Tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Gio Linh dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện kĩ năng làm thử đề thi theo cấu trúc của đề THPT Quốc gia để chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt. Những đề thi này bao gồm các câu hỏi Đọc hiểu và Làm văn bám sát theo chương trình học của các em. Chúc các em sẽ có một kì thi thật tốt nhé!
TRƯỜNG THPT GIO LINH |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021-2022 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nhu cầu về khẩu trang y tế tăng vọt, mặt hàng này trở nên khan hiếm. Rất nhiều cửa hàng dược phẩm đã tăng giá loại hàng này lên gấp nhiều lần để kiếm lời bất chính. Tình hình “căng” đến mức trong cuộc họp trực tuyến sáng ngày 1/2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải yêu cầu: “Từ giờ phút này trở đi, nếu người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán (khẩu trang y tế), thì không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”. Kết quả là hơn 1.200 hiệu thuốc trên toàn quốc đã bị xử phạt với số tiền hàng tỷ đồng.
Thế nhưng ngay trong những ngày bị dịch viêm phổi cấp hoành hành, đã có những việc làm mang đầy ý nghĩa của nhiều tổ chức, cá nhân trên dải đất hình chữ S: Phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân để phòng bệnh.
Đó là chuỗi cửa hàng dược phẩm số 66 phố Chùa Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), … Anh Dương Đại Dũng, đã phát miễn phí hàng ngàn khẩu trang y tế cho người dân.
Đó là đơn vị chuyển phát nhanh Viettelpost, bỏ tiền ra mua hàng ngàn khẩu trang để cấp phát cho dân. Đó là ban quản lý chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cấp miễn phí hơn 1 vạn khẩu trang y tế cho du khách đến chùa dịp đầu xuân. Rồi thành phố Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước… cũng có hàng chục địa chỉ phát khẩu trang miễn phí.
Cổ nhân có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chiếc khẩu trang y tế có giá trị chỉ vài ngàn bạc, không bằng một chén nước chè ở quán nước vỉa hè. Nhưng trong trận dịch này, những kẻ bất lương đã đội giá lên vài ba chục lần.
Việc đội giá này không chỉ là hành vi móc túi người dân một cách trái pháp luật, vô nhân đạo, thậm chí là một tội ác, mà còn gieo rắc tâm lý hoang mang cho xã hội. Đối nghịch với cảnh đó, việc phát khẩu trang miễn phí cho người dân của những tổ chức, cá nhân nói trên là một hành động vô cùng đẹp đẽ và nhân văn, thể hiện tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng”, tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, tấm lòng nhường cơm sẻ áo những lúc hoạn nạn, đã được cha ông ta xây dựng và dày công vun đắp từ hàng ngàn năm qua.
Những tấm khẩu trang tuy giá trị nhỏ nhoi, nhưng đã làm ấm lòng những người được nhận, làm giảm nguy cơ lây bệnh, nhiễm bệnh của hàng ngàn người trên cả nước.
Những việc làm đó rất đáng được tôn vinh.
(Theo Tình người giữa dịch viêm phổi cấp - Vũ Hữu Sự)
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2: Tác giả đã phê phán hiện tượng nào và tuyên dương hiện tượng nào được nêu trong văn bản?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản?
Câu 4: Bản thân anh/chị sẽ hành động như thế nào để mọi người cùng chung tay đẩy lùi đại dịch virus Corona?
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của chân lý “cho đi là còn mãi”.
Câu 2. (5.0 điểm)
Cảm nhận của Anh/chị về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Ngữ Văn 12 - tập 1)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2:
- Tác giả đã phê phán hiện tượng:
+ Nhu cầu về khẩu trang y tế tăng vọt, mặt hàng này trở nên khan hiếm. Rất nhiều cửa hàng dược phẩm đã tăng giá loại hàng này lên gấp nhiều lần để kiếm lời bất chính.
+ Việc đội giá này không chỉ là hành vi móc túi người dân một cách trái pháp luật, vô nhân đạo, thậm chí là một tội ác, mà còn gieo rắc tâm lý hoang mang cho xã hội.
- Tuyên dương hiện tượng: nhiều tổ chức, cá nhân trên dải đất hình chữ S: Phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân để phòng bệnh.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản:
- Các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “bầu ơi thương lấy bí cùng”; “lá lành đùm lá rách”
- Tác dụng: Làm văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, tăng sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu. Qua đó tác giả đã đề cao truyền thống cao đẹp của dân tộc, đề cao tình người và sự cao thượng trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Câu 4: Bản thân em sẽ chung tay đẩy lùi đại dịch bằng cách:
- Tuyên truyền cho mọi người hiểu được mức độ nguy hiểm của virus Corona, mức độ lây lan, khả năng lây lan.
- Tuyên truyền mọi người tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách giúp bảo vệ sức khỏe của mình và của mọi người.
- Kêu gọi mọi người chung tay vì cộng đồng, cùng sát cánh chống lại căn bệnh nguy hiểm.
- Lên án, phê phán các hành động tung tin giả nhằm gây hoang mang dư luận hoặc tăng giá các thiết bị y tế, lương thực để trục lợi.
- Không đưa tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Bình tĩnh trước dịch bệnh.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1.
Có thể tham khảo các ý sau.
- “Cho” là cho đi vật chất hoặc tinh thần. “Còn mãi” là vẻ đẹp của tình người, là cái đẹp thiên lương còn lại.
- Ý nghĩa của chân lý “cho đi là còn mãi”.
+ Khi ta cho đi, ta đã làm cho người được nhận cảm thấy ấm áp, tự tin. Cuộc đời luôn có những bất hạnh, cho đi một phần mình có là san sẻ bớt một chút gánh nặng với những người kém may mắn hơn.
+ Cho đi sẽ góp phần làm con người xích lại gần nhau, tình yêu thương được lan tỏa; con người sẽ biết sống vì nhau.
+ Chính lúc cho đi là lúc ta nhận lại được nhiều nhất (nhận lại nụ cười, nhận được cảm ơn, nhận được niềm vui nơi ánh mắt của người được ta cho…)
+ Từ việc cho đi của một người, lan tỏa những hành động yêu thương đến những người khác. Điều đó sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp.
+ Cho đi sẽ làm nên nhân cách của mỗi con người. Người luôn biết cống hiến, hi sinh, biết cho đi luôn được mọi người yêu mến và kính trọng. Ngược lại chỉ biết sống cho riêng mình, sống ích kỷ hẹp hòi thì sớm muộn cũng bị mọi người xa lánh.
Câu 2.
Giới thiệu vấn đề: vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình
Giới thiệu vài nét khái quát về Xuân Quỳnh
Nội dung chính cần lưu ý:
* Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu trong bài thơ Sóng:
- Mượn hình tượng Sóng để diễn tả nỗi lòng, người con gái khi yêu mang một tâm hồn giàu cảm xúc, giàu cung bậc trong tình yêu: khi sôi nổi nồng nàn, khi dịu dàng say đắm.
- Cá tính, không chấp nhận sự gò bó, chật hẹp trong tình yêu; khát vọng vượt ra khỏi những giới hạn.
- Tình yêu say đắm, hồn nhiên và vô tư trong trẻo (không cắt nghĩa được tình yêu)
- Giàu tình cảm, giàu khát vọng: nhớ thương đến cháy bỏng, nồng nàn thủy chung trong tình yêu, tin tưởng vào sự vững vàng của tình yêu sẽ vượt qua bao sóng gió; đầy âu lo nhưng lại vượt qua bởi khát vọng bất tử hóa tình yêu.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu
Chúng ta thường có khuynh hướng ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Song, nếu chúng ta chỉ chấp nhận những mức độ sẵn có, chẳng muốn gắng sức vươn lên một tầm cao mới, thì mãi mãi bản thân ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác và lúc nào cũng dậm chân tại chỗ.
Luôn cố gắng phát huy khả năng của bạn đến mức xuất sắc là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Bạn hãy xem xét những công việc nhỏ mà bạn thường làm, rồi tự hỏi xem: Mình có thể thực hiện chúng cách nào tốt hơn?
Ví dụ như: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt. Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.
Khi bạn quyết tâm làm mọi việc với một kết quả tốt nhất, nội tâm và cảm xúc trong bạn sẽ sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy cuộc đời mình đổi thay đáng kể và con đường tiến tới thành công sẽ rộng mở trước mắt bạn, dù có thể trước đó bạn thấy nó dường như đã đóng kín.
(Thay thái độ, đổi cuộc đời – Keith D. Harrell)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả theo lựa chọn nào?
Câu 3. Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên có tác dụng gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.”? Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Dựa trên nội dung phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự “Quyết Tâm”
Câu 2. (5.0 điểm)
Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua đoạn thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.
Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh – một phương.
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGD 2018)
Nhận xét về phong cách thơ Xuân Quỳnh qua đoạn thơ trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Câu 2. Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc.
Câu 3. Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên:
Ví dụ: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt.
- Tác dụng:
+ Làm cho văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, lập luận thuyết phục, rõ ràng. Qua đó nhấn mạnh: "Mỗi con người cần phải có thái độ nghiêm túc, phải biết cố gắng, nỗ lực trong công việc, Biết cách phát huy hết khả năng vốn có của mình.
Câu 4. Ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.”
- Nêu quan điểm: Em đồng tình với ý kiến trên.
- Bởi vì:
+ Nó là một quan điểm đúng đắn, giúp con người hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống đời thường.
+ Trước khi làm bất cứ công việc gì, nếu ta "biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao" thì sẽ giúp ta làm việc có trình tự, cẩn thận trong từng khâu, và luôn biết hướng tới mục tiêu ở phía trước.
+ "Mục tiêu chuẩn cao" sẽ giúp ta có động lực, tập trung vào phát huy tốt nhất công việc và đạt kết quả tốt nhất mà bản thân mong muốn.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1
- Xác định yêu cầu: đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự “Quyết Tâm”
- Vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự Quyết Tâm
* Giới thiệu vấn đề: Sự quyết tâm là yếu tố quan trọng trong con đường đi đến thành công.
* Bàn luận vấn đề:
- Giải thích: Quyết tâm là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu không ngừng để đạt được kết quả mà mình mong muốn.
- Ý nghĩa của sự quyết tâm:
+ Là ý chí, là nghị lực giúp ta vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.
+ Có quyết tâm chúng ta sẽ không dễ nản lòng, chùn bước.
+ Là nguồn năng lượng, là động lực, là cơ sở thôi thúc ta phải hành động, phải thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.
+ Giúp ra khắc phục được những hạn chế của bản thân tìm ra con đường đi đúng đắn.
- Dẫn chứng thực tế.
=> Có quyết tâm thì con người ta mới có sức mạnh chiến thắng mọi thử thách và vươn tới thành công. Ngược lại nếu thiếu đi quyết tâm bạn sẽ chỉ có được sự chán nản, thất vọng mà thôi.
* Kết thúc vấn đề. Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sự Quyết Tâm.
---(Đáp án chi tiết những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. Đọc hiểu
Đọc đoạn trích
Thế nào là anh hùng? Theo tôi, anh hùng là người can đảm cống hiến trong mọi hoàn cảnh dù là khó khăn nhất; là một cá nhân hành động không vị kỉ và luôn đòi hỏi bản thân mình phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người, là người xem thường nghịch cảnh để kiên quyết thực hiện điều mình tin tưởng mà không hề sợ hãi. Anh hùng là người muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và sống thật với niềm tin xác quyết của mình. Anh hùng luôn xây dựng chiến lược để đảm bảo đạt được kết quả và theo đuổi đến khi thành quả mong muốn trở thành hiện thực; họ sẵn sàng thay đổi phương pháp nếu cần thiết và hiểu tầm quan trọng của những hành động nhỏ. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo. Chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời.
(Trích Đánh thức con người phi thường trong bạn - Anthony Robbins, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 397 - 398)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng anh hùng là người có thái độ như thế nào trước khó khăn, nghịch cảnh?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời? Vì sao?
II. Làm văn (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2.
Anh hùng là người có thái độ ntn trước khó khăn nghịch cảnh:
- Theo tác giả, anh hùng là người can đảm cống hiến, không kì vị và luôn đòi hỏi bản thân phải tốt hơn so với mức kì vọng của mọi người trọng mọi hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh khó khăn nhất
- Xem thường nghịch cảnh để kiên quyết chiến đấu không sợ hãi
- Luôn muốn cống hiến, sẵn sàng trở thành hình mẫu và luôn sống thật với niềm tin xác quyết của mình
Câu 3. Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo.
Câu này có thể hiểu như sau:
Trong cuộc sống, mỗi con người đều suy nghĩ và góc nhìn là khác nhau, không ai giống ai cả, nên đôi khi trong mắt họ, những điều mà “anh hùng” chiến đấu và thực hiện chưa chắc đã là điều họ mong muốn và chờ đợi. Nên đối với mọi người, anh hùng chưa chắc đã là mẫu người hoàn hảo
Bên cạnh đó, anh hùng suy cho cùng cũng chỉ là con người, mà con người thì không có ai hoàn hảo trong mắt tất cả mọi người, họ chỉ có thể là phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân họ mà thôi.
Câu 4. Chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ra trong đời
- ĐỒNG Ý với quan niệm trên bởi vì:
+ Đã là con người thì ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, có thể ngay lúc thực hiện việc đó ta không hề biết đó là sai lầm, nhưng khoảnh khắc ta nhìn lại vấn đề đó, ta sẽ tự nhận thấy hành động đó không phù hợp, gọi là sai lầm. Nhưng chỉ cần chúng ta biết để sửa, biết để thay đổi và cố gắng, thì sai lầm đó không thể phủ nhận những cống hiến của chúng ta đã có.
+ Ta có thể cống hiến vô vàn điều tốt đẹp trên cuộc đời, nhưng chúng ta nếu phạm phải 1 sai lầm thì điều đó nếu ảnh hưởng tới cuộc đời của bạn thì quá bất công rồi.
Lưu ý: Câu này hỏi về quan niệm cá nhân nên không có đúng hay sai, các em hoàn toàn có thể viết CÓ hoặc KHÔNG, nhưng phải có những lập luận và lí lẽ cho bản thân.
II. Làm văn
Câu 1 (2.0 điểm)
- Hình thức: Đoạn văn 200 chữ bố cục mở - thân - kết đoạn và đảm bảo các ý chính để nghị luận về đề tài "những hành động nhỏ làm nên anh hùng giữa đời thường"
- Nội dung:
Giới thiệu đề tài:
- Nêu ra vấn đề nghị luận, dẫn dắt đề bài
- Đưa ra quan điểm chung của bản thân về đề bài.
Bàn luận vấn đề:
Anh hùng là gì?
- Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kì vọng của mọi người. Là những người không ngại khó khăn, thử thách, nghịch cảnh mà luôn luôn làm những điều tốt đẹp hướng tới xã hội và cộng đồng.
- Anh hùng về danh từ có thể hiểu là người lập nên công trạng to lớn với nhân dân đất nước hoặc có những hành động hoặc bản lĩnh phi thường; về động từ chỉ các hành động anh hùng. Từ anh hùng được sử dụng với nghĩa tốt để tuyên dương các cá nhân, tập thể hoặc hành động nào đó.
Hành động nhỏ giữa đời thường?
- Hành động nhỏ giữa đời thường không phải là những gì quá to tát như giải cứu thế giới, giải cứu nhân loại mà chúng ta thường xem trên các bộ phim, nó đơn giản chỉ là những hành động, nghĩa cử tốt đẹp mà chúng ta đối xử với nhau hàng ngày, mong muốn đem lòng tốt của bản thân cho mọi người xung quanh.
Lập luận, quan điểm bản thân:
- Ngày nay, có rất nhiều những “anh hùng” xuất hiện chỉ bằng những hành động nhỏ của mình giữa cuộc sống đầy rẫy những khó khăn này. Họ hành động đôi khi không phải vì cái danh “anh hùng” được mọi người bình bầu mà nó chỉ đơn giản là xuất phát từ tấm lòng, từ quan niệm sống và cách nhìn nhận về vấn đề đó, khiến họ không thể ngồi im hay khoanh tay đứng nhìn.
Phản đề: Hiện tượng anh hùng bàn phím: Cư dân mạng đặt ra nhiều cụm từ dùng để chỉ đến những người sử dụng máy tính, internet để làm, hoặc nói bất cứ thứ gì mình thích: nói xấu, bới móc, thích gây chú ý, chê trách người này và đả kích người kia,... và "anh hùng bàn phím" là cái tên đang được đề cập nhiều nhất.
- Liên hệ thực tế:
+ Mới nhất: Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm đã làm cơm trưa, phục vụ miễn phí cho các y bác sĩ trong bệnh viện, cổ vũ để các bác sĩ có thêm động lực, giúp phần nào để đất nước đẩy lùi khó khăn và vượt qua dịch bệnh. Hay nhà hảo tâm giúp cho người nghèo đảm bảo những bữa cơm trưa trong những ngày cả nước thực hiện "Cách ly toàn dân". Họ làm việc này xuất phát từ cái tâm, không màng lợi ích. Và đó chính là “hành động nhỏ” tạo nên những “anh hùng” đời thường.
+ Hành động nhỏ làm nên những người anh hùng mà ta thường bắt gặp:
- Là sẵn sàng chia sẻ chút thức ăn ít ỏi dù bản thân mình cũng không giàu sang gì.
- Là hành động giúp đỡ người già, người khuyết tận qua đường
- Là lời động viên, khích lệ những người đang bi quan, giúp họ có cái nhìn khác với cuộc sống khó khăn ở hiện tại
Tổng kết vấn đề
- Đúc kết lại suy nghĩ của em
- Có thể mở rộng và liên hệ bản thân.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Ông ấy cũng giống như chúng ta” - đây là nhận xét của giới truyền thông phương Tây trong những ngày vừa qua về Bill Gates, người giàu thứ hai thế giới hiện nay với khối tài sản ước tính lên đến 96 tỉ USD.
Tờ Sydney Morning Herald thuật lại rằng, nhà đồng sáng lập Microsoft khi đến cắt tóc tại một cửa hàng ở Double Bay, thuộc ngoại ô Sydney, trong một chuyến thăm thành phố này đã xếp hàng như bao người khác. Đây quả là một thông tin khiến không ít người cảm thấy hiếu kì, vì trong tưởng tượng của hầu hết chúng ta, một đại tỷ phú như Bill Gates hẳn phải có thợ cắt tóc riêng, hoặc phải có những “đặc quyền, đặc lợi” khi đến bất cứ đâu, được ưu tiên, được cung phụng, vv và vv…
Thế nhưng, ông ấy vẫn xếp hàng như bao vị khách khác. Điều thú vị là khi vị tỉ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu”. Bill Gates khiêm nhường thì đã đành, mà quy định của cửa hiệu cắt tóc này cũng rất rõ ràng. Họ coi mọi khách hàng đều bình đẳng như nhau. Đây hoàn toàn không phải là điều dễ gặp, khi mà đứng trước một nhân vật nổi tiếng, đầy quyền lực như Bill Gates, đâu phải ai cũng giữ được cách ứng xử điềm nhiên, sòng phẳng như người thợ cắt tóc kia!
(…) Có thể nhiều người có tiền mua burger hay cắt tóc nhưng không phải ai cũng khiêm nhường xếp hàng như Bill Gates. Ngược lại, không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh! Trông người lại nghĩ đến ta.
(Theo Bích Diệp - Ngẫm về sự giản dị của tỉ phú)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Theo người viết, Bill Gates là tỉ phú có phong cách sống như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3: Việc tỉ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng lấy 1 tách cà phê được không thì được trả lời: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” nói lên điều gì trong cách ứng xử của Bill Gates và người thợ cắt tóc? (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị rút ra được bài học gì cho bản thân từ văn bản trên? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ vấn đề được gợi ra ở phần đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về nhận xét sau: “Không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!”
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong bài “Cảm nghĩ về truyện Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết:
“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt.”
(Tác phẩm văn học 1930- 1975, tập hai, NXB Khoa học xã hội, 1990, Tr. 71)
Hãy làm sáng tỏ nhận xét trên qua việc cảm nhận nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản là chính luận/ Phong cách ngon ngữ chính luận.
Câu 2. Theo người viết: Bill Gates là tỉ phú có phong cách sống tôn trọng người khác, ứng xử lịch lãm, văn minh.
Câu 3.
- Việc tỉ phú Bill Gates xếp hàng và hỏi anh thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng lấy một tách cà phê được không cho thấy cách ứng xử văn minh, tôn trọng người khác của Bill Gates.
- Câu trả lời của anh thợ cắt tóc: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu cho thấy anh thợ cắt tóc không chỉ tôn trọng người khác, tôn trọng những nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, mà còn công bằng, không xu nịnh, không vì tiền bạc và quyền lực mà làm những việc trí với nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.
Câu 4. Đề mở, các bạn có thể rút ra những bài học khác nhau, gợi ý một số ý sau:
- Tôn trọng người khác, ứng xử văn minh, lịch thiệp nơi công cộng.
- Sống giản dị, khiêm nhường.
- Học tập trau dồi tri thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức để bản thân trở thành người bình thường tử tế…
Phần II. Làm văn
Câu 1.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, hay tổng – phân – hợp.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Bàn về lời nhận xét: “Không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates song vẫn có thể học được rất nhiều điều từ phong cách sống của ông: tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!”.
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận để triển khai vấn đề cần nghị luận theo các cách khác nhau. Cần đảm bảo một số ý sau:
- Ý kiến nêu lên quan niệm về cách sống đẹp: tôn trọng người khác, ứng xử lịch lãm, văn minh.
- Ý kiến trên là một ý kiến đúng đắn vì đã nhắc nhở chúng ta về cách sống đẹp, tử tế.
- Có thể chúng ta không có khả năng kiếm thật nhiều tiền, trở thành người giàu có hay thành tỉ phú nổi tiếng như Bill Gates nhưng chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện cho mình cách sống đẹp như ông.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích:
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên - Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục)
Thực hiện yêu cầu:
Câu 1. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào?
Câu 2. Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của 01 biện pháp tu từ cú pháp trong văn bản?
Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được?
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?
II. Làm văn:
Câu 1 (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc - hiểu: “Thời gian là vàng”.
Câu 2 (5 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tình người qua : hành động Mị cắt dây trói cho A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2007). Từ đó liện hệ đến hành động Thị Nở mang bát cháo hành cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008).
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. Đọc - Hiểu
Câu 1: Theo tác giả, thời gian có những giá trị đó là: Thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền bạc, thời gian là tri thức.
Câu 2:
- Biện pháp tu từ cú pháp trong văn bản là: Điệp cú pháp ( thời gian là…)
- Hiệu quả nghệ thuật là: Nhấn mạnh vào giá trị của thời gian đối với con người và cuộc sống.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Gio Linh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !