Đoạn văn mẫu nghị luận xã hội bàn vềsức mạnh của lòng dũng cảm giúp các em biết cách lập dàn bài và viết đoạn văn 200 chữ đối với dạng đề nghị luận xã hội bàn về một vấn đề tư tưởng, đạo lý trong cấu trúc đề thi THPT Quốc gia 2017.
A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của lòng dũng cảm.
2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn
- Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xẫu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lý, chính nghĩa
b. Phân tích, chứng minh
- Vì sao sống phải có lòng dũng cảm?
- Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại.
- Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
- Ngày nay: Trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm...
- Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại.
c. Bàn luận
- Mở rộng: Lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển thể hiện ở vấn đề biển Đông hiện nay.
- Phản đề: Những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất châp công lý.
⇒ Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
d. Bài học rút ra
- Bài học nhận thức
- Lòng dũng cảm có sức mạnh cực kì lớn.
- Động lực thúc đẩy sự phát triển của con người.
- Gốc rễ của sự bứt phá, là cơ sở để vượt lên chính bản thân mình.
- Bài học hành động
- Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề : Hãy rèn luyện để có được lòng dũng cảm ấy ngay từ hôm nay. Đừng chần chừ vì cuộc đời là ngắn ngủi. Hãy sống hết mình để có một tương lai tươi sáng hơn
Đoạn văn mẫu
Đề bài: Anh (chị) hãy viết đoạn văn mẫu (khoảng 200 chữ) bàn về sức mạnh của lòng dũng cảm.
Đoạn văn tham khảo
Theo Nho giáo, đạo lý làm người đề cao năm đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. “Nhân” để thành người tốt. “Nghĩa” để thu phục nhân tâm. “Lễ” để luyện tâm chính. “Trí” để được thành danh. “Tín” để đạt thành công. Tuy không nhắc đến “dũng” nhưng tinh thần của “dũng” lại thấm nhuần trong tất cả các đức tính nêu trên. Vậy dũng cảm là gì? Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lý, chính nghĩa. Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại. Thể hiện trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và cả trong thời đại ngày nay. Tinh thần dũng cảm thể hiện ngay trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm. Điển hình ở đây là các chiến sĩ công an trong cuộc sống thường ngày đã cứu người bị hại, gặp nạn hoặc như lòng dũng cảm của các chiến sĩ cảnh sát biển thể hiện ở vấn đề biển Đông hiện nay; các anh đang ngày đêm bám biển để bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Nhưng bên cạnh đó còn có những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lý. Chúng ta cần phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, cần rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ ra khuyết điểm của bạn… Lòng dũng cảm có sức mạnh cực kì to lớn. Nó là động lực thúc đẩy sự phát triển của con người, là gốc rễ của sự bứt phá, là cơ sở để vượt lên chính bản thân mình. Hãy rèn luyện để có được lòng dũng cảm ấy ngay từ hôm nay. Đừng chần chừ vì cộc đời là ngắn ngủi. Hãy sống hết mình để có một tương lai tươi sáng hơn.
Trên đây là sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng đoạn văn nghị luận xã hội mẫu bàn về sức mạnh của lòng dũng cảm. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi nghị luận xã hội trong kì thi THPT Quốc gia năm nay. Đồng thời, tài liệu giúp các em ôn lại kiến thức cũng như rèn kĩ năng làm bài để có bước chuẩn bị thật tốt trước khi bước vào kì thi quan trọng này. Chúc các em đạt được kết quả thật cao trong kì thi sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Nghị luận về một tư tưởng đạo lý để ôn lại kiến thức một cách khái quát hơn đối với dạng đề này.
-- MOD Ngữ văn HỌC247 (tổng hợp và biên soạn)