YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Hữu Trang

Tải về
 
NONE

Với những đề thi được cập nhật mới nhất, Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Hữu Trang do HOC247 sưu tầm và đăng tải sẽ giúp các em học sinh luyện tập và củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia quan trọng sắp tới. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích cho các em. Chúc các em thi tốt!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT

TRẦN HỮU TRANG

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài: 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.

Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao.

Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.

Nó có thể mua được chiếu giường, nhưng không mua được giấc ngủ.

Nó có thể mua được châu ngọc, nhưng không mua được sắc đẹp.

Nó có thể mua được giấy bút, nhưng không mua được ý thơ.

Nó có thể mua được nhà cửa, nhưng không mua được gia đình.

Nó có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự ngon miệng.

Nó có thể mua được trò chơi, nhưng không mua được niềm vui.

Nó có thể mua được xu nịnh, nhưng không mua được lòng trung thành.

Nó có thể mua được cảnh hẩu, nhưng không mua được tình bạn.

Nó có thể mua được sự phục tùng, nhưng không mua được lòng kính trọng

Nó có thể mua được quyền thế, nhưng không mua được trí tuệ.

Nó có thể mua được thể xác, nhưng không mua được tình yêu.

Nó có thể mua được vũ khí, nhưng không mua được hòa bình.

(Theo Thác-cơ-rê, dẫn theo Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng và nêu tác dụng.

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng.”

Câu 4. Thông qua việc đọc hiểu văn bản, anh/chị rút ra được điều gì trong cách ứng xử với tiền bạc?

Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự chi phối của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Cảm nhận tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng thể hiện trong những đoạn thơ sau:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.88-89)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Văn bản được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2.

Học sinh chủ động lựa chọn hai biện pháp nghệ thuật, nên chọn các biện pháp đặc trưng và được sử dụng nhiều lần trong văn bản: liệt kê, điệp ngữ, lặp cú pháp, đối,...

Gợi ý:

Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn bản trên là:

+ Điệp ngữ: lặp lại nhiều lần các cụm từ và cấu trúc: Nó có thể mua được..., nhưng không mua được...

+ Liệt kê: nêu ra những thứ mà theo tác giả, đồng tiền có thể mua được: chiếu giường, châu ngọc, giấy bút, nhà cửa, thức ăn, trò chơi, xu nịnh, cánh hẩu, sự phục tùng, quyền thế, thể xác, vũ khí; và những thứ tiền không mua được như: giấc ngủ, sắc đẹp,ý thơ, gia đình, sự ngon miệng, niềm vui, lòng trung thành, tình bạn, lòng kính trọng, trí tuệ, tình yêu, hòa bình.

+ Tác dụng:

Biện pháp liệt kê và điệp ngữ được sử dụng đan xen và kết hợp vừa tạo ra nhịp điệu, âm hưởng cho bài thơ, vừa thể hiện nội dung tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm: tiền mua được rất nhiều thứ “có sức mạnh lớn lao”, nhưng nó “không phải vạn năng”, cũng bất lực trước rất nhiều giá trị đáng quý trong xã hội này. Qua đó, tác giả đã rất thành công trong việc phản bác ý kiến đưa ra ban đầu: “Nhiều người cho rằng có tiền là có tất cả.”

Câu 3. - Lý giải lý do tác giả cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”:

* Muốn nhấn mạnh bản chất và sức mạnh của đồng tiền:

+ Tiền bạc có sức mạnh lớn lao vì nó mua được nhiều thứ giá trị trong cuộc sống.

+ Nhưng nó “không phải vạn năng” bởi không phải cái gì nó cũng có thể mua được. Đặc biệt là những giá trị quý giá trong cuộc sống như: tình cảm, sức khỏe, tri thức.

* Thể hiện quan điểm cá nhân về đồng tiền: cần có cái nhìn đúng đắn về giá trị đồng tiền.

Gợi ý:

Bằng quan điểm của một nhà thơ, một con người trải nghiệm trong xã hội, Thác-cơ-rê cho rằng “Tiền bạc quả thật có sức mạnh lớn lao/ Nhưng tiền bạc không phải là vạn năng”. Một nhận định với hai vế. Tiền bạc có sức mạnh lớn lao là điều không ai bàn cãi, nhất là trong xã hội mà giá trị vật chất được đề cao như hiện tại. Tiền mua được quyền lực, vui thú,... Thậm chí, có người vì đồng tiền mà đánh đổi tự do, tình thân và thậm chí là mạng sống. Nhưng nhà thơ cũng nhận ra tiền bạc không phải chiếc chìa khóa vạn năng. Bởi lẽ, nó vẫn chỉ đứng ngoài rìa những giá trị chân thực và trân quý trong xã hội này. Đó là trí tuệ, sức khỏe, tình cảm,... Và qua đó, tác giả nhấn mạnh, cần có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền, không coi thường nó, không cực đoan hóa nó.

Câu 4.

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điếm đó.

Bài học: biết quý đồng tiền nhưng không tôn thờ nó; đừng quá coi trọng đồng tiền (cũng chính là chạy theo giá trị vật chất),...

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Đồng tiền quả thực có sức hấp dẫn rất lớn. Trong xã hội hiện đại, nó cấu thành nên cảm giác hạnh phúc của con người. Nhưng ứng xử với đồng tiền là cả một nghệ thuật. Nếu phớt lờ nó, bạn dễ đi vào con đường thủ cựu, không hòa nhập với những giá trị hiện đại của cuộc sống. Nhưng tôn sùng nó, bạn sẽ bị nó mê hoặc và sa đà vào con đường thực dụng. Vậy nên, phải tỉnh táo để vừa đủ coi trọng, vừa đủ giới hạn cho sức mạnh của đồng tiền. Để đồng tiền không chi phối ta, mà nó phải phục vụ cho cuộc sống của ta.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Yêu cầu chung:

- Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết.

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu cụ thể: Hệ thống ý

Dẫn dắt

- Nêu từ khóa: sự chi phối của đồng tiền

Giải thích

- Tiền là một vật ngang giá chung được sử dụng từ lâu trong xã hội. Tiền có tính quy ước, chứ bản thân nó không phải là một vật mang giá trị sử dụng.

Phân tích

- Tiền có giá trị quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại?

+ Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp.

+ Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người.

- Vì sao xã hội hiện đại, đồng tiền lại chi phối được cuộc sống?

+ Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho giá trị con người.

+ Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền.

Phản biện

- Tiều có giá trị nhưug nó không phải vạn năng

+ Tiền mua được nhiều thứ, rất đáng quý khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống.

+ Tiền không phải vạn năng, không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc.

Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

Thanh niên cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một giá trị của cuộc sống, nhưng không để nó chi phối cuộc sống cá nhân.

Bài làm tham khảo:

Bạn có biết câu chuyện về chàng thanh niên vài ba năm truớc, để có tiền mua điện thoại Iphone đã bán một quả thận để có tiền? Điên rồ ư? Nhưng đó có thể là quyết định của không chỉ một người trong xã hội này. Bởi, từ lâu, tiền đã có sức mạnh chi phối con người. Trước tiên, cần hiểu rằng, tiền là vật ngang giá, được dùng để trao đổi hàng hóa trong xã hội. Bản thân đồng tiền giấy không có giá trị sử dụng. Nhưng nó lại là một tờ giấy rất mạnh. Có tiền là có được những giá trị vật chất trong xã hội, từ những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đến những dịch vụ đẳng cấp. Tiền còn cho ta quyền lực và địa vị, người có tiền thường được xã hội tôn trọng và cuộc sống có tiền là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người. Vì sao ư? Vì xã hội hiện đại thiên về tính dịch vụ, đồng tiền mang đến giá trị vật chất và dịch vụ nên nó trở thành thước đo cho vị thế con người. Một bộ phận không nhỏ người trong xã hội chạy theo lối sống thực dụng, quan điểm “có tiền là có hạnh phúc”, đẩy vị thế đồng tiền lên tối đa, khiến mọi suy nghĩ, hành vi của họ bị chi phối bởi đồng tiền. Những người này sẵn sàng đánh đổi nhân cách, liêm sỉ để có tiền, như ta thấy tràn lan những kẻ câu viu (view) bằng tin giả, ảnh nóng để có tiền. Bàn luận ra, đúng là tiền có thể mua được nhiều thứ, rất đáng quý, đặc biệt khi là kết quả của lao động, mang lại niềm vui cho cuộc sống. Nhưng tiền không phải vạn năng, ta không được đánh đồng giá trị tiền bạc và hạnh phúc. Tiền không mua được sức khỏe, không đổi được thời gian, không mang lại tri thức. Bởi vậy, ta cần có cái nhìn tích cực, coi đồng tiền là một phần giá trị của cuộc sống hiện đại, nhưng không để nó dẫn dắt suy nghĩ và cuộc sống cá nhân.

Câu 2.

Phương pháp:

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến được nhà thơ Quang Dũng thể hiện trong đoạn thơ.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Quang Dũng: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Tây Tiến”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

- Khái quát nội dung của đoạn trích: tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến

II. Thân bài

* Cảm nhận về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ

- Tinh thần bi tráng (mang hai yếu tố bi và tráng) là những mất mát đau thương nhưng vẫn mang màu sắc hào hùng, là đặc điểm của hình tượng người lính Tây Tiến được Quang Dũng tái hiện trong hai đoạn thơ khi nhà thơ nhìn thẳng vào hiện thực gian khó, thiếu thốn nhưng không phải để bi lụy mà nhằm ngợi ca tinh thần chiến đấu, xả thân của anh bộ đội cụ Hồ.

- Tinh thần bi tráng được thể hiện qua sự khẳng định những hiện thực trên chặng đường hành quân, nơi khốc liệt chiến trường nhưng người lính Tây Tiến vẫn giữ vững lí tưởng cao đẹp, làm nên vẻ đẹp bi tráng hào hùng.

+ Hai câu thơ ở đoạn 1 bài thơ: Bi thương bởi hiện thực nghiệt ngã về giây phút nghỉ chân hiếm hoi, nỗi nhọc mệt, sự hi sinh giữa cuộc hành quân: dãi dầu không bước nữa…gục lên súng mũ Hùng tráng bởi sự ra đi thầm lặng, thanh thản với khí phách bỏ quên đời, hiến dâng đời xanh làm nên mùa xuân cho đất nước.

+ Bốn câu thơ tiếp ở đoạn 3 bài thơ: Bi thương với hiện thực tàn khốc chiến tranh: thiếu thốn, bệnh tật, mất mát hi sinh rải rác biên cương mồ viễn xứ…áo bào thay chiếu anh về đất Hùng tráng với lí tưởng cao đẹp vì độc lập tự do Tổ quốc- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, với âm vang vừa đau thương vừa dữ dội oai hùng Sông Mã gầm lên khúc độc hành tiễn đưa, tôn vinh tầm vóc sử thi của người lính trong hi sinh

- Tinh thần bi tráng được thể hiện bằng giọng điệu trầm hùng; thể thất ngôn rắn rỏỉ, cách nói giảm nói tránh, bút pháp lãng mạn với sự tương phản, cường điệu, ngôn ngữ vừa quen thuộc vừa mới lạ giàu tính tạo hình, biểu cảm, giàu chất họa, chất nhạc, chất thơ... với lượng từ Hán Việt tôn nghiêm, bất tử hóa sự ra đi của người lính Tây Tiến.

* Đánh giá

- Tinh thần bi tráng cùng cảm hứng lãng mạn làm nên nét đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến và sức sống thi phẩm.

- Nhà thơ đã sáng tạo được bức tượng đài tập thể những người lính với vẻ đẹp tinh thần tiêu biểu cho vẻ đẹp của dân tộc những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp - vừa gian khổ hi sinh vừa hào hùng oanh liệt

III. Kết bài:

- Vẻ đẹp hình tượng người lái đò.

- Phong cách nghệ thuật độc đáo, tài hoa và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

BÊN BẢO TÀNG CHIẾN TRANH

Bầy chim sẻ làm tổ

Trong nòng đại bác gỉ hoen

Lũ trẻ con chơi trốn tìm

Sau mấy xác xe tăng cũ

Trên sắt thép chiến tranh nguội lạnh

Mùa xuân đang về

Ở bảo tàng này

Xe tăng và đại bác là tù binh của trẻ em

Máy bay và tên lửa là tù binh của mùa xuân

Những tù binh tự nguyện

Không còn nghe thấy gì nữa

Tiếng gầm gào của bom đạn và chiến tranh

Không còn nhìn thấy được nữa

Gương mặt xanh xao của những người lính trận thuở ấy

Chỉ còn thấy mây trắng trên cao

Bay qua những núi đồi ngút ngàn bia mộ

Nhưng ở bảo tàng này

Cuộc chiến tranh ngày xưa chưa chịu yên ngủ

Vẫn đang thắp lên ngọn lửa cảnh báo

Về những ngày nhân loại đau thương

Bên bảo tàng này

Các con cứ chơi trò trốn tìm, cứ chơi trò trận giả

Mong rằng bao nhiêu trận đánh thật

Cha ông trước đây đánh hết cả rồi

Tiếng lích chích của bầy chim sẻ

Và tiếng reo hò của lũ trẻ hồn nhiên sau chiến tranh

Là bản nhạc của ngày phục sinh trên đất đai rớm máu.

(Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc nhìn từ biển, NXB Phụ nữ, 2015)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, những chứng tích của chiến tranh được nhắc đến qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung đoạn thơ sau?

Nhưng ở bảo tàng này

Cuộc chiến tranh ngày xưa chưa chịu yên ngủ

Vẫn đang thắp lên ngọn lửa cảnh báo

Về những ngày nhân loại đau thương

Câu 4. Nội dung những dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị?

Không còn nhìn thấy được nữa

Gương mặt xanh xao của những người lính trận thuở ấy

Chỉ còn thấy mây trắng trên cao

Bay qua những núi đồi ngút ngàn bia mộ

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày  suy nghĩ của bản thân về những việc mà mỗi chúng ta có thể làm để góp thêm những thanh âm tốt đẹp vào  bản nhạc của ngày phục sinh trên đất đai rớm máu.

Câu 2. (5,0 điểm)

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé  mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám  đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế  kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng  người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà

này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải  chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi...  Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng  tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã  cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này,  làm sao Mị cũng không thấy sợ...

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ  đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi,  không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì  thào được một tiếng "Đi ngay...", rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước  cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy  xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

A Phủ chợt hiểu.

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.

A Phủ nói: “Đi với tôi”. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi.

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.13-14)

Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về  tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của nhà văn Tô Hoài được thể hiện trong đoạn trích.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2. Những chứng tích của chiến tranh được nhắc đến qua những chi tiết, hình ảnh: nòng đại bác  gỉ hoen, xác xe tăng cũ, sắt thép chiến tranh nguội lạnh, máy bay và tên lửa, những cánh bay  chết chóc, những họng pháo rực lửa…

Câu 3. Nội dung đoạn thơ: Những gì còn lại ở bảo tàng nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc chiến tranh dù đã đi qua, những đau thương đã lùi dần về quá khứ nhưng vẫn không thể vĩnh viễn mất đi,  thậm chí vẫn có thể tái diễn ở tương lai. Bởi vậy, mỗi chúng ta phải luôn cảnh giác, sáng  suốt, nỗ lực trong hiện tại để những ngày nhân loại đau thương không bao giờ lặp lại ở tương lai.

Câu 4.

Thí sinh có thể rút ra ý nghĩa riêng đối với bản thân dựa trên việc hiểu nội dung đoạn thơ. Dưới đây là những gợi ý cơ bản:

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích  hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Những việc mà mỗi chúng ta có thể làm để góp thêm những thanh âm tốt đẹp vào bản nhạc của ngày phục sinh trên đất đai rớm máu.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều  cách. Có thể theo hướng sau:

- Bản nhạc của ngày phục sinh trên đất đai rớm máu : Là bản nhạc về những ngày cuộc sống  được hồi sinh, tươi đẹp trở lại, xoa dịu, thay thế dần những đau thương, vết tích của chiến  tranh.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị

* Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Tô Hoài

* Đánh giá 

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, một cậu con trai dắt người cha mù vào quán. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học. Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi nói to: "Cho hai bát mì bò!". Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường nói nhỏ với tôi chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội". Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt". Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy".

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò."Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. "Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt trong văn bản trên?

Câu 2. Hãy đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 3. Anh/chị hãy lí giải tại sao cậu con trai lại kín đáo trả lại tiền đĩa thịt bò mà trước đó bà chủ quán mời hai cha con?

Câu 4. Anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 5 đến 7 dòng) thể hiện suy nghĩ của mình về tình cảm hai cha con trong văn bản trên?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)  

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) nói lên suy nghĩ bản thân về sự cần thiết của tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai.

Câu 2. (5,0 điểm) 

Phân tích cảm hứng về Đất Nước trong đoạn trích sau: 

“...Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

(Đất Nước– Trích Trường ca mặt đường khát vọng; Nguyễn Khoa Điềm)

Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm.

Câu 2.

- Yêu cầu: Nhan đề cần ngắn gọn, nêu được nội dung, ý nghĩa của văn bản: từ câu chuyện hai cha con nọ vào quán gọi hai bát mì bò, câu chuyện muốn nêu lên bài học về tình cảm cha con và lòng tự trọng trong cuộc sống.

- Có thể đặt nhan đề cho văn bản: Hai bát mì bò.

Câu 3.

- Hành động trả lại tiền đĩa thịt bò cho bà chủ quán thể hiện người trai đó dù nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu lòng tự trọng. Chính vì vậy, chàng trai không vì mình nghèo khổ mà tự tiện nhận đồ, nhận sự bố thí của người khác. Hiểu được lòng tốt của bà chủ quán, chàng trai cư xử vô cùng lịch thiệp và tinh tế bằng việc kín đáo đặt tiền xuống dưới bát mì trước khi rời đi.

Câu 4.

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng hình thức 01 đoạn văn, khoảng 5 - 7 dòng.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt…

Yêu cầu về nội dung:

- Sự yêu thương, hiếu thảo, tận tụy của người con trai: luôn tìm cách nói dối cha (gọi to hai bát mì bò để cha nghe tiếng…). Từng hành động đều thể hiện lòng yêu thương vô hạn đối với người cha mù.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

- Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể trình bày nhiều cách, nhưng cần có những nội dung cơ bản sau:

- Giải thích:

- Chủ động là tự mình hành động, không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài.

- Sống ở thế chủ động là hành động độc lập với hoàn cảnh xung quanh, làm chủ được tình thế, dám nghĩ, dám hành động trên tất cả mọi lĩnh vực, chủ động tìm tòi, chủ động đề nghị, chủ động dấn thân…

- Bàn luận: Học sinh cần tính chủ động để có thể ‘‘vẽ nên lộ trình riêng cho mình” trong tương lai

- Trong thời điểm dịch Covid bùng phát, HS phải chủ động, tự giác trong học tập. Việc chủ động ấy, giúp hs người tự tin, bản lĩnh, linh hoạt thích ứng trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, khát vọng, ước mơ;

- Sống ở thế chủ động cần thiết trong môi trường xã hội hôm nay, là một thái độ tích cực của tuổi trẻ trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt không thể thiếu đối với công dân toàn cầu.

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Câu 2.

A. Yêu cầu về kĩ năng:                                                                                                                

B. Yêu cầu về nội dung:

1. Mở bài: 

- Giới thiệu được vấn đề nghị luận. 

2. Thân bài:

2.1. Giới thiệu khái quát chung:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Trường ca “Mặt đường khát vọng” (hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác,..), vị trí của đoạn trích,..

2.2. Phân tích đoạn thơ: 

a. Cảm nhận về đất nước hướng đến tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”  trên phương diện văn hóa 

b. Nghệ thuật:

- Giọng thơ nhẹ nhàng tha thiết, trang trọng.

- Ý thơ giàu chất chính luận; ngôn ngữ thơ mộc mạc.

- Sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian.

c. Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của nhà thơ:

3. Kết bài. Khẳng định giá trị của nhà thơ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

Câu 1. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung?

Câu 2. Bốn câu thơ trên là lời đề từ của bài thơ “Tiếng hát con tàu”, hãy xác định vị trí và tác dụng của nó trong tác phẩm.

Câu 3. Ý nghĩa hình ảnh “con tàu” và “Tây Bắc” trong đoạn thơ?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi người.

Câu 2. (5,0 điểm)

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

                  (Trích Tây Tiến- Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1)

Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tính chất bi tráng được thể hiện qua đoạn thơ.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

- Các biện pháp tu từ được sử dụng:

+ Câu hỏi tu từ: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây bắc”

+ Phép điệp từ: “khi” lặp lại 2 lần

+ Phép nhân hóa: “Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”

+ Phép ẩn dụ: “con tàu” - “Tây bắc”

- Tác dụng của các biện phép tu từ:

Câu 2.

Nhận xét:

- Vị trí của đoạn đề từ: ngay phần mở đầu tác phẩm.

Câu 3.

Ý nghĩa:

- Tây Bắc:

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết một đoạn văn về vai trò ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch,quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng cần phải làm rõ vai trò của ước mơ trong sự thành công của mỗi con người.

Câu 2. Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện trong đoạn trích

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình tượng người lính Tây Tiến được thể hiện qua đoạn trích

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

*Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến và đoạn trích

*Hình tượng người lính Tây Tiến được Quang Dũng thể hiện qua đoạn trích

- Ngoại hình:

+ “Không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”: diện mạo độc đáo, lạ thường đồng thời phản ánh được hiện thực tàn khốc nơi rừng núi Tây Bắc

-Tâm hồn, tính cách:

- Giải thích tính bi tráng được thể hiện qua đoạn thơ

“Bi”: Buồn, đau thương.

“Tráng”: Mạnh mẽ, hùng tráng.

Người lính Tây Tiến có sự hi sinh, mất mát nhưng không làm giảm đi tinh thần mạnh mẽ,quyết tâm sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước.

*Đánh giá

- Đoạn thơ khắc họa rõ nét chân dung người lính với ngoại hình và tâm hồn bằng bút pháp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

- Người chiến sĩ Tây Tiến đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho người đọc, tạo nên một tượng đài bất tử về anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được

Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn

Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?

Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim

Anh đang bò về phía gốc sim

Ngực đập dội chuyền sang đất đá

Quần áo tướp ra

Một nửa người anh dâm dấp máu

Anh đang đau cho đất đá anh yêu

Gốc sim cằn và xơ xác làm sao

Không che nổi anh đâu, bò cách chi cũng lộ

Em có thể mất anh bất cứ lúc nào

Em có thể bơ vơ khi em còn rất trẻ

Anh có thể chẳng bao giờ còn đánh được gốc tre

Phơi nỏ sẵn dành sưởi đêm cho mẹ

Sông ơi sông nếu ta phải ra đi

Bậc thấp xuống cho em ra gánh nước

Xin bát canh đến tay mẹ lúc còn nóng

Xin mùa đông đừng dài

Và cột nhà hãy đỡ mẹ thật êm

Trời bao nhiêu thu ta mới hát một lần

Nhưng trước mặt là Tổ quốc

Dù chỉ gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn

Anh ôm súng bò lên với trái tim tình nguyện.

(Hữu Thỉnh – Thơ Từ chiến hào tới thành phố – NXB Văn học – 1985, tr14,15)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Nhân vật anh trong đoạn trích được hiện lên qua những từ ngữ, hình ảnh nào?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong những câu thơ sau:

sông ơi sông nếu ta phải ra đi

bậc thấp xuống cho em ra gánh nước

xin bát canh đến tay mẹ lúc còn nóng

xin mùa đông đừng dài

và cột nhà hãy đỡ mẹ thật êm

Câu 4. Điều gì trong đoạn trích khiến anh/chị xúc động nhất? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về giá trị của cuộc sống hòa bình.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên Tràng có vợ, từ đó nhận xét về sự thay đổi của nhân vật (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019).

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2. Nhân vật anh trong đoạn trích được hiện lên qua những từ ngữ, hình ảnh: bò về phía gốc sim, ngực đập dội, quần áo tướp ra, một nửa người dâm dấp máu…

Câu 3.

– Biện pháp tu từ nhân hóa: sông ơi… bậc thấp xuống, cột nhà đỡ mẹ thật êm.

Câu 4.

– Thí sinh trình bày điều khiến mình xúc động nhất.

– Lí giải một cách thuyết phục, hợp lí.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về giá trị của cuộc sống hòa bình.a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Giá trị của cuộc sống hòa bình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Xem ngay tài liệu: Nghị luận ý nghĩa của cuộc sống hòa bình

Câu 2 . Cảm nhận diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên Tràng có vợ, từ đó nhận xét về sự thay đổi của nhân vật (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2019).

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Cảm nhận về sự thay đổi của nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận

Diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng hôm sau: 

Nhận xét về sự thay đổi của Tràng

Nghệ thuật

Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo, vừa bất ngờ, vừa éo le; xây dựng nhân vật chân thực, sống động qua bút pháp miêu tả tâm lý tinh tế; ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Hữu Trang. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF