YOMEDIA

Phân tích ý nghĩa của hồi trống trong Hồi trống cổ thành

Tải về
 
NONE

Mời các em học sinh lớp 10 cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa của hồi trống trong Hồi trống cổ thành dưới đây nhằm giúp các em nắm vững kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học. Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Hồi trống cổ thành.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả La Quán Trung và tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”: La Quán Trung là người mở đường cho tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh. Tam Quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng với 120 chương.

- Giới thiệu về đoạn trích hồi trống cổ thành: vị trí, nội dung

- Giới thiệu chi tiết hồi trống cổ thành: Là chi tiết đặc sắc của truyện mang nhiều ý nghĩa.

b. Thân bài:

- Diễn biến của hồi trống:

  • Trương Phi nghi ngờ Quan Công đem quân đến để bắt mình, Trương Phi đùng đùng nổi giận múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công.
  • Quan hết lời giải thích, được Trương Phi cho một cơ hội để thể thể hiện tấm lòng: Sau ba hồi trống phải lấy được đầu tên tướng giặc.
  • Trương Phi thẳng cách đánh trống, chưa dứt một hồi đầu Sái Dương đã lăn xuống đất.
  • Quan Công bắt một tên lính và hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, Trương Phi hỏi kĩ việc ở Hứa Đô. Quan Công được minh oan.

- Ý nghĩa chi tiết của hồi trống:

  • Nếu ra trận, những hồi trống khác là hồi trống thúc giục tiến lên, làm nức lòng ba quân tướng sĩ, thì hồi trống Cổ Thành đúng như La Quán Trung viết: "Chém Sái Dương, anh em hòa giải /Hồi Cổ Thành, tôi chúa đoàn viên"
  • Hồi trống thách thức: Đây là hồi trống để thử thách lòng trung thành của Quan Công, thử thách tài năng của Quan Công. Hồi trống vang lên cũng có nghĩa là Quan Công phải lao vào một cuộc chiến đối mặt với kẻ thù, đối mặt với hiểm nguy và cái chết. Tiếng trống giục giã như hối thúc nhân vật hành động.
  • Hồi trống minh oan: Quan Công đã không ngần ngại chấp nhận lời thách thức của Trương Phi để khẳng định lòng trung thành của mình. Bản thân sự dũng cảm đó đã thể hiện được tấm lòng Quan Công. Hơn thế nữa, ngay khi chưa dứt một hồi trống, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất, và những tiếng trống tiếp theo đó chính là để minh oan cho Quan Công.
  • Hồi trống đoàn tụ: Kết thúc ba hồi trống, Quan Công giết tướng giặc, mọi nghi ngờ được hóa giải, và đó là lúc mà các anh hùng đoàn tụ. Hồi trống còn có ý nghĩa như là sự ngợi ca tình nghĩa huynh đệ, ngợi ca tấm lòng trung nghĩa của các anh hùng. Tiếng trống lúc này không còn thúc giục, căng thẳng, vội vã mà tiếng trống như reo vui chúc mừng cuộc hội ngộ của ba anh em.

→ Hồi trống thể hiện không khí hào hùng của chiến trận, là hồi trống thúc giục tinh thần chiến đấu, ca ngợi tài đức của các anh hùng. Đó là hồi trống thể hiện niềm vui, khẳng định niềm tin và ngợi ca chiến thắng.

→ Hồi trống cổ thành cũng có ý nghĩa tháo nút cho câu chuyện, tạo nên một kết thúc tốt đẹp cho câu chuyện.

c. Kết bài:

- Khái quát vị trí vai trò của chi tiết hồi trống.

- Thể hiện cảm nhận của bản thân: Là chi tiết đặc sắc, thú vị đầy gay cấn đem lại hứng thú cho người đọc.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích ý nghĩa của hồi trống trong Hồi trống cổ thành bằng một bài văn ngắn.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Hồi trống cổ thành thuộc hồi thứ 28 kể lại diễn biến Quan Công gặp lại Trương Phi với nội dung hết sức gay cấn, hấp dẫn. Đoạn trích không chỉ hấp dẫn ở nội dung giàu kịch tính mà còn hấp dẫn bởi những chi tiết giàu ý nghĩa mà trước hết chính là chi tiết hồi trống.

Sau khi ba anh em Lưu – Quan – Trương rời bỏ Tào Tháo và bị Tào Tháo đuổi đánh khiến ba anh em mỗi người một ngả: Lưu Bị chạy về với Viên Thiệu, Trương Phi ở Cổ Thành, còn Quan Công vì phải bảo vệ chị dâu (vợ Lưu Bị) nên phải ở lại chỗ Tào Tháo, nhưng Quan Công chỉ hàng Hán chứ không hàng Tào và đưa ra điều kiện khi nghe tin anh mình là Lưu Bị ở đâu lập tức sẽ đi tìm anh ngay. Quan Công lên đường tìm Lưu Bị và trong quá trình ấy đã gặp lại Trương Phi. Khi hai anh em gặp lại nhau đã có biết bao biến cố xảy ra.

Khi gặp lại Quan Công, ngay lập tức Trương Phi khẳng định Quan Công là kẻ phản bội bởi: Tôi trung không bao giờ thờ hai chủ (Trung thần thà chịu chết không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ). Bởi vậy, khi biết Quan Công ở doanh trại của Tào Tháo, Trương Phi đã có hành động vô cùng quyết liệt, dứt khoát: Phi nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc với mục đích đánh lại Quan Công. Dù nhận được lời khuyên từ hai phu nhân và Tôn Càn, Trương Phi vẫn nhất quyết không tin. Hơn nữa Trương Phi còn thấy một toán quân của Tào, cho đó là Trương Phi đem quân đến để bắt mình. Hai hiểu lầm công gộp với nhau khiến cho mâu thuẫn ngày càng lớn và cần giải quyết. Trương Phi đã lựa chọn hình thức thử thách cho Quan Công, đó là sau ba hồi trống Quan Công phải giết được tướng Tào để chứng minh sự trong sạch của mình. Bởi vậy hồi trống này có nhiều ý nghĩa.

Trong khi Trương Phi đang hừng hực khí thế chiến đấu còn Quan Công đang cố gắng giải thích để hóa giải mọi hiểu nhầm thì Sái Dương mang quân kéo đến chân Cổ Thành. Sự xuất hiện của Sái Dương đã đẩy sự căng thẳng lên tột độ, Trương Phi một mực cho rằng Quan Công đã đưa Sái Dương đến để bắt mình.

Cuối cùng, Trương Phi đã ra một điều kiện quan trọng, để chứng minh sự trung thành, trong sạch của bản thân thì Quan Công phải lấy được đầu của Sái Dương. Sau khi ba tiếng trống gióng lên Quan Công đã vung đao và lấy được đầu Sái Dương, hoàn thành thử thách mà Trương Phi đưa ra cho mình.

Hồi trống cổ thành còn mang ý nghĩa như sự giải oan cho Quan Công. Sau khi dốc toàn bộ sức lực để bảo vệ hai chị dâu bỏ trốn khỏi tầm kiểm soát của Tào Tháo, khi đến chân thành Quan Công ngỡ rằng mình sẽ nhận được sự đón tiếp của TRương Phi thì mọi việc lại không như Quan Công mong muốn. Không hề có cái ôm hội ngộ nào mà lễ đón tiếp lại là cuộc giao chiến đầy căng thẳng.

Khi đã biết mọi hiềm khích, hiểu lầm nơi Trương Phi thì Quan Công đã cố gắng giải thích nhưng không nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của Trương Phi. Cuối cùng để chứng minh tấm lòng trong sạch, Quan Công đã chấp nhận thử thách của Trương Phi chém đầu Sái Dương trong ba hồi trống. Sau khi đã hoàn thành thử thách, Trương Phi đã hối hận và cầu xin sự tha thứ của Quan Công, huynh đệ đoàn tụ. Do đó hồi trống cổ thành đối với Quan Công lại là sự giải oan cho tấm lòng trung thành, trong sạch.

Hồi trống cổ thành còn là âm thanh đoàn tụ của Trương Phi và Quan Công. Sau mọi biến cố, hiểu lầm thì cuối cùng cũng hiểu rõ tấm lòng tín nghĩa của nhau,. Hồi trống mang đến sự cảm động của tình cảm huynh đệ cảm động, họ là những người sẵn sàng hi sinh mạng sống vì nhau nhưng không chấp nhận sự bội tín, phản bội.

“Hồi trống cổ thành” mang nhiều ý nghĩa độc đáo, có lẽ cũng vì sự đa nghĩa trong hình ảnh này nên người biên soạn mới lựa chọn làm nhan đề của đoạn trích.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Tam Quốc diễn nghĩa là một trong tứ đại kiệt tác của nền văn học Trung Hoa, thuộc thể loại tiểu thuyết chương hồi, phát triển các sự kiện và cuộc đời nhân vật theo bối cảnh thời gian và bối cảnh lịch sử. Giá trị của tác phẩm nằm ở nhiều khía cạnh trong đó nổi bật là góc nhìn của tác giả về các nhân vật anh tài trong lịch sử có nhiều biến động của Trung Quốc xưa, lồng ghép vào đó là những bài học sâu sắc về cách nhìn nhận cuộc đời, nhìn người, cách đối nhân xử thế, các lĩnh vực chính trị, quân sự thông qua cuộc tranh giành kéo dài gần trăm năm của ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Một trong số những điểm đáng chú ý nhất của Tam Quốc là mối quan hệ của Lưu Bị - Trương Phi - Quan Vũ, vừa là tình anh em thân thiết kết nghĩa đào viên, vừa là mối quan hệ quân thần trung thành, tận tụy. Đoạn trích Hồi trống cổ thành là một trong những đoạn trích hay và đáng giá là nổi bật mối quan hệ của ba nhân vật này, cho người đọc những chiêm nghiệm, ý nghĩa sâu sắc.

Nhận thấy đầu tiên ở đoạn trích Hồi trống cổ thành ấy là sự ca ngợi mối quan hệ huynh đệ gắn bó, nghĩa tình sâu nặng giữa ba người Lưu Bị - Trương Phi - Quan Vũ. Ca ngợi bởi lẽ sự gắn kết ấy là đến từ sự cảm mến, ngưỡng mộ tài năng, đức độ lẫn nhau, dựa trên cơ sở cùng chung lý tưởng gây dựng giang sơn xã tắc, trừ gian diệt hại, lập nên nghiệp lớn. Để khẳng định tình cảm cao đẹp và lý tưởng nam nhi, ba người đã chọn hình thức kết nghĩa vườn đào, uống chén rượu nghĩa để bày tỏ tấm lòng khảng khái hào hiệp, coi trọng mối quan hệ huynh đệ hiếm có, tuy không sinh cùng cha mẹ, cùng ngày cùng tháng, nhưng nguyện được cùng vào sinh ra tử, tin tưởng, bảo bọc lẫn nhau. Có thể nói rằng trong chế độ phong kiến và dưới ảnh hưởng sâu sắc của nền Nho học Khổng Tử, tình huynh đệ kết nghĩa như của bộ ba Lưu Bị - Trương Phi - Quan Vũ là vô cùng đáng trọng, đáng quý, thậm chí là thiêng liêng hơn cả máu mủ ruột già. Lại nói đến hoàn cảnh trong đoạn trích Hồi trống cổ thành, chúng ta có thể nhìn nhận rõ được thứ tình nghĩa gắn bó và cao đẹp này thông qua việc Quan Vũ vì bảo vệ các vị phu nhân của Lưu Bị mà chấp nhận giả vờ hàng Tào Tháo. Tuy vậy trong suốt thời gian dù ở trong doanh trại địch nhưng lòng của Quan Vân Trường vẫn chưa từng dao động bởi những cẩm y ngọc thực và sự hậu đãi của kẻ thù, mà lòng ông chỉ hướng về nghĩa huynh Lưu Bị, hướng về vị quân chủ mình đang phò tá. Ngày ngày tìm cơ hội, chỉ đợi thời cơ tới là lập tức bảo vệ hai vị phu nhân chạy khỏi trướng giặc về với anh em.

Đối với Trương Phi đây là hồi trống có ý nghĩa thách thức Quan Công, đặt Quan Công vào thử thách buộc phải vượt qua để minh chứng cho sự trong sạch của bản thân. Cũng cần lưu ý số hồi trống mà Trương Phi đưa ra cho Quan Công là ba hồi, tại sao là ba hồi chứ không phải ít hơn hay nhiều hơn. Ta biết rằng, Trương phi là con người hết sức nóng nảy, bởi vậy nếu là năm hồi sẽ quá lâu và Trương Phi không thể kiên nhẫn chờ đợi. Còn nếu là một hồi thì lại quá ít khiến Quan Công bị đặt vào tình thế khó có thể chứng minh. Như vậy, ba hồi là hợp lí nhất, là thời gian vừa đủ để Quan Công minh chứng mình trong sạch, đồng thời ba hồi cũng thể hiện hi vọng, mong muốn của Trương Phi đối với Quan Công.

Còn đối với Quan Công đây là hồi trống minh oan. Khi nhận được yêu cầu của Trương Phi, Quan Công lập tức đồng ý ngay, bởi Quan Công hiểu rất rõ tính cách của Trương Phi, nếu không minh chứng được thì mãi mãi Trương Phi không công nhận sự trong sạch của Quan Công. Quan Công là người tự ra điều kiện để lấy lại lòng tin của Trương Phi, chém đầu Sái Dương, chấp nhận thêm điều kiện về thời gian của Trương Phi, nhanh chóng thực hiện. Sái Dương là tướng giỏi của Tào Tháo. Dưới trướng Tào Tháo, Sái Dương là người duy nhất không phục Quan Công. Tần Kì – một người trong số 6 tướng bị Quan Công giết lại là cháu ngoại của Sái Dương. Khi Tào Tháo không đồng ý cho đi giết Quan Công thì Sái Dương vẫn nhất quyết đi. Bởi vậy lựa chọn giết Sái Dương là lựa chọn đúng đắn nhất. Ngoài ra, để tăng sức thuyết phục với Trương Phi, Quan Công còn bắt một tên lính Tào, kể lại đầu đuôi cho Trương Phi hiểu. Quan Công là người trung nghĩa, tài năng, khôn khéo, bình tĩnh, gỡ được tình thế khó khăn.

Sau những khó khăn, thử thách đó họ đã nhận ra nhau, bởi vậy hồi trống còn mang một ý nghĩa khác là hồi trống đoàn tụ. Sau khi nghe những lời chị dâu kể về vô vàn những khó khăn mà Quan Công phải trải qua để bảo vệ chị dâu bởi vậy Trương Phi đã quỳ xuống và khóc. Hành động đó đã cho thấy nỗi niềm thương anh sâu sắc cũng nhưng sự ân hận khi đã đối xử tệ bạc với anh, đồng thời hành động quỳ xuống cũng như là một lời tạ tội Trương Phi gửi đến Quan Công.

Với chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu ý nghĩa, hồi trống không chỉ cho thấy tình cảm sâu nặng mà Trương Phi dành cho Quan công mà còn cho thấy sự bình tĩnh, bản lĩnh tự tin của Quan Công để minh chứng sự trong sạch của mình. Đồng thời chi tiết này cũng cho thấy tài năng nghệ thuật bậc thầy của tác giả.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF