Học247 mời các em học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Nguyễn Hiền dưới đây. Tài liệu này nhằm giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới đạt điểm thật cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!
TRƯỜNG THPT NGUYỄN HIỀN |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021-2022 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có những ước mơ xa: đến đỉnh cao nhất. Có những ước mơ gần: Một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay xa quá và không thể điểu khiển đời mình nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào tầm thường. Và chúng học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng đươc ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác.(...)
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn- Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn; 2017; tr160)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác”?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan niệm: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường. Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: Chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu qua hai khổ thơ sau:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Và:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 - Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.155-156)
Từ đó, bình luận về những sáng tạo tài hoa của nhà thơ Xuân Quỳnh qua việc thể hiện khát vọng tâm hồn của người phụ nữ.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc - Hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận
Câu 2: Theo tác giả “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác” vì mỗi người đều có vai trò trong cuộc đời này và đáng được ghi nhận
Câu 3: Câu "học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào" được hiểu là:
- Học là con đường tốt nhất để mỗi chúng ta có được công việc yêu thích và mong muốn
- Khi tích lũy đủ kiến thức, lại có thêm những kĩ năng khác tất yếu ta sẽ nhận được mức thu nhập cao nhất, xứng đáng với công sức mình bỏ r
Câu 4: Các em đưa ra quan điểm của mình, đồng tình hoặc không đồng tình sau đó đưa ra lập luận để bảo vệ cho quan điểm đó
Ví dụ:
- Mỗi nghề đều có một vị trí ý nghĩa xã hội
- Phải có tâm huyết, nỗ lực với nghề mà mình đã chọn
II. Làm văn
Câu 1: Hướng dẫn làm bài
- Giải thích: Ước mơ chính là những dự định, khát khao mà mỗi chúng ta mong muốn đạt được trong thời gian ngắn hoặc dài. Ước mơ chính là động lực để mỗi chúng ta vạch ra phương hướng đường đi để dẫn tới ước mơ.
- Vì sao chỉ cách thức mà bạn thực hiện mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn
- Ước mơ mà không hành động thì ước mơ đó không có ý nghĩa, ước mơ chết.
- Cần có những hành động đúng đắn, nhân văn để thực hiện ước mơ và khẳng định bản thân.
- Cách thực hiện ước mơ:
- Xác định ước mơ
- Đưa ra mục tiêu phấn đấu và không ngừng nỗ lực.
- Tin tưởng bản thân
- Mở rộng
- Trong xã hội ngày nay bên cạnh những bạn trẻ sống có ước mơ có lý tưởng rất đáng trân trọng, thì bên cạnh đó vẫn còn nhiều bạn trẻ sống không có ước mơ.
- Các bạn không hiểu mình muốn gì và không có ý chí phấn đấu, các bạn đó cứ sống và buông bỏ đời mình theo số phận muốn tới đâu thì tới, thật đáng buồn. Cần có những suy nghĩ và hành hành đông tích cực để thực hiện ước mơ
- Kết
- Là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần phải có ước mơ mục đích sống cho riêng mình.
- Để đạt được ước mơ chúng ta cần ra sức rèn luyện học tập, tu dưỡng đạo đức để chuẩn bị những tư trang cần thiết cho con đường đi tới ước mơ của mình.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau:
"2/10/1971
Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (…). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình… Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!.. Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy... Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy."
(Trích Mãi mãi tuổi hai mươi - Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, 2005)
Thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới:
Câu 1. Hãy chỉ ra "những điều không ngờ" được tác giả nói đến trong đoạn trích?
Câu 2. Người viết đã thể hiện cảm xúc gì qua câu văn: Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!..
Câu 3. Nêu tác dụng của phép điệp được sử dụng trong câu văn: Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp..
Câu 4. Anh / chị có đồng ý với quan điểm "viết nhật kí không còn cần thiết trong cuộc sống hôm nay" không? Vì sao?
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ bàn về tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay.
Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ
(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai). Từ đó, nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc - Hiểu
Câu 1: "Những điều không ngờ" được tác giả nói đến trong đoạn trích:
- Không ngờ mình đã đến đây.
- Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá …
Câu 2: Cảm xúc của người viết được thể hiên qua câu văn: Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! là: Sự xúc động và niềm tự hào về Tổ Quốc
Câu 3:
- Điệp từ được sử dụng qua đoạn trích là: khi
- Tác dụng của phép điệp từ: Nhấn mạnh thời điểm thiêng liêng nhất đối với người viết, trong không khí buổi lễ tiễn quân đầy xúc động, tự hào và đáng nhớ.
Câu 4: Các em đưa ra quan điểm cá nhân của mình sau đó dùng những lập luận để bảo vệ quan điểm đó
Ví dụ:
- Đồng ý vì viết nhật ký là một cách để lưu lại những ký ức, kỷ niệm đẹp mà bất cứ ai, dù sống trong thời đại nào cũng cần; một cách lưu giữ ký ức giản dị, chân thật và giàu cảm xúc;…
- Không đồng ý vì: thời đại 4.0 có nhiều cách để lưu giữ ký ức, kỷ niệm sống động hơn, thuận tiện hơn…
II. Làm văn
Câu 1: Hướng dẫn làm bài
- Giải thích: "tinh thần yêu nước” là tình yêu đối với quê hương, đất nước; được hình thành từ lòng yêu nước và sự tự nguyện hi sinh vì quê hương, đất nước vô điều kiện; là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.
- Bàn luận:
+ Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam thời chiến: Sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Cảm thấy tự hào vì mình là người bộ đội cụ Hồ.
+ Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay: luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch; biết đấu tranh vì một cuộc sống hòa bình cho dân tộc; đặc biệt, đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo về đất nước….
+ Phê phán hiện tượng ngược lại: những kẻ bán nước, phản bội Tổ Quốc.
+ Hành động: Có những đóng góp cho đất nước bằng những hành động cụ thể như: cố gắng học tập vì ngày mai lập nghiệp,… Tham gia nghĩa vụ quân sự…
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
“Ngày xưa tựu trường chúng con bên nhau
thầy vẫn đọc lời văn năm cũ
Hằng năm cứ vào cuối thu ...
Mười mấy năm xa trường chạm kiếp bể dâu
đôi lần trường xưa hiện lên như chớp lửa
đôi đứa trong chúng con đã thành ông này bà nọ
chỉ kỉ niệm là cứ trẻ hoài như màu mắt trẻ thơ
Kỉ niệm cứ hóa thành chiếc lá sau mưa
cứ ẩm mát mặt sân trường cũ
riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ
buổi con về tí tách trận mưa hoa”
(Trương Vũ Thiên An - Chiếc lá, in trong tập thơ “Tạ”, NXB Hội Nhà Văn, 2018, trang 36)
Câu 1. Chỉ ra “lời văn năm cũ” mà thầy vẫn đọc trong ngày tựu trường ở đoạn thơ trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai. (0.5 điểm)
Câu 3. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người thầy trong hai dòng thơ sau:(1.0 điểm)
“riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ
buổi con về tí tách trận mưa hoa”
Câu 4. Đoạn thơ gợi cho anh/chị những cảm nghĩ gì về mái trường (viết khoảng 5 đến 7 dòng)? (1.0 điểm)
II. Làm văn (7.0 điểm)
Anh/ chị hãy phân tích những phát hiện về hiện thực đời sống của nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (SGK Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016), trong đó đặc biệt làm rõ tâm trạng và nhận thức của nhân vật Phùng mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh ở đoạn kết thúc truyện.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. Đọc - Hiểu
Câu 1: “Lời văn năm cũ” mà thầy vẫn đọc trong ngày tựu trường ở đoạn thơ trên là: "Hằng năm cứ vào cuối thu"
Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai: so sánh, nhân hóa, ẩn dục. (Các em chỉ cần nêu 1 trong 3 biện pháp tu từ nêu trên là đã đạt điểm)
Câu 3: Gợi ý trình bày theo ý sau
- Trong suy cảm của nhà thơ, người thầy “hóa thân” vào cây phượng già, bung nở muôn hoa ngày học sinh cũ về thăm.
- Như cây phượng già, người thầy năm cũ vẫn hiện hữu, gắn mình với mái trường, vững chãi và lặng lẽ dõi theo sự trưởng thành của bao lớp học trò; nao nức vui khi đón trò cũ trở về.
Câu 4: Mỗi học sinh có thể trình bày cảm nghĩ của mình với những nội dung khác nhau
Ví dụ:
- Đoạn thơ gợi nỗi nhớ thầy xưa, trường cũ.
- Gợi cảm xúc tiếc nhớ tuổi học trò, tình cảm yêu quý trường lớp, thầy cô, bè bạn sau ba năm học tập.
- Thái độ trân quý hiện tại, nỗ lực sống, học tập, rèn luyện để thành đạt…
II. Làm văn
Hướng dẫn làm bài
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật Phùng
- Phân tích những phát hiện về hiện thực đời sống của nhân vật Phùng
- Phát hiện về cảnh thiên nhiên “đắt trời cho”:
+ Sau gần tuần lễ “phục kích” thực hiện nhiệm vụ được giao, Phùng đã tìm được một cảnh ưng ý. Trước mắt Phùng, thiên nhiên hiện ra với vẻ đẹp toàn bích.Tâm hồn nghệ sĩ đã xuất hiện những rung cảm mãnh liệt tưởng như đã phát hiện ra chân lý của sự toàn thiện, toàn mỹ.
=> Ý nghĩa: Hiện thực đời sống tạo nên cái đẹp cho nghệ thuật, là đối tượng của nghệ thuật.
- Phát hiện về cảnh đời đen tối của gia đình hàng chài:
+ Phùng chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách tàn bạo, người vợ thì nhẫn nhục chịu đựng. Thằng Phác – đứa con trai vì muốn bảo vệ mẹ đã lao vào đánh bố. Cảnh tượng này Phùng còn được chứng kiến thêm lần thứ hai. Chứng kiến nghịch cảnh bất công, ngang trái, Phùng cảm thấy kinh ngạc
=> Ý nghĩa: Hiện thực cuộc sống chứa đầy nghịch lí với những mảng sáng – tối, xấu – đẹp, thiện – ác…cùng tồn tại. Con người cần có cái nhìn đa diện đa chiều để phát hiện ra sự thật cuộc đời đằng sau hình thức bề ngoài.
- Phát hiện ở Tòa án huyện:
+ Trước lòng tốt của Phùng và Đẩu, người đàn bà lại van xin không bỏ chồng và kể câu chuyện đời éo le, bi kịch của mình. Phùng cảm thấy căn phòng trở nên ngột ngạt vàvỡ lẽ thêm nhiều nhận thức về cuộc sống.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội. Tại sao lại có được thành công to như vậy? Liên minh quân đội Mỹ - Anh trước khi tấn công đã có một sự chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng. Họ diễn tập rất nhiều lần, không chỉ diễn tập bình thường mà tập dượt cả phương hướng, địa điểm, thời gian, tất cả những việc cần làm khi tấn công. Cuối cùng, khi tấn công thực sự, thắng lợi như đã nằm gọn trong lòng bàn tay, thời gian tấn công chỉ lệch mấy giây so với kế hoạch. Đó chính là sức mạnh của sự chuẩn bị.
Người xưa đã dạy, biết lo xa sẽ tránh được tai họa. Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất. Một người có sự chuẩn bị càng kĩ lưỡng thì khả năng thành công càng cao. Chúng ta đều thuộc lòng câu ngạn ngữ: “Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ” hay “một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà”. Đó chính là triết lí sâu xa về sự chuẩn bị.
Michael Jordan “không trung” là tuyển thủ vĩ đại nhất mọi thời đại trong lịch sử bóng rổ Mỹ, được tôn xưng là vua bóng rổ. Anh có đủ mọi tố chất và điều kiện của một ông vua bóng rổ, anh tham gia bất kì trận đấu nào thì tỉ lệ chiến thắng đều rất cao. Nhưng trước mỗi trận đấu, dù quan trọng hay thông thường, anh đều luyện tập kĩ càng. Anh tập ném bóng, tập các động tác cơ bản. Anh luôn là người luyện tập vất vả nhất trong đội bóng, cũng là người có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
(Trích Giáo dục thành công theo kiểu Harvard, Tập 2, Vương Nghệ Lộ, người dịch: Nguyễn Đặng Chi, NXB Lao động, 2016, trang 235 - 236)
Câu 1: Đặt nhan đề cho đoạn trích.
Câu 2: Theo tác giả, vì sao trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ?
Câu 3: Ghi lại những câu ngạn ngữ và nêu mục đích của việc trích dẫn. Chỉ ra ít nhất hai điểm giống nhau giữa các câu ngạn ngữ đó.
Câu 4: Đoạn trích đã gửi đến người đọc thông điệp gì? Anh/chị hãy đề ra khoảng 02 việc cần làm đối với mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPTQG sắp tới để thực hiện thông điệp đó.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được trích từ phần Đọc hiểu: Chỉ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng mới mang đến kết quả tốt nhất.
Câu 2 (5.0 điểm) Trong đoạn trích Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã cho thấy ý nghĩ của Mị khi làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí PáTra: “Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.” và trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, Mị muốn đi chơi, Mị vùng bước đi nhưng không được vì đã bị A Sử trói đứng trong buồng tối: Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa
Phân tích tâm trạng nhân vật Mị qua hai cảnh ngộ trên, từ đó cảm nhận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. Đọc - Hiểu
Câu 1: Gợi ý đặt nhan đề cho đoạn trích: Chuẩn bị kĩ lưỡng, Sức mạnh của sự chuẩn bị hoặc Chuẩn bị tốt trước khi hành động...
Câu 2: Theo tác giả, trận tấn công Normandy mang tính quyết định đã thành công vang dội và Michael Jordan được tôn xưng là vua bóng rổ vì đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo
Câu 3:
- Những câu ngạn ngữ:
- Nuôi binh ngàn ngày, dụng binh một giờ
- Một phút huy hoàng trên sân khấu, mười năm khổ luyện trong cánh gà
- Mục đích của việc trích dẫn là: khẳng định hơn nữa tính đúng đắn của vấn đề, tăng tính thuyết phục cho đoạn trích…
- Điểm giống giữa các câu ngạn ngữ này là:
- Đề cao việc chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo trước khi hành động.
- Vẻ đẹp cân xứng, việc sử dụng những số từ giàu ý nghĩa ...
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
Thái độ tích cực tạo ra một lực hút lớn đối với những điều tốt đẹp. Tương tự, người sở hữu tinh thần tích cực sẽ có sức cuốn hút người khác bằng chính sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống của mình.
Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, để từ đó biết rút ra bài học kinh nghiệm.
Thái độ tích cực luôn tạo nên những phản ứng tinh thần chính xác đối với mỗi tác động bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ biết cách suy nghĩ, hành động và có cách cư xử đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tâm hồn bạn và cuộc sống này là những điều bạn được tùy nghi sử dụng để đem lại ích lợi tuyệt đối cho chính mình. Do đó, sử dụng nó thế nào để đem lại hiệu quả chỉ phụ thuộc vào bạn mà thôi.
Thái độ tích cực giúp bạn suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, luôn biết hướng về một tương lai xán lạn, mà nơi đó ước mơ và khát vọng của bạn có thể trở thành hiện thực. Bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống, tiềm ẩn trong nó cũng là cơ hội cho những ai đủ sáng suốt nhận ra. Đúng như triết lý mà Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng phát biểu: “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”.
Một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa để nhắc nhở bạn bền bỉ thực hành sống tích cực cũng như kiên tâm theo đuổi mục đích đã đặt ra. Khi bạn nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một suy nghĩ tích cực, đặc biệt là vào thời điểm phải đối diện với khó khăn, bạn sẽ thêm mạnh mẽ và kiên quyết để vượt qua tất cả nhằm đạt được điều tốt nhất có thể.
(Michael J. Ritt- Chìa khóa tư duy tích cực, Nhà xuất bản trẻ)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến cho rằng “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”?
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến cho rằng “Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng”? vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong đoạn kết “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, lúc đầu nhìn thấy A Phủ bị trói đứng vào cột, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. “Nếu A phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Nhưng sau đó thì Mị lại cắt dây cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài.
Anh (chị) hãy phân tích về sự thay đổi trên trong tâm lí và hành động của Mị. Từ đó nêu những điểm mới mẻ về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm (có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa)
Câu 3: Câu “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh” được hiểu là: Con người có thể làm chủ bản thân, thay đổi hoàn cảnh, tạo cơ hội cho chính bản thân mình, không lệ thuộc vào hoàn cảnh
Câu 4: Các em đưa ra quan điểm cá nhân, sau đó dùng lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình
II. Làm văn
Câu 1: Dàn ý hướng dẫn
I. Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Vai trò, ý nghĩa của suy nghĩ tích cực trong đời sống con người.
II. Thân bài:
1. Giải thích
Suy nghĩ tích cực là tư duy theo chiều hướng lạc quan, tin tưởng, nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt của vấn đề, thấy được phương hướng, kết quả giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Nếu thấy cái xấu ta có khả năng biến cái xấu thành cái tốt, luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.
2. Bàn luận
- Suy nghĩ tích cực có tác dụng và ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần, định hướng hành động đúng đắn cho mỗi người
- Những suy nghĩ tích cực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress trong cuộc sống hơn
- Thiếu suy nghĩ tích cực, con người dễ rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc. Người nhìn nhận mọi việc với con mắt tiêu cực sẽ gặp trở ngại lớn trong sự nghiệp, vì không dám đương đầu với thách thức cũng như không có niềm tin vào khả năng của bản thân.
- Suy nghĩ tích cực giúp bạn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình với công việc hiện tại và gặt hái thành công
- Để có suy nghĩ tích cực, mỗi người cần rèn luyện thói quen tư duy, nâng cao kiến thức, tích cực trải nghiệm, luôn giữ tinh thần lạc quan...
- Đa số những người thành công đều có lối sống và tư duy tích cực (lấy dẫn chứng minh họa)
3. Bài học nhận thức và hành động
- Hãy học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân
- Tránh xa tất cả các ảnh hưởng tiêu cực từ mọi phía, thậm chí từ người thân trong gia đình hay một người bạn thân.
- Thay đổi suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực dù tình huống có đang bi quan tới mức nào
- Tập thói quen mỉm cười để làm cho tinh thần thoái mái hơn và hạnh phúc hơn mỗi ngày.
- Hiểu rằng bản thân cần gì và dành thời gian cho bản thân
- Hãy nghĩ rằng mình là một người tích cực và bạn rất yêu cuộc sống này
III. Kết bài:
- Mọi người cần xây dựng cho bản thân quan điểm, suy nghĩ tích cực để thành công trong cuộc sống
Câu 2: Hướng dẫn làm bài
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”
- Diễn biến tâm lý của Mị
- Mới đầu nhìn A Phủ bị trói, Mị dửng dưng, vô cảm, lạnh lùng:
- Đêm tình mùa xuân hồi sinh tâm hồn Mị, sau đó Mị lại trở về với cuộc sống lặng câm, vô cảm.
- Mị vô cảm với chính mình: bị A Sử đạp ngay ở cửa bếp nhưng những đêm sau Mị vẫn dậy để thổi lửa hơ tay -> Mị không cảm nhận được nỗi đau thể xác và tủi nhục về tinh thần.
- Vô cảm với người đồng cảnh ngộ - A Phủ: Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi. Mị vô cảm, dửng dưng, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Mị không biết, không hay, không quan tâm, chỉ biết chỉ cò ở với ngọn lửa.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Hiền. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !