Nhằm giúp các em trau dồi kĩ năng lựa chọn nghĩa của từ ngữ đồng thời sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ vào bài văn, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp bài học Thực hành tiếng Việt trang 47 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây với nội dung ôn tập và bài tập minh họa cụ thể. Chúc các em có thật nhiều kiến thức bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại nghĩa của từ ngữ
- Nghĩa của từ ngữ là nội dung gồm có tính chất, chức năng, khái niệm, quan hệ…mà từ biểu thị.
- Nghĩa của từ ngữ được hình thành do các yếu tố khác nhau tác động trong đó có có yếu tố ngoài ngôn ngữ: sự vật, hiện tượng, tư duy. Nhân tố trong ngôn ngữ đó là cấu trúc của ngôn ngữ.
- Cách giải thích nghĩa của từ:
+ Đưa ra khái niệm, định nghĩa từ biểu thị.
+ Đưa ra các từ đồng nghĩa, trái nghĩa với những từ cần giải thích cho người khác hiểu.
1.2. Ôn lại một số biện pháp tu từ thường gặp
a. So sánh
- So sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.
Ví dụ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
(Ca dao)
So sánh công ơn của cha mẹ với núi Thái Sơn và nước trong nguồn chảy ra, dùng những sự vật trường tồn để diễn tả sự vô tận về công lao của cha mẹ.
b. Nhân hóa
- Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn.
Ví dụ:
“Heo hút cồn mây súng ngửi trời”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Biện pháp tu từ nhân hoá: “súng ngửi trời”. Khẩu súng được nhân hóa như con người đã khiến câu thơ trở nên hóm hỉnh, tinh nghịch, nhưng không kém hào hoa của những chàng trai đất kinh thành hoa lệ lên đánh giặc ở miền Tây.
c. Điệp từ, điệp ngữ
- Điệp từ, điệp ngữ là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhấm mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu, đoạn văn bản.
Ví dụ: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”
(Cây tre Việt Nam – Thép Mới)
Điệp ngữ: "giữ” (4 lần), nhằm tác dụng tạo ra cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, nhấn mạnh công dụng của cây tre.
d. Liệt kê
- Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt, từ hay cụm từ cùng loại để diễn được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm, để làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt.
Ví dụ:
Thường là chở chè vối, và thỉnh thoảng củng có những chuyến chở cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ.
(Nguyễn Tuân)
Liệt kê các từ ngữ chè vối, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ nhằm gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận và sự đa dạng của các sản vật vùng biên.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Em hiểu thế nào về nghĩa của từ "đi" trong câu:
"Dẫu đi trọn một kiếp người
Cũng chẳng hết mấy lời mẹ ru"
Hướng dẫn giải:
- Dựa vào nội dung ôn lại nghĩa của từ ngữ
- Có thể sử dụng từ điển tiếng Việt để hiểu nghĩa
- Lưu ý đặt nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh nội dung văn bản
Lời giải chi tiết:
Nghĩa của từ "đi" trong câu: "Dẫu đi trọn một kiếp người" là sống trải qua, đi hết cả một cuộc đời. Ý nghĩa của câu thơ: lời mẹ ru không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm, tâm tình của người mẹ với con mình theo con suốt cả cuộc đời.
Bài tập 2: Chỉ ra phép liệt kê trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của phép liệt kê đó:
Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, đê trong khay khảm, khói bay nghi ngút; tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bac đầy những trầu vàng, cau đâu, rễ tía, hai bên nào ông thuốc bac, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai… ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.(…) Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm (…).
(Phạm Duy Tốn)
Hướng dẫn giải:
- Dựa vào nội dung ôn tập một biện pháp tu từ thường gặp
- Chú ý dấu hiệu nhận biết phép tu từ liệt kê và nêu tác dụng của nó
Lời giải chi tiết:
- Phép liệt kê: Bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi chữ nhật đè mở, trầu vắng, cau đậu, rễ tía, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà, ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông
- Tác dụng: làm cho sự miêu tả thêm đậm nét nhằm giúp người tiếp nhận thấy được sự giàu sang vô lối của tên quan phụ mẫu.
Lời kết
- Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 47 các em cần:
+ Rèn luyện kĩ năng phân tích nghĩa của từ ngữ
+ Vận dụng biện pháp tu từ làm bài tập và viết bài văn
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 47 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 42 sẽ giúp các em linh hoạt hơn trong việc phân tích, giải thích nghĩa của từ và sử dụng biện pháp tu từ vào các trường hợp cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo:
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 47 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247