YOMEDIA

Nghị luận xã hội về câu nói Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu đến các em học sinh tài liệu Nghị luận xã hội về câu nói Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng dưới đây bao gồm: Sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng bài văn mẫu nhằm giúp các em có những bài học bổ ích trong cuộc sống. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu hát của Đen Vâu.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu câu ngạn ngữ “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”.

b. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu ngạn ngữ và giá trị của nó trong việc đánh giá một sự vật:

- Vàng là kim loại quý hiếm, có giá trị cao, màu sắc óng ánh bắt mắt. Trên thực tế, có những thứ cũng có sắc màu óng ánh rất đẹp nhưng lại không phải là vàng. Thế nhưng chính cái hình thức bên ngoài ấy lại dễ làm cho người ta nhầm lẫn, thậm chí lóa mắt trước sự rực rỡ của chúng.

- Câu ngạn ngữ như một lời nhắc nhở con người hãy thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một hiện tượng. Vì vậy, để có được một cái nhìn chính xác, khách quan, con người cần phải bỏ thời gian để tìm hiểu, suy xét trên mọi phương diện và nhất thiết là không được để cho hình thức bên ngoài làm ảnh hưởng đến quyết định.

- Con người rất dễ bị cuốn hút bởi những thứ xa hoa, phù phiếm như vậy mà quên đi mất những giá trị đích thực của chính sự vật, sự việc đấy. Chung quy cũng là từ nhu cầu ngày càng nâng cao của con người. Chính vì vậy, yêu cầu về cái đẹp, về thẩm mỹ ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn bao giờ hết. Đấy cũng chính là lí do khiến con người dễ dàng bị thu hút bởi vẻ óng ánh, mĩ miều bên ngoài của các sự vật mà quên mất chất lượng thật sự bên trong đó như thế nào.

- Vẻ óng ánh hào nhoáng của những thứ giả tạo ấy khiến con người phải loá mất và những tác hại mà nó đem lại khiến con người phải đau lòng.

- Giá trị của câu ngạn ngữ trong việc đánh giá con người: Câu ngạn ngữ có giá trị cảnh tỉnh con người phải tỉnh táo trước những giá trị ảo, đừng nhìn vào vẻ bề ngoài bóng bẩy, hào nhoáng mà vội đánh giá một con người.

- Người ta hoàn toàn có thể tự tạo cho mình một dáng vẻ bề ngoài bóng bẩy, lôi cuốn bằng một cách nguy trang khéo léo nào đó nhưng nhân cách và bản tính của chính họ thì dù có được che đậy khéo léo đến đâu cũng không thể nào giàu giếm mãi được.

- Đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người chính là thông điệp sâu sắc nhất mà câu ngạn ngữ muốn nhắn nhủ đến tất cả chúng ta.

* Liên hệ với việc rèn luyện của bản thân:

- Nét đẹp của mỗi con người toát lên từ hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong. Hình thức bên ngoài không hẳn là sắc đẹp. Phẩm chất bên trong mới là điều quan trọng nhất.

- Câu ngạn ngữ đặt ra cho mỗi người nhiệm vụ tìm ra cho mình một cách sống, cách rèn luyện bản thân để trở thành một thứ vàng thật sự, óng ánh bên ngoài và rạng rỡ bên trong

c. Kết bài:

- Khẳng định những giá trị đích thực của cuộc sống không nằm ở sự rực rỡ, hào nhoáng bên ngoài mà tiềm ẩn ở bên trong. Cho nên, khi nhìn nhận, đánh giá bất kì một sự vật, hiện tượng hay bất kì một ai, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài mà bỏ qua phẩm chất thật sự bên trong.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy nêu suy nghĩ của em về câu nói Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng bằng một bài văn ngắn.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Bạn đã từng đọc truyện “Thầy bói xem voi” chưa? Tôi nghĩ chắc hẳn trong các bạn đa số đã đọc rồi, dù không đọc cũng đã nghe kể về câu chuyện phổ biến này. Câu chuyện dạy chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện, một mặt mà đã vội rút ra kết luận, nhận định vấn đề hoặc sự vật nào đó. Và trong cuộc sống thực tế cũng vậy, ta không thể chỉ nhìn vỏ bọc tốt đẹp, vẻ hào nhoáng bên ngoài mà đã vội vàng tin tưởng, rút ra kết luận được. Vì một lí lẽ rất đơn giản: “Không phải cái gi óng ánh cũng là vàng".

Vàng là một kim loại quý nhưng xét về độ sáng nó không bằng nhôm, xét về tính dẫn điện lại không bằng bạc, vậy thì sao vàng lại là kim loại quý nhất? Đó là vì vàng có độ bền rất cao. Nhôm tuy óng ánh nhưng dễ bị oxi hóa, rỉ sét rất nhanh chóng, còn bạc tuy dẫn điện tốt hơn nhưng độ bền cũng không thể sánh bằng vàng. Người ta thường nói rằng “Vàng thật không sợ lửa’’ và họ lấy vàng làm chuẩn mực, ví von cho nhiều điều sâu sắc hơn trong cuộc sống, nhấn mạnh cho chúng ta hiểu rõ giá trị đích thật chính là vẻ đẹp trong tâm hồn chứ không phải vẻ ngoài. Câu nói “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng” có nghĩa là trong đời thường không phải cái gì óng ánh, rực rỡ sắc vàng cũng là vàng. Trong cuộc sống muôn màu không phải cứ có vẻ ngoài đẹp đẽ là phẩm chất sẽ tốt đẹp. Chúng ta đừng nên vội đưa ra nhận xét hay kết luận quá nhanh khi chỉ mới nhìn vẻ ngoài. Cũng như ông bà ta thường khuyên rằng “đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Trường hợp này chúng ta cũng bắt gặp được trong tác phẩm “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải khi nhân vật “Tôi” đến Hà Nội với vẻ ngoài quê mùa hỏi thăm đường lại bị coi thường, không đếm xỉa tới dù nhân vật “tôi” là một người cao tuổi đã qua nhiều trải nghiệm đáng quý trong đời người. Đó cũng chính là căn bệnh chung của xã hội và giới trẻ thời nay. Họ chỉ quan tâm đến việc chăm chút bề ngoài, họ bỏ bao nhiêu là tiền bạc để lấy sự trẻ trung, xinh đẹp, sang cả nhưng ít ai chịu dành vài phút để xây dựng vẻ đẹp tâm hồn mình. Họ nhìn người, kết bạn, tôn trọng đối phương hay không cũng dựa trên vẻ ngoài, danh tiếng chứ chẳng thèm nhìn tới giá trị tinh thần của người khác vì cả giá trị của chính họ cũng đã bị bỏ quên lâu rồi.

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề và hãy thức tỉnh đi! Đừng mắc phải căn bệnh đáng sợ trên. Thử hỏi có giá trị nào cao bằng đạo đức và tâm hồn. Không có đạo đức có nghĩa là nhân cách bị sụt giảm nghiêm trọng, không có tâm hồn thì bạn sống chẳng qua chị còn cái vỏ ngoài mà thôi. Đừng để bản thân mình và những người xung quanh chỉ có bề ngoài còn bên trong thì hoàn toàn rỗng tuếch.

Tôi đọc đâu đó một câu chuyện như sau: Có một anh chàng họa sĩ từ lâu ôm ấp ước mơ để lại cho hậu thế một tuyệt tác. Và rồi một ngày kia chàng bắt tay vào việc. Để tránh sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, chàng dựng một khung vẽ rộng 30 mét vuông trên sân thượng một tòa nhà cao tầng lộng gió. Người họa sĩ làm việc miệt mài suốt nửa năm. Chàng say mê bức họa tới mức quên ăn quên ngủ. Khi bức tranh hoàn thành, nó sẽ đưa tên tuổi của chàng sống mãi với thời gian. Một buổi sáng nọ, như thường lệ, chàng họa sĩ tiếp tục hoàn chình những nét cọ trước sự trầm trồ của hàng chục du khách tham quan. Tuy nhiên, sự có mặt của đám đông không hề ảnh hưởng tới họa sĩ. Chìm đắm trong cơn say mê điên dại, chàng ngây người nhìn ngắm thành quả lao động sáng tạo của mình. Cứ thế, chàng từ từ lùi ra xa để chiêm ngưỡng bức tranh mà không biết rằng mình đang tiến tới mép sân thượng. Trong số hàng chục người khách tham quan đang bị bức tranh hút hồn, chỉ có vài người phát hiện ra mối nguy hiểm đang chờ đón người họa sĩ chỉ lùi một bước nữa là chàng sẽ rơi tõm xuống khoảng trống mênh mông cao cả trăm mét. Tuy nhiên, không ai có can đảm lên tiếng vì biết rằng một lời cảnh báo có thể sẽ khiến người họa sĩ giật mình ngã xuống vực thẳm. Một sự im lặng khủng khiếp ngự trị trong không gian, Bất chợt một người đàn ông tiến tới giá vẽ. Ông ta chộp lấy một cây cọ nhúng nó vào hộp màu và bôi nguệch ngoạc lên bức tranh. Một sự hoàn mỹ tuyệt vời đã bị phá hủy. Người họa sĩ nổi giận, anh ta gầm lên đùng đùng lao tới bức vẽ, giật cây cọ từ tay người đàn ông nọ. Chưa hả giận, người họa sĩ vung tay định đập cho người đàn ông nọ một trận. Tuy nhiên, hàng chục người xung quanh cũng đã kịp lao tới, giữ lấy người họa sĩ và giải thích cho anh ta hiểu tình thế. Rồi một vị cao niên tóc bạc phơ đến bên chàng họa sĩ và nhẹ nhàng nói: "Trong cuộc đời; chúng ta thường mải mê phát ra những bức tranh về tương lai. Tuy rằng bức tranh đó có thể rất đẹp, rất quyến rũ nhưng chính sự quyến rũ, mê hoặc về những điều sắp tới đó thường khiến chúng ta không để ý tới những mối hiểm họa gần kề, thậm chí là ngay dưới chân mình. Vậy nên, nếu như có ai đó bôi bẩn, làm hỏng bức tranh về tương lai mà ta dày công tô vẽ, xin bạn chớ nóng vội mà oán giậu. Trước tiên hãy xem lại hoàn cảnh thực tại của chính mình. Biết đâu một vực thẳm đang há miệng chờ đón ngay dưới chân bạn.

Chúng ta đa số cũng gần như anh chàng nghệ sĩ trên, cái chúng ta thường hướng tới là những cái đẹp phù phiếm mà quên đi thực tế phải như thế nào. Chúng ta quá chú trọng bề ngoài để rồi dần quên đi bản chất bên trong mà quên mất rằng “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Hãy đừng mắc sai lầm như anh chàng họa sĩ kia, hãy biết nhìn sự vật sự việc một cách toàn vẹn, đừng đánh giá và quyết định dựa vào vẻ bề ngoài.

Trong xã hội có những người vẻ ngoài sang trọng, hào nhoáng nhưng lại ích kỉ, nhỏ nhen, có người ăn mặc đơn sơ, giản dị nhưng sần lòng giúp đỡ bất kì ai khi gặp khó khăn. Nếu là bạn bạn sẽ chọn ai làm bạn bè? Đừng chỉ lo chăm chút bề ngoài mà hãy nhớ rằng vẻ đẹp nhân cách, đạo đức, tâm hồn mới là chuẩn mực thật sự của vẻ đẹp nhân loại. Hãy nhớ rằng “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng” và không phải cái gì tối tãm, bèo nhèo cũng là cặn bã. Hãy nhớ rằng quanh ta không thiếu những thứ chỉ có giá trị ảo, chỉ lốt đẹp bên ngoài: Một nhân cách cao đẹp, một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương đó mới chính là giá trị đích thật - đó là vàng vậy!

3.2. Bài văn mẫu số 2

Đất nước ngày càng văn minh, kinh tế ngày càng vững mạnh, đời sống con người ngày càng được nâng cao. Thế nhưng trong guồng quay tất bật của nhịp sống công nghiệp, liệu có mấy ai để ý đến mặt trái của sự phát triển thần tốc kia? Nó mang lại cho con người một cuộc sống vật chất đầy đủ, tiện nghi hơn trước nhưng cũng dễ khiến người ta mờ mắt bởi những thứ sang trọng, hào nhoáng. Nó mang lại cho con người một. đời sống tinh thần thoải mái, vui vẻ nhưng cùng dỗ khiến người ta bị cám dỗ bởi những thứ phù phiếm, không thực. Để cánh tình con người trước môi nguy hiểm dó, ngạn ngữ Anh có câu: “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Câu ngạn ngữ tuy ngắn gọn nhưng đã bày ra cho mọi người cách nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, thậm chí là một con người và hướng cho chúng ta cách để rèn luyện chính bán thân mình.

Ai trong chúng ta cũng biết vàng là một thứ kim loại quý hiếm, thường được dùng làm đồ trang sức hay để nạm lên những sản phẩm thủ công mĩ nghệ tinh xảo. Màu sắc óng ánh rất bắt mắt của vàng giúp con người phân biệt được nó với các kim loại khác. Hơn nữa, vàng lại có giá trị rất cao nhờ những phẩm chất lí hoá đặc biệt. Nhưng “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Trên thực tế, có những thứ cũng có sắc màu óng ánh rất đẹp nhưng lại không phải là vàng và tất nhiên là chẳng có giá trị gì hết. Chúng có thế chỉ là một mảnh kim loại nhôm hay đồng được con người phủ lên một lớp nhũ vàng óng ánh nhằm đánh lừa thị giác những ai nhìn thấy nó. Thế nhưng chính cái hình thức bên ngoài ấy lại dễ làm cho người ta nhầm lẫn, thậm chí lóa mắt trước sự rực rỡ của chúng. Chính vì vậy mà câu ngạn ngữ này ra đời như một lời nhắc nhở con người hãy thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một hiện tượng. Đừng vì dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài mà vội đi đến kết luận, phải biết xem xét, đánh giá từng khía cạnh của vấn đề và cực kì thận trọng khi đưa ra nhận xét cuối cùng. Đánh giá một sự vật, sự việc không phải là chuyện đơn giản và đặc biệt lời nhận xét, bình luận của bất kì một ai cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự vật, sự việc ây. Vì vậy, để có được một cái nhìn chính xác, khách quan, con người cần phải bỏ thời gian để tìm hiểu, suy xét trên mọi phương diện và nhất thiết là không được để cho hình thức bên ngoài làm ảnh hưởng đến quyết định. Ấn tượng ban đầu là một yếu tố rất quan trọng. Cho nên những thứ có vẻ ngoài bắt mất rất dỗ chiếm ưu thế. Lợi dụng điều đó nhiều nhà sản xuất đã cho ra dời những vật dụng chỉ chú trọng về mẫu mã mà không cần quan tâm đến chất lượng hòng đánh lừa thị hiếu người tiêu dùng. Rốt cuộc cái vè đẹp đẽ, sang trọng bên ngoài chi là lớp vỏ che đậy cho sự giả dối bên trong mà thôi. “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Không phải cái gì đẹp cũng là tốt. Không phải cái gì sang trọng cũng là quý. Con người rất dỗ bị cuốn hút bởi những thứ xa hoa, phù phiếm như vậy mà quên đi mất những giá trị đích thực của chính sự vật, sự việc đấy. Vậy nhược điểm đó xuất phát từ đâu? Chung quy cũng là từ nhu cầu ngày càng nâng cao của con người. Ngày xưa, lúc còn nghèo khổ, người ta chỉ ước được có ăn. Bây giờ khi cuộc sống đầy đủ, người ta không chỉ muốn ăn đủ mà còn phải ăn ngon. Ngày xưa con người chỉ mong có tấm áo che thân. Giờ đây nhu cầu ấy lại được nâng lên gấp nhiều lần, mặc ấm không thôi chưa đủ mà còn phải mặc đẹp. Chính vì vậy, yêu cầu về cái đẹp, về thẩm mĩ ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn bao giờ hết. Đấy cũng chính là lí do khiến con người dễ dàng bị thu hút bởi vẻ óng ánh, mĩ miều bên ngoài của các sự vật mà quên mất chất lượng thật sự bên trong đó như thế nào. Đây quả là một điều vô cùng tai hại cho con người. Bởi chính con người bị sự óng ánh của những thứ chắc chắn không phải là vàng đó đánh lừa và rồi chính con người phải đón nhận những hậu quả có thể có khi nhận ra chúng quả thật không phải là vàng như mình vẫn nghĩ. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những thứ đồ chơi lạ mắt, có xuất xứ không rõ ràng đã khiến cho nhiều em bé bị ngộ độc nặng khi vô tình hít hay nuốt phải, vẻ óng ánh hào nhoáng của những thứ giả tạo ấy khiến con người phải loá mắt và những tác hại mà nó đem lại khiến con người phải đau lòng. “Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Câu ngạn ngữ tuy đơn giản nhưng lại có một sức nặng rất lớn. Nó giáo dục con người phải hết sức thận trọng khi nhìn nhận một sự vật, sự việc nào đấy và đặc biệt là không được để sự cuốn hút bên ngoài làm ảnh hưởng đến đánh giá của chính bản thân mình.

Mở rộng ra, câu ngạn ngữ còn có giá trị cảnh tỉnh con người phải tỉnh táo trước những giá trị ảo, đừng nhìn vào vẻ bề ngoài bóng bẩy, hào nhoáng mà vội đánh giá một con người. Ý nghĩa của nó không còn nằm trong khuôn khổ đánh giá một sự vật, sự việc nữa mà đã được đào sâu, nâng cao thành đánh giá một con người. Việc làm này còn khó khăn hơn việc trước rất nhiều. Bởi đánh giá một con người không hề là một chuyện đơn giản. Ông cha ta có câu: “Biết người, biết mặt, ai dễ biết lòng” là như vậy. Những vật vô tri vô giác, bản chất chúng thế nào thì vẫn nguyên như vậy, dù cho có được con người nguy trang bằng vẻ ngoài óng ánh, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát, xem xét thì sẽ tìm ra. Nhưng đối với một con người thì sự việc đã không còn đề dàng như thế. Bởi con người biết suy nghĩ, biết hành động, không quá khó khăn đế tạo ra cho mình một vẻ ngoài như ý muốn nhằm luồn lách qua sự đánh giá của mọi người. Không phải cứ nhìn thấy một người nói năng nhã nhặn, ngôn từ hoa mỹ thì đã vội kết luận đó là người tốt. Không phải cứ nhìn thấy một người ăn mặc sang trọng, lịch lãm thì đã vội kết luận đấy là một người có trình độ. Nói như vậy không phải phủ nhận hình thức bên ngoài của con người mà là muốn mọi người khi đánh giá bất kì một ai thì đừng quá coi trọng vẻ bề ngoài. Bởi “không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Hình dáng bên ngoài rất dễ để thay đổi nhưng bản chất con người thì không thế chuyển dời. Người ta hoàn toàn có thể tự tạo cho mình một dáng vẻ bề ngoài bóng bẩy, lôi cuốn bằng một cách nguy trang khéo léo nào đó nhưng nhân cách và bản tính của chính họ thì dù có được che đậy khéo léo đến đâu cũng không thể nào giấu giếm mãi được. Và thật ra, khi đã đạt được một mục đích nào đó của mình, người ta cũng sẽ tự tháo bỏ lớp vỏ ấy ra ngay thôi. Bởi sống không phải với con người thật của mình thì rất khó chịu. Chính điều này khiến cho những ai đã từng bị cuốn hút bởi chiếc áo lấp lánh sắc màu ấy phải bàng hoàng, thậm chí là nhận về mình những hậu quả khôn lường.

Cách đây vài năm, ở nước ta rộ lên phong trào lấy chồng nước ngoài hoặc Việt kiều. Đối tượng phần lớn là những cô gái quê, gia cảnh khó khăn, học hành không đến nơi đến chốn. Tầm nhìn hạn hẹp đã khiến cho những người nông dân tội nghiệp dường như lóa mắt trước những ông Tây sang trọng, quần áo, giày dép bảnh tỏn, xài tiền như nước cùng những lời hứa hẹn về một cuộc sống nhàn nhã, sung túc nơi đất khách quê người. Viễn cảnh mà các đức lang quân tương lai vẽ ra trước mắt quá đẹp khiến các cô gái chấp nhận rời bỏ gia đình, rời bỏ quê hương đi tìm một cuộc sống tươi đẹp hơn, để rồi khi nhận ra sự thật đằng sau bức rèm xa hoa, lộng lẫy, hào nhoáng đó thì đã quá muộn màng. Cho nên, đừng nhìn bề ngoài mà đánh giá một con người chính là thông điệp sâu sắc nhất mà câu ngạn ngữ muốn nhắn nhủ đến tất cả chúng ta.

Nét đẹp của mỗi con người toát lên từ hình thức bên ngoài và phẩm chất bên trong. Hình thức bên ngoài ấy không hẳn phải là sắc đẹp. Chính sự tự tin vào những gì mình có và khả năng dám nghĩ dám làm để biến chúng trở thành lợi thế của riêng mình mới là nét đẹp hoàn hảo nhất ở mỗi người, cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người khi sinh ra đều mang bản tính tốt đẹp. Sở dĩ xã hội có người tốt, kẻ xấu là do môi trường sống thay đổi, con người cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Chính vì vậy, dù trong bất kì hoàn cảnh nào con người cũng phải giữ vững lập trường, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” để những phẩm chất quý giá mà mình đã dày công rèn luyện không xuôi theo dòng chảy đen ngòm của cái xấu xa, nhơ bẩn. Câu ngạn ngữ ấy còn đặt ra cho mỗi người nhiệm vụ tìm ra cho mình một cách sống, cách rèn luyện bản thân để trở thành một thứ vàng thật sự, óng ánh bên ngoài và rạng rỡ bên trong.

“Không phải cái gì óng ánh cũng là vàng”. Câu ngạn ngữ tuy ngắn gọn nhưng đặt ra nhiều vấn đề khiến con người phải suy nghĩ. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Cái nết đánh chết cái đẹp” là những câu thành ngữ của dân tộc ta cũng mang cùng một ý nghĩa đó. Vậy là từ xa xưa, con người đã ý thức được những giá trị đích thực của cuộc sống. Nó không nằm ở sự rực rỡ, hào nhoáng bên ngoài mà tiềm ẩn ở bên trong. Cho nên, khi nhìn nhận, đánh giá bất kì một sự vật, hiện tượng hay bất kì một ai, chúng ta không nên chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài mà bỏ qua phẩm chất thật sự bên trong. Bởi chính những thứ không màu mè, không rực rỡ ấy mới là thứ vàng quý giá nhất, lấp lánh nhất của mỗi sự vật, mỗi con người và của toàn nhân loại.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON