HOC247 xin giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Thoại Ngọc Hầu được biên soạn và tổng hợp từ đề thi của Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, đề thi với đáp án đi kèm sẽ giúp các em luyện tập, làm quen các dạng đề đồng thời đối chiếu kết quả, đánh giá năng lực bản thân để có kế hoạch ôn thi phù hợp. Mời các em cùng tham khảo!
TRƯỜNG THPT THOẠI NGỌC HẦU
|
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2021-2022 Thời gian làm bài 120 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới
Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…. Những cuộc đấu tranh như thế diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình.
Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn.
Bạn phải hiếu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả.
Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyêt tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình…”
(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78)
Câu 1. Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0.5 điểm)
Câu 2. Nhận biết
Xác định và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng ở phần in đậm trong văn bản trên (0,75 điểm)
Câu 3. Thông hiểu
Theo tác giả: "Cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất” là gì? (0,75 điểm)
Câu 4: Thông hiểu
Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình”. (1 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy ghĩ của anh chị về ý kiến: “Bạn chính là người làm chủ số phận mình”.
Câu 2. (5 điểm)
Nhận xét về hình tượng sông Đà có ý kiến cho rằng: “Con Sông Đà thu hút người đọc bởi sự hung bạo nhưng cũng làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp trữ tình”. Bằng việc cảm nhận vẻ đẹp đoạn trích sau, anh/ chị hãy làm rõ ý kiến trên.
….. Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.
Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng ngàn cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu hư cái cống bị sặc. Trên mặt, cái hút xoáy tít đáy, cũng cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn.
(…) Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân, dòng sông xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bưc bội gì mỗi độ thu về.
(Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn lớp 12, Tập 1, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2018, T 186)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (5 điểm)
Câu 1.
Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2.
Phương pháp: Đọc, phát hiện biện pháp tu từ dựa vào kiến thức đã học, nêu tác dụng.
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc (Hãy…. nhưng…)
- Tác dụng: Nhấn mạnh cần cân bằng giữa việc giải quyết những vấn đề, những tác động từ bên ngoài với các vấn đề trong nội tại mỗi cá nhân.
Câu 3.
Phương pháp: Đọc kỹ nỗi dung câu nói, phân tích, lý giải.
Cách giải:
Theo tác giả, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất là: cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại các thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo...
Câu 4.
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
- Nội dung câu nói: “Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình” : Mỗi thất bại là một lần chúng ta rút ra những kinh nghiệm, những bài học xương máu cho bản thân trên con đường dẫn đến thành công. Như vậy, thất bại còn là nguồn động lực để ta không ngừng nỗ lực, cố gắng, trau dồi bản thân trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
- Nêu suy nghĩ của bản thân:
+ Đừng ngại vấp ngã, đừng sợ thất bại, đừng chán nản bi quan khi gặp phải thất bại.
+ Hãy biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã bằng chính những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thất bại.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp: Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận (nghị luận về một tư tưởng đạo lý
“Bạn chính là người làm chủ số phận mình”). Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giải thích:
- Số phận: Có thể hiểu một cách đơn giản là sự sắp đặt từ trước của một thế lực siêu nhiên nào đó đối với cuộc đời một người. Theo đó, cuộc đời người này sẽ diễn ra đúng như sự định đoạt. Vui vẻ, hạnh phúc, khổ đau tất cả dều dựa vào sự sắp đặt.
- Làm chủ: Là tự mình quyết định cuộc sống của mình, không dựa dẫm hay bị chi phối bởi bất cứ yếu tố nào.
=> Số phận mỗi con người do chính bản thân nắm giữ, quyết định. Cuộc đời một người có vui hay buồn, khổ đau hay hạnh phúc là do chính bản thân họ tạo ra, nắm bắt và quyết định.
2. Chứng minh:
- Số phận mỗi cá nhân không phải do ông trời sắp đặt mà do sự lựa chọn, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của chính họ.
3. Bình luận:
- Đề cao những con người có tư duy tích cực, biết nắm bắt tự làm chủ cuộc đời mình.
- Phê phán lối tư duy ỷ nại, phó mặc đổ lỗi cho số phận.
- Trước khi đổ lỗi cho số phận con người hãy tự nhìn lại bản thân xem thử mình đã làm được gì đã vấp phải những lỗi sai nào để từ đó có đánh giá chính xác, khách quan làm cơ sở để sự hoàn thiện bản thân hướng tới cuộc sống tốt đẹp.
- Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
4. Tổng kết vấn đề
Câu 2:
Phương pháp: Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: “Con Sông Đà thu hút người đọc bởi sự hung bạo nhưng cũng làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp trữ tình”. Chứng minh thông qua đoạn trích.
Đọc kỹ đoạn trích, phân tích, bình luận
Cách giải:
I. Mở bài
- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.
- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Người lái đò sông Đà”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
- Khẳng đinh luận đề và khái quát nội dung đoạn trích: Con sông Đà thu hút người đọc bởi sự hung bạo nhưng cũng làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp trữ tình
II. Thân bài
1. Con sông Đà thu hút người đọc bởi sự hung bạo.
- Vách đá:
+ Dòng sông không trôi giữa đôi bờ “cát trắng phẳng lì” thơ mộng mà bờ sông “dựng vách thành”, cao vút, dựng đứng. Sử dụng nghệ thuật ẩn dụ những khối đá bờ sông được Nguyễn Tuân ví như những thành trì kiên cố, vững chãi và đầy rẫy sự nguy hiểm, bí ẩn, đe doạ trực chờ.
- Ghềnh Hát Loóng hung dữ:
- Ở Tà Mường Vát:
2. Con sông Đà làm say đắm người đọc bởi vẻ đẹp trữ tình..
-Vẻ đẹp Đà giang được miêu tả qua nhiều điểm nhìn, nhiều góc cạnh, không gian và thời gian khác nhau.
III. Kết bài
- Khẳng định lại nhận định về Sông Đà: “Con sông Đà thu hút người đọc bởi sự hung bạo nhưng cũng làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp trữ tình”
- Đánh giá nhận xét về nghệ thuật độc đáo, tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới
Thực tế cuộc sống quanh ta cũng cho thấy, có khá nhiều người không có bằng ĐH, không xuất chúng, cũng chẳng nổi tiếng như Bill Gates, nhưng sự thành công của họ lại có phần vượt trội không ít người có bằng ĐH.
Ngày nay, khi bạn có thực tài, nếu không làm cho cơ quan Nhà nước thì làm ở khu vực tư nhân; nếu không tư nhân thì là nước ngoài. Hay tự mình... dùng mình! Thậm chí, nếu ở trong nước không có đất dụng võ thì ra thế giới... Với công việc, năm châu bốn biển đều có thể là nhà của mình.
Hiện xã hội cũng đang "khát" nhân lực, hàng trăm ngàn công ty đang cần hàng triệu người có thực tâm, thực lực để giúp họ. Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện. Còn giả sử bạn nộp đơn vào một số nơi nào đó mà họ không quan tâm đến giá trị thực thì chắc hẳn nơi đó không thuộc về bạn. .......
Cuộc đời không quá dài để mình có thể phung phí thời gian, nhưng cũng đủ dài để làm được những gì mà mình muốn. Và cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên. Hãy tin rằng: "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp. Và rằng, trong cuộc đời, chỉ có "sự học" và "thực học" của mình mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của chính mình, và điều đó còn lớn lao hơn "ĐH" rất nhiều".
(Lược ghi ý kiến của ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE)
Câu 1. Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Nhận biết
Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ: "Cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên"
Câu 3. Thông hiểu
Theo anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: "Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện"?
Câu 4. Thông hiểu
Lời khuyên "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp"
gợi anh/chị suy nghĩ gì?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên qua đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ “Tây Tiến”.
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Câu 1.
Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2.
Phương pháp: đọc, phát hiện biện pháp tu từ dựa vào kiến thức đã học, nêu tác dụng.
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: So sánh (Cuộc đời so sánh với cuộc đua marathon)
- Tác dụng: Làm tăng sức gọi hình cho sự diễn đạt, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng đến sự việc đang bàn luận. Qua đó, người viết khẳng định ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó, sự cầu tiến,… sẽ tạo động lực để tuổi trẻ đạt được mục tiêu mình đề ra.
Câu 3.
Phương pháp: Đọc kỹ nỗi dung câu nói, phân tích, lý giải.
Cách giải:
Câu nói: "Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện" muốn khẳng định điều quan trọng mà người tuyển dụng cần là người có năng lực thực tế chứ không phải những người có bằng cấp cao nhưng lại không có thực lực.
Câu 4.
Phương pháp: phân tích, lí giải
Cách giải:
- Nội dung lời khuyên "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp" : Tương lai tuổi trẻ còn rộng mở, vẫn còn kịp để cố gắng phấn đấu, sống cống hiến làm đẹp cho cuộc đời mình. Thế nhưng nếu vì thế mà chần chừ thì chúng ta sẽ lãng phí thời gian, đánh mất tuổi xuân.
- Nêu suy nghĩ của bản thân:
+ Phải biết quý trọng thời gian, sống cống hiến hết mình cho cuộc đời
+ Cơ hội không đến nhiều lần trong cuộc đời. Vì thế, cần luôn tận dụng, nắm bắt nó từ khi còn trẻ để làm nên sự nghiệp của bản thân
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp: Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận (nghị luận về một vấn đề xã hội “Giá trị của “thực học” trong đời sống). Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: Giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.
2. Giải thích:
- “Thực học” nghĩa là học thật, nhằm hiểu biết thật, nắm tri thức thật, không phải là sự hiểu biết bên ngoài, giả tạo không có thực chất, không có mục đích chân chính, không hiểu quả, không có giá trị thật.
=> “Thực học” cần thiết đôi với tuổi trẻ và nó đang trở thành một vấn đề đáng được quan tâm trong cuộc sống hiện nay.
3. Bình luận:
- Giá trị của việc “thực học”.
- Bài học nhận thức và hành động:
+ Nhận thức: Tuổi trẻ phải hiểu và nắm bắt giá trị của thực học. Từ đó, xác định cho mình mục đích của việc học, xác định hướng đi đúng đắn.
+ Về hành động: Học tập, rèn luyện ngay từ khi còn trẻ, không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ….
4. Tổng kết vấn đề
Câu 2:
Phương pháp: Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: “Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến”. Nhận xét vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ. Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp
Cách giải:
I. Mở bài
- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Quang Dũng: Cuộc đời, con người và phng cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.
- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Tây Tiến”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.
- Khái quát nội dung của đoạn thơ: Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đêm liên hoan lửa trại cùng khung cảnh thiên nhiên miền Tây hoang sơ mĩ lệ.
II. Thân bài
1. Vẻ đẹp con người qua đêm liên hoan lửa trại thắm tình quân dân.
- Câu 1: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
-Câu 2: Kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Câu 3: Khèn lên man điệu nàng e ấp.
- Câu 4: Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
2. Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên Châu Mộc.
- Thời gian: Buổi chiều sương giăng mắc bồng bềnh, huyền ảo khiến cảnh vật mờ đi hư ảo.
- Không gian: Cảnh vật sông nước mênh mông với bến bờ hoang dại, nguyên thủy, đượm màu cổ tích như một bức tranh cổ điển, gọi vẻ tĩnh lặng nguyên sơ.
-Nỗi nhớ con người: Có nhớ dáng người trên độc mộc
-Nỗi nhớ thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng: Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
3. Nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ Tây Tiến.
- Qua hai đoạn thơ ngắn nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận ra vẻ đẹp lãng mạn của thơ Quang Dũng nói chung và Tây Tiến nói riêng.Bức chân dung của người lính Tây Tiến được đặt trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa hoang sơ dữ dội vừa hết sức thơ mộng
- Qua hai đoạn thơ hiện lên cái tôi hào hoa, thanh lịch giàu chất lãng mạn, với khả năng cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người đồng thời lại rất mực hồn nhiên, bình dị chân thật.
-Vẻ đẹp lãng mạn đã chi phối bài thơ Tây Tiến, từ ngôn ngữ , giọng điệu đến hình tượng người lính. Điều đó cugx góp phần khẳng định Quang Dũng là một nghệ sĩ tài hoa. Sáng tạo của người nghệ sĩ trong nghệ thuật không chỉ không lặp lại người khác mà còn không lặp chính mình.
III. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nội dung: Vẻ đẹp con người và thiên nhiên qua đêm liên hoan lửa trại cùng khung cảnh thiên nhiên miền Tây hoang sơ mĩ lệ
- Đánh giá nhận xét về vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi ở bên dưới
Một người trẻ nói: “Tôi vốn quen sống ngẫu hứng, tôi muốn được tự do. Kỷ luật không cho cuộc sống của tôi điều gì”. Bạn có biết khi quan tâm quá nhiều đến điều có thể nhận được sẽ khiến bản thân mê đắm trong những điều phù phiếm trước mắt. Kỷ luật chính là đôi cánh lớn nâng bạn bay lên cao và xa. Người lính trong quân đội được học từ những điều cơ bản nhất của kỷ luật như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, ăn cơm đúng bữa, gấp quân trang đúng cách,… cho đến những kỷ luật cao hơn như tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, đoàn kết trong tập thể,…Tất cả những điều đó để hướng tới một mục đích cao hơn là thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu, là tất cả phục vụ vì nhân dân vì đất nước. Đó là lý tưởng của họ. Thành công đến cùng tính kỷ luật tạo dựng sự bền vững lâu dài. Kỷ luật là sự huấn luyện nghiêm khắc mang đến cho bạn rất nhiều thứ. Đó là niềm đam mê, sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc. Nó giúp bạn giữ vững cảm hứng hoàn thành ý tưởng ban đầu, can đảm thực hiện tới cùng. Không những vậy, kỷ luật còn là người thầy lớn hướng dẫn từng bước đi của bạn. Người thầy luôn đặt ra những thử thách rèn bản thân sống có nguyên tắc hơn nhắc nhở bản thân từ mục đích ban đầu khi ra bước đi là gì. Kỷ luật không lấy đi của bạn thứ gì nó đem đến cho bạn nhiều hơn những điều bạn tưởng.
(Nguồn https://www.ctgroupvietnam.com/Tin-Tuc/cau-chuyen-cuoi-tuan-suc-manh-cua-tinh- ky-luat)
Câu 1. Nhận biết
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Thông hiểu
Trong văn bản, rất nhiều thứ mà kỷ luật mang đến cho bạn là những thứ gì?
Câu 3. Thông hiểu
Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Kỷ luật chính là đôi cánh lớn nâng bạn bay lên cao và xa.
Câu 4. Vận dụng
Anh, chị có đồng tình với quan điểm của một người trẻ ở phần đầu văn bản không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1.
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về sức mạnh của tính kỷ luật
trong cuộc sống con người được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2.
“Dữ dội và dịu êm Trước muôn trùng sóng bể
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”
(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của tác giả Xuân Quỳnh.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1.
Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2.
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Trong văn bản, rất nhiều thứ mà kỉ luật mang đến cho bạn là:
- Niềm đam mê, sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc;
- Giúp giữ vững cảm hứng hoàn thành ý tưởng ban đầu, can đảm thực hiện tới cùng;
- Là người thầy lớn hướng dẫn từng bước đi của bạn.
Câu 3.
Phương pháp: Đọc, phát hiện biện pháp tu từ dựa vào kiến thức đã học, nêu tác dụng
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: so sánh (kỷ luật so sánh với đôi cánh lớn)
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, giúp mọi người hình dung được ý nghĩa của kỷ luật. Kỷ luật giúp chúng ta thực hiện nguyện vọng cá nhân, chắp cánh cho ước mơ của mỗi người.
Câu 4.
Phương pháp: Phân tích, lí giải.
Cách giải:
Vì cách sống của cá nhân là do mỗi người tự quyết định. Nếu bạn muốn sống một cách tự do, ngẫu hứng thì điều này không ai có thể ngăn cản hoặc bắt bạn sống theo cách khác. Nhưng nếu nói kỷ luật không cho cuộc sống của tôi điều gì thì hoàn toàn sai. Kỷ luật mang đến cho ta sự quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc, làm cho ta trở thành con người sống có nguyên tắc hơn và bạn vẫn có thể sống một cách tự do, ngẫu hứng nhưng có kỷ luật.
II. LÀM VĂN
Câu 1
Phương pháp: Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của tính kỷ luật. Phân tích, lí giải, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giải thích:
Tính kỷ luật là sự tuân thủ thực hiện các nguyên tắc trong công việc và cuộc sống một cách
nghiêm khắc.
2. Bàn luận:
- Sức mạnh của tính kỷ luật:
+ Kỉ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu.
+ Tính kỉ luật giúp con người không bao giờ rời bỏ mục tiêu dù có khó khăn, trở ngại.
+ Tính kỉ luật có sức mạnh lan truyền nghị lực cho người khác, khơi bùng được tình yêu và niềm hăng say lao động trong tập thể và cộng đồng.
+ Người có tính kỉ luật lúc nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ gặt hái được nhiều thành công.
Dẫn chứng: Nhà phát minh vĩ đại của nhân loại Thomas Edison…
- Hiểu được sức mạnh của tính kỷ luật, rèn luyện ý chí, quyết tâm chinh phục những điều lớn lao.
- Phê phán những người sống thiếu kỷ luât, vô tổ chức, sống thiếu nghị lực và quyết tâm.
3. Kết luận: Khái quát lại vấn đề.
Câu 2:
Phương pháp: Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng người phụ nữ đang yêu. Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng
- Giới thiệu hình tượng Sóng, tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
2. Thân bài:
* Cảm nhận về hình tượng sóng và tâm trạng người phụ nữ đang yêu.
- Bài thơ dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng sóng và em. Sóng chính là ẩn dụ của em- người phụ nữ đang yêu. Sóng giống như em và sóng cũng chính là em. Với mỗi khám phá về sóng, em lại thấy có mình ở trong đó.
- Khổ 1: Sóng được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: dữ dội- dịu êm, ồn ào- lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi. Cũng như sóng, người phụ nữ đang yêu tự nhận thức về biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu dàng, sâu lắng.
- Khổ 2: Hiểu được quy luật: Từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ luôn luôn chuyển động. Sóng mãi bồi hồi, dào dạt, sôi nổi trong lòng biển cũng như tình yêu mãi mãi là niềm khát khao cháy bỏng, bồi hồi trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ.
- Khổ 3, 4: Em truy tìm nguồn gốc của sóng, mượn sóng để cắt nghĩa nguồn gốc của tình yêu nhưng tình yêu mãi mãi vẫn là điều bí ẩn mà em không bao giờ lí giải được.
3. Kết bài:
- Mượn hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả được sự nồng nàn, mãnh liệt, cháy bỏng mà đằm thắm, dịu dàng và cũng không ít âu lo, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu.(-> Đây là tình cảm mang tính truyền thống nhưng được diễn tả, giãi bày bằng hình thức mới mẻ, hiện đại)
- Bài thơ là một cách nói đậm chất Xuân Quỳnh về tình yêu của người phụ nữ, trong đó, sóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Thoại Ngọc Hầu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Khai Nguyên
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Thị Diệu
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Tri Phương
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Hoa Lư
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Lương Văn Can
- Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Khai Nguyên
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !