Xin gửi đến các em học sinh lớp 12 tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Khoái Châu đã được Học247 sưu tầm và chọn lọc dưới đây, tài liệu được biên soạn nhằm giúp các em củng cố kiến thức môn Ngữ văn để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.
TRƯỜNG THPT KHOÁI CHÂU |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao...
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mơ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!
(Mẹ, Bằng Việt)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản
Câu 2: Trong đoạn trích có rất nhiều kỉ niệm được nhắc đến. Hãy chỉ ra những kỉ niệm đó.
Câu 3: Vẻ đẹp của mẹ được miêu tả như thế nào trong đoạn trích trên?
Câu 4: Anh/ Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với mẹ được thể hiện trong đoạn trích.
Phần II. Làm văn
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa của việc trân quý những gì mình đang có trong cuộc sống con người.
Câu 2. (5.0 điểm) Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:
…Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được ?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới” :
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…
Tràng thở đánh phào một cái (…) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đưa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013,tr 28-29)
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, rút ra nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1: PTBĐ: Miêu tả, biểu cảm.
Câu 2: Trong đoạn trích có rất nhiều kỉ niệm được nhắc đến, cụ thể là: dáng mẹ đi lại chăm sóc con khi bị thương, những món ăn giản dị và đời thường mà mẹ dành cho con như trái bưởi đào, canh tôm nấu khế, khoai nướng, ngô bung.
Câu 3: Trong đoạn trích, người mẹ được miêu tả thông qua những cử chỉ ân cần và những món ăn đạm bạc mà nhân vật dành cho người con trong tác phẩm. Đó là vẻ đẹp âm thầm, lặng lẽ mà cao quý của bà mẹ được tái hiện trong đoạn trích nói riêng cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước nói chung.
Câu 4: Tình cảm của tác giả đối với mẹ: trân trọng ghi nhớ suốt đời mình tình cảm quân dân sâu đậm và thiêng liêng mà người mẹ đã dành cho mình. Tác giả rất thương quý mẹ, luôn nhớ về mẹ và những kỉ niệm khi ở bên mẹ; xót thương những hi sinh của mẹ dành cho đất nước và nhân dân.
Phần II. Làm văn
Câu 1.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người
c.Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có trong cuộc sống con người . Có thể triển khai theo hướng sau:
- Trân quý những gì đang có là biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ những điều tốt đẹp mà cuộc sống đem đến cho mỗi con người
- Ý nghĩa của việc cần trân quý những gì đang có:
+ Trân quý những gì đang có sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Từ đó, đời sống tinh thần và vật chất sẽ được đầy đủ và nâng cao;
+ Trân quý những gì đang có sẽ giúp ta không rơi vào lối sống ảo tưởng, viển vông, hão huyền, xa rời thực tế;
+ Trân quý những gì đang có sẽ giúp ta thêm yêu đời, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, có động lực để phấn đấu, góp phần làm nên thành công, vượt qua bao thử thách, khó khăn trên đường đời.
- Phê phán một số người không biết trân quý những gì đang có, chạy theo lối sống xa hoa, hưởng lạc cá nhân, đua đòi theo phong trào, gây đau khổ và phiền phức cho người khác.
- Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của cuộc sống hiện tại để biết quý trọng những gì mình có được trong tay. Tuổi trẻ cần học tập và rèn luyện, sống hết mình cho đời để không ân hận, hối tiếc vì mình đã đánh mất nhiều điều quý giá.
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2.
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn trích văn xuôi ( có ý phụ)
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích; tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Kim Lân là nhà văn của người nông dân, là cây bút của đồng ruộng.
+ Truyện ngắn Vợ nhặt của ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí những người ở thôn quê: dù cuộc sống có tăm tối đến đâu họ vẫn khao khát sống, yêu thương đùm bọc nhau, vẫn hi vọng vào tương lai.
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn trích: …Bà lão cúi đầu nín lặng(…)cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...diễn tả sâu sắc tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ, đồng thời thể hiện tấm lòng của nhà văn dành cho người nông dân nghèo khổ.
3.2. Thân bài:
a. Khái quát về truyện ngắn, đoạn trích
- Vợ nhặt được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là một chương trong tiểu thuyết Xóm ngụ cư viết ngay sau 1945. Tới 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết Vợ nhặt. Do đó, tác phẩm không chỉ là kết quả một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954.
- Đoạn trích thuộc phần cuối của truyện, diễn tả tâm trạng của bà cụ Tứ khi Tràng dẫn vợ về và khi bà nói chuyện với nàng dâu mới.
b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ:
b.1. Về nội dung:
-Sự xuất hiện của nhân vật: Tác giả chỉ giới thiệu sơ lược về diện mạo, ngoại hình, gia cảnh để từ đó khái quát số phận bà cụ Tứ. Nhưng chỉ thông qua một vài chi tiết chọn lọc như dáng đi lọng khọng, đôi mắt kèm nhèm và tiếng húng hắng ho cùng hình ảnh về ngôi nhà nghèo nàn xơ xác, người đọc đã đủ hình dung về số phận của một người mẹ nông dân nghèo khổ, cơ cực đã bị cái đói đeo bám, truy đuổi trong suốt cả cuộc đời dài dằng dặc. Ngay từ những ấn tượng ban đầu, Kim Lân đã gợi nên rất nhiều sự thương cảm, xót xa từ hình ảnh bà cụ Tứ.
- Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong đoạn trích:
+ Ngay sau sự ngạc nhiên, bà cụ Tứ có tâm trạng xót thương cho con mình.Khi nghe lời giải thích đồng thời cũng là lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy ý nhị của Tràng: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!”, ở bà cụ Tứ đã có một phản ứng không lời nhưng lại chất chứa đầy cảm xúc phức tạp: “Bà lão hiểu rồi, lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Như vậy, trong cái nín lặng của bà cụ Tứ là sự nén chặt, sự dồn tụ rất nhiều cảm xúc: vừa là niềm hạnh phúc khi thằng con mình có một người bạn đời để sẻ chia buồn vui, vừa là sự xót xa vì việc trọng đại với đứa con trai lại diễn ra chóng vánh, bất ngờ đến thế, vừa là sự tủi phận của người mẹ cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm, không lo lắng được cho hạnh phúc của con cái. Phải rất tinh tế Kim Lân mới bắt được khoảnh khắc tâm lý tưởng như rất tĩnh tại nhưng thực chất lại đầy phức tạp, uẩn khúc này của bà cụ Tứ.
+ Sau phút cúi đầu nín lặng với nhiều cảm xúc trái chiều phức tạp, bà cụ đã trở về vơi thực tại, nhìn vào thực tế đói khổ nghiệt ngã để trong lòng trào lên sự lo lắng, thương xót cho hai đứa con: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Những dòng nước mắt lặng lẽ chảy của bà cụ đã khiến cho tất cả người đọc đều phải lặng đi, xúc động bởi ở đó tình mẫu tử, tình thương con đã được thể hiện sâu sắc.
+ Và rất tự nhiên từ tình thương, từ sự lo lắng dành cho đứa con trai, bà cụ chuyển sang nhìn người con dâu cũng bằng ánh mắt đầy xót xa, thương cảm. Dù Tràng không hề đề cập đến việc nhặt vợ ở đầu đường, xó chợ qua loa và chóng vánh như thế nào, nhưng bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi gần hết cả cuộc đời, bà cụ có thề hoàn toàn hiểu được sự thật trần trụi, đắng chát của cuộc hôn nhân đó. Nhưng bà không hề nhìn cô con dâu bằng sự phán xét khắt khe đay nghiến thường thấy của một bà mẹ chồng, mà bằng con mắt đầy bao dung và cảm thông. Bà như tự bào chữa cho chính đứa con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ nảy, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”.Với chi tiết này, bà cụ Tứ hiện lên không chỉ là hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng cao cả mà còn là biểu hiện của tình người ấm áp, bao dung. Bằng sự nhân hậu, vị tha, bà đã sẵn sàng mở rộng lòng và dang đôi bàn tay để cưu mang, che chở, nâng đỡ những kiếp người khốn khổ hơn mình. Ở đó, truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách” được thể hiện rất rõ.
+ Nhưng điều đáng lưu ý và cũng đáng trân trọng nhất ở bà cụ Tứ là dù có xót xa, đau đớn và lo lắng nhưng tất cả đều được bà mẹ này giữ kín trong cõi riêng của mình còn những điều bà nói ra đều là sự vui mừng, tốt đẹp. Câu nói mà bà nói với nàng dâu mới: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” tuy giản dị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Nó vừa giúp cả ba người thoát khỏi tình thế ngượng nghịu, khó xử, vừa là sự chào đón ấm áp, đôn hậu với nàng dâu mới. Cùng với các khái niệm thiêng liêng: “duyên, kiếp”, bà cụ đã cho thấy dưới đôi mắt của người mẹ thương con thì người con dâu không phải là người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, trơ trẽn mà là người đáng được trân trọng. Còn cuộc hôn nhân chóng vánh, vội vàng của Tràng cũng trở nên thiêng liêng, trọng đại như các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy khác. Như vậy, với tấm lòng cao cả, giàu đức hy sinh, bà lão đã nén chặt trong lòng những buồn tủi để nâng đỡ, vun vén cho hạnh phúc của hai đứa con mình.
+ Để tiếp tục gieo vào lòng hai đứa con niềm tin, hy vọng cũng như sự lạc quan vào cuộc sống, bà đã dùng đến kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ ngàn đời. Câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” mà bà nói ra chính là cách động viên ấm áp nhất để Tràng và người vợ nhặt có thể tin vào sự thay đổi tốt đẹp hơn.
+ Nén lòng để tạo tâm lý thoải mái cũng như sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho hai đứa con nhưng bà lão không thể quên đi những ám ảnh về đói rét, chết chóc. Có thể nói đây là một nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. Khi trở về với cõi riêng của mình, lòng người mẹ nghèo lại quặn thắt với những đau đớn, xót xa. Điều đó được thể hiện rất rõ qua chi tiết: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối....Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình.” Kim Lân đã thấu suốt vào cái nhìn của bà cụ Tứ để nhận thấy trong đó sắc màu chủ đạo là màu đen đặc của bóng tối. Cái bóng tối ở đây không chỉ là bóng tối của đêm mà còn là bóng tối của đói nghèo, cực khổ đã bao trùm lên toàn bộ cuộc đời bà, là bóng tối của sự chết chóc, ám ảnh qua nỗi nhớ về những người thân đã khuất là chồng và đứa con gái út. Bóng tối này đã đè nặng lên ánh nhìn, đè nặng lên tấm lòng của người mẹ nghèo để trong lòng bà tràn lên một nỗi xót xa cho số phận mình, nhưng lớn hơn là sự lo lắng đến xót một cho sự tồn tại, cho tương lai các con. Bởi vậy, sau phút trọn vẹn với những cảm xúc của riêng mình, khi trở về với thực tại bà không còn nén nổi cảm xúc như trước đó mà những lời nói ra đã nghẹn ngào trong nước mắt: “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Những lời nghẹn ngào, xót xa của bà cụ Tứ đã tạo nên sự xúc động cao độ của câu chuyện về vẻ đẹp của tình mẫu tử, lớn hơn là tình người.
- Đánh giá: Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là buổi tối khi Tràng đưa vợ nhặt về nhà, Kim Lân đã xoáy sâu, đã nhập thân gần như làm một với nhân vật bà cụ Tứ để đi vào những ngõ ngách sâu kín, những uẩn khúc khổ nắm bất trong tâm lý nhân vật này. Một loạt những phản ứng tâm lý phức tạp nhưng vẫn hết sức tự nhiên, hợp lý đã được Kim Lân khai thác thành công để làm nổi bật tấm lòng ở một bà mẹ giàu tình thương con và ở một người nông dân chan chứa tình người nơi bà cụ Tứ.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.
Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. Bảo bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình. Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt - như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan - thì con cái không thể nên thành được.
.....
Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.
(Nguyễn Sự - Người lớn phải là tấm gương soi chiếu. Dẫn theo Tuổi trẻ online ngày 25.02.2018)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, nếp nhà là gì?
Câu 3. Anh/Chị hiểu ý kiến: "giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình" như thế nào?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại.
Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng sông Đà qua đoạn trích sau:
Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190-191)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2. Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình.
Câu 3. Học sinh tự trình bày quan điểm của cá nhân mình về: giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình.
Câu 4. Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của tác giả. Giám khảo cho điểm tùy vào việc giải thích hợp lý, thuyết phục của thí sinh.
Gợi ý: Đồng tình với quan điểm: “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.”.
Vì: Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình bao gồm các thành viên, mỗi thành viên cũng chính là một công dân. Khi gia đình có nền tảng tốt, có những thành viên ưu tú thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Ngược lại, nếu gia đình đi xuống thì xã hội cũng sẽ kém phát triển, tụt lùi.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Gợi ý:
- Nếp nhà là gì? Một số quan điểm về nếp nhà
+ “Nhà phải có gia phong”, đó chính là nếp nhà, mà bây giờ nếp nhà được gọi là văn hóa gia đình.
+ Nếp nhà là rường cột gia đình.
+ Nếp nhà lung lay sẽ khiến đạo đức gia đình xuống cấp, đời sống trong gia đình theo đó bất ổn.
+ Nếp nhà vững thì gia đình mới ổn định và phát triển.
- Nếp nhà của người Việt: là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. (truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học, là tình yêu với nghề gia truyền, nét văn hoá kinh doanh, trách nhiệm với di sản của thế hệ trước để lại... )
- Trong xã hội hiện đại, những tác động từ sự hội nhập phát triển tới gia đình rất mạnh mẽ, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực.
+ Tích cực: đời sống gia đình văn minh, tiến bộ, phát triển hơn.
+ Tiêu cực:
- Đó là tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành gia tăng.
- Đời sống hôn nhân bất ổn với tỷ lệ "ly hôn xanh" ngày một nhiều.
- Có không ít gia đình đã thay thế việc giao tiếp với nhau bằng công nghệ; trong những bữa cơm, cha mẹ, con cái cứ mỗi người một smartphone, một mối quan tâm riêng.
- Ở ngoài xã hội bỏ rất nhiều công sức để chăm sóc nhân viên, chiều chuộng sếp, giữ chân khách hàng nhưng về nhà lại không quan tâm chăm sóc người thân.
- Gia đình bị chi phối mạnh mẽ bởi công nghệ ngày một nhiều...
- Làm thế nào để giữ gìn nếp nhà trước cuộc sống hiện đại?
+ Người lớn trong gia đình cần làm gương để con cái noi theo.
+ Giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ nếp nhà trong sự hội nhập là cấp thiết.
- Liên hệ với bản thân em và gia đình.
Câu 2 (5,0 điểm)
I. Mở bài
- Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống .
- Ông có sở trường về thể loại tuỳ bút . Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút “ Người lái đò sông Đà” .
- Tác phẩm đã khắc hoạ vẻ đẹp đa dạng vừa hung bạo vừa trữ tình của con sông Đà và ca ngợi người lái đò giản dị mà kỳ vĩ trên dòng sông .
II. Thân bài
1. Giới thiệu chung
- Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc.
- Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp,đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.
- Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”
- Qua “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân với lòng tự hào của mình đã khắc họa những nét thơ mộng, hùng vỹ nhưng khắc nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo và trữ tình.
- Đồng thời, nhà văn cũng phát hiện và ca ngợi chất nghệ sĩ, sự tài ba trí dũng của con người lao động mới: chất vàng mười của đất nước trong xây dựng CNXH qua hình ảnh người lái đò sông Đà. Từ đó nhà văn ca ngợi sông Đà, núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, đồng bào Tây Bắc cần cù, dũng cảm, rất tài tử, tài hoa.
2. Phân tích hình tượng dòng sông Đà trong đoạn trích.
- Trước hết, con sông đà được Nguyễn Tuân miêu tả là dòng sông hung bạo, dữ dội . Khi hung bạo, sông Đà là kẻ thù số một sẵn sàng cướp đi mạng sống con người: "cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà."
- Bên cạnh tính cách hung bạo, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân con sông Đà lại rất trữ tình, gợi bao cảm xúc làm mê say lòng người. Khi trữ tình, sông Đà hiền hoà, mềm mại, huyền ảo như mái tóc của một phụ nữ kiều diễm: con sông tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mây mù khói núi Mèo nương xuân.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)
Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.
Tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.
Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện, J.K.Rowling, tác giả của “Harry Poter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nối tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.
Thất bại không phải cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.
(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, An Bình, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 39, 40)
Câu 1: (0,5 điểm) Chỉ ra mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích.
Câu 2: (0,5 điểm) Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng gì?
Câu 3: (1,0 điểm) Theo anh/chị, “suy nghĩ tích cực về thất bại” được hiểu là gì?
Câu 4: (1,0 điểm) Anh/Chị có cho rằng trong cuộc sống thất bại “là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.” không? Vì sao ?
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc- hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống ?
Câu 2: (5,0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả nhân vật Mị ở nhà thống lí Pá Tra:
Lần thứ nhất “… Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi…”.
Lần thứ hai “… Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng… Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”.
(Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài; Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2015).
Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích:
- Những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân.
- Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.
Câu 2. Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng:
- Tăng sức thuyết phục đối với người đọc.
- Khẳng định ai thành công cũng phải trải qua thất bại. Nhưng khi thất bại họ không gục ngã, bi quan mà luôn kiên trì cố gắng và họ đã thành công.
Câu 3. Suy nghĩ tích cực về thất bại” có thể hiểu là: Khi thất bại không nản lòng, từ trong thất bại rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân. Coi thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân; là động lực tiếp thêm sức mạnh để vươn tới thành công.
Câu 4. HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến, miễn là lí giải hợp lí thuyết phục.
(Đồng tình/ không đồng tình: 0,25 điểm. Lí giải ý kiến hợp lí: 0,75 điểm)
II. LÀM VĂN
Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc-hiểu, viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. Viết sai hình thức đoạn văn trừ 0,25 điểm.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Con người cần chấp nhận thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: Con người cần chấp nhận thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống .Có thể theo hướng sau:
* Giải thích
- Thất bại: là hỏng việc, là không đạt được kết quả, mục đích như dự định; Thành công: là đạt được kế hoạch mục tiêu mình đã đề ra ban đầu.
- Trong hành trình để đi đến thành công không tránh khỏi những vấp ngã, thất bại. Nhưng quan trọng nhất ta phải suy nghĩ tích cực về thất bại thì mới có thể thành công.
* Bàn luận:
Thái độ của chúng ta trước thất bại:
- Chúng ta cần có suy nghĩ tích cực về thất bại. Coi thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân.
- Cần bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại. Rút ra bài học từ những thất bại đã qua để tiếp tục thực hiện công việc và ước mơ của mình.
- Dám đối mặt chấp nhận thất bại, không né tránh sự thật, cũng không đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh.
- Biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, không chán nản và lùi bước trước thất bại.
- Phê phán những con người sống thụ động, tiêu cực, dễ đầu hàng số phận, khi thất bại thì gục ngã hay luôn đổ thừa cho hoàn cảnh.
* Bài học nhận thức và hành động
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Khoái Châu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !