Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 nắm được cấu trúc đề thi THPT QG môn Ngữ văn một cách chính xác và đầy đủ nhất HOC247 xin gửi đến Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Phan Ngọc Hiển. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em học tập thật tốt.
TRƯỜNG THPT PHAN NGỌC HIỂN |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Phần I: Đọc - hiểu
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.
Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]
Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]
Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]
Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]
Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.
(Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính? (nhận biết)
Câu 2. Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản? (nhận biết)
Câu 3. Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình? (thông hiểu)
Câu 4. Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua. Hãy trả lời bằng một đoạn văn từ 7- 10 dòng.(vận dụng)
Phần II: Làm văn
Câu 1.
Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. (vận dụng cao)
Câu 2.
Cảm nhận của Anh/ chị về hai đoạn thơ sau:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(Trích Tây Tiến- Quang Dũng)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I: Đọc – hiểu
Câu 1:
- Phương pháp biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2:
Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:
- So sánh (cuộc đời như một trò hơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh) ⟹ Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
- Điệp cấu trúc (bạn… chớ để/ chớ đặt/ chớ quên…) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai tri trò của bản thân trong cuộc đời.
Câu 3:
- Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.
Câu 4:
- Cuộc đời không phải là một đường chạy liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng bang qua.
- Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đờitrọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.
Phần II: Làm văn
Câu 1:
a. Giải thích
- Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ.
- Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.
- Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lai rực rỡ như ý.
=> Lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hưởng để cuộc đời mình có ý nghĩa. Ý kiến này là lời khuyên hết sức đứng đắn và ý nghĩa. quá
b. Bàn luận
- Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.
- Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.
- Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.
c. Bài học nhận thức và hành động
- Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.
- Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng lục tiêu, kế hoạch cho tương lai.
Câu 2:
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:
- Quang Dũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Ông là một nghệ sĩ đa tài làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu nổi bật nhưng đặc sắc nhất là sáng tác thơ ca. Hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn tài hoa. Ông có khả năng cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Tây Tiến được sáng tác 1948 tại Phù Lưu Chanh thể hiện tập trung nhất những nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Đoạn trích 4 câu là nỗi nhớ của nhà thơ về thiên nhiên Tây Bắc mĩ lệ, nên thơ.
- Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm xuất sắc thểhiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống, đặc biệt là khổ cuối của bài thơ.
2. Phân tích
2.1. Về đoạn thơ trong bài Tây Tiến
* Nội dung:
- Cảnh thiên nhiên:
+ Chiều sương: không gian bao phủ màn sương bàng bạc, thơ mộng, huyền ảo.
+ Hồn lau nẻo bến bờ:Những bông lau phất phơ dường như cũng có linh hồn.
+ Hoa đong đưa: với cái nhìn lãng mạn, đa tình của những anh lính trẻ, những bông hoa rừng bị lũ cuốn trôi như biết lúng liếng, đong đưa, làm duyên với dòng nước.
- Con người:
+ “Dáng người trên độc mộc”: không xuất hiện rõ nét, cụ thể nhưng gợi hình ảnh con người hiện lên mềm mại, uyển chuyển, khỏe khoắn rắn rỏi . Con người trở thành tâm điểm cho bức tranh thiên nhiên.
* Nghệ thuật:
- Bút pháp lãng mạn hào hoa, phép nhân hóa thần tình, câu hỏi tu từ và phép điệp đã vẽ nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên Miền Tây mĩ lệ, thơ mộng đó là kí ức đẹp không thể quên trong tâm hồn người lính Tây Tiến.
2.2. Về đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ.
* Nội dung:
- Mơ ước cháy bỏng nhưng tuyệt vọng của thi nhân.
+ “Mơ”: sự mộng tưởng không có thực.
+ “Khách đường xa”: được điệp lại hai lần và nhịp thơ 4/3 ⟶ Sự xa xôi cách trở giữa chủ thể và đối tượng không dễ rút ngắn khoảng cách
=> Khắc khoải, khẩn cầu, bất lực.
+ “Áo em trắng quá nhìn không ra”: cực tả sắc trắng tuyệt đối, trắng đến chói lòa làm mờ thị giác.
=> Vẻ đẹp thanh khiết, nguyên sơ, tinh khôi nhưng quá xa vời với chủ thể trong hoàn cảnh thực tại
- Khao khát được sống, được giao cảm, chia sẻ đau buồn:
+ “Ở đây”: là từ định vị không gian nhưng trong câu thơ gợi nhiều cách hiểu. Đó là nơi thi nhân đang sống trong cô độc, đau đớn vì bệnh tật giày vò , tuyệt vọng đối lập với ngoài kia (Thôn Vĩ ) là cuộc sống tươi đẹp.
+ “Sương khói”: không gian huyền ảo làm nhạt nhòa hình ảnh con người.
+ Đại từ phiếm chỉ “ai” mang nhiều sắc thái ý nghĩa kết hợp với câu hỏi tu từ thể hiện niềm khao khát tình đời, tình người
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Phần I. Đọc hiểu
Anh/chị hãy đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
(1) ”Nhắc tới Lê Yên Thanh, sẽ có rất nhiều cụm từ ưu ái dành cho 9x này: “Gương mặt trẻ tiêu biểu”, “Nhân tài đất Việt 9x”, “Chàng trai được Google trả mức lương 6.000USD”. Thế nhưng, điều khiến người được mệnh danh là chàng trai vàng của Tin học Việt được nhắc tới nhiều nhất chính là hoài bão trong công việc, tính cầu tiến và không ngừng học hỏi.
(2) Yên Thanh từng từ chối lời mời làm việc tại Google trụ sở Singapore với mức lương khủng 6.000 đô (tương đương với khoảng 130 triệu đồng) để trở về Việt Nam làm việc cho một công ty startup (*) thuê văn phòng ở quận 7, TP.HCM với mức lương thấp hơn Google 10 lần.
(3) Chia sẻ về lý do có quyết định đầy táo bạo này, Thanh khiến mọi người nể phục khi nói: “Mình muốn học hỏi. Đó là lý do duy nhất. Nhiều bạn trẻ đặt ra mục tiêu sau khi tốt nghiệp đi làm cho công ty nào đó đến tháng nhận lương là xong, không muốn phát triển mình thêm nữa thì các bạn có thể chọn phương án an toàn. Bản thân mình vẫn muốn phát triển thêm nữa nên mình chấp nhận một mức lương chỉ đủ sống thôi, miễn là làm việc vui”.
(4) Mỗi sáng thức dậy ở Google mình có lương cao, công việc nhiều người mơ ước, có thể vừa làm vừa chơi, đồ ăn miễn phí, môi trường thân thiện. Nhưng, tất cả những chế độ tuyệt vời đó không giúp mình phát triển hơn được nữa. Google đã là một “ông lớn”, tồn tại trong tập thể đó mình chỉ là một thành phần nhỏ đến rất nhỏ, mình không có sức ảnh hưởng, không có tiếng nói và mãi mãi mình cũng chẳng làm được điều gì lớn lao…”
(Theo Hồng Đăng, Cafebiz.vn, ngày 23/2/2018)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2. Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong đoạn 1.
Câu 3. Vì sao Yên Thanh từ chối lời mời làm việc tại Google? Anh/chị đánh giá như thế nào về quyết định đó của Yên Thanh?
Câu 4. Từ quyết định của Yên Thanh (trong phần đọc hiểu), theo anh/chị “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt”? Vì sao?
Phần II: Làm văn
Câu 1:
Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (200 chữ) bàn về vai trò của “tính cầu tiến và không ngừng học hỏi” trong cuộc sống.
Câu 2:
“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng, lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng màu hè sáng lóa xói và hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗngvừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn, hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươn mươn niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rá mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.”
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.30)
Cảm nhận của anh/chị về sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ với sự thay đổi của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để thấy được tấm lòng của các nhà văn dành cho những người dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Phép liên kết được dùng trong đoạn 1:
+ Phép nối: Thế nhưng
+ Phép thế: Chàng trai vàng của tin học Việt thế cho Lê Yên Thanh.
Câu 3:
- Lê Yên Thanh từ chối làm việc ở Google vì: muốn học hỏi, muốn phát triển bản thân hơn nữa.
- Nhận xét:
+ Đây là một quyết định táo bạo.
+ Đây là quyết định đầy bản lĩnh, thể hiện sự tự tin, sẵn sàng đương đầu và chinh phục mọi khó khăn thử thách.
+ Cho thấy Lê Yên Thanh là mổ con người có hoài bão trong công việc, tinh thần cầu tiến cao, không ngừng học hỏi để nâng cao giá trị bản thân.
Câu 4:
- Tuổi trẻ cần sống khác biệt.
- Vì:
+ Sống khác biệt giúp chúng ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân.
+ Mỗi cá nhân là một thực thể với những màu sắc đa dạng. Sống khác biệt để tránh dập khuôn, một màu một cách sáo rỗng.
+ Những suy nghĩ khác, góc nhìn về thế giới và mọi vật xung quanh sẽ tạo điều kiện con người tìm kiếm cơ hội vươn lên.
Phần II. Làm văn
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Cầu tiến là gì? Là thái độ luôn mong muốn bản thân mình được hoàn thiện hơn trong bất cứ công việc nào. Cầu tiến là thái độ sống tích cực, giúp bản thân mỗi chúng ta ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực.
- Học hỏi là gì? Chủ động tìm tòi, hỏi han người khác để kết quả học tập tiến bộ.
=>Tính cầu tiến và không ngừng học hỏi là một phẩm chất, đức tính quan trọng mà mỗi chúng ta cần có trong cuộc sống. Hai đức tính này không chỉ giúp ta hoàn thành xuất sắc công việc mà còn nâng tầm giá trị bản thân.
* Bàn luận vấn đề
- Biểu hiện của người có tính cầu tiến và tinh thần học hỏi:
+ Luôn tìm cách khắc phục điểm yếu bản thân.
+ Khi thất bại không nản lòng, mất niềm tin, rút ra cho mình những kinh nghiệm để lần sau không mắc phải.
+ Luôn luôn học hỏi từ những người xung quanh, và học hỏi từ chính thất bại của mình.
+ Không ngừng tư duy, suy nghĩ, tìm ra những hướng đi khác.
- Vai trò của tinh thần cầu tiến và lòng ham học hỏi:
+ Tinh thần cầu tiến và lòng ham học hỏi sẽ giúp mỗi chúng ta tích lũy được tri thức, kinh nghiệm.
+ Chấp nhận sự thất bại và tìm ra hướng đi mới đúng đắn hơn.
+ Luôn vững vàng, kiên định trước mọi hoàn cảnh.
+ Người có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi nhất định sẽ đạt được thành công.
+ Những người mang trong mình phẩm chất tốt đẹp như vậy sẽ luôn được mọi người tôn trọng, yêu quý.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Bên cạnh những người luôn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi lại có một bộ phận lười biếng, luôn an phận với những gì mình có được. Điều đó làm cho bản thân ngày càng tụt lùi và mất giá trị.
- Liên hệ bản thân
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Đó là mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.
- Vợ nhặt của Kim Lân xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”.
2. Phân tích
2.1. Sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn văn trên
a. Giới thiệu nhân vật Tràng
* Chân dung, lai lịch
- Lai lịch: dân ngụ cư – tha phương cầu thực, không sống được ở quê mình nên tìm đến một vùng đất khác ⟶ bị kì thị, phân biệt, đối xử.
+ Không được chia ruộng đất.
+ Không được sống cùng trong không gian của ngôi làng, phải sống ở rìa làng hoặc ngoài đê.
+ Không được tham gia sinh hoạt bất cứ sinh hoạt cộng đồng nào của làng xã.
- Gia cảnh: nghèo.
+ Gia đình chỉ có mẹ góa con côi, bố mất sớm.
+ Công việc bấp bênh, không ổn định: kéo xe bò thuê.
- Chân dung ngoại hình:
+ Hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều.
+ Hai bên quai hàm bạnh ra.
+ Thân hình to lớn vập vạp.
+ Vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ.
+ Ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch.
=> Có sức hấp dẫn với lũ trẻ con trong xóm
=> Hội tụ đầy đủ các yếu tố bất lợi để có thể lấy được vợ.
* Sự kiện mang tính bước ngoặt cuộc đời: Tràng “nhặt”vợ:
- Xuất phát từ những câu bông đùa: “Muốn ăn cơm trắng với giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”
- Sự chia sẻ, thương cảm giữa những người đồng cảnh.
- Từ lời nói đùa của Tràng, thị theo về thật.
b. Phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên
* Hạnh phúc đã khơi dậy ý thức bổn phận của người đàn ông trong gia đình.
- Tràng tỉnh dậy muộn ⟶ trong người cảm thấy dễ chịu, êm ái, lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra
=> Tâm trạng ngỡ ngàng trước hạnh phúc mình đang nắm giữ.
- Tràng quan sát khung cảnh đang bày ra trước mắt mình, nhận thấy cảnh tượng thay đổi mới mẻ, khác lạ:
+ Nhà cửa được dọn sạch sẽ hẳn.
+ Không khí gia đình: mẹ và vợ chung tay dọn dẹp, vun vén nhà cửa.
=> Thức dậy trong Tràng nhiều cảm xúc:
+ Thấm thía cảm động
+ Bỗng thấy thương yêu, gắn bó
+ Vui sướng, phấn chấn
=> Nhận thức mới mẻ: nhận thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
=> Hành động: Xăm xăm chạy ra sân, muốn chung tay tu sửa căn nhà.
=> Muốn chung tay để nghênh đón tương lai tươi sáng đến với gia đình.
- Có lẽ chính những hạnh phúc khi có một gia đình khiến Tràng có những khát khao đổi đời ở phần cuối truyện. Tràng bắt đầu quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội; hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới lần khuất, ẩn hiện trong tâm trí Tràng. Đó là dấu hiệu của một tương lai tươi sáng.
* Nghệ thuật:
- Khả năng khám phá và phân tích diễn biến tâm lí nhân vật điêu luyện, tài tình.
- Sử dụng ngôn ngữ người nông dân rất tự nhiên, đưa ngông ngữ đời sống của người dân vào trang văn. Vì vậy nhân vật hiện lên chân thực, sống động.
2.2. Liên hệ với sự thay đổi của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở
a. Giới thiệu nhà văn Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo:
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam. Phải đến Nam Cao, trào lưu văn học hiện thực chủ nghĩa mới thực sự tự giác về những nguyên tắc sáng tác của nó.
- Chí Phèo thuộc thể loại truyện ngắn nhưng có dung lượng của tiểu thuyết. Tác phẩm này đã đưa Nam Cao lên vị trí là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
b. Giới thiệu nhân vật Chí Phèo:
- Xuất thân: là đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, được anh đi thả ống lươn nhặt được, mang về cho một bà góa mù, bà góa mù bán cho bác phó cối không con, bác phó cối mất đi thì sống trong sự đùm bọc của dân làng.
=> Mồ côi, bị trao qua đổi lại, lớn lên trong sự cưu mang của cộng đồng.
- Khi lớn lên (20 tuổi): Chí Phèo làm canh điền cho nhà lí Kiến, lành như đất ⟶ lương thiện đích thực:
+ Cày cấy thuê để kiếm sống.
+ Khi bị bà ba Bá Kiến gọi vào bóp chân, Chí chỉ thấy nhục ⟶ có lòng tự trọng.
+ Mơ ước về mái ấm hạnh phúc, giản dị: chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải…
=> Là một người nông dân lương thiện.
- Sau đó chính cái xã hội tàn ác đã đẩy Chí vào con đường tha hóa, biến Chí thành thằng lưu manh.
c. Phân tích sự đổi thay của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở:
- Chính cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo đã đánh thức Chí khỏi những cơn say triền miên:
- Thức tỉnh tính người qua bát cháo hành của Thị Nở:
+ Khi đón nhận bát cháo hành và những cử chỉ săn sóc của Thị Nở, Chí Phèo bâng khuâng.
+ Ngạc nhiên và cảm động (“mắt ươn ướt”) vì đây là lần đầu tiên được đàn bà cho, đây là lần đầu tiên Chí Phèo được ăn cháo, lần đầu được săn sóc bởi bàn tay đàn bà.
- Thức tỉnh tình người – biểu hiện cao nhất là tình yêu:
+ Thấy Thị Nở có duyên ⟶ bản chất của tình yêu.
+ Khao khát chung sống với Thị Nở ⟶ đích đến của tình yêu chân chính.
+ Không còn kinh rượu nữa nhưng cố uống cho thật ít; trở nên hiền lành đến khó tin.
=> Sức mạnh cảm hóa của tình yêu.
- Thức tỉnh khát vọng người: Khát vọng hoàn lương. Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn.
- Cuối cùng, định kiến xã hội cũng đã giết chết Chí, Chí không có cơ hội được sống một cuộc đời tử tế mà hắn tự liễu đời mình.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Thật ra, cuộc đời ai cũng có lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn: Trước hết hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt và mỗi người có một cuộc sống riêng biệt. Chẳng có cách sống này là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.
Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như một đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này – một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.
(Lắng nghe lời thì thầm con tim – Phạm Lữ Ân)
Câu 1: Xác định thao tác lập luận của văn bản trên.
Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.
Câu 3: Tại sao tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình?
Câu 4: Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?
II. LÀM VĂN
Câu 1
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.
Câu 2
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây Tiến – Quang Dũng)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Thao tác lập luận: bình luận.
Câu 2:
Câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.
- Bạn sinh ra là một nguyên bản: Khi sinh ra đã mang một ngoại hình, một tích cách và tài năng riêng biệt. Mình là chính mình không trộn lẫn bất kì ai.
- Đừng chết như một bản sao: khi lớn lên do tác động của môi trường sống, môi trường làm việc mà đánh mất mình, sống theo cách sống người khác; do “sung” thần tượng của mình mà “bắt chước” từ ăn mặc, nói năng,… nhưng làm sao có thể giống như “bản chính” được mà sẽ chết như bản sao. Hãy là chính mình.
Câu 3:
- Tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình là vì:
- Cuộc đời của mỗi con người rất ngắn ngủi, chỉ là chớp mắt của vũ trụ. Vì vậy ta không có cơ hội để sống cuộc đời mình lần thứ hai. Cho nên hãy sống thật với chính mình, sống với những đam mê khát vọng của mình, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao để khi từ giã cuộc đời này không có điều gì phải hối tiếc.
Câu 4:
- Thí sinh chọn điều mình tâm đắc nhất và nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với mình nhất.
- Có thể chọn: Chúng ta được là chính mình. Sống như nguyên bản của mình, làm những điều mình tin, theo đuổi điều mình khát khao.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giải thích:
- Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác: là không sống thụ động; không để hoàn cảnh chi phối, tác động; không chạy theo “hiệu ứng đám đông”.
- Lắng nghe lời thì thầm của trái tim là phải biết lắng nghe tiếng nói của con tim, lắng nghe xem nó muốn gì, thích gì và hãy làm theo những gì trái tim muốn.
=> Ý nghĩa của câu nói: Hãy sống và làm theo điều con tim muốn. Hãy sống là mình, không bị tác động, chi phối những gì xung quanh.
* Bàn luận vấn đề:
- Tại sao Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác. Bởi vì mình đã là nguyên bản của mình. Phải có chính kiến, bản lĩnh để mình là chính mìnhtức là không bị khách quan tác động, chi phối, không làm theo “đám đông” xung quanh mà phải làm những điều mình thích, nói những điều mình nghĩ.
- Tại sao hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim tức là hãy lắng nghe và làm theo những gì con tim muốn; tin vào chính mình, tin vào trí tuệ, năng lực của mình; tin vào trực giác của mình để biến thành sức mạnh tinh thần. Có vậy mới thực hiện được đam mê, khát vọng của mình.
(Dẫn chứng phù hợp với vấn đề)
- Tuy nhiên lắng nghe sự mách bảo của trái tim không có nghĩa là không biết tiếp thu cái hay của người khác. Không có nghĩa là bảo thủ chỉ tin vào chính mình không lắng nghe ý kiến của tập thể… Phê phán những ai không bản lĩnh, sống a dua, bắt chước.
* Bài học nhận thức và hành động
- Ý kiến trên là bài học cuộc sống cho tất cả chúng ta.
- Hãy học cách sống là chính mình. Tự trang bị kiến thức, kĩ năng sống, không để hoàn cảnh tác động, chi phối.
Câu 2:
1. Giới thiệu khát quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Hàn Mặc Tử (1912-1940) là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1930 - 1945. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ở ông luôn dồi dào sức sáng tạo. Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử nằm trong tập Thơ điên (1938). Bài thơ vừa là bức tranh thiên nhiên, con người xứ Huế, vừa là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.
- Quang Dũng (1921 – 1988) là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Tây Tiến (1948) là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội mà cũng mĩ lệ diễm ảo của ngòi bút tài hoa, lãng mạn.
=> Hai đoạn thơ nằm phần giữa tác phẩm, gắn liền với cảnh sông nước đều là những đoạn hay, góp phần bộc lộ sâu sắc tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
2. Phân tích
2.1. Đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử
- Cảnh sông nước Hương giang với gió, mây, hoa bắp, con thuyền neo đậu. Cảnh êm đềm, lung linh như dát vàng, tắm gội ánh trăng.
- Thơ Tứ tại tâm chữ không tại cảnh (Chu Văn Sơn), chính vậy mà sắc thái của cảnh nhuốm nõi buồn li tán: gió, mây đang chia lìa; dòng nước buồn thiu; hoa bắp lay.
=> Linh hồn tạo vật như nhuốm đầy điệu hồn thi nhân.
- Nỗi niềm nhân vật trữ tình được cất lời trong ngữ điệu hỏi: Thuyền ai?/Thuyền ai đậu bến sông trăng? Có chở? Có chở trăng về? …da diết, khắc khoải của một con người trong tâm thế ngóng trông, đợi chờ. Chữ kịp chứa đựng cả tấn bi kịch của thân phận. Câu hỏi tu từ cho thấy tâm thế thi nhân dù sắp lìa xa cõi thế vẫn không thôi da diết khắc khoải khát đời, níu đời mãnh liệt.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Phan Ngọc Hiển. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !