YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Đồng Bành

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 nắm được cấu trúc đề thi THPT QG môn Ngữ văn một cách chính xác và đầy đủ nhất HOC247 xin gửi đến Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Đồng Bành. Hi vọng tài liệu sẽ giúp các em học tập thật tốt.

ADSENSE

TRƯỜNG THPT ĐỒNG BÀNH

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Bóng quê

chị lành như thể bát nước mưa em hứng đầu mùa

dịu dàng như thể điệu rơi của hoa cau trước ngõ

hồn nhiên như thể sự lớn lên của ngọn rau cọng cỏ

giàu đức hi sinh như thể đất trong vườn

nhân từ như thể chái bếp cây rơm

mộng mơ như thể hoa khế rắc tím sân nhà nhỏ

 

em đi xa kí ức giàu có

hương quê nưng nức nồi nước xông chị nấu bảy thứ lá cây

và cả dáng quê nghiêng chao sóng nước trời mây

dáng chị gập người bên chậu quần áo ven bờ sông ngày nắng

 (Khát vọng mùa – Hoàng Đăng Khoa, NXB Hội nhà văn 2016, tr.17)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính.

Câu 2. Nêu biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đầu.

Câu 3. Hình ảnh “dáng chị gập người bên chậu quần áo ven bờ sông ngày nắng” gợi cho anh/chị điều gì?

Câu 4. Thông điệp nhà thơ gửi gắm qua đoạn trích?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình quê hương được gợi ra từ phần Đọc hiểu.

Câu 2.

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu cũng lửng lơ bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi…

(Trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục 2008, tr 7-8)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng nhân vật Mị trong đoạn văn trên.

Từ đó, liên hệ với tâm trạng nhân vật Chí Phèo trong đoạn trích sau để thấy được khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người lao động trong xã hội cũ:

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao ôi là buồn!

- Vải hôm nay bán mấy?

- Kém ba xu, dì ạ!

- Thế thì còn ăn thua gì!

- Có khéo co mới được một tấm năm xu.

- Thật thế đấy. Những chẳng lẽ rằng lại chơi…

Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về. Hắn lại nao nao buồn, vì là mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.

(Trích Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục 2007, tr.149)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ: so sánh, điệp cấu trúc ( … như thể …)

Câu 3:

- Hình ảnh “dáng chị gập người bên chậu quần áo ven bờ sông ngày nắng” gợi:

+ Hình ảnh đẹp, người chị tảo tần, lam lũ với công việc thường ngày.

+ Hình ảnh đó còn gợi về những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, kỉ niệm về quê hương.

Câu 4:

- Thông điệp của bài thơ: Quê hương là gia đình, là người thân, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Những kỉ niệm tuổi thơ là nguồn động lực để mỗi chúng ta không ngừng nỗi lực, cố gắng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy.

Phận là cái phận mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người.Phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi,… Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, là đã phải lo làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra nó ở phận nào , theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi.

Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở.

Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng? Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người.

Thanh niên ngày xưa bước vào đời như người đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài.

Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí.

(Thanh niên và số phận – Nguyễn Khắc Viện, dẫn theo Ngữ Văn 11 Nâng cao, tập 2, trang 139)

Câu 1. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 2. Theo tác giả đoạn trích, vì sao đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ trăn trở nhiều về số phận của bản thân?

Câu 3. Theo Nguyễn Khắc Viện, vì sao thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở về số phận?

Câu 4. Theo tác giả, những yếu tố nào có ý nghĩa quyết định đối với thành công và hạnh phúc của một con người trong thời đại ngày nay?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của niềm tin và đạo lí.

Câu 2:

Về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, có ý kiến cho rằng: “Tô Hoài không chỉ có tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật mà còn có tấm lòng nhân đạo sâu sắc.”

Anh/chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong “đêm tình mùa xuân” để làm sáng tỏ ý kiến.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thao tác lập luận chủ yếu là: so sánh.

Câu 2:

- Đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ, trăn trở về số phận vì: ai đã có phận nấy, như người xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Qua cách nói hình ảnh tác giả đã nói lên hiện tượng thanh niên trong xã hội xưa phải tuân theo sự sắp đặt của gia đình và hoàn toàn thụ động không được quyết định số phận của bản thân.

Câu 3:

Thanh niên thời nay cần phải suy nghĩ, trăn trở về số phận vì:

- Tuy cái phận vẫn còn nhưng trước mắt mọi người vẫn luôn mở ra những con đường mới, giúp thanh niên thay đổi số phận.

- Cơ hội được chia đều cho mọi người.

- Ngày nay, thanh niên có quyền được lựa chọn và cố gắng, ngoài ra còn có sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của mỗi cá nhân.

Câu 4:

- Theo tác giả, yếu tố có nghĩa ý quyết định đối với sự thành công và hạnh phúc của mỗi người trong thời đại ngày nay là: “Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định”.

II. PHẦN LÀM VĂN           

Câu 1:

1. Giải thích

- Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trongcuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định. Sức mạnh niềm tin trong cuộc sống là sức mạnh tinh thần, giúp conngười làm được những điều mong ước, hoàn thành những dự định.

- Đạo lý là nghĩa lý phù hợp khuôn phép, chuẩn mực đạo đức xã hội.

2. Phân tích, bình luận

a. Vì sao cần có sức mạnh niềm tin và đạo lí trong cuộc đời

- Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.

- Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, cuộcsống của chúng ta luôn có những tổn thương bất ngờ nên cần có niềm tin đểvượt qua.

=> Niềm tin là yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua những khó khăn, giông bão trong cuộc đời. Niềm tin giúp ta có động lực để làm bất cứ điều gì để đạt được thành công.

- Đạo lí là nguyên tắc để chúng ta hành động, là giới hạn của chúng ta trước những điều xấu, những việc làm sai.

=> Vì vậy, niềm tin phải luôn đi kèm với đạo lý. Làm điều mình tin tưởng nhưng phải phù hợp với luân lí, chuẩn mực đạo đức của xã hội.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Phần I Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Đối với những vấn đề chưa giải quyết, sẽ có nhiều ý kiến, nhiều giả thuyết khác nhau. Sẽ có tranh luận, có trao đổi. Không tranh luận, không trao đổi, không có khoa học. Không có gì nguy hiểm bằng là không bao giờ được nghe một ý kiến khác ý của mình. Nghe mà phải tôn trọng, dù điều ấy có thể làm sụp đổ bao nhiêu suy nghĩ mà mình đã công phu xây dựng lên. Chỉ muốn nghe những người nhất trí với mình, những điều thuận tai là một thái độ phản khoa học. Vì vậy, khoa học không chỉ lấy uy quyền mà giải quyết, óc khoa học nhất định phải đi đôi với óc dân chủ. Một người khoa học bao giờ cũng hành động và suy nghĩ theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Trong hành động thì tinh thần tổ chức kỉ luật rất cao, chính vì biết rõ quan hệ chặt chẽ giữa ý kiến kiến và hành động, biết rõ ý kiến là cơ sở của hành động, không thể vì chủ quan mà gây nên tai họa cho người khác và xã hội. Nhưng khi suy nghĩ thì hoàn toàn giữ quyền độc lập và cố gắng tìm hiểu ý kiến của người khác. Nếu chưa được thuyết phục và nếu đủ lí để nghĩ rằng ý của mình đúng hơn, thì dù có phải tranh luận với bất kì ai, có khi bị cả một số đông phản đối vẫn bảo vệ lấy ý riêng. Khoa học phải đi đôi với dũng khí.

(Theo Nguyễn Khắc Viện, trong tạp chí Học tập, số 2/1974, Ngữ Văn 11, tập một, NXBGD Việt Nam, 2016, tr. 44)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, “dũng khí” trong làm khoa học có nghĩa là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung cơ bản của đoạn trích. (1,0 điểm)

Câu 4. Từ quan điểm của tác giả: “Không tranh luận, không trao đổi, không có khoa học”, anh/chị rút ra được bài học gì cho quá trình học tập của mình? (1,0 điểm)

Phần II Làm văn (7,0 điểm)

Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Từ đó, liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “ Chí Phèo” của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: “ Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Phương thức nghị luận

Câu 2.

Theo tác giả, “dũng khí” trong làm khoa học có nghĩa là:

- Độc lập trong suy nghĩ;

- Tìm hiểu ý kiến của người khác, nếu chưa thấy thuyết phục và có đủ lí để nghĩ rằng ý của mình đúng hơn thì phải tranh luận đến cùng để bảo vệ ý riêng.

Câu 3.

Nội dung cơ bản của đoạn trích:

- Vấn đề dân chủ trong tranh luận khoa học;

- Dũng khí lên tiếng của nhà khoa học.

Câu 4.

- Bài học về nhận thức: Khẳng định điều cần thiết của trao đổi và tranh luận; nhìn nhận, suy nghĩ vấn đề một cách đa chiều.

- Bài học hành động: Trau dồi vốn sống, vốn hiểu biết để có được những lí lẽ, minh chứng bảo vệ ý kiến của mình; tranh luận đến cùng để tìm ra chân lí...)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Lưu Quang Vũ

- Giới thiệu tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài

2.1. Giải thích

- Theo từ điển thuật ngữ văn học: Bi kịch là một thể loại kịch thường được coi như là đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hòa được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn… diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật  thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng.

2.2. Phân tích bi kịch của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.

- Bi kịch sống nhờ, sống gửi tồn tại trái với lẽ tự nhiên. (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt).

- Bi kịch không được người khác hiểu, tôn trọng, yêu quý. (Dẫn chứng: Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với những người thân).

- Bi kịch sửa sai càng thêm sai. (Phân tích màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích).

- Kết thúc tác phẩm, Trương Ba trả lại thân xác cho người hàng thịt, chấp nhận cái chết để không còn là cái vật quái gở mang tên “ Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nữa. Một kết cục bi kịch nhưng là sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, của bản lĩnh, của một Hồn Trương Ba “ nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Đây là vở bi kịch lạc quan, Trương Ba chết nhưng giá trị cuộc sống được bảo toàn. Không còn thân xác nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè với tất cả những gì tốt đẹp nhất. Đoạn kết của vở bi kịch được tác giả viết thêm thể hiện rõ tinh thần lạc quan này và ý nghĩa tư tưởng nhân văn sâu sắc của tác phẩm: sự sống là quý giá nhưng không thể sống bằng mọi cách. Sự tồn tại của con người chỉ có ý nghĩa khi họ là mình một cách trọn vẹn, sống hợp quy luật, hòa linh hồn vào thân xác khi sự tồn tại đó mang lại niềm vui, sự thanh thản cho chính mình và hạnh phúc cho những người xung quanh. Cái chết là một điều không thể tránh khỏi, con người cần phải biết chấp nhận nó và hiểu rằng: “ người ta chỉ chết thực sự khi không còn sống trong lòng của những người khác”.

2.3. Liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn “ Chí Phèo” của Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến: “ Được sống, chưa quan trọng. Vấn đề là sống như thế nào?”.

- Từ người lao động lương thiện Chí Phèo bị đẩy vào con đường tha hóa, trở thành quỷ dữ, bị loại ra khỏi xã hội loài người.

- Từ quỷ dữ, Chí Phèo thức tỉnh lương tâm, muốn trở lại làm người lương thiện, nhưng Chí Phèo chết thảm khốc trên ngưỡng cửa trở lại làm người.

- Niềm khao khát làm người lương thiện của Chí Phèo vẫn chỉ là ước muốn. Cơ duyên tìm cuộc sống lương thiện của Chí Phèo đã đứt gãy giữa chừng. Ước muốn làm người thật bình dị, đối với Chí Phèo lại thành ra quá xa vời, còn lâu Chí Phèo mới chạm tới được, thậm chí, thành không tưởng.

- Bi kịch chồng chất bi kịch, dù chết Chí Phèo vẫn không thay đổi được bi kịch đau đớn của mình. Vì vậy, tiếng nói khát khao được sống như một con người đối với Chí Phèo là cả một kì vọng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Đồng Bành. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF