YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Lương Thế Vinh

Tải về
 
NONE

Mời các em học sinh cùng tham khảo Bộ 3 đề thi THPT QG năm 2021 môn Ngữ Văn - Trường THPT Lương Thế Vinh có đáp án dưới đây nhằm giúp các em nắm được cấu trúc đề thi sắp tới. Từ đó, các em sẽ có sự chuẩn bị chu đáo cho kì thi của mình tốt nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

TRƯỜNG THPT LƯƠNG THẾ VINH

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung

giáo mác Trường Sơn

cọc nhọn Bạch Đằng

đến trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận

chiếc roi cày rần rật máu cha ông

đất nước sinh ra huyền thoại tiên rồng

bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển

mẹ lội suối trèo non

cha bạt ghềnh chắn sóng

mong mai sau nên vóc nên hình

đất nước mỗi ngày lên đón ánh mặt trời

thấy dung mạo tiền nhân nhắc lời di huấn

nghe vị mặn mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi

vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh

(Cương thổ, Nguyễn Đức Dũng) 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết bằng thể thơ gì?

Câu 2. Chọn những hình ảnh, từ ngữ nói lên tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam.

Câu 3. Xác định biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật trong câu thơ “đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung”.

Câu 4. Trình bày cách hiểu của anh/chị về khát vọng được thể hiện trong câu thơ: “mong mai sau nên vóc nên hình”.

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ vềlời di huấn của tiền nhân trong câu thơ “vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh”.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về Mị trong đoạn trích sau:

Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường. Mị từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi…

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam: không mỏi cánh tay cung, giáo mác Trường Sơn, cọc nhọn Bạch Đằng, trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận, chiếc roi cày.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: nhân hóa.

- Tác dụng:

+ Giúp cho câu thơ thêm phần sinh động, người đọc dễ hình dung.

+ Nhấn mạnh đến lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước vô cùng hào hùng của dân tộc ta.

Câu 4. 

Học sinh có thể trình bày theo quan điểm của mình, cần giải thích lý do hợp lý.

Gợi ý:

Có thể hiểu câu “mong mai sau nên vóc nên hình” thể hiện khát vọng: đất nước sẽ ngày càng vững mạnh, vươn tầm ra thế giới để xứng đáng với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, để xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của tiên tổ.

PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về lời di huấn của tiền nhân trong câu thơ “vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh”.

a. Đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ), lập luận, diễn đạt rõ ràng.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: lời di huấn của tiền nhân trong câu thơ “vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh”.

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận nhưng cần làm rõ được các nội dung:

+ Giới thiệu vấn đề

+ Giải thích: Vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh:

  • Vạt cỏ bên đường có thể hiểu là sự vật bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống.
  • Xanh thể hiện một sức sống mạnh mẽ, vươn lên mọi khó khăn, thử thách.

=> Câu thơ trên đã nhắc nhở chúng ta: bất cứ ai, dù nhỏ bé hay vĩ đại cũng cần có ý chí, nghị lực, sự nỗ lực, cố gắng để không ngừng vươn lên, bước về phía trước để đạt được thành công.

+ Bàn luận

- Trong hành trình cuộc đời chắc chắn mỗi chúng ta sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Những thách thức đó chính là một loại thuốc thử để đo sức sống tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân.

- Đứng trước khó khăn, bạn sẽ làm gì? Bình tĩnh đối mặt, tìm cách giải quyết? Hay sợ hãi, thoái lui, chấp nhận số phận? Mỗi người sẽ có những cách phản ứng khác nhau, tuy nhiên cách phản ứng tốt nhất với những khó khăn chính là đối diện với nó, nỗ lực gấp đôi để vượt qua thử thách và vươn đến thành công.

- Không có vấp ngã sẽ không tôi rèn được ý chí, không có thử thách sẽ không tạo ra những thành công. Bởi vậy, đứng trước khó khăn dù lớn hay nhỏ cũng hãy bình tĩnh đối mặt và vượt qua nó.

- Mở rộng vấn đề: phê phán những kẻ yếu đuối, thiếu ý chí, nghị lực khi vấp ngã trong cuộc sống.

- Bài học:

+ Là thế hệ trụ cột của đất nước trong tương lai, việc rèn luyện nghị lực sống là việc vô cùng quan trọng, cần thiết cho hành trang vào đời sau này của mỗi chúng ta.

+ Muốn thành công, muốn tới vinh quang thì con đường đi lại càng trông gai thử thách, ở đó không có chỗ cho những kẻ thiếu ý chí, thiếu nghị lực vươn lên.

d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

(1) Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu học thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyên. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

(2) [...] Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ... trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sổng.

  (Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013) 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích

Câu 2. Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng gì?

Câu 3. Theo anh/chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm: Nhận trách nhiệm với bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) 

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị  hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Thái độ cuộc sống của bạn.

Câu 2 (5,0 điểm)

Anh/Chị  hãy cảm nhận đoạn thơ sau để làm rõ vẻ đẹp tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, NXB GD)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng:

- Chứng minh cho vấn đề cần nghị luận: Người thành công luôn tự chịu trách nhiệm về mình

- Làm tăng sức thuyết phục người đọc, người nghe.

Câu 3. Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

Gợi ý:

- Biết nhận lỗi về mình khi bản thân làm sai.

- Ý thức được trách nhiệm của bản thân khi đưa ra quyết định.

- Đối diện với thất bại và tìm mọi cách để khắc phục.

- Đề cao lòng tự trọng của con người.

(mỗi ý 0,25điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao?

Thể hiện rõ quan điểm của mình: đồng tình hoặc không đồng tình. Tuy nhiên, quan điểm cần phù hợp với các chuẩn mực xã hội.

Gợi ý: Đồng tình. Vì:

- Nhận lãnh trách nhiệm về mình sẽ tạo ra động lực để ta cố gắng, cải tạo những khuyết điểm, khích lệ để phát huy những điều tốt đẹp đã đạt được. (0.5 điểm)

- Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm... Đây là những điều tạo nên sức mạnh để mình làm nên thành công trong cuộc sống. . (0.5 điểm)

II. Làm Văn

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vấn đề: Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận

- Đảm bảo yêu cầu hình thức của đoạn văn, khoảng 200 chữ.

- Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

(Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề. Có thể viết đoạn văn theo hướng sau:

1. Giải thích: 

- Thái độ sống là những quan điểm, suy nghĩ và cách đối mặt, giải quyết trước những vấn đề của cuộc sống.

- Việc lựa chọn suy nghĩ và cách đối mặt tích cực hay tiêu cực có ý nghĩa rất lớn đến tương lai của một người.

2. Bàn luận

- Cùng gặp một vấn đề trong cuộc sống sẽ mỗi người sẽ có thái độ tích cực hoặc tiêu cực.

- Người tích cực sẽ nhìn nhận theo hướng lạc quan để rồi chủ động đối mặt và giải quyết:

+ Thái độ sống tích cực thúc đẩy con người sáng tạo để vượt lên những khó khăn. Họ cũng có niềm tin vào những điều tốt đẹp nơi người khác và trong cuộc sống.

+ Sống tích cực còn thúc đẩy con người biết cống hiến và đem lại niềm vui cho người khác...

- Ngược lại người có thái độ sống tiêu cực lại nhìn thấy sự u ám, bế tắc:

+ Nên dễ chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

+ Thậm chí còn tạo nguồn năng lượng xấu, sự u ám bế tắc cho mọi người xung quanh và họ sẽ càng thất bại hơn.

3. Bàn luận mở rộng

- Phê phán những người có thái độ sống tiêu cực: chỉ biết hưởng thụ cá nhân, trục lợi, ích kĩ, tàn nhẫn, thâm độc…

4. Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức được ý nghĩa của thái độ sống tích cực

- Luôn có ý thức bồi dưỡng năng lượng sống tích cực và lan tỏa điều tốt đẹp đó đến mọi người xung quanh.

- Sống có ước mơ và niềm tin

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”- Ramsey Clark.

Trung thực- ứng xử cao nhất của sự tôn trọng.

Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận trọn vẹn những giá trị của bản thân khi chưa tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Viên đá đầu tiên và cần thiết nhất của nền tảng đó là sự trung thực.

Vì sao tôi lại xem trọng tính trung thực đến thế? Đó là bởi vì tôi đã phải mất một thời gian rất dài mới có thể nhận ra rằng sự trung thực chính là phần còn thiếu trong nỗ lực tìm kiếm sự thành công và hoàn thiện bản thân tôi. Tôi không phải là một kẻ hay nói dối, một kẻ tham lam, một tên trộm mà tôi chỉ thiếu tính trung thực mà thôi. Giống như nhiều người khác, tôi cũng quan niệm “Ai cũng thế cả mà”, một chút không trung thực không có gì là xấu cả. Tôi đã tự lừa dối mình. Dù muộn màng, nhưng rồi tôi cũng khám phá ra rằng không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường. Ngay sau đó, tôi quyết định sẽ ngay thẳng, chính trực trong tất cả mọi việc. Đó là một lựa chọn quan trọng làm thay đổi cuộc đời tôi.

(Theo Hal Urban, “Những bài học cuộc sống”)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì? (0.5 điểm)

Câu 2: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”? (0.75 điểm)

Câu 3: Theo anh (chị), vì sao tác giả lại cho rằng: Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực? (0.75điểm)

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả: “không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường” hay không? Vì sao?(1.0 điểm)

Phần II: Làm văn: (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.

Câu 2: (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh(chị) về hình tượng sóng và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu trong đoạn thơ sau:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ


Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?


Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.”

(Trích “Sóng”, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận

Câu 2: “Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những mối quan hệ được bền vững”

- Sự trung thực: là thật thà, ngay thẳng, đúng với sự thật, không làm sai lạc đi; trái ngược với sự dối trá…

- Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài

Câu 3. Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, mới chỉ là điều kiện cần nhưng vẫn chưa đủ để đưa bạn đến thành công nếu vẫn còn thiếu sự trung thực và chính trực

Vì:

- Một thái độ ứng xử tích cực, những thói quen tốt, cách nhìn lạc quan, khát khao theo đuổi những mục tiêu, là động lực, là điều kiện để con người cố gắng phấn đấu, rèn luyện mình trên con đường tìm đến thành công.

- Nhưng vẫn chưa đủ bởi để có được thành công, con người còn cần đến những mối quan hệ xã hội. Và sự trung thực và chính trực là yếu tố giúp tạo nên quan hệ bền vững, là thái độ ứng xử cao nhất của sự tôn trọng đối với những người xung quanh, cũng là tôn trọng chính bản thân mình..

* Có cả điều kiện cần và đủ thì con người mới thành công (đạt được ước mơ, sống thoải mái, thanh thản, hạnh phúc)

Câu 4: Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả: “không trung thực là một điều rất tệ hại và để lại một hậu quả khôn lường” hay không? Vì sao?

- Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng và có lí giải hợp lí

(Có thể đưa ra ý kiến đồng tình và lí giải:

+ Không trung thực sẽ đánh mất niềm tin của mọi người dành cho mình; sẽ không đạt được kết quả mình mong muốn trong công việc cũng như trong cuộc sống….

+ Không trung thực sẽ có lợi trước mắt nhưng làm ảnh hưởng đến người khác và để lại hậu quả về sau….

+ Người không trung thực sẽ sống trong lo sợ, e ngại, không vui vẻ …. )

Phần II: Làm Văn

Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người.

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ

- Trình bày rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

1. Giải thích vấn đề:

- Sự trung thực

- Vai trò của sự trung thực trong thành công của mỗi người

2. Bàn luận:

- Quan niệm về “thành công”: Đạt được kết quả, mục đích như dự định trong công việc; Đạt được mong ước trong cuộc sống; Hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có được và có ước mơ tốt đẹp trong tương lai

- Sự trung thực là điều kiện đủ để có được thành công, là yếu tố quan trọng đưa con người đến thành công. Bởi vì

+ Sự trung thực sẽ giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, từ đó giữ cho các mối quan hệ được bền vững, lâu dài. Điều này vô cùng quan trọng, giúp công việc thuận lợi, các mối quan hệ xã hội trở nên hài hòa.

+ Sống trung thực sẽ đem đến sự thanh thản trong tâm hồn, giúp con người luôn vui vẻ, thoải mái. Điều này lại đem đến sự tỉnh táo, sáng suốt khi đưa ra những lựa chọn, những quyết định quan trọng trong cuộc sống, trong công việc, góp phần tạo nên thành công.

(Có thể có dẫn chứng cụ thể)

3. Bài học nhận thức, hành động:

- Cần trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Câu 2

Yêu cầu về hình thức: Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu về nội dung:

Có thể trình bày theo định hướng sau:

1, Giới thiệu chung:

- Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”

- Giới thiệu 4 khổ thơ:  hình tượng Sóng, tâm trạng người phụ nữ đang yêu.

2, Phân tích (người phụ nữ đang yêu)

- Bài thơ dựa trên sự tương đồng, hòa hợp giữa hai hình tượng “sóng” và “em”. “Sóng” chính là ẩn dụ của “em”- người phụ nữ đang yêu. “Sóng” gióng như “em” và “sóng” cũng chính là “em”. Với mỗi khám phá về “sóng”, “em” lại thấy có mình ở trong đó.

- Trong đoạn thơ, “sóng” được “vẽ” nên bằng âm điệu, hiện lên với những diện mạo và trạng thái khác nhau, qua đó làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đang yêu đứng trước biển, đối diện với cái vô biên, cái vĩnh hằng để suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu và tự khám phá tâm hồn mình.

- Khổ 1: “Sóng” được thể hiện qua những trạng thái trái ngược: dữ dội- dịu êm, ồn ào- lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi. Cũng như sóng, người phụ nữ đang yêu tự nhận thức về biến động trong lòng mình, chân thành bộc bạch những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn khao khát yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu dàng, sâu lắng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Lương Thế Vinh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF