Để diễn đạt câu văn uyển chuyển, tế nhị trong một số trường hợp người viết cần sử dụng linh hoạt biện pháp tu từ nói giảm nói tránh. Bài soạn Thực hành tiếng Việt trang 42 thuộc sách Kết Nối Tri Thức sẽ giúp các em vận dụng kiến thức vào giải các bài tập về nói giảm nói tránh đồng thời biết cách lựa chọn từ ngữ thích hợp vào bài văn để nội dung biểu đạt chi tiết hơn. Chúc các em có thật nhiều kiến thức bổ ích.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh
- Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển để tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề hoặc tránh thô tục, thiếu lịch sự.
- Tác dụng: Biện pháp nói giảm nói tránh dùng để giảm nhẹ tính chất sự việc, nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm với người nghe hoặc người đọc.
- Những cách nói giảm nói tránh thông dụng:
+ Dùng các từ đồng nghĩa, đặc biệt là từ Hán Việt
+ Dùng cách nói vòng
+ Dùng cách nói phủ định
1.2. Nghĩa của từ ngữ
- Nghĩa của từ ngữ là nội dung gồm có tính chất, chức năng, khái niệm, quan hệ…mà từ biểu thị.
- Nghĩa của từ ngữ được hình thành do các yếu tố khác nhau tác động trong đó có có yếu tố ngoài ngôn ngữ: sự vật, hiện tượng, tư duy. Nhân tố trong ngôn ngữ đó là cấu trúc của ngôn ngữ.
- Cách giải thích nghĩa của từ:
+ Đưa ra khái niệm, định nghĩa từ biểu thị
+ Đưa ra các từ đồng nghĩa, trái nghĩa với những từ cần giải thích cho người khác hiểu
2. Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết Nối Tri Thức
BIỆN PHÁP TU TỪ
Câu 1: Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nào trong những dòng thơ dưới đây? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Một ngày hòa bình
Anh không về nữa
Trả lời:
Một ngày hòa bình
Anh không về nữa
- Trong những dòng thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh.
- Tác dụng: “không về” nhằm chỉ cái chết, sự ra đi mãi mãi của người lính. Tác giả đã sử dụng từ “không về” để giảm bớt đau thương, chỉ sự ra đi của người lính rất nhẹ nhàng.
Câu 2: Hãy tìm thêm một số ví dụ ngoài bài thơ Đồng giao mùa xuân có sử dụng biện pháp tu từ được dùng trong hai dòng thơ Một ngày hòa bình/Anh không về nữa.
Trả lời:
Một số ví dụ khác sử dụng biện pháp tu từ tương tự như ở hai câu thơ trên là:
- Con Mèo nhà em ra đi tối qua rồi.
- Sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật, cô ấy đã về với tổ tiên rồi.
Câu 3: Xác định biện pháp tu từ trong những câu văn sau và nêu tác dụng:
a. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
(Tô Hoài, Dế mèn phiêu lưu kí)
b. Lắm khi em cũng nghĩ nỗi nhà cửa như thế này là nguy hiểm, nhưng em nghèo sức quá, em đã nghĩ ròng rã hàng mấy tháng cũng không biết làm như thế nào.
(Tô Hoài, Dế mèn phiêu lưu kí)
Trả lời:
Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là:
a. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh: “nhắm mắt” để chỉ cái chết, nhưng tác giả lại không sử dụng từ “chết” để tránh đau buồn, thể hiện sự tế nhị khi giao tiếp.
- Biện pháp tu từ liệt kê: liệt kê hàng loạt những tính xấu của Dế Mèn: có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ… nhằm nhấn mạnh những thói xấu của Dế Mèn đã gây ra nhiều tai họa.
b. Biện pháp nói giảm nói tránh sử dụng trong cụm từ “nghèo sức”. Từ ngữ “nghèo sức” được hiểu là sức khỏe yếu, không có sức khỏe để lao động và tạo ra của cải.
- Tác dụng: cách nói trên nhằm thể hiện cách nói chuyện tế nhị của một người đang nói chuyện với người khác một cách lịch sự.
Câu 4: Xác định các biện pháp tu từ điệp ngữ trong bài thơ Đồng giao mùa xuân và nêu tác dụng.
Trả lời:
- Các biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng Đồng giao mùa xuân là: có một người lính.
- Tác dụng: làm tăng nhịp điệu cho bài thơ đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp của người lính trẻ, đã hi sinh tuổi trẻ, sức trẻ của mình để gánh vác nhiệm vụ cao cả hơn đó là bảo vệ Tổ quốc.
NGHĨA CỦA TỪ NGỮ
Câu 5: Xác định nghĩa của các từ ngữ núi xanh và máu lửa trong khổ thơ:
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.
Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?
Trả lời:
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.
Nghĩa của quả từ núi xanh và máu lửa là:
- “Núi xanh”: chỉ những quả núi cây cối phát triển um tùm.
- “Máu lửa”: chỉ thời kì khốc liệt trong chiến đấu của quân và dân ta, đã khiến nhiều người phải đổ máu, đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ Tổ quốc.
- Căn cứ vào hoàn cảnh, nội dung và ý nghĩa của bài thơ để xem xác định ý nghĩa của 2 từ trên.
Câu 6: Cho biết sự khác biệt về nghĩa của từ xuân trong các cụm từ ngày xuân, tuổi xuân, đồng giao mùa xuân.
Trả lời:
- “Ngày xuân”: từ “xuân” mang nghĩa gốc, chỉ một ngày của mùa xuân.
- “Tuổi xuân”: từ “xuân” ở đây mang nghĩa chuyển, chỉ tuổi trẻ, tuổi thanh xuân của con người.
- “Đồng giao mùa xuân”: từ “xuân” ở đây mang nghĩa gốc, chỉ mùa đầu tiên trong năm, mùa sinh sôi của vạn vật, cây cối đơm hoa kết trái…
Để củng cố bài học và có thêm nhiều kiến thức bổ ích, mời các em cùng tham khảo:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Hãy tìm các biện pháp nói giảm nói tránh trong các trường hợp sau và cho biết nghĩa của những từ ngữ ấy biểu thị điều gì:
a.
Nửa chừng xưa thoắt gẫy cành thiên hương.
(Nguyễn Du)
b.
Bỗng lèo chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi.
(Tố Hữu)
c.
Ông mất năm nao? Ngày độc lập
Buồm cao đỏ sóng bóng cờ sao
Bà về năm đói làng treo lưới
Biển động, Hòn Me giặc bắn vào.
(Tố Hữu)
d.
Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác – Lênin, thế giới người hiền.
(Tố Hữu)
Trả lời:
a. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là Gẫy cành thiên hương -> nói về cái chết đột ngột
b. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là Thôi rồi -> biểu thị sự hy sinh của Lượm
c. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là Mất, về -> nói về cái chết
d. Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh là Lên đường theo tổ tiên -> nói về cái chết
4. Hỏi đáp về bài Thực hành tiếng Việt trang 42 Ngữ văn 7 Tập 1 Kết Nối Tri Thức
Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.