YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Phạm Văn Đồng

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 nắm được cấu trúc đề thi THPT Quốc gia - kì thi quan trọng sắp tới, Học247 xin giới thiệu đến các em tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Phạm Văn Đồng dưới đây. Tài liệu này còn giúp các em nắm được những tác phẩm văn học chính để viết bài văn nghị luận văn học hay và đạt điểm cao. Hy vọng rằng các em sẽ có một kì thi thật tốt nhé!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT PHẠM VĂN ĐỒNG

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Một người bạn Phi-líp-pin gửi cho tôi cuốn sách mỏng. Tôi mở ra và nhìn thấy tựa đề “12 điều nhỏ bé mỗi người Phi-líp-pin có thể thực hiện để giúp ích Tổ quốc”. Tác giả - luật sư A-lếch-xan-đrơ L. Lác-xơn – chỉ là một thường dân, nhưng cuốn sách đã được khá nhiều nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX quan tâm và giới thiệu.

Đọc cuốn sách này, tôi thật sự bị thu hút vì những điều đơn giản mà tác giả đã trình bày và biện giải.

Hãy tuân thủ Luật Giao thông. Hãy tuân thủ luật pháp.

Bạn có thể thắc mắc vì sao trong 12 điều nhỏ bé này, việc tuân thủ Luật Giao thông lại được đặt lên hàng đầu?

Câu trả lời thật đơn giản. Luật Giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước. Luật Giao thông hiện diện trong mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, khi người dân phải ra đường. Chúng ta đối mặt với khoản luật này hằng ngày từ sáng đến tối. Do đó, quyết định tuân thủ hay không tuân thủ Luật Giao thông chính là điều kiện để tạo ra một môi trường liên tục cho mọi người cố gắng và nỗ lực trong từng ngày.

Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước; từ đó, có thể xây dựng một thói quen văn hóa biết tôn trọng luật pháp của bất cứ công dân nào trong một đất nước văn minh.

Đó là vì trật tự cũng giống như những bậc thang. Trước khi leo lên được bậc cao nhất, hãy bắt đầu bằng nấc thang thấp nhất, bởi lẽ “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên” (trích châm ngôn của Lão Tử).

(Theo báo điện tử Tuoitreonline, ngày 22-10-2007, Bài tập Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.92, 93)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Tại sao tác giả cho rằng “việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước” ?

Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ cú pháp được sử dụng trong những câu văn sau: “Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước”.

Câu 4. Theo anh/chị, làm thế nào để việc tuân thủ Luật Giao thông trở thành một thói quen văn hóa biết tôn trọng luật pháp? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong đoạn trích sau:

Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng cái cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.

(Trích Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.189, 190)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2. 

Việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước vì:

- Luật Giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước.

- Tuân thủ Luật Giao thông sẽ hình thành ở mỗi người thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Từ đó, dễ dàng tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước.

Câu 3. 

- Phép tu từ: Phép lặp cú pháp (lặp kết cấu ngữ pháp).

- Tác dụng: Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tuân thủ Luật Giao thông và bày tỏ niềm mong mỏi tha thiết vào ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân.

Câu 4. HS nêu những giải pháp theo quan điểm cá nhân nhưng cần phải hợp lí và có sức thuyết phục.

(Có thể tập trung vào các giải pháp như: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Tăng cường công tác điều hành, giám sát các hoạt động giao thông. Xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm luật giao thông.)

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về vấn đề: “Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có câu mở đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu (khoảng 200 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn hoàn chỉnh, lôgic; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra được bài học cho bản thân.

* Giải thích:

- Hành trình ngàn dặm: đường đi dài (nghĩa đen), thành công lớn (nghĩa bóng).

- Bước đi nhỏ bé: việc làm, hành động nhỏ bé, cụ thể.

- Nội dung câu châm ngôn: đúc kết một chân lí đơn giản, có tính quy luật: muốn có được thành công thì phải có bắt đầu; làm tốt việc nhỏ mới có được thành công lớn.

* Phân tích - Bàn luận:

HS có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục. Dưới đây là một hướng giải quyết:

- Phân tích biểu hiện:

Trong đời sống tự nhiên, cũng như xã hội của con người, những điều lớn lao đều được tạo ra bởi những gì nhỏ bé: biển cả mênh mông được tạo ra từ vô số giọt nước; cây đại thụ trưởng thành từ hạt mầm; kì tích của nhân loại có được nhờ những nỗ lực từng bước của con người...

- Bàn luận:

+ Khẳng định tính đúng đắn của câu châm ngôn: Tất cả mọi điều vĩ đại trên thế giới này đều bắt đầu từ những thứ nhỏ bé ở đâu đó, ở một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai hoàn thành việc lớn trong đời khi cứ ngồi một chỗ, chẳng làm gì cả. Những người thành đạt là người luôn làm việc, luôn hành động.

+ Không phải cứ “bước đi” là sẽ vượt được “hành trình ngàn dặm” (tức là có được thành công) nhưng muốn thành công thì nhất thiết phải có những “bước đi nhỏ bé đầu tiên”.

+ Việc làm, hành động có thể dẫn đến thành công hay thất bại song điều quan trọng là phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại đó.

+ Trong cuộc sống có những người biết ước mơ, dám nghĩ, dám làm và đi đến đích của cuộc hành trình rất đáng ngợi ca; bên cạnh đó, cũng cần phê phán những người không làm gì cả, không đi một bước nào hết, vì thế, không có được thành công thực sự.

* Bài học nhận thức và hành động:

Cần làm tốt việc nhỏ để có được thành công lớn; bắt đầu những điều lớn lao bằng những bước đi vững chắc đầu tiên.

d. Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi phía dưới:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

- Chiếc xe này của bạn đấy à? . Cậu bé hỏi.

-  Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻ  tự hào và mãn nguyện.

- Ồ, ước gì tôi... Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế.Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! . Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

- Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên?(0,5 điểm)

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào?  ( 0,5 điểm)

Câu 3. Theo anh (chị) câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”có ý nghĩa gì ? ( 1,0 điểm)

Câu 4. Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì? ( 1,0 điểm)

II. LÀM VĂN(7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Từ ý nghĩa câu chuyện ở văn bản phần đọc hiểu,  Anh/chị có suy nghĩ gì về những tấm lòng cao cả đang hướng về Miền Trung trong những ngày mưa lũ triền miên vừa qua? Hãy trả lời bằng 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ).

Câu 2 (5 điểm):

Cảm nhận của anh / chị về bức tranh thiên nhiên trong hai đoạn thơ sau:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

 (Trích: Tây Tiến - Quang Dũng) 

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.

 (Trích: Việt Bắc - Tố Hữu) 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt : Tự sự, biểu cảm

Câu 2. Cậu bé ước trở thành người anh thế nào?  HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

- Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.

- Cậu bé ước trở thành người anh có tình thương em, mang lại niềm hạnh phúc cho em.

- Cậu bé ước trở thành người anh nhân hậu, được bù đắp, chia sẻ, yêu thương.

-  Các câu trả lời tương tự...

Câu 3. Câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm.”có ý nghĩa gì ?

HS có thể trả lời 1 trong các cách sau:

- Câu văn cho ta biết rõ hơn về sự trăn trở và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của cậu bé: trở thành người anh đáng tự hào.

- Câu văn cho thấy lòng quyết tâm cao độ của cậu bé muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.

- Cậu bé đang nung nấu quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là tặng xe lăn cho người em tật nguyền.

- Các câu trả lời tương tự...

Câu 4.

Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể rút ra một bài học nào đó miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.

Chẳng hạn như: Sống  phải biết yêu thương,  quan tâm, chia sẻ , giúp đỡ lẫn nhau, nhất là với những người bất hạnh, tật nguyền  để họ có được sự bình đẳng như mọi người...

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo hình thức viết đoạn văn:

Đoạn văn phải đáp ứng hình thức trình bày của 1 đoạn văn: có lùi đầu dòng và trình bày  theo một trong những hình thức viết đoạn như: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp…

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:  những tấm lòng cao cả đang hướng về Miền Trung trong những ngày mưa lũ triền miên vừa qua

c. Triển khai tốt vấn đề cần nghị luận; vận dụng tốt  thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

- Từ việc tóm tắt thật ngắn gọn-> nêu ý nghĩa: Câu chuyện giản dị mà cảm động, giàu ý nghĩa nhân văn, ca ngợi tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống.

- Bàn luận: Học sinh có thể trình bày một số ý sau:

+ Những cơn bão, lũ liên tiếp đổ về khúc ruột miền Trung, khiến người dân luôn phải oằn mình chống chọi với khó khăn, khổ cực…..

+ Trong bão lớn, lũ lớn, tình người vẫn tỏa sáng. Trên khắp cả nước có nhiều các cơ quan, tổ chức, cá nhân… đã ủng hộ, quyên góp, giúp đỡ…. bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, mất mát.

+ Ý nghĩa của việc làm cao cả:

  • Thể hiện sự quan tâm,bù đắp, tình yêu thương… góp phần an ủi, động viên , giúp con người nỗ lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, có thêm niềm lạc quan, sự tự tin và nghị
  • lực sống...
  • Làm ngời sáng truyền thống của dân tộc..

+ Phê phán những người có thái độ dửng dưng, vô cảm….

- Bài học nhận thức và hành động

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp riêng của hai đoạn thơ trích từ bài “Tây Tiến” - Quang Dũng và “Việt Bắc” – Tố Hữu.

c. Triển khai tốt vấn đề cần nghị luận; có những cảm nhận sâu sắc về vấn đề; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát, sơ lược về hai tác giả, tác phẩm

* Cảm nhận vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ: Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:

- Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến.

+ Nội dung:

  • Thiên nhiên hùng vĩ dữ dội ở con đường hành quân nhiều gian khổ.
  • Thiên nhiên trữ tình, thơ mộng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

+ Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn cân đối hài hòa giữa các thanh bằng trắc; phép nhân hóa, tương phản, cách sử dụng từ láy tượng hình...

- Đoạn thơ trong bài Việt Bắc.

+  Nội dung:

  • Thiên nhiên gắn bó hài hòa với con người cùng chung mất mát đau thương, cùng chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung.
  • Con người và thiên nhiên tạo thành một thế trận trùng điệp để vây bắt kẻ thù
  • Thiên nhiên là hậu phương vững chắc và cũng là người bạn chiến đấu của con người.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Trong một biểu diễn thuyết đầu năm học, Brian Dison – Tổng giám đốc tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người . Trong bài diễn thuyết có đoạn:

“Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình.

Bạn chớ nên thờ ơ với những gì gần gũi với trái tim bạn. Bạn hãy nắm chắc lấy như thể chúng là những phần trong cuộc sống của ban. Bởi vì nếu không có chúng, cuộc sống của bạn phần nào sẽ mất đi ý nghĩa.

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảng khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình.

Bạn chớ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi ta thôi không cố gắng nữa.

Bạn chớ ngai nhận rằng mình chưa hoàn thiện. Đó chính là sợi chỉ mỏng manh ràng buộc mỗi người chúng ta lại với nhau.

Bạn chớ ngại mạo hiểm. Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn biết cách sống dũng cảm…”

(Theo “Quà tặng cuộc sống- Sống trọn vẹn từng ngày”- kienhuccuocsong.edu.vn)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên

Câu 2: Em hiểu như thế nào về câu nói : “ Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa ? ”

Câu 3: Brian Dison nói: “Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì là tốt nhất cho chính mình.”, anh/chị có đồng tình với điều đó không ? Vì sao ?

Câu 4: Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu :“ Bạn chớ ngại mạo hiểm.Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn học biết cách sống dũng cảm”

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích vẻ đẹp hung bạo của sông Đà (Đoạn trích “ Người lái đò sông Đà”) qua ngòi bút đặc sắc của tác giả Nguyễn Tuân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU (3, 0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính : Nghị luận

Câu 2:

- “Không có gì là hoàn toàn bế tắc mà nó chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa”, có nghĩa là: Trong cuộc sống khi đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, chúng ta thường nghĩ đó là sự bế tắc, đường cùng. Thế nhưng đó chỉ là ranh giới tạm thời để thử thách ý chí, nghị lực con người, biết cố gắng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.

Câu 3: 

- Mỗi người đều có những nét riêng về tính cách, sở trường, suy nghĩ, quan điểm hoàn cảnh, sở thích,… Vì vậy, mục tiêu của mỗi người cũng khác.

- Nếu đặt mục tiêu của mình vào những gì mà người khác cho là quan trọng chúng ta sẽ không phát huy hết năng lực sở trường của bản thân; đánh mất chính mình, biến mình thành một bản sao; sống vô nghĩa….

- Hiểu rõ điều gì tốt cho bản thân là hiểu được chính mình. Chính điều này rất quan trọng giúp chúng ta tự tin, chủ động và quyết tâm nhiều hơn để chinh phục được mục tiêu, làm cho cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn.

Câu 4:

- Gợi ý một số thông điệp:

+ Niềm tin vào chính mình

+ Biết chấp nhận thử thách, mạo hiểm để rèn bản lĩnh

+ Ý chí nghị lực vượt qua khó khăn, trở ngại…

II. LÀM VĂN

Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận trình bày suy nghĩ về ý kiến của Brian Dison trong phần đọc hiểu :“ Bạn chớ ngại mạo hiểm.Nhờ mạo hiểm với những vận hội của đời mình mà bạn học biết cách sống dũng cảm”

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn văn hoàn chỉnh : mở đoạn, phát triển đoạn và kết đoạn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sống cần phải mạo hiểm, đặc biệt là mạo hiểm với vận hội của cuộc đời sẽ cho ta bài học dũng cảm.

c) Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ ngữ chính xác, diễn đạt trôi chảy, lập luận mạch lạc thuyết phục.

d) Triển khai vấn đề

- Nêu vấn đề nghị lậun

- Bàn luận

+ Bày tỏ thái độ: đồng tình hay không đồng tình

+ Lý giải, phân tích và chứng mình ý kiến cá nhân

+ Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề

+ Phê phán thái độ sai

---(Đáp án chi tiết phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

(1) Theo thống kê gần đây, bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26% tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chiếm khoảng 8% đến 10% dân số. So với các nước trong Asean, tỷ lệ này là quá thấp, rất đáng báo động. Một người Thái Lan đọc khoảng 5 cuốn sách 1 năm, một người Malaysia đọc 20 cuốn sách/năm.

(2) Bàn về văn hóa đọc hiện nay của người Việt, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, nhà nghiên cứu Dân Tộc, bày tỏ quan điểm: “Không nên máy móc cho rằng đọc sách in mới là văn hóa đọc. Khoa học kỹ thuật phát triển giúp con người có nhiều phương thức tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, kiến thức của nhân loại. Tư duy hệ thống là phương pháp tư duy hướng đến mở rộng tầm nhìn, xem xét, đánh giá đối tượng trong mối tương quan tổng thể với môi trường.”Đọc cái gì, bằng phương pháp nào là do mỗi người tự quyết định nhưng không nên chỉ đọc 1 loại sách vì tư duy hiện nay là tư duy hệ thống và con người là “công dân toàn cầu”. Ngoài ra, theo PGS, bên cạnh những quyển sách giúp người đọc kỹ năng làm giàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… vẫn rất cần những quyển sách bàn về đạo đức, trí tuệ cảm xúc cho mỗi con người Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.

(3) Mới đây, trong bài phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Obama đã trích dẫn những câu thơ “thần” của Lý Thường Kiệt:“Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời” nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Hay những ca từ rất đẹp, rất ý nghĩa trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Từ nay người biết yêu người/từ nay người biết thương người…” để khẳng định mối quan hệ bằng hữu khắng khít giữa hai nước trong thời kỳ mới. Và những câu thơ Kiều (Nguyễn Du) cũng được ngài Tổng thống Hoa Kỳ trích dẫn khá nhuần nhuyễn trước khi kết thúc bài phát biểu với những ẩn ý sâu sắc: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Nếu không đọc, tìm hiểu về văn hóa, không hiểu biết về lịch sử liệu có làm nên 1 hiệu ứng đầy năng lượng của Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ đến với Việt Nam hay không? Bởi vậy, để nâng tầm tri thức của cá nhân, mỗi người chúng ta nên bổ sung kiến thức của mình thông qua việc đọc, đọc để hiểu biết, đọc để mình không bị lạc hậu, lỗi thời, đọc để “sánh vai” cùng bè bạn.

Dẫn theo Thanh Vy - baobaovephapluat.vn 25-5-2016

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Trong đoạn (2), tại sao PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra quan điểm: không nên chỉ đọc 1 loại sách?

Câu 3. Trong đoạn (3), những câu trích dẫn của Tổng thống Obama khi phát biểu trước sinh viên Việt Nam tại Hà Nội có hàm ý gì?

Câu 4. Theo anh/chị, người viết gửi gắm thông điệp gì qua toàn bộ văn bản trên?

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ đoạn văn (1) trong phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về văn hóa đọc của giới trẻ hôm nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của đoạn trích sau:

Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.

Thường khi đến gà gáy, Mị ngồi dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu, các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn. Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức sưởi lửa suốt đêm.Mỗi đêm, nghe tiếng phù phù thổi bếp, A Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy Mị cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi ngay...", rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

A Phủ chợt hiểu.

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.

A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt của văn bản: nghị luận

Câu 2. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của văn bản: Điệp ngữ, liệt kê, đối

Tác dụng của các biện pháp tu từ :

- Từ những điều tất yếu trong cuộc sống, nhà thơ khẳng định: cho dù điều kiện trái ngược nhau nhưng mọi sự vật  vẫn đi theo quy luật của nó

- Câu thơ có nhịp điệu, sinh động hơn

Câu 3. Anh/ Chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: “Nếu tất cả đường đời đều trơn láng/ Thì chắc gì ta nhận được ra ta”.

- Đường đời trơn láng: cuộc sống thuận lợi, may mắn

- Ta nhận ra ta: hiểu được bản thân mình

=> Ý Cả câu: nếu trong cuộc đời, ta gặp nhiều thuận lợi, không hề gặp bất cứ khó khăn nào thì con người không thể biết được những khả năng và giá trị thực của bản thân minh

- Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Câu 4. Câu thơ nào trong văn bản khiến anh/ chị ấn tượng nhất? Vì sao?

Học sinh chọn 1 hoặc vài câu thơ . Giải thích cách lựa chọn của mình

II. Làm văn (7,0 điếm)

Câu 1. (2,0 điếm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về cách viết đoạn văn nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Đoạn văn phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm)

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm( trong đó phải có thao tác phân tích, chứng minh); biết kết hợp giữa nêu lý lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm)

Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

- Giải thích:

+  “Bầu trời”: thực thể rộng lớn, là nơi ta sống và sinh hoạt hàng ngày, là của chung cho tất cả mọi người

+ “ Hạnh phúc cứ như bầu trời” hạnh phúc là cảm giác bình an, hài lòng trong cuộc sống

+ Đồng cảm và chia sẻ đề là biểu hiện của tình người, của ý thức vì người khác.

-> Ý cả câu: nhà thơ muốn nhấn mạnh hạnh phúc là của chung nhân loại, của vạn vật trên thế giới này, nghĩa là không ai ôm trọn hạnh phúc trong lòng mình. Hạnh phúc luôn ở bên cạnh. Càng nhiều người hạnh phúc bầu trời càng rộng lớn

- Bình luận:

+  Trong cuộc sống, con người luôn nghĩ hạnh phúc phải đi liền với sự sở hữu: Có tiền bạc, có nhà cửa, có công việc…nhưng những điều đó chưa chắc đảm bảo cho họ cảm giác hạnh phúc.

+ Hạnh phúc thực sự là những người biết cân bằng và chia sẻ. Hạnh phúc đến từ trong tâm của họ.

+ Thực tế trong cuộc sống, càng có nhiều người ta càng khao khát có nhiều hơn nữa, càng phải cố gắng gìn giữ, không có thời gian để tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa. Chỉ khi biết sẻ chia, hạnh phúc mới thực sự đong đầy

+ Phê phán lối sống ích kỉ, cá nhân, chỉ biết đến bản thân

- Bài học

+ Nhận thức: Hạnh phúc là chia sẻ,

+ Hành động: Làm nhiều việc tốt, quan tâm đến nhiều người quanh mình hơn

d) Sáng tạo (0,25 điểm)

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm):

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh

Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt

Day dứt vì mình chưa làm được

Những điều hằng ước mơ

Những điều chúng tôi thề

Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,

Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết

Được Đảng chăm lo

Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất

Nhưng tuổi trẻ chúng tôi

Không ít người đang lỡ thì, mai một.

Theo năm tháng cuộc đời

Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu

...
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào

Những trang sử vẻ vang dân tộc

Chúng tôi được học

Được thử thách nhiều trong chiến tranh

Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ - Quang Trung

Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt

Có học hành, lại phải sống cầu an

Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”

 (Trích Mùa xuân nhớ Bác, Phạm Thị Xuân Khải, tienphong.vn)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã day dứt về những điều gì?

Câu 3. Việc tác giả nhắc đến Nguyễn Huệ - Quang Trung trong đoạn trích có ý nghĩa như thế nào?

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét thái độ của tác giả đối với tuổi trẻ trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lối sống cầu an, thu mình của tuổi trẻ hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi đến ngày rũ xương ở đây thôi...Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ...Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại...Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi ngay...”, rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi. A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

 (Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr. 13-14)

Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận về khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. Đọc hiểu

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã day dứt về những điều: ...Chưa làm được những điều mình ước mơ, về những điều mình từng thề dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp.

Câu 3. Việc tác giả nhắc đến Nguyễn Huệ - Quang Trung trong đoạn trích có ý nghĩa:

- Thể hiện niềm tự hào của tác giả đối với thế hệ đi trước.

- Nhắc nhở thế hệ trẻ phải sống xứng đáng với thế hệ cha anh.

Câu 4. Nhận xét về thái độ của tác giả:

- Thái độ của tác giả: Trăn trở/Day dứt/Nhắc nhở/Cảnh tỉnh...

- Lí giải vì sao tác giả có thái độ như vậy.

Lưu ý: Cho điểm tối đa khi bài viết có sự lí giải rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

II. Làm văn

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Lối sống cầu an, thu mình của tuổi trẻ hiện nay

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ lối sống “cầu an”, “thu mình” của tuổi trẻ hiện nay. Có thể triển khai theo hướng:

- Lối sống cầu an, thu mình: Sống an phận, khép kín, ngại đổi mới, ngại xông pha, dấn thân; ngại giao tiếp, thể hiện cá tính, suy nghĩ của bản thân...Đó là lối sống không phù hợp với tuổi trẻ, làm cho bản thân, xã hội trì trệ, chậm phát triển.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Phạm Văn Đồng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON