YOMEDIA
NONE

Phân tích 12 câu trong đoạn 3 bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu.

Phân tích 12 câu trong đoạn 3 bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  •      Bài Việt Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác thơ của Tố Hữu nói riêng, của thơ kháng chiến chống Pháp nói chung.Có thế nói, Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca,thế hiện ân tình sâu nặng, thủy chung của nhà thơ đối với căn cứ địa Cách Mạng cả nước. Điều này càng được khắc họa rõ nét hơn trong khổ thơ:

    Mình đi, có nhớ những ngày
    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?

         Việt Bắc là tác phẩm trường thiên, dài 150 dòng, được Tố Hữu viết vào tháng 10/1954 khi Trung ương Đảng và chính phủ, Bác Hổ và cán bộ từ giã Thủ đô gió ngàn để về với Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Bao trùm đoạn thơ là một niềm hoài niệm nhớ thương về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, là nỗi nhớ da diết, tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến của kẻ ở người đi - người miền ngược và người đi kháng chiến.

         Mở đầu đoạn thơ là hàng loạt câu hỏi rất ngọt ngào:

    Mình đi, có nhớ những ngày
    Mưa nguồn suối lũ,những mây cùng mưa
    Mình về, có nhớ chiến khu
    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai

         Ở khổ thơ, xuất hiện một loạt cụm từ có nhớ, điều này gợi cho ta cảm nhận được tâm trạng của người ở lại - một tâm trạng quan tâm, lo lắng không biết: Cán Bộ về xuôi, Cán Bộ có còn nhớ chiến khu Việt Bắc nữa không? Để cho người ở lại hỏi là vì nhà thơ muốn khơi gợi lại những ngày kháng chiến gian khổ. Nhớ thiên nhiên Việt Bắc mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù, câu thơ đã đặc tả được cảnh thiên nhiên hoang sơ, thời tiết khắc nghiệt nơi núi rừng Việt Bắc, tuy khung cảnh có chút ảm đạm nhưng vẫn mang đậm chất trữ tình, thơ mộng, phóng khoáng và hùng vĩ. Ngoài việc phải đối mặt với sự khắc nghiệt, khó khăn của thiên nhiên, mình và ta còn phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn, đầy gian khổ miếng cơm chấm muối. Hình ảnh hoán dụ mối thù nặng vai, gợi liên tưởng đến mối thù sâu nặng của nhân dân đối với những kẻ cướp nước, những kẻ đan tâm bán nước ta cho giặc. Đồng thời còn là lời nhắc nhở kín đáo của người ở lại về một thời rất đỗi tự hào, mình và ta đã cùng sát cánh bên nhau, cùng nhau tiêu điệt kẻ thù chung, giành lại độc lập tự do và đem đến cho nhân dân cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Nghệ thuật tiểu đối kết hợp với cách ngắt nhịp 2/2/2 – 4/4 đều đặn khiến cho câu thơ trở nên nhịp nhàng, cân đối, lời thơ càng thêm tha thiết.

         Tiếp mạch cảm xúc, vẫn là những lời hỏi của Việt Bắc nhưng ẩn chứa trong vần thơ lại là lời bộc bạch tâm sự của người ở lại, bày tỏ tình cảm lưu luyến với cán bộ về xuôi:

    Mình về, rừng núi nhớ ai
    Trám bùi để rụng, măng mai để già

         Tố Hữu đã sử dụng biện pháp hoán dụ rừng núi nhớ ai, rừng núi chính là hình ảnh người ở lại, còn đại từ ai là chỉ người cán bộ về xuôi, nhằm nhấm mạnh tình cảm thắm thiết và nỗi nhớ da diết của nhân dân Việt Bắc đối với những người kháng chiến, với Đảng và chính phủ. Thiên nhiên và con người VB nhớ cán bộ về xuôi nhiều đến mức trám bùi để rụng, măng mai để già, trám bùi và măng mai là hai món ăn thường nhật của bộ đội, của cán bộ kháng chiến; đồng thời cũng là đặc sản của thiên nhiên Việt Bắc. Mình về khiến núi rừng Việt Bắc bỗng trở nên trống vắng, buồn bã đến lạ thường, ngay cả khi trám bùi, măng mai mà cũng không ai thu hái. Người ở lại đã bộc lộ tình cảm của mình thật chân thành và tha thiết.

         Nhân dân Việt Bắc vẫn tiếp tục hỏi, nhưng ở đoạn thơ này lời hỏi được nhấn mạnh hơn, thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn: "Cán Bộ về xuôi có nhớ cảnh vật Việt Bắc, con người Việt Bắc, nhớ những năm tháng cùng nhau kháng chiến hay không?"

    Mình đi, có nhớ những nhà
    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
    Mình về, có nhớ núi non
    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh.

         Cụm từ nhớ những nhà - biện pháp hoán dụ – gợi cho ta cảm nhận được tâm trạng lo lắng không biết rằng: Cán bộ có nhớ những người dân Việt Bắc hay không? Chứ nhân dân Việt Bắc nhớ cán bộ nhiều lắm,nhớ đến nỗi hắt hiu lau xám.Từ láy hắt hiu kết hợp với hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc lau xám càng làm nổi bật hơn khung cảnh hoang vắng, đơn sơ, im lặng nơi núi rừng. Nhưng đối lập với khung cảnh ấy là tấm lòng son, tấm lòng ấm áp và chân thành của con người Việt Bắc. Ngoài ra, nhân dân Việt Bắc còn muốn biết thêm rằng: Cán bộ về xuôi có nhớ núi non, nhớ thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ hay không? Có nhớ khoảng thời gian cùng nhau kháng Nhật, thuở còn Việt Minh hay không ? Chính nghĩa tình của đồng bào Việt Bắc đối với bộ đội, với Cách Mạng; sự đồng cảm cùng san sẻ mọi gian khổ, niềm vui, cùng gánh vác nhiệm vụ nặng nề, khó khăn làm cho Việt Bắc - quê hương của Cách Mạng, cội nguồn nuôi dưỡng cho Cách Mạng - càng thêm ngời sáng trong tâm trí nhà thơ nói riêng và trong lòng người đọc nói chung.

         Kết lại đoạn thơ là nỗi nhớ về những địa danh lịch sử:

    Mình đi, mình có nhớ mình
    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

         Chỉ với hai câu thơ, nhưng tác giả đã gửi gắm rất nhiều tình cảm, ẩn chứa rất nhiều điều; đặc biệt là ở câu thơ sáu chữ có đến ba từ mình quyện vào nhau nghe thật tha thiết và chân thành. Từ mình thứ nhất và thứ hai được dùng để chỉ người cán bộ về xuôi, còn từ mình thứ ba ta có thể hiểu theo nhiều cách. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, mình là Việt Bắc-  đại từ nhân xưng ngôi thứ hai - thì câu thơ mang hàm ý: Cán bộ về xuôi, về Hà Nội không biết cán bộ có còn nhớ đến nhân dân Việt Bắc, nhớ đến người ở lại không ? Ở nghĩa hẹp hơn, mình chính là cán bộ về xuôi - đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất - khiến cho câu thơ được hiểu theo một nghĩa khác: Cán bộ về xuôi, cán bộ có nhớ chính mình hay không? Có còn nhớ đến quá khứ của bản thân, nhớ những năm tháng chiến đấu gian khổ vì lí tưởng cao đẹp,vì độc lập tự do của dân tộc hay không? Với cách hiểu thứ hai này, người ở lại đã đặt ra một vấn đề có tính thời sự, sợ rằng mọi người sẽ ngủ quên trên chiến thắng, quên đi quá khứ hào hùng của mình, thậm chí sẽ phản bội lại lí tưởng cao đẹp của bản thân. Nhà thơ Tố Hữu đã hình dung trước được diễn biến tâm lý của con người sau chiến thắng, đây quả là câu thơ mang tính trừu tượng và triết lý sâu sắc.

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

         Ở câu thơ cuối trong khổ ba, người ở lại nhắc đến hai địa danh nổi tiếng gắn liền với hai sự kiện quan trọng đã từng diễn ra ở Việt Bắc. Địa điểm thứ nhất: sự kiện cây đa Tân Trào (12/1944), đây là nơi đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ xuất phát, lúc đầu chỉ với mấy chục thành viên nhưng sau đó trở thành đội quân Việt Nam - lực lượng chủ chốt đã làm nên chiến thắng ngày hôm nay. Còn địa điểm thứ hai là tại đình Hồng Thái, nơi Bác đã chủ trì cuộc họp (8/1945) quyết định làm cuộc Cách mạng tháng Tám; chính nhờ quyết định sáng suốt này mà cuộc kháng chiến chống Pháp đã thành công vang dội, có thể giành lại độc lập tự do cho nước nhà. Tố Hữu lồng hai địa danh lịch sử vào trong câu thơ nhằm nhấn mạnh câu hỏi của người ở lại, đồng thời còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng: Không biết rằng cán bộ về xuôi có còn nhớ rằng VB chính là cái nôi của Cách mạng, là nguồn nuôi dưỡng Cách Mạng hay không? Và liệu rằng cán bộ về xuôi có còn thủy chung, gắn bó với Việt Bắc như xưa không hay là đã thay lòng đổi dạ?

         Chỉ với mười hai câu thơ trong khổ 3 của bài VB, Tố Hữu đã đưa ta vào thế giới của hoài niệm và kỉ niệm, vào một thế giới êm ái,ngọt ngào, du dương của tình nghĩa Cách Mạng. Cái hay nhất trong khổ thơ chính là Tó Hữu đã sử dụng rất khéo léo và đặc sắc hai cụm từ đối lập mình đi - mình về. Thông thường, đi và về là chỉ hai hướng trái ngược nhau, nhưng ở trong khổ thơ này thì mình đi - mình về đều chỉ một hướng là về xuôi, về Hà Nội. Với lối điệp cấu trúc kết hợp nhịp thơ 2/2/2 – 4/4 đều đận, khiến cho âm điệu thơ trở nên nhịp nhàng, cân xứng giống như nhịp chao của võng đong đưa, rất phù hợp vối phong cách thơ trữ tình - chính trị của Tố Hữu.

         "Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc" của Tố Hữu đã góp phần tạo nên sự thành công cho bài Việt Bắc. Những chi tiết về ánh sáng và tình người, từ miếng cơm chấm muối, trám bùi, măng mai, mái nhà hắt hiu lau xám đến mối thù hai vai chung gánh, những tấm lòng son sẽ không bao giờ phai nhạt, sẽ sống mãi trong lòng nhà thơ và trong tâm trí của người dân Việt Bắc, của những cán bộ về xuôi.

      bởi minh dương 09/12/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON