Bài soạn Kiểm tra phần tiếng Việt sẽ giúp các em ôn lại toàn bộ những kiến thức về phân môn tiếng Việt đã học. Đồng thời, biết vận dụng những kiến thức này để làm bài kiểm tra.
1. Tóm tắt nội dung
- Từ láy
- Lời dẫn trực tiếp và lời dẫn gián tiếp
- Các phương châm hội thoại
- Một số phép tu từ vựng
2. Hướng dẫn soạn bài Kiểm tra phần tiếng Việt
1.1. Một số đề luyện tập
Câu 1. Vận dụng kiến thức đã học về từ láy để phân tích nét nổi bật của việc dùng từ trong những câu thơ sau:
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đường,
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
- Những từ láy nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu vừa tả cảnh, vừa tả tâm trạng. Nó gợi vẻ hoang vắng, trơ trọi, buồn tẻ của ngôi mộ vô chủ và tâm trạng nao nao buồn của ba chị em Thúy Kiều vào thời điểm cuối ngày hội đạp thanh đồng thời báo hiệu một sự kiện sắp xảy ra.
Câu 2. Đọc lại đoạn Mã Giám Sinh mua Kiều. Tìm lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích. Nêu nhận xét về cách xưng hô, nói năng của Mã Giám Sinh và bà mối.
- Trong đoạn "Mã Giám Sinh mua Kiều" có các lời dẫn trực tiếp:
Hỏi tên, rằng: "Mã Giám Sinh"
Hỏi quê rằng: "Huyện Lâm Thanh cũng gần".
Rằng: "Mua ngọc đến Lam Kiều"
Mối rằng: "Giá đáng nghìn vàng …"
- Các lời dẫn đều được báo trước bằng từ rằng và phần trích lời nhân vật đặt trong dấu ngoặc kép.
- Lời của Mã Giám Sinh vừa trịnh thượng, vô học (nói năng cộc lốc ở phần giới thiệu lai lịch), vừa kiểu cách giả tạo.
- Lời của mụ mối đưa đẩy, vòng vo, nhún nhường giả tạo, đúng là kẻ chuyên nghề mối lái.
Câu 3. Đọc đoạn trích trang 205 và trả lời câu hỏi:
Trong những từ ngữ hoặc câu được in đậm, đâu là lời dẫn trực tiếp, đâu là lời dẫn gián tiếp, đâu không phải là lời dẫn.
Vận dụng những phương châm hội thoại đã học giải thích vì sao nhân vật "thằng lớn" phải dùng từ có lẽ trong lời nhận xét của mình?
- Trong đoạn chỉ có một lời dẫn trực tiếp là phần lời thoại "– Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà tớ ngày trước cũng rất tốt...".
- Lời dẫn gián tiếp đặt sau dấu hai chấm "Ngày trước, trước kia, đã có thời..."
- Các phần in đậm còn lại "cuộc sống buồn tẻ của chúng...về những con chim tôi bẫy được đang sống ra sao và nhiều chuyện trẻ con khác" là lời kể, không phải lời dẫn.
- Nhân vật "thằng lớn" phải dùng từ có lẽ để báo cho người nghe biết ý kiến của nó chỉ là suy đoán (phương châm về chất).
Câu 4. Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong những câu sau:
a.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như đông với tây một dải rừng liền.
- Phép so sánh trong đoạn thơ nói lên rằng giữa anh và em, giữa hai miền Nam và Bắc tuy khác nhau mà là một, giống như mây, mưa, khí trời, … của hai bên Trường Sơn tuy khác nhau mà lại liền một dải núi.
b. Khi tâm hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ trụ, trước mọi cái cao quý của cuộc đời, chúng ta là người một cách hoàn thiện.
(Thạch Lam, Theo dòng)
- Câu văn của Thạch Lam dùng phép ẩn dụ để nói con người chỉ thực sự là người khi biết rung động trước vẻ đẹp và sự cao quý (giống như sợi dây đàn sẵn sàng rung động).
c. Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
(Thép mười, Cây tre Việt Nam)
- Đoạn văn của Thép Mới dùng nhân hóa và điệp ngữ để thấy tre anh hùng như con người Việt Nam (từ đó gián tiếp ca ngợi con người Việt Nam anh hùng).
Câu 5. Cho biết cách nói nào trong số những cách nói sau có sử dụng phép nói quá: Chưa ăn đã hết, đẹp tuyệt vời, một tấc đến trời, không một ai có mặt, một chữ bẻ đôi không biết, sợ vã mồ hôi, cười vỡ bụng, rụng rời chân tay, tức lộn ruột, tiếc đứt ruột, ngáy như sấm, nghĩ nát óc, đứt từng khúc ruột.
- Phép tu từ nói quá là cách nói quá mức sự thật (số lượng, mức độ) để diễn tả được sự thật (về bản chất).
- Như vậy những cách nói có sử dụng phép nói quá: Chưa ăn đã hết, một tấc đến trời, một chữ bẻ đôi không biết, cười vỡ bụng, rụng rời chân tay, tức lộn ruột, tiếc đứt ruột, ngáy như sấm, nghĩ nát óc, đứt từng khúc ruột.
Để hiểu bài hơn, các em tham khảo bài giảng Kiểm tra phần tiếng Việt.
3. Hỏi đáp về bài Kiểm tra phần tiếng Việt
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.