Bàn luận về Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo...
"Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có phong cách riêng, nổi bật. Tức là có nét gì đó của riêng mình, mới lạ, thể hiện trong tác phẩm của mình."
Em hiểu gì về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ bằng một số tác phẩm văn học mà em yêu thích (truyện, thơ của chương trình lớp 8, lớp 9)
Trả lời (2)
-
Không phải ai cứ muôn là có thể trở thành nghệ sĩ, dù niềm mong muốn đó có mãnh liệt, thiết tha đến đâu. Để trở thành một nghệ sĩ, điều kiện cần thiết đầu tiên là phải có tài, hay nói cách khác là một cái gì đó thuộc về năng khiếu bẩm sinh. Nhưng tài chưa đủ, người đó cần phải có một cái tâm trong sáng, một nhân cách cao đẹp. Thương đời, lo cho đời, cho con người, từ đó nhà văn mới có những mong ước cao đẹp, ý thức trách nhiệm, ý thức thiên chức của một “kĩ sư tâm hồn” và tài năng của mình được phát huy cao độ. Cái tài chính là khả năng tối ưu của nhà nghệ sĩ thực hiện những dự định cao cả, để đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật. “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình”.
Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng là “lĩnh vực của cái độc đáo”. Đó chính là một hoạt động của con người ở lĩnh vực văn hoá tinh thần. Người sáng tạo và hoạt động sáng tạo, sản phẩm sáng tạo phải đáp ứng được những đòi hỏi đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật đó: sự “độc đáo”. Đối với lĩnh vực khoa học thực nghiệm điều khác là rõ ràng, nhưng ngay trong từng bộ môn nghệ thuậi cũng phải có những đặc trưng riêng. Trong văn chương cũng phải như thế.
Bán thân nghệ thuật (trong đó có văn chương) là lĩnh vực của cái mới lạ, cái đẹp mà trong cái đẹp đã bao hàm sự độc đáo. Vì thế, nó đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ năng lực sáng tạo.
Quá trình sáng tạo tác phẩm văn học là một quá trình sản xuất riêng lẻ, cá biệt. Nó không chấp nhận sự sản xuất hàng loạt rập khuôn, máy móc. Người nghệ sĩ phải là người vừa thiết kế vừa thi công công trình của mình chứ không phải là ai khác. Nói như Xuân Diệu “sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm”. Và khi thơ ra đời, nó phải đem lại cho người đọc những điều người ta chưa biết, chưa rõ, những điều mới lạ trong cuộc sống. Mà muốn thực hiện được điều đó thì không dễ dàng một chút nào, “nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật”.
Con người thường có những mơ ước sáng tạo. Và người nghệ sĩ cũng vậy Nói như Xuân Quỳnh, làm thơ viết văn trước hết là “đáp ứng nhu cầu sáng tạo và nhu cầu nối liền mình với thế giới và sự vặt xung quanh”. Bản thân một nhà văn chân chính không thể giẫm chân lên con đường mà người khác đã mở. Họ muốn tìm tòi, khám phá, sáng tạo, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Nếu không có phong cách thì, trước hết là không khẳng định được mình, bản ngã mình, cái tôi của mình. Phong cách cũng là sức mạnh của người nghệ sĩ trong thiên chức của mình, bởi phong cách “tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình”.
Nếu như khoa học đôi khi loại bỏ cái “tôi” của người sáng tạo thì nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng lại ngược lại. Đến với tác phẩm là ta đến với đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ muốn thể hiện bản sắc riêng của mình qua tác phẩm. Đó là nét gì đó “rất riêng, mới lạ” mà không ai có được. Có thể là cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn và cách viết. Sự độc đáo, mới lạ đó có từ trong tư tưởng của nhà văn và thể hiện qua những biểu hiện riêng. Nói “nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật” tức là đòi hỏi điều đó. Phong cách là yêu cầu của nghệ thuật và cũng là ước muốn chủ quan của người nghệ sĩ. Độc đáo trong nghệ thuật, trước hết là sự độc đáo trong cách nghĩ, cách biểu hiện của nhà vãn.
Nhưng không phải ai cũng tạo được cho mình một phong cách riêng độc đáo. Đối với những tác giả không có tài năng hoặc mới có quá ít tác phẩm thì phong cách chưa thể có một cách trọn vẹn. Chỉ có những nhà văn lớn, thực sự có tài thì mới có phong cách riêng của mình. Nam Cao là một trong số ít tên tuổi đó.
Nam Cao mất khi còn trẻ. Nhưng sự nghiệp văn học của ông để lại khiến bất cứ ai cũng phải kính nể. Mấy chục truyện ngắn về đề tài người nông dân rất xuất sắc trong đó có kiệt tác Chí Phèo, và hàng loạt tác phẩm về đề tài người trí thức trong đó có những tác phẩm được đánh giá cao như Đời thừa, sống mòn,... Trong những đứa con tinh thần đó, Nam Cao đã để lại cái “tôi” sắc nét của mình, cái “tôi” của nhà văn chân chính luôn có những sự “đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng lạo những cái gì chưa có”, tạo nên cái “gì đó rất riêng, mới lạ ” trong tác phẩm của ông.
Cũng là một nhà văn hiện thực phê phán cùng thời với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... nhưng Nam Cao lại có những nét rất khác biệt với những tác giả ấy. Nếu họ thường tiếp cận đời sống ở những bình diện xã hội rộng lớn thì Nam Cao lại khám phá ở góc độ đời thường, với những số phận nhỏ bé. Đi vào tác phẩm của Nam Cao, ta toàn gặp những chuyện đời thường nhỏ nhặt như Một bữa no, Một chuyện xúvơnia, Một đám cưới, Nửa đêm, Làm tổ,...; với những số phận rất cụ thể hiện nay ở đầu đề như Lão Hạc, Chí Phèo, Dì Hảo...; với nhữg trạng thái sinh động của con người như Cười, Nước mắt, Đời thừa,… Ngay cả trong tiểu thuyết của ông như Chuyện người hàng xóm, sống mòn cũng vậy. Phạm vi bao quát của các tác phẩm tiểu thuyết có thể có quy mô rộng lớn hơn, nhưng trong văn của ông ta cũng chỉ gặp một xóm. Bài thơ, một ngôi trường ngoại ô. Và trong đó, con người vẫn hiện lên trong cuộc sống đời thường, với những gì thật nhất, quen thuộc nhất. Họ sống với nhau, họ yêu thương nhau, cãi lộn nhau và còn hằm hè, khinh bỉ nhau nữa. Dường như đối với Nam Cao, quan tâm đến số phận con người thì trước hết hãy quan tâm đến con người đời thường, xem họ sống ra sao, trước khi có thể gợi họ là con người giai cấp, con người xã hội.
Nhưng vượt khỏi cái phạm vi đời thường nhỏ hẹp, quanh quẩn bên cuộc sống của người nông dân và người trí thức nghèo, Nam Cao luôn gửi gắm qua tác phẩm một ý nghĩa triết lí nhân sinh, triết lí xã hội sâu sắc và thâm trầm. Chính sự tìm tòi, khám phá, phát hiện từng cảnh đời, mảnh đời nhỏ bé đó mà Nam Cao đã thấy sâu sắc hơn hết chiều sâu tội ác của xã hội. “Ngươi nọ, người kia không đáng để ta khinh ghét. Cái đáng nguyền rủa là cái xã hội kia. Nó đã tạo ra những con người tham lam và ích kỉ” (Sống mòn). Chính xã hội xấu xa là nguyên nhân đẩy con người tới chỗ cùng cực về vật chất, tha hoá vẻ tâm hồn. Tiếng kêu từ tác phẩm của ông là tiếng kêu đòi phá tan cái xã hội vô nhân đạo để trả lại quyền sống cho con người. Nhưng tiếng nói bức thiết hơn trong tác phẩm của ông lại chính là lời cảnh tỉnh con người hãy giữ lấy nhân cách, nhân phẩm của mình trước những lo toan tủn mủn. những tính toán vật chất đời thường, cụ thể hơn là nỗi lo để có được sự sống, có miếng cơm manh áo. Không có nổi đau đời, không có cái tâm với con người, làm sao nhà văn viết được những tác phẩm gây xúc động như sống mòn, Nước mắt hay Quên điều độ..
Nam Cao nhìn nhận con người dưới góc độ nhân cách. Nói như Giáo sư Nguyền Đăng Mạnh, “Nam Cao là người hay bân khoăn về vấn đề nhân phẩm của con người". Ông khám phá ra họ, soi sáng nhân cách của họ bằng những thử thách của miếng cơm manh áo, của vật chất đời thường. Cái đó và miếng ăn là những vấn đề nổi cộm trong sáng tác của Nam Cao. Con naười trí thức hay người nông dân cũng vậy, họ đều trong một cuộc giằng đấu quyết liệt vì cái chuyện cơm áo hằng ngày. Đọc tác phẩm Nam Cao, nhiều khi ta trào nước mắt vì thương cảm. Chao ôi, trong tác phẩm của ông, hầu hết các sương mặt đều nhợt nhạt đi vì đói. Bộ điệu của họ mới thảm hại, xốc xếch làm sao. Họ đang phải đấu tranh cho sự sinh tồn của mình trước cái đói ghê gớm. Họ đang đứng trước bờ vực thẳm, ranh giới giữa nhân phẩm và cái xấu xa, đê tiện của con người. Mà theo Nam Cao, ai vượt qua được thử thách khốc liệt của miếng cơm manh áo này thì mới là con người, còn ai gục ngã trước nó thì là những con người tha hoá về nhân cách, nhân phẩm. Ông đã làm như vậy để cứu con người khỏi sự xấu xa, đê tiện, gọi con người về với cái thiện lương tối đẹp của mình bằng cách làm cho con người tự hổ thẹn vì những chuyện mà ông “không muốn viết” của mình.
Đúng là nhân vật của Nam Cao quằn quại trong miếng cơm manh áo, con người ta xấu đi, ti tiện và bị lăng nhục cũng vì Trẻ con không được ăn thịt chó tham lam và ích kỉ đến độ quên cả những đứa trẻ khốn khổ chờ một chút ăn thừa. Là bà cụ trong Một bữa no chỉ vì đói quá, ăn chực bữa cơm để rồi “chết no” một cách khốn khổ để bia miệng ở đời, bị người ta lôi ra mà xỉ vả, mà làm gương răn dạy kẻ hầu người hạ. Rồi cụ Lộ trong Tư cách mõ từ một con người hiền lành, lương thiện bỗng trở thành "mõ chính tông” cũng đê tiện, lì lợm tham ăn, hễ thấy nhà nào lách cách mâm bát là đến ngay, để rồi bị người đời khinh rẻ. Chí Phèo trong truyện ngắn cùng lên cũng bị người ta xa lánh bởi Chí đã nhận tiền của Bá Kiến rồi đi sây gổ. Đau đớn lắm, thương xót lắm, nhưng ta cũng giận họ biết bao nhiêu. Và xót xa hơn là những con người trí thức cũng bị cắn rút bởi miếng cơm manh áo. Điền khổ, Hộ khổ, Thứ khổ vì không đủ tiền nuôi gia đình; khổ vì cứ muốn bay cao lên với những ước mơ cao đẹp nhưng lại bị miếng cơm manh áo “ghì sát đất”. Hộ đâm ra giận dữ với vợ con, mang tất cả cái khổ nghề nghiệp vì cuộc sống ra mà đổ lên đầu những người thân yêu. Anh đối xử phũ phàng, thậm chí có lúc anh đã nguyền rủa họ. Thứ trong tiểu thuyết sống mòn cũng khổ sở không kém. Cả một nhóm trí thức đến bữa ăn cãi nhau toang toang như họp làng, chi li từng đồng liền bát gạo, nghĩ xấu về nhau, chơi xỏ nhau, xỉ nhục nhau,... Nhìn nhừng con người như thế ta không đớn đau sao được?
Lạnh lùng miêu là họ, nhưng Nam Cao không vùi dập họ, ông chỉ cảnh tỉnh con người hãy giữ vững nhân cách của mình trước hiện thực xấu xa, đầy những độc tố. Ông mô tả những con người tha hoá, lưu manh và ông cũng rất thiết tha ca ngợi những con người đã biết vươn lên hoàn cảnh để giữ vững nhân cách tốt đẹp. Anh ***** chuột (Nghèo) thà thắt cổ tự tử chứ không để vợ con nợ nần thêm những món tiền để phục dịch mình. Lão Hạc dù nghèo dù khổ, dù không muốn động vào món tiền của con lão cũng không làm những việc như xin bả đánh chó. Lão chết bằng nắm bả xin của Binh Tư để giữ phẩm giá của mình. Cách giải quyết như thế là tiêu cực, nhưng biết làm sao được khi lão sống trong một xã hội phi nhân tính. Lão chết nhưng nhân cách trong sáng và cao đẹp của lão còn mãi. Hay những Thứ, những Hộ,... cũng vậy, dù có bị cuộc đời quăng quật, có lúc đã không giữ được tư cách một trí thức chân chính, nhưng rồi rốt cuộc, những con người đó đều biết hổ thẹn, tự vấn lòng và thấy mình như “một thằng khốn nạn” rồi họ khóc vì hối hận, để rồi ngày mai họ có thể sẽ sống đẹp hơn, tốt hơn.
Với Nam Cao, nhân phẩm của con người là nỗi niềm trăn trở day dứt nhất. Ông luôn muốn con người ta phải sống đẹp hơn, thiện hơn trong mỗi giây phút của đời minh và không hao giờ bị sai ngã vì những cái nhỏ mọn. Ông cảnh tỉnh những kẻ đánh mất nhân cách, ông xót xa cho những người bị lăng nhục và ông ca ngợi những tâm hồn cao đẹp. Phải chăng đó là điều tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc trong sáng tác của Nam Cao?
Tôn trọng hiện thực khách quan là đặc điểm của văn học hiện thực phê phán. Nhưng không giống như các nhà văn đương thời, Nam Cao tái lạo hiện thực bằng một bút pháp khách quan, lạnh lùng đến độ tàn nhẫn chứ không đến mức cay chua, phẫn uất như Vũ Trọng Phụng hay yêu thương biểu hiện ngay trên từng câu, từng chữ, dù chỉ đọc được một đoạn cũng có thể cảm nhận được chủ nghĩa nhân đạo thống thiết như các tác phẩm của Nguyên Hồng. Còn nhà văn Nam Cao thì lại tâm niệm: Tôi đóng cũi sắt tình cảm của tôi. Ông viết như để người đọc tưởng không có tình cảm của mình trong đó. Rất hiếm hoi trong tác phẩm ông bộc lộ cảm xúc trực tiếp của mình. Tác phẩm của ông là những trang đời chân thực nghiệt ngã tựa hồ có ý để mặc cho người đọc suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Nam Cao chủ trương lách ngòi bút vào đáy sâu của sự thật để phanh phui tất cả hiện thực phũ phàng, tàn nhẫn nhuộm đen tầm hồn con ngưòi, phá vỡ quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Tất cả những cái đẹp tốt hay dở của con người, từ chuyện người ta chết chỉ vì một bữa ăn quá no, chuyện một con người bị lưu manh hoá, đến những chuyện cơm áo thường nhật, những ý nghĩ xấu xa, cả những chuyện ti tiện của con người như cãi nhau, hằm hè nhau,... đều được phơi bày ra một cách không thương tiếc. Có người trách Nam Cao sao tàn nhẫn quá, tàn nhẫn tưởng như bôi xấu con người, hạ thấp con người. Trước những cảnh khổ mà nhà văn phải dửng dưng, phải mổ xẻ mà phân tích. Truyện của Nam Cao nhiều lúc kết thúc không có hậu, con người thì toàn những “cái mặt không chơi được”, có khi xấu xí đến dị hình dị dạng. Nhà văn dám nói những điều người ta không dám nói, lại bằng cái giọng lạnh lùng, tàn nhẫn nên có lúc ai đó đã nghi ngờ giá trị nhân đạo trong tác phẩm Nam Cao. Không, Nam Cao là một con người cao cả, một con người “biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình” (Hà Minh Đức), ẩn sau cái lạnh lùng, tàn nhẫn ấy là một tấm lòng thiết tha, sôi nổi với đời, với người. Ông làm cho người thấy xấu hổ vì cái xấu để mà sống tốt. Nếu không phải là người có một tấm lòng nhân ái cao độ thì ông đã chẳng thấu hiểu được bi kịch trong những nhân vật như Hộ, như Điền, như Thứ. Chính bút pháp khách quan, lạnh lùng này đã khiến ngòi bút Nam Cao lách sâu được vào sự thật, có sự đào sâu, tìm tòi mới mẻ trong cả đề tài người nông dân và đề tài người trí thức - những đề tài đã quá quen thuộc trong văn học; nhưng chưa ai nói được một cách sâu sắc, thâm thía bi kịch tinh thần trong cuộc sống của người trí thức hay thảm hoạ bị lưu manh hoá, bị xã hội làm thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân như nhà văn Nam Cao.
Những nhà văn hiện thực khác thường xây dựng nhân vật qua hành động, bằng cốl truyện. Nam Cao khắc hoạ nhân vật của mình bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật. Ông có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo để làm rõ bản chất nhân vật. Nam Cao sử dụng những dòng độc thoại nội tâm để nhân vật tự thể hiện mình, vì vậy, nhân vật cùa Nam Cao thường hiện lên qua tác phẩm trong những dòng suy tưởng. Chẳng ai có thể tin Hộ là người thương vợ con, có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp nếu chỉ toàn thấy những hành động cục cằn. thô lỗ của anh mà không đọc những suy ngẫm của anh về gia đình, về nghề nghiệp qua những đoạn nhà văn để cho Hộ tự độc thoại. Hộ không thể tàn nhẫn với Từ, và Hộ không cẩu thả trong văn chương, bởi anh nghĩ rằng sự cẩu thả trong văn chương là đê tiện.
Nam Cao rất ít khi miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại hình nhưng nếu có thì cũng chỉ để khắc hoạ tâm lí nhân vật. Chí Phèo đang trong trạng thái say, chân bước loạng choạng, nên tàu lá chuối cũng được tả như “giẫy đành đạch" Thứ (Sống mòn) đang buồn khổ vì cuộc đời, tâm lí đang có phần suy sụp nền Nam Cao viết: “Mắt y đã nghiêm trang, trán y đã lo âu”... Và có lẽ chính việc để nhân vất, đặc biệt là nhân vật trí thức, suy tưởng nhiều nên trong tác phẩm của Nam Cao luôn có giọng điệu triết lí sâu sắc. Những triết lí về đời, về thái độ của con người như “nước mắt là miếng kính biến hình của vũ trụ”, “con người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh cùa phường ích kỉ” (Nước mắt) hay “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho...” (Đời thừa). Những triết lí về nghề nghiệp là những điều thường gặp trong tác phẩm của ông. Đó cũng là một nét “rất riêng, mới lạ” của nhà văn này.
Phong cách cùa nam Cao - những cái nét “rất riêng, mới lạ" thể hiện trong sáng tác của ông - chính là hướng tiếp cận cuộc sống rất đặc biệt. Ông có cách nhìn nhận và đánh giá, quan làm đến con người không giống ai. Tất cả những trăn trở, suy tư tưởng hiện thực, cách cảm, cách nghĩ của ông lại được thể hiện trong một lối đặc sắc. Người ta không thể lẫn Nam Cao với một ai khác.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao có nhiều thay đổi nhưng tài năng, phong cách của ông không vì thế mà phai nhạt đi. Dù cơ bản chỉ để lại truyện Đôi mắt nhưng Nam Cao vẫn chứng tỏ được mình. Đôi mắt vẫn mang những nét cơ bản trong phong cách Nam Cao. Ông viết về những vấn đề rất lớn lao cùa đất nước nhưng lại thể hiện nó trong môi trường nhỏ hẹp: trong gia đình của nhân vật Hoàng. Câu chuyện có ý nghĩa rất lớn lao nhưng lại được thể hiện chủ yếu qua đối thoại của hai văn sĩ lâu ngày gặp nhau nhận xét về người nông dân mình. Ông ít để cho nhân vật hành động mà để cho nhân vật tự nói nhiều, như một thủ pháp độc thoại vậy. Và ông vẫn dùng ngòi bút miêu tả khắc hoạ tâm lí sắc sảo của mình đối với từng nhân vật.
Phong cách cùa Nam Cao được thể hiện khá rõ ràng và nhất quán, chỉ tiếc ông hi sinh quá sớm, khi tài năng đang ở độ chín. Nhưng với những gì còn để lại cho đời, ông đã chứng tỏ được phong cách của mình, cái tài, cái tâm của mình. Nam Cao đúng là một trong số không nhiều nhà vãn đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của sự sáng tạo nghệ thuật.
bởi thái thị thảo 15/09/2018Like (0) Báo cáo sai phạm -
Văn chương phản ánh cái nhìn về cuộc sống, trong cuộc sống lại vô cùng phức tạp, muôn hình, muôn vẻ, vô kể, vô biên, đa dạng sắc màu. Bởi thế, cho nên mỗi nhà văn, nhà thơ lại có một cái nhìn, một cách cảm nhận độc đáo, riêng biệt, cái đó người ta gọi là phong cách văn học. Bàn về vấn đề này có nhận định cho rằng “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người viết phải có phong cách nổi bật, tức là phải có nét gì đó rất riêng, mới lạ, thể hiện trong tác phẩm của mình”. Đây là một ý kiến đúng đắn, và cần thiết trong quá trình sáng tác văn học của mỗi tác giả.
Thật vậy, Nam Cao đã từng viết “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một kiểu mẫu người ta đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khởi và sáng tạo những gì chưa ai có”. Tác là phải luôn luôn sáng tạo để tìm ra giá trị nâng cho tác phẩm của mình, trong đó có sự sáng tạo về mặt phong cách. Vậy Phong Cách văn học là gì? “phong cách chính là người” hay “phong cách nghệ thuật” là cái còn lại hoặc hạt nhân mà sau khi từ nhà văn chúng ta bóc đi những cái không phải của anh ta và tất cả những các cái anh ta giống người khác. Tóm lại phong cách nghệ thuật của Nhà văn là nét riêng biệt, độc đáo của nhà văn ấy trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể.
Nhận thức trên là một ý kiến đúng đắn, có tính chất định lý, kim chỉ nam trong quá trình sáng tác của các nhà văn, nghệ sĩ. Phong cách, được hình thành trước hết là do nhu cầu của cuộc sống. Dòng chảy của cuộc sống không bao giờ gặp lại, văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống, nên nó không thể không phản chiếu, lý giải, đánh giá, dự báo về những yếu tố mới mẻ đó. Thứ hai phong cách văn học cũng nảy sinh do nhu cầu sáng tạo văn học, bởi bản chất của văn chương là sáng tạo, đó là yếu tố làm nên sức hấp dẫn, sức sống lâu bền của văn học. Nguyễn Tuân cho rằng “cái bình thường là cái chết của nghệ thuật”. Nhà văn là những nhà thám hiểm luôn sẵn sàng băng qua đường biên để đến với cái mới, nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đối với người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình. Chẳng hạn khi nhắc tới Tố Hữu người ta lại nhớ ngay đến ông là một nhà thơ luôn mang trong mình phong cách chính trị và trữ tình sâu sắc. Không những thế thơ Ông còn đậm đà tính dân tộc, mà biểu hiện những nét rất rõ có lẽ là bài thơ “Việt Bắc”. Để từ nội dung chúng ta thấy “Việt Bắc” là một tác phẩm viết về một sự kiện chính trị trọng đại lịch sử của dân tộc, đó là sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi hiệp định Giơnevơ đã ký kết Đảng và Chính phủ đã rời Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện chia tay mang tính chất lịch sử này Tố Hữu đã sáng tác ra bài thơ “Việt Bắc” qua hình ảnh thiên nhiên sự tái hiện bức tranh bốn mùa nơi Việt Bắc với đủ màu sắc, âm thanh, đường nét. Tác giả đã ca ngợi tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Rừng thu trăng rọi hòa bình”
Không những thế Tố Hữu còn tập trung thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người dân tộc Việt Nam, như đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, với quá khứ thiết tha với cội nguồn không bao giờ quên. Những tình cảm gắn bó chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ.
“Mình về mình có nhớ ta,
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không,
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
Bên cạnh đó còn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui sống, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức kháng chiến.
“Điều quân chiến dịch Thu Đông,
Nông thôn phát động, giao thông mở đường,
Giờ đi phòng bạn thu lương,
Gửi giao miền ngược, thêm trường các khu…”
Mật khác Tố Hữu còn đề cập đến đặc trưng trong đời sống của con người Việt Nam như, đời sống sinh hoạt với “bát cơm sẻ nửa”, “lớp học i tờ”, đời sống công tác, lao động “ngày tháng, cơ quan”, “chày đêm nệm cối đều đều suối xa”, cũng như cái dáng tảo tần, lam lũ của người mẹ miền núi “địu con lên rẫy bé từng bắp ngô”.
Tinh thần dân tộc trong thơ Việt Bắc của Tố Hữu còn thể hiện trong phương diện nghệ thuật, đầu tiên phải kể đến là thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc dễ thuộc, dễ nhớ, thân thuộc, gần gũi thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Ngôn ngữ đơn giản, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, phát huy cao độ tính nhạc của tiếng Việt bằng cách sử dụng từ láy nghệ thuật tiểu đôi trong từng câu thơ.
“Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”.
Hình thức đối đáp giao duyên với cặp đại từ nhân xưng, “mình, ta”, cách nói ví von, so sánh “nhớ gì như nhớ người yêu”, “đêm đêm rầm rập như là đất rung”… Tóm lại kế thừa xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, nhất là thơ ca dân gian và thơ cổ điển. Tố Hữu đã mang cho mình phong cách thơ đậm đà tính dân tộc, thể hiện trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật.
Ngược lại với Tố Hữu Xuân Diệu lại được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Bởi lẽ Xuân Diệu không chú ý sử dụng ngôn ngữ cổ điển, bình dị, mà ngôn ngữ của ông mới lạ, táo bạo, ngay cả về cách chuyển đề cảm giác, cấu trúc thơ cũng có nét mới lạ, đậm sắc màu phương Tây.
“Hơn một loài hoa đã rụng cánh
Trong vườn sáng đỏ mà màu xanh”.
Hay.
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người”.
Khác hẳn với những nhà văn nhà thơ khác Nguyễn Tuân lại được mệnh danh là “người thợ kim hoàn của ngôn ngữ tiếng Việt”, điều đó đã được kiểm chứng qua một loạt tác phẩm của Nguyễn Tuân từ truyện đến ký mà tiêu biểu là bài văn, tùy bút “Người Lái Đò Sông Đà”, ông có một khả năng sử dụng ngôn từ vô cùng linh hoạt, không hề lặp lại trong cách diễn đạt mà trước hết được thể hiện trong cách miêu tả giàn thạch trận đá trên sông Đà. “vòng đấu vừa mới, nó mở ra cửa trận có bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm lấp ló phía tà ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào và cửa tinh lại bố trí lệch qua bờ hữu ngạn…” Sông Đà không còn là một vật vô tri, vô giác nữa, mà hiện lên giống như những tên lính thủy đầy mưu mẹo, nham hiểm, hiếu chiến, mỗi thằng một bộ mặt, một dáng vẻ nhưng đều chung một mục tiêu là ăn chết các thuyền và người lái đò. Trong khi nước sông Đà “ùa vào bẻ gãy cánh chèo” thì sóng sông Đà lại “như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng vào hông thuyền, có lúc đội cả thuyền lên”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân ông đò đã trở thành một người nghệ sĩ lái đò với những động tác vô cùng điêu luyện, chuẩn xác. Có lúc ông Đò cưỡi thác sông đà mà như là cưỡi hổ, phải cưới đến cùng mà có lúc lại như đang cưỡi một con ngựa bất kham, “nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng, Ông đò ghì cương lại bám chắc lấy luồng nước đứng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lại vượt một đường chéo về phía của đá ấy”, có lúc ông đó lại “ma rảo bởi chèo lên”, lúc thì “đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiếp”. Thú vị hơn cả khi nói đến tài năng sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân chúng ta không thể kể đến các phương pháp nghệ thuật đa dạng, trường liên tưởng phong phú, tài hoa mà tác giả đã sử dụng xuyên suốt tác phẩm. Nhất là nghệ thuật hóa so sánh âm thanh của nước sông Đà được động vật hóa thành tiếng dung của một ngàn con trâu mộng, thậm chí Ông còn lấy cả nước, lửa hai vật vốn tương khắc, hủy diệt nhau nhưng vào trong tác phẩm lại hiệp xúc cho nhau “thế rồi nó râng lên như tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vào rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Nếu không có biệt tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, chuẩn xác, vốn từ ngữ phong phú, uyên bác, kỹ thuật sử dụng ngôn từ mang đậm dấu ấn cá nhân, phong cách của mình Nguyễn Tuân khó có thể đạt được thành công và cho ra đời những tác phẩm hay như thế.
Qua một số ẩn dụ nêu trên ta thấy được từ phong cách văn học mà ta nhận diện được từng gương mặt tác giả và những điều độc đáo không lập lại ở họ, cũng qua phong cách nghệ thuật mà chúng ta nhận thức được sự trưởng thành không chỉ của nhà văn mà còn nhận thức được trình độ phát triển của một trào lưu văn học, gương mặt chung của văn học dân tộc cho từng thời đại phát triển. Để tạo được phong cách và dấu ấn riêng trong từng tác phẩm của mình mỗi nhà văn, nhà thơ phải không ngừng học hỏi, tìm tới cái mới ngay cả khi đã tạo được tìm hiểu chắt lọc. Luôn xem xét kỹ sự việc, vấn đề, lật đi lật lại bởi sáng tạo không phải là khai phá những gì người ta chưa nhìn thấu ở nơi họ đã từng đặt chân lên rồi, mà khéo léo làm nổi bật phong cách riêng của mình thể hiện trong nhiều tác phẩm chứ không chỉ riêng một bài nào hết. Có như thế người đọc mới tìm ra và đúc kết lại được phong cách của từng người và các độc giả cũng phải trau dồi vốn ngôn ngữ của mình để hiểu rõ hơn về tác phẩm, biết cách chọn lọc cái chung, cái riêng của mỗi tác giả để rồi từ đó thấu hiểu dấu ấn của từng người.
Như vậy, nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết phải có những phong cách nổi bật, tức là phải có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình là một nhận định hoàn toàn đúng đắn. Chỉ khi các tác giả tạo được dấu ấn cá nhân của mình trong sáng tác thì tác phẩm của họ mới thực sự có dấu ấn trên văn đàn. Qua đây ta càng hiểu thêm về cách cảm thụ văn chương và tài năng của các tác giả hơn./.
bởi Love Linkin'Park 08/07/2019Like (0) Báo cáo sai phạm
Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng
Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!
Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản
Các câu hỏi mới
-
Em muốn biết cách mở bài gián tiếp chỉ có tác giả tác phẩm mà không có hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật như vậy có được không
04/12/2022 | 1 Trả lời
-
Phân tích giúp mình bài Người Lái Đò Sông Đà
15/12/2022 | 0 Trả lời
-
Chào mọi người, giúp mình vài câu hỏi SGK bài thơ Tự do này với nhé
15/12/2022 | 0 Trả lời
-
Phân tích đoạn 1
Phân tích bài thơ
16/12/2022 | 0 Trả lời
-
"Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh."
02/04/2023 | 1 Trả lời
-
14/06/2023 | 1 Trả lời
-
Toàn bộ bài thơ Sóng, các khổ thơ đều có 4 câu, duy chỉ có khổ 5 là có 6 câu. Điều đó có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ cảm xúa của nhân vật trữ tình.
13/06/2023 | 1 Trả lời
-
13/06/2023 | 1 Trả lời
-
14/06/2023 | 1 Trả lời
-
13/06/2023 | 1 Trả lời
-
19/06/2023 | 1 Trả lời
-
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
Nêu cảm nhận của anh (chị) về chi tiết căn buồng Mị ở có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay, trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.?
Suy nghĩ ấy cho thấy điều gì trong thái độ sống của Mị ?
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
Vì sao Mị phải làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra? Câu chuyện đau buồn của Mị nói lên điều gì trong thân phận của những người dân nghèo miền núi?
19/06/2023 | 1 Trả lời
-
Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: "Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu."
19/06/2023 | 1 Trả lời
-
Vì sao ông đò Lai Châu chỉ muốn cắm thuyền ở chỗ biên giới thủy phân cuối cùng của đá thác Sông Đà? Điều đó chứng tỏ ông đò là người như thế nào?
19/06/2023 | 1 Trả lời
-
21/06/2023 | 1 Trả lời
-
Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong cuộc chiến đấu với con sông hung dữ. Từ đó, hãy cắt nghĩa vì sao, trong con mắt Nguyễn Tuân, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là gì? Anh đã phát hiện như thế nào về vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mù sương?
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
21/06/2023 | 1 Trả lời
-
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của các nhân vật trong truyện cho thấy nhà văn đã sáng tạo được tình huống truyện như thế nào? Tình huống đó có những tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của thiên truyện?
21/06/2023 | 1 Trả lời
-
Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc như thế nào khi thể hiện niềm khát khao đó của nhân vật Tràng (lúc quyết định đến người đàn bà theo về, trên đường về xóm ngụ cư, buổi sáng đầu tiên có vợ...)?
20/06/2023 | 1 Trả lời
-
21/06/2023 | 1 Trả lời
-
Hình tượng bao trùm xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng. Mạch liên kết các khổ thơ là những khám phá liên tục về sóng. Hãy phân tích hình tượng này.
21/06/2023 | 1 Trả lời