YOMEDIA

Nghị luận xã hội về lối sống đẹp

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lối sống đẹp dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp bao gồm: Sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng bài văn mẫu nhằm giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn ngày càng hay hơn. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận xã hội về sự ích kỷ.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, trong một cộng đồng rộng lớn, mỗi cá nhân lại có những nét riêng biệt để phân biệt lẫn nhau.

- Thế nhưng dù có khác biệt đến mấy, thì xã hội vẫn luôn mong muốn và hướng con người đến một lối sống đẹp, sống văn minh, bằng nhiều hình thức định hướng, giáo dục từ gia đình đến nhà trường.

- Có thể nói sống đẹp được coi là một tiêu chuẩn chung mà con người luôn hướng đến trong xã hội kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

b. Thân bài:

* Định nghĩa và biểu hiện của sống đẹp:

- Sống đẹp là một khái niệm rộng, thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau.

- Một người sống đẹp tức là một người luôn có những ước mơ và lý tưởng tốt đẹp, luôn nỗ lực hết mình để lao động, để sáng tạo sớm ngày chạm tay vào ước mơ, vào mục tiêu mà mình đã đặt ra.

- Đề cao việc tu dưỡng rèn luyện phẩm cách đạo đức, sống có lòng tự trọng, nhân ái, con người đối xử với nhau một cách chân thành và cao thượng, biết khoan dung cho nhau.

- Biết im lặng để lắng nghe nhiều hơn, biết chia sẻ, biết cảm thông, tôn trọng và yêu thương gia đình, không tùy tiện phán xét hay chỉ trích một người nào đó.

- Nghiêm túc chấp hành pháp luật, là một công dân gương mẫu, có lòng tự tôn dân tộc, có lòng yêu nước tha thiết, sẵn sàng ra đi khi Tổ quốc gọi tên

- Không bị cám dỗ bởi những giá trị tầm thường, những thói hư tật xấu, đặt lợi ích của tập thể lên trên nhu cầu của cá nhân.

* Ý nghĩa của việc sống đẹp:

- Người sống đẹp trước hết sẽ được mọi người trong xã hội yêu quý, được tôn trọng, ngưỡng mộ, thành công hơn trong cuộc sống.

- Giúp xã hội ngày càng văn minh và phát triển hơn, giảm thiểu những tệ nạn, những vấn đề khiến dư luận phải đau đầu.

- Một người sống đẹp sẽ là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, dù khi đã về với cát bụi cũng được mọi người nhắc đến với tấm lòng ngưỡng mộ và trân trọng.

* Thực trạng hiện nay:

- Sự du nhập văn hóa nước ngoài khiến một bộ phận lớn giới trẻ hiểu sai và có suy nghĩ lệch lạc, thậm chí cổ súy cho lối sống Tây-ta hỗn loạn, xa rời đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Dần coi thường việc tu dưỡng đạo đức và tri thức, quên đi việc bồi dưỡng tâm hồn để sa đà lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ như mạng xã hội, game, những cuộc tụ tập chè chén vô nghĩa.

- Xã hội ngày càng trở nên vô cảm, thiếu hơi ấm của tình người. Tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, do lối sống sa ngã, suy đồi đạo đức, dẫn tới một xã hội rối ren và phức tạp khó kiểm soát.

- Sống không hề có lý tưởng có ước mơ, cổ súy tư tưởng thích hưởng thụ, tinh ăn lười làm, lười sáng tạo, lãng phí thanh xuân.

* Bài học:

- Con người phải luôn nỗ lực và cố gắng có được lối sống đẹp, để không trở thành nỗi thất vọng của gia đình, nhà trường, không trở thành gánh nặng cản trở bước phát triển của đất nước.

- Đối với các em học sinh, việc cần thiết nhất là chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, nghe lời dạy bảo của thầy cô cha mẹ, tuân thủ nội quy trường lớp, xác định cho mình ước mơ và lý tưởng, cũng như những mục tiêu gần và nỗ lực hết mình để hoàn thành nó.

c. Kết bài:

- Sống đẹp chưa bao giờ là khó khăn, chỉ cần tâm hồn chúng ta luôn hướng về cái đẹp, cái thiện ắt sẽ tự rèn cho mình một lối sống đẹp.

- Sống đẹp khiến tâm hồn con người trở nên thư thả, cuộc sống hạnh phúc, dù gặp bất kỳ khó khăn nào cũng không cảm thấy nản chí.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về lối sống đẹp mà em biết.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên ai mà không có ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Có thế đó chỉ là những nhu cầu bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng cũng có thể là những khát vọng cuộc sống, vững niềm tin và có lý tưởng sống tốt đẹp. Xã hội luôn muốn hướng con người đến một lối sống đẹp, văn minh, thân thiện, hòa động trong tập thể và cộng đồng. Lối sống đẹp được xem là một tiêu chuẩn đạo đức chung là thước đo đánh giá nhân cách của mỗi người trong xã hội, đang được định hướng được áp dụng rộng rãi trong quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường để góp phần tạo nên một đất nước văn minh, tiến bộ.

Trước hết chúng ta phải hiểu được thế nào là sống đẹp? “ Sống đẹp” chỉ là hai từ ngắn gọn, đơn giản là thế những hàm nghĩa mang lại không hề giản đơn. Không phải ai trong chúng ta đã hiểu hết được khái niệm hàm ý bao quát của nó. Sống đẹp trước tiên là sống biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, đồng cảm và rộng lòng vị tha với mọi người xung quanh, không phân biệt đối xử giàu nghèo, miệt thị người có hoàn cảnh có khăn, không có thái độ tự cao, tự đại.

Sống đẹp là người luôn có mục tiêu, kế hoạch, luôn có ước mơ, khát vọng và lý tưởng sống rõ ràng. Sống đẹp là người có ý chí, nghị lực và vươn lên trong cuộc sống, sống dũng cảm, bản lĩnh vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc đời để chắp cánh ước mơ bay cao bay xa. Sống đẹp là sống yêu thương, trân trọng, sẻ chia với mọi người, trân trọng những gì mình có, đồng thời cũng biết căm ghét, lên án, phê phán những điều sai trái, những tội ác và bảo vệ chính nghĩa và lẽ phải.

Một người sống đẹp có thể biểu hiện ở nhiều góc độc khía cạnh, ở trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có những điểm chung là luôn có ước mơ, hoài bão và lý tưởng tốt đẹp. Ước mơ đó dù nhỏ hay lớn, dù bình thường hay cao sang thì cũng trải qua sự nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được những mục tiêu vạch đích đã đặt ra, chạm tới ước mơ. Lối sống đẹp thể hiện cả quá trình mỗi cá nhân tu dưỡng đạo đức, nhân cách, thể hiện lòng nhân hậu, bác ái, có lòng vị tha, sự khoan dung đối với những sai lầm của người khác. Những biểu hiện trong thực tế cuộc sống xã hội hiện nay về lối sống cao đẹp: chẳng hạn như hoạt động thiện nguyện, quyên góp quỹ vacxin Covid-19, giúp đỡ đồng bào thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, những nạn nhân chất độc màu da cam do chịu hậu quả của chiến tranh,… Sống đẹp đơn giản là cách ứng xử lịch sự, hòa đồng thân thiện với mọi người xung quanh. Một người có lối sống đẹp không những cố gắng tu dưỡng đạo đức, tuân theo các chuẩn mực xã hội mà còn phải nghiêm túc chấp hành pháp luật, là một công dân tốt có ích cho xã hội, thể hiện lòng yêu nước tha thiết, sẵn sàng ra đi khi Tổ quốc gọi tên. Người có lối sống đẹp là một người có lối sống văn minh, ngay thẳng, không bị cám dỗ bởi những giá trị tầm thường, những thói hư tật xấu, luôn biết cân bằng cuộc sống cá nhân, có kế hoạch rõ ràng, đặt lợi ích của tập thể lên trên nhu cầu của cá nhân, luôn có ý chí phấn đấu, vươn lên không mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh của bản thân, tự tin bình tĩnh trong mọi trường hợp.

Sống đẹp phải tùy thuộc vào lứa tuổi, vị thế xã hội. Các em nhỏ chăm ngoan, vệ sinh sạch sẽ, học giỏi là sống đẹp. Các cụ già “tuổi xưa nay hiếm” lại nêu cao khẩu hiệu: “Sống khỏe, sống vui, sống có ích” để làm gương cho con cháu noi theo. Một em bé chăn trâu đã dũng cảm nhảy xuống dòng sông cứu bạn khỏi chết đuối là sống đẹp. Một cán bộ biên phòng dũng cảm băng qua dòng nước lũ để cứu dân là sống đẹp. Một Việt kiều, một cán bộ sứ quán Việt Nam đã nêu cao, làm nổi bật những nét bản sắc của nhân dân ta trước bạn bè năm châu bốn biển là sống đẹp.

Phải biết sống đẹp trong đời thường hằng ngày. Siêng năng làm ăn, cần cù lao động, sống giản dị khiêm tốn, học hành chăm chỉ… là sống đẹp. Tham ô, lãng phí, đè đầu cưỡi cổ nhân dân là kẻ tha hóa, bất lương. Cán bộ, công chức sống đẹp là phái thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm theo điều Bác Hồ dạy là sống đẹp.

Thầy, cô giáo thương yêu, chăm lo dạy bảo học sinh, coi học sinh như con em ruột thịt của mình, phấn đấu dạy tốt, dạy giỏi là sống đẹp. Thầy thuốc hết lòng săn sóc bệnh nhân, chữa bệnh giỏi, lương y như từ mẫu là sống đẹp.

Nhân ái là truyền thống đạo lí cao đẹp của nhân dân. Tình thương đã tỏa sáng tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Các câu ca, câu hát: “Lá lành đùm lá rách”, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” luôn luôn được hàng triệu người nhắc đi nhắc lại và làm theo. Người có lòng nhân sống yêu thương săn sóc mọi người là sống đẹp.

Gia huấn ca tương truyền là của Nguyễn Trãi được các cụ già nhắc lại để khuyên bảo con cháu biết sống đẹp đế giữ lấy gia phong, giữ lấy nếp nhà:

Khi còn bé tại gia hầu hạ,

Dưới hai thân vâng dạ theo lời

Khi ăn, khi nói, khi cười,

Vào trong khuôn phép, ra ngoài đoan trang…

Thời kháng chiến chống Mĩ tuổi trẻ Việt Nam đã xả thân anh dũng chiến đấu để sống đẹp, nêu cao tâm thế và lí tưởng: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thẳng!”.

“Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?” – Đó là một câu thơ, câu hỏi rất thú vị. Một anh bạn đã nói: “Chí hướng của mình là học giỏi hôm nay để làm giàu ngày mai”. Lại có một cô nữ sinh lớp 12 tâm sự: “Phấn đấu thi tốt nghiệp, thi đại học đạt điểm cao, thi đỗ vào trường mà mình mơ ước”.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều cách sống khác nhau. Có người thì chọn cách sống ẩn dật. Có người thì chọn cách sống xa hoa, tiêu xài lãng phí vô tội vạ. Cũng có người chọn cách sống “Làm người của công chúng”. Chúng ta có rất nhiều con đường để lựa chọn cách sống riêng của mình. Như thế, việc lựa chọn giữa “sống đẹp” và “sống xấu” sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng ta. Và trong một lần nghĩ suy, nhà thơ Tố Hữu đã đặt cho ta một nghi vấn: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn…?” Gợi lên biết bao suy nghĩ trong lòng chúng ta.

Trước hết, “sống đẹp” là như thế nào? Tùy trường hợp và hoàn cảnh, cũng như cuộc sống xã hội, chúng ta có thể hiểu hai từ ngữ này theo nhiều phương diện. Có người cho rằng “Sống đẹp” là vẻ bề ngoài sang trọng, quý phái, cũng có thể là ăn mặc theo thời đại. Có những người lại nghĩ đó là cách sống ẩn dật, tu hành. Thế nhưng liệu nhà thơ Tố Hữu có muốn nhắm tới ý nghĩa kia chăng??? Theo quan điểm riêng của tôi là không. “Sống đẹp” có lẽ đơn giản là sống tốt, giúp đời, giúp người bằng chính trái tim chân thành, vốn dĩ được sinh ra để yêu thương và cảm nhận tình yêu thương.

Có vẻ như định nghĩa từ ngữ trên cách nhìn của tác giả thật đơn giản nhưng xét ra cũng chẳng giản đơn trong đời sống hằng ngày là mấy. Đó thật là một suy nghĩ vô cùng tiêu cực. Trong cuộc sống này, hằng ngày có biết bao con người đang trao cho nhau những cử chỉ yêu thương nhẹ nhàng, đằm thắm. Cũng có biết bao nụ cười ánh mắt đem tới niềm hạnh phúc, ủi an cho người khác. Những cử chỉ nhỏ nhặt đó thôi có lẽ cũng đủ gọi là “Sống đẹp” rồi. Bởi vì một người “sống đẹp” là một người luôn đem tới niềm tin và sức mạnh cho người khác.

Có thể hiểu "Sống đẹp" là sống có ích, là sống có lí tưởng, có bản lĩnh vững vàng, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, trong sáng. Chỉ khi xác định được điều đó ta mới sống và làm việc thật sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Bản thân tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người nên cố gắng hoàn thành tốt công việc mình đang làm cũng là sống đẹp. Trong thực tế, rất có thể có một số bạn trẻ nghĩ "Sống đẹp" là một khái niệm xa vời, khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng và sâu vào vấn đề này trong thời kì đất nước đổi mới tiến vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa ta thấy điều đó thật sự không có gì xa lạ, khó thực hiện; mà trái lại nó tồn tại ngay trong cách nghĩ, cách làm hay nói gần hơn là trong cách ăn nói, ứng xử trong lao động, công tác, học tập và đời sống thường nhật của mỗi con người. Nếu như trong chiến tranh, lớp lớp cha anh ta đã sống và cống hiến quên mình cho nền độc lập dân tộc, tính mạng con người và cuộc sống hạnh phúc cá nhân là rất quý giá, nhưng tất cả đều được tình nguyện gác lại, tình nguyện hi sinh, họ sẵn sàng đánh đổi những gì là riêng tư nhất để đổi lấy nền độc lập dân tộc. Họ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" khi tuổi đời còn rất trẻ và cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp chung của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, họ đã tự nguyện ra đi, chiến đấu và hi sinh anh dũng. Đó là sự dấn thân, cống hiến hoàn toàn tự nguyện khi bản thân đã hiểu thế nào là lẽ sống của một con người và lí tưởng của Người Cộng sản. Họ đã có niềm tin tuyệt đối vào độc lập tự do, có lí tưởng cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vô tư dâng hiến tuổi trẻ và cuộc đời cho đất nước. Niềm tin và lí tưởng ấy được bồi đắp và khích lệ mạnh mẽ bởi sự hi sinh lớn lao và nhân cách cao cả của bộ máy lãnh đạo mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao nhiêu anh hùng, liệt sĩ đã nghĩ và hành động như vậy. Ngày hôm nay, sống giữa đất trời hoà bình, khi chiến tranh đã lùi xa, phần lớn mọi sự so sánh giữa thời chiến tranh với thời hiện tại đều có rất nhiều sự khác biệt, nhưng có một điểm chung rất thống nhất trong tình cảm và lí trí của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay chính là: lí tưởng cách mạng và khát vọng sống, cống hiến cho quê hương, đất nước. Bởi tôi nghĩ, ở mỗi con người nhu cầu khẳng định mình là rất lớn; nhất là ở tuổi trẻ, bởi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các bạn trẻ cũng luôn luôn khát khao được thực hiện những ước mơ và khát vọng của bản thân. Nếu như những ước mơ, khát vọng, niềm tin và lí tưởng ấy được quan tâm, chăm sóc, giáo dục và khơi dậy sẽ biến nó thành sức mạnh to lớn để phát triển đất nước và sẽ là những đoá hoa thơm có ích giữa cuộc đời như lời Bác đã khẳng định khi tham dự Đại hội Đoàn lần thứ III năm 1961: "Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai".

Tôi đã nhìn thấy trong ánh mắt và qua chuyện kể của các bạn tình nguyện, ngọn lửa truyền thống yêu nước nồng nàn và lòng nhân ái cao đẹp của thanh niên ta. Riêng hai chữ "tình nguyện" đã nói lên những đức tính quên mình vì nước, vì dân của các bạn và một phong cách mới "mình vì mọi người", không đòi "mọi người vì mình".

Thực tế, trong cuộc sống có rất nhiều những tấm gương để chúng ta suy nghĩ và học tập noi theo. Với tôi, đó là tấm gương của em học sinh nghèo vượt khó để học và học rất giỏi Nguyễn Vũ Hoàng – Trường THPT Bố Trạch -Quảng Bình. Em có thể quá xa tôi về khoảng cách địa lí, cảm thấy em rất gần và có nhiều điều để cho tôi học tập.

Sinh ra trong một gia đình nghèo trên mảnh đất khô cằn bởi khí hậu và bom đạn, tưởng rằng như thế cũng đã là thử thách dành cho Hoàng, nhưng không, mẹ Hoàng lại còn bị bệnh hiểm nghèo, bố là thương binh, sức khoẻ yếu. Trong hoàn cảnh đó em đã biết vượt lên số phận để vừa lao động mưu sinh vừa học tập. Niềm khát khao được học tập của em đã làm cho bà ngoại của em có một hành động rất đáng nhớ, đó là hàng ngày đi cắt lúa mót, vừa là để ăn, vừa là để bán, bởi mùa nào thì thức đó, bà đều đặn để vào hũ tiết kiệm tiền cho Hoàng đi học: 1.000 đồng. Điều tôi học được từ Hoàng đó chính là ý chí phấn đấu không mệt mỏi của em. Không cam chịu, không đầu hàng số phận, không buông xuôi bản thân mình, em đã cố gắng và đã là học sinh giỏi trong 12 năm liền và hơn thế em đã là người vinh dự đội vòng nguyệt quế của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" với một phần thưởng vô cùng lớn lao đó là được đi du học nước ngoài.

"Sống đẹp" phải chăng nó cũng giống như lí tưởng và ước mơ, bao giờ nó cũng đi đôi với nhau. Bởi chỉ sống đẹp, có ước mơ không thôi thì sẽ dễ sản sinh ra một lớp người chỉ thích hưởng thụ, dễ lầm lạc và dễ sa ngã. Còn sống chỉ có lí tưởng thì con người dễ bi quan, dễ chao đảo khi có cái gì đó không như họ muốn, họ nghĩ vậy thì chẳng khác nào sống có ích, có lí tưởng là cái gì đó thật cao quý, tốt đẹp mà mình mơ ước và hướng tới, coi đó là mục đích phải thực hiện được, dẫu phải trải qua những khó khăn gian khổ. Có những lúc, chính cái "Sống đẹp" mà mình đang kiên trì hướng tới lại là cái tạo cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn. "Sống đẹp" cũng là lí tưởng cao đẹp của một thời, lí tưởng càng đẹp càng cao thì sức mạnh càng nhân lên gấp bội. Thời kháng chiến gian khổ ác liệt, sống chết trong gang tấc thì cái lí tưởng giải phóng đất nước đánh đuổi kẻ thù luôn là động lực thúc đẩy để người chiến sĩ cách mạng vượt lên và chiến thắng. Trong hoà bình xây dựng đất nước, không phải là không có kẻ thù, không có những cản trở đê hèn luôn rình rập để lôi kéo con người tha hoá, biến chất. Chính cái lí tường sống nhân ái, mong muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh lại là niềm cổ vũ, là sức mạnh đế những con người tự khẳng định và trưởng thành.

"Sống đẹp" là chúng ta phải biết dung hoà mọi mặt: môi trường sống và làm việc, quan hệ xã hội, gia đình… Một hành động giúp đỡ người già cả, tàn tật. người gặp khó khăn hoạn nạn; một phong trào cứu trợ đồng bào bị thiên tai; một phong trào đền ơn đáp nghĩa rộng khắp; nhùng lớp học tình thương đem ánh sáng văn hoá đến với trẻ em nghèo… tất cả những việc làm ấy là kết quả của một cách sống coi trọng nhân nghĩa. Chúng ta thật sự cảm động khi bắt gặp rất nhiều những hình ảnh thanh niên tình nguyện đang lao động quèn mình trên mọi miền đất nước. Đấy là những thanh niên có lí tưởng cao đẹp, có trái tim nồng nhiệt, xung kích vào những công việc mà Tổ quốc và nhân dân gọi đến. Xin mượn câu nói của Pasteur để nói về một đỉnh cao sống đẹp: "Học vấn không có quê hương, nhưng người học cần phải có Tổ quốc”.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON