Luyện đề thi thi thử là một trong những phương pháp giúp đạt kết quả cao trong kì thi THPT Quốc gia, HOC247 xin gửi đến các em tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Long Thới dưới đây với đáp án chi tiết, nhằm giúp các em ôn luyện kiến thức và kĩ năng, tự tin trong kì thi sắp tới. Chúc các em học tập vui vẻ!
TRƯỜNG THPT LONG THỚI |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2021-2022 Thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI – XVII) đã nói một câu nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại nói cụ thể hơn: “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy.
Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10.000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la.”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu không biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không?...
Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức. Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!
(Theo Hương Tâm, Ngữ văn 9, Tập hai)
Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Chuyên gia Xten-mét-xơ đã ghi gì trong tờ giấy biện nhận?
Câu 3. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” nói lên điều gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với nhận xét của tác giả “Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức” không? Tại sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm):
Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Tri thức là sức mạnh”.
Câu 2. (5.0 điểm):
“-Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già.
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?
- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
(Trích Việt Bắc,Tố Hữu, Ngữ văn 12)
Cảm nhận về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2. “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la.”.
Câu 3. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm cho máy hoạt động trở lại” đã khẳng định: sức mạnh của tri thức. Nó chứng minh cho chân lí: người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi
Câu 4. Thí sinh có thể đồng tình, hoặc không đồng tình với nhận xét Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức của tác giả song phải lí giải được nguyên nhân một cách hợp lí và có sức thuyết phục
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Tri thức là sức mạnh”.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tri thức là sức mạnh
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: HS trình bày ngắn gọn suy nghĩ của mình theo yêu cầu: sự cần thiết phải chữa “bệnh lười” ở thanh thiếu niên hiện nay. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần hướng đến các ý sau:
- Giải thích: Tri thức là gì? Sức mạnh?
- Bàn luận : Tri thức là sức mạnh
+ Đối với cá nhân: Tri thức góp phần khẳng định vị thế xã hội của bản thân đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người...
+ Đối với cộng đồng, xã hội: Tri thức có ý nghĩa quyết định sự phát triển của xã hội.
- Bài học nhận thức và hành động: Mỗi người cần nhận thức được sức mạnh của tri thức từ đó, thường xuyên trau dồi, bồi đắp tri thức cho bản thân.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Cảm nhận về đoạn thơ trong Việt Bắc .
- Nhận xét đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.
- Việt Bắc là bài thơ xuất sắc của ông, tác phẩm được viết vào tháng 10/1954 nhân một sự kiện có tính lịch sử, các cơ quan trung ương Đảng dời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là một bản hùng ca đồng thời là khúc tình ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.
- Những câu thơ sau mang đến cho người đọc ấn tượng đặc sắc:
* Cảm nhận về đoạn thơ:
- Lời người ở lại ( 12 câu đầu).
+ Không gian, địa điểm biểu hiện từ mờ xa “mưa nguồn, suối lũ, mây mù” đến gần gũi, xác định: “chiến khu”; rồi gợi lên sức mạnh tranh đấu khi : “kháng Nhật”; trải ra mênh mang với những địa danh một thời ghi dấu: “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”.
+ Cách nói đảo ngữ, tương phản đối lập “ hắt hiu lau xám- đậm đà lòng son” càng làm bật lên tình cách mạng. Càng khổ cực, gian lao (bát cơm chấm muối, hắt hiu lam xám) càng ngọt bùi bao kỷ niệm, đậm đà những tấm chân tình chao gửi cho nhau.
+ Nghệ thuật nhân hóa (rừng núi nhớ ai), hàng loạt điệp từ “mình, có nhớ”, nhịp ngắt đều đặn kết hợp cùng bao nhiêu hoài niệm tha thiết nhất, nguồn cội tình cảm sâu rộng nhất tập trung khắc họa hình ảnh một người đang bâng khuâng thương nhớ với cảm giác chưa nguôi lưu luyến trong phút chia li. .
- Lời người ra đi (4 câu sau).
+ Sự tinh tế một lần nữa được nhấn mạnh khi người ra đi cảm nhận sâu sắc nỗi lòng người ở lại và đang hòa nhịp nhớ thương cùng Việt Bắc. Cách so sánh “bao nhiêu- bấy nhiêu” mang đậm màu sắc ca dao và tô đậm nghĩa tình son sắt. Sự tương đồng này rất lớn lao, không thể đong đếm được. Thêm vào đó, hai từ “mặn mà- đinh ninh” khiến tình cảm càng thêm sâu nặng.
+ Câu thơ “Mình đi mình lại nhớ mình” như một lời khẳng định không bao giờ đánh mất những tình cảm quý giá một thời đã qua. Sự hoán đổi vị trí “mình – ta” thể hiện tình cảm quấn quýt, hòa quyện, gắn bó, sâu nặng, bền chặt; đồng thời củng cố niềm tin cho người ở lại.
* Đánh giá chung:
- Đoạn thơ thể hiện được tình cảm thủy chung son sắt giữ người ra đi và người ở lại. Những tình cảm trong sáng đó rất tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước anh hùng của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Bằng lối đáp và cách sử dụng đại từ “mình – ta” cùng nhiều yếu tố gợi ra âm hưởng ca dao, dân ca, những câu thơ lục bát trau chuốt biến thành những lời đối thoại và cả độc thoại nội tâm, mở ra thế giới cảm xúc phong phú của chủ thể trữ tình. Giọng thơ, ngôn ngữ, nhịp điệu cùng bộc lộ cảm xúc nhớ thương day dứt khiến đoạn thơ giống như một lời hát giao duyên rất đầm thắm, thiết tha.
* Nhận xét về đặc điểm phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu
- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Yếu tố trữ tình chính trị, âm hưởng ca dao, dân ca, tính dân tộc đậm đà.
- Đoạn thơ thể hiện tình cảm thủy chung son sắt giữ người ra đi và người ở lại. Đó là tình cảm gắn bó sâu nặng của người cán bộ cách mạng về xuôi với Việt Bắc.
- Tính dân tộc đậm đà của thơ Tố Hữu cũng được thể hiện thành công trong đoạn thơ từ cách sử dụng ngôn từ, các biện pháp nghệ thuật đến thể thơ lục bát truyền thống.
ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nền tảng của sự thành công nằm ở tính kỷ luật tự giác và được thể hiện thông qua sự tự chủ. Tự chủ là lòng can đảm được sử dụng đúng lúc, là khả năng tự chế ngự và kiểm soát tất cả các trạng thái cảm xúc của bản thân. Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái, giữ cho thuyền đi đúng hướng, vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Người hạnh phúc nhất chính là người có thể làm chủ được bản thân.
Điềm tĩnh là một trong những biểu hiện của sự tự chủ. Người giữ được điềm tĩnh luôn ẩn chứa trong mình nguồn sức mạnh to lớn. Điềm tĩnh giúp con người giữ được sự sáng suốt trong khi những người khác không còn kiên nhẫn. Khi bị ai đó đổ lỗi, khi mọi lời chỉ trích đều dồn về bạn, khi bạn liên tục vấp ngã hay khi bị bạn bè quay lưng…ấy là những lúc bạn cần đến tính tự chủ và sự điềm tĩnh. Biết chế ngự bản thân và giữ được sự điềm tĩnh, bạn sẽ có được bình yên cũng như sẵn sàng đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của đời mình. Hãy cố gắng giữ được vẻ bình tĩnh và cái tâm bình thản, sáng suốt trong mọi tình huống, bạn nhé!
(Không gì là không có thể - George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)
Câu 1.Theo tác giả, những lúc bạn cần đến tính tự chủ và sự điềm tĩnh là lúc nào?
Câu 2.Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Nếu ví con người như một chiếc thuyền thì tính tự chủ chính là bánh lái, giữ cho thuyền đi đúng hướng, vượt qua những sóng gió của cuộc đời.
Câu 3. Theo anh, chị, tại sao tác giả khẳng định: Người hạnh phúc nhất chính là người có thể làm chủ được bản thân.
Câu 4. Thông điệp anh (chị) tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu lí do anh (chị) chọn thông điệp đó.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc - Hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm) Cho đoạn thơ sau:
"Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
(Trích “Việt Bắc” – Tố Hữu)
Cảm nhận của anh/chị về tình cảm đẹp đẽ giữa bộ đội miền xuôi và người dân Việt Bắc qua đoạn thơ trên.Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tính dân tộc được thể hiện qua đoạn thơ.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Theo tác giả, những lúc bạn cần đến tính tự chủ và điềm tĩnh là khi bị ai đó đổ lỗi, là khi mọi lời chỉ trích đều dồn về bạn, khi bạn liên tục vấp ngã hay bị bạn bè quay lưng.
Câu 2. Biện pháp tu từ: So sánh: " tính tự chủ" với "bánh lái "
-Tác dụng: nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.Từ đó, ta thấy chính tính tự chủ sẽ luôn giúp cho chúng ta định hướng được cuộc sống của mình, tạo nên sự kiên định, đưa chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
Câu 3. Hiểu câu nói: “người hạnh phúc nhất chính là người tự chủ được bản thân”
- Đối với xã hội xưa và hiện nay, mỗi thế hệ đều có những lối sống khác biệt. Nhưng dù ở đâu, bao lâu, thế hệ nào thì tính tự chủ cũng luôn là điều cần thiết và giúp con người ta “dễ dàng” hơn đối với cuộc sống.
- Tự chủ đem lại cho ta rất nhiều may mắn, thành công, danh vọng trong cuộc sống. Vì ta biết kiểm soát được thái độ, hành động của mình, nhờ có sự tự chủ của bản thân, nhắc nhở phải luôn biết chế ngự và kiểm soát cảm xúc đúng nơi đúng lúc, giữ được kiên nhẫn mà hoàn thành một việc nào đó cách tốt đẹp, suôn sẻ.
Câu 4. HS có thể nêu 1 thông điệp mà mình tâm đắc nhất (0.25), đồng thời có lí giải hợp tình, hợp lí (0.75)
Gợi ý:
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Sự cô đơn của con người trong thế giới ngày “càng kết nối, càng online” hiện nay.
a. Triển khai vấn đề nghị luận:
- Ý nghĩa của sự tự chủ của con người trong cuộc sống.
+ Người có tính tủ chủ thì trong mọi trường hợp, mọi vấn đề đều có thái độ bình tĩnh, tự tin. Tự tin vào khả năng, năng lực của bản thân, tin vào điều bản thân sẽ làm và tin vào kết quả mình mang lại. Một học sinh có tính tự chủ trong học tập biểu hiện qua việc tự giác ý thức trong hành động, chủ động làm bài tập về nhà, trên lớp với tinh thần tự học tập cao, tự học hỏi để trau dồi bản thân.
+ Khi rèn luyện được tính tự chủ, con người hình thành lối sống đúng đắn, cư xử có đạo đức, có văn hóa hơn. Tự chủ để giải quyết mọi tình huống trong cuộc sống,nhận được sự đánh giá cao của mọi người xung quanh về năng lực cũng như kỹ năng giao tiếp mà bản thân thể hiện. Tự chủ khiến ta tự tin, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, cám dỗ.
+ Tự chủ còn mang lại cho con người nhiều cơ hội cao, dám ước mơ, dám thể hiện khả năng bản thân ở mọi lĩnh vực và sẽ thành công
- Bài học: Mỗi người phải có ý thức cao, trách nhiệm trong mọi công việc, tích cực tham gia học tập và rèn luyện bản thân thật tốt; nhất là học tập kĩ năng sống, biết tự mình xử lí mọi tình huống để đem lại kết quả tốt nhất.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tình cảm đẹp đẽ giữa bộ đội miềm xuôi và người dân Việt Bắc
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần bàn luận
- Hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc thơ (0,25đ)
- Tình cảm đẹp đẽ của người ở lại dành cho người ra đi (1,0đ)
+ nhắc nhớ kỉ niệm “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”
+ sự trống trải, hụt hẫng trong tâm hồn người ở lại
+ Lo lắng, trăn trở về tình cảm bộ đội dành cho mình có luôn mặn nồng?
- Tình cảm đẹp đẽ của người ra đi dành cho người ở lại:
* Nội dung
* Nghệ thuật
* Đánh giá
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu
Bạn nói những gì, bạn làm điều gì, cảm thấy như thế nào – tất cả đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ.
Suy nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn. Suy nghĩ tích cực dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng; “hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần ta.
Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều ý nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 ý nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra trong đời, lúc đó có đến cả hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.
Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.
(Frederic Labarthe, Anthony Strano – Tư duy tích cực)
Câu 1. Theo tác giả, suy nghĩ tích cực có tác dụng gì?
Câu 2. Chỉ ra phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Suy nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt”.
Câu 3. Theo anh (chị), vì sao tác giả cho rằng: “Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn.”
Câu 4. Giải thích vì sao Anh (chị) đồng ý hay không đồng ý với quan điểm “suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc”.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm). Viết đoạn văn khoảng 200 từ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của suy nghĩ tích cực.
Câu 2. (5 ,0 điểm)
Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …..”mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo, phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàn
Đất Nước có từ ngày đó …
(Trích Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, trang 118, NXB Giáo dục, 2010)
Cảm nhận của Anh(chị) về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Theo tác giả, suy nghĩ tích cực có tác dụng: Dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng , “hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần ta.
Câu 2. Biện pháp tu từ:
- so sánh: “giống như những hạt giống”
- ẩn dụ: “đơm hoa kết trái”
Câu 3. Tác giả cho rằng: “Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những suy nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn. Vì:
- Khi hiểu và kiểm soát được những ý nghĩ, chúng ta sẽ làm chủ được lời nói, hành động và cảm xúc
- Kiểm soát được hành vi, suy nghĩ
- Không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
- Từ đó, chúng ta có được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn
Câu 4. Với quan điểm “suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc”. Học sinh cần nêu rõ nguyên nhân, miễn hợp lí. Có thể là những nguyên nhân sau:
+ Đồng ý: vì suy nghĩ của con người được biểu hiện qua lời nói, hành động hoặc cảm xúc.
+ Không đồng ý: vì có lúc trong đời sống, lời nói, hành động con người không giống suy nghĩ bên trong.
+ Vừa đồng ý, vừa không đồng ý: thực tế đa dạng, có người “nghĩ sao nói vậy”, có người “nghĩ một đường làm một nẻo”,…
II. LÀM VĂN
Câu 1. Với quan điểm “suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc”. Học sinh cần nêu rõ nguyên nhân, miễn hợp lí. Có thể là những nguyên nhân sau:
+ Đồng ý: vì suy nghĩ của con người được biểu hiện qua lời nói, hành động hoặc cảm xúc.
+ Không đồng ý: vì có lúc trong đời sống, lời nói, hành động con người không giống suy nghĩ bên trong.
+ Vừa đồng ý, vừa không đồng ý: thực tế đa dạng, có người “nghĩ sao nói vậy”, có người “nghĩ một đường làm một nẻo”,…
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:
- Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
- Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện
- Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị diễn biến tâm lí bà cụ Tứ, nhận xét giá trị nhân đạo của tác phẩm.luận
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
- Cảm nhận đoạn thơ
- bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ trên.
c. Triển khai vấn đề:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, và trường ca “Mặt đường khát vọng”, đoạn thơ “Đất Nước”.
- Nguyễn Khoa Điềm, thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa suy tư và cảm xúc dồn nén, mang đậm chất chính luận.
- Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971 nhằm thức tỉnh tuổi trẻ.
- Đoạn trích này thể hiện cảm nhận sâu sắc, mới mẻ của nhà thơ về Đất Nước.Từ đó ta thấy được việc vận dụng chất liệu văn học dân gian.
Cảm nhận: Cội nguồn Đất Nước
*Đánh giá chung
* Bình luận về việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, chuẩn ngữ pháp của câu, ngữ nghĩa của từ.
e. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về nội dung hoặc nghệ thuật bài kí.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Giận dữ là cảm xúc rất tự nhiên khi ta thấy điều gì đó trái ý mình. Nhưng sự tức giận cũng là “con dao hai lưỡi”. Không nên để “nóng giận mất khôn”, cũng như không nên cố tình chôn vùi hay che giấu sự giận dữ đang sôi sục trong lòng.Tuy nhiên, nếu giận dữ vào đúng lúc và đúng chỗ, ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề và tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Khi một sự việc nào đó diễn ra ngoài ý muốn, ta có thể lựa chọn: hoặc bước thêm một bước, cố gắng kiểm soát sự việc, và khiến chúng diễn tiến như cách ta muốn, hoặc lùi lại một bước, lặng lẽ quan sát sự việc, suy ngẫm và tìm ra cách phản ứng khiến cho tâm hồn mình thanh thản. Đừng bao giờ đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời.
Trước đây, tôi thường cố che giấu sự giận dữ của mình, cũng vì thế mà trong tôi lúc nào cũng như chất chứa một dòng nham thạch chỉ trực chờ cơ hội là tuôn trào phá hủy tất cả.Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng, mình cần thiết nhìn nhận và làm chủ cảm xúc nguy hiểm ấy, đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để giải thoát chúng.Có như thế, chúng mới không khiến tôi mắc phải sai lầm, hoặc làm tổn thương người khác”.
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.11-12)
Câu 1.Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2.Vì sao người viết lại cho rằng sự tức giận là “con dao hai lưỡi”?(0.75điểm)
Câu 3.Theo anh/chị, vì“sao đừng bao giờ”đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời? (1.0 điểm)
Câu 4.Anh/Chị thường làm gì khi giận dữ hoặc chứng kiến cơn giận dữ của người khác? (0,75 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Từ văn bản thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách kiểm soát cơn tức giận trong bản thân.
Câu 2 (5,0 điểm).
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”.
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, theo Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dụ– Việt Nam, tr.156)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về cách bày tỏ khát vọng tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1.
Phương thức nghị luận/ nghị luận
Câu 2.
Sự tức giận là con dao hai lưỡi vì khi nóng giận ta “mất khôn”, tức là không còn bình tĩnh, tỉnh táo để xử trí mọi việc một cách hợp lí, thấu đáo, nhưng nếu giận dữ vào đúng lúc và đúng chỗ, ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề và tháo gỡ những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Câu 3.
Không nên đánh mất sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì những nóng giận nhất thời vì những nóng giận, dù là nhất thời, cũng đều khiến ta cảm thấy khó chịu, bực bội, tức tối, thậm chí muốn trả thù… đây đều là những cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc này sẽ khiến tâm hồn ta trở nên sục sôi thay vì tĩnh lặng, yên bình. Trong khi đó, sự bình yên trong tâm hồn mới là điều quí giá hơn cả.
Câu 4.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với chuẩn mực đạo đức.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
1. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa việc kiểm soát cơn tức giận trong bản thân
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
* Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu) để nêu vấn đề cần nghị luận.
* Các câu phát triển đoạn:
– Bàn luận
* Vì sao con người thường có cảm xúc nóng giận? Biểu hiện?
– Khi gặp phải những điều không vừa lòng, không đúng ý.
– Khi ai đó làm cho bạn bực mình
– Khi tức giận, chúng ta có xu hướng nổi nóng, nói to, quát to, có những hành vi như quăng đập các đồ vật gần quanh mình, thậm chí đánh đuổi đối tượng gây ra cơn giận dữ của mình…
* Vì sao phải kiểm soát cơn tức giận của bản thân? Làm thế nào để kiểm soát cơn tức giận? : Kiểm soát cơn tức giận của bản thân tức là làm chủ được những lời nói, cử chỉ, hành động của bản thân khi tức giận, không làm tổn hại, tổn thương đến đối tượng xung quanh, chúng ta có thể: chủ động tránh mặt nguyên nhân gây ra cơn tức giận của ta; kiềm chế lời nói bằng cách im lặng; tìm kiếm, phân tích nguyên cớ dẫn đến cơn tức giận; nếu buộc phải đối diện với nguyên nhân khiến ta tức giận thì cố gắng giữ bình tĩnh để không có những lời nói, cử chỉ, hành động thô lỗ, thiếu văn hóa
– Mở rộng:
– Khâm phục những người có cách cư xử hòa nhã, bình tĩnh.
– Nếu để sự tức giận lên đến đỉnh điểm, con người rất dễ gây tội ác.
*Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp
4 .Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo; thể hiện được những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Câu 2.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai các luận điểm để giải quyết vấn đề. Kết bài đánh giá, kết luận được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận được nội dung của 2 khổ thơ trong bài thơ Sóng.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Học sinh có thể trình bày hệ thống các luận điểm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:
3.1. Cảm nhận đoạn thơ
3.2. Nhận xét về cách bày tỏ khát vọng tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh.
4. Chính tả, dùng từ, đặt câu:
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
5. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Tôi nghĩ rằng “vận may” khác với “thành quả”. Ta không thể đạt được sự may mắn. Ta không thể tạo ra vận may. Điều đó cũng giống như ta không thể sắp đặt trước một cuộc hẹn mà ở đó ta sẽ gặp tiếng sét ái tình. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả. Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân. Cũng đừng xem may mắn là thành quả, vì như thế là từ chối vẻ đẹp bí ẩn và đầy bất ngờ của cuộc sống.
(…) Hãy cứ tin vào sự may mắn, rằng đôi lúc nó rơi xuống cuộc đời ai đó như một món quà (…) Tuy nhiên, như một câu ngạn ngữ xưa đã nói “sự may mắn chẳng tặng không ai cái gì bao giờ, nó chỉ cho vay mà thôi”. Vì vậy, đừng tìm kiếm nó, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho nó… Và hãy nhớ rằng mọi vận may chỉ là khởi đầu.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta có thể tạo ra thành quả bằng cách nào?
Câu 3 . Vì sao tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may?
Câu 4. Lời khuyên: “ Đừng gọi thành quả của mình là may mắn, vì như vậy là vứt bỏ ý chí và nỗ lực của bản thân” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận của anh/chị về 2 đoạn thơ trên trong bài Sóng của Xuân Quỳnh. Từ đó, nhận xét về quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận
Câu 2. Chúng ta có thể nỗ lực để tạo ra những thành quả
Câu 3. Tác giả cho rằng: đừng tìm kiếm, đừng trông chờ hay thậm chí đổ lỗi cho vận may vì:
- “Vận may” là điều tích cực đến với con người một cách ngẫu nhiên, bất ngờ.
- Tìm kiếm, trông chờ vận may sẽ dẫn đến thụ động, dựa dẫm, kìm hãm sự nỗ lực của bản thân, thành công đạt được có thể không bền vững.
- Không nên đổ lỗi cho vận may vì như thế chứng tỏ bản thân chưa có đầy đủ nhận thức về cuộc sống.
- Vì thế, mỗi người hãy luôn sống chủ động, tích cực, nỗ lực hết mình để có được sự thành công.
Câu 4. Khẳng định đây là lời khuyên đúng đắn và rất có ý nghĩa với bản thân
- Vì mỗi thành quả đạt được, ngoài yếu tố may mắn bao giờ cũng là kết quả của một quá trình cố gắng, quyết tâm.
- Trong cuộc sống cần biết nắm bắt vận may, đồng thời cố gắng, nỗ lực hết mình để gặt hái thành công.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu. (0.25)
c.Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về cách để thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu. Có thể triển khai theo hướng sau:
1. Mở đoạn: Thuyết phục mình và mọi người nhận thức được mọi vận may chỉ là khởi đầu.
2. Thân đoạn:
a. Giải thích: “vận may” là điều tích cực đến với con người một cách ngẫu nhiên. “Mọi vận may chỉ là khởi đầu” khẳng định những điều may mắn không thể là yếu tố quyết định, cũng không thể là cơ sở đánh giá sự thành công hay thất bại của một ai đó mà chỉ là sự bắt đầu.
b. Bàn luận
Dẫn chứng:
c. Mở rộng: Phê phán một số cá nhân lười biếng, ỷ lại, trông chờ vào vận may mà sống không có mục đích, lí tưởng,…
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân…
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về đoạn thơ
- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (2 vấn đề)
- Đoạn thơ
“Con sóng dưới lòng sâu
…
Hướng về anh một phương”.
- Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc vấn đề nghị luận và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ:
- Tác giả Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu cho những nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Hồn thơ XQ hồn nhiên, tươi tắn của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
- “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 tại biển Diêm Điền trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
- Khái quát nội dung 2 đoạn thơ: Nỗi nhớ nhung da diết cùng lòng thủy chung sắt son.
2. Cảm nhận về 2 đoạn thơ
a. Đoạn thơ “Con sóng…còn thức”: Hình tượng sóng gắn liền với nỗi nhớ trong tình yêu
- Hình ảnh đối lập “dưới lòng sâu - trên mặt nước”: con sóng vẫn nhớ về bờ, thao thức trên đại dương xa thẳm
- Thủ pháp nhân hóa “Ôi con sóng nhớ bờ/ ngày đêm không ngủ được”: nỗi nhớ đến cồn cào, day dứt.
- Lòng em cũng luôn hướng về anh, về tình yêu của cuộc đời em: nỗi nhớ đã vượt qua khuôn khổ của ý thức, tồn tại cả trong vô thức, vì đã in sâu vào cõi vô thức: “Cả trong mơ còn thức”.
=>Bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn nhưng đầy chân thành, nỗi nhớ da diết, nỗi nhớ đi sâu vào tiềm thức.
b. Đoạn thơ “Dẫu xuôi…một phương”: Hình tượng sóng gắn liền với lòng chung thủy sắt son:
c. Nghệ thuật:
3. Nhận xét về quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh
4. Kết luận
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm và nét đẹp trong những khát khao, xúc cảm của người con gái trong tình yêu.
- Mở rộng liên hệ thực tế (hướng đến tình yêu chân chính, thủy chung; biết sống hết mình với tình yêu đích thực, cao đẹp…).
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Long Thới. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
- Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Văn Linh
- Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Ngô Gia Tự
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.