YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Huệ

Tải về
 
NONE

Tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Huệ dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện kĩ năng làm thử đề thi theo cấu trúc của đề THPT Quốc gia để chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt. Những đề thi này bao gồm các câu hỏi Đọc hiểu và Làm văn bám sát theo chương trình học của các em. Chúc các em sẽ có một kì thi thật tốt nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Ích kỉ và biết yêu bản thân đúng cách là hoàn toàn đối lập nhau.

Sự ích kỉ và sự yêu bản thân một cách lành mạnh cần được phân biệt rõ.

Con người ích kỉ thích mình là trung tâm của sự chú ý, thích được công nhận và không quan tâm đến người xung quanh.

Trong khi đó, yêu bản thân làm cho chúng ta tôn trọng mong ước của chúng ta cũng như của những người khác hơn. Có nghĩa là chúng ta có thể cảm thấy tự hào về bản thân mình vì những cái mình đạt được mà không cần nói cho tất cả mọi người biết và chấp nhận những thiếu sót của mình để cải thiện bản thân.

Một tình yêu bản thân lành mạnh sẽ không buộc chúng ta phải giải thích vì sao chúng ta đi nghỉ, hay phải mua giày mới, hoặc chiều chuộng bản thân mình tí chút. Chúng ta cảm thấy thoải mái khi làm việc này hay việc kia làm cho đời sống chúng ta tốt đẹp hơn lên.

Khi chúng ta thực sự coi trọng giá trị của mình, không cần phải nói với người ngoài là chúng ta tốt hay giỏi như thế nào. Chỉ có người không thuyết phục được bản thân là họ có giá trị thật sự thì mới oang oang với mọi người về lòng tốt của mình.

(Andrew Matthews - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Tập 1, NXB Trẻ, 2011, tr. 24-25)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, sự ích kỉ và yêu bản thân một cách lành mạnh khác nhau như thế nào?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Khi chúng ta thực sự coi trọng giá trị của mình, không cần phải nói với người ngoài là chúng ta tốt hay giỏi như thế nào?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về tác hại của lối sống ích kỉ.

Câu 2 (5,0 điểm)

“Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch. Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.”

(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.30)

Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng được nhà văn Kim Lân thể hiện trong đoạn trích trên . Từ đó, nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Lân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. 

- Điểm khác nhau giữa sự ích kỉ và yêu bản thân một cách lành mạnh:

+ Người ích kỉ thích mình là trung tâm của sự chú ý, thích được công nhận và không quan tâm đến người xung quanh.

+ Còn yêu bản thân là tôn trọng mong ước của mình cũng như của những người khác; cảm thấy tự hào vì những cái mình đạt được nhưng cũng biết chấp nhận cả những thiếu sót của mình để cải thiện bản thân.

Câu 3.

- Ý kiến được hiểu là:

+ Khi ta thực sự coi trọng giá trị bản thân, tức là nhận biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình; biết cách phát huy tối đa những tiềm lực vốn có và sửa chữa những khuyết điểm để hoàn thành tốt các công việc đảm nhận..., cộng đồng, xã hội sẽ ghi nhận thành quả của chúng ta mà không cần ta phải nói ra bằng lời.

+ Một lời khuyên đối với mỗi người: cần biết coi trọng giá trị của bản thân mình.

Câu 4. 

HS rút ra một thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Có thể theo gợi ý sau: Mỗi người cần biết tự hào và yêu bản thân một cách lành mạnh.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề cần nghị luận. Có thể theo hướng sau:

- Lối sống ích kỉ là lối sống của những người chỉ biết có mình, vì mình, chỉ sống cho bản thân, lo cho lợi ích bản thân mà không quan tâm tới những người khác. Lối sống ấy không chỉ làm hại chính bản thân người đó mà còn làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Người sống ích kỉ sẽ bị mọi người xa lánh nên sẽ có một cuộc sống cô độc, buồn tẻ. Vì thờ ơ với cộng đồng, với những người xung quanh nên khi gặp khó khăn, họ sẽ không được ai giúp đỡ... Nếu xã hội có nhiều người ích kỉ thì chắc chắn xã hội đó sẽ không thể tiến bộ, văn minh và phát triển được.

Câu 2.

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả tác phẩm và đoạn trích

* Phân tích tâm trạng nhân vật Tràng:

- Hoàn cảnh: Buổi sáng đầu tiên sau khi “nhặt vợ”

- Tâm trạng:

+ Ngạc nhiên trước sự thay đổi của cảnh vật và ngôi nhà

+ Cảm động trước cảnh tượng gần gũi, quen thuộc

+ Yêu thương, gắn bó với gia đình

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

“Nên biết ngay độc đáo không có nghĩa là lập dị, và ngang tàng không có nghĩa là phá phách. Độc đáo chỉ có nghĩa là mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác hẳn nhau (gia đình giàu hay nghèo, đạo hạnh hay thất đức, êm ấm hay chia rẽ, rồi chỗ đứng của tôi trong hàng ngũ anh em, tôi có nhiều chị hay nhiều anh em trai; học đường; chỗ giao du của tôi và của cha mẹ anh em tôi; sức khỏe của tôi, tính khí của tôi; những cái may và những cái rủi đã đánh dấu đời tôi v.v…): như vậy, tôi không nên và không thể lấy lí tưởng của anh bạn N làm lí tưởng sống của tôi, cả đời sống của anh trai tôi cũng khác đời sống của tôi. Nếu tôi hiểu rằng tôi có những khả năng khác người ta, - khác không có nghĩa là trội hơn, vì có thể kém, nhưng kém một cách khác, chớ không phải kém như kiểu một người có một ngàn đồng và người kia có mười triệu đồng; khả năng con người không tính bằng lượng, mà tính bằng phẩm, - phải, nếu tôi hiểu khả năng của tôi và biết tôi phải tận dụng khả năng đó để thể hiện ý nghĩa của cuộc nhân sinh của tôi, tất nhiên tôi sẽ không thể sống một cách vô vị, vật vờ như bóng ma và ỷ lại như một người sống bám”.

(Trích “Triết học hiện sinh” – Trần Thái Đỉnh – Công ty sách Thời Đại & NXB Văn Học)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là sự độc đáo?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Khả năng con người không tính bằng lượng, mà tính bằng phẩm”?

Câu 4. Từ việc đọc nội dung đoạn trích, anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về chủ đề: Tôi là duy nhất.

Câu 2 (5,0 điểm)

Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

 (Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 30)

Phân tích hình tượng nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về cách nhìn của nhà văn về vẻ đẹp của người lao động.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, “Độc đáo chỉ có nghĩa là mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác hẳn nhau”

Câu 3. “Khả năng con người không tính bằng lượng, mà tính bằng phẩm” được hiểu là: Khả năng của con người được đánh giá bằng phẩm chất, giá trị của người đó và chất lượng của những hành động mà người đó thực hiện; chứ không căn cứ vào hình thức bên ngoài, những lời nói và hành động vô nghĩa.

Câu 4. Tham khảo thông điệp:

- Hãy sống là chính mình

- Hãy thể hiện sự độc đáo của bản thân

- Không nên sống như một bản sao của người khác

II. LÀM VĂN

Câu 1 

Hs có thể triển khai theo nhiều hướng khác nhau. Dưới đây là gợi ý:

- Mỗi người đều được sinh ra với những tố chất và hoàn cảnh khác nhau, cho nên, mỗi người là một cá thể độc đáo, duy nhất.

- Khi ý thức được rằng mình là duy nhất, bạn sẽ có đủ tự tin để phát huy những tiềm năng của bản thân

- Khi ý thức được mình là duy nhất, bạn sẽ không ỷ lại, không sống bám, không lấy hình ảnh, cuộc đời của người khác làm phương châm sống cho mình. Do vậy, bạn cũng không bị người khác chi phối một cách mù quáng.

- Phê phán những người không tự tìm hiểu bản thân, không ý thức về giá trị bản thân.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Một trong những điều tử tế của chúng ta trong quan hệ với mọi người là giữ được đức tính khiêm tốn của bản thân mình. Tuy nhiên, nhiều người thường đánh đồng đức tính khiêm tốn với sự yếu đuối. Thật ra phải nói ngược lại mới đúng. Khiêm tốn như thỏi nam châm thu hút thiện chí của mọi người và làm nên giá trị của con người.

Khiêm tốn không phải là một hành động, mà là một thái độ. Đó là thái độ biết tôn trọng người khác hơn là đề cao bản thân. Người khiêm tốn là người biết lắng nghe một cách chân thành. Họ quan tâm đến người khác mà không bận tâm đến các yếu tố xung quanh như địa vị, sang hèn, thành công, thất bại… Đối với họ, lắng nghe để hiểu tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của người khác là một mong muốn tự thân, là một quá trình của cảm xúc chứ không phải chỉ là một hành động đơn thuần biểu hiện ra bên ngoài.”

(Trích “Điều kì diệu của thái độ sống” - Mac Anderson)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, đâu là biểu hiện của một người có đức tính khiêm tốn ?

Câu 2. Anh/ chị hãy thử nêu ra điểm khác nhau giữa đức tính khiêm tốn và sự yếu đuối ?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Khiêm tốn như thỏi nam châm thu hút thiện chí của mọi người và làm nên giá trị của con người” ?

Câu 4. Anh/ chị có cho rằng sự khiêm tốn đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị bản thân không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/ chị về những điều bản thân cần làm để có được đức tính khiêm tốn.

Câu 2. (5,0 điểm)

Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông…

 (Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2007, trang 77-78)

Phân tích cảm nhận của nghệ sĩ Phùng trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét quan niệm nghệ thuật của nhà văn được thể hiện qua tác phẩm.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Biểu hiện của một người có đức tính khiêm tốn: là người biết lắng nghe một cách chân thành. Họ quan tâm đến người khác mà không bận tâm đến các yếu tố xung quanh như địa vị, sang hèn, thành công, thất bại…

Câu 2.

- Người khiêm tốn là người biết được giá trị của chính mình, nhưng do có ý thức tôn trọng người khác, luôn mong muốn học hỏi để tiến bộ nên họ thể hiện có chừng mực.

- Ngược lại, kẻ yếu đuối lại là kẻ không tin vào giá trị của chính mình, dẫn đến thái độ tự ti, sợ hãi.

Câu 3.

- Người có đức tính khiêm tốn do luôn biết mình biết người nên được người khác tôn trọng, yêu mến.

- Người khiêm tốn luôn ý thức về sự chưa hoàn thiện của bản thân, nên không ngừng lắng nghe, học hỏi, do vậy, ngày càng nâng cao giá trị của bản thân.

Câu 4. Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải hợp lí. Tham khảo:

Không đồng tình. Vì: Khiêm tốn là biết mình biết người, chịu khó lắng nghe, học hỏi để vun bồi cái tốt, diệt trừ cái xấu, ngày càng nâng cao giá trị bản thân, được mọi người thêm yêu mến. Do vậy, nó không thể đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị bản thân được.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh / chị về những điều bản thân cần làm để có được đức tính khiêm tốn.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Luôn luôn ý thức về sự chưa hoàn thiện của bản thân để có hướng sửa chữa, bồi đắp, hoàn thiện.

- Luôn thể hiện thái độ tôn trọng người khác, tâm niệm rằng mỗi người đều là thầy ta, có những cái hay mà ta cần học hỏi.

- Hãy nghĩ đến những hệ quả tốt đẹp mà đức tính khiêm tốn mang lại: được mọi người yêu mến, giúp đỡ; giá trị bản thân được nâng cao từng ngày…

- Hãy nghĩ đến những hậu quả của thói kiêu căng, hoặc bệnh tự ti…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.

(Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học 2013)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích?

Câu 2. Trong đoạn trích, những món quà nào thường được tặng trong đám cưới?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn “Ở đây trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng”

Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét quan niệm về cuộc sống được tác giả nêu trong đoạn trích?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của nghị lực con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm).

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:

- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem… Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn.

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

- Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng

cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vãn tươi cười, đon đả:

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa com từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người…”

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân)

Phân tích vẻ đẹp của của các nhân vật qua đoạn trích trên. Từ đó chỉ ra giá trị hiện thực của tác phẩm.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Ngôi kể: ngôi thứ ba

Câu 2. Trong đoạn trích, những món quà thường được tặng trong đám cưới: một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng.

Câu 3. Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê:

- Diễn tả hiện thực khó khăn và vẻ đẹp của tình người trong cuộc sống

- Tạo cho câu văn sinh động, phong phú

Câu 4.

Nhận xét quan niệm về cuộc sống được tác giả nêu trong đoạn trích

- Cuộc sống luôn có thử thách, khó khăn, con người cần phải vượt qua để vươn tới thành công.

- Quan niệm sống tích cực, tiến bộ, thể hiện khuynh hướng lãng mạn của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1.

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: ý nghĩa của nghị lực con người. Có thể theo hướng sau: Giúp con người vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh; tôi luyện bản lĩnh; đạt được thành công trong cuộc sống.

I. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Nghị lực sống là một trong những phẩm chất đạo đức, đáng quý quan trọng của con người trong xã hội hiện nay, phẩm chất đó được rất nhiều người theo đuổi và cố gắng duy trì mỗi ngày.

II. Thân bài:

+ Nghị lực sống là gì?

+ Nghị lực sống là động lực, niềm tin, sức mạnh giúp chúng ta vượt qua biết bao những khó khăn, thử thách trong cuộc sống của mình, động lực giúp ích cho cuộc sống, con người cũng như tạo nên nhiều giá trị to lớn cho cuộc sống của mình.

+ Nguồn gốc: Động lực từ xưa đến nay vẫn luôn được mỗi chúng ta coi trọng bởi nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cuộc sống cũng như con người trong xã hội, mỗi chúng ta cần phải duy trì và rèn luyện cho mình phẩm chất đạo đức và rèn luyện đức tính kiên trì, những nghị lực sống mạnh mẽ.

+ Vai trò của nghị lực sống trong cuộc sống hiện nay: Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng phải trải qua những khó khăn, thử thách trong xã hội, chính vì thế việc rèn luyện cho mình nghị lực sống là một trong những việc làm quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

+ Nghị lực sống giúp chúng ta có thêm nhiều niềm tin, sức mạnh để vượt qua những khó khăn, gian nan vất vả trước cuộc sống của mình.

+ Nghị lực sống là phẩm chất quan trọng để giúp chúng ta có được nhiều giá trị, ý nghĩa trong cuộc sống của mình, nghị lực giúp chúng ta có thêm nhiều sức mạnh để vượt qua những khó khăn, giúp chúng ta có thêm nhiều động lực, vượt qua được những khó khăn thử thách của cuộc sống.

+ Trong xã hội chúng ta gặp rất nhiều người có phẩm chất kiên trì, có nghị lực sống, đó là những con người kiên trì không ngại khó, ngại khó dám đối đầu và vượt qua những thử thách, không ngại khó, ngại khổ, mà cố gắng kiên trì, bươn trải vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống.

+ Trong cuộc sống chúng ta cũng gặp rất nhiều tấm gương quan trọng trong xã hội họ cũng luôn kiên trì vượt qua những gian nan vất vả của cuộc sống, họ phải cố gắng tạo nên những giá trị ý nghĩa cho cuộc sống của mình, từ đó tạo nên được những ý nghĩa, mục đích sống trong cuộc sống của mình.

+ Ví dụ về nghị lực sống có thể lấy ví dụ thầy Nguyễn Ngọc Ký, người luôn kiên trì, bền bỉ, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống, mặc dù không được chọn vẹn về hình thể nhưng thầy vẫn luôn kiên trì vượt qua những khó khăn đó.

III. Kết bài:

- Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải rèn luyện cho mình sự kiên trì, nghị lực trong cuộc sống vì đó là việc làm cần thiết và mang lại những ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống của mỗi con người.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

VỚI CON

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường

Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá

Qua đường đất đến con đường sỏi đá

Cha e con đến lớp muộn giờ.

 

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ

Không thể nào yêu con thay mẹ được

Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt

Thì nói lên để mẹ khâu cho.

 

Và con ơi trên ấy ngân hà

Có thể rồi con sẽ lên đến được

Nhưng đêm nay thì con cần phải học

Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

 

Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con

Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng

Thì con hỡi hãy khêu cho rạng

Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.

 

Con ơi con, trái đất thì tròn

Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật

Tất cả đấy đều là sự thật

Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!

 

Mẹ hát lời cây lúa để ru con

Cha cày đất để làm nên hạt gạo

Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo

Bác công nhân quai búa, quạt lò.

 

Vì thế nên, lời cha dặn dò

Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất

Cha mong con lớn lên chân thật

Yêu mọi người như cha đã yêu con.

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cấu trúc cú pháp trong văn bản trên.

Câu 3: Anh/chị hiểu như thể nào qua lời cha dặn con:

Và con ơi trên ấy ngân hà

Có thể rồi con sẽ lên đến được

Những đêm nay thì con cần phải học

Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

Câu 4: Qua khổ thơ thứ 4 của bài thơ, anh/chị nhận thức được yêu cầu như thế nào về quá trình học của người học sinh?

II. LÀM VĂN 

Câu 1:

Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về quan điểm: Vì thế nên, lời cha dặn dò/Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất. (trình bày trong một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ).

Câu 2:  

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hồn thơ Xuân Quỳnh qua các khổ thơ sau:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

(Theo Sóng - Xuân Quỳnh, Sgk Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, Tr 156) 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. Thể thơ: Tự do.

Câu 2.

- Biện pháp tu từ lặp cấu trúc: “Con ơi con,…”.

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh ý được nói đến trong bài thơ.

+ Tạo cảm giác gần gũi như một lời tâm tình của cha dành cho con.

Câu 3.

- Ý nghĩa lời dạy: Trong tương lai, con có thể đến những nơi xa xôi nhất, làm nên những điều tuyệt vời nhất. Thế nhưng muốn đạt được những ước mơ, lý tưởng ấy trước hết con phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất như phép toán hay một bài thơ.

Câu 4.

Qua khổ thơ thứ 4 đặt ra yêu cầu cho việc học của học sinh như sau:

- Học tập phải hiểu được bản chất vấn đề.

- Học tập luôn phải đi đôi với thực hành.

- Trong học tập rất cần sự vận dụng sáng tạo.

II. LÀM VĂN 

Câu 1 

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

1. Giới thiệu vấn đề

2. Giải thích

- Những lời cha dặn dò: Là những kinh nghiệm, bài học được người đi trước đúc kết, truyền đạt lại cho thế hệ sau.

-> Chúng ta nên học hỏi, tiếp thu những bài học thế hệ trước truyền lại. Tuy nhiên không có bài học nào là luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, mọi góc độ. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp thu một cách thông minh, không ngừng phát huy và sáng tạo dựa trên những thứ được học để có được cái nhìn khách quan, đa chiều, làm nên thành quả tốt nhất.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Huệ. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF