YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Đông Hiếu

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em cùng tham khảo tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Đông Hiếu dưới đây. Với tài liệu này các em sẽ nắm được những dạng câu hỏi đọc hiểu gồm 4 cấp độ: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Trong đó mức độ nhận biết, thông hiểu là dễ nhất. Ví dụ như xác định phương thức biểu đạt, tìm biện pháp tu từ. Bên cạnh đó, tài liệu này còn cung cấp cho các em những dạng đề viết văn thường gặp. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT ĐÔNG HIẾU

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

…Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.

(Trích Tuổi trẻ.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Chỉ ra tác dụng của bản lĩnh sống được nêu trong đoạn trích. (0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, những cách thức nào giúp bạn xây dựng được bản lĩnh sống? (0.5 điểm)

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả lại cho rằng: “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích của cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”? (1.0 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm “Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào bản lĩnh” không? Vì sao? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: Bản lĩnh sống

Câu 2. (5.0 điểm)

Trong tác phẩm Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả về cây xà nu:

- Mở đầu tác phẩm: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

- Cuối tác phẩm: Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

Cảm nhận của anh chị về hình tượng cây xà nu qua hai lần miêu tả trên. Từ đó làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng của cây xà nu.

(Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 38 và 48)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1: Tác dụng của bản lĩnh sống: vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh

Câu 2: Theo tác giả, cách thức xây dựng bản lĩnh sống là: Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn.

Câu 3: Vì:

- Có bản lĩnh mới thực hiện được mục đích, ước mơ, hoài bão... Đó là chìa khóa để thành công trong cuộc sống.

- Có bản lĩnh sẽ góp phần bảo vệ và giúp đỡ những người xung quanh, mang lại niềm tự hào, hạnh phúc cho người thân, gia đình và xã hội

Câu 4: Thí sinh đưa ra quan điểm riêng của mình: đồng tình hay không đồng tình và đưa ra lý lẽ thuyết phục

Ví dụ:

- Đồng ý. Vì, bản lĩnh là một trong những tiêu chí để đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hay không...

- Không đồng ý. Vì, bên cạnh bản lĩnh, muốn đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại còn phải phụ thuộc vào năng lực, sở trường, sở thích, cơ hội, sự may mắn....

II. LÀM VĂN

Câu 1: Đoạn văn trình bày về bản lĩnh sống

Mỗi chúng ta trong cuộc đời của mình sẽ gặp muôn vàn những khó khăn thử thách. Những lúc như vậy, nếu chúng ta bình tĩnh xử lý, kiên cường nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn thì chúng ta được xem là người có bản lĩnh. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ cuộc nhanh chóng buông xuôi đầu hàng số phận thì chúng ta là người thiếu ý chí, thiếu bản lĩnh.

Vậy bản lĩnh sống của con người là gì? Nó chính là thái độ sống, khả năng ứng biến của con người trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách của cuộc sống. Người có bản lĩnh sống là người dù trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, kiên cường, nỗ lực hết sức mình để chèo lái con thuyền của đời mình đi đúng hướng, đi theo con đường tích cực, đúng pháp luật, chuẩn mực đạo đức, chứ không buông xuôi, bỏ mặc cho muốn ra sao thì ra, hoặc thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để tìm lối thoát cho riêng mình còn mặc kệ người khác chịu thiệt thòi cay đắng.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu

“Con sẽ không đợi một ngày kia

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?

Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt

Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ

ai níu nổi thời gian?

ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

(Trích “Mẹ”, Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ trên? (0.25 điểm)

Câu 2: Nội dung đoạn thơ nói gì? (0.75 điểm)

Câu 3: Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng và tác dụng của nó trong câu thơ: Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ? (1.0 điểm)

Câu 4:

“Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

Anh chi hiểu như thế nào về những câu thơ trên (1.0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về sự khắc nghiệt của thời gian.

Câu 2: (5,0 điểm)    

Cảm nhận của anh/ chị về quá trình nhận thức của nhân vật Phùng, trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), khi người nghệ sĩ nhiếp ảnhấy phát hiện ra cảnh bạo hành của gia đình hàng chài sống trên chiếc thuyền lưới vó.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: (0.25 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích đó là: biểu cảm (0.25 điểm)

Câu 2: (0.75 điểm)

Đoạn thơ thể hiện nỗi lo sợ,hốt hoảng của người con khi nhận ra sự khắc nghiệt của thời gian (0,5 điểm) và quãng đời ngắn ngủi còn lại củamẹ (0,25 điểm)

Câu 3: (1.0 điểm)

Biện pháp nghệ thuật trong câu thơ: câu hỏi tu từ(0,5 điểm)

Tác dụng: tăng sức biểu cảm, gây sự chú ý và nhấn mạnh qui luật của tự nhiên: những dòng sông trôi đi, giống như thời gian, không bao giờ quay trở lại(0,5 điểm)

Câu 4: (1.0 điểm) Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý cơ bản;

- Thời gian của con và mẹ là 2 hành trình trái ngược nhau: Con lớn lên, mẹ già cỗi (0,5 điểm)

- Cuộc hành trình của mẹ là đi vào bóng đêm, là đang dần rời xa sự sống (0,5 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

* Hình thức: 

- Viết đoạn văn khoảng 200 chữ

- Biết vận dụng các thao tác nghị luận để nêu và giải quyết vấn đề

- Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn. Lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục

* Nội dung

- Hiểu rõ:

- Thời gian là dòng chảy xuôi chiều, không bao giờ quay trở lại, không chờ đợi bất kì ai

• Thời gian là thứ tài sản ai cũng có quyền sở hữu nhưng không phải ai cũng biếtsử dụng một cách hợp lí, hữu ích.

- Phải trân quý và tận dụng khoảng thời gian đang có để làm được những việc có ích, để không phải hối tiếc

- Liên hệ thực tế bản thân.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản:

Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:

- Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?

- Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!

Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?

Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.

Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?

Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.

Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”

(“Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?

Câu 2. Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Đừng bao giờ phán xét người khác của tác giả không? Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh /chị về hai đoạn thơ sau, từ đó anh /chị hãy làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.

- “Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

“… Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD 2015, tr.155 và tr.156).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình cách sống an toàn, không kiếm sống vất vả, ngày ngày có người cho ăn; hay bàn luận, phán xét về người khác.

Câu 2: Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất.

Câu 3: 

- Biện pháp nghệ thuật: Đối lập (kiếm mồi vất vả - sung sướng, ngày ngày có người cho ăn).

- Hiệu quả: làm nổi bật sự lựa chọn khác nhau của hai cách sống: sung sướng, chờ đợi hưởng thụ và khó nhọc kiếm tìm, chủ động tạo lập cuộc sống của mình.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trên sóng xanh những đàn ngựa biển

lướt dưới mặt trời dưới trăng sao

ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt

như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào

Không bay lên trời vẫn ngang dọc như chim

lưới cá đầy mồ hôi tuôn lấp lánh

tàu vỏ sắt ý chí màu thép lạnh

thuộc Hoàng Sa, Trường Sa từng tấc đảo nổi chìm

Chỉ nguyện cầu sóng lặng biển êm

chỉ ao ước cá đầy khoang mỗi sớm

chỉ xin được suốt đời bám biển

như một người đánh cá ngay lành

Như một ngư dân Việt rất thường dân

yêu biển mình cũng là yêu Tổ quốc

thương cha ông xưa thuyền nan đơn độc

vẫn lên đường trực chỉ Hoàng Sa

Những dây thừng chiếu bó nẹp tre

mang một lời thề nóng bỏng

dẫu thân xác này dạt trôi theo sóng

chỉ khát mong ngày trở lại quê nhà

Lớp cháu con của Hải đội Hoàng Sa

đi đánh cá hôm nay tàu vỏ thép

kĩ thuật cao mà trái tim nồng nhiệt

vẫn trái tim yêu nước khôn cùng (…)

(“Những ngư dân yêu nước rất thường dân” – Thanh Thảo - Báo Văn nghệ quân đội. com.)

Câu 1. (0,5điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn trích, ngư dân Việt Nam mong ước những gì?

Câu 3. (1,0 điểm) Xác định một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong đoạn thơ sau:

Trên sóng xanh những đàn ngựa biển

lướt dưới mặt trời dưới trăng sao

ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt

như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào

Câu 4. (1,0 điểm) Hãy rút ra một thông điệp mà anh/chị cho là ý nghĩa nhất qua đoạn trích trên.

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tình yêu biển đảo của thế hệ trẻ hôm nay .

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11- tập 1).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: 

- Thể thơ: tự do

Câu 2: Trong đoạn trích, ngư dân mong ước được: trời êm biển lặng, cá đầy khoang, mong được vươn mình ra khơi ngày đêm bám biển như những người đánh cá bình thường nhất.

Câu 3: 

- Biện pháp tu từ: ẩn dụ hoặc so sánh (ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt/ như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào)

  • Ẩn dụ: ngựa biển là tàu đánh cá được làm bằng sắt thép
  • So sánh: ngựa biển như ngựa thiêng Thánh Gióng.

- Tác dụng:

+ Tăng khả năng gợi hình gợi cảm và sức gợi cho ý thơ, làm cho hình ảnh thơ trở nên sinh động hấp dẫn hơn.

+ Khắc họa được hình ảnh của những con tàu đánh cá hôm nay như những con ngựa chiến băng băng ra khơi thật oai phong lẫm liệt để đánh bắt thật nhiều tôm cá, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Câu 4: HS có thể rút ra nhiều thông điệp có ý nghĩa, miễn là lý giải lý do hợp lý, thuyết phục (Ví dụ: Tình yêu quê hương biển đảo; Khát vọng bám biển; Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo; Tự hào về đất nước, con người Việt Nam…)

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

- Biển đảo là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không thế lực thù địch nào có thể xâm chiếm được.

- Tình yêu biển đảo: là tình cảm yêu quý và ý thức bảo vệ, xây dựng biển đảo. Đấy là một tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người đối với Tổ quốc

* Bàn luận:

Trọng tâm bàn về biểu hiện của tình yêu biển đảo

- Tình yêu biển đảo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

- Bao thế hệ đã chiến đấu, hi sinh quên mình để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc.

- Những người lính đảo hôm nay đang ngày đêm canh gác biển trời; họ thường xuyên phải đối đầu với những gian nan, thử thách để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho đất nước.

- Những ngư dân vẫn ngày đêm bám biển, dù cho có nhiều mối hiểm nguy nhưng họ vẫn kiên cường và lao động đến cùng.

- Cần có hành động thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

- Phê phán những người có thái độ thờ ơ, không quan tâm biển đảo và những hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo.

* Bài học nhận thức và hành động.

+ Luôn nêu cao ý hức trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc.

+ Cần có hành động thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận...

2. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời.

* Giới thiệu khái quát về quãng đời của Chí Phèo trước khi gặp thị Nở…

* Giới thiệu về thị Nở và vai trò của thị đối với sự thức tỉnh của Chí Phèo…

*Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời:

- Chí tỉnh rượu:

+ Cảm thấy sự thay đổi của cơ thể: người bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, miệng đắng, lòng mơ hồ buồn…

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc các đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở khi nghe thầy giáo giảng bài đạo đức về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

…Trong clip, thầy giáo với chất giọng ấm áp, truyền cảm nhắn với các học trò: “Đừng bao giờ để bố các bạn chết rồi, quỳ bên cạnh cái quan tài, khóc bù lu bù loa, bố ơi con xin lỗi bố, đừng nói câu đó, ông ấy không nghe được nữa... Bố mẹ các bạn sáng nay đưa các bạn đến trường, hay các bạn tự đi, thì ở đâu đó vẫn nhớ tới các bạn. Không cớ gì mình làm sai mình không xin lỗi. Ai đó làm sai với giáo viên, cuối giờ hãy chạy tới phòng hội đồng, nói cô ơi con xin lỗi cô ạ. Mọi lỗi lầm đều được hoá giải. Tại sao, lời xin lỗi dễ như vậy nhiều người không nói?”.

(Theo Hàng trăm học sinh khóc nức nở khi nghe thầy giảng bài đạo đức - tác giả Thúy Hằng - báo Thanh niên, ngày 09-01-2018)

(2) “Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề "người nói, kẻ khóc" ấy thì học trò vẫn vậy. Giáo dục phải là quá trình và khi nói sâu vào nỗi đau, đưa cái tổn thương của ai đó để làm giáo dục thì chắc là không ổn. Qua công tác chủ nhiệm, tôi thấy rằng đưa hành vi tích cực để giáo dục thì học sinh tiến bộ hơn, còn không thì chỉ sướng… miệng người nói”, - Thầy Đậu Đình Sanh, một giáo viên bậc THPT.

(Theo Khóc, cười tràn ngập lễ chào cờ: Đâu là mặt trái? Tác giả Hoài Nam - Dantri.com.vn, ngày 24- 01- 2018)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong các đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Theo tác giả đoạn trích (1), vì sao Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở.

Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề "người nói, kẻ khóc" ấy thì học trò vẫn vậy.

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Giáo dục phải là quá trình và khi nói sâu vào nỗi đau, đưa cái tổn thương của ai đó để làm giáo dục thì chắc là không ổn. Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được nhắn gửi trong đoạn trích (1) của phần Đọc hiểu: Cớ gì mình làm sai mình không xin lỗi.

Câu 2. (5,0 điểm

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh viết:

Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016)

Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó liên hệ tới bài thơ Chiều tối - trích Nhật kí trong tù (SGK Ngữ văn 11 tập 2 - NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét về sự đa dạng và thống nhất trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của các đoạn trích:

  • Đoạn (1): Tự sự
  • Đoạn (2): Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả đoạn trích (1), Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở.Vì:

+ Nghe thầy giáo giảng bài đạo đức về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

+ Nội dung lời giảng của thầy động chạm đến trái tim và lỗi lầm của mỗi người.

Câu 3: Cách hiểu về ý kiến: Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề "người nói, kẻ khóc" ấy thì học trò vẫn vậy.

+ Những buổi nói chuyện chuyên đề thường tạo ra hiệu ứng tức thời cho học sinh.

+ Nhưng về lâu dài thì không có gì thay đổi.

Câu 4: 

- Học sinh tự do trình bày suy nghĩ cá nhân, đồng tình hoặc không đồng tình.

- Lí giải thuyết phục, sâu sắc.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Đông Hiếu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF