YOMEDIA
NONE

Soạn bài Ôn tập Bài 8 - Ngữ văn 10 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Các em sẽ được hoà mình vào tình yêu đất nước và con người thông qua các văn bản ở Bài 8: Đất nước và con người (Truyện) thuộc bộ sách Chân Trời Sáng Tạo. Đồng thời, trau dồi kiến thức thực hành phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch cụ thể. Nhằm giúp các em học sinh hệ thống hóa lại những kiến thức, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp bài học Ôn tập Bài 8 dưới đây. Hy vọng sẽ hữu ích với các em!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn tập kiến thức các văn bản đã học

* Câu chuyện là sự việc, chuỗi sự việc xảy ra trong đời sống, liên quan đến một hoặc một số người nào đó. Câu chuyện thường có khởi đầu, diễn biến và kết thúc.

* Thông điệp của tác phẩm văn học là điều mà tác giả muốn gửi đến người đọc qua hình tượng nghệ thuật. Đó là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản băn học muốn truyền đến người đọc.

* Tư tưởng của tác phẩm văn học là nhận thức, quan niệm, thái độ, cách lí giải về các vấn đề đời sống và khát vọng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm. Tư tưởng của tác phẩm được thể hiện sinh động qua nhiều yếu tố: đề tài, chủ đề, thế giới hình tượng.

* Đặc điểm, tính cách của nhân vật là những nét riêng về ngoại hình, hành động, tình cảm, tâm lí, ngôn ngữ,… của nhân vật, giúp phân biệt với nhân vật khác. Khi đọc truyện, người đọc có thể nhận biết đặc điểm, tính cách, tư tưởng, tình cảm của một nhân vật qua lời của người kể chuyện, qua hành động, lời nói, ý nghĩa của nhân vật, hoặc qua nhận xét, đánh giá của nhân vật khác về nó.

* Người kể chuyện một vai được tác giả tạo ra, đảm nhiệm việc kể lại câu chuyện trong văn bản truyện. Người kể chuyện có thể là nhân vật hoặc không, có thể dùng các điểm nhìn khác nhau.

* Điểm nhìn là vị trí của người kể chuyện trong tương quan với câu chuyện. Tùy trường hợp, câu chuyện có thể được kể theo điểm nhìn từ ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất, điểm nhìn của người kể chuyện hoặc điểm nhìn của nhân vật, điểm nhìn cố định hay dịch chuyển, thay đổi…Có thể phân biệt điểm nhìn ngôi thứ nhất với điểm nhìn ngôi thứ ba như trong hình sau:

1.2. Ôn tập cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch

1.2.1. Kiểu bài

Phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch là kiểu bài nghị luận văn học sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm tự sự (sử thi, truyện kể, truyện ngắn, tiểu thuyết, kí,...) hoặc tác phẩm kịch (chèo, tuồng, hài kịch, bi kịch,...).

1.2.2. Các yêu cầu

Ngoài những yêu cầu về nội dung nghị luận và kĩ năng nghị luận như đã trình bày, khi thực hiện bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự/ kịch, bạn cần phân tích, nhận xét về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật theo đặc trưng thể loại.

- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung vào cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...

- Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,... thì cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,... góc nhìn, thái độ, quan điểm, cảm xúc và ngôn từ của tác giả.

- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...

- Bố cục bài viết gồm các phần:

+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

1.2.3. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị viết

- Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc

- Tham khảo các bài trước để xác định đề tài phù hợp. Với hai đề bài nêu trên, phạm vi cho phép bạn lựa chọn rất rộng. Bạn có thể chọn một tác phẩm truyện hoặc một màn kịch nào đó để phân tích, đánh giá.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý

- Để xác định các nội dung chính của bài phân tích, bạn có thể đặt và trả lời các câu hỏi: Chủ đề của tác phẩm này là gì? Những tác phẩm nào có cùng chủ đề? Chủ  đề của tác phẩm cần phân tích, đánh giá đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Chủ đề đó bao gồm các khía cạnh nào và được khơi sâu nhờ bút pháp thế nào?

- Hoặc các câu hỏi: Tác phẩm được sáng tác theo thể loại nào (truyện, kịch)? Thể loại ấy có những điểm gì đáng lưu ý? Các yếu tố hình thức nghệ thuật của tác phẩm có gì đặc sắc và đã góp phần thể hiện chủ đề thế nào?

Lập dàn ý

Sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý. Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:

- Lần lượt chi tiết hóa các luận điểm.

- Thân bài cần trình bày ít nhất hai luận điểm, một luận điểm phân tích, đánh giá chủ đề và một luận điểm phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

1. Lời kể theo dòng tâm trạng.

2. Lời kể xen kẽ thực tế và mộng tưởng.

3. Nhiều kiểu lời văn

Một ví dụ khác: nếu đề bài là phân tích đánh giá một màn kịch (chẳng hạn: Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu Mắc lỡm Thị Hến), các luận điểm chính trong phần thân bài có thể sắp xếp như sau:

1. Màn kịch đã phơi bày bộ mặt gian trá, nhũng nhiễu và háo sắc của các nhân vật “tai to mặt lớn” như quan huyện, thầy đề, kẻ đột lốt thầy tu; khẳng định sự ngôn ngoan, sắc sảo của những người đàn gà góa, nạn nhân của sự nhũng nhiễu ở thôn quê ngày xưa,

2. Màn kịch sử dụng tình huống hài kịch quen thuộc với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính.

3. Màn kịch sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc họa nổi bật tính cách của các nhân vật: Thị Hến, Sư Nghêu, Đế Hầu, Huyện Trìa (Lí lẽ và bằng chứng).

Bước 3: Viết bài:

- Bố cục bài viết gồm các phần:

+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa

Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.

2. Soạn bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Câu 1: Lập bảng đối chiếu chủ đề, thông điệp, tư tưởng, điểm nhìn trần thuật của các văn bản truyện đã đọc trong Bài 8 Đất nước và con người.

Trả lời:

Văn bản

Chủ đề

Thông điệp

Tư tưởng

Điểm nhìn trần thuật

Đất rừng phương Nam

Công việc đi lấy mật của con người phương Nam.

Vẻ đẹp của đất và người phương Nam.

Thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, nêu cao cách sống hòa hợp với thiên nhiên.

Điểm nhìn nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất - nhân vật An.

Giang

Sự gặp gỡ và tình cảm quyến luyến giữa người chiến sĩ và một người con gái Hà Nội.

Thông điệp về tình người và sự gặp gỡ trong cuộc đời.

Đề cao và khẳng định những giá trị của tình người, tình yêu và sự gặp gỡ trong cuộc đời; tố cáo chiến tranh đã gây ra những sự đau thương, chia cắt con người.

Điểm nhìn nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất.

Xuân về

Bức tranh thiên nhiên và con người khi xuân về.

Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và con người mùa xuân.

Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người mùa xuân.

Điểm nhìn của chủ thể trữ tình.

Buổi học cuối cùng

Sự lưu luyến và tiếc nuối của những người vùng An-dát về buổi học tiếng Pháp cuối cùng.

Thông điệp về việc bảo vệ đất nước phải gắn liền với tri thức, văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ.

Lên án chiến tranh, đồng thời kêu gọi con người cần thể hiện lòng yêu nước bằng việc giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình.

 

Điểm nhìn nhân vật kể chuyện ngôi thứ nhất - cậu bé Phrăng.

Câu 2: Nêu nhận xét của bạn về một nhân vật trong văn bản Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi) hoặc Giang (Bảo Ninh).

Trả lời: 

Nhận xét về nhân vật ông Hai (tía nuôi của An) trong văn bản Đất rừng phương Nam:

- Ông Hai là người có tình thương người (nhận An làm con nuôi, quan tâm đến An đi rừng đã mệt nên bảo mọi người dừng lại để nghỉ ngơi).

- Ông Hai là người có tình yêu thiên nhiên (không giết ong mà chỉ dùng thuốc bắc để đuổi ong đi).

- Ông Hai là người am hiểu về tập tính của loài ong, hiểu cặn kẽ về cách đặt kèo để lấy mật.

Câu 3: Cho biết tác dụng của thành phần chêm xen và thành phần liệt kê trong đoạn văn mà bạn đã viết ở mục Từ đọc đến viết.

Trả lời: 

Tác dụng của thành phần chêm xen và thành phần liệt kê trong đoạn văn mà tôi đã viết ở mục Từ đọc đến viết:

- Tác dụng của thành phần liệt kê:

+ Diễn tả lại cảnh ngày Tết ở Hà Nội và Vũng Tàu.

+ Diễn tả lại những cảnh vui chơi ở biển Vũng Tàu.

- Tác dụng của thành phần chêm xen: bổ sung thông tin cho tượng Chúa dang tay ở Vũng Tàu.

Câu 4: Việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch có những điểm khác biệt đáng lưu ý nào so với việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình?

Trả lời:

Việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch có những điểm khác biệt đáng lưu ý so với việc viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm trữ tình:

- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi, cần tập trung cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...

- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...

- Bố cục bài viết gồm các phần:

+ Mở bài: giới thiệu tác phẩm tự sự/ tác phẩm kịch (tên tác phẩm, thể loại, tác giả,...); nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm phân tích, đánh giá tác phẩm theo một trình tự nhất định (chủ đề trước, nghệ thuật sau; nghệ thuật trước, chủ đề sau hoặc kết hợp cả hai).

+ Kết bài: khẳng định lại một cách khái quả giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm; nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

Câu 5: Bạn rút ra được kinh nghiệm gì trong việc trình bày bài giới thiệu, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch?

Trả lời: 

Tôi rút ra được kinh nghiệm trong việc trình bày bài giới thiệu, đánh giá một tác phẩm tự sự hoặc tác phẩm kịch:

- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi thì cần tập trung cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...

- Với các tác phẩm truyện kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự,... cần tập trung vào các yếu tố tạo nên tính xác thực của sự kiện, chi tiết,...

- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...

Câu 6: Các văn bản Đất rừng phương Nam, Giang và Xuân về gợi cho bạn những suy nghĩ và tình cảm gì đối với quê hương đất nước, con người Việt Nam?

Trả lời:

Các văn bản Đất rừng phương Nam, Giang và Xuân về gợi cho tôi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam. Thiên nhiên Việt Nam rất trù phú. Con người Việt Nam là những người có tình, có nghĩa, có văn hóa và biết thưởng thức cái đẹp.

Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng tìm hiểu bài học mà các em phải hoàn thành trong quá trình soạn bài Ôn tập Bài 8. Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Phân tích tác phẩm Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê, SGK Ngữ văn 10 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo.

Trả lời:

Tất cả các cuộc chiến tranh từ cổ chí kim, dù là từ hàng vạn năm về trước hay cho tới những trận chiến vì mục đích tranh giành lãnh thổ của một bộ phận những kẻ chuyên quyền, thích thống trị và tham lam bằng những trận chiến phi nghĩa, đều đem đến cho con người những bi kịch. Bên cạnh những bi kịch mất mát tài sản, tính mạng, gia đình, người thân một cách tàn khốc, thì đó còn là những bi kịch đến từ sâu trong tâm hồn, khi một dân tộc nào đó có khả năng sẽ vĩnh viễn mất đi thứ ngôn ngữ, văn hóa mà họ hằng tha thiết tôn thờ. Còn nỗi đớn đau, xót xa nào cho lòng tự tôn dân tộc khi không được phép học ngôn ngữ của mình mà phải dằn lòng học một thứ tiếng xa lạ vì thua trong trận chiến giành lãnh thổ. Bài học cuối cùng của tác nhà người Pháp An-phông-xơ Đô-đê, được viết dựa trên trận đánh Pháp-Phổ năm 1870-1871, Pháp thua trận và hai vùng Lo-ren và An-dát bị buộc nhập vào lãnh thổ Phổ (một nước dưới chế độ chuyên chế của Đức), và các trường học bị buộc phải dạy tiếng Đức thay vì tiếng Pháp.

Câu chuyện diễn ra ở vùng An-dát của nước Pháp, nhan đề "Buổi học cuối cùng", chính là chỉ buổi học tiếng Pháp cuối cùng của khu vực này sau khi bị quân đội Phổ chiến đóng, họ sẽ bị buộc phải học tiếng Đức. Nhan đề không chỉ đơn thuần giới thiệu cho người đọc chủ đề câu chuyện mà còn ẩn chứa cả sự ngậm ngùi, nuối tiếc và đau đớn của tác giả trước tình cảnh của những người dân nước Pháp của dân tộc. Đồng thời buổi học cuối cùng cũng là sự chính thức thừa nhận thất bại trước sự xâm chiếm của quân đội Phổ, Pháp đã mất chủ quyền trên hai vùng An-dát và Lo-ren, buộc chấp nhận cảnh chia cắt đất nước một cách đau đớn.

Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé tên Phrăng, cậu bé vốn ham chơi và không thích học hành mấy, thế nên thường đến lớp rất trễ, hay lẻn vào lớp những khi lớp ồn ào và thầy giáo thì không để ý. Cho đến buổi học vào sáng hôm ấy, Phrăng cũng tiếp tục ham chơi, trì hoãn giờ tới lớp, thậm chí toan trốn học vì vẫn chưa thuộc những phân từ mà thầy giáo dạy trên trường. Tuy nhiên một điều gì đó đã khiến cậu cưỡng lại được niềm ham thích và chạy thật nhanh đến lớp học, trên đường cậu thấy người ta xem bảng thông báo, gặp cả bác thợ rèn Oát-stơ với câu nói "Đừng vội thế cháu, đến trường lúc nào cũng hãy còn sớm", làm cậu khó hiểu và nghĩ đó là lời giễu cho sự muộn học của cậu. Tuy nhiên khung cảnh bên ngoài lớp học của thầy Ha-men khiến cậu thấy có gì đó khác lạ. Cậu không thể ngờ rằng đây là lần cuối cùng cậu có thể được học tiếng Pháp - ngôn ngữ mẹ đẻ trên chính mảnh đất quê hương mình mà thay vào đó là thứ tiếng Đức của kẻ xâm lược. Một sự thật đớn đau với bất kỳ cư dân Pháp nào ở thời điểm ấy. Ban đầu Phrăng còn lo sợ bị thầy Ha-men đánh đòn vì tội tới muộn, lòng cậu tràn ngập sự sợ hãi và lo lắng khi nhìn thấy cái thước sắt kẹp ở nách thầy. Thế nhưng kỳ lạ, lớp học yên tĩnh và thầy thì rất hiền từ, thậm chí là đang đợi cậu tới lớp. Thầy không đánh mắng hay bắt phạt, Phrăng bắt đầu nhận ra sự khác biệt của buổi học hôm nay, nó có gì đó trang trọng hơn cả, thầy của cậu đã mặc bộ đồ đẹp nhất "chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen xếp nếp mịn và và cái mũ tròn bằng lụa thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra và phát phần thưởng". Đồng thời cuối lớp còn xuất hiện cả những người dân làng, cụ già Hô-de với quyển tập viết cũ nhàu, bác phát thư và nhiều người khác nữa. Khi Phrăng vẫn chưa hết ngạc nhiên và khó hiểu thì lời phát biểu từ tốn của thầy Ha-men trên bục giảng đã khiến cậu nhận thức được vấn đề. Phrăng choáng váng và giận dữ, câu nói "Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các vùng An-dát và Lo-ren...Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con..." đã khiến cậu bừng tỉnh một sự thật rằng Pháp thua trận, An-dát và Lo-ren trở thành địa phận của quân Phổ, từ nay sẽ bị cai trị bởi những kẻ xâm lược "khốn nạn". Việc phát hiện ra sự thật kinh hoàng ấy đã khiến lòng cậu bé chùng xuống "Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi!..." chất chứa ở trong đó là biết bao sự nuối tiếc, ân hận, buồn rầu và đau đớn. Cậu nghĩ đến những ngày học trước kia mình đã chán ghét và phung phí như thế nào, thì giờ đây lại trở thành sự xót xa khi cậu chị mới biết viết tiếng Pháp một cách "chập choạng", còn sách vở trước kia vốn thấy nặng nhọc, khó khăn thì giờ đối với cậu lại trở thành những người bạn "cố tri" và cậu phải giã từ trong đau xót. Đối với thầy Ha-men, Phrăng từng rất sợ và lo ngại với những trận đòn, trận mắng của thầy nhưng giờ phút này khi biết ngày mai thầy phải ra đi, lòng cậu bỗng quặn lại, đau đớn, Phrăng bỗng thấy thương thầy, tội nghiệp thầy biết bao nhiêu. Như vậy có thể thấy sự kiện bàng hoàng đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của Phrăng về việc học tiếng Pháp cũng như tình cảm của cậu với thầy giáo của mình. Ngay trong lúc cậu đang bần thần nghĩ về cảnh giã từ, thì được gọi lên đọc quy tắc phân từ, sự ấp úng, ngượng ngập vì không nhớ được bài cũ đã khiến lòng Phrăng trào lên biết bao cảm xúc hối hận và xấu hổ vì đã không học tiếng Pháp một cách nghiêm túc thay vì ham hố rong chơi.

Trước lỗi lầm của Phrăng thầy Ha-men đã không trách phạt, mà trái lại với tư cách của một người thầy dạy tiếng Pháp 40 năm cống hiến cho đất nước, thầy đã nhẹ nhàng chỉ ra sai lầm của tất thảy mọi người nơi đây. Đó là sự trì hoãn thậm tệ trong sự học hành tiếng mẹ đẻ và chính điều đó đã đẩy họ vào tai họa trở thành sự chế giễu cho bè lũ quân xâm lược khốn kiếp rằng "các người tự nhận là dân Pháp vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!...". Đó là nỗi đau, nỗi nhục lớn của cả một cộng đồng dân tộc, rõ ràng họ đã chính tay đánh mất tự tôn và văn hóa của dân tộc bằng cách lười biếng và coi rẻ sự học hành tiếng mẹ đẻ của mình. Chủ quyền của một dân tộc được khẳng định một phần chính là nhờ vào sự khác biệt trong ngôn ngữ, trong văn hóa, thế nhưng người ta đã lỡ làng để quên nó đi. Đó là bài học đầu tiên mà thầy Ha-men đã dạy mọi người trong buổi học cuối cùng này. Một bài học nữa cũng không kém phần sâu sắc ấy là thầy Ha-men đã nói rất nhiều về vẻ đẹp của tiếng Pháp "đó là thứ ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất" để khơi gợi trong lòng mọi người sự yêu mến tiếng Pháp, đồng thời cũng dạy rằng "đừng bao giờ quên lãng nó", bởi ngôn ngữ của một dân tộc chính là chìa khóa giải phóng con người ra khỏi chốn lao tù, chỉ cần ta nắm vững nó và không bao giờ để nó bị mai một, thì tinh thần và văn hóa dân tộc vẫn còn đấy. Rồi khi thầy giảng bài học tiếng Pháp cuối cùng thầy thật chăm chú và kiên nhẫn như muốn dành hết cả tâm huyết cuộc đời để truyền thụ lại cho mọi người trong buổi học cuối này. Điều ấy khiến người ta không khỏi thương cảm và yêu mến thầy Ha-men hơn bởi tấm lòng tận tụy đến tận giây phút cuối. Mà không chỉ thầy, Phrăng và cả những nhân vật khác xuất hiện trong lớp học cũng trở nên chăm chú và im phăng phắc như muốn cố gắng thu góp được những kiến thức Pháp cuối cùng, trước khi phải chia xa nó. Tất cả các nhân vật trong truyện đều có sự giác ngộ muộn màng, thế nhưng ở họ lại bộc lộ một tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết, thế nên họ mới thấu hiểu những bài học của thầy Ha-men đến thế. Buổi học cuối cùng ấy đã để lại trong lòng mỗi người dân Pháp những nỗi lòng khó tả, sự hối tiếc, đau đớn, sự bồi hồi xúc động, một thứ tình cảm len lỏi và xúc động len lỏi khắp tâm hồn. Đặc biệt là ở thầy Ha-men, nhân vật đặc sắc nhất truyện, tâm huyết 40 năm của thầy ở mảnh đất này cuối cùng cũng đến ngày kết thúc, thầy phải rời xa mảnh đất ấy sau bao nhiêu gắn bó, bởi sự xua đuổi của kẻ thù. Sự đau đớn và xót xa khiến thầy nhìn chăm chăm mọi ngóc ngách của ngôi trường trong bùi ngùi, yên lặng dường như muốn mang hết những thứ nơi đây theo nhờ ánh mắt của mình. Đặc biệt cuối truyện chi tiết thầy muốn truyền thụ lại bài học cuối cùng của mình bằng tiếng Pháp mà không thể cất lời, chỉ đành viết lên trên bảng bốn chữ to "Nước Pháp muôn năm", khiến người đọc lặng người đi vì xúc động. Đó là bài học về tấm lòng yêu nước sâu nặng, không chịu khuất phục trước sự xâm lược trước kẻ thù của người thầy vĩ đại, và tin chắc rằng trong lớp học ngày hôm ấy ai cũng hiểu sâu sắc bài học quý giá này.

Như vậy có thể thấy rằng, buổi học cuối cùng này, không chỉ đơn thuần là buổi học tiếng Pháp cuối ở mảnh đất An-dát mà đúng hơn nó là một buổi học đầy ý nghĩa và cảm động về lòng yêu và bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, đồng thời là tấm lòng tự tôn, yêu hòa bình nước nước thiết tha mà thầy Ha-men muốn truyền thụ cho học trò của mình. Sự thức tỉnh của nhân vật Phrăng chính là minh chứng cho sự thấu hiểu sâu sắc về ý nghĩa của ngôn ngữ mẹ đẻ của người dân Pháp, cũng như niềm tin vào một tương lai nước Pháp lại thống nhất mà tác giả muốn truyền tải đến độc giả.

4. Hỏi đáp về bài Ôn tập Bài 8 Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF