YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Bách Việt

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em học sinh lớp 12 cùng tham khảo tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Bách Việt dưới đây. Tài liệu này nhằm giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới đạt điểm thật cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT BÁCH VIỆT

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021-2022

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn. (2) Bạn ấy viết rằng: "Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. (3) Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. (4) Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. (5) Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự... thế giới cùng anh em chiến hữu..."

(6) Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? (7) Ừ nhỉ! (8) Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta...

(Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”? (1,0 điểm)

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)

Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.    

Câu 2 (5.0 điểm)

Về hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, Sách Giáo viên Ngữ văn 12 nâng cao (tập 2, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 39) có viết: “…Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của nhân dân làng Xô Man”.

Anh (chị) hãy phân tích hình tượng cây xà nu để  làm sáng tỏ ý kiến trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận.

Câu 2: Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:

- Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.

- Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản-đối lập.

- Tác dụng: 

  • Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
  • Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.

Câu 4:

Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích: Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Giải thích (0,5 điểm)

- Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thoả mãn. 

b. Bàn luận (1,0 điểm)

* Quan niệm của giới trẻ về hạnh phúc:

- Hạnh phúc là hưởng thụ.

- Hạnh phúc là trải nghiệm.

- Hạnh phúc là sống vì người khác.

- Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…

* Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?

- Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.

- Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…

c. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

- Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.

- Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

GIÁ TRỊ CON NGƯỜI

Pa-xcan

Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.

Cần gì cả vũ trụ tòng hành nhau mới đè bẹp cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn, vì khi chết thì hiểu biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia, khỏe hơn mình nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.

Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng.

Ta cậy cao dựa vào tư tưởng, chứ đừng dựa vào không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta hãy rèn tập để biết tư tưởng cho hay, cho đúng, đó là nền tảng của nhân luân.

Tôi không căn cứ vào không gian để thấy giá trị của tôi, mà tôi trông cậy vào sự quy định của tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là “giàu hơn”, vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm toàn vũ trụ.

(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.114)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? Dựa vào đâu anh/chị xác định được vấn đề đó?

Câu 3. Nêu hiệu quả của một trong những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng”?

Câu 4. Qua hình ảnh “cây sậy có tư tưởng”, anh/chị rút ta bài học gì về cách nhìn nhận của con người?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Pa-xcan trong văn bản ở phần Đọc hiểu “giá trị của chúng ta là ở tư tưởng”.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng Đất Nước từ phương diện địa lí – lãnh thổ trong trích đoạn Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm. 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.

Câu 2: Nội dung chính của văn bản: Giá trị của con người là ở tư tưởng.

- Cơ sở xác định nội dung chính của văn bản: dựa vào nhan đề “Giá trị con người” và câu chủ đề của văn bản “Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng”.

Câu 3:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: so sánh (con người được so sánh với cây sậy).

+ Giống nhau: mềm yếu, nhỏ bé

+ Khác nhau: con người có tư tưởng

- Tác dụng: Con người nhỏ bé, yếu ớt trước tạo hóa nhưng lại lớn lao và trường tồn nhờ có tư tưởng.

Câu 4: Bài học về cách nhìn nhận của con người:

- Nhận thức: Nhìn nhận tầm vóc của con người thông qua giá trị tư tưởng mà người đó cống hiến và để lại.

- Thái độ: Đừng đánh giá hay coi trọng con người thông qua giá trị vật chất.

- Hành động: Rèn luyện  bản thân để có tư tưởng tích cực, lành mạnh, giàu có.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ. […] Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa. Và khi không còn nhu cầu đó nữa, thì đời sống tinh thần của con người nghèo đi, mòn mỏi đi, Cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. Đây là một câu chuyện nghiêm túc, lâu dài và cần được trao đổi, thảo luận một cách cũng rất nghiêm túc, lâu dài. Tôi chỉ muốn thử nêu lên ở đây một đề nghị: Tôi đề nghị các tổ chức thanh niên của chúng ta, bên cạnh những sinh hoạt thường thấy hiện nay, nên có một cuộc vận động đọc sách trong thanh niên cả nước; và vận động từng nhà gây dựng tủ sách gia đình. Gần đây có một nước đã phát động phong trào trong toàn quốc mỗi người mỗi ngày đọc lấy 20 dòng sách. Chúng ta cũng có thể làm như thế, hoặc vận động mỗi người trong mỗi năm đọc lấy một cuốn sách. Cứ bắt đầu bằng việc rất nhỏ, không quá khó. Việc nhỏ đấy nhưng rất có thể là việc nhỏ khởi đầu một công cuộc lớn.

(Theo Nguyên Ngọc, Một đề nghị, tạp chí Điện tử Tiasang.com.vn, ngày 19-7-2007)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng: “Không đọc sách tức là không còn nhu cầu về cuộc sống trí tuệ nữa”?

Câu 3: Theo anh/ chị việc nhỏ và công cuộc lớn mà tác giả đề cập đến trong đoạn văn là gì?

Câu 4: Thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (Khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “ Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ”.

Câu 2 (5,0 điểm)

Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng “Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá”. Ý kiến khác lại khẳng định “Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực”.

Từ việc cảm nhận về giá trị  của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 

Câu 2: Lí do vì không đọc sách thì đời sống tinh thần của con người sẽ nghèo đi, cuộc sống đạo đức cũng mất luôn nền tảng. 

Câu 3:

- Việc nhỏ là vận động đọc sách và gây dựng tủ sách trong mỗi gia đình, mỗi người có thể đọc từ vài chục dòng mỗi ngày đến một cuốn sách trong một năm.

- Công cuộc lớn: Đọc sách trở thành ý thức, thành nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình trong xã hội, phấn đấu đưa việc đọc sách trở thành văn hóa quốc gia, dân tộc. 

Câu 4:

- Thông điệp: Từ việc khẳng định đọc sách là biểu hiện của con người có cuộc sống trí tuệ, không đọc sách sẽ có nhiều tác hại tác giả đã đưa ra lời đề nghị về phong trào đọc sách và nâng cao ý thức đọc sách ở mọi người. 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): “Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ”

Gợi ý làm bài

a. Giải thích: Nhu cầu trí tuệ thường trực là nhu cầu thường xuyên, cần thiết để mở rộng tri thức và tầm hiểu biết…

b. Bàn luận những tác dụng to lớn của việc đọc sách:

- Văn hóa đọc gắn liền với chữ viết, qua quá trình đọc con người sẽ suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, tư duy, biến tri thức thành của mình và trở thành vốn kiến thức để vận dụng vào cuộc sống.

- Đọc sách giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về đời sống, xã hội, con người và nhận thức thức chính mình.” Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới”.

- Việc đọc sách tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm và thái độ, góp phần hoàn thiện nhân cách và làm giàu đời sống tinh thần của con người. “Mỗi cuốn sách nhỏ là một bậc thang đưa ta tách khỏi phần con để đến với thế giới Người”…….

- Phê phán thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong thời đại ngày nay đặc biệt là đối với giới trẻ: Văn hóa đọc dần mai một không chỉ gây tổn thất cho việc truyền bá tri thức mà còn làm mất dần đi một nét đẹp có tính biểu hiện cao của văn hóa.

- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến, rút ra bài học nhận thức, hành động: Những việc làm thiết thực của cá nhân và cộng đồng trong việc nâng cao, phổ biến văn hóa đọc.

c. Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân

- Cần có phương pháp đọc để có thể hiểu được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua cuốn sách.

- Dành ra thời gian mỗi ngày để đọc sách, vừa giúp chúng ta nâng cao hiểu biết và giúp thư giãn sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới

“Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, có ma quỷ, Thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cho cháu hơn là cho linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Ðâu đâu cũng có đền thờ những người có công đức – chủ yếu là có công chống ngoại xâm – nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Ðối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích trên?

Câu 2. Nêu vắn tắt nội dung của đoạn trích?

Câu 3. Anh/chị thế nào về nhận định “Ðối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ thể hiện suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được.”

Câu 2 (5,0 điểm)

Về hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: “Người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh “Hình tượng người lính mang vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: phương thức nghị luận/nghị luận

Câu 2. Nội dung đoạn trích: đặc điểm văn hóa người Việt Nam ở các phương diện tôn giáo, ý thức sở hữu, mong muốn, niềm yêu chuộng, và xu thế hòa nhập.

Câu 3. Người Việt Nam luôn giữ mình, giữ sự chừng mực đối với việc tiếp nhận cái khác mình, cái mới; luôn chú ý đến sự vừa phải, phù hợp với bản thân.

Câu 4. Học sinh nêu được thông điệp có ý nghĩa với bản thân và lí giải phù hợp cho sự lựa chọn của mình.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2, 0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn đảm bảo kết cấu của một đoạn văn thông thường. Có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

* Yêu cầu về nội dung:

- Giải thích được ý kiến: chỉ ra quan niệm, ý thức về sở hữu vật chất của người Việt Nam là không tham lam, giành giật.

- Nêu quan niệm của người Việt về việc sở hữu của cải vật chất hiện nay.

  • Một bộ phận lớn thanh niên hiện nay vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp theo quan niệm này: không tham lam, giành giật của chung, của tập thể làm của riêng cho mình. Nhiều người còn mang của cải của mình đi làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
  • Tuy nhiên một bộ phận lại chỉ lo trục lợi, tham nhũng, vơ vét của công để làm giàu bất chính.

- Rút ra bài học hành động: thanh niên ngày nay phải biết cống hiến, biết sống vì người khác, không tham lam, giành giật, biết chăm lo đến những người thiệt thòi, thiếu may mắn.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

I. Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Khi học lớp 2, tôi thường nghe các bác khen anh nào thi đỗ Đại học bằng một câu rất đặc biệt: Thằng A, thằng B là cái “trán” của xóm tôi đấy. Tôi nhớ năm đó cả làng mới có một người thi đỗ Đại học Y, tổng điểm ba môn Toán, Hóa, Sinh lại rất cao và được sang Hungary du học. Anh ấy trở thành cái trán được nhắc đến nhiều nhất của cả làng. Như một huyền thoại. Mấy năm liền đi đâu cũng nghe nhắc, nghe kể.

Rồi làng dần dần có nhiều người đỗ Đại học. Có năm truyền hình còn về làm cả một phóng sự về một làng quê có số học sinh thi đỗ Đại học với tỉ lệ rất cao. Nói theo cách của các bác là làng tôi giờ đi đâu cũng toàn thấy những trán là trán.

Ước vọng nhiều nên học vấn và tri thức thửa xưa đã thường xuyên được đánh đồng với đỗ đạt. Cũng như các bác của tôi cứ quy tất cả về “cái trán”, xem nó là biểu tượng của sự thông minh sáng láng, của học hành đỗ đạt. Lớn lên tôi nhận ra đó là ước mong khi thầm kín, khi bộc lộ, nhưng luôn mãnh liệt của thế hệ những người như bác tôi. Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…

Điều đó vô tình gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò làng tôi.

Lớn lên đi xa, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi nhận ra có rất nhiều người chưa từng được vinh danh là “cái trán” của khu phố, của xóm làng, của cộng đồng nhưng họ sống vô cùng hạnh phúc. Họ đóng góp rất nhiều cho cuộc sống bằng sự giàu có và rất yêu lao động. Một người trồng cây cảnh mỗi năm bán ra thị trường thu về hàng trăm tỉ đồng. Một người chơi …thả diều đến đẳng cấp nghệ nhân, cũng ngược Á xuôi Âu đi trình diễn nhiều kỳ lễ hội với những lời mời kèm tài trợ. Một anh thợ mộc ven con sông Phổ Lợi làm những chiếc lồng chim và bán được với giá ngang một chiếc xe hơi tầm trung. Hơn hết họ làm những điều đó bằng đam mê, và rồi đam mê bù đắp lại cho chính họ, cho cuộc sống của cả những người xung quanh.

Lại một mùa thi Đại học đã về. Đường phố sáng sớm cuồn cuộn người và xe. Thí sinh và người nhà hộ tống. Rồi sau mỗi kỳ thi, lại có những bạn nhảy lầu, nhảy cầu thương tâm. Cuộc sống không chỉ có đỗ đạt mới là hạnh phúc. Cũng như thành đạt không chỉ có một con đường là đi học và đi thi. Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người. Chính vì thế mà báo Hoa Học Trò vẫn luôn khuyên bạn đọc “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.

(Đủ chỗ cho đam mê khác biệt, Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, tr.188)

Câu 1. (0.5 điểm) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. (0.5 điểm) Theo tác giả văn bản, điều gì đã “gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò”?

Câu 3. (1.0 điểm) Hãy giải thích ý nghĩa của câu nói: “Trường thi chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người”?

Câu 4. (1.0 điểm) Theo anh (chị), tâm lý coi “Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân và toàn xã hội?

II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của em về thông điệp trong văn bản: “Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt”.

Câu 2. (5.0 điểm)

  Nhận xét về thơ Xuân Quỳnh có ý kiến cho rằng: “Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường”

Hãy làm rõ điều đó qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. 

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.(0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả văn bản, điều đã “gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò”: (0.5 điểm)

- Nhiều thế hệ trước đã học hành xuất sắc, đỗ đạt cao, có nhiều cơ hội, thành đạt trong cuộc sống.

- Quan niệm đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…

Câu 3. Học sinh cần giải thích ý nghĩa của câu nói: (1.0 điểm)

- “Trường thi chỉ là nơi ganh đua trong chốc lát”: các cuộc thi chỉ mang giá trị nhất thời, gắn với một thời điểm, một nội dung học tập nào đó trong cả quãng đời rất dài của con người.

- “Đam mê tận cùng”: niềm yêu thích thật sự sâu sắc, mãnh liệt đối với một lĩnh vực nào đó.

- Ý nghĩa chung: trường thi là nơi con người thể hiện khả năng của mình trong một thời điểm nhất định. Nhưng một cuộc thi không phải là nơi con người có thể sống với tận cùng đam mê của mình, bộc lộ hết niềm yêu thích và khả năng của mình, không nên coi thi cử là mục đích cuối cùng.

Câu 4. Tâm lý coi “Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, xóm, của làng, của huyện,…” có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi cá nhân và toàn xã hội: (1.0 điểm)

- Tích cực:

  • Suy nghĩ này tạo nên động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân phấn đấu học hành, đỗ đạt.
  • Suy nghĩ này khiến xã hội càng coi trọng tri thức, quan tâm và sẵn sàng đầu tư cho việc học.

- Tiêu cực:

  • Làm nảy sinh tư tưởng coi trọng bằng cấp, danh tiếng, chạy theo những giá trị hình thức, không coi trọng học vấn đích thực.
  • Nảy sinh những hiện tượng tiêu cực: làm bằng giả, tìm mọi cách gian lận trong thi cử để đỗ đạt,…
  • Khi không thể đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình về sự đỗ đạt, nhiều người trẻ tuổi đã tìm đến cái chết,…

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 Trường THPT Bách Việt. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF