YOMEDIA

Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 trường THCS Mỹ Tài

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em có tư liệu tham khảo, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi sắp đến, Hoc247 đã biên soạn và gửi đến các em Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 trường THCS Mỹ Tài. Tài liệu gồm các dạng bài tập khác nhau và kèm theo đáp án sẽ giúp các em ôn tập kiến thức hiệu quả. Chúc các em học tập tốt!

ATNETWORK

BỘ 5 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN GDCD LỚP 9 NĂM 2021

TRƯỜNG THCS MỸ TÀI

1. Đề số 1

Câu 1 (2,0 điểm):

Thế nào là tự chủ? Biểu hiện của tính tự chủ? Có ý kiến cho rằng "Tự chủ là bảo vệ quan điểm của mình tới cùng, không cần lắng nghe ý kiến của người khác". Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Câu 2 (2,0 điểm):

Nếu chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm học 2015- 2016 là: "Bảo vệ hòa bình", với tư cách một công dân của dân tộc yêu chuộng hòa bình thì em sẽ gửi bức thông điệp nào để bày tỏ những khát vọng của mình đến bạn bè thế giới?

Câu 3 (1,0 điểm)

Ở nước ta hiện nay tai nạn giao thông ngày một tăng cả về số vụ, số người bị chết và bị thương. Trình bày những hiểu biết của em về nguyên nhân của thực trạng trên?

Câu 4 (2,5 điểm):

Nhà em ở gần cánh đồng. Cứ mỗi mùa vụ, em thường chứng kiến nhiều người dân đi bơm thuốc sâu cho lúa. Họ pha thuốc xong rồi vứt luôn chai lọ, vỏ gói thuốc sâu xuống vệ cỏ hoặc xuống kênh mương.

a. Em có nhận xét gì về việc làm của những người dân ấy?

b. Chứng kiến những việc làm như thế, em sẽ có thái độ hoặc cách ứng xử như thế nào để góp phần bảo vệ môi trường?

Câu 5 (2,5 điểm):

Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Bằng sự hiểu biết của mình, em hãy giới thiệu truyền thống tốt đẹp trên?

ĐÁP ÁN

Câu 1 (2,0 điểm):

- Khái niệm tự chủ: Tự chủ là làm chủ bản thân. Người biết tự chủ là người làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống, luôn có thái độ bình tĩnh, tự tin và biết tự điều chỉnh hành vi của mình.

- Biểu hiện của tự chủ:

+ Không nóng nảy vội vàng, biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, khi gặp khó khăn không hoang mang sợ hãi, bình tĩnh tự tin trong mọi tình huống.

+ Trong cách cư xử với mọi người tỏ ra ôn tồn, lịch sự, hòa nhã.

+ Biết điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân khi sai.

+ Biết tự ra quyết định cho mình, không bị lôi kéo trước những cám dỗ, áp lực.

- Lý giải quan điểm: Tự chủ không chỉ là làm chủ bản thân mà còn biết điều chỉnh hành vi, thái độ của mình vì thế cần lắng nghe ý kiến của người khác để tiếp thu một cách có chọn lọc để kịp thời điều chỉnh chứ không phải là bảo vệ quan điểm của mình tới cùng, không cần lắng nghe ý kiến của người khác.

Câu 2 (2,0 điểm):

- Đảm bảo hình thức là một bức thư...

- Khái niệm hòa bình: Hòa bình là tình trạng không có chiến tranh...

- Tác dụng của hòa bình: Đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc ; tạo điều kiện cho cá nhân, xã hội phát triển...

- Tác hại của chiến tranh: Gây đau thương, chết chóc; thiệt hại vật chất...

- Trình bày được một số nét về bối cảnh quốc tế hiện nay: chiến tranh, xung đột, bạo loạn..., lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa.

- Rút ra được, bảo vệ hòa bình là trách nhiệm của tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi lúc.

- Biện pháp

+ Xây dựng mối quan hệ thân thiện, tôn trọng, bình đẳng giữa người với người...

+ Thiết lập mối quan hệ hiểu biết, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia.

+ Ủng hộ và tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình: mít tinh, biểu tình, tuần hành...

- Liên hệ bản thân.

Câu 3 (1,0 điểm)

* Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan:

+ Mật độ phương tiện và người tham gia giao thông quá đông.

+ Hệ thống giao thông chưa đảm bảo về cơ sở hạ tầng.

+ Việc cấp phát bằng và giấy phép lái xe chưa đúng, thiếu nghiêm túc.

+ Việc điều hành xử lí các hành vi vi phạm giao thông đôi lúc còn lỏng lẻo, chưa đủ để răn đe.

+ Công tác tuyên truyền, kiểm tra chưa thường xuyên liên tục....

- Nguyên nhân chủ quan: Ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt.

Câu 4 (2,5 điểm):

a. Nhận xét về hành vi kể trên: Đó là hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước; có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người, đáng phê phán.

- Cách xử lý:

+ Bày tỏ thái độ phản đối, không đồng tình với việc làm đó.

+ Nhắc nhở họ không nên vứt vỏ chai lọ bừa bãi ra bờ kênh, mương.

+ Giải thích cho họ hiểu tác hại của việc làm kể trên

+ Khuyên họ nên bỏ vỏ gói thuốc sâu và nơi quy định.

- Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 5 (2,5 điểm):

- Khái niệm: Tôn sư trọng đạo là tôn trọng, kính yêu, biết ơn những người làm thầy giáo, cô giáo. Coi trọng và làm theo những điều thầy cô dạy, trọng đạo lí làm người...

- Biểu hiện:

+ Có tình cảm, thái độ lễ phép, biết ơn ...

+ Có hành động, việc làm tốt đẹp đền ơn đáp nghĩa...

- Ý nghĩa:

+ Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta, thể hiện lòng biết ơn với thầy cô giáo...

+ Là nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng trở lên tốt đẹp hơn...

+ Thể hiện một quan niệm của dân ta: Tôn vinh nghề dạy học...

- Liên hệ trách nhiệm bản thân.

2. Đề số 2

Câu 1 (2,0 điểm). Điền vào chỗ trống () những từ, cụm từ thích hợp để hoàn thành một số nội dung của Điều 9 trong Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Điều 9. Quy tắc chung

1. Người tham gia giao thông phải đi ... theo chiều đi của mình, đi đúng ..., phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống .... đường bộ.

2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải ...

Câu 2 (3,0 điểm)

Thế nào là di sản văn hóa? Cho ví dụ? Vì sao phải bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc? Là học sinh chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ di sản văn hóa?

Câu 3 (3,0 điểm)

Thế nào là tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác? Nêu các biểu hiện của tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác? Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác có ý nghĩa gì? Học sinh cần tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác như thế nào?

Câu 4 (3,0 điểm)

Tệ nạn xã hội là gì? Tác hại của các tệ nạn xã hội? Trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc phòng chống tệ nạn xã hội?

Câu 5 (2,0 điểm)

Biểu hiện của người có tính tự chủ là gì? Vì sao con người cần phải biết tự chủ? Học sinh cần phải rèn luyện như thế nào trong học tập, sinh hoạt để là người tự chủ?

Câu 6 (4,0 điểm)

Sự đối lập giữa hòa bình và chiến tranh là gì? Thế nào là bảo vệ hòa bình? Vì sao phải bảo vệ hòa bình? Để bảo vệ hòa bình ngăn chặn chiến tranh chúng ta cần làm những gì?

Câu 7 (3,0 điểm). Tình huống:

Lan 14 tuổi, làm thuê cho một cửa hàng cơm gần nhà Hồng. Chứng kiến cảnh Lan bị chủ hàng cơm bắt làm những công việc nặng nhọc, lại thường xuyên chửi mắng, đánh đập, Hồng rất thương Lan nên có ý định tố cáo hành động đó với cơ quan công an. Nhưng Huệ can ngăn và nói: "Chúng mình còn nhỏ mới là học sinh lớp 9 làm gì có quyền được tố cáo người khác, với lại chuyện này là chuyện của người ta mà".

a) Em có đồng ý với ý kiến của bạn Huệ không? Vì sao?

b) Nhận xét về hành vi của chủ hàng cơm?

c) Nếu được chứng kiến cảnh của Lan, em sẽ làm gì?

ĐÁP ÁN

Câu 1: Điền lần lượt các cụm từ sau vào chỗ (.......):

1. Bên phải; làn đường; báo hiệu

2. Thắt giây an toàn

* Lưu ý: (Mỗi trường hợp HS phải điền đúng, đủ từ ngữ mới cho điểm)

Câu 2

* Nêu được đảm bảo các ý sau:

- Di sản bao gồm: Di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể; là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ví dụ: Cố đô Huế, áo dài, lễ hội đền Hùng...

- Phải bảo vệ di sản văn hoá vì:

+ Di sản văn hoá là tài sản của dân tộc nói lên truyền thống của dân tộc, thể hiện công đức của tổ tiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện kinh nghiệm của dân tộc trong các lĩnh vực. Các thế hệ sau có thể tiếp thu, kế thừa tuyền thống, kinh nghiệm đó để phát triển nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc.

+ Di sản văn hoá của Việt Nam đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới tài sản quý của nhân loại,

- HS cần bảo vệ di sản văn hoá:

+ Luôn tôn trọng và tự hào về di sản văn hoá quê hương, đất nước, luôn quan tâm tìm hiểu về di sản văn hoá như các phong tục, trang phục, nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh... phê phán các hành vi việc làm phá hoại di sản văn hoá, chê bai coi thường di sản văn hoá dân tộc...

+ Tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hoá phù hợp với khả năng như: làm vệ sinh khu di tích, danh lam thắng cảnh, tuyên truyền giá trị văn hoá của các di sản văn hoá của quê hương...

Câu 3

* Nêu được đảm bảo các ý sau:

- Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc khác tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác; luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc khác; đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình.

- Biểu hiện của tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác: Tìm hiểu về lịch sử, kinh tế và văn hóa của các dân tộc khác; tôn trọng ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán của họ; thừa nhận và học hỏi những tinh hoa văn hóa, những thành tựu về các mặt của họ;....

- Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm tốt, tìm ra hướng đi phù hợp trong việc xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước.

- Học sinh cần tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác:

+ Biết học hỏi, tiếp thu tinh hoa, kinh nghiệm của các dân tộc khác qua học tập các môn học có liên quan trong nhà trường; qua đọc sách báo, tài liệu; xem phim ảnh, tivi; qua các hoạt động giao lưu với thanh thiếu nhi quốc tế,...

+ Tôn trọng trang phục, ngôn ngữ, bản sắc, phong tục của các dân tộc khác; không kì thị, chế giễu, định kiến với những dân tộc, nền văn hóa khác;....

Câu 4

* Nêu được đảm bảo các ý sau:

- Tệ nạn xã hội là hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội. Ví dự như: Ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan...

- Các tệ nạn xã hội gây ra tác hại đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội như: Ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người, làm thiệt hại kinh tế gia đình và đất nước, phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống, suy thoái giống nòi dân tộc...

- Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội:

+ Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn đánh bạc, ma túy, mại dâm: Cấm đánh bạc dưới bất cứ hình thức nào; cấm sản xuất, tàng trữ, vân chuyển, sử dụng,... trái phép chất ma túy; nghiêm cấm hành vi mại dâm, chứa chấp, dụ dỗ, dẫn dắt gái mại dâm,...

+ Một số hành vi trẻ em không được làm: Đánh bạc, uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích có hại cho sức khỏe,...

+ Nghiêm cấm hành vi lôi kéo, dụ dỗ trẻ em vào tệ nạn xã hội.

- Trách nhiệm của công dân nói chung và công dân học sinh nói riêng trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội:

+ Sống giản dị, lành mạnh, tích cực rèn luyện thể dục thể thao;

+ Không uống rượu, đánh bạc, đua xe máy, hút thuốc lá, sử dụng ma túy, xem phim ảnh, băng hình đồ trụy, bạo lực, tham gia vào các hoạt động mại dâm;

+ Biết bảo vệ mình và bạn bè, người thân không sa vào tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạ xã hội do nhà trường, địa phương tổ chức;...

Câu 5

* Nêu được đảm bảo các ý sau:

- Biểu hiện của người tự chủ: Biết kìm chế cảm xúc, bình tĩnh tự tin trong mọi tình huống; không nao núng hoang mang khi khó khăn; không bị ngả nghiêng lôi kéo trước những áp lực tiêu cực; biết tự ra quyết định cho mình,...

- Con người cần phải tự chủ vì nó sẽ giúp cho con người biết sống và ứng xử đúng đắn, có văn hoá, sẽ biết kìm chế cảm xúc, bình tĩnh tự ti trong mọi tình huống để đứng vững trước những khó khăn, thử thách, cám dỗ, không bị ngả nghiêng lôi kéo trước những áp lực tiêu cực... Nếu thiếu tự chủ con người sẽ tự ti, đối phó trong học tập, lao động, hay chia bè phái mất đoàn kết, a dua đua đòi sa vào các tệ nạn xã hội,...

- Rèn luyện của HS: luôn trung thực, tự tin, trong học tập và các hoạt động tập thể; luôn có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn biết bảo vệ lẽ phải, không a dua theo cái xấu, không gây mất đoàn kết bạn bè, không sa vào các tệ nạn xã hội,...

Câu 6

* Nêu được đảm bảo các ý sau:

- Hòa bình: Không có xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết tôn trọng, bình đẳng và hợp tác giữa các quốc gia - dân tộc, giữa con người với con người. Hòa bình đem lại cuộc sống bình yên tự do, hạnh phúc; là khát vọng của toàn nhân loại.

- Chiến tranh: Xảy ra xung đột vũ trang, mâu thuẫn bất bình đẳng giữa các dân tộc - quốc gia, giữa con người với con người. Gây đau thương chết chóc, đói nghèo, bệnh tật,... thiệt hại lớn về kinh tế;... là thảm họa của loài người.

- Bảo vệ hòa bình: Là làm mọi việc để bảo vệ, giữ gìn cuộc sống xã hội bình yên; là dùng thương lượng đàm phán để giải quyết mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc,tôn giáo, quốc gia; không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.

- Phải bảo vệ hòa bình vì:

+ Hòa bình đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no, bình yên cho con người còn chiến tranh chỉ mang lại đau thương, tang tóc, đói nghèo, bệnh tật, li tán,...

+ Ngòi nổ chiến tranh vẫn âm ỉ ở nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta. Hiện nay chiến tranh và xung đột vũ trang vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và là nguy cơ đối với nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới.

- Để bảo vệ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh chúng ta cần:

+ Biết lắng nghe, biết đặt mình vào địa vị của người khác để hiểu và thông cảm với họ; biết thừa nhận những điểm khác với mình;

+ Biết dùng thương lượng để giải quyết mâu thuẫn; biết học hỏi những tinh hoa những điểm mạnh của người khác;

+ Sống hòa đồng với mọi người, không phân biệt đối xử, kì thị người khác; biết tôn trọng các dân tộc khác, các nền văn hóa khác;

+ Thiết lập được tình hữu nghị và tinh thần hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới;

+ Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh như: đi bộ vì hòa bình, vẽ tranh vì hòa bình, viết thư UPU, giao lưu với thanh thiếu niên quốc tế,...

Câu 7

a)

- Không đồng ý.

- Vì: Mọi công dân đều có quyền tố cáo những việc làm trái pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới lợi ích nhà nước hay lợi ích của công dân.

b) Nhận xét: Việc làm của chủ hàng cơm là vi phạm pháp luật.

- Vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

- Vi phạm quyền được bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục của trẻ em.

c) Em sẽ:

- Góp ý cho chủ hàng cơm để họ đối xử tử tế hơn đối với Lan.

- Giải thích để chủ hàng cơm hiểu việc làm của họ là vi phạm pháp luật.

- Tố cáo việc làm trái pháp luật của chủ hàng cơm với cơ quan có thẩm quyền (trực tiếp hoặc gián tiếp).

3. Đề số 3

Câu 1: 1,5 điểm

Hội nghị cấp cao Á Âu lần thứ 5 (ASEM 5) khai mạc vào thời gian nào? Ở đâu?

Qua hội nghị trên, em hiểu thế nào là tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới? Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của mỗi nước và của toàn nhân loại? Chính sách đối ngoại của Nhà nước ta hiện nay?

Câu 2: 2,0 điểm

Giải thích câu ca dao sau:

Trống chùa ai vỗ thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng.

Câu ca dao trên phê phán điều gì? Khuyên chúng ta điều gì? Em đã làm gì để rèn luyện phẩm chất đạo đức đó?

Câu 3: 2,0 điểm

a) Môi trường là gì? Nêu chủ đề môi trường thế giới năm 2016?

b) Hiện tượng xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm 2016 vừa qua gây tổn thất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo em nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến việc xâm nhập măn nêu trên?

Câu 4: 2,5 điểm

Hiện nay cả nước ta đang tích cực học tập và làm theo tấm cương đạo đức Hồ Chí Minh. Em hiểu như thế nào về phẩm chất đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"?

Câu 5: 2,0 điểm

a) Theo em, cần phải làm gì để có tình bạn trong sáng lành mạnh?

b) Trước tình trạng bạo lực học đường hiện nay, em hãy đề xuất một vài biện pháp để ngăn chặn hiện tượng này?

ĐÁP ÁN

Câu 1

- Hội nghị cấp cao Á Âu lần thứ 5 khai mạc ngày 8/10/2004 tại hội trường Ba Đình – thủ đô Hà Nội. (0,25 điểm)

- Tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới là mối quan hệ bạn bè thân thiện giữa nước này với nước khác. (0,25 điểm)

- Quan hệ hữu nghị tạo cơ hội và điều kiện để các nước, các dân tộc cùng hợp tác, phát triển về nhiều mặt: kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, kĩ thuật...tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tránh gây mâu thuẫn, căng thẳng dẫn đến nguy cơ chiến tranh. (0,5 điểm)

- Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn thự hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị với các dân tộc, các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Chính quan hệ hữu nghị đó đã làm cho thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó ta tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới đối với Việt Nam. (0,5 điểm)

Câu 2

- Câu ca dao phê phán những ai có tính tham lam, tư hữu, vụ lợi. Thấy của chung tập thể thì muốn biến nó thành của riêng mình bằng mọi cách (0,25 điểm)

- Câu ca dao khuyên chúng ta phải sống chí công vô tư. (0,25 điểm)

- Nêu cách rèn luyện: (1,5 điểm)

+ Phải điều chỉnh hành vi, thái độ của mình theo yêu cầu của nếp sống văn hoá, bình tĩnh, ôn hoà, lễ độ.

+ Hạn chế những đòi hỏi, mong muốn, hưởng thụ cá nhân và xa lánh những cám dỗ để tránh những việc làm xấu.

+ Suy nghĩ trước và sau hành động, xem lại việc làm đó là đúng hay sai, rút kinh nghiệm và sửa chữa.

Câu 3

a. Khái niệm, chủ đề

* Khái niệm: Môi trường là toàn bộ điều kiện tự nhiên, nhân tạo bao quanh con người, có tác động đến đời sống, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Những điều kiện đó đã có sẵn trong tự nhiên hoặc do con người tạo ra (0,5 điểm)

* Chủ đề: Chủ đề môi trường thế giới năm 2016 là "Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta" (0,5 điểm)

b. Các nguyên nhân cơ bản sau: (1,0 điểm)

- Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày càng dâng cao nên mực nước triều trung bình vùng ven biển có xu thế tăng, dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông Mekong

- Khả năng trữ nước cuối mùa mưa lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng giảm (đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên)

- Việc sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đầu mùa mưa nhiều làm giảm lượng nước trên các sông làm cho nước mặn có điều kiện xâm nhập vào đất liền

- Các cửa sông không được bồi đắp (do lũ thấp nên lượng phù sa bồi đắp ít, lại bị xói mòn) đã tạo điều kiện cho nước mặn lên cao

- Hệ thống rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề, không ngăn được tốc độ dòng chảy + gió mùa làm cho nước mặn theo dòng chảy đi sâu vào đất liền.

Câu 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về đạo đức, trong đó Bác rất chú trọng phẩm chất đạo đức của người cách mạng về "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

- Cần: Là lao động cần cù, siêng năng, làm việc có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao, tự lực cánh sinh, không lười biếng ỷ lại, không dựa dẫm.

- Kiệm: Là tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiết kiệm tiền của nhân dân, của nhà nước, của bản thân mình; tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; không phô trương hình thức, không liên hoan chè chén lu bù.

- Liêm: Tức là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; phải trong sạch, không tham lam, không hám danh hám lợi, phải quang minh chính đại; không hủ hóa, không nhỏ nhen ít kỉ

- Chính: Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn; không tự cao tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của mình.

- Chí công vô tư: Là công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải, xuất phát từ lợi ích chung và đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân.

- Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư và ngược lại.

Câu 5

* Để xây dựng tình bạn trong sáng lành mạnh, học sinh cần phải:

- Đối với bạn bè ở lớp, ở trường và ở trong cộng đồng luôn thể hiện tình cảm, thái độ, lời nói, cách cư xử việc làm phù hợp với tình bạn trong sáng, không vì mục đích khác

- Tôn trọng, tự hào và có ý thức giữ gìn tình bạn trong sáng lành mạnh đã có

- Không phân biệt giới tính, dân tộc; không phân biệt giàu nghèo

- Thể hiện lòng mong muốn xây dựng tình bạn trong sáng lành mạnh; biết quý trọng những người có ý muốn như mình.

* Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường cần phải:

- Mỗi học sinh cần phải xây dựng cho mình một ý thức lập trường vững chắc, tự làm chủ suy nghĩ và hành động; không để bạn bè, người xấu lôi kéo vào những hoạt động, những mối quan hệ thiếu lành mạnh.

- Đối với gia đình: Các bậc cha mẹ thường xuyên quan tâm gần gũi con cái, theo dõi các mối quan hệ, diễn biến tâm trạng và phân tích phải trái, đúng sai giúp con mình có nhận thức đúng đắn và điều chỉnh hành vi kịp thời

- Đối với nhà trường: Thường xuyên theo dõi, GD tính cách, hành động, hướng các em biết ứng xử tốt, biết cảm ơn, biết xin lỗi; có các biện pháp ngăn ngừa và hóa giải các mâu thuẩn nhằm tránh xảy ra bạo lực

- Đối với xã hội: Củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội văn minh tiến bộ; có các biện pháp ngăn chặn, lên án những hoạt động tác hại đến môi trường xã hội lành mạnh.

4. Đề số 4

Câu 1. (4,0 điểm)

a. Pháp luật nước ta có những quy định gì về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình?

b. Tuấn là học sinh lớp 8, bố mẹ ly hôn, Tuấn ở với bà nội, bà vừa già yếu lại rất nghèo, thương bà Tuấn bỏ học đi kiếm tiền. Do bị bạn bè xấu rủ rê nên Tuấn đã lao vào con đường trộm cắp và giờ đây Tuấn đang ở trong trại giam để chờ ngày xét xử.

Theo em, trong trường hợp này những ai là người có lỗi? Nếu Tuấn là bạn học cùng lớp, em và các bạn sẽ làm gì để giúp đỡ Tuấn?

Câu 2. (5,5 điểm)

a. Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là gì? Nêu một số truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về đạo đức, nghệ thuật, nghề nghiệp mà em biết?

b. Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay và nhất là việc nước ta đã hội nhập với thế giới, việc kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc có ý nghĩa như thế nào? Em hãy trình bày ý kiến của mình về vấn đề này?

Câu 3. (5,5 điểm) Thế nào là hợp tác? Hợp tác phải dựa trên cơ sở nào? Vì sao trong bối cảnh thế giới hiện nay, hợp tác quốc tế là một vấn đề quan trọng và tất yếu?

Theo em, sự hợp tác với các nước trên thế giới có tác dụng gì đối với nhân loại, với Việt Nam và với bản thân em? Từ đó em thấy mình phải làm gì để rèn luyện tinh thần hợp tác?

Câu 4. (5,0 điểm)

a. Có ý kiến cho rằng để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả thì phải làm việc có kế hoạch và phải năng động, sáng tạo. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

b. Tại sao làm việc có năng suất phải đi đôi với làm việc có chất lượng, hiệu quả? Trong thời đại ngày nay, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả có ý nghĩa như thế nào? Để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả mỗi người lao động cần phải làm gì

ĐÁP ÁN

Câu 1 (4,0 điểm)

a. Pháp luật nước ta có những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình:

* Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, ông bà:

- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân tốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; không được phân biệt đối xử giữa các con, không được ngược đãi, xúc phạm con, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức.

- Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên hoặc cháu thành niên bị tàn tật nếu cháu không có người nuôi dưỡng.

* Quyền và nghĩa vụ của con, cháu: Con, cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà; có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà, đặc biệt khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm cha mẹ, ông bà.

* Anh chị em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ.

* Những quy định trên nhằm xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chúng ta phải hiểu và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình đối với gia đình.

b.

* Những người có lỗi trong trường hợp của Tuấn:

- Những cá nhân và cả các tổ chức xã hội biết hoàn cảnh của Tuấn mà không có việc làm, hành động giúp đỡ Tuấn.

- Bản thân Tuấn cũng là người có lỗi

- Lỗi lớn nhất thuộc về cha mẹ Tuấn vì đă không làm tròn trách nhiệm với con

* Việc giúp đỡ của em và các bạn với Tuấn:

- Trước hết cần thăm hỏi, động viên và khuyên bảo Tuấn chấp hành tốt các quy định của pháp luật

- Có những việc làm cụ thể để giúp đỡ trực tiếp đối với bà nội của Tuấn, đồng thời có sự tác động trực tiếp để cha mẹ Tuấn làm tròn trách nhiệm của mình.

- Khi Tuấn hoàn thành việc chấp hành xử lư của pháp luật, cần tiếp tục có sự giúp đỡ để Tuấn trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt.

Câu 2 (5,5 điểm)

a.

- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là những giá trị tinh thần (những tư tưởng, đức tính, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp...) hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Một số truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam:

+ Truyền thống về đạo đức: Yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, hiếu học, tôn sư trọng đạo, nhân ái, cần cù lao động...

+ Truyền thống về nghệ thuật: Múa rối nước, hát chèo, ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh....

+ Truyền thống về nghề nghiệp: nghề đúc đồng, mây tre đan, đồ gốm mĩ nghệ, dệt lụa...

b.

- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là những thứ của cải vô cùng quý giá, nó làm nên bản sắc riêng của người Việt Nam. Giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trách nhiệm của bất kì ai. Tìm hiểu, học tập, thực hành theo những giá trị chuẩn mực truyền thống để cái hay, cái đẹp của dân tộc luôn được giữ gìn và tỏa sáng là nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người.

- Trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay và nhất là việc nước ta đã hội nhập với thế giới, việc giao lưu, học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của dân tộc khác là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu mỗi người không biết chú ý giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc, mải mốt chạy theo những cái mới lạ, coi thường hoặc xa rời những giá trị tốt đẹp xưa nay thì sẽ dễ dàng đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất chính mình.

- Cần quảng bá, giới thiệu với bạn bè thế giới những giá trị tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam để thế giới biết và ngưỡng mộ dân tộc, đồng bào mình. Mỗi việc làm như thế là một việc làm thiết thực để mỗi người hòa nhập chứ không hòa tan vào cộng đồng nhân loại.

Câu 3 (5,5 điểm)

- Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.

- Hợp tác phải dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi và không làm phương hại đến lợi ích của những người khác.

- Trong bối cảnh thế giới hiện nay, hợp tác quốc tế là một vấn đề quan trọng và tất yếu vì thế giới đang đứng trước những vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ dân số, khắc phục tình trạng đói nghèo, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh hiểm nghèo...) mà không một quốc gia, dân tộc riêng lẻ nào có thể tự giải quyết, thì sự hợp tác quốc tế là một vấn đề quan trọng và tất yếu.

* Theo em, sự hợp tác với các nước trên thế giới có tác dụng đối với nhân loại, với Việt Nam và với bản thân em:

- Đối với nhân loại:

+ Để cùng nhau giải quyết những vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu

+ Giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nước nghèo phát triển

+ Để đạt được mục tiêu hòa bình cho toàn nhân loại

- Đối với Việt Nam:

+ Giúp chúng ta tiếp cận với trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến.

+ Nâng cao trình độ nhận thức lí luận, thực tiễn và quản lí

+ Có cơ hội để giao lưu với bạn bè quốc tế

+ Tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

+ Vì đất nước ta đang bước vào thời kì quá độ lên CNXH, từ một nước nghèo, lạc hậu nên rất cần các điều kiện trên.

- Đối với bản thân em:

+ Hiểu biết của em được rộng hơn

+ Tiếp cận với sự tiến bộ, trình độ khoa học kĩ thuật và văn minh của các nước.

+ Có thể giao lưu với bạn bè các nước

+ Đời sống vật chất và tinh thần của bản thân, gia đình được nâng cao.

+ Giao lưu quốc tế trong thời đại ngày nay trở thành yêu cầu sống còn của mỗi dân tộc. Hợp tác hữu nghị với các nước giúp đất nước ta tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH, đó cũng là cơ hội của thế hệ trẻ nói chung và bản thân em nói riêng được trưởng thành và phát triển toàn diện.

* Để rèn luyện tinh thần hợp tác, em thấy mình cần phải:

- Rèn luyện tinh thần hợp tác với bạn bè và mọi người xung quanh

- Luôn quan tâm đến tình hình trong nước và trên thế giới

- Có thái độ hữu nghị, đoàn kết với người nước ngoài và giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam trong giao tiếp

- Tham gia các hoạt động hợp tác trong học tập, lao động và hoạt động tinh thần khác.

Câu 4 (5,0 điểm)

a. Để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả thì phải làm việc có kế hoạch và phải năng động, sáng tạo. Em tán thành ý kiến đó vì:

- Làm việc có kế hoạch thì tiết kiệm được thời gian, công việc tiến hành được nhanh chóng, trôi chảy, không bị chồng chéo, quên việc.

- Năng động, sáng tạo giúp chúng ta có thể nghĩ ra cách làm mới nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, nguyên vật liệu, sản phẩm làm ra tốt hơn, đẹp hơn.

b.

- Làm việc có năng suất phải đi đôi với làm việc có chất lượng, hiệu quả vì xã hội không chỉ có nhu cầu về sản phẩm mà còn đòi hỏi về chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng không chỉ cần sản phẩm làm ra ngày càng nhiều mà còn đòi hỏi sản phẩm đó phải ngày càng tốt, ngày càng bền, hình thức ngày càng đẹp, mẫu mã ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại. Nếu chỉ quan tâm đến năng suất mà không chú ý đến chất lượng, hiệu quả thì chỉ là sự chạy theo thành tích, xa rời thực tiễn. Điều đó làm hại cho xã hội và nhanh chóng không được chấp nhận.

- Trong thời đại ngày nay, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xă hội, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh, nâng cao uy thế với cộng đồng quốc tế.

- Để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả mỗi người lao động cần phải tích cực học hỏi tìm hiểu về mọi mặt, nâng cao tay nghề, rèn luyện sức khỏe, không ngừng sáng tạo và đặc biệt phải lao động với ý thức tự giác, chấp hành nghiêm túc kỷ luật, nội quy lao động.

5. Đề số 5

Câu 1 (4,0 điểm)

"Dân chủ và kỉ luật là sức mạnh của một tập thể"

a. Dựa vào hiểu biết của mình và kiến thức đã học, hãy làm rõ nhận định trên.

b. Nêu một số ví dụ cụ thể về phát huy tính dân chủ và kỉ luật ở trường lớp em.

Câu 2: (4,0 điểm)

Sắp tới trường em dự định tổ chức cuộc thi tìm hiểu về chủ đề "Tuổi trẻ học đường với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên". Với tư cách là người tham dự cuộc thi em hãy trình bày hiểu biết của mình về vấn đề trên?

Câu 3: (4,0 điểm)

Lối sống "vô cảm" khiến trái tim con người hóa thành sỏi đá.

Suy nghĩ của em?

Câu 4: (4,0 điểm)

Trong thời gian vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đang tổ chức cuộc thi viết về chủ đề "mái ấm gia đình". Để thể hiện lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm với gia đình em hãy trình bày suy nghĩ và hành động của mình về vấn đề trên.

Câu 5: (4,0 điểm)

Hiện nay có một số học sinh học tập qua loa, đối phó, không học thật sự. Vận dụng những kiến thức đã học em hãy viết bài văn ngắn phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó.

ĐÁP ÁN

Câu 1 (4,0 điểm)

a.

- Dân chủ là mọi người được làm chủ công việc của tập thể của xã hội, mọi người phải được biết được tham gia bàn bạc, góp phần thực hiện giám sát những công việc chung của tập thể và xã hội có liên quan đến mọi người, cộng đồng và đất nước.

- Kỉ luật là tuân theo những quy đinh chung của cộng đòng của một tổ chức xã hội nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng, hiệu quả trong công việc vì mục tiêu chung.

- Giải thích ý nghĩa của câu "Dân chủ và kỉ luật là sức mạnh của một tập thể"

+ Dân chủ tạo cơ hội để moi người thể hiện và phát huy được sự đóng góp của mình vào công việc chung

+ Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức ý chí hành động của mọi người.

+ Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ tạo cơ hội cho mọi người phát triển, xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.

+ Thực hiện tốt dân chủ và kỉ luật sẽ nâng cao hiệu quả chất lượng lao động, tổ chức các hoạt động xã hội.

b. Nêu một số ví dụ cụ thể về phát huy tính dân chủ và kỉ luật ở trường lớp em. (học sinh tự liên hệ)

Câu 2: (4,0 điểm)

- Nêu hiểu biết của em về vấn đề môi trường và tài nguyên thiên (nêu khái niệm)

- Tầm quan trọng của môi trường và tài nguyên thiên nhiên đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội ...

- Thực trạng về vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên nói chung và địa phương em nói riêng ...

- Nguyên nhân của thực trạng trên ...

- Đề xuất hướng khắc phục ...

- Khẳng định được bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách của quốc gia, là sự nghiệp của toàn dân.

- Liên hệ bản thân trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên...

Câu 3: (4,0 điểm)

- Lối sống vô cảm là thái độ thờ ơ không cảm xúc với các sự vật, hiện tượng, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác

- HS khẳng định: đây là cách sống tiêu cực, đáng phê phán, đi ngược truyền thống đạo đức, mặt trái của lối sống hiện đại ...

- Thực trạng:

+ Đa số mọi người biết quan tâm, chia sẻ.Tuy nhiên lối sống này chiếm 1 bộ phận không nhỏ trong xã hội, trong mọi tầng lớp , lứa tuổi dưới nhiều hình thức, mức độ...

+ VD: Thấy người bị nạn không giúp đỡ, thiếu quan tâm, thiếu hòa đồng với bạn bè, người thân...

- Nguyên nhân:

+ Khách quan: Mặt trái của sự phát triển xã hội, cách giáo dục trong gia đình...

+ Chủ quan: Tính ích kỷ, nhận thức hạn hẹp, lệch lạc...

- Hậu quả:

+ Với cá nhân: Kết quả lao động, học tập giảm sút; ảnh hưởng nhân cách...

+ Với gia đình: Sự gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo; không hạnh phúc...

+ Với đất nước, xã hội: Làm mất niềm tin giữa con người và con người; mai một truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, xã hội kém phát triển, kém văn minh...

- Hành động:

+ Cá nhân: Xây dựng mối quan hệ thân thiện với mọi người; có tinh thần tương thân,tương ái; tham gia các hoạt động tập thể, xã hội mang tính chất nhân đạo; đồng tình, cổ vũ tinh thần đoàn kết, vị tha lên án, phê phán thói thờ ơ, vô trách nhiệm ...

+ Gia đình: Quan tâm, chăm sóc,yêu thương, gần gũi, chia sẻ lẫn nhau...

+ Nhà nước, xã hội: Tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt trên hệ thống truyền thông; tổ chức các chương trình nhằm kết nối cộng đồng; lên án thói thờ ơ; xử phạt các hành vi vô cảm gây hậu quả xấu cho mọi người...

+ Liên hệ bản thân: ......

Câu 4 ( 4,0 điểm) Yêu cầu học sinh nêu được:

- Hiểu biết của mình về gia đình ...

- Nêu được vai trò của gia đình: Là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách ...

- Mối quan hệ giữa gia đình và xã hội là mối quan hệ mật thiết với nhau. gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt là xã hội tốt, xã hội tốt là điều kiện tốt cho gia đình phát triển

- Khẳng định việc tổ chức cuộc thi đó là sự thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng,Nhà nước và các tổ chức xã hội về vấn đề gia đình ...

* Học sinh nói lên được suy nghĩ của mình là các thành viên trong gia đình phải ý thức được quyền và trách nhiệm của mình đối với gia đình cụ thể:

- Ông bà, cha mẹ đối với con cháu:

+ Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân tốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của các con, không được phân biệt đối xử giữa các con, không được ngược đãi xúc phạm con, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức.

+ Ông bà nội ngoại có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, nuôi dưỡng cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật cháu không có người nuôi dưỡng

- Quyền của con cháu đối với ông bà cha mẹ: Con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng ,biết ơn cha mẹ ông bà; có quyền và nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ ông bà đặc biệt khi ông bà, cha mẹ ốm đau, già yếu. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm cha mẹ ông bà

- Anh chị em có bổn phận yêu thương, chăm sóc giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ

* Hành động:

- Yêu quý, kính trọng, lễ phép, quan tâm, hiếu thảo với ông bà cha mẹ

- Yêu thương, nhường nhịn anh chị em, tham gia công việc gia đình phù hợp với khả năng ...

- Tôn trọng quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình ...

- Tích cực học tập, rèn luyện, tránh xa các tệ nạn xã hội ...

Câu 5: (4,0 điểm) Phân tích bản chất của lối học đối phó

Qua bài phân tích, học sinh cần nêu được các ý sau:

- Học đối phó là học mà không lấy việc học làm mục đích, xem học là việc phụ...

- Học đối phó là học bị động, không chủ động, cốt đối phó với sự đòi hỏi của thầy cô, trong thi cử...

- Do học đối phó nên không thấy hứng thú, dẫn đến chán học, hiệu quả thấp...

- Học đối phó là học hình thức, không đi sâu vào thực chất kiến thức của bài học; học đối phó thì dù có bằng cấp nhưng đầu óc vẫn trống rỗng ...

- Hậu quả của học đối phó dẫn đến thiếu kiến thức cơ bản khi bước vào đời thiếu năng lực, thiếu kỷ năng sống, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh .....

- Khẳng định chân lí: Có kiến thức thì con người mới có đủ khả năng làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, nhất là làm chủ vận mệnh của mình.

- Nêu vài tấm gương tiêu biểu vượt khó trong học tập: Bác Hồ, giáo sư Ngô Bảo Châu, các thủ khoa trong các đợt thi vào đại học hàng năm...

---

Trên đây là toàn bộ nội dung Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn GDCD lớp 9 năm 2021 trường THCS Mỹ Tài. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo tư liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON