YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Thị Diệu

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Thị Diệu dưới đây. Tài liệu này nhằm giúp các em ôn luyện kiến thức để chuẩn bị cho kì thi giữa học kì 2 sắp tới đạt điểm thật cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT

NGUYỄN THỊ DIỆU

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thuở nhỏ tôi ra ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi hệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

(Đò Lèn – Nguyễn Duy, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 148)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ. (0,5 điểm)

Câu 2. Các từ “lảo đảo”, “thập thững” có vai trò gì trong việc thể hiện những hình ảnh cô đồng và người bà.(0,5 điểm)

Câu 3. Sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cực của người bà thể hiện qua những hồi ức nào? Người cháu đã bày tỏ nỗi niềm gì qua những hồi ức đó? (1,0 điểm).

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ câu trả lời của anh/chị cho câu hỏi về hạnh phúc: "Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?"

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và những nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp với biểu cảm.

Câu 2 (0,5 điểm) Từ “lảo đảo” gợi tả chân thực và sinh động hình ảnh cô đồng trong trạng thái nhập đồng nửa tỉnh, nửa say; từ “thập thững” gợi tả hình ảnh người bà già nua, tần tảo bước thấp, bước cao trong trí nhớ của tác giả.

Câu 3 (1,0 điểm)

  • Sự vô tâm của người cháu được thể hiện rõ qua câu thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”.
  • Nỗi vất vả của người bà được thể hiện qua biện pháp liệt kê các công việc của bà “mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh”; các địa danh “Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Dao” và qua hình ảnh người bà “thập thững” trong những đêm đông lạnh.

==> Người cháu trong đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc và lẫn niềm ân hận về sự vô tình vô tâm đối với bà qua những hình ảnh tương phản đối lập giữa một bên là người cháu tinh nghịch, hiếu động với một bên là người bà già nua, cơ cực, tần tảo, chắt chiu, thương cháu hết lòng.

Câu 4 (1,0 điểm) Có thể trình bày một trong các thông điệp sau:

  • Sống trong đời sống, dù trong hoàn cảnh nào cũng không nên sống vô tình, vô tâm.
  • Hãy sống và quan tâm đến những người xung quanh mình, nhất là những người thân.
  • Sống hãy biết ăn năn và cảnh tỉnh sau những lỗi lầm.
  • Lỗi lầm vì vô tình vô tâm là khó tránh khỏi trong đời. Điều quan trọng là hãy biết cảnh tỉnh.

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Gợi ý trình bày

Mở đoạn:(0,25 điểm)Nêu được vấn đề cần nghị luận: chia sẻ suy nghĩ của bản thân về hạnh phúc: Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?

Thân đoạn:(1,5 điểm) Học sinh chia sẻ câu trả lời của mình, thực chất là bày tỏ ý kiến về hai quan niệm hạnh phúc.

* Giải thích (0,5 điểm): Hạnh phúc là niềm vui, sự hài lòng khi con người đạt được những điều tốt đẹp.

* Bình luận (0,5 điểm): Khẳng định quan niệm trong hai câu hỏi đều đúng:

  • Hạnh phúc là đem đến niềm vui cho người khác, bởi ta vui khi mình sống đẹp, sống có ích, biết vị tha, làm được điều tốt đẹp cho người khác, giúp người khác hạnh phúc.
  • Hạnh phúc là sự hài lòng của riêng bản thân mình, khi ta đạt được những nhu cầu, khát vọng chính đáng của bản thân, tạo ra được những thành quả tốt đẹp, nâng cao giá trị sự sống.

* Bàn luận, nêu bài học nhận thức (0,5 điểm):

  • Quan niệm của học sinh về hạnh phúc: cần kết hợp cả hai - đem đến niềm vui cho người khác và bản thân được hài lòng – thì hạnh phúc mới trọn vẹn, ý nghĩa.
  • Phê phán: suy nghĩ, cách sống vị kỉ, chỉ biết tới hạnh phúc riêng…

Kết đoạn: (0,25 điểm) Khẳng định lại ý nghĩa của việc lựa chọn quan niệm hạnh phúc để tạo ra hạnh phúc và có cuộc sống hạnh phúc.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25 đ)

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng người lái đò (0,5 điểm)

* Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thác tác lập luận để trình bày các luận điểm, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng (3,25 đ).

1, Giới thiệu khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm (0,5 điểm)

  • Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Ông là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân sáng tác nhiều thể loại song đặc biệt thành công ở thể tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân về thể loại này là tùy bút “Người lái đò Sông Đà”.
  • “Người lái đò Sông Đà” được Nguyễn Tuân sáng tác sau những chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” xuất bản năm 1960. Nội dung bài tùy bút là miêu tả con Sông Đà và hình ảnh người lái đò vượt thác.

2. Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà (2,5 điểm)

- Giới thiệu khái quát về người lái đò:

  • Công việc
  • Ngoại hình

- Các phẩm chất nổi bật của nhân vật được thể hiện qua cuộc giáp chiến căng thẳng với con sông Đà hung bạo

+ Diễn biến trận chiến: các trùng vây hiểm trở, cách người lái đò vượt thác dữ và chiến thắng, phong thái ung dung sau khi vượt thác sông Đà.

  • Vòng vây thứ nhất: Thác Sông Đà mở ra “năm của trận”, có bốn “cửa tử”, một “cửa sinh”. Cửa sinh nằm “lập lờ ở phía tả ngạn”. Khi con thuyền xuất hiện, phối hợp với đá, nước thác reo hò làm “thanh viện” cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Có hòn đá trông nghiêng thì y như là đang hỏi cái thuyền “phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”. Hòn đá khác thì lùi lại một chút và “thách thức” cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Không một chút nao núng, ông đò hai tay giữ mái chèo để khỏi bị hất lên khi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Nhìn thấy con thuyền và người lái đò, mặt nước “hò la vang dậy”, ùa vào mà “bẻ gãy cán chèo”, võ khí của người lái đò. Sóng nước thì như thể quân liều mạng, vào sát nách mà “đá trái mà thúc gối” vào bụng và hông thuyền, có lúc chúng “đội cả thuyền lên”. Nước bám lấy thuyền như đô vật “túm lấy thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra”… Ông đò đã bị thương, nhưng ông “cố nén vết thương”, hai chân vẫn “kẹp chặt lấy cuống lái”. Cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt, sóng nước “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm” vào chỗ hiểm. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy “ngắn gọn tỉnh táo” của người cầm lái. Và ông lái đò đã phá xong cái “trùng vi thạch trận” vòng thứ nhất của thác Sông Đà.
  • Vòng vây thứ hai: thác Sông Đà lại “tăng thêm nhiều cửa tử” để đánh lừa con thuyền. Vẫn chỉ có một cửa sinh. Nếu ở vòng thứ nhất, cửa sinh nằm “lập lờ phía tả ngạn”, thì ở vòng thứ hai này, cửa sinh lại “bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Đó chính là khó khăn, thách thức đối với người lái đò. Nhưng ông lái đò đã “thuộc qui luật phục kích” của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Ông hiểu rằng cưỡi lên thác Sông Đà phải “cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Cuộc chiến của ông lái đò ở vòng thứ hai đã bắt đầu. Nắm chặt cái bờm sóng đúng luồng, ông đò ghì cương lái bám chắc lấy luồng nước đúng mà “phóng nhanh vào cửa sinh” rồi “lái miết một đường chéo” về phía cửa đá ấy. Thấy con thuyền tiến vào, bốn năm bọn thủy quân bên bờ trái liền “xô ra” định níu con thuyền “lôi vào tập đoàn cửa tử” mà tiêu diệt. Nhưng ông lái đò vẫn “nhớ mặt” bọn này, đứa thì ông tránh mà “rảo bơi chèo lên”, đứa thì ông “đè sấn lên mà chặt đôi ra” để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền, chỉ còn vẳng tiếng reo hò của của sóng thác luồng sinh. Tuy vậy, bọn chúng vẫn “không ngớt khiêu khích”, dù cái thằng đá tướng đứng ở cửa vào đã “tiu nghỉu cái mặt xanh lè” vì bị thua cái thuyền du kích nhỏ bé.
  • Vòng vây thứ ba: hác Sông Đà ít cửa hơn nhưng bên phải bên trái đều là “luồng chết” cả. Cái “luồng sống” ở chặng thứ ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ. Ông lái đò đã hiểu điều đó. Ông cứ “phóng thẳng thuyền” chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền của ông đò “vút qua” cổng đá cánh mở cánh khép với ba tầng cửa: cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng. Con thuyền của ông đò “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái lượn được”. Vượt qua vòng vây thứ ba cũng là vượt qua hết thác Sông Đà. Ông lái đò như một người chỉ huy lão luyện, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm. Ông là một nghệ sĩ tài hoa với nghề vượt thác leo ghềnh.

+ Những phẩm chất của người lái đò : bình tĩnh, can đảm, thông minh, táo bạo, giàu kinh nghiệm, tài hoa khéo léo…

- Nghệ thuật xây dựng hình tượng

  • Khắc họa hình tượng người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc- Ý nghĩa quan trọng của việc khắc họa vẻ đẹp hình tượng nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng , quan niệm về cái Đẹp của tác giả: qua hình tượng này, Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm người anh hùng đâu chỉ có trong chiến đấu mà có thể xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống lao động bình dị.
  • Ông lái đò là một hình tượng đẹp về người lao động mới bình dị vừa cần cù, dũng cảm vừa khéo léo tài hoa – một chất vàng mười của Tây Bắc, của đất nước trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Phân tích những nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ông lái đò của Nguyễn Tuân:

  • Tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò: nét tài hoa, nghệ sĩ của con người không chỉ thể hiện trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nữa.
  • Ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình: càng nhấn mạnh thách thức ghê gớm của ”thạch trận” sông Đà, tác giả càng khắc họa sinh động sự từng trải, mưu mẹo, quyết đoán và gan dạ của ông lái đò.
  • Sử dụng từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị…..
  • Miêu tả ông lái đò vượt thác, tác giả đã sử dụng tri thức của nhiều lĩnh vực như thể thao, quân sự, võ thuật…, với những câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, hối hả, gân guốc; với từ ngữ sống động, giàu hình ảnh, mới lạ, độc đáo

3, Đánh giá (0,25 điểm)

Thông qua tác phẩm, tác giả đã khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc. Những con người lao động bình dị, cần cù nhưng không chịu khuất phục trước những thử thách của thiên nhiên. Đồng thời tác phẩm cũng thể hiện tình yêu mến, sự gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với đất nước và con người Việt Nam.

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

“… Nguy hơn, thực phẩm bẩn chính là kẻ sát nhân thầm lặng, ảnh hưởng và di hại đến nhiều thế hệ làm kiệt quệ giống nòi, người tiêu dùng có còn đủ tỉnh táo để phân biệt trong ma trận thực phẩm đang giăng như mạng nhện ấy đâu là sạch, đâu là bẩn hay lực bất tòng tâm để rồi “nhắm mắt đưa chân”.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều. Mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống chẳng lẽ bó tay trước những người đang đầu độc dân tộc mình!

Phát triển sẽ là gì nếu không phải giúp người dân nâng cao đời sống, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để mỗi chúng ta sống và đóng góp cho xã hội, nhưng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”.

(Trích Vấn nạn thực phẩm bẩn, chẳng nhẽ bó tay? – Th.s Trương Khắc Hà)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại nào của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy cho biết thái độ của tác giả khi bàn về thực phẩm bẩn? (1,0 điểm)

Câu 4. Nêu nội dung khái quát đoạn trích? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị có suy nghĩ gì trước vấn nạn: “…thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay như là cái u ác tính cho cả dân tộc” ? Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình.

Câu 2 (5,0 điểm) Phân tích bức tượng người lính Tây Tiến qua đoạn thơ sau

“…Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá,dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2. Tác giả đã chỉ ra những mối nguy hại của thực phẩm bẩn nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu: 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt sẽ còn cao hơn rất nhiều; mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, cải tạo nòi giống sẽ không đạt kết quả.

Câu 3. Thái độ của tác giả: lo lắng, trăn trở về vấn nạn thực phẩm bẩn; kêu gọi cả xã hội cùng hành động bằng những biện pháp kịp thời.

Câu 4. Nêu lên hiện trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường nước ta, những tác hại của thực phẩm bẩn và lời kêu gọi mọi người cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn thực phẩm bẩn.

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

*Yêu cầu về hình thức: (0,25đ)

- Viết bài văn, khoảng 200 từ

- Bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...

*Yêu cầu về nội dung: (1,75đ)

a. Giải thích (0,25 điểm)

  • Thực phẩm bẩn là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.
  • U ác tính: nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư, là mầm mống hủy hoại hủy hoại sức khỏe của dân tộc, giống nòi.

b. Thực trạng (0,25 điểm)

- Thực phẩm bẩn đang hoành hành tràn lan trở thành quốc nạn…

  • Hầu hết thức ăn ta ăn đều có chứa chất độc hại:thịt có chất tạo nạc, rau có thuốc trừ sâu; làm đỗ, ruốc bằng hóa chất..
  • Thực phẩm bẩn gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe con người: ngộ độc, tiềm ẩn nguy cơ mắc các căn bệnh nan y…

c. Nguyên nhân (0,5 điểm)

- Về phía doanh nghiệp, người sản xuất

  • Vì lợi nhuận đã sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi; thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng và bảo quản thực vật, hóa chất làm chín trái cây...
  • Sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.

- Về phía người tiêu dùng

  • Thiếu hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trên thị trường.
  • Tâm lí ham của rẻ, mẫu mã đẹp...

- Về phía cơ quan có thẩm quyền

  • Chưa xử lí thích đáng đối với các trường hợp sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn
  • Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan pháp luật với các tổ chức khoa học để nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn…

d. Hậu quả (0,25 điểm)

  • Thực phẩm bẩn khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, tính mạng bị đe dọa, là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư...
  • Gây nên tâm lí hoang mang, sự bất ổn nảy sinh trong xã hội…

==> Cần sớm có những biện pháp kịp thời và hiệu quả để xử lí tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay. Đòi hỏi có sự chung tay của các cơ quan quản lí, sự phát giác của người dân và ý thức của người sản xuất.

d. Giải pháp (0,5 điểm)

  • Nâng cao hiểu biết cho cả người sản xuất lẫn người tiêu thụ về tác hại khôn lường, lâu dài của việc sản xuất, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm bẩn.
  • Xử lí thích đáng việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn.
  • Đẩy mạnh sản xuất thực phẩm hữu cơ, sạch, an toàn cho sức khỏe.
  • Lên án những hành vi nuôi trồng, buôn bán thực phẩm bẩn.
  • Mỗi người ý thức chung tay cùng xã hội đẩy lùi thực phẩm bẩn bằng những hành động thiết thực…

Câu 2 (5,0 điểm)

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả, hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

- Quang Dũng (1921-1988 ) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình.

- Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho đời thơ, phong cách sáng tác của ông.

- Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ . Có thể nói, nỗi nhớ da diết những người đồng đội Tây Tiến của Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ khắc hoạ bức chân dung người lính Tây Tiến

II. Thân bài:

a. Giới thiệu khái quát tác phẩm

- Bài thơ Tây Tiến được in trong tập thơ “ Mây đầu ô” ( xuất bản năm 1986 ) nhưng trước đó đã được bao thế hệ người yêu thơ truyền tay tìm đọc. Tác giả sáng tác bài thơ này từ năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị quân đội Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quânTây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Lúc đầu, nhà thơ đặt tên tác phẩm là Nhớ Tây Tiến, nhưng sau đó lại đổi lại là Tây Tiến. Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.

- Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội , hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến . Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa , lãng mạn , phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ , dữ dội, mĩ lệ .

b. Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng.

III. Kết bài:

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)--

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc các đoạn trích và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

1. Một anh chàng có tên là Bryan Anderson đang lái xe trên đường cao tốc thì gặp một bà cụ già đang đứng cạnh chiếc xe hơi Mercedes mới cứng bị xịt lốp với dáng vẻ lo lắng.

     Anderson liền dừng xe và đi bộ lại chỗ cũ. Thấy một anh đầu tóc bù xù, quần áo nhếch nhác, vẻ mặt hơi dữ, râu ria không cạo, cụ già hơi sợ. Cụ đành gật đầu vì đã đợi cả tiếng trên cao tốc dưới nắng gắt mà không ai dừng lại giúp.

     Chỉ trong mươi phút, chàng trai đã thay xong cái lốp bị hỏng dù quần áo bị bẩn lem luốc thêm, tay anh bị kẹt sưng tấy.

     Khi xong việc, cụ bà hỏi, anh lấy bao nhiêu nhưng Anderson cười và nói “Cụ chẳng nợ chi ạ. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi.

(Con người và sự tử tế, Hiệu Minh, Báo Vietnamnet, 29/03/2016)

2. Giờ đã là 1 giờ sáng nhưng cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang, 22 tuổi, vẫn đang ngồi ngoài vỉa hè lạnh giá để khám bệnh miễn phí cho ông Nguyễn, một người đàn ông vô gia cư 70 tuổi. Con đường này là nơi nương náu duy nhất của ông khi đêm xuống.

     Ông mặc ba lớp áo để chống lại cái lạnh. Ông kêu đau tay và lưng do công việc sửa xe đạp. Không do dự, Trang nhẹ nhàng đưa tay xoa các ngón tay cho ông. Sau khi hỏi han xong, cô đã trao cho ông ba miếng dán Salonpas. Ông Nguyễn đã rất xúc động cảm ơn cô.

      Ông nói: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

(“Chuyện người tử tế” Việt Nam lên báo nước ngoài, Phạm Khánh lược dịch, Infonet, 22/03/2017)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong hai đoạn trích trên (nhận biết)

Câu 2: Việc làm của anh Bryan Anderson và cô sinh viên y khoa Chu Thương Minh Trang trong hai đoạn trích trên có thể gọi tên là gì? Anh/ chị có đồng tình với những việc làm đó không, vì sao?

Câu 3: Câu nói của anh Bryan Anderson và lời chia sẻ của ông Nguyễn trong hai đoạn trích trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì?

Anh Bryan Anderson: "Cụ chẳng nợ chi cả. Nếu muốn trả tiền công, lần sau thấy ai cần sự trợ giúp thì cụ hãy giơ tay bàn tay thân ái. Và lúc đó cụ nghĩ đến cháu, thế là vui lắm rồi."

Ông Nguyễn: “Tôi sống rất vất vả. Tôi rất cảm kích khi những người tình nguyện viên trẻ này tới thăm. Tôi đã trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn nữa bởi vì tôi biết có những người tốt xung quanh giúp đỡ mình”.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1: Từ hai đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự lan tỏa của việc làm tử tế trong cuộc sống hiện nay.(2 điểm)

Câu 2: Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta. Phân tích nhân vật người lái đò trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận xét trên. Từ đó, hãy nêu một vài suy nghĩ của anh/chị về những phẩm chất cần có của mỗi người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.(5 điểm)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: tự sự.

Câu 2:

- Việc làm của hai người trong hai đoạn trích trên là việc làm tử tế.

- Đồng tình với những việc làm trên vì đó là những việc làm tốt, xuất phát từ tấm lòng nhân ai, yêu thương con người. Nếu mỗi người đều có những việc làm, những tấm lòng như vậy thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 3:

Câu nói của hai nhân vật trong hai đoạn trích gợi cho em suy nghĩ:

- Sự tử tế, lòng nhân ái cần được mang đến cho tất cả mọi người, cần được nhân rộng ra.

- Sự tử tế, lòng nhân ái đem lại niềm vui và hạnh phúc không chỉ cho người mà còn cho cả người nhận. Đó cũng là sự chia sẻ, đồng cảm.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích vấn đề:

- Tử tế: chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé, chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ “tử tế” có nghĩa là cẩn trọng từ những việc nhỏ bé.

- Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa con người với con người trong cách đối nhân xử thế, là một giá trị đẹp và nhân văn.

- Tử tế không phải là có tiền bạc mà mua được hoặc muốn là có ngay, mà phải được học hành, được rèn luyện, kế thừa và giữ gìn.

- Sự lan tỏa của tử tế tức là sự tử tế được nhân rộng ra khắp toàn xã hội.

* Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Tác dụng của việc lan tỏa sự tử tế:

+ Giúp mỗi người sống vui vẻ, hạnh phúc.

+ Giúp quan hệ giữa người với người trở nên văn minh hơn. Con người biết đồng cảm và sẻ chia với nhau hơn.

+ Giúp xã hội phát triển lành mạnh, thế giới không còn bạo lực, chiến tranh.

- Việc lan tỏa sự tử tế trong xã hội hiện nay là một điều cần thiết:

+ Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật, cuộc sống con người ngày càng bộc lộ rõ nhiều mặt trái của nó: bạo lực, chiến tranh…

+ Sự tử tế giúp con người nhận thức lại hành động của bản thân, kiểm soát bản thân và đối nhân xử thế một cách đàng hoàng.

- Làm cách nào để lan tỏa sự tử tế:

+ Nó bắt đầu từ sự giáo dục. Đầu tiên là sự giáo dục từ gia đình – cái nôi hình thành nhân cách cá nhân, nhà trường – nơi hoàn thiện nhân cách, xã hội – nơi đấu tranh để bảo vệ những giá trị tử tế đã được lên hình lên hài thời niên thiếu,…

+ Nó bắt đầu từ ý thức cá nhân. Mỗi con người sẽ có những lựa chọn ứng xử khác nhau. Sự tử tế cũng là một lựa chọn. Có những người bị môi trường bên ngoài tác động mà có những phản ứng tiêu cực, những hành động xấu.

* Liên hệ bản thân: Anh/chị đã làm gì để góp mình vào sự lan tỏa sự tử tế trong xã hội? Có câu chuyện nào về việc tử tế/ chưa tử tế với người nào để chia sẻ?

Câu 2:

1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận xét:

- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.

- Nét nổi bật trong phong cách của ông là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mỹ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Đặc biệt ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mỹ.

- Người lái đò sông Đà là thiên tùy bút rút trong tập Sông Đà(1960) của Nguyễn Tuân, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn của ông: tài hoa, uyên bác, lịch lãm.

- Nhẫn xét về tác phẩm, có ý kiến cho rằng: “Trong con mắt của Nguyễn Tuân, con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta”. Hình ảnh người lái đò trong tác phẩm chính là chất vàng mười mà tác giả đã đi tìm bấy lâu.

2. Thân bài

* Giải thích ý kiến:

- "Vàng mười": chỉ những gì tinh túy nhất, cao quý nhất, giá trị nhất.

=> Con người Tây Bắc mới thực sự xứng đáng là thứ vàng mười của đất nước ta: Nguyễn Tuân muốn khẳng định tài năng hiếm có của người lái đò, nó được rèn luyện, thử thách qua nguy hiểm, khó khăn, không những thế, nó vượt qua ngưỡng là một công việc lao động bình thường trở thành một thứ nghệ thuật cao cấp và nâng tầm người thực hiện lên bậc nghệ sĩ.

* Phân tích hình ảnh người lái đò sông Đà:

2.1. Giới thiệu chân dung, lai lịch

2.2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà

a) Vẻ đẹp trí dũng:

b) Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ:

* Đánh giá:

Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật:

* Tổng kết vấn đề.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON