YOMEDIA

Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 Tỉnh Kiên Giang

Tải về
 
NONE

Dưới đây là Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 Tỉnh Kiên Giang. Tài liệu được biên soạn nhằm giới thiệu đến các em dạng đề thi học sinh giỏi môn GDCD để các em làm quen với cấu trúc cũng như chuẩn bị thật tốt cho kì thi chọn học sinh giỏi sắp tới. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

BỘ 5 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN GDCD LỚP 9 NĂM 2021

TỈNH KIÊN GIANG

1. Đề số 1

Câu1: ( 3 điểm)  

     a. Nhà nước ta từ khi ra đời đến nay đã ban hành mấy hiến pháp? Thời gian và bối cảnh ra đời của từng hiến pháp? Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và sửa đổi hiến pháp? Hiến pháp năm 1992 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều?

     b. Bản chất của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Hãy giải thích bản chất của nhà nước ta?

Câu 2: ( 3 điểm)

           Theo em mục đích học tập đúng nhất của mỗi người là gì? Để thực hiện được mục đích đó em phải làm gì? Nêu một câu ca dao, tục ngữ hoặc danh ngôn nói về học tập?

     Tình huống:

     Nam là một học sinh chăm ngoan nhưng nhà rất nghèo, sau Nam còn có hai em. Đang học lớp 6 thì mẹ mất, còn bố thì đau ốm luôn, Nam có thể phải nghỉ học ở nhà để lao động giúp bố nuôi các em.

         Nếu là Nam, trong hoàn cảnh đó em sẽ giải quyết khó khăn như thế nào?

Câu 3: ( 4 điểm)         

      a. Tại sao Đảng và nhân dân ta lại tin tưởng vào thế hệ thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp - hóa hiện đại hóa đất nước?

      b. Trong thanh niên học sinh thường có quan niệm “Được đến đâu thì hay đến đó”, “Nước đến chân mới nhảy”. Em có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?

      Tình huống:

      Để tranh thủ thời gian trong giờ học, Hà thường mang bài tập của môn khác ra làm. Có bạn khen đó là cách làm việc hay, vừa có năng suất, vừa có chất lượng lại hiệu quả  và đã làm theo Hà.

      a. Hãy nêu suy nghĩ của em về cách làm trên?

      b. Theo em việc tích cực đổi mới phương pháp học tập có phải là biểu hiện của làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả không? Vì sao?

Câu 4: ( 4 điểm) 

        Hợp tác là gì? Trong cuộc sống, hợp tác có lợi như thế nào? Trong giờ kiểm tra, do ngồi cạnh nhau nên Tí và Tèo đã giúp đỡ, hỗ trợ nhau hết mình để hoàn thành đề bài. Theo em, điều đó có được coi là hợp tác hay không? Tại sao?

Câu 5: ( 3 điểm) 

      a.Có người cho rằng: “Việc gây ra ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay là trách nhiệm của các ngành sản xuất công nghiệp, giao thông…. Còn người nông dân chỉ  trồng trọt và chăn nuôi thì làm sao có thể gây ô nhiễm môi trường được.” . Theo em, nhận định này đúng hay sai? Tại sao?

      b. Là học sinh trung học cơ sở, hiện tại em có thể làm những công việc gì để góp phần tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường?

Câu 6: ( 3 điểm) 

            Bàn về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, người xưa có câu:“ Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Em có đồng tình với điều đó không? Tại sao?

ĐÁP ÁN

Câu1: ( 3 điểm)  

a. Nhà nước ta từ khi ra đời đến nay đã ban hành 4 hiến pháp.(0,25đ)

    -Hiến pháp năm 1946: sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước ban hành Hiến pháp của cách mạng dân tộc, dân chủ và nhân dân. (0,25đ)

   -Hiến pháp năm 1959: Hiến pháp của thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. (0,25đ)

   -Hiến pháp năm 1980: Hiến pháp của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. (0,25đ)

  -Hiến pháp năm 1992: Hiến pháp của thời kì đổi mới. (0,25đ)

*Quốc hội là cơ quan có quyền ban hành Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. (0,25đ)

  -Hiến pháp năm 1992 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có 12 chương, 147 điều. (0,25đ)

b.Bản chất : nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. (0,5đ)

 *Giải thích: Học sinh nêu ra các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

        Nhà nước của dân: Nhà nước ta được thành lập là thành quả cách mạng của nhân dân ta. (0,25đ)

        Nhà nước do dân : Trong mọi hoàn cảnh nhân dân ta luôn chăm lo xây dựng và củng cố nhà nước của mình, mọi hoạt động của nhà nước là do có sự đóng góp của nhân dân. (0,25đ)

        Nhà nước vì dân: Mọi hoạt động của nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng đời sống mới của nhân dân. (0,25đ)

Câu 2: ( 3 điểm)

a. Theo em mục đích học tập đúng nhất của mỗi người là:

  -Mục đích trước mắt của học sinh là cố gắng học tập để trở thành con người phát triển toàn diện.(0,5đ)

  -Thành con ngoan trò giỏi, người hữu ích cho gia đình, xã hội, tương lai sẽ trở thành công dân tốt, người lao động tốt góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (0,5đ)

*Để thực hiện được mục đích đó em phải :

 Học sinh nêu ra các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

  -Học sinh phải cố gắng nắm vững kiến thức các môn học trên lớp, không coi nhẹ môn nào, không học lệch. (0,25đ)

  -Học sinh cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà thầy cô giáo yêu cầu như chuẩn bị các phương tiện đồ dùng học tập, làm bài tập, đọc các tài liệu tham khảo…..(0,25đ)

  -Ngoài học văn hóa, học sinh cần tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện các phẩm chất đạo đức, các kĩ năng…..(0,25đ)

*Câu ca dao, tục ngữ hoặc danh ngôn nói về học tập:

   -Ví dụ:“Học, học nữa, học mãi “  (Lê-nin), …….. (0,25đ)

 Tình huống:

-Trong hoàn cảnh đó em chấp nhận nghỉ học để có thời gian lao động giúp bố và nuôi các em. (0,5đ)

-Em sẽ tự học vào những lúc rãnh rỗi. Ban ngày đi lao động kiếm sống, ban đêm em sẽ theo học ở các lớp học tình thương để tiếp tục việc học tập của mình. (0,5đ)

*Lưu ý : Nếu học sinh không trả lời theo như đáp án nêu ra mà có phương án khác hợp lí thì vẫn được hưởng trọn điểm.

Câu 3: ( 4 điểm)

a. Đảng và nhân dân ta lại tin tưởng vào thế hệ thanh niên trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp - hóa hiện đại hóa đất nước, bởi vì:

Học sinh nêu ra các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

  -Thế hệ thanh niên ngày nay được sống và học tập trong một điều kiện thuận lợi hơn thế hệ cha anh. (0,25đ)

  -Họ là những người năng động, sáng tạo và tự tin. (0,25đ)

  -Họ có lí tưởng sống cao đẹp, có đầy nhiệt huyết và hào khí của tuổi trẻ.(0,25đ)

  -Họ được học tập và rèn luyện trong những môi trường thuận lợi hơn, được gia đình, xã hội và nhà nước quan tâm. (0,25đ)

  -Họ có điều kiện để tiếp cận với những nguồn tri thức tiên tiến hơn. (0,25đ)

*Trong thanh niên học sinh thường có quan niệm “Được đến đâu thì hay đến đó.”, “Nước đến chân mới nhảy”.

   -Em không đồng tình với quan niệm đó vì: (0,25đ)

   -Làm việc gì muốn đạt đến kết quả cao thì phải có mục đích, kế hoạch, làm việc phải khoa học, chủ động trong công việc mới có hiệu quả. (0,5đ)

  -Còn làm việc mà bị động, không có kế hoạch, thiếu kĩ thuật, thiếu khoa học thì công việc sẽ trì trệ, không có hiệu quả được. (0,5đ)

Tình huống:

  a /-Em không tán thành cách làm của Hà. (0,25đ)

Học sinh nêu ra các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

  -Vì làm việc gì cũng phải chú ý đến 3 mặt là năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nếu chỉ quan tâm đến năng suất mà không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả thì không đạt yêu cầu của công việc, sản phẩm làm ra tuy nhiều nhưng không sử dụng được. (0,25đ)

  -Việc làm của Hà tưởng như tiết kiệm được thời gian làm được nhiều việc nhưng thực ra không có chất lượng hiệu quả vì Hà không nghe giảng được do đó không hiểu bài ảnh hưởng đến kết quả học tập. (0,25đ)

  -Việc làm đó thể hiện sự thiếu tôn trọng giáo viên trong giờ dạy đó. (0,25đ)

  b/ Theo em việc tích cực đổi mới phương pháp học tập  là biểu hiện của làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả. (0,25đ)

  -Vì cải tiến đổi mới phương pháp học tập giúp chúng ta đỡ tốn thời gian học mà hiểu bài sâu, nắm vững kiến thức, kĩ năng….kết quả học tập cao. (0,25đ)

Câu 4: ( 4 điểm) 

* Khái niệm hợp tác: Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.(0,5đ)

* Ý nghĩa của hợp tác:

Học sinh nêu được các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

- Hợp tác giúp mọi người hỗ trợ, bổ sung cho nhau. (0,5đ)

- Hợp tác tạo nên sức mạnh trong công việc. (0,5đ)

- Hợp tác đem lại chất lượng và hiệu quả cao trong công việc. (0,5đ)

* Tình hống :

Học sinh nêu được các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

- Việc làm của Tí và Tèo không thể coi là hợp tác. (0,5đ)

- Việc làm trên không phải vì mục đích chung mà vì mục đích cá nhân. (0,5đ)

- Việc làm trên làm tổn hại đến lợi ích của người khác ( những bạn làm bài nghiêm túc ). (0,5đ)

- Việc làm trên là vi phạm nội quy. (0,5đ)

Câu 5: ( 3 điểm) 

a. Nhận xét:

Học sinh nêu được các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

- Ý kiến trên là sai ( không đúng ). (0,5đ)

- Ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp có ít hơn các ngành  kể trên nhưng không có nghĩa là không có. (0,25đ)

* Giải thích:

- Người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. (0,5đ )

- Chất thải trong chăn nuôi cũng là tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường. (0,5đ)

Lưu ý: ở phần giải thích nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất  nông nghiệp, nếu học sinh chưa đủ 1 điểm theo hướng dẫn chấm này mà có nêu các ý khác đúng thí mỗi ý thêm 0,25đ.

* Trách nhiệm của học sinh:

Học sinh nêu được các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

- Chấp hành đúng các quy định về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. (0,25đ)

- Sử dụng tiết kiệm năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên. (0,25đ)

- Tham gia các hoạt động về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. (0,25đ)

- Tham gia tuyên truyền, vận động mọi cùng người thực hiện. (0,25đ)

- Lên án, tố cáo các hành vi xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. (0,25đ)

Câu 6: ( 3 điểm) 

Nhận xét quan niệm:“ Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Học sinh nêu được các ý có nội dung hoặc tương đương sau:

- Quan niệm trên là sai ( không phù hợp với xã hội hiện nay ) (0,5đ)

- Quan niệm trên cho rằng phụ nữ là người chịu trách nhiệm chính trong việc làm cho con cái hư hỏng. (0,5đ)

- Quan niệm trên phủ nhận vai trò của người của người đàn ông trong gia đình trong việc giáo dục con cái. (0,5đ)

- Trong xã hội hiện nay, vợ chồng có nghĩa vụ, quyền hạn, quyền lợi ngang nhau. (0,5đ)

- Nuôi dưỡng vá giáo dục con cháu là trách nhiệm chung của cả vợ lẫn chồng,( cả ông và bà ) (0,5đ)

- Nhà trường và xã hội cũng có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách con người. (0,5đ           

2. Đề số 2

Câu 1 (4,0 điểm) "Dân chủ và kỉ luật là sức mạnh của một tập thể"

a. Dựa vào hiểu biết của mình và kiến thức đã học, hãy làm rõ nhận định trên.

b. Nêu một số ví dụ cụ thể về phát huy tính dân chủ và kỉ luật ở trường lớp em.

Câu 2: (4,0 điểm) Sắp tới trường em dự định tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chủ đề: "Tuổi trẻ học đường với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên". Với tư cách là người tham dự cuộc thi em hãy trình bày hiểu biết của mình về vấn đề trên?

Câu 3: (4,0 điểm) Lối sống "vô cảm" khiến trái tim con người hóa thành sỏi đá. Suy nghĩ của em?

Câu 4: (4,0 điểm) Trong thời gian vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đang tổ chức cuộc thi viết về chủ đề "mái ấm gia đình ". Để thể hiện lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm với gia đình em hãy trình bày suy nghĩ và hành động của mình về vấn đề trên.

Câu 5: (4,0 điểm) Hiện nay có một số học sinh học tập qua loa, đối phó, không học thật sự. Vận dụng những kiến thức đã học em hãy viết bài văn ngắn phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó.

ĐÁP ÁN

Câu 1 (4,0đ)

a) Dân chủ là mọi người được làm chủ công việc của tập thể của xã hội, mọi người phải được biết được tham gia bàn bạc, góp phần thực hiện giám sát những công việc chung của tập thể và xã hội có liên quan đến mọi người, cộng đồng và đất nước.

Kỉ luật là tuân theo những quy định chung của cộng đồng của một tổ chức xã hội nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng, hiệu quả trong công việc vì mục tiêu chung.

Giải thích ý nghĩa của câu "Dân chủ và kỉ luật là sức mạnh của một tập thể"

  • Dân chủ tạo cơ hội để mọi người thể hiện và phát huy được sự đóng góp của mình vào công việc chung.
  • Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức ý chí hành động của mọi người.
  • Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ tạo cơ hội cho mọi người phát triển, xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
  • Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ nâng cao hiệu quả chất lượng lao động, tổ chức các hoạt động xã hội.

b) Nêu một số ví dụ cụ thể về phát huy tính dân chủ và kỉ luật ở trường lớp em. (học sinh tự liên hệ)

Câu 2: (4.0đ)

HS trình bày được các ý sau (GK có thể linh hoạt trong khi chấm)

  • Nêu hiểu biết của em về vấn đề môi trường và tài nguyên thiên (nêu khái niệm)
  • Tầm quan trọng của môi trường và tài nguyên thiên nhiên đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội...
  • Thực trạng về vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên nói chung và địa phương em nói riêng ...
  • Nguyên nhân của thực trạng trên ...
  • Đề xuất hướng khắc phục ...
  • Khẳng định được bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách của quốc gia, là sự nghiệp của toàn dân.
  • Liên hệ bản thân trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên...

Câu 3: (4,0đ)

Lối sống vô cảm là thái độ thờ ơ không cảm xúc với các sự vật, hiện tượng, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác

HS khẳng định: đây là cách sống tiêu cực, đáng phê phán, đi ngược truyền thống đạo đức, mặt trái của lối sống hiện đại ...

Thực trạng:

  • Đa số mọi người biết quan tâm, chia sẻ. Tuy nhiên lối sống này chiếm 1 bộ phận không nhỏ trong xã hội, trong mọi tầng lớp, lứa tuổi dưới nhiều hình thức, mức độ...
  • VD: thấy người bị nạn không giúp đỡ, thiếu quan tâm, thiếu hòa đồng với bạn bè, người thân...

Nguyên nhân:

  • KQ: mặt trái của sự phát triển xã hội, cách giáo dục trong gia đình...
  • CQ: tính ích kỷ, nhận thức hạn hẹp, lệch lạc...

Hậu quả:

  • Với cá nhân: kết quả lao động, học tập giảm sút; ảnh hưởng nhân cách...
  • Với gia đình: Sự gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo; không hạnh phúc...
  • Với đất nước, xã hội: Làm mất niềm tin giữa con người và con người; mai một truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, xã hội kém phát triển, kém văn minh...

Hành động:

  • Cá nhân: xây dựng mối quan hệ thân thiện với mọi người; có tinh thần tương thân, tương ái; tham gia các hoạt động tập thể, xã hội mang tính chất nhân đạo; đồng tình, cổ vũ tinh thần đoàn kết, vị tha lên án, phê phán thói thờ ơ, vô trách nhiệm ...
  • Gia đình: Quan tâm, chăm sóc, yêu thương, gần gũi, chia sẻ lẫn nhau...
  • Nhà nước, xã hội: Tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt trên hệ thống truyền thông; tổ chức các chương trình nhằm kết nối cộng đồng; lên án thói thờ ơ; xử phạt các hành vi vô cảm gây hậu quả xấu cho mọi người...
  • Liên hệ bản thân: ......

Câu 4 (4.0đ) Yêu cầu học sinh nêu được:

  • Hiểu biết của mình về gia đình ...
  • Nêu được vai trò của gia đình: Là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách ...
  • Mối quan hệ giữa gia đình và xã hội là mối quan hệ mật thiết với nhau, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt là xã hội tốt, xã hội tốt là điều kiện tốt cho gia đình phát triển
  • Khẳng định việc tổ chức cuộc thi đó là sự thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội về vấn đề gia đình ...

* Học sinh nói lên được suy nghĩ của mình là các thành viên trong gia đình phải ý thức được quyền và trách nhiệm của mình đối với gia đình cụ thể:

Ông bà, cha mẹ đối với con cháu:

  • Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân tốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của các con, không được phân biệt đối xử giữa các con, không được ngược đãi xúc phạm con, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức.
  • Ông bà nội ngoại có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật cháu không có người nuôi dưỡng.

Quyền của con cháu đối với ông bà cha mẹ: Con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ ông bà; có quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ ông bà đặc biệt khi ông bà, cha mẹ ốm đau, già yếu. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm cha mẹ ông bà

Anh chị em có bổn phận yêu thương, chăm sóc giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ

* Hành động:

  • Yêu quý, kính trọng, lễ phép, quan tâm, hiếu thảo với ông bà cha mẹ
  • Yêu thương, nhường nhịn anh chị em, tham gia công việc gia đình phù hợp với khả năng ...
  • Tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình ...
  • Tích cực học tập, rèn luyện, tránh xa các tệ nạn xã hội ...

Câu 5: (4,0đ) Phân tích bản chất của lối học đối phó

Qua bài phân tích, học sinh cần nêu được các ý sau:

  • Học đối phó là học mà không lấy việc học làm mục đích, xem học là việc phụ...
  • Học đối phó là học bị động, không chủ động, cốt đối phó với sự đòi hỏi của thầy cô, trong thi cử...
  • Do học đối phó nên không thấy hứng thú, dẫn đến chán học, hiệu quả thấp...
  • Học đối phó là học hình thức, không đi sâu vào thực chất kiến thức của bài học; học đối phó thì dù có bằng cấp nhưng đầu óc vẫn trống rỗng ...
  • Hậu quả của học đối phó dẫn đến thiếu kiến thức cơ bản khi bước vào đời thiếu năng lực, thiếu kỷ năng sống, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh .....
  • Khẳng định chân lí Có kiến thức thì con người mới có đủ khả năng làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, nhất là làm chủ vận mệnh của mình.
  • Nêu vài tấm gương tiêu biểu vượt khó trong học tập: Bác Hồ, giáo sư Ngô Bảo Châu, các thủ khoa trong các đợt thi vào đại học hàng năm...

3. Đề số 3

Câu 1:(2,0 điểm)

a. Môi trường là gì? Tài nguyên thiên nhiên là gì? Vai trò của môi trường và tài nguyên nhiên đối với đời sống của con người như thế nào?

b. Thế nào là bảo vệ môi trường? Là học sinh em cần phải làm gì để góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên nhiên?

Câu 2:(2.5 điểm)

 Trong xu thế hội nhập hiện nay, hợp tác quốc tế là vấn đề tất yếu của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang trở thành một trong những điển hình của xu thế đó.

Bằng vốn hiểu biết của mình, em hãy làm rõ nhận định trên.

Câu 3: (2,5 điểm)

 Bác Hồ đã từng nói: “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta......" Bằng hiểu biết và kiến thức đã học của mình, em hãy làm nổi bật truyền thống trên?

 Câu 4: (3,0 điểm)

 Bình mới 16 tuổi nhưng mẹ Bình đã ép gả Bình cho một người nhà giàu ở xã bên. Bình không đồng ý thì bị mẹ đánh và cứ tổ chức cưới, bắt Bình về nhà chồng.

Câu hỏi:

1/ Việc làm của mẹ Bình là đúng hay là sai? Vì sao?

2/ Cuộc hôn nhân này có được pháp luật thừa nhận không? Vì sao?

3/ Bình có thể làm gì để thoát khỏi cuộc hôn nhân đó?

4/ Ở địa phương em còn tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình không?

Hãy nêu một số ví dụ và cho biết em có thể làm được gì để góp phần thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình?

ĐÁP ÁN

Câu 1

a, - Khái niệm môi trường và khái niệm tài nguyên thiên nhiên (SGK)

 - Vai trò của môi trường và tài nguyên thiên nhiên :

+ Tạo cơ sở vật chất để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

+ Tạo phương tiện sinh sống, phát triển trí tuệ, đạo đức, tinh thần.

b, - Khái niệm bảo vệ môi trường (SGK)

 - Những biện pháp mà học sinh có thể làm gì để góp phần bảo vệ MT và TNTN:

+ Tham gia làm vệ sinh trường lớp, nơi ở;

+ Trồng và chăm sóc cây xanh;

+ Tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện bảo vệ MT và TNTN;

+ Tham gia hoạt động bảo vệ MT và TNTN do trường, hoặc địa phương tổ chức...

Câu 2

* Trình bày rõ ràng, mạch lạc, logic

* Làm rõ được tính tất yếu: Bất cứ quốc gia dân tộc nào cũng phải tham gia nếu không sẽ tụt hậu

* Lợi ích:

- Cộng đồng thế giới: Giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu, làm phong phú thêm nền văn hoá nhân loại

- Việt Nam: Học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu KH - kĩ thuật…

+ Thu hút vốn đầu tư, giải quyết việc làm…

+ Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

*Thực tế chứng minh ở Việt Nam:

- Đảng, nhà nước ta đã coi trọng vấn đề này thể hiện bằng các chủ trương, chính sách…

* Thành tựu:

- VN gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế như: ASEAN, WTO…

- Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục…

* Liên hệ bản thân: Ra sức học tập, hợp tác với mọi người trong học tập, lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Yêu cầu trình bày được các nội dung sau : 2,5đ

- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là những giá trị tinh thần được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này qua các thế hệ khác.

- Khẳng định được dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp đáng tự hào như : Hiếu học, đoàn kết, tôn sư trọng đao, yêu nước…

- Khẳng định câu nói của Bác thể hiện truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam đó là truyền thống yêu nước đã được thực tiễn lịch sử

Câu 3

Chứng minh

- Truyền thống đó thể hiện :

+ Trước đây: Truyền thống này đã được chứng minh qua các thời kì lịch sử; từ thời Bà Trưng, bà Triệu......đến thời đại Hồ Chí Minh nhiều người đã hy sinh, ngã xuống vì độc lập dân tộc.

+ Hiện nay: Truyền thống này đang được kế thừa nhân dân ta đã và đang cống hiến sức mình để xây dựng và bảo vệ tổ quốc như lao động sản xuất giỏi, phòng chống thiên tai....

- Ý nghĩa :

+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc vô cùng quý giá ,góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và của mỗi cá nhân.

+ Góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc VN.

- Phê phán một số biểu hiện làm mai một truyền thống : Chạy theo lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, lười nhác,thích hưởng thụ.

- Liên hệ bản thân :

+ Thể hiện lòng tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

+ Lên án và ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống của dân tộc.

Câu 4

Yêu cầu nêu được các ý sau: 3,0đ

a. Học sinh trả lời được:

- Sai: Vì đã vi phạm Điều 4 của Luật Hôn nhân và Gia đình: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, li hôn; cấm cưỡng ép li hôn, li hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi.”

b. - Không

 - Vì: + Không được pháp luật thừa nhận.

 + Vi phạm luật hôn nhân gia đình.

c. Bạn Bình có thể nhờ họ hàng, nhà trường, đoàn thể, chính quyền ở địa phương thuyết phục mẹ mình không ép con trong hôn nhân, không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

d. - Học sinh liên hệ với địa phương và lấy các ví dụ về tảo hôn, vi phạm hôn nhân một vợ, một chồng…

- Học sinh cần học tốt pháp luật để hiểu và thực hiện theo đúng pháp luật đồng thời tuyên truyền cho gia đình, người thân cần thực hiện tốt pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng.

4. Đề số 4

Câu 1: (2 điểm)

Hãy trình bày sự hiểu biết của em về pháp luật (khái niệm, đặc điểm, bản chất, vai trò) Việt Nam ?

Câu 2: (3 điểm)

Để phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy nổ và các chất độc hại, pháp luật nước ta nghiêm cấm những hành vi nào? Theo em học sinh cần phải làm gì để phòng ngừa cho bản thân và góp phần phòng ngừa cho người khác?

Câu 3: (3 điểm)

Em hãy cho biết những nguyên nhân nào thường gây ra tai nạn giao thông? Là học sinh em phải làm gì để bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đô thị?

Câu 4: (2 điểm)

Giải quyết tình huống:

Hoà nhặt được chiếc ví trong đó có giấy tờ và một số tiền. Hoà đã vứt các giấy tờ đi, còn tiền thì Hoà giữ lại để đóng học phí.

Vận dụng hiểu biết của em về quyền sở hữu của công dân. Em hãy cho biết hành vi của Hoà là đúng hay sai? Vì sao? Nếu em là Hoà em sẽ làm gì?

ĐÁP ÁN

Câu 1:

Pháp luật là các quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc, do Nhà nước ban hành, được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế.

- Đặc điểm của pháp luật:

+ Tính quy phạm phổ biến,

+ Tính xác định chặt chẽ,

+ Tính bắt buộc (tính cưỡng chế).

- Bản chất pháp luật: Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục …).

- Vai trò: Pháp luật là công cụ để quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững chính trị, an toàn xã hội, là phương tiện phát huy, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Câu 2:

a) Để phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy nổ và các chất độc hại, pháp luật nước ta nghiêm cấm tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng trái phép các loại vũ khí, các chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ và chất độc hại.

b) Nêu được nhiệm vụ của học sinh:

+ Tự giác tìm hiểu và nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về phòng ngừa tai nạn vũ khí, cháy nổ và chất độc hại.

+ Tuyên truyền vận động gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh thực hiện tốt những quy định trên.

+ Tố cáo những hành vi vi phạm hoặc xúi giục người khác vi phạm các quy định trên.

Câu 3:

- Nguyên nhân thường gây tai nạn giao thông:

+ Say rượu lấn đường …

+ Đi hàng ba, hàng tư, rẽ bất ngờ …

+ Đi sai phần đường …

- Học sinh bảo vệ trật tự, an toàn giao thông:

+ Không xâm phạm các công trình giao thông.

+ Tuyên truyền luật lệ giao thông.

+ Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.

+ Giúp đỡ, bảo vệ người bị tai nạn giao thông.

Câu 4:

a) Hành vi của Hòa là sai.

b) Giải thích:

Quyền sở hữu của công dân gồm có 3 quyền cụ thể là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Vậy Hòa không là chủ sở hữu của chiếc ví nên Hòa không có quyền gì, cụ thể là không có quyền sử dụng và định đoạt với chiếc ví. Nghĩa vụ của công dân là phải tôn trọng tài sản của người khác.

c) Nếu em là Hòa, em sẽ giữ nguyên chiếc ví và tìm cách trả lại cho người bị mất bằng cách:

+ Nếu có điều kiện theo địa chỉ tìm đến trao tận tay người bị mất.

+ Nhờ thầy cô chuyển cho người bị mất.

+ Nộp cho cơ quan Công an.

5. Đề số 5

Câu 1. (2,0 điểm)

Ca dao Việt Nam có câu:

“Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.

Bằng kiến thức đã học, hãy phân tích để làm sáng tỏ một đức tính quý giá của con người được thể hiện qua câu ca dao trên?

Câu 2. (2,5 điểm)

Hiến pháp là gì? Hiến pháp do cơ quan nào xây dựng, ban hành và quy định những nội dung gì? Theo Hiến pháp năm 1992, bộ máy nhà nước ta gồm có những cơ quan nào?

Hãy sắp xếp các cơ quan dưới đây vào hệ thống cơ quan đó:

- Quốc hội;

- Sở Giáo dục và Đào tạo;

- Chính phủ;

- Hội đồng nhân dân thành phố;

- Uỷ ban nhân dân huyện;

- Phòng Giáo dục và Đào tạo;

- Toà án nhân dân thành phố;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Câu 3. (3,0 điểm)

“Tính đến tháng 3 - 2003,Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 quốc gia, đã trao đổi cơ quan đại diện ngoại giao với 61 quốc gia trên thế giới”.

(Trích Đặt vấn đề, trang 17, SGK GDCD lớp 9, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008)

Dựa vào kiến thức đã học, hãy:

a. Nêu khái niệm tình hữu nghị giữa các dân tộc?

b. Vì sao cần phải thiết lập tình hữu nghị giữa các dân tộc?

c. Phân tích đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta? Lấy ví dụ chứng minh cho đường lối đối ngoại đúng đắn đó khi Nhà nước ta giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc?

d. Là một học sinh, em cần phải làm gì để thể hiện tình hữu nghị với các dân tộc khác trên thế giới?

Câu 4. (2,5 điểm)

Hãy phân tích câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhanh, nhiều, tốt, rẻ” và trình bày hiểu biết của em về vấn đề trên?

ĐÁP ÁN

Câu 1 (2,0đ)

* Phân tích để làm sáng tỏ một đức tính quý giá của con được thể hiện qua câu ca dao:

- Khẳng định câu ca dao trên thể hiện tính tự chủ. Đó là một đức tính cần thiết ở trong mọi thời đại, mọi lúc mọi nơi…

- Tự chủ là làm chủ bản thân. Người biết tự chủ là người làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống, luôn có thái độ bình tĩnh, tự tin và biết tự điều chỉnh hành vi của mình.

- Tính tự chủ làm giúp con người biết sống một cách đúng đắn và biết cư xử có đạo đức, có văn hoá.

- Tính tự chủ giúp chúng ta đứng vững trước những tình huống khó khăn và thử thách, cám dỗ.

- Liên hệ được tầm quan trọng của đức tính tự chủ trong điều kiện hiện nay: Những mặt trái của xã hội, cám dỗ trong cuộc sống …. có xu hướng ngày càng gia tăng, ....

- Liên hệ trách nhiệm của học sinh trong việc rèn luyện tính tự chủ,....

Câu 2

 * Khái niệm hiến pháp: là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Mọi văn bản pháp luật khác đều được xây dựng ban hành trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, không được trái với hiến pháp.

* Hiến pháp:

- Do Quốc hội xây dựng và ban hành theo trình tự thủ tục đặc biệt được quy định trong Hiến pháp.

- Quy định những vấn đề nền tảng những nguyên tắc mang tính định hướng của đường lối xây dựng, phát triển đất nước: Bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chính sách văn hoá XH, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước.

* Theo Hiến pháp năm 1992, bộ máy nhà nước ta gồm các cơ quan như sau:

- Cơ quan quyền lực nhà nước;

- Cơ quan hành chính nhà nước;

- Cơ quan xét xử;

- Cơ quan kiểm sát.

* Sắp xếp như sau:

- Cơ quan quyền lực nhà nước:

+ Quốc hội;

+ Hội đồng nhân dân thành phố.

- Cơ quan hành chính nhà nước:

+ Chính phủ;

 + Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

 + Bộ Giáo dục và Đào tạo;

 + Sở Giáo dục và Đào tạo;

+ Uỷ ban nhân dân huyện;

+ Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan xét xử:

+ Toà án nhân dân thành phố.

- Cơ quan kiểm sát:

+ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Câu 3

a * Khái niệm tình hữu nghị giữa các dân tộc: là quan hệ bạn bè thân thiện giữa nước này với nước khác.

b * Sự cần khách quan phải thiết lập tình hữu nghị giữa các dân tộc:

- Tạo điều kiện, cơ hội để các nước, các dân tộc cùng hợp tác, phát triển về nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật,..

- Tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau, tránh gây mâu thuẫn, căng thẳng dẫn đến nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

- Chung tay giải quyết các vấn đề chung của toàn nhân loại: tăng dân số, bệnh dịch, tội phạm, khủng bố, chiến tranh, HIV/AIDS, ma túy,...

- Tình hữu nghị giữa các dân tộc chỉ có thể thực hiện được dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc của các bên liên quan: 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

c * Đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta là:

- Đối ngoại hòa bình, hữu nghị với tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; bình đẳng cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt, cường quyền.

- Chính sách đối ngoại mềm dẻo, kiên quyết giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực trên nguyên tắc không làm thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

- Quan hệ hữu nghị với các dân tộc khác giúp cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta; từ đó ta tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới đối với Việt Nam.

* HS lấy ví dụ chứng minh: Hs lấy VD về một sách lược mềm dẻo nhưng kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta: “Hòa với Tưởng để đánh Pháp” hoặc “Hội nghị Pa-ri năm 1973” hoặc giải quyết vấn đề biên giới trên bộ với Trung Quốc,...

d * Liên hệ bản thân:

- Quan tâm đến tình hình quốc tế và khu vực,quan tâm đến quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Thể hiện tinh thần hữu nghị, đoàn kết với các dân tộc khác bằng những hành động thiết thực: quyên góp, ủng hộ những đất nước, vùng bị thiên tai, bão lụt trên thế giới; đoàn kết với thanh niên, học sinh các nước trên thế giới.

- Có thái độ thân thiện, tôn trọng người nước ngoài đến Việt Nam học tập tập, công tác, du lịch,... - Tích cực học tập ngoại ngữ, chủ động giao lưu với người nước ngoài để học tập rèn luyện ngoại ngữ, tìm hiểu thêm về văn hóa các dân tộc khác trên thế giới.

Câu 4

* Phân tích câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Sinh thời, Bác Hồ có căn dặn lao động phải phấn đấu đạt được: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Đó chính là nói tới năng suất, chất lượng, hiệu quả.

- Nêu được khái niệm làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả: là tạo ra được nhiều sản phẩm tốt, có chất lượng cả về nội dung và hình thức trong một thời gian ngắn.

- Các yếu tố cần thiết để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả:

 + Phải tích cực rèn luyện tay nghề;

 + Rèn luyện sức khỏe;

 + Lao động tự giác;

+ Tuân theo kỷ luật lao động;

 + Luôn năng động, sáng tạo.

* HS trình bày hiểu biết về vấn đề trên:

- Năng suất và chất lượng là hai yếu tố tạo nên hiệu quả. Hiệu quả là đầu ra cuối cùng của công việc.

+ Nếu có năng suất mà không có chất lượng thì hiệu quả cũng không có. VD làm bài tập rất nhanh nhưng có nhiều lỗi, sơ suất, cẩu thả, điểm không cao được.

+ Nếu chỉ có chất lượng mà không đảm bảo năng suất, thời gian yêu cầu thì hiệu quả công việc cũng không có, công việc cũng không xong.

VD làm bài thi trong một thời gian nhất định mà chỉ làm được ½ tổng số bài tập thì không thể có điểm cao được, như vậy làm việc không hiệu quả.

---

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 Tỉnh Kiên Giang. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo tư liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON