm nào cũng có thể thay đổi, điều quan trọng là bạn có “muốn” thay đổi hay không mà thôi. Mọi thứ không bỗng dưng mà có, thái độ cũng vậy. Để có một thái độ sống đúng đắn, trước tiên ta cần hình thành nó, rồi dần dần phát triển lên, biến nó thành tài sản quý giá cho bản thân.
Một số người từ chối việc thay đổi, họ cho rằng “Tôi đã quen sống như thế này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cho cuộc sống thêm rắc rối mà thôi!” hoặc “Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ để thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt!”. Bạn cần biết rằng, không bao giờ là quá trễ cho một sự thay đổi. Nhờ thay đổi, con người mới có những bước tiến vượt bậc. Không chấp nhận thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo nàn, thậm chí bạn sẽ gặp những rắc rối lớn. Bạn gọi một cái cây không đâm chồi nẩy lộc, không ra hoa kết trái là gì? Đó chẳng phải là “cây chết” hay sao? Con người chúng ta cũng vậy. Cuộc sống sẽ luôn được vận hành tốt nếu ta không ngừng hoàn thiện bản thân.
Những ai không chịu thay đổi cho phù hợp với biến cố cuộc đời sẽ chẳng thể nào thích nghi được với hoàn cảnh. Có thể họ vẫn hiện hữu nhưng trong cuộc sống của họ sẽ bị tách biệt, không bắt nhịp được với đồng loại của mình.
(Trích Thái độ quyết định thành công, Wayne Cordeiro, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr.34)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2: Theo tác giả, vì sao một số người từ chối việc thay đổi?
Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả lại viết: Nhờ thay đổi, con người mới có những bước tiến vượt bậc?
Câu 4: Anh/Chị có đồng ý với ý kiến: Sống là phải thay đổi không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ ý nghĩa của văn bản trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của mình về những điều bản thân thấy cần thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Câu 2. (5.0 điểm)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về hình tượng Sông Đà trong đoạn trích sau. Từ đó bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả Sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.
[…] Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một nguời bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.[…].
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân)
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên: Nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, một số người từ chối việc thay đổi vì họ cho rằng: “Tôi đã quen sống như thế này từ nhỏ, thay đổi chỉ làm cho cuộc sống thêm rắc rối mà thôi!” hoặc “Cha mẹ sinh mình ra thế nào thì cứ để thế ấy, thay đổi làm gì cho mệt!”.
Câu 3. Tác giả viết: Nhờ thay đổi, con người mới có những bước tiến vượt bậc vì:
- Khi thay đổi (nhận thức, thái độ, hành động…), con người sẽ cải thiện được sự lạc hậu, cũ kĩ để theo kịp sự phát triển của xã hội, tiếp nhận được những điều mới mẻ từ xã hội, do đó sẽ tạo cơ hội cho con người tạo ra những bước tiến vượt bậc phù hợp với thời đại.
- Trong thực tế cuộc sống, nhờ thay đổi nhận thức, thái độ, hành động mà một số người đã thành công và tạo nên những bước tiến vượt bậc cho đất nước, cho nhân loại.
Câu 4. Học sinh bày tỏ được quan điểm của bản thân về ý kiến: Sống là phải thay đổi, có thể:
+ Đồng tình
+ Không đồng tình
+ Vừa đồng tình vừa không đồng tình
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn, có đủ các phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
b. Xác định đúng các vấn đề nghị luận: Những điều mà bản thân thấy cần thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ các dẫn chứng, có thể viết đoạn theo định hướng sau:
1. Giải thích:
- Thay đổi: Thay cái này bằng cái khác, làm cho khác với cái trước đây.
2. Bàn luận:
3. Bài học liên hệ bản thân:
- Cần phải nỗ lực để hoàn thiện bản thân.
- Thay đổi nhưng không đánh mất mình, không đánh mất những nét đẹp truyền thống.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận hình tượng Sông Đà trong đoạn trích, bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, hình tượng Sông Đà trong đoạn trích.
* Cảm nhận hình tượng Sông Đà
- Từ điểm nhìn trên cao, Sông Đà có vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, yêu kiều.
- Từ điểm nhìn gần hơn – điểm nhìn của một người đi rừng lâu ngày bất ngờ gặp lại con sông, Sông Đà gợi cảm, Sông Đà “như một cố nhân”.
* Bình luận ngắn gọn nét độc đáo trong cách miêu tả sông Đà nói riêng, thiên nhiên Tây Bắc nói chung của nhà văn Nguyễn Tuân.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Phụ Dực. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
- Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Văn Linh
- Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Ngô Gia Tự
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.