YOMEDIA
NONE

Cảm nhận về nỗi niềm của các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận...

Mọi người làm giúp mình với
1. Cảm nhận của em về nỗi niềm của các nhà thơ Xuân Diệu-Vội Vàng, Hàn Mặc Tử- Đây Thôn Vĩ Dạ, Huy Cận- Tràng Giang và so sánh điểm giống và khác trong cách cảm nhận về thiên nhiên của 3 nhà thơ
2. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng qua 2 bài thơ Từ Ấy và Chiều Tối

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  • 1, Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Các thi sĩ đến với thiên nhiên bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và đầy mến yêu. Không ai quên thế giới Bồng Lai tiên cảnh trong thơ Lý Bạch, núi rừng hữu tình trong thơ Nguyễn Trãi, làng quê mộc mạc đơn sơ trong thơ Nguyễn Khuyến. Và cũng không ai quên trong phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) từng có một tiếng reo “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, một tình cảm mênh mang với “Tràng giang” của Huy Cận và một nỗi niềm hẫng hụt, chơi vơi với “Đây thôn Vĩ Giạ” của Hàn Mặc Tử.

    Thiên nhiên chớm vào mùa thu trên đất Bắc trong “Đây mùa thu tới” thật đẹp mà cũng thật buồn – một vẻ đẹp, một nét buồn rất mới, rất khác so với thơ ca trung đại.

    Nếu như cảm quan nghệ thuật của thi ca trung đại là: lấy thiên nhiên làm chuẩn mực vẻ đẹp cho con người – như Nguyễn Du đã từng tả Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” (Truyện Kiều) – thì với Xuân Diệu – “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” – con người là vẻ đẹp chuẩn mực cho thiên nhiên:

    “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
    Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.”

    Chưa ai có một cách so sánh lạ như Xuân Diệu. Cây liễu đẹp như người thiếu nữ đứng xõa tóc “chịu tang”. Mỗi sợi tóc là một sợi buồn, mỗi nhành liễu là một sợi tóc. Từ cổ chí kim, không có nỗi buồn nào thấm thía đau đớn bằng nỗi buồn chịu tang. Bao nhiêu nước mắt rơi xuống mà nỗi buồn chẳng vơi. Rặng liễu với những sợi tơ liễu được kết bằng những lá liễu dài gối lên nhau “hàng hàng” rủ xuống như “lệ” giăng mắc đầy một khoảng trời làm nỗi buồn chớm thu như càng tăng thêm, thấm thía hơn. Và trong nỗi buồn ấy còn gợi lên một nỗi đau mất mát:

    “Hơn một loài hoa đã rụng cành
    Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
    Những luồng run rẩy rung rinh lá
    Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”

    Ngày lại ngày trôi qua, thu về, cảnh vật biến đổi, cây cối xơ xác trơ trụi, khẳng khiu như đang run rẩy, khẽ rùng mình trong gió se se lạnh: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió”. Cảm nhận về cái rét đến trong gió của Xuân Diệu là một cảm nhận mới. Thiên nhiên xôn xao, cựa mình – điều ấy thể hiện qua nghệ thuật sử dụng phụ âm “r” (rụng/rũa/run rẩy/rung rinh) và phụ âm “m” (mỏng manh) – không giống thiên nhiên trong thơ cổ mang nét tĩnh lặng, ngay cả khi “Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” (Mùa thu câu cá – Nguyễn Khuyến) thì cả không gian thiên nhiên thu vẫn chủ yếu là tĩnh lặn Cùng với “lá vàng” trong thơ Nguyễn Khuyến, ai cũng biết bức tranh “Mùa thu vàng” của danh họa Lê-vi-tan, nhưng không đâu có một màu vàng mới và độc đáo như màu vàng của đất trời vào thu trong “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu. Đó không phải là những đốm vàng nhỏ mà là cả một “không gian vàng” – một màu vàng “mơ phai” rất riêng rất khó lẫn. Đó là màu vàng của “cái hồn thu qua sắc lá” (Tạ Đức Hiền) làm mùa thu bớt buồn và thêm thi vị, thêm đáng yêu. “Mùa thu tới!” – Xuân Diệu đã nhận được bức thông điệp của mùa thu và đã reo lên sung sướng: “Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!”. Giai điệu rộn rã của tiếng reo khiến ta cảm giác hình như Xuân Diệu đang hát lên tiếng hát khát vọng giao cảm với cuộc đời. Bước chân đến với trời thu của thi sĩ đầy “giục giã”, “vội vàng”.

    Cùng mang vẻ đẹp buồn truyền thống, nhưng nếu như thiên nhiên trong “Đây mùa thu tới” đẹp thướt tha, thì thiên nhiên trong “Tràng giang” lại mang vẻ đẹp hùng vĩ rợn ngợp của “trời rộng”, “sông dài”:

    “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    Con thuyền xuôi mái nước song song”
    …”Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

    Thiên nhiên ở đây đậm sắc màu cổ điển. Dòng sông mênh mang, chảy dài giữa không gian vắng lặng, bát ngát. Những con sóng gối lên nhau lớp lớp không bao giờ dừng như nỗi buồn miên man không dứt. Song song với con thuyền buông trôi, thụ động phó mặc cho cuộc đời, không một chút hi vọng là biểu hiện của nỗi buồn chia lìa, li biệt. Bao nhiêu ngả nước, bấy nhiêu ngả sầu, cảnh ở đây rất sầu: từ “con thuyền”, “cành củi khô” đến “nước”, “sóng” và cả “bờ xanh”, “bãi vàng”, “bến cô liêu” đều mang nỗi sầu lớn. Nỗi “buồn điệp điệp” triền miên lan tỏa xuyên suốt bài thơ và cồn cào, day dứt nhất ở hình ảnh cuối bài:

    “Lòng quê dợn dợn vời con nước
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

    Nỗi buồn của Huy Cận miên man không dứt như sóng nước mênh mông bất tận, theo sóng nước lan tỏa rất xa, buồn hơn nhiều so với Thôi Hiệu (Đời Đường – Trung Quốc): “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?). Từ nỗi buồn đằng dặc ấy, vẻ đẹp hiện lên là vẻ đẹp mênh mang đất trời. Không gian mở rộng ra mọi chiều cả về độ dài – rộng, cao – sâu. Đó là cái đẹp lặng lẽ, rợn ngợp của không gian sông nước quen thuộc, gần gũi được Huy Cận dựng lên bằng hình ảnh đơn sơ, thành những nét vẽ tinh tế, giàu màu sắc cổ điển mà vẫn mới. Thấm đượm trong cảnh là một linh hồn “mang mang thiên cổ sầu” và một cái gì như thể là linh hồn ngàn xưa của dân tộc vẫn còn vương vấn nơi bãi rộng sông dài với “bến cô liêu”, với “bèo dạt”, “mây”, “cánh chim”, “bóng chiều”, với “khói hoàng hôn” với tình quê đậm đà, da diết cháy trong lòng thi nhân.

    Thiên nhiên được khúc xạ qua tâm hồn thi sĩ, mang nỗi buồn của nhà thơ. Cái đẹp thực, đẹp ảo của cảnh là cái đẹp trong sự thảng thốt của tác giả. Nỗi buồn mênh mang từ hoàn cảnh của nhà thơ là nỗi buồn gắn với thiên nhiên. Trong “Tràng giang”, “nỗi buồn thấm trong từng câu chữ”, đầy như dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy.

    Trong “Đây mùa thu tới” nỗi buồn tỏa ra từ niềm cô đơn, quạnh vắng, còn trong “Đây thôn Vĩ Giạ” nỗi buồn lại nhè nhẹ cất lên từ ý thức bị lãng quên của nhà thơ. Nhưng khác với “Đây mùa thu tới” và “Tràng giang”, “Đây thôn Vĩ Giạ” là một bài thơ “có bước nhảy cảm xúc” (Vũ Quần Phương), có sự chuyển đổi cảm xúc rất nhanh, rất nhuần nhị, tinh tế. Bài thơ có ba khổ thì mỗi khổ là một câu hỏi gắn với tâm trạng khác nhau của Hàn Mặc Tử, gắn với những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên xứ Huế thơ mộng. Ở khổ một, thi sĩ đang vui sướng “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, ngắm “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” thật đẹp đẽ của thôn Vĩ Giạ. Đó là vẻ đẹp nguyên sơ – thánh thiện, vẻ đẹp tươi tắn, rạng rỡ, trinh nguyên của xứ Huế hiện lên rõ nét trong dòng hoài niệm của Hàn Mặc Tử. Đến khổ thứ hai, cảm xúc của thi nhân chợt lắng xuống thoáng buồn:

    “Gió theo lối gió mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay”

    “Đây mùa thu tới” nói về nỗi buồn tàn lụi, chia lìa: “Hơn một loài hoa đã rụng cành, trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh” với cách nói phiếm định: “hơn một” đệm màu sắc văn hóa phương Tây, đầy mới mẻ. “Tràng giang” nói về nỗi buồn li biệt của cảnh: “Con thuyền xuôi mái nước song song” mang dấu ấn cổ điển. Và “Đây thôn Vĩ Giạ” cùng nói về nỗi buồn lẻ loi, tan tác: “Gió theo lối gió mây đường mây, dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” nhưng không đơn giản chỉ có thế mà còn là nỗi buồn xa cách, bị lãng quên. Dòng sông Hương lững lờ trôi là dòng “sông trăng” chất chở nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác của lòng người. Từ cái đẹp trinh nguyên của xứ Huế mộng mơ thực tại, dòng liên tưởng của Hàn Mặc Tử hướng về một cái dẹp mờ ảo của cảnh vật trong sự chia cách. Cũng như nỗi buồn của Xuân Diệu trong “Đây mùa thu tới”, nỗi buồn của Hàn Mặc Tử ở đây cũng thật lặng lẽ, nhẹ nhàng chứ không phải triền miên, dữ dội như sóng của Huy Cận trong “Tràng giang”.

    Với thể thơ thất ngôn truyền thống, nhìn chung, nỗi buồn của thơ Xuân Diệu là nỗi “buồn không nói”, của thơ Huy Cận là nỗi “buồn điệp điệp”, của thơ Hàn Mặc Tử là nỗi “buồn thiu”. Thiên nhiên trong cả ba bài thơ đều đẹp và buồn bởi thiếu một tình người. Tình người mà ở mỗi bài thơ được thi nhân nhắc đến là để xoa dịu nỗi buồn bị quên lãng (“Đây thôn Vĩ Giạ”); xóa cô đơn, rợn ngợp trong lòng, tìm đến một tình quê ấm áp (“Tràng giang”); xóa cái lạnh của lòng người, tìm đến một tình yêu, một khát vọng giao cảm với thiên nhiên, với cuộc đời (“Đây mùa thu tới”). Các nhà thơ có sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên cũng như đã biểu hiện một cách sâu sắc thế giới tâm trạng, cảm xúc của mình trước thiên nhiên đó.

    Thiên nhiên trong thơ mới là một đóng góp về mặt tư tưởng văn hóa của người Việt Nam. Điều đó đã chứng tỏ một tình yêu quê hương đất nước của các nhà thơ mới nói chung và của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử nói riêng.

    2.

    Hình tượng người chiến sĩ là một đề tài phổ biến của văn học Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến. Mỗi tác giả lại đem đến những vẻ đẹp riêng cho người chiến sĩ. Trong những năm tháng đó, hình ảnh người chiến sĩ đẹp đẽ ở cả tâm hồn và lí tưởng sống cao đẹp đã được khắc họa thật chân thực, đầy đủ trong tác phẩm Chiều tối (Hồ Chí Minh) và Từ ấy (Tố Hữu).

        Bài thơ Chiều tối là bài thứ 131 được rút ra từ tập Nhật kí trong tù, bài thơ có hoàn cảnh ra đời hết sức đặc biệt. Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tìm viện trợ và khi Người đến Quảng Tây thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Hồ Chí Minh bị chuyển hết từ nhà lao này đến nhà lao khác, hòng tiêu diệt ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Chiều tối là bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh bị chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ không chỉ phác họa được bức tranh thiên nhiên mà con cho người đọc thấy được chân dung đẹp đẽ của người chiến sĩ trên con đường cách mạng.

        Trong bài thơ, người chiến sĩ hiện lên là người có lòng yêu thiên nhiên, tâm hồn rộng mở, phóng khoáng. Trên đường giải từ nhà lao này đến nhà lao khác là một hành trình đầy khó khăn, gian khổ, đường sá xa xôi, mệt nhọc nhưng không vì thế mà tâm hồn, lòng yêu thiên nhiên của Bác bị dập tắt. Trước cảnh hoàng hôn đẹp đẽ nơi rừng núi, Người vẫn có những giây phút lắng lòng mình để cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời:

    Quyện điểu quy lầm tầm túc thụ

    Cô vân mạn mạn độ thiên không

        Người đã thật tinh tế, nhạy cảm nắm bắt được khoảnh khắc chú chim nhỏ bay về rừng tìm nơi ngủ sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc. Những đám mây lặng lẽ, lững lờ trôi nhanh về phía cuối trời. Bức tranh thật cổ điển, với những nét vẽ đơn sơ, nhưng cũng đủ để cảm nhận được cái thần, cái hồn của sự vật.

        Không chỉ vậy, người chiến sĩ ấy còn mang trong mình tấm lòng nhân đạo sâu sắc: “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”. Dù bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần, bản thân chịu nhiều cực khổ nhưng Bác vẫn quan tâm, chỉa sẻ với những người lao động. Hình ảnh người thiếu nữ say ngô tối miệt mài, vừa thể hiện tinh thần khỏe khoắn, tràn đầy sức sống, vừa cho thấy tình cảm, sự quan tâm của bác đối với tất cả mọi người, Bác chia sẻ niềm vui chung, niềm vui với cuộc sống bình dị của con người nơi đây. Ngoài ra, người chiến sĩ luôn hướng về ánh sáng, hướng về tương lai tốt đẹp. Trong cái thinh lặng của không gian, khi đêm tối phủ ngập bốn phía, con mắt người tù vẫn tìm kiếm ánh sáng, và thứ ánh sáng đó không gì khác chính là những viên than rực hồng. Ánh sáng đó đã làm sáng cả bức tranh vốn u tối và đượm buồm. Thơ Bác luôn có xu hướng vận động từ bóng tối ra ánh sáng, cho thấy tâm hồn lạc quan, luôn hướng về tương lai của Người.

        Để khắc họa chân dùng người chiến sĩ cách mạng, Bác chủ yếu sử dụng bút pháp gợi tả, có sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại. Người chiến sĩ hiện lên là một con người yêu thiên nhiên, tấm lòng nhân đạo bao la, luôn hướng về tương lai tốt đẹp. Con người có sự hòa hợp, dung hòa với thiên nhiên, những vẫn là chủ của bức tranh ấy.

        Người chiến sĩ trong bài Từ ấy lại hiện lên với những vẻ đẹp riêng, không hòa lẫn. Từ ấy được sáng tác năm 1938 khi Tố Hữu được kết nạp Đảng. Bài thơ là khúc ca say mê, tràn đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cách mạng.

        Người chiến sĩ trước hết là người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cách mạng. Ngày được vào Đảng là mốc son chói lọi trong cuộc đời ông: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Từ khoảnh khắc được kết nạp, Đảng đã soi chiếu tâm hồn, giúp người chiến sĩ tìm đường con đường chân lí mà bấy lâu nay mình loay hoay tìm kiếm. Khoảnh khắc ấy cũng đem đến cho hồn tôi những cảm xúc mới mẻ, tràn đầy sức sống, làm hồi sinh thức tỉnh phẩm chất nghệ sĩ trong con người của chiến sĩ.

        Vẻ đẹp của người chiến sĩ còn hiện lên ở lẽ sống cao đẹp, hòa nhập dâng hiến cho sự nghiệp chung của cách mạng. Cái tôi không còn đơn độc, riêng lẻ, mà hòa nhập, buộc lòng với mọi người: “Tôi buộc hồn tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi”. Cái tôi thắt chặt với quần chúng, tự nguyện đem hết cả tuổi trẻ, tính mạng của mình gắn với “mọi người”. Để được gần gũi với “bao hồn khổ” thấu hiểu những khó khăn, vất vả, cực nhọc của họ. Người Đảng viên không chỉ hòa nhập mà còn chính thức được đón nhận vào tập thể quần chúng nhân dân. Kết quả của sự hòa nhập ấy tạo nên sức mạnh to lớn “mạnh khối đời”. Khối đời là cuộc đời chung, rộng lớn, không thể cân đo đong đếm. Nhưng được Tố Hữu kết hợp với chữ khối đã hiến nó hữu hình, có thể nắm bắt được. Người chiến sĩ hòa nhập vào đại gia đình quần chúng lao động và nhận thức được trách nhiệm của bản thân làm sao để có thể cứu vớt được những cuộc đời lao khổ. Đó là một cái tôi có ý thức, trách nhiệm với con người, cuộc đời, với cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc.

        Chân dung người chiến sĩ trong bài Từ ấy chủ yếu được miêu tả trực tiếp những cung bậc cảm xúc, sự chuyển biến trong nhận thức của nhân vật trữ tình. Đó là cái tôi hăm hở, nhiệt huyết, sống cuộc đời đầy tinh thần trách nhiệm với cách mạng, với cuộc đời.

        Chiều tối và Từ ấy đều đã khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ cách mạng với vẻ đẹp nhân cách sáng ngời. Họ là những người con ưu tú của thời đại, mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, lí tưởng, mục tiệu đúng đắn, có niềm tin vào tương lai của cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

        Bên cạnh những điểm tương đồng, hai bài thơ vẫn có những điểm khác biệt, thể hiện phong cách riêng của hai tác giả. Trong bài Chiều tối người chiến sĩ hiện lên với tâm hồn rộng mở, lòng yêu thiên nhiên, gắn bó sâu nặng với cuộc sống. Tâm hồn người chiến sĩ luôn tìm và hướng về ánh sáng dù hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Vẻ đẹp tâm hồn vừa cổ điển, vừa hiện đại. Còn với Từ ấy, tâm hồn chiến sĩ là say mệ, nhiệt huyết với lí tưởng cách mạng. Lẽ sống cao đẹp, có ý thức trách nhiệm với cuộc đời chung. Tinh cảm của nhân vật được bộc lộ trực tiếp.

        Bằng những lời thơ chân thành, tinh tế cả hai bài thơ đã dựng lên bức chân dung đẹp đẽ về tinh thần, nhân cách của những người chiến sĩ. Mỗi người mang trong mình những vẻ đẹp riêng, làm phong phú thêm bức tranh tâm hồn của người chiến sĩ. Nhưng đồng thời ở họ còn ánh lên vẻ đẹp chung đó là lòng yêu nước nồng nàn.

      bởi Tuyền Khúc 10/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

    1. Giới thiệu về hai tác giả, tác phẩm

    – Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong di sản văn học của Người, thơ ca là mảng sáng tác rất có giá trị, trong đó có thể kể đến tập thơ “Nhật kí trong tù”được sáng tác trong những ngày Người bị giam giữ ở các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây. Chiều tối (Mộ -1942) là bài thơ được trích từ tập thơ này.

    – Tố Hữu là nhà cách mạng, cũng là nhà thơ trữ tình chính trị tiêu biểu nhất của nền thơ ca cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp thơ ca của ông. Từ ấy (1938) là bài thơ hay được trích trong tập thơ cùng tên ghi lại thời khắc đặc biệt trong cuộc đời cách mạng và nghệ thuật của Tố Hữu khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cách mạng, tìm thấy con đường đi cho cuộc đời mình và thơ ca.

    – Cả hai bài thơ đều hướng tới khắc họa vẻ đẹp trong tâm hồn và lí tưởng sống cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng.

    2.  Vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối (Hồ Chí Minh)

    – Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: khi Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tranh thủ sự viện trợ của phe Đồng minh. Khi đến Quảng Tây thì Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Vì không có chứng cớ khép tội nên chúng không thể đưa ra xét xử. Chúng đã hành hạ Người bằng cách giải đi khắp các nhà lao của tỉnh Quảng Tây trong hơn một năm trời nhằm tiêu diệt ý chí của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ này cũng giống như nhiều các sáng tác khác được viết trên hành trình chuyển lao từ Tĩnh Tây đi Thiên Bảo, vào khoảng bốn tháng sau khi Người bị bắt. Tác phẩm là bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh ở thời điểm gian nan thử thách nhất trên con đường cách mạng.

    – Đó là người chiến sĩ cách mạng có tâm hồn rộng mở, phóng khoáng, đón nhận vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên núi rừng. Bức tranh thiên nhiên cảnh chiều mở ra ở cả chiều cao, chiều rộng của không gian và được vẽ bằng những nét phác họa đơn sơ, với những hình ảnh đậm đà sắc màu cổ điển như cánh chim và chòm mây, có chút buồn vắng, quạnh hiu những vẫn thanh thoát, ấm áp hơi thể sự sống. Bức tranh thiên nhiên đã nói lên nhân vật trữ tình là con người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết vượt lên trên cảnh ngộ tù đày.

    – Đó cũng là người chiến sĩ có tấm lòng nhân đạo, bao la, yêu thương, quan tâm chia sẻ với con người lao động, một tâm hồn luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Dù vẫn phải tiếp tục chuyển lao trong cảnh trời tối, con người đã quên đi nỗi nhọc nhằn của riêng mình, hướng về cô gái nhỏ lao động nơi xóm núi xay ngô và lò than rực hồng đã đỏ để cảm thông, chia sẻ, ấm áp, vui lây niềm vui lao động của con người.

    – Bút pháp khắc hoạ chân dung người chiến sĩ cách mạng: là bút pháp gợi tả, những hình ảnh đậm đà màu sắc cổ điển mà vẫn thấm đẫm tinh thần hiện đại. Vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng hiện qua bức tranh cảnh vật thiên nhiên và bức tranh sinh hoạt lao động của con người. Đó là con người ung dung, hoà hợp với thiên nhiên nhưng vẫn luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh, hướng về con người, sự sống và ánh sáng, chất thi sĩ và chất chiến sĩ hoà quyện làm một.

    3. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Từ ấy (Tố Hữu)

    – Bài thơ ra đời với một bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Tố Hữu. Ngày nhà thơ được kết nạp vào Đảng cộng sản, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng chiến đấu vì một lí tưởng chung, ông đã viết bài thơ này. Đặt trong hoàn cảnh sáng tác ấy, bài thơ đã cho thấy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cách mạng và lẽ sống cao đẹp làm nên vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ.

    – Đó là con người có tình yêu, niềm say mê mãnh liệt với lí tưởng cộng sản. Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực lửa, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho nhà thơ nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn hồi sinh, chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ.

    – Đó là người chiến sĩ có lẽ sống nhân đạo cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sức mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.

    – Bút pháp khắc hoạ: được khắc họa qua cách miêu tả trực tiếp bằng những cảm nhận của nhân vật trữ tình khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng hoặc những lời ước nguyện, lời thề quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng chung. Bài thơ làm hiện lên chân dung của một cái “tôi” chiến sĩ không cách biệt, trốn tránh cuộc đời như cái “tôi” thơ mới mà trẻ trung, hăm hở, nhiệt huyết, tràn đầy tình yêu, niềm say mê với lí tưởng cộng sản, sống có trách nhiệm với cuộc đời, với nhân dân đau khổ bị áp bức, với cuộc đấu chung của dân tộc.

    4. Điểm tương đồng và khác biệt ở hình tượng người chiến sĩ trong hai bài thơ

    d1. Điểm tương đồng: cả hai bài thơ đều tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú nhất của lịch sử dân tộc có tâm hồn cao đẹp, có lí tưởng sống nhân đạo, chất thi sĩ và chiến sĩ hoà quyện trong tâm hồn, lí tưởng của họ.

    d 2. Điểm khác biệt:

    – Ở “Chiều tối” là vẻ đẹp của người chiến sĩ yêu thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống, một hồn thơ luôn hướng về sự sống và ánh sáng ở những thời điểm thử thách gay go nhất trên hành trình cách mạng. Vẻ đẹp tâm hồn con người được thể hiện qua bút pháp gợi tả với những hình ảnh đậm màu sắc cổ điển.

    – Còn ở “Từ ấy”, đó là người chiến sĩ có tình yêu mãnh liệt với ý tưởng, có lẽ sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh, dâng hiến vì cuộc đấu tranh của dân tộc, giống nòi. Nhân vật trữ tình được khắc hoạ trực tiếp bằng những hình thơ sôi nổi, trẻ trung, tươi mới.

      bởi H Yziang 11/10/2018
    Like (1) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON