YOMEDIA
NONE

Ôn tập Bài 8 - Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo


Các văn bản trong Bài 8: Đất nước và con người (Truyện) thuộc bộ sách Chân Trời Sáng Tạo giúp các em tiếp cận và phân tích một số đặc điểm của thể loại truyện. Đồng thời nắm được yêu cầu và quy trình viết văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch. Nhằm giúp các em hệ thống hóa lại những kiến thức, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp bài học Ôn tập Bài 8 dưới đây. Hy vọng sẽ hữu ích với các em!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn tập kiến thức các văn bản đã học

* Câu chuyện là sự việc, chuỗi sự việc xảy ra trong đời sống, liên quan đến một hoặc một số người nào đó. Câu chuyện thường có khởi đầu, diễn biến và kết thúc.

* Thông điệp của tác phẩm văn học là điều mà tác giả muốn gửi đến người đọc qua hình tượng nghệ thuật. Đó là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản băn học muốn truyền đến người đọc.

* Tư tưởng của tác phẩm văn học là nhận thức, quan niệm, thái độ, cách lí giải về các vấn đề đời sống và khát vọng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm. Tư tưởng của tác phẩm được thể hiện sinh động qua nhiều yếu tố: đề tài, chủ đề, thế giới hình tượng.

* Đặc điểm, tính cách của nhân vật là những nét riêng về ngoại hình, hành động, tình cảm, tâm lí, ngôn ngữ,… của nhân vật, giúp phân biệt với nhân vật khác. Khi đọc truyện, người đọc có thể nhận biết đặc điểm, tính cách, tư tưởng, tình cảm của một nhân vật qua lời của người kể chuyện, qua hành động, lời nói, ý nghĩa của nhân vật, hoặc qua nhận xét, đánh giá của nhân vật khác về nó.

* Người kể chuyện một vai được tác giả tạo ra, đảm nhiệm việc kể lại câu chuyện trong văn bản truyện. Người kể chuyện có thể là nhân vật hoặc không, có thể dùng các điểm nhìn khác nhau.

* Điểm nhìn là vị trí của người kể chuyện trong tương quan với câu chuyện. Tùy trường hợp, câu chuyện có thể được kể theo điểm nhìn từ ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất, điểm nhìn của người kể chuyện hoặc điểm nhìn của nhân vật, điểm nhìn cố định hay dịch chuyển, thay đổi…Có thể phân biệt điểm nhìn ngôi thứ nhất với điểm nhìn ngôi thứ ba như trong hình sau:

1.2. Ôn tập cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

1.2.1. Kiểu bài

Phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch là kiểu bài nghị luận văn học sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự (sử thi, truyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí,...) hoặc tác phẩm kịch (chèo, tuồng, hài kịch, bi kịch,...).

1.2.2. Các yêu cầu

Ngoài những yêu cầu về nội dung nghị luận và kĩ năng nghị luận như đã trình bày, khi thực hiện bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự/ kịch, bạn cần phân tích, nhận xét về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật theo đặc trưng thể loại.

- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung vào cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...

- Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,... thì cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,... góc nhìn, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả.

- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...

- Bố cục bài viết gồm các phần:

+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

1.2.3. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị viết

- Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc

- Tham khảo các bài trước để xác định đề tài phù hợp. Với hai đề bài nêu trên, phạm vi cho phép bạn lựa chọn rất rộng. Bạn có thể chọn một tác phẩm truyện hoặc một màn kịch nào đó để phân tích, đánh giá.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

- Để xác định các nội dung chính của bài phân tích, bạn có thể đặt và trả lời các câu hỏi: Chủ đề của tác phẩm này là gì? Những tác phẩm nào có cùng chủ đề? Chủ  đề của tác phẩm cần phân tích, đánh giá đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào và được khơi sâu nhờ bút pháp thế nào?

- Hoặc các câu hỏi: Tác phẩm được sáng tác theo thể loại nào (truyện, kịch)? Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý? Các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề thế nào?

Lập dàn ý

Sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý. Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:

- Lần lượt chi tiết hóa các luận điểm.

- Thân bài cần trình bày ít nhất hai luận điểm, một luận điểm phân tích, đánh giá chủ đề và một luận điểm phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

1. Lời kể theo dòng tâm trạng.

2. Lời kể xen kẽ thực tế và mộng tưởng.

3. Nhiều kiểu lời văn

Một ví dụ khác: nếu đề bài là phân tích đánh giá một màn kịch (chẳng hạn: Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu Mắc lỡm Thị Hến), các luận điểm chính trong phần thân bài có thể sắp xếp như sau:

1. Màn kịch đã phơi bày bộ mặt gian trá, nhũng nhiễu và háo sắc của các nhân vật “tai to mặt lớn” như quan huyện, thầy đề, kẻ đột lốt thầy tu; khẳng định sự ngôn ngoan, sắc sảo của những người đàn gà góa, nạn nhân của sự nhũng nhiễu ở thôn quê ngày xưa,

2. Màn kịch sử dụng tình huống hài kịch quen thuộc với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính.

3. Màn kịch sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc họa nổi bật tính cách của các nhân vật: Thị Hến, Sư Nghêu, Đế Hầu, Huyện Trìa (Lí lẽ và bằng chứng).

Bước 3: Viết bài:

- Bố cục bài viết gồm các phần:

+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích đặc điểm nhân vật thầy Ha-men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê, SGK Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo.

Hướng dẫn giải:

Đặc điểm nhân vật thầy giáo Hamen trong tác phẩm Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê, SGK Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo:

- Trang phục: Thầy mặc bộ lễ phục chỉ dùng vào những ngày đặc biệt khi có thanh tra hoặc phát thưởng: áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu.

- Thái độ đối với học sinh: dịu dàng, không giận dữ quát mắng; kiên nhẫn giảng bài, chuẩn bị bài học rất chu đáo.

- Những lời nói về việc học tiếng Pháp: ca ngợi tiếng Pháp, tự phê bình mình và mọi người có lúc đã sao nhãng việc học tập và dạy tiếng Pháp. Thầy coi tiếng Pháp là vũ khí, là chìa khóa của chốn lao tù.

- Hành động, cử chỉ lúc buổi học kết thúc: thầy xúc động mạnh, người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu, nhưng thầy đã dồn hết sức mạnh để viết lên bảng dòng chữ thật to: "Nước Pháp muôn năm".

Nhận xét: Cuối cùng, Thầy Hamen là người yêu nghề dạy học, yêu tiếng mẹ đẻ, và người yêu nước sâu sắc, nhân vật thầy giáo Ha-men đã góp phần thể hiện chủ để và tư tưởng tác phẩm một cách trực tiếp và sâu sắc, vẻ đẹp của ông được hiện ra qua cặp mắt nhìn khâm phục và biết ơn của chú học trò Phrăng bằng lời kể chân thành và xúc động về buổi học cuối cùng không thể nào quên.

Lời giải chi tiết:

Tình yêu đối với quê hương đất nước là đề tài vô cùng quen thuộc trên mảnh đất văn học màu mỡ, phong phú và đa dạng. Mỗi một nhà văn lại có những cách riêng để phản ánh và thể hiện tình cảm thiêng liêng đó. Nằm trong mạch chảy đó, tác phẩm “Buổi học cuối cùng” đã để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc về tình yêu dân tộc qua diễn biến tâm trạng của các nhân vật, đặc biệt là qua những hành động và lời nói của nhân vật thầy giáo Ha- men.

Tuy được quan sát và miêu tả qua điểm nhìn của cậu học trò Phrăng nhưng bức chân dung của thầy giáo Ha-men đã được phác họa một cách chân thực và rõ rét. Hơn bất kì ai đang sinh sống trên mảnh đất An-dát, thầy giáo Ha-men là người rất mực trân trọng buổi học cuối cùng. Để tôn vinh buổi học này, thầy đã ăn mặc thật trang trọng: “mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng”. Hình như thầy chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa một điều lớn lao- đó không chỉ là buổi học cuối đối với những học trò thân yêu, đối với bục giảng thân quen mà còn là cuộc chia ly đối với ngôn ngữ mẹ đẻ đầy thiêng liêng.

Thái độ của thầy đối với những học trò nhỏ cũng khác biệt hơn. Khác với thái độ nghiêm khắc hằng ngày, thầy đã ân cần nhẹ nhàng và không hề trách mắng khi cậu học trò Phrăng đi học muộn giống như thông thường. Trong buổi học này, thầy đã nói chuyện với những học trò thân yêu với lời nhắn nhủ đầy tâm tình mà trong đó chứa đựng cả sự ân hận của bản thân: “Cả thầy cũng không có gì đáng để trách mình ư? Thầy đã chẳng sai các con tưới vườn thay vì học hành đó sao? Và khi thầy muốn đi câu cá hương, thầy có ngại ngùng gì cho các con nghỉ học đâu?…”. Dòng tâm trạng như độc thoại nội tâm này không chỉ xuất phát từ tấm lòng của một người thầy tâm huyết với con chữ mà còn bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của một công dân Pháp trước nỗi đau đất nước bị xâm lược.

Mỗi một hành động và lời nói của thầy Ha-men đã làm nổi bật lên vai trò, ý nghĩa cùng giá trị thiêng liêng của tiếng mẹ đẻ đối với việc bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng như mối quan hệ giữa tình yêu tiếng nói dân tộc và lòng yêu nước. Thầy Ha–men đã truyền đạt một cách say mê về tiếng Pháp: “đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất”. Tình yêu đối với ngôn ngữ mẹ đẻ là một trong những biểu hiện kết tinh cao độ của lòng yêu nước. Và thiêng liêng hơn, người thầy còn nêu bật giá trị của tiếng nói dân tộc: “…khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”.

Câu nói tưởng chừng như giản đơn nhưng lại chứa đựng một triết lý sâu sắc về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh bị xâm lăng. Và rồi, trong giờ phút tưởng chừng như yếu đuối nhất- khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên cũng là lúc tiếng kèn của bọn lính Phổ đi tập về vang lên ngoài cửa sổ, dù cho người tái nhợt và không đủ bình tĩnh để nói hết câu nhưng thầy vẫn cố gắng dằn mạnh viên phấn để viết lên bảng dòng chữ: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”. Đó chính là tiếng nói sâu sắc và tha thiết từ một trái tim yêu nước.

Như vậy, nhân vật người thầy giáo Ha- men đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học ý nghĩa về ngôn ngữ dân tộc cũng như tinh thần yêu nước.

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập Bài 8, các em cần nắm:

+ Nắm được một số kiến thức về các văn bản đã học

+ Nắm được cách viết văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

Soạn bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Ôn tập Bài 8 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 8: Đất nước và con người (Truyện) thuộc bộ sách Chân Trời Sáng Tạo và rèn luyện cách viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON