YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hồ Nghinh

Tải về
 
NONE

Một trong những cột mốc quan trọng nhất đối với học sinh lớp 12 là kì thi THPT Quốc gia, HOC247 gửi đến các em tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hồ Nghinh dưới đây, bao gồm các đề thi khác nhau có đáp án, sẽ giúp ôn tập kiến thức hiệu quả. Chúc các em học tập tốt!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT

HỒ NGHINH

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài: 120 phút

 

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển

Máu nghìn đời sẽ biết chảy về đâu?

Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển

Hồn ông cha biết nương náu nơi nào?

Hôm nay bóng tối và lòng tham thộc bão giông vào biển

Biển rùng mình, máu của biển đỏ loang

Những tiếng thét trào lên bất tận

Bắc Trung Nam lớp lớp sóng dâng tràn.

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

Xung quanh ta triệu người dân đất Việt

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

Đem sự thật đến đập tan lòng tham, bóng tối

(Trích Biển là Tổ quốc, Nguyễn Phan Quế Mai)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Theo đoạn trích, Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển thì những hiểm họa gì có thể xảy ra?

Câu 3. Xác định hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

Câu 4. Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh chị?

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn  (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của cuộc sống yên bình.

Câu 2. (7.0 điểm)

Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ, chiếc xe sơn màu vàng tươi và to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng. Hai người đi qua trước mặt tôi. Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn. Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân.

Lão đàn ông lập tức trở lên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.

Tất cả mọi việc xẩy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.

Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác – thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó khi chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông.

Cũng y hệt người đàn bà, thằng bé của tôi cũng như một người câm, và đến lúc này tôi mới biết là nó khỏe đến thế!

Khi tôi chạy đến nơi thì chiếc thắt lưng da đã nằm trong tay thằng bé, không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng chẳng được nữa, liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12)

Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tình huống nhận thức trong tác phẩm.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Thể thơ: Tự do

Câu 2: Theo đoạn trích, Nếu tổ quốc của chúng ta mất biển thì những điều có thể xảy ra:

- Máu nghìn đời sẽ biết chảy về đâu?

- Hồn ông cha biết nương náu nơi nào?

- Mất biển đồng nghĩa mất cả giang sơn, mất cả truyền thống oai hùng của một dân tộc anh hùng

Câu 3: Xác định hiệu quả nghệ thuật của của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Siết tay nhau hóa biển sóng hòa bình

Siết tay nhau đem ánh bình minh

- Phép điệp ngữ “Siết tay nhau”  nhấn mạnh tình yêu, tình đoàn kết và lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo của quê hương; sự vững tin vào tương lai tươi sáng.

- Tạo nhịp điệu, nhạc tính cho đoạn thơ.

Câu 4: Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh chị?

Ta tan mình vào lòng đất nước

Dưới ngọn cờ sáng rực tiếng cha ông

HS có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau, dưới đây là một số nội dung chính mà các em cần trình bày được:

- Mỗi người là một phần của đất nước, góp phần tạo dựng nên những giá trị truyền thống và bảo vệ chủ quyền của đất nước;

- Các thế hệ cha ông đã dày công gây dựng và bảo vệ đất nước.

- Bản thân phải biết góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp chung của đất nước đồng thời biết trân trọng sự hy sinh của các thế hệ cha ông và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: giá trị của cuộc sống yên bình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giá trị của cuộc sống yên bình. Có thể triển khai theo hướng sau:

Cuộc sống yên bình là mục tiêu vươn tới của mỗi người, của cộng đồng; cuộc sống yên bình mang đến cho con người cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, vui vẻ; để có được sự yên bình trong cuộc sống, mỗi người phải luôn biết trân trọng những gì mình đang có, biết suy nghĩ, hành động tích cực...

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo quy tắc chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ về vấn đề nghị luận.

Câu 2. Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn văn xuôi

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích; tình huống nhận thức trong tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đoạn trích

- Phân tích phát hiện thứ hai của nghệ sĩ Phùng

+ Chứng kiến những cảnh tượng vô cùng đau lòng. Những cảnh tượng đó khiến cảm giác, cảm xúc trong Phùng hoàn toàn thay đổi: nhận ra ngay sau cảnh đẹp của chiếc thuyển ngoài xa là sự bạo hành của cái xẩu, cái ác.

+ Phát hiện thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí. Nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Đó chính là phát hiện về cuộc đời - một - cuộc đời thực trần trụi, đau đớn.

+ Đánh giá: Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một thông điệp: Nghệ thuật đích thực không thể xa rời cuộc đời, dù cuộc đời đó có đau đớn, trần trụi và mỗi người, đặc biệt là người nghệ sĩ không nên nhìn nhận cuộc sống từ một phía mà phải nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ để cảm nhận được nhiều hơn về nó.

- Về nghệ thuật: Thông điệp đó được thể hiện sâu sắc qua tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống và lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.

* Nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm

- Biểu hiện: Đó là tình huống nhân vật Phùng từ chỗ khám phá cái đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã phát hiện ra những nghịch lí của cuộc đời, để rồi cuối cùng nhận thức được nhiều điều: những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực.

- Ý nghĩa:Với tình huống của truyện, nhà văn đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống: nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau:

Tiếng Việt mình sâu sắc. Nhân là con người. Nhân cũng là hạt. Nhân cũng là lòng yêu thương người khác. Nhìn những anh chị bại liệt cũng trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin giúp đời. Biết những người khiếm thị cũng làm được nghề sửa chữa điện tử, để có ích và giúp người. Lòng tự hứa không thể là hạt lép. Chẳng có lý do gì để không là hạt giống tốt cho mùa sau.

Từ đó ta có bài học về nết tốt của hạt: Kiên trì, nhẫn nại, và lòng dũng cảm. Cũng như ta học về việc sống hết mình của hạt thóc: sớm cho mùa vàng, dám chịu xay giã giần sàng. Gạo nuôi người, cám bã nuôi heo, rơm tặng người bạn trâu. Và đến cọng rơm thừa cũng bện thành con cúi giữ lửa suốt đêm trường. Và sưởi ấm cánh đồng mùa đông gió bấc.

Mỗi khi ta cằn cỗi, hãy nhớ ta là hạt. Ta lại nghĩ về khoảng xanh ngoài ban công, cũng như bạn thấy những mầm cây đội lên từ khối bê tông đường nhựa. Để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy.

 (Đoàn Công Lê Huy, Gửi em mây trắng, NXB Kim Đồng)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.

Câu  : Dựa vào bài viết, hãy cho biết hạt thóc đã sống hết mình như thế nào?

Câu 3: Nêu nội dung của văn bản.

Câu 4: Nêu thông điệp rút ra từ văn bản.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ văn bản trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những việc cần làm “để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cho đoạn thơ:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

(Trích Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm)

Anh/ Chị hãy phân tích hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, làm rõ tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo bài viết, hạt thóc đã sống hết mình với những việc sau: sớm cho mùa vàng, dám chịu xay giã giần sàng. Gạo nuôi người, cám bã nuôi heo, rơm tặng người bạn trâu. Và đến cọng rơm thừa cũng bện thành con cúi giữ lửa suốt đêm trường. Và sưởi ấm cánh đồng mùa đông gió bấc.

Câu 3. Nội dung của văn bản:

- Qua văn bản, tác giả trình bày quan điểm về nết tốt của hạt và việc sống hết mình của hạt thóc như là những bài học sâu sắc về tính kiên trì, nhẫn nại, dũng cảm và giàu lòng yêu thương mà con người nên học hỏi.

- Từ đó tác giả nhắn nhủ: Mỗi khi thất vọng hay đau buồn, hãy nhớ ta cũng có sức sống mãnh liệt như hạt không ngừng vươn lên, hoàn thiện bản thân.

Câu 4. Học sinh có thể tự do nêu quan điểm, miễn hợp lí, thuyết phục.

- Hãy sống kiên trì, nhẫn nại và dũng cảm như hạt để không bao giờ gục ngã, tuyệt vọng.

- Hãy sống hết mình, giàu lòng yêu thương, biết hi sinh để hữu ích cho đời.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn

- Học sinh có thể trình bảy đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Những việc cần làm “để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy”.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

- Học sinh cần chăm chỉ học tập và rèn luyện để dần hoàn thiện những khiếm khuyết của bản thân, thay vì tự tin, mặc cảm và oán trách.

- Mỗi khi chán nản hay u buồn, hãy nghĩ đến sự kiên trì, dũng cảm và sức sống mãnh liệt của hạt mầm mà tự mình vượt thoát, chuyển hóa nỗi buồn thành năng lượng tích cực.

- Cuộc sống vốn tồn tại song song những điều khó khăn và thuận lợi. Khi gặp thuận lợi, ta không kiêu căng và ngủ quên trên chiến thắng; khi gặp khó khăn, ta kiên trì, nhẫn nại, im lặng để từng bước vượt qua thử thách, để có thể sống mạnh mẽ và giàu lòng yêu thương.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

- Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận.

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, làm rõ tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.

c. Triển khai vấn đề nghị luận:    Thí sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo những ý sau:

*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

*Tư tưởng Đất nước qua đoạn thơ.

- Về nội dung: Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần, truyền thống của dân tộc:

+ Cách dùng từ “họ”: đại từ xưng hô số nhiều chỉ nhân dân –> những con người bé nhỏ, bình thường thuộc đám đông trong xã hội, chứ không phải là các cá nhân anh hùng

+ Hệ thống các từ: giữ, truyền, gánh, đắp, be, dạy… được sử dụng đan cài trong đoạn thơ ghi nhận sự đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc.

+ Các hình ảnh gắn với chuỗi động từ này: hạt lúa, lửa, giọng nói, tên xã, tên làng, đập, bờ… khẳng định nhân dân chính là lực lượng đông đảo vừa kiến tạo bảo tồn, lưu giữ truyền thống giàu tình nghĩa, giàu tình yêu thương, cần cù lao động                      

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: 

Có người thích sống một cuộc sống không có những bước ngoặt quá lớn làm đảo lộn cuộc đời của họ. Nhưng chúng ta không biết được ngày mai sẽ như thế nào? Thế nên bất kỳ ai cũng không thể sống thay cho người khác được. Thông thường, cha mẹ muốn giữ con ở một mức độ an toàn nào đó theo giới hạn mà họ nghĩ là đủ cho con của họ được lớn lên một cách tốt đẹp.

Nhưng khi con sống và lớn lên theo cách mà cha mẹ muốn thì chúng giống như những chiếc quần Jean mới tinh, còn nguyên tem nguyên mác, chưa được sử dụng và va chạm với cuộc sống. Chúng là những vật dùng để trang trí hơn là phục vụ cho cuộc sống của con người. Nhưng nếu chỉ làm một vật trang trí thôi thì chúng đâu có giá trị gì trong cuộc sống. Con cái giống như những cái nút áo xinh đẹp điểm tô cho cái áo của cha mẹ – nhưng nếu chỉ để con làm một cái nút áo xinh xắn thì đến bao giờ chúng mới chịu được phong sương của cuộc sống?

Trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp bạn nhận ra điều thiếu sót của bản thân, cố gắng sống mạnh mẽ và hoàn thiện hơn. Khi trải nghiệm những đắng cay, vui buồn, thất bại thành công trong đời, bạn mới thấy cuộc đời của mình ý nghĩa và đáng sống. Đừng ngại va chạm và giấu mình: bạn sẽ không bao giờ chạm tới được các vì sao.

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Chỉ ra một biện pháp tu từ trong câu sau và nêu tác dụng: “Con cái giống như những cái nút áo xinh đẹp điểm tô cho cái áo của cha mẹ – nhưng nếu chỉ để con làm một cái nút áo xinh xắn thì đến bao giờ chúng mới chịu được phong sương của cuộc sống?

Câu 3: Theo anh/ chị vì sao người viết đưa ra lời khuyên: “Đừng ngại va chạm và giấu mình: bạn sẽ không bao giờ chạm tới được các vì sao”

Câu 4: Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất từ văn bản là gì? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của sự trải nghiệm đối với mỗi người.

Câu 2. (5,0 điểm) Cảm nhận đoạn thơ sau. Từ đó nhận xét về tính dân tộc của bài thơ.

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng,

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng,

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình,

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Biện pháp tu từ so sánh (Con cái giống như những cái nút áo xinh đẹp)

- Tác dụng: làm cho sự diễn đạt gợi hình ảnh cụ thể về mối quan hệ gắn bó giữa con cái với cha mẹ. Qua đó, người viết đặt ra vấn đề về cách dạy con làm người thông qua trải nghiệm cuộc sống.

Câu 3. Học sinh nêu suy nghĩ của bản thân về ý kiến, cần phải đảm bảo được các ý sau:

- Có từng trải gian nan, thử thách, con người mới tự khẳng định mình, tự đứng vững trên đôi chân của mình, được trưởng thành, khôn lớn.

 - Con người ai cũng có mơ ước và theo đuổi ước mơ. Muốn biến ước mơ, khát vọng thành hiện thực, cần phải đối diện với muôn vàn khó khăn.

(Mỗi ý 0,5đ, chấp nhận các cách diễn đạt tương đương)

Câu 4. Học sinh đưa ra thông điệp (0.25)

 - Lí giải: cho từ 0.25 đến 0.75 tùy mức độ thuyết phục và cách trình bày.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của sự trải nghiệm đối với mỗi người. Có thể triển khai theo hướng:

- Trải nghiệm là quá trình chính bản thân thu thập được từ thực tiễn những kinh nghiệm, kiến thức.

- Ý nghĩa của sự trải nghiệm :

+ Luôn đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách

+ Gặt hái được nhiều thành công trong mọi việc

+ Bản thân được hoàn thiện hơn… 

Câu 2. Học sinh có thể sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những yêu cầu sau:

1.Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và đoạn trích

- Tố Hữu được đánh giá là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ ca của Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị, mang đậm tính dân tộc, chất truyền thống.

- Hoàn thành vào tháng 10/1954, bài thơ đã được lấy làm tên chung cho cả tập thơ Việt Bắc. Tác phẩm là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một sáng tác xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

- Đoạn trích là bức tranh đẹp về thiên nhiên và con người

2.  Cảm nhận đoạn thơ : Cảm nhận bức tranh tứ bình

- Hai câu đầu

+ Những câu thơ trong bức tranh tứ bình là lời của người ra đi gửi đến người ở lại.

+ Hai câu thơ đầu của đoạn thơ là lời ướm hỏi của người ra đi băn khoăn về tình cảm ở lại với mình để từ đó giãi bày tâm tư, nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

- Bức tranh mùa đông

- Bức tranh mùa xuân

- Bức tranh mùa hạ

- Bức tranh mùa thu

3. Nhận xét về tính dân tộc của bài thơ

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Một ước mơ phù hợp là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một việc có ý nghĩa. Ước mơ là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí ta, và nếu bạn là người có quyết tâm thì bạn sẽ tìm cách đạt được nó. Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước.

Ước mơ không bao giờ hình thành ở những người thờ ơ, lười biếng hay thiếu tham vọng. Bạn hãy đặt ra những ước mơ nằm trong khả năng của mình và lên kế hoạch cụ thể để từng bước hiện thực hóa chúng. Trong khi vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được thành công, cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống thường ngày, bạn đừng bị lung lay hay nhụt chí bởi những người xem bạn như là kẻ mơ mộng. Để đạt được thành công như mong muốn trong một thế giới đang có nhiều thay đổi này, bạn phải học hỏi tinh thần của các bậc tiền bối – những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tinh thần ấy là dòng huyết mạch của sự phát triển và là cơ hội để bạn giải phóng hết năng lực tiềm ẩn của mình. Hãy biết quên những ước mơ không thành của ngày hôm qua. Thay vào đó, cần biến ước mơ của ngày mai thành những công việc cụ thể, để một ngày không xa trong tương lai, chúng sẽ trở thành hiện thực.

Ước mơ không phải là cái sẵn có, cũng chẳng phải là cái không thể có. Ước mơ chính là con đường chưa được định hình, là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí bạn mà nếu có đủ quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể hiện thực hóa chúng.

Nếu bạn tin tưởng vào những ước mơ của mình thì hãy cố gắng thực hiện bằng tất cả.

                          (Trích  Không gì là không thể, George Matthew Adams)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, để đạt được thành công như mong muốn chúng ta cần phải làm gì?

Câu 3. Tác giả cho rằng: “Một ước mơ phù hợp là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một việc có ý nghĩa”. Anh/chị hiểu như thế nào là ước mơ phù hợp?

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1. Từ đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi người.

Câu 2.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

                  (Trích Tây Tiến- Quang Dũng, Ngữ văn 12)

Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tính chất bi tráng được thể hiện qua đoạn thơ.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, để đạt được thành công như mong muốn chúng ta cần phải:

-Học hỏi tinh thần của các bậc tiền bối.

-Biết quên những ước mơ không thành của ngày hôm qua, biến ước mơ của ngày mai thành những công việc cụ thể…

Câu 3. Thí sinh có thể trả lời :

-Ước mơ phù hợp là những ước mơ nằm trong khả năng, điều kiện, năng lực của bản thân…

- Ước mơ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Câu 4. Thí sinh trình bày ý kiến cá nhân về sự lựa chọn thông điệp của mình và có cách lí giải hợp lý,thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn về vai trò ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

a.Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch,quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

- Vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng cần phải làm rõ vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

- Ước mơ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi con người, nó là động lực để con người phấn đấu, nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách để đi đến thành công, từ đó đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Câu 2. Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện trong đoạn trích

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện qua đoạn trích

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

*Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến và đoạn trích

*Hình tượng người lính Tây Tiến được Quang Dũng thể hiện qua đoạn trích.

- Ngoại hình:

+ “Không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”: diện mạo độc đáo, lạ thường đồng thời phản ánh được hiện thực tàn khốc nơi rừng núi Tây Bắc

-Tâm hồn, tính cách:

+ “Dữ oai hùm” tinh thần của họ cho thấy sự  mạnh mẽ đối lập với vẻ ngoài vàng vọt xanh xao do bệnh sốt rét rừng mang lại.

+“Mắt trừng” khí thế quyết tâm trong từng người lính.

- “Gửi mộng qua biên giới”: Quyết tâm giết giặc lập công.

- “Mơ dáng kiều thơm”: Giấc mơ hào hoa lãng mạn về quê hương Hà Nội mà mỗi người lính mang theo, chính là động lực giúp họ kiên cường hơn khi thực tế quá khắc nghiệt.

- Lí tưởng cao đẹp:

- Các từ Hán Việt “biên cương, viễn xứ, chiến trường, áo bào...” làm cho không khí trở nên trang trọng và thiêng liêng hơn.

*Đánh giá

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Hãy hướng sự quan tâm của bạn tới những việc bạn có thể làm thay vì nghi hoặc khả năng của bản thân. Thực tế cho thấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được bất cứ điều gì nếu cứ luôn miệng nói rằng mình không làm được.

Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy tự nhủ rằng mọi rắc rối sẽ được giải quyết, từ đó nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề. Đó chính là cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp. Hãy nhớ rằng thành công trong cuộc sống luôn đi kèm với những câu khẳng định như: “Tôi có thể” hoặc “Tôi sẽ làm được”, và hành động bao giờ cũng tạo ra điều kì diệu. Đừng ngồi đó chờ đợi mộng tưởng biến thành sự thật. Khi đã nỗ lực hết mình, dù có thất bại, bạn cũng không phải tiếc nuối. Thất bại khiến bạn không chỉ rút ra bài học kinh nghiệm mà còn hiểu được giá trị của thành công. Bạn thực sự thất bại khi chưa thử mọi cơ hội mà bạn đang có. Khi thực sự muốn làm một điều gì đó, chắc chắn sẽ có cách để bạn làm được.

(Quên hôm qua, sống cho ngày mai, Tian Dayton – NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích? (0.5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp được nói đến trong đoạn trích là gì? (0.5 điểm)

Câu 3: Theo anh/chị, tại sao thất bại giúp ra hiểu được giá trị của thành công? (1.0 điểm)

Câu 4: Anh chị có cho rằng việc suy nghĩ tôi có thể, tôi sẽ làm đồng nghĩa với sự tự cao không? Vì sao? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) về điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.

Câu 2: (5.0 điểm)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến. Bình luận ngắn gọn về nét độc đáo của hình tượng này.

                                            (Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận

Câu  2. Cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp được nói đến trong đoạn trích:

+ Tự trấn an và khích lệ bản thân, rằng mọi rắc rối sẽ có thể được giải quyết.

+ Quan trọng nhất là nỗ lực để tìm giải pháp và bắt tay vào giải quyết vấn đề.       

Câu 3. Thất bại giúp ta hiểu được giá trị của thành công vì nhiều lí do. Thí sinh có thể đưa ra sự lí giải của riêng mình, có diễn giải hợp lí, thuyết phục. Có thể theo các hướng sau:

- Đối với những người giàu nghị lực và cầu tiến, thất bại giúp ta thấy được những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó nhìn lại phương pháp thực hiện, tiếp tục tổng kết kinh nghiệm để thành công trong tương lai. Xét theo một bình diện, thành công, chẳng qua là thất bại vẫn không nản chí, kiên trì theo đuổi mục tiêu tới cùng, chung cuộc đạt được thành tựu.

- Thất bại là một tình cảnh không hề dễ chịu, theo sau nó là những cảm xúc tiêu cực: buồn rầu, chán nản, hoài nghi vào bản thân….khi thất bại dường như mọi cánh cửa đều tạm thời đóng lại trước mắt con người. Thành công thì ngược lại, thường gắn với niềm vui, sự mãn nguyện và tự hào. Bởi vậy thất bại giúp ta trân trọng thành công, niềm hạnh phúc khi đạt được thành công và hiểu được giá trị thật sự của thành công

Câu 4. Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến : tôi có thể, tôi sẽ làm được đồng nghĩa với tự cao.

- Đồng tình/ không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình

- Lí giải hợp lý, thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) về điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.     

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn (mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn).

- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách quy nạp, diễn dịch, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: điều bản thân cần làm để tạo ra cơ hội trong cuộc sống.

c. Triển khai

- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ điều bản thân cần làm để tạo ra, cơ hội trong cuộc sống.của con người trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng:

- Để đạt được thành công phải năng động, linh hoạt, chủ động trong tư duy, học cách nắm bắt những nhu cầu xã hội,tìm tòi, khái thác  nghiên cứu những vấn đề mang tính thực tiễn, liên quan đến mục đích, ước mơ, hoài bão mà bạn hướng đến.          

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo những quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu.         

e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.         

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến. Bình luận ngắn gọn về nét độc đáo của hình tượng này.    

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

+ Vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến.

+ Bình luận nét độc đáo của hình tượng này.

c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm

Thí sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo những ý sau:        

1.Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm

- Quang Dũng là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, là ghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc nhưng được biết nhiều với tư cách là nhà thơ. Phong cách thơ: phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Sáng tác chính: Mây đầu ô (thơ, 1968), Thơ văn Quang Dũng (tuyển thơ văn, 1988).

- Tây Tiến được viết cuối năm 1948, ở Phù Lưu Chanh (Hà Tây), khi ông đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ. Lúc đầu bài thơ có tên là Nhớ Tây Tiến. In trong tập “Mây đầu ô”

- Bài thơ bao trùm là nỗi nhớ của tác giả về thiên nhiên Tây Bắc và hình ảnh người lính Tây Tiến trên chặng đường hành quân. Trong đó nổi bật là đoạn thơ khắc họa thành công hình ảnh người lính Tây Tiến với những vẻ đẹp độc đáo.

2. Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính trong đoạn thơ.

- Giới thiệu về đoàn binh Tây Tiến

- Hai câu thơ đầu: khắc tạc vẻ đẹp bức chân dung người lính Tây Tiến khi đặt giữa phông nền thiên nhiên TB hiện lên giữa bao khó khăn thiếu thốn, lại càng bi tráng, lãng mạn và hào hoa:

- Hai câu thơ tiếp: dấu ấn lãng mạn của những chàng trai Hà Nội mang tâm hồn hào hoa:

- Hai câu thơ tiếp theo vẻ đẹp lí tưởng của thời đại: 

- Hai câu thơ cuối sự hi sinh bi tráng của ngưới lính:

3. Bình luận ngắn gọn về vẻ đẹp độc đáo của hình tượng này.          

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hồ Nghinh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF