Hướng dẫn soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu giúp các em học sinh biết được bài học về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng và thực hành bài luyện tập trong SGK Ngữ Văn 12. Chúc các em có bước soạn bài thật tốt để đạt hiệu quả hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng tại lớp.
2. Tóm tắt nội dung bài học
2.1. Nội dung
- Chiếc thuyền ngoài xa là suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra sự thật: đằng sau bức ảnh rất đẹp về chiếc thuyền trong sương sớm mà anh tình cơ chụp được là số phận đau đớn của người phụ nữ, là bao ngang trái trong một gia đình vạn chài.
- Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đắt giá về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn nhận đa diện, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiên tượng.
2.2. Nghệ thuật
- Kết cấu độc đáo
- Triển khai cốt truyện sáng tạo.
- Khắc họa nhân vật sắc sảo.
3. Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa chương trình chuẩn
3.1. Soạn bài tóm tắt
3.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1: Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy thơ mộng: vẻ đẹp của “chiếc thuyền ngoài xa”.
- Để có tấm lịch nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh.
- Phùng đã dự tính bố cục, đã “phục kích” mấy buổi sáng để chụp được một cảnh thật ưng ý.
- Người nghệ sĩ đã phát hiện ra một vẻ đẹp trên mặt biển mờ sương, như “một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”:
- “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào”.
- “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắt như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”.
- “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp”, “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”.
⇒ Cảnh "đắt" trời cho, vẻ đẹp mà cả đời anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần.
- Người nghệ sĩ hạnh phúc chất ngất, cảm nhận được cái Thiện, cái Mĩ của cuộc đời, cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, trở nên trong trẻo, tinh khiết.
Câu 2: Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí: sự thực bên trong chiếc thuyền bất ngờ, trớ trêu như trò đùa của cuộc sống.
- Phùng đã chứng kiến cảnh tượng: một người đàn ông đánh vợ dã man.
- Cảnh chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ >< gia đình thuyền chài:
- Từ chiếc thuyền bước ra một người đàn bà: khắc khổ, xấu xí, mệt mỏi và chỉ biết “cam chịu đầy nhẫn nhục”.
- Lão đàn ông: thô kệch, dữ dằn, độc ác, quật tới tấp vào lưng vợ như một cách để giải toả uất ức, khổ đau.
- Thằng bé Phác: “như một viên đạn trên đường lao tới đích” nhảy xổ vào gã đàn ông, đánh lại cha vì thương mẹ…
- Thái độ của người nghệ sĩ:
- “Chết lặng”, không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt: “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”.
- Anh không ngờ đằng sau cái vẻ đẹp của tạo hoá lại có cái xấu, cái ác đến mức không thể tin được.
- Không thể chịu được khi thấy cảnh ấy, Phùng đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy nhào tới” → Bản chất của người lính khiến anh không thể làm ngơ trước sự bạo hành.
Câu 3: Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện: nguyên nhân của “nghịch lí”.
- Câu chuyện của người đàn bà làng chài ở tòa án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời, nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng chừng như vô lí.
- Bên ngoài là một người đàn bà nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng hành hạ thường xuyên, đánh đập thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà vẫn nhất quyết gắn bó với gã đàn ông vũ phu ấy vì:
- Chị nhận thức được cuộc sống trên biển không thể thiếu đàn ông, để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa.
- Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó là khi nhìn đàn con được ăn no.
- Hiểu nỗi khốn khổ và sự bế tắc của người chồng: Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn.
→ Là người phụ nữ giàu tình thương con, giàu đức hy sinh, giàu lòng vị tha, nhân hậu, chắt chiu hạnh phúc đời thường, nhìn đời một cách sâu sắc.
⇒ Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện chúng ta càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống, bởi con người luôn luôn là một thực thể phong phú, phức tạp, thậm chí là bí ẩn, ngay cả những người lao động nghèo như người đàn bà hàng chài này.
Câu 4: Nêu cảm nghĩ về các nhân vật: người đàn bà vùng biển, lão đàn ông độc ác, chị em thằng Phác, nghệ sĩ nhiếp ảnh.
- Người đàn bà vùng biển
- Là một nhân vật vô danh, không tên, không tuổi. Đó là một người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, mặt rỗ, lúc nào cũng xuất hiện với khuôn mặt mệt mỏi, dấu vết in hằn của một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.
- Thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn, hành hạ bởi chị hiểu được sự khó khăn của cuộc sống mưu sinh, hiểu rằng các con cần được sống và lớn lên. Và hơn hết đó là một tình yêu thương con vô bờ bến của một người mẹ giàu lòng nhân hậu, bao dung, giàu đức hi sinh.
- Người đàn ông
- Cuộc sống đói nghèo, quanh quẩn những lo toan, cực nhọc đã biến anh con trai cục tính nhưng hiền lành xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác.
- Khi nào thấy khổ là lão đánh vợ: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, đánh như để giải toả uất ức, để trút sạch tức tối, buồn phiền.
⇒ Vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, vừa là thủ phạm gây đau khổ cho những người thân.
- Chị em thằng Phác chính là những đứa trẻ đáng thương, trực tiếp hứng chịu những bi kịch mà bố chúng gây ra.
- Chị Phác:
- Là một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em, không cho nó làm một việc trái luân thường, đạo lí.
- Tan nát vì đau đớn khi phải chứng kiến cảnh tượng bi kịch của gia đình.
- Phác
- Thương mẹ theo kiểu của đứa con trai vùng biển: lặng lẽ đưa ngón tay lên khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong nốt rỗ chằng chịt.
- Tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh.
- Chị Phác:
- Nghệ sĩ Phùng:
- Là chiến sĩ từng vào sinh ra tử, anh căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, vì công bằng.
- Tâm hồn người nghệ sĩ tinh tế, nhạy cảm, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển lúc bình minh.
- Vỡ òa cảm xúc khi phát hiện ra sự thật xót xa của cuộc đời ẩn đằng sau cảnh biển đẹp đẽ ấy.
- Anh hiểu rõ: trước khi là một người nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp hãy là một người biết thấu cảm những yêu ghét buồn vui trước mọi lẽ đời thường tình.
Câu 5: Cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu rất độc đáo.
- Cách xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu nằm ở chính tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Tình huống Phùng chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách của con người. Trước đó anh nhìn đời bằng con mắt nghệ sĩ đầy rung động, mê say trước cái đẹp trời cho của thuyền biển sớm mai. Nhưng chính trong giây phút thăng hoa đó, tâm hồn người nghệ sĩ lại va chạm rất mạnh vào sự thật ở đời.
- Tình huống ấy được lặp lại lần hai, từ đó, Phùng có một cách nhìn đời khác hẳn, thấy rõ những ngang trái trong gia đình thuyền chài, hiểu sâu thêm tính cách của người đàn bà, chị em thằng Phác, bản chất người đồng đội và hiểu thêm chính bản thân mình.
- Tình huống truyện được tác giả đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn để phát hiện tính cách của con người, phát hiện sự thật cuộc đời.
Câu 6: Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện hết sức phong phú, đa dạng.
- Người kể chuyện là nhân vật Phùng, cũng chính là hóa thân của tác giả. Cách lựa chọn người kể chuyện như vậy đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục.
- Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người:
- Giọng điệu lão đàn ông thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ tục tằn, hung bạo.
- Lời người đàn bà dịu dàng, xót xa khi nói về con, đau đớn và thấu trải khi nói về thân phận của mình.
- Lời của Đẩu: giọng điệu của người tốt bụng, nhiệt thành.
⇒ Việc sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và sáng tạo đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề, tư tưởng cho tác phẩm.
Trên đây là những gợi ý trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK để giúp các em soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức đã học các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chiếc thuyền ngoài xa.
4. Hướng dẫn luyện tập
Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
- Tùy theo cảm nhận của từng người mà các em có thể nêu cảm nghĩ về nhân vật mà mình ấn tượng. Dưới đây là gợi ý phân tích về nhân vật Phùng.
Gợi ý làm bài
a. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về nhân vật Phùng.
b. Thân bài
- Phùng là người nghệ sĩ quý trọng, say mê cái đẹp.
- Phùng được giao nhiệm vụ hoàn thành một cảnh tĩnh vật cho tờ lịch nghệ thuật có thuyền và biển của cơ quan.
- Anh bỏ ra rất nhiều công sức để đi thực tế, suy nghĩ, trăn trở, kiếm tìm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Phùng tới vùng biển từng là chiến trường cũ của anh, sau mấy ngày “phục kích” anh mới chụp được bức ảnh ưng ý.
- Phùng là người nghệ sĩ yêu say đắm và nhạy cảm với cái đẹp.
- Đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp trời cho trên mặt biển mờ sương, vẻ đjep mà cả đời bấm máy mà có lẽ anh chỉ có diễm phúc được gặp một lần.
- Trong giây phút đặc biệt ấy, người nghệ sĩ đã lắng nghe lòng mình và cảm thấy rất rõ những rung động từ trái tim trowsc những giá trị cao đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
- Phùng là con người căm ghét áp bức, bất công, dám đối diện với cái ác để hành động, để đấu tranh cho sự công bằng.
- Phùng sững sờ trước phát hiện thứ hai của mình trong khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy: từ chiếc thuyền đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức đau khổ.
- Anh không thể làm ngơ trước nạn bạo hành, anh đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất và chạy nhào tới.
- Dường như những gì Phùng chứng kiến trên bãi biễn năm xưa vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí anh.
- Nghệ sĩ Phùng đã rút ra chân lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
- Trước khi rung động trước cái đẹp nghệ thuật phải biết yêu ghét, vui buồn trước cuộc đời.
- Phải biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.
c. Kết bài
- Đánh giá, nhận xét về nhân vật Phùng.
- Khẳng định lại tài năng cầm bút của tác giả và cách nhìn nhiều chiều về cuộc sống của Nguyễn Minh Châu.
5. Một số bài văn mẫu về văn bản Chiếc thuyền ngoài xa
Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới: Sáng tác của ông viết trong những năm 80 thường hướng đến đời thường, khám phá về số phận và phẩm cách con người trong thực trạng đa dạng và phức tạp cuộc sống. "Chiếc thuyền ngoài xa" được Nguyễn Minh Châu viết năm 1983. Qua tác phẩm nhà văn xây dựng một tình huống truyện độc đáo. Tình huống nhận thức mang tính khám phá, phát hiện về đời sống. Để cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: