YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Võ Thị Sáu

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 nắm được cấu trúc đề thi THPT QG môn Ngữ văn một cách chính xác và đầy đủ nhất HOC247 xin gửi đến Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Võ Thị Sáu. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em học tập thật tốt.

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT VÕ THỊ SÁU

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)

Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.

Tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.

Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện, J.K.Rowling, tác giả của “Harry Poter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nối tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.

Thất bại không phải cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.

(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, An Bình, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 39, 40)

Câu 1: (0,5 điểm) Chỉ ra mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích.

Câu 2: (0,5 điểm) Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng gì?

Câu 3: (1,0 điểm) Theo anh/chị, “suy nghĩ tích cực về thất bại” được hiểu là gì?

Câu 4: (1,0 điểm) Anh/Chị có cho rằng trong cuộc sống thất bại “là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.” không? Vì sao ?

II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc- hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về

bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống ?

Câu 2: (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả nhân vật Mị ở nhà thống lí Pá Tra:

Lần thứ nhất “… Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi…”.

Lần thứ hai “… Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng… Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”.

(Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài; Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2015).

Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)

Câu 1:

Mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích: Những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.

Câu 2:

Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng:

- Tăng sức thuyết phục đối với người đọc.

- Khẳng định ai thành công cũng phải trải qua thất bại. Nhưng khi thất bại họ không gục ngã, bi quan mà luôn kiên trì cố gắng và họ đã thành công.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng...của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2: Khái quát nội dung của văn bản.  

Câu 3: Thái độ của người cha với con được bộc lộ như thế nào qua câu văn “Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình”.

Câu 4: Ý nghĩa lời dặn của cha đối với con khi đứng trước ngưỡng cửa đại học?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: "Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người".

 

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh / chị về cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ Tràng với nàng dâu qua đoạn văn trích sau đây trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Qua đó thể hiện ngòi bút nhân đạo của nhà văn Kim Lân.

"- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau...

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này...bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau...."

(Dẫn theo SGK, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1:

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời 1 phương thức cho 0,25đ

- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: không cho điểm

Câu 2:

Khái quát nội dung của đoạn văn bản:

- Đoạn trích là sự thấu hiểu và tình yêu thương, sẵn sàng sẻ chia của người cha với những vất vả của con trước ngưỡng cửa thi đại học.

- Đồng thời, đó cũng là lời động viên, khích lệ, tin tưởng của cha dành cho những nỗ lực của con.

 Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm.

- Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: không cho điểm.

Câu 3:

 Thái độ của người cha với con:

- Trân trọng suy nghĩ, khát vọng của con.

- Tin tưởng trao cho con quyền quyết định những việc quan trọng của đời mình.

Hướng dẫn chấm:

-  Học sinh trả lời  như đáp án: 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời được một lí do: 0,5 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm.

Câu 4:

Ý nghĩa lời dặn của cha đối với con: tình yêu thương, trách nhiệm, sự tin tưởng, quan tâm, động viên….của cha đối với con.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời được 1 đáp án: 0,25 đ

- Học sinh không trình bày được hoặc tư tưởng sai lệch: 0 điểm

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1:

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải  làm rõ:  

* Giải thích:

- Ngưỡng cửa đại học là kì thi sau khi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường chuyên nghiệp như Đại học, Cao đẳng, Trung cấp...Ngưỡng cửa đại học có vai trò quan trọng đối với mỗi con người.

- Là bước ngoặt của cả đời người, có thể quyết định tương lai của mỗi người.

* Bàn luận:

- Ngưỡng cửa Đại học, nó là khát khao, mơ ước của rất nhiều người, vì đó là con đường  đảm bảo để đi đến tương lai.

- Đại học là bậc học cao giúp chúng ta có nền tảng kiến thức cơ bản để vững bước vào tươi lai. Vào được Đại học ta sẽ có một tương lai rạng rỡ, cuộc sống ổn định, có việc làm phù hợp với sở thích, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo thực hiện ước mơ khát vọng của mình.

- Đại học là bước ngoặt lớn của cả cuộc đời bởi nó tạo ra những cơ hội để chúng ta có những lựa chọn trên con đường sự nghiệp của mình…

- Nhưng con đường vào Đại học không phải là lựa chọn duy nhất, để con người có được tương lai tốt đẹp mà chúng ta vẫn có nhiều sự lựa chọn khác dẫn tới thành công...

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Chúng ta đều biết cuộc sống không có gì là dễ dàng cả. Phải mất mát rồi con người ta mới biết trân quý những gì đã từng có, và cố gắng vì những gì đang có. Tôi cũng vậy, khi còn trong vòng tay yêu thương của gia đình tôi cũng không hiểu, cứ cho đó là điều đương nhiên, đến khi mất đi rồi mới thấy tiếc nuối, lại càng phải cố gắng hơn vì những người còn hiện hữu. Tôi luôn nghĩ rằng, không bao giờ là quá muộn để quay trở lại, cũng không bao giờ là quá muộn để thực hiện ước mơ của mình. Chỉ cần mình còn tin tưởng vào bản thân, còn tin tưởng vào ước mơ, và thêm vào đó là rất nhiều bàn tay đưa ra cho tôi nắm lấy, cùng với sự yêu thương, thông cảm từ những người xung quanh (điều mà tôi đã rất may mắn có được) thì không gì là không thể.

Cuộc hành trình đã qua của tất cả chúng ta ở đây chắc chắn không dễ dàng và cuộc hành trình sắp tới hẳn không ít chông gai. Tuy nhiên, với hành trang mà chúng ta được trang bị trong đó có kiến thức, kỹ năng được trau dồi qua những ngày ngồi trên giảng đường, bạn bè, thầy cô cùng những kỷ niệm về nơi này, chúng ta sẽ mang theo và mở ra mỗi khi cần động lực để bước tiếp.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về câu nói: “Cuộc hành trình đã qua của tất cả chúng ta ở đây chắc chắn không dễ dàng và cuộc hành trình sắp tới hẳn không ít chông gai”?

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Phải mất mát rồi con người ta mới biết trân quý những gì đã từng có, và cố gắng vì những gì đang có”?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II.  LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu  1. Nghị luận xã hội  (2.0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Tôi luôn nghĩ rằng, không bao giờ là quá muộn để quay trở lại, cũng không bao giờ là quá muộn để thực hiện ước mơ của mình.”

Câu 2. Nghị luận văn học (5.0 điểm)

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân qua đoạn trích bên dưới. Từ đó làm toát lên vẻ đẹp con người trong cảnh khốn cùng của nạn đói năm Ất Dậu.

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì ... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt ... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?

Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được ... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con ... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng ...

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:

- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

Câu nói có thể hiểu:

- “Cuộc hành trình đã qua”, “cuộc hành trình sắp tới”: biểu tượng cho cuộc sống của mỗi người ở quá khứ và tương lai.

- “không dễ dàng”, “không ít chông gai”: chỉ những khó khăn, trở lực.

=> Ý nghĩa của câu nói: Cuộc sống của mỗi người dù ở quá khứ hay tương lai đều phải đối mặt với những khó khăn, thử thách.

Câu 3:

Tác giả cho rằng như vậy vì:

- Khi chúng ta mất mát bất cứ điều gì thuộc sở hữu của bản thân, chúng ta mới nhận ra điều đó giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của bản thân. Chính vì vậy, chúng ta càng trân trọng điều đó hơn.

- Và cũng chính vì đã trải nghiệm sự mất mát trong thực tế nên chúng ta càng phải cố gắng để giữ gìn những gì chúng ta đang có ở hiện tại để không tiếc nuối về sau.

Câu 4:

- Học sinh trình bày suy nghĩ của cá nhân và nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa nhất đối với bản thân.

- Học sinh có thể chọn một trong các thông điệp: Phải biết quý trọng những gì chúng ta đang có ở hiện tại hay cuộc sống của mỗi người đều phải đối mặt với những khó khăn, thử thách,…

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Võ Thị Sáu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON