Bài thơ Đồng dao mùa xuân của tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã tái hiện hình ảnh những người lính đã hi sinh ở độ tuổi đẹp nhất để giữ vững non sông, đất nước. Bài soạn Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức lí thú về tác phẩm đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hi sinh thầm lặng của những người lính ấy. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Bài thơ viết về người lính, dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, chưa một lần yêu, còn mê thả diền nhưng chính họ đã hi sinh tuổi xuân, máu xương của mình cho đất nước.
1.2. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình
- Gieo vần cách đặc sắc (chữ cuối của dòng chẵn vần với nhau)
- Nhịp thơ 2/2, 1/3 linh hoạt tùy theo từng câu
- Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chính luận
2. Soạn bài Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu 1: Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là gì? Em biết những bài thơ bốn chữ nào? Hãy chia sẻ cảm xúc của em về một bài thơ bốn chữ?
Trả lời:
- Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là bài thơ đó sẽ chỉ gồm những câu thơ có bốn chữ (tiếng), ngắn gọn, xúc tích xuyên suốt từ đầu đến cuối bài thơ.
- Những bài thơ bốn chữ mà em biết là: Sắc màu em yêu (Lớp 5), Đôi que đan (lớp 4).
- Em ấn tượng nhất là bài thơ “Sắc màu em yêu” vì bài thơ đã khắc họa ra trước mắt em những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, con người. Từ đó, em càng yêu và tự hào hơn về quê hương của mình.
Câu 2: Chia sẻ cảm nhận của em về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.
Trả lời:
Cảm nhận của em về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ là:
- Trong các tác phẩm văn học: các chú bộ đội kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, dành lại độc lập cho dân tộc.
- Ngoài đời thực, khi hòa bình lập lại, đất nước phát triển: hình ảnh các chú bộ đội hỗ trợ người dân gặt lúa, đắp đê chống lũ, khôi phục lại hậu quả thiên tai. Ngoài ra, trong diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, các chú bộ đội đã vào miền Nam và hỗ trợ người dân đi mua lương thực, thực phẩm và thuốc men.
- Dù là trong thời chiến hay trong thời bình thì hình ảnh chú bộ đội cụ hồ vẫn luôn oai phong, tràn đầy tình cảm và rất đáng trân trọng.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Số tiếng trong mỗi dòng thơ, vần thơ, nhịp thơ.
Trả lời:
- Số tiếng trong mỗi dòng thơ: 4 tiếng.
- Gieo vần: vần cách (chữ cuối của câu thơ thứ hai vần với chữ cuối của câu thơ thứ tư).
- Nhịp thơ: 2/2.
Câu 2: Hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa”.
Trả lời:
Hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa” là những người anh hùng dành cả tuổi thanh xuân, sức trẻ của mình để cống hiến cho đất nước, bỏ lại sau lưng gia đình, bạn bè, thậm chí “chưa một lần yêu” “cà phê chưa uống” “còn mê thả diều” để rồi “ Một ngày hòa bình” “Anh không về nữa”.
Câu 3: Hình ảnh người lính ở lại nơi chiến trường xưa trong tưởng tượng của tác giả.
Trả lời:
Người lính ở lại chiến trường, “Anh vẫn một mình” “Trường Sơn núi cũ” cùng với quân tư trang là ba lô con cóc, tấm áo xanh bộ đội, để rồi hóa thành “ngọn lửa” sáng mãi nơi núi rừng hoang vu. Đó là hình ảnh chàng lính trẻ đầy nhiệt huyết, tình yêu thương đối với dân tộc.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: Cách chia khổ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu tác dụng của cách chia đó.
Trả lời:
Cách chia khổ của bài thơ đặc biệt ở chỗ:
- Khổ thơ đầu có 3 câu, khổ thứ hai có 2 câu và từ khổ 3 trở đi thì mỗi khổ có 4 câu.
- Tác dụng: cách chia này phù hợp với nội dung và ý nghĩa của bài thơ.
+ Khổ đầu: Giới thiệu ngắn gọn hoàn cảnh đất nước và xuất thân của người lính.
+ Khổ thứ 2: Giống như một nốt trầm xao xuyển, báo hiệu sự không trở lại của người lính khi hòa bình lập lại, sự gợi bao suy ngẫm cho người đọc.
+ Các khổ thơ còn lại: Khắc họa hình ảnh, khoảnh khắc trong tâm hồn người lính nơi chiến trận.
Câu 2: Nêu nhận xét của em về số tiếng trong mỗi dòng và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.
Trả lời:
- Số tiếng: mỗi dòng có 4 tiếng.
- Cách gieo vần: vần cách (chữ cuối của dòng chẵn vần với nhau).
- Nhịp thơ: nhịp 2/2.
Câu 3: Đọc bài thơ, ta như nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Em hình dung câu chuyện đó như thế nào?
Trả lời:
Đọc bài thơ, ta như nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Khi đất nước đang rơi vào “những năm máu lửa”, chàng trai trẻ “Chưa một lần yêu” “Cà phê chưa uống” “còn mê thả diều” bỏ lại tất cả sau lưng, dành cả tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết của mình lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cho đến khi hòa bình lập lại, chàng lính trẻ đã không còn nữa, anh đã hi sinh. “Mười, hai mươi năm” anh không trở về nữa thế nhưng những khoảng khắc đẹp đẽ, nụ cười hiền ấy vẫn đọng mãi nơi núi rừng Trường Sơn và trong lòng độc giả.
Câu 4: Hãy tìm những chi tiết khắc họa hình ảnh của người lính. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì?
Trả lời:
Những chi tiết khắc họa hình ảnh người lính là:
“Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành”
“Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non”
- Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính được hiện lên vô cùng hồn nhiên, khi chiến đấu người lính trẻ phải đối diện với những cơn sốt rét rừng thế nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời. Chàng lính trẻ cũng là một người giàu lí tưởng sống cao đẹp, bỏ lại tình yêu, tuổi trẻ để gánh những trọng trách cao cả “Vai đầy núi non”, thể hiện lòng quyết tâm sống vì đất nước, quê hương của người lính.
Câu 5: Nêu cảm nhận của em về tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho những người lính đã hi sinh được thể hiện trong bài thơ.
Trả lời:
- Tác phẩm đã thể hiện tình cảm đồng chí đồng đội vô cùng sâu sắc: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo”, thể hiện sự gắn bó, đùm bọc lẫn nhau giữa cảnh bom rơi đạn lạc, là sự sẻ chia, sát cánh bên nhau khi đồng đội nằm xuống, hi sinh vì Tổ quốc. Đó là thứ tình cảm cao đẹp của những người lính cụ Hồ trong chiến đấu.
- Tác phẩm không chỉ thể hiện tình đồng chí đồng đội mà còn thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân dành cho người lính đã hi sinh “Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non…” Dù người lính đã gửi thân xác của mình nơi núi rừng Trường Sơn mãi mãi nhưng họ vẫn sống mãi trong tiềm thức của nhân dân ta, bởi chính họ đã giúp làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước hôm nay.
Câu 6: Theo em, tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
- Đồng giao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam dùng để hát khi đi làm đồng, làm ruộng. Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em. Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em.
- Mùa xuân: là mùa đầu tiên của năm, là mùa của vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, gợi lên sức sống vô cùng mãnh liệt.
- Nhan đề “Đồng giao mùa xuân” có ý nghĩa gợi lên khúc hát quen thuộc về sức sống diệu kì của con người, của vạn vật trước sự biến chuyển của thời gian.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Viết đoạn văn khoảng 5-7 câu nêu cảm nghĩ của em về người lính trong bài thơ.
Trả lời:
Hình tượng người lính Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác thi ca nhạc họa. Nguyễn Khoa Điềm cũng đưa hình tượng ấy vào trong thơ của mình một cách tự nhiên và đầy cảm xúc với bài thơ: “Đồng dao mùa xuân”. Bài thơ viết về người lính, dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, chưa một lần yêu, còn mê thả diều nhưng chính họ đã hi sinh tuổi xuân, máu xương của mình cho Đất Nước. Họ đã nằm lại mãi nơi chiến trường để đất nước được vẹn tròn, để nhân dân được độc lập. Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, dù họ mãi mãi gửi thân xác nơi rừng Trường Sơn xa xôi nhưng anh linh của họ thì còn mãi. Bởi chính họ đã làm nên mùa xuân vĩnh hằng của đất nước hôm nay.
4. Hỏi đáp về bài Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số văn mẫu bài Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Văn bản Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến cho người đọc câu chuyện về người lính chưa từng yêu ai, còn mải ham chơi nhưng khi vào chiến trận đã chiến đấu ngoan cường và hi sinh anh dũng. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
---------------(Đang cập nhật)---------------