Văn bản “Mẹ tôi” của nhà văn Ét-môn-đơ đô A-mi-xi là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống. Đó là những bài học về tình cảm gia đình thiêng liêng và đáng trân trọng. Mời các em cùng tham khảo tài liệu Phân tích những bài học được rút ra từ văn bản Mẹ tôi của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này. Chúc các em học tập thật tốt!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Ét-môn-đô đơ A-mi-xi và văn bản Mẹ tôi (trích Những tấm lòng cao cả)
- Nêu vấn đề: Văn bản đã giúp cho mỗi chúng ta nhận ra những bài học về giá trị sống sâu sắc.
2.2. Thân bài
- Khái quát nội dung văn bản : Câu chuyện về bức thư của bố gửi En-ri-cô.
- Bài học cuộc sống sâu sắc thông qua câu chuyện:
+ Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng và phải trân quý.( bài học thứ nhất)
+ Sự khéo léo trong ứng xử và nuôi dạy con cái của người bố. ( bài học thứ 2)
+ Phải biết nhận ra lỗi lầm của bản thân và sửa sai. (bài học thứ 3)
=> Cần trân trọng cuộc sống và những gì mình đang có.
2.3. Kết bài
Khẳng định giá trị nhân văn mà văn bản Mẹ tôi mang lại: đó không chỉ là những bài học mà còn là những điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích những bài học được rút ra từ văn bản Mẹ tôi
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Nhà văn người I-ta-li-a: Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Những tấm lòng cao cả" đã cho thấy được vai trò của nhà trường và cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em. Một câu chuyện nhỏ trích từ cuốn sách là văn bản "Mẹ tôi", ở đó, tác giả khiến người đọc nhận ra được những bài trị nhân sinh sâu sắc về cuộc đời và đạo làm người.
Văn bản "Mẹ tôi" được viết dưới dạng một bức thư. Câu chuyện xoay quanh sự việc cậu bé En-ri-cô đã nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ khi nói với mẹ lúc cô giáo đến thăm nhà. Chứng kiến sự việc, bố của cậu đã viết một thức thư gửi cậu. Đó là một bức thư thật xúc động! Trong bức thư đó có cả thất vọng, cả trách mắng, cả động viên, hơn hết đó là những tâm sự chứa chan tình cảm của một người bố gửi cho đứa con trai mới chập chững vào đời. Tất cả mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm đáng trân quý.
Bài học thứ nhất hẳn thật dễ dàng nhận ra: tình cảm gia đình là điều thiêng liêng và phải nâng niu. Trong bức thư, bố En-ri-cô đã thể hiện sự thất vọng, đó "như một nhát dao đâm vào tim bố vậy!". Hình ảnh En-ri-cô thiếu lễ độ với mẹ khiến người bố nhớ lại những vất vả, nhọc nhằn khi người mẹ ấy lo lắng cho En-ri-cô khi cậu ốm nặng, "người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn" . Rõ ràng, người mẹ đó có thể từ bỏ hết tôn nghiêm và tự trọng, sức lực và tính mạng để con mình khỏe mạnh, một người có thể nhận hết mọi điều tồi tệ của để con được bình an. Vậy thì, điều mà mẹ xứng đáng được nhận nhất không phải là sự vô lễ kia. Chúng ta đều hiểu rằng, cho dù mình lớn lên, trưởng thành thì trong lòng cha mẹ, chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ mà thôi và tình yêu thương, sự sinh và cam chịu của mẹ cha thì vẫn thế. "Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ". Trái tim người mẹ là vĩ đại nhất, bao la và rộng lớn nhất. Nếu dùng sự bội bạc để đối đãi sẽ làm cho trái tim đẹp đẽ ấy đau đớn, tổn thương, thế nhưng tình yêu đối với con sẽ không bao giờ thay đổi. Bố En-ri-cô đã nhấn mạnh rằng: Dù con có thành công bao nhiêu, giàu có bao nhiêu nhưng nếu làm mẹ buồn phiền thì cậu sẽ sống không thanh thản, day dứt và cắn rứt. Hơn tất cả, sự kính trọng với cha mẹ- người đã sinh ra và nuôi con trưởng thành chính là món quà đáng trân quý nhất để đền đáp những công ơn mà bố mẹ đã dành cho con.
Trong văn bản "Mẹ tôi", ta sẽ tự đặt câu hỏi: Tại sao người bố không ngay lập tức thể hiện thái độ trực tiếp với con? Qua đó, người đọc nhận ra sự tinh tế trong việc giáo dục con cái của người bố. Ở đây, sự phẫn nộ của người bố bộc phát tuy kín đáo nhưng rất mạnh mẽ, tâm lý nhưng rất quyết liệt. Có lẽ, chính sự giáo dục đặc biệt này sẽ mang lại hiệu quả hơn cả những lời nạt nộ, răn đe hay đòn roi. Bóng dáng của người bố ấy qua cách dạy con cũng rõ rệt hơn, đó là người tràn ngập tình yêu đối với con nhưng không dung túng cho điều sai trái của con. Bố En-ri-cô lựa chọn phương pháp đánh vào nhận thức để cậu hiểu việc làm sai của mình, tuy cực kỳ bực tức trước thái độ của con nhưng ông vẫn nhẹ nhàng, bình tĩnh giúp con nhận ra và sửa đổi.
Bài học cuối cùng ta mong chờ và nhận ra có lẽ đó sẽ là thái độ của En-ri-cô. Đầu văn bản, người viết chỉ nói "tôi xúc động vô cùng". Thế nhưng, thông qua sự xúc động đó, người ta thấy được sự ăn năn của En-ri-cô. Người viết không thể hiện một lời xin lỗi nào, nhưng có lẽ sự ân hận của cậu không chỉ qua lời nói mà còn cả hành động với người mẹ kính yêu của mình. Bởi lẽ, ai trong đời cũng phạm phải một sai lầm nào đấy, nhưng, điều cần thiết nhất là nhận ra và sửa lỗi sai đó. Đó không chỉ là bài học của En-ri-cô mà còn là bài học lớn, lan tỏa đến mỗi chúng ta.
"Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương", đó lời từ tâm can người cha gửi đến con, cũng là lời thức tỉnh để mỗi chúng ta nhận ra được giá trị cuộc sống này. Cha mẹ, gia đình chính là điều ta cần gìn giữ và vun đắp vì đó là cội nguồn, là cốt lõi. Gia đình là nơi sinh ra ta hình hài , dưỡng dục ta nên người, cũng chính là nơi để ta trở về sau những va vấp của cuộc đời. Vậy nên, đừng làm gì thương tổn đến thứ tình cảm thiêng liêng đó và hãy trân trọng những gì mà mình đang có!
Văn bản Mẹ tôi của A-mi-xi đã mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc, đó là những bài học về cuộc đời và cách để trở thành một con người hoàn thiện. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ vai trò của giáo dục trong gia đình đối với sự phát triển mỗi cá nhân. Một người biết trân trọng nguồn cội, gốc gác, biết ơn người sinh thành thì ắt hẳn sẽ là một con người lương thiện.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Văn bản “Mẹ tôi” của nhà văn Ét-môn-đơ đô A-mi-xi là một tác phẩm hay và có ý nghĩa đối với việc giáo dục nhận thức con trẻ, thông qua tác phẩm, ta có thể rút ra được những bài học quý giá mà tác giả đã cố gắng đề cập tới.
Thư của người bố gửi cho cậu con trai của mình là En-ri-cô là một bức thư tuy ngắn ngủi nhưng lại dạt dào những nỗi niềm và tâm trạng. Bài văn hay chính là đọc bức thư của người bố chúng ta cảm nhận được tình cảm gia đình, cảm nhận một cách thấm thía những giá trị về cách ứng xử, lời ăn tiếng nói của con cái đối với cha mẹ. Hoàn cảnh bức thư là trong một lần khi cô giáo đến nhà, En-ri-cô khi nói với mẹ đã lỡ thốt ra những lời vô lễ, người cha chứng kiến sự việc đó đã vô cùng tức giận.
phan tich nhung bai hoc duoc rut ra tu van ban me toi cua nha van a mi xi - Phân tích những bài học được rút ra từ văn bản Mẹ tôi của nhà văn A-mi-xi
Phân tích những bài học được rút ra từ văn bản Mẹ tôi của nhà văn A-mi-xi
Đề cập vào ngay phần đầu bức thư, người bố đã răn đe con trai mình “Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa”, đồng thời bộc lộ tâm trạng của mình rất đau buồn, thất vọng “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy”, người cha đã thể hiện sự đau đớn, vừa buồn vừa giận, cảm thấy thất vọng vì con đã hành xử không xứng với tình yêu thương mà bố mẹ dành cho con. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh ấy, người cha vẫn giữ được bình tĩnh, nhẹ nhàng răn dạy và chỉ bảo cho con điều hay lẽ phải.
Đề cập tới hình ảnh người mẹ, chính là đại diện cho tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả, người cha đã khẳng định một chân lí rằng tình mẫu tử, sự gắn bó giữa mẹ và con là vô cùng khăng khít, bền chặt và tồn tại mãi với thời gian, trong mọi hoàn cảnh. Công lao mà cha mẹ sinh thành, nuôi nấng, dưỡng dục, đặc biệt là sự hi sinh của người mẹ vì con không có ngòi bút nào có thể diễn tả hết được. Giọng thư của người bố nhẹ nhàng, sâu lắng, tha thiết mà đi sâu vào cõi lòng người con, thẩm thấu vào từng suy nghĩ còn non xanh, bồng bột kia.
Cậu bé En-ri-cô đã vô cùng xúc động và cảm thấy ân hận, chúng ta cũng nên cảm thấy như vậy, bởi chính trong cuộc sống của chúng ta, chẳng ít thì nhiều chúng ta đều có những sai lầm khiến cha mẹ phiền lòng, buồn giận. Lời nhắc nhở của người bố được gửi gắm chỉ qua một bức thư, đó là một cách nhắc nhở thật kín đáo và tế nhị, giúp cho người mắc lỗi không mất đi lòng tự trọng của mình, đây cũng chính là một trong những bài học ứng xử trong nhà trường và xã hội.
Phần cuối bức thư, người bố khuyên En-ri-cô nên làm những việc thiết thực để cầu xin sự tha thứ từ mẹ, cậu bé đã nhận ra lỗi lầm và quyết định nghe theo lời khuyên của bố. Chúng ta có thể thấy được một thông điệp cao cả mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc mà khi đưa vào đối với người dân Việt Nam ta nó chính là câu tục ngữ: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------